Chế tạo thành công giày, ví da từ... vi khuẩn




Các nhà nghiên cứu Anh đã thành công biến đổi gene vi khuẩn Komagataeibacter để tạo ra một loại da "thuần chay" không chứa nhựa và có khả năng tự nhuộm đen.

Giống nhiều vật liệu khác được dùng trong ngành thời trang, da và quá trình nhuộm - đặc biệt là nhuộm đen - ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Do đó, nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Imperial College London) đã chỉnh sửa gene một loại vi khuẩn Komagataeibacter để tạo ra cellulose vi khuẩn (BC) có khả năng tự nhuộm đen.



Chiếc giày (trừ phần đế) chế tạo từ vi khuẩn Komagataeibacter đã chỉnh sửa gene - (Ảnh: Imperial College London).

BC là một vật liệu thay thế da bền vững đầy hứa hẹn nhờ các đặc tính của nó, nhu cