Vi nhựa trong không khí tại TP.HCM lên đến 1.367 hạt/m²/ngày




Tốc độ lắng đọng vi nhựa trong không khí lên đến 1.367 hạt/m²/ngày ở khu vực bãi rác Phước Hiệp (TP.HCM). Trong khu vực đô thị, con số này dao động trong khoảng 71 – 917 hạt/m²/ngày.



Túi nilon là vật hữu dụng, song cũng trở thành nguồn chất thải nhựa lớn nhất trên toàn cầu. (Ảnh: Xuanhuongho/Shutterstock)

Các thông tin trên được chỉ ra trong “Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên- Môi trường (TN-MT), Cục Biển & Hải đảo Việt Nam thực hiện, được công bố vào trung tuần tháng 12/2023.

Báo cáo kết luận rằng ô nhiễm vi nhựa được ghi nhận ở tất cả các môi trường không khí, đất, nước, trầm tích, biển và sinh vật biển tại Việt Nam.

Vi nhựa ‘bủa vây’ con người

Ô nhiễm vi nhựa trong khí quyển được xác định ở mức nghiêm trọng. Một nghiên cứu trong nước chỉ ra mật độ vi nhựa trong không khí ở khu vực bãi rác Phước Hiệp (TP.HCM) lên đến 1.367 hạt/m²/ngày, cao hơn 50 lần so với kết quả quan trắc tại TP. Paris (Pháp). Thành phần nhựa trong khí quyển chủ yếu là dạng sợi (chiếm 64%) và dạng mảnh (chiếm 36%). Các mảnh nhựa được phát hiện có mật độ cao hơn trong mùa khô và thấp hơn trong mùa mưa.

Một nghiên cứu khác tại TP.HCM chỉ ra tốc độ lắng đọng vi nhựa từ khí quyển trong khu vực đô thị dao động trong khoảng 71 – 917 hạt/m²/ngày. Tương tự, các mảnh vi nhựa dạng sợi phổ biến hơn dạng mảnh, có kích thước từ 300 – 5.000 µm.



Túi nilon, mảnh nhựa cứng, hộp xốp… là những rác thải nhựa phổ biến nhất ở vị trí gần sông tại Việt Nam. (Nguồn: WWF Việt Nam)

Tại TP. Đà Nẵng, bụi đường có mật độ vi nhựa trung bình 20±14 hạt/m²; một số khu vực đã được ghi nhận có mật độ vi nhựa từ 22 – 40 hạt/m² với

kích thước trung bình là 791±530 µm. Kích thước vi nhựa thường nhỏ hơn tại các đường phố có mật độ giao thông lớn, thành phần chủ yếu gồm hai nhóm nhựa bao bì (PET, PS, PP, PE) và cao su (PU, EPDM, SBR, EPC).

Vi nhựa trong không khí xâm nhập vào cơ thể con người thông qua quá trình hít thở. Một số được loại bỏ tự nhiên bằng phản xạ hắt hơi và các quá trình đào thải khác của cơ thể, song một số loại vi nhựa dạng sợi có thể tồn tại trong phổi lên đến 180 ngày, tích lũy lâu dài dẫn tới các bệnh liên quan tới hệ hô hấp, điển hình như bệnh hen suyễn hay nặng hơn là ung thư phổi.

Tương tự ô nhiễm vi nhựa trong không khí, ô nhiễm vi nhựa trong đất tại Việt Nam chưa được chú trọng đánh giá, theo báo cáo của WWF Việt Nam. Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn (2022) cho hay kết quả phân tích đất than bùn tại tỉnh Long An cho thấy số hạt vi nhựa dao động từ 0 – 360 hạt/kg. Thành phần chủ yếu là các hạt vi nhựa dạng mảnh (chiếm 70%), bọt (17%), sợi (8,7%) và dạng màng (4,3%). Về thành phần hóa học, chủ yếu là nhựa PP, PE và PVC.



Rác thải nhựa trên mặt biển giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận, ngày 28/2/2019. (Ảnh: Nhu Hoang/Shutterstock)

Trong môi trường nước, nước sông Sài Gòn – Đồng Nai, vi nhựa tập trung với mật độ lớn từ 228.120 đến 715.124 sợi/m³, 23-300 mảnh và màng nhựa/m³. Trong trầm tích, vi nhựa tập trung với mật độ từ 38 – 498 hạt/m³. Thành phần hóa học của vi nhựa chủ yếu là PE (51%), PP (27%), PVC (13%) và các loại khác (8,3%).

Trong nước sông Nhuệ – Tô Lịch (Hà Nội), mật độ vi nhựa lên đến 56±11 hạt/m³. Thành phần vi nhựa dạng sợi, có nguồn gốc từ nước thải sinh hoạt, dệt may và xử lý chất thải.

Để so sánh, mật độ vi nhựa trong nước biển ở vịnh Cửa Lục (tỉnh Quảng Ninh) là 0,4 hạt/m³. Ở khu vực biển cửa sông Bạch Đằng, mật độ vi nhựa 0,98 – 3,4 hạt/m³, với giá trị trung bình 2 hạt/m³. Số lượng và mật độ vi nhựa có xu thế giảm từ gần bờ ra khơi.

