Tính toán của Tổng thống Ecuador khi lệnh đột kích sứ quán Mexico




Tân Tổng thống Ecuador dường như tin rằng việc ra lệnh đột kích sứ quán Mexico để bắt cựu phó tổng thống là hành động cứng rắn và được lòng dân để "bảo vệ chủ quyền".
Cảnh sát đặc nhiệm Ecuador cuối tuần qua đột kích đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito vào ban đêm, bắt cựu phó tổng thống Jorge Glas và áp giải về nhà giam. Chiến dịch bắt người chưa từng có tiền lệ này được đích thân Tổng thống Ecuador Daniel Noboa phê chuẩn, với lý do Glas "có thể bỏ trốn".

Động thái quyết liệt này của Tổng thống Noboa đã vấp phải phản ứng dữ dội từ nhiều quốc gia châu Mỹ và dư luận quốc tế, khi cho rằng Ecuador đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao 1961. Tuy nhiên, ở trong nước, dư luận Ecuador lại rất đồng tình với hành động cứng rắn của ông Noboa, người vừa nhậm chức cuối năm ngoái ở tuổi 35, trở thành tổng thống trẻ nhất nước này.

Theo tổ chức khảo sát dư luận Alvaro Merchante, số người Ecuador ủng hộ quyết định đột kích bắt Glas cao hơn số người phản đối, khi đa số tin rằng Tổng thống Noboa chính là người "không khoan nhượng" với tội phạm.

Giới quan sát cho rằng đây là những gì ông Noboa nhắm tới nhằm củng cố hình ảnh "lãnh đạo hành động" của mình và gia tăng vị thế chính trị trong nước trước thềm cuộc bầu cử quan trọng sẽ diễn ra vào năm sau.

Ông Noboa lên nắm quyền vào tháng 11/2023, sau khi tổng thống Guillermo Lasso đối mặt tiến trình luận tội với cáo buộc tham nhũng và buộc phải tổ chức bầu cử sớm. Noboa được bầu lên để làm nốt nhiệm kỳ của Lasso, kết thúc vào tháng 5/2025, và sẽ phải tham gia cuộc bầu cử mới sau đó.

Ông kế thừa một quốc gia nơi người dân không muốn rời khỏi nhà trừ khi thật cần thiết, nơi gần như ai cũng có người quen là nạn nhân của tội phạm băng đảng và rất nhiều người trong số họ đang tính di cư ra nước ngoài. 2023 là năm đẫm máu nhất trong lịch sử Ecuador, với hơn 7.600 vụ giết người, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó.
Việc chứng minh mình có thể khôi phục trật tự và pháp luật cho quốc gia 18 triệu người có vai trò rất lớn với nỗ lực tái tranh cử của Noboa, điều đó đồng nghĩa ông sẽ phải mạnh tay trấn áp các băng đảng cũng như xử lý nạn tham nhũng của các quan chức chính phủ, giới phân tích nhận định.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador hôm 8/4 cho rằng người đồng cấp Noboa đã "xử lý non kinh nghiệm" khi ra lệnh tiến hành cuộc đột kích. Nhưng giới quan sát cho rằng quyết định của Tổng thống Noboa phát đi thông điệp chính trị rất mạnh, được tính toán cẩn thận để chứng minh ông là người rất cứng rắn với tội phạm.
Tổng thống Noboa khẳng định Glas là tội phạm bị truy nã về tội tham nhũng, nên sẽ không thể được cấp quy chế tị nạn theo luật pháp quốc tế. Bởi vậy, ông tin rằng việc Mexico chấp thuận đơn tị nạn của Glas là "bất hợp pháp" và cần được xử lý một cách quyết liệt.

Người Ecuador đã tìm kiếm một "lãnh đạo hành động" trong nhiều năm qua, sau khi chán ngấy với tình trạng tham nhũng tràn lan và các vụ cướp bóc, bắt cóc, tống tiền, giết người của tội phạm băng đảng ma túy.

Trong bối cảnh đó, Noboa xuất hiện với hình ảnh thường xuyên mặc áo chống đạn, đeo kính đen, áo khoác da trong các sự kiện. Ông nỗ lực chống lại nạn bạo lực ma túy tăng vọt, khi số vụ giết người tăng gấp 6 lần trong 5 năm qua. Trước thềm cuộc bầu cử năm tới, ông kêu gọi cử tri ủng hộ các biện pháp chống tội phạm và cải cách kinh tế trong cuộc bỏ phiếu ngày 21/4.


Ông Noboa mặc áo chống đạn đi bỏ phiếu ngày 15/10/2023. Ảnh: AFP

Sau khi tung ra các biện pháp quyết liệt để chống tội phạm, ông thậm chí có thể đi xa đến mức đưa cảnh sát vào đại sứ quán nước khác để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Sebastian Hurtado, người đứng đầu công ty tư vấn rủi ro chính trị Profitas ở Quito, cho rằng vụ đột kích sứ quán Mexico bất chấp nguy cơ leo thang căng thẳng hai nước có thể giúp ông Noboa gia tăng ủng hộ từ người dân.

