Báo cáo: Ngân hàng trung ương Trung Quốc bí mật tích trữ hơn 5.300 tấn vàng








Vàng thỏi. (Shutterstock)

Một báo cáo gần đây của ông Jan Nieuwenhuijs, một chuyên gia nước ngoài tập trung nghiên cứu về thị trường vàng Trung Quốc, cho thấy lượng vàng tích trữ bí mật của Bắc Kinh đã vượt quá 5.300 tấn, cao gấp 2,4 lần con số mà chính quyền này công bố.

Bắc Kinh đã tích cực mua vàng trong 15 tháng liên tiếp. Dựa trên số liệu do Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council) báo cáo và số lượng vàng mua vào mà các ngân hàng trung ương báo cáo, ông Nieuwenhuijs tính toán rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tức ngân hàng trung ương Trung Quốc, đang thực sự nắm giữ 5.358 tấn vàng, cao hơn nhiều so với con số 2.250 tấn được công bố.

Ông Nieuwenhuijs đã đăng một bài viết trên trang web Gainesville Coins vào ngày 21/3 và nói rằng, Trung Quốc có thể là động lực đằng sau thúc đẩy giá vàng thế giới gần đây tăng cao, vì Bắc Kinh bắt đầu tích trữ vàng để bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động mất giá của đồng USD.

Theo ước tính của ông Nieuwenhuijs, PBoC đã phá kỷ lục khi mua 735 tấn vàng vào năm 2023, cao hơn 23% so với kỷ lục 597 tấn được thiết lập vào năm 2022.

Lượng vàng ngân hàng trung ương Trung Quốc nắm giữ là một bí mật trong giới tài chính

Trong số các ngân hàng trung ương của các nước, ngân hàng trung ương Trung Quốc là bên mua vàng lớn nhất trong năm 2023. Nhưng không ai biết PBoC sở hữu bao nhiêu vàng, đây là một trong những bí mật được giữ kín nhất trong giới tài chính.

Trước đây, ông Nieuwenhuijs từng viết bài giải thích chi tiết cách ông ước tính lượng vàng mà PBoC nắm giữ. Chỉ theo dõi lượng vàng Trung Quốc khai thác và nhập khẩu ròng thì không thể ước tính trữ lượng vàng tăng trưởng của PBoC, bởi vì trên thực tế số vàng này được bán cho khu vực tư nhân thông qua Sàn giao dịch vàng Thượng Hải.

"PBoC sử dụng USD để mua vàng ở nước ngoài, sau đó vận chuyển vàng đến Bắc Kinh mà không để lại bất kỳ dấu vết nào trong báo cáo của hải quan. Chỉ có một cách để có thể biết được PBoC đã mua bao nhiêu, đó là thông qua những người có liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng và nhà máy lọc dầu - những bên có mối quan hệ với PBoC”, ông Nieuwenhuijs nói.

Mỗi quý, Hội đồng Vàng Thế giới đều công bố dữ liệu ước tính tất cả các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính quốc tế đã mua bao nhiêu vàng. Ước tính này dựa trên dữ liệu công khai và thông tin tình báo trong ngành, bao gồm cả các giao dịch mua được báo cáo và không được báo cáo.

Ông Nieuwenhuijs giải thích rằng, ước tính hàng quý của Hội đồng Vàng Thế giới thường cao hơn số lượng mua được báo cáo của các ngân hàng trung ương, phần dư ra sẽ phản ánh số lượng mua không được báo cáo.

Hai người trong ngành nói với ông Nieuwenhuijs rằng, số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới là dựa trên nghiên cứu thực địa, trong phần dư kể trên thì “phần lớn” là các giao dịch mua bí mật của PBoC. Ông Nieuwenhuijs ước chừng “phần lớn” này tương đương với 80%.

Việc Bắc Kinh tích trữ lượng vàng khổng lồ có thể gây ra một ‘siêu bão’

Ông Nieuwenhuijs cho rằng việc Bắc Kinh mua vàng ồ ạt trong hai năm qua đã làm thay đổi thị trường vàng thế giới từ căn bản, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát giá vàng từ phương Tây và tạo ra giá vàng.

Nhu cầu tích trữ của Bắc Kinh, cùng với nhu cầu cá nhân của các nhà đầu tư Trung Quốc - những người đã từ bỏ các lĩnh vực đầu tư truyền thống như bất động sản và chứng khoán, đã trở thành động lực thúc đẩy giá vàng.

Trong quá khứ, giá vàng thế giới thường phản ứng theo thị trường và ít nhiều bị ảnh hưởng bởi xu hướng lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Giá vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất này. Khi lãi suất giảm, lợi nhuận trái phiếu giảm, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, v.v. Ngược lại, lãi suất cao hơn thì thường làm cho vàng kém hấp dẫn hơn vì vàng không có lãi so với trái phiếu. Ngoài ra, đồng USD mạnh hơn cũng khiến vàng kém hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, bây giờ xu hướng này đã không còn nữa.

Ông Nieuwenhuijs cho rằng, khi ngành bất động sản Trung Quốc bắt đầu sụp đổ vào cuối năm 2021, người dân Trung Quốc cũng bắt đầu tăng cường mua vàng, có thể do các biện pháp kiểm soát vốn nên các nhà đầu tư Trung Quốc không có nhiều nơi để đầu tư ngoài thị trường chứng khoán, bất động sản và vàng trong nước. Vì vậy khi thị trường chứng khoán và thị trường nhà ở suy thoái, vàng càng trở nên hấp dẫn hơn.

Một lý do khác có thể là, Bắc Kinh lo lắng rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể phải chịu những ảnh hưởng tiềm tàng khi đồng USD mất giá nên họ đang cố gắng dần tách khỏi đồng tiền này.

Ông Nieuwenhuijs nói: “Việc PBoC bí mật mua mạnh [vàng] phản ánh quá trình ngầm tách rời đồng USD. Mặc dù đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ mạnh nhất thế giới, nhưng Trung Quốc và các quốc gia khác đang cố gắng thoát khỏi đồng USD”.

Nhưng bất kể là lý do nào ở trên, nó đều có thể mang lại thảm họa cho thị trường. Ông Nieuwenhuijs dự đoán, khi giá vàng tăng, các nhà đầu tư phương Tây cũng sẽ đầu tư vào vàng vì những lo ngại tương tự, điều này sẽ tạo ra một cơn “siêu bão” cho kim loại quý này.

Theo The Epoch Times tiếng Trung
Đông Phương biên dịch