Vấn đề trục xuất công dân: Mỹ - Trung chưa tìm được tiếng nói chung






Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã tổ chức một cuộc họp báo tại Trạm Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ ở Eagle Pass, Texas, vào ngày 8/1/2024. (Hình ảnh: John Moore/Getty Images)

Theo Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc đàm phán cấp cao liên quan đến việc trục xuất công dân Trung Quốc.

Phát biểu với đài NBC News vào ngày 6/4, ông Mayorkas cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với Trung Quốc để tiếp nhận những cá nhân được xác định là không đủ điều kiện lưu trú tại Hoa Kỳ".

Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) tại Vienna (Áo) vào tháng 2, ông Mayorkas đã thảo luận về vấn đề này nhằm kêu gọi sự hợp tác từ phía Trung Quốc trong việc trục xuất những công dân vi phạm luật biên giới Hoa Kỳ.

Ông Mayorkas chia sẻ với hãng tin NBC: "Hiện tại chúng tôi đang chờ đợi phản hồi từ phía Trung Quốc, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác liên quan. Đây là một quá trình cần có thời gian".

Trong bối cảnh số lượng người nhập cư Trung Quốc vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ gia tăng trong năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ đã nỗ lực đàm phán với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về vấn đề trục xuất. Tuy nhiên, ĐCSTQ hiện vẫn từ chối tiếp nhận những người nhập cư Trung Quốc.

Theo báo cáo năm 2021 của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, ĐCSTQ đã bác bỏ yêu cầu trục xuất khoảng 40.000 công dân Trung Quốc đã cư trú quá hạn hoặc vi phạm thị thực.

Báo cáo nêu rõ: "Hành động từ chối hợp tác từ phía Bắc Kinh buộc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) phải thả hàng trăm công dân Trung Quốc, nhiều kẻ mang tiền án về tội bạo lực, vào cộng đồng dân cư Hoa Kỳ, gây nguy hại đến an toàn công cộng".

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã ghi nhận hơn 52.000 trường hợp tiếp xúc với công dân Trung Quốc dọc theo biên giới phía Bắc và phía Nam Hoa Kỳ trong năm tài chính 2023, kết thúc vào ngày 30/9/2023. Con số này gần gấp đôi so với năm tài chính trước đó.

Theo dữ liệu của CBP, số lượng các cuộc chạm trán đang gia tăng đều đặn, với 30.000 trường hợp được ghi nhận trong bốn tháng đầu năm 2024.

Đầu năm nay, hàng chục sinh viên Trung Quốc đã bị các nhân viên thực thi pháp luật biên giới Hoa Kỳ thẩm vấn, thu hồi thị thực và trục xuất về nước tại Sân bay Quốc tế Washington Dulles do nghi ngờ có liên hệ với ĐCSTQ.

Đại sứ quán Trung Quốc sau đó đã chính thức phản đối Hoa Kỳ vì ngăn chặn sinh viên Trung Quốc nhập cảnh và đưa ra cảnh báo khi đi qua Sân bay Quốc tế Dulles.

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tạ Phong (Xie Feng) cho biết hàng chục sinh viên Trung Quốc có thị thực hợp lệ đã bị từ chối nhập cảnh trong vài tháng qua khi trở về trường sau chuyến du lịch nước ngoài hoặc thăm thân nhân ở Trung Quốc, theo bài đăng trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc vào ngày 29/1.

Tuy nhiên, Đại sứ Tạ Phong không nêu ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc Hoa Kỳ từ chối cho những sinh viên này nhập cảnh.

Cộng đồng quốc tế đều nhận thức rõ việc ĐCSTQ sử dụng sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài để thực hiện hoạt động gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ. Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo trong nhiều năm về nguy cơ an ninh quốc gia mà các sinh viên Trung Quốc có liên hệ với quân đội Trung Quốc gây ra cho Hoa Kỳ.

Vào tháng 5/2020, cựu Tổng thống Donald Trump khi đó đã ban hành Sắc lệnh số 10043 cấm nhập cảnh đối với sinh viên và học giả Trung Quốc sở hữu thị thực F (thị thực sinh viên) và thị thực J (thị thực du học do chính phủ tài trợ) có liên quan đến quân đội ĐCSTQ.

Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch