Các nhà khoa học tìm ra phương pháp giúp phát hiện sớm chứng suy giảm nhận thức





Tầm quan trọng của việc xác định sớm dấu hiệu chứng suy giảm nhận thức đã thúc đẩy các nhà khoa học tìm kiếm phương pháp chẩn đoán hiệu quả và dễ dàng nhất. Trong một nghiên cứu mới gần đây cho thấy việc yêu cầu mọi người đi dọc theo một con đường cong có thể giúp phát hiện tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ.



Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng việc đi theo đường cong có thể giúp phát hiện sớm tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ. (Ảnh: SibRapid/ Shutterstock)

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Báo cáo về Bệnh Alzheimer, do Tiến sĩ Behnaz Ghoraani của Đại học Florida Atlantic dẫn đầu. Cô nói: “Ưu điểm vượt trội của việc dùng phương pháp đi bộ theo đường cong để chẩn đoán vừa tránh được việc xâm lấn, vừa tiết kiệm chi phí. Đây là một phương pháp có thể được tích hợp vào thực hành lâm sàng. Giá trị chính của nó là bổ sung cho các đánh giá hiện có và giúp phát hiện sớm tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ.” Kết quả của nghiên cứu này có thể giúp chẩn đoán sớm và điều trị sớm.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà nghiên cứu yêu cầu 30 người già khỏe mạnh và 25 bệnh nhân bị suy giảm nhận thức nhẹ đi trên đường thẳng và đường cong rồi so sánh đặc điểm dáng đi của họ. Kết quả cho thấy so với việc đi theo đường thẳng, thì đi đường cong, độ dài sải chân, tốc độ, tính đối xứng và tính đều đặn của bệnh nhân suy giảm nhận thức đều giảm đi đáng kể, đặc biệt khi đổi hướng, thì tốc độ bước đi cũng giảm.

Kết quả nghiên cứu không cho thấy bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào về phân bố tuổi tác và giới tính giữa hai nhóm. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về chỉ số khối cơ thể (BMI) và điểm số Thang trầm cảm (GDS). So với những người lớn tuổi khỏe mạnh, những người tham gia bị suy giảm nhận thức nhẹ có chỉ số BMI cao hơn, trình độ học vấn thấp hơn và điểm GDS cao hơn.



Những người bị suy giảm nhận thức nhẹ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn nhiều. (Ảnh: Toa55/ Shutterstock)

Suy giảm nhận thức nhẹ là giai đoạn đầu của quá trình suy giảm nhận thức và những người bị suy giảm nhận thức nhẹ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn nhiều (loại chứng mất trí nhớ phổ biến nhất được phân loại).

Làm thế nào để phát hiện sớm và chính xác bệnh Alzheimer vẫn là một thách thức. Bởi vì trên thực tế, các đánh giá lâm sàng điển hình bao gồm bệnh sử chi tiết, kiểm tra toàn diện về thể chất và thần kinh, kiểm tra nhận thức, xét nghiệm máu và hình ảnh não, các phương pháp tốn nhiều thời gian và tốn kém. Hơn nữa, hầu hết các loại thuốc điều trị đều có hiệu quả nhất trong giai đoạn đầu, nếu việc chuẩn đoán trở nên khó khăn và phức tạp thì sẽ bỏ qua giai đoạn vàng trong việc điều trị.

Tuy nhiên với phương pháp mới tích hợp nhiều chỉ số dáng đi này sẽ giúp phát hiện sớm những bất thường về nhận thức, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, làm chậm các triệu chứng xấu đi và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu này sử dụng camera độ sâu để theo dõi chuyển động khớp cơ thể và định lượng dữ liệu dáng đi. Tiến sĩ Behnaz Ghoraani cũng đang tích cực làm việc nhằm thiết kế ra một phương pháp có thể sử dụng camera của điện thoại thông minh để đánh giá được tình trạng bệnh, nó cho phép các cá nhân có thể tiến hành đánh giá sơ bộ tại nhà.

Các nhà nghiên cứu tin rằng sự suy giảm nhận thức có nhiều khả năng được phát hiện hơn khi những người tham gia đi theo đường cong, vì đi theo đường cong đòi hỏi kỹ năng nhận thức và vận động mạnh mẽ hơn. Họ cũng hy vọng rằng bằng cách kết hợp các công nghệ mới như phân tích dáng đi với các đánh giá lâm sàng hiện có, có thể chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ sớm hơn và chính xác hơn, từ đó thúc đẩy việc điều trị và chăm sóc kịp thời cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Trúc Nhi/ Vision Times