"Phần lớn người dân ở đây muốn thấy những hành động quyết liệt và những người bị cáo buộc tội tham nhũng phải bị tống vào tù", Hurtado nói.

Gabriela Sandoval, giáo sư đại học ở Ecuador, cho hay quyết định của Tổng thống Noboa là hành động dũng cảm, bởi ưu tiên hàng đầu của đất nước hiện nay là "thanh lọc" bộ máy và nhiệm vụ của Noboa là vãn hồi trật tự cho quốc gia.

"Tổng thống Noboa đã phát đi một thông điệp mạnh với đất nước", Carlos Galecio, chuyên gia tại Đại học Casa Grande của Ecuador, nói. "Đó là động thái tăng cường hình ảnh rất mạnh mẽ".

Dường như ông Noboa đã tính toán rằng điều này là xứng đáng để ông mạo hiểm với phản ứng từ Mexico và các quốc gia khác.

Mexico, Nicargua đã tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Ecuador, trong khi loạt nước Colombia, Argentina, Uruguay, Cuba và Honduras cho rằng giới chức Ecuador đã xâm phạm đại sứ quán Mexico.

Mexico cũng thông báo khiếu nại Ecuador lên Tòa án Công lý Quốc tế để phản đối vụ đột kích. Công ước Vienna quy định khuôn viên các cơ quan ngoại giao là vùng bất khả xâm phạm, nhấn mạnh lực lượng nước sở tại không được phép vào nếu chưa có sự đồng thuận từ người đứng đầu phái bộ ngoại giao.


Lực lượng vũ trang Ecuador gác bên ngoài nơi giữ cựu phó tổng thống Jorge Glas ở Quito ngày 6/4. Ảnh: Reuters

Noboa vẫn quyết bảo vệ quyết định của mình. "Chính phủ chúng tôi bảo vệ chủ quyền quốc gia, không cho phép bất kỳ ai can thiệp vào vấn đề nội bộ của đất nước", tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Ecuador ngày 5/4 nêu rõ.

Cựu thủ tướng Glas 54 tuổi của Ecuador trốn vào đại sứ quán Mexico xin tỵ nạn vào ngày 17/12 năm ngoái, nói rằng ông bị bức hại chính trị. Quyết định xin tị nạn của ông Glas đưa ra cùng thời điểm chính quyền yêu cầu ông trình diện trước công tố viên để trả lời thẩm vấn về cáo buộc tham nhũng.

Sau cuộc đột kích sứ quán Mexico, ông Glas đã được lực lượng vũ trang Ecuador áp giải tới nhà tù ở Guayaquil.


Lực lượng Ecuador áp giải cựu phó tổng thống Jorge Glas vào nhà tù ở Guayaquil cuối tuần qua. Ảnh: El Pais

Giới quan sát cho rằng Ecuador quyết định thực hiện cuộc đột kích sứ quán Mexico, bởi họ tin Mexico City không thể trả đũa một cách quyết liệt. Mexico, quốc gia có truyền thống lâu đời về cấp tị nạn cho các cựu lãnh đạo nước ngoài, sẽ chủ yếu phản ứng bằng lời nói, theo Gabriel Silva, cựu đại sứ Colombia tại Washington. "Các lựa chọn của Mexico rất hạn chế", ông nói.

Mexico và Ecuador có mối quan hệ thương mại khiêm tốn, nên việc hai bên cắt quan hệ ngoại giao sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế, Herna Perez Loose, cựu đại sứ Ecuador tại Liên Hợp Quốc, nói.

Tuy nhiên, Ecuador sẽ cần duy trì thiện chí quốc tế khi tìm kiếm thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nước này cũng là bên nhận viện trợ an ninh lớn thứ hai của Mỹ trong nhóm các nước Mỹ Latin, sau Colombia.

Sau cuộc đột kích, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án hành động vi phạm Công ước Vienna và kêu gọi Mexico cùng Ecuador giải quyết vấn đề theo luật lệ quốc tế. Washington cũng thêm rằng Mỹ coi cả hai nước là đối tác.

Phản ứng tương đối thận trọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden được đưa ra khi Mỹ đang tìm cách thúc đẩy Ecuador kiềm chế làn sóng di cư trước thềm cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào tháng 11.

Giới quan sát cho rằng Mỹ sẽ khó có thể mạo hiểm gây bất ổn thêm cho Ecuador, quốc gia đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kép về an ninh và kinh tế, bằng cách cắt giảm viện trợ. "Sẽ có rất nhiều phản ứng giận dữ, nhưng không có giá trị thực sự", James Bosworth, người sáng lập công ty phân tích rủi ro chính trị Hxagon, nói. "Những sóng gió chính trị rồi sẽ qua đi, quan hệ các bên sẽ trở lại bình thường".


Thanh Tâm (Theo Reuters, AP, AFP)