Hải Dương: Hơn 300 tấn cá nuôi lồng chết trắng sông, người dân ‘căng mình’ vớt cá



Hơn 300 tấn cá nuôi lồng đã chết trắng trên sông ở Hải Dương, nguyên nhân sự việc vẫn chưa được tìm ra.



Cá đến thời điểm thu hoạch bị chết la liệt. (Ảnh: Nga Nguyen/Facebook)

Mấy ngày gần đây, tại các lồng nuôi cá trên sông Thái Bình thuộc địa phận huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt.

Nhiều người dân đã đăng bài viết và video lên mạng xã hội để kêu gọi “giải cứu” nhằm giảm phần nào thiệt hại.

Nick Facebook Nga nguyễn viết: “Bao ngày không được ăn, bao đêm không được ngủ của nông dân phường Nam Đồng, ngâm mình dưới Lồng trực từng con cá. Kiệt quệ cả sức khỏe và tinh thần. Làm cá trong nước mắt, hoảng loạn và tuyệt vọng. Em không còn từ ngữ nào diễn tả hết sự mất mát này. Vậy nên em xin đăng bài mong mọi người ủng hộ. Mỗi người ủng hộ 1, 2 con. Em chỉ bán những con cá còn sống và bị yếu thôi, cá bị chết là bỏ nhé! Mong mọi người thương người dân quê em. Mỗi người ủng hộ giúp 1, 2 con vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.”

Đã có khoảng 300 tấn cá nuôi lồng chết ở Hải Dương, truyền thông trong nước dẫn theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Dương cho hay.

Trước hiện tượng cá chết bất thường, ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương kiểm tra nhanh. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra.

Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy.

Hiện tượng này xảy ra tập trung ở TP. Hải Dương, Chí Linh, huyện Nam Sách,Tứ Kỳ trên các sông Thái Bình, Kinh Thầy. Nay thời tiết dịu, hiện tượng cá chết có giảm. Lực lượng chức năng vẫn phải huy động nhân lực, vật lực để vớt xác cá, tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Theo nhận định vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tại các lồng nuôi với mật độ cao, các con yếu sẽ bị chết rải rác.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã có văn bản chỉ đạo việc tăng cường bảo vệ sản xuất trong nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt trong mùa hè, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt, mùa lũ ít có khả năng đến sớm, dòng chảy có thể thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Để chủ động ứng phó kịp thời, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan có liên quan tập trung thực hiện một số nội dung đối với cá nuôi lồng bè trên sông.

Trong đó các hộ nuôi cần theo dõi sát dự báo thời tiết để ứng phó với những thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi; khi thấy nước đục, cá kém ăn hoặc bơi chậm, nổi lên mặt nước cần có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường oxy và đảo nước.

Khi mực nước trên sông giảm, các hộ nuôi cần hạ thấp lồng nuôi để đảm bảo độ sâu luôn ở mức 2,5m-3m nhằm giảm sự tác động của nhiệt độ cao, đồng thời thực hiện sát khuẩn để phòng bệnh.

Đồng thời cần tiến hành thu hoạch khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch, lưu ý hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ và thông thoáng để lưu thông trong và ngoài lồng nuôi, nhằm tăng cường oxy hòa tan trong nước, giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi.

Ngoài ra, các hộ nuôi nên cho cá ăn vào thời điểm sáng sớm và chiều mát (buổi sáng cho ăn nhiều hơn buổi chiều) để cá nuôi sử dụng thức ăn hiệu quả nhất, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu … vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi nhiệt độ nước trên 35 độ C thì cần giảm lượng thức ăn xuống còn 1/3 so với bình thường.

Bên cạnh đó cũng, người dân cần chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc phòng, tránh, khắc phục hậu quả như: lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, sục khí, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh…

Bảo Khánh (t/h)