Tổng thống Biden: Chính phủ sẽ trả “toàn bộ chi phí” xây dựng lại cầu ở Baltimore





Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chính phủ liên bang sẽ thanh toán “toàn bộ chi phí” để xây dựng lại Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore thuộc tiểu bang Maryland, sau khi một tàu hàng đâm vào cầu này do mất nguồn điện vào sáng sớm thứ Ba (26/3).

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Ý định của tôi là chúng tôi sẽ thanh toán toàn bộ chi phí để xây dựng lại cây cầu đó. Tôi hy vọng Quốc hội sẽ ủng hộ nỗ lực của tôi. Sẽ mất một thời gian. Tuy nhiên, người dân Baltimore có thể tin tưởng vào chúng tôi, [chúng tôi] sẽ kiên trì thực hiện từng bước cho đến khi cảng được mở cửa trở lại và cây cầu được xây dựng lại. Chúng tôi sẽ không rời đi cho đến khi công việc này hoàn thành.”


Khi được hỏi công ty sở hữu con tàu có phải chịu trách nhiệm và thanh toán tiền sửa chữa hay không, Tổng thống Biden đáp lại: “Chúng tôi sẽ thanh toán để xây dựng lại và thông xe cây cầu.”


Tổng thống Mỹ không cho biết chi phí sẽ là bao nhiêu.

Ông Biden tiết lộ, ông đã nói chuyện với Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg và “yêu cầu ông ấy, ‘Chúng ta sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực liên bang mà họ cần khi chúng ta ứng phó với tình huống khẩn cấp này. Ý tôi là tất cả các nguồn lực liên bang, và chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại cảng đó.’”

Vị tổng thống Mỹ Đảng Dân chủ nhấn mạnh, hoạt động cứu hộ là ưu tiên hàng đầu và hoạt động giao thông tàu thuyền tại Cảng Baltimore đã bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.

Ông cảnh báo: “Chúng ta cần phải thông thoáng kênh đó trước hoạt động giao thông tàu thuyền có thể tiếp tục trở lại.”

Ông ca ngợi, cảng này đã xử lý “số lượng hàng hóa kỷ lục vào năm ngoái.”

Tổng thống Biden cho biết: “Đây cũng là cảng hàng đầu ở Mỹ cho cả xuất nhập khẩu ô-tô và xe tải nhẹ. Khoảng 850.000 phương tiện đi qua cảng đó mỗi năm, và chúng ta sẽ đưa cảng này phát triển và hoạt động trở lại sớm nhất có thể. Mười lăm nghìn việc làm phụ thuộc vào cảng đó, và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ các công việc đó và giúp đỡ những người lao động đó.”

Ông nhận xét, cây cầu cũng “rất quan trọng…cho việc đi lại” đối với hành lang đông bắc. “Hơn 30.000 phương tiện đi qua Cầu Francis Scott Key hàng ngày. Cây cầu này gần như là…một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với nền kinh tế ở vùng Đông Bắc và chất lượng cuộc sống.”

Ông tiếp tục: “Tôi đã chỉ đạo nhóm của mình làm tất cả mọi thứ mà con người có thể làm để mở lại cảng và xây dựng lại cầu này càng sớm càng tốt.”

Nhà báo John Carney của Breitbart News đưa tin rằng vụ sập cầu sẽ tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế Mỹ về lạm phát bổ sung, năng lực sản xuất giảm, và thâm hụt chính phủ lớn hơn.

Theo nhà báo Carney, việc đóng cửa cảng có thể tạo ra những gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng đối với cả hàng tiêu dùng và hàng nhập khẩu công nghiệp được dùng để sản xuất ra hàng hóa ở Hoa Kỳ, đồng thời làm tăng nguy cơ gây ra lạm phát thêm ở đất nước cờ sao này.

Mặc dù lạm phát ở Mỹ đã giảm từ mức rất cao trong hai năm đầu của chính quyền Biden, nhưng nó vẫn ở mức cao so với các tiêu chuẩn trong quá khứ và vẫn ở trên mức mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho là phù hợp với một nền kinh tế lành mạnh. Trong hai tháng đầu năm 2024, lạm phát đã tăng cao bất ngờ trở lại, khiến nhiều người lo ngại rằng sự giảm phát có thể đã phai nhạt.

Nhà báo Carney cảnh báo, việc chính phủ liên bang thanh toán cho các chi phí sửa chữa cây cầu sẽ “làm tăng thâm hụt ngân sách vào thời điểm mà khoản vay liên bang vốn đã cao lịch sử”, điều này sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát ở Mỹ.

Gia Huy