Cán bộ ngân hàng ở Gia Lai lấy 2 hiện vật cổ đã mang trả lại





Ông P. – một cán bộ ngân hàng ở Gia Lai đã lấy hai hiện vật cổ ở Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai. Sau khi bị phát hiện, ông P. đã mang trả lại.



Chiếc trống đồng Đông Sơn bị ông P. lấy đi. (Ảnh: L.T./tuoitre.vn)

Ngày 10/4, ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai cho biết ông P. – cán bộ của một chi nhánh ngân hàng tại Gia Lai, đã trả lại trống đồng Đông Sơn và chuỗi hạt vòng tay hổ phách tại khu trưng bày Thiên đường Tây Nguyên Gia Lai (ở Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku).

Ông P. đã vào nhà rông Ê Đê tháo tủ kính trưng bày lấy chiếc trống đồng Đông Sơn mang đi vào khoảng 12h20 ngày 11/2.

Theo ông Tuấn, thời điểm xảy ra vụ việc đang trong quá trình “nhập nhằng” bàn giao hiện vật cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Khi bảo vệ phát hiện, bảo tàng tỉnh Gia Lai đã lập biên bản, sau đó ông P. phải trả lại.

“Trống đồng Đông Sơn do Bảo tàng tỉnh Gia Lai có trách nhiệm quản lý trong vòng một năm, sau đó sẽ trả lại nhà sưu tầm, còn thời điểm bị lấy là do Sở VH-TT&DL tỉnh quản lý. Lúc đầu tôi tưởng ông P. là người thân của nhà sưu tầm nhưng khi kiểm tra lại thì không phải. Hiện chúng tôi đã làm báo cáo sở, gửi công văn tới công an, nhà sưu tầm để xác định rõ giá trị, nguồn gốc hiện vật”, ông Tuấn nói.

Về phía ông P., ông này cho biết việc lấy cổ vật là để… “kiểm tra khả năng bảo vệ tại khu trưng bày”.

Trước đó, báo chí nhà nước đưa tin một nhóm người đàn ông đã lấy trộm 4 hiện vật đang được trưng bày tại triển lãm Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai.

Các hiện vật bị mất, gồm: 1 lao thú kim loại tại khu vực trưng bày nhà ghế xương voi trắng có niên đại 700 năm; 2 lao thú kim loại tại khu vực nhà rông Xê Đăng và 1 ché nhỏ tại khu vực nhà để ché.

Triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai” do UBND tỉnh Gia Lai chủ trì, tổ chức, diễn ra trong hơn 1 năm (từ ngày 5/12/2023 đến 31/12/2024), với 30.000 hiện vật sẽ được luân phiên trưng bày.

Các cổ vật này được chia thành các nhóm chủ đề chính như công cụ âm nhạc; công cụ săn bắt, hái lượm; công cụ dệt; hiện vật lễ nghi; hiện vật trang sức và các hiện vật khác trong đời sống các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên…

Đặc biệt, tại không gian trưng bày, triển lãm lần này sẽ giới thiệu đến công chúng “bảo vật” ghế xương voi trắng có niên đại 700 năm. Chiếc ghế làm từ nhiều khúc xương voi trắng to lớn, kết hợp bằng dây thừng tạo vẻ bề thế, uy nghi. Trong lịch sử, đối với Tây Nguyên và nhiều nước Đông Nam Á voi trắng là món quà từ thiên nhiên cực kỳ quý hiếm, mang tới uy quyền, may mắn và thịnh vượng.

Ngoài ra, bộ sưu tập dụng cụ săn bắt voi rừng Tây Nguyên có niên đại trên 100 năm của dân tộc M’Nông- Lào cũng được trưng bày.

Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả Đề án Bảo tồn phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng, giá trị truyền thống của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Minh Long