Tại tỉnh Thanh Hóa, vi nhựa trong nước biển có mật độ dao động từ 16 – 44 hạt/m³, với giá trị trung bình là 30 hạt/m³.



Hà Nội, TP.HCM có mức thải báo động, từ 300-1500 tấn chất thải nhựa/ngày. (Nguồn: WWF Việt Nam)

Vi nhựa liên quan tới các chứng bệnh về hệ thần kinh, tim mạch…

Ngao, vẹm xanh, sò huyết, hàu và một số loài cá biển tại Việt Nam được xác định bị nhiễm vi nhựa. Mật độ vi nhựa trong ngao tại huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) trung bình là 4,6±2,9 hạt/cá thể đối với ngao 1 năm tuổi và 6,7±3,0 hạt/cá thể đối với ngao 2 năm tuổi.

Trong các mẫu ngao tại các bãi nuôi ở ven biển ĐBSCL, mật độ vi nhựa cao nhất trong mẫu thu được ở Tân Thành (tỉnh Tiền Giang) (1,9±0,24 hạt/g), tiếp theo là Ba Động (tỉnh Trà Vinh) (1,3±0,26 hạt/g), bãi Ba Tri (tỉnh Bến Tre) (1,3±0,14 hạt/g) và bãi Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) (1,1±0,14 hạt/g).

Tại TP. Đà Nẵng, vi nhựa được phát hiện trong tất cả 24 mẫu phân tích. Hàu nuôi ở gần bờ có mật độ vi nhựa cao nhất lên đến 19±9,0 hạt/cá thể, tương ứng 3,2±2,0 hạt/g thịt hàu. Ở xa bờ hơn, mật độ vi nhựa trong hàu giảm dần và có giá trị trung bình từ 12±6,7 đến 25±11 hạt/cá thể, tương ứng 0,76±0,55 đến 1,7±0,65 hạt/g thịt hàu.

Theo ước tính, hàng năm một người có thể hấp thụ từ 39.000 đến 52.000 hạt vi nhựa từ hít thở, tiêu thụ thức ăn và uống nước. Khi sử dụng nước đóng chai, số hạt vi nhựa nạp vào cơ thể có thể lên đến 9.000 hạt/năm), gấp hơn 2 lần khi sử dụng nước vòi (4.000 hạt/năm).

Hầu hết các vi nhựa đề chứa những thành phần phụ gia, thuốc nhuộm là những chất độc hại đối với con người, sinh vật.



Các sinh vật biển bị rác nhựa xâm lấn, tai bờ biển Mũi Né, Phan Thiết. (Ảnh: Asha_Joshi/Shutterstock)

Hạt vi nhựa sau khi thâm nhập, di chuyển, tích tụ và gây ra những rối loạn tới các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người. Các bệnh liên quan tới hệ thần kinh bao gồm rối loạn sự phát triển của hệ thần kinh, rối loạn tăng động và giảm chú ý ở trẻ, chứng tự kỷ, tâm thần và ảnh hưởng tới nhận thức và sự phát triển trí tuệ. Các bệnh liên quan tới tim mạch cũng được nghiên cứu liên quan tới vi nhựa. Ngoài ra, các hạt vi nhựa làm ảnh hưởng tới nội tiết tố, đi kèm các bệnh về tuyến giáp, ung thư tuyến giáp; ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi.

Trong năm 2021, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 4.460 tấn/ngày, tương ứng với 1,63 triệu tấn/năm. Tại khu vực nông thôn, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 3.561 tấn/ngày, tương ứng 1,3 triệu tấn/năm.

Cùng năm, tổng khối lượng chất thải nhựa được phân loại cho tái chế là 0,89 triệu tấn, tương ứng khoảng 30% khối lượng chất thải nhựa phát sinh. Tuy nhiên, khối lượng chất thải nhựa thực sự được đưa vào tái chế là 0,77 triệu tấn/năm. Trong đó, sẽ có khoảng 10% khối lượng chất thải nhựa thất thoát trong quá trình tái chế, tương ứng với 77.366 tấn.

Vĩnh Long

Chú thích: Nhựa PP (bao bì thực phẩm, phụ tùng ô tô); LDPE (túi sử dụng nhiều lần, màng bao bì thực phẩm); HDPE (đồ chơi, chai dầu gội đầu, đường ống…); PVC (khung cửa, lớp phủ sàn, đường ống, cáp cách nhiệt…); PS (bao bì thực phẩm, vật liệu cách nhiệt, thiết bị điện tử); PET (chai nước); PUR (cách nhiệt, nệm); ABS, chất đàn hồi, nhựa nhựa sinh học, PBT, PC, PMMA, PTFE,… (lốp xe, bao bì, điện tử, ô tô,…); Sợi làm từ polyme (trong dệt may và các ngành khác).


Tri Thức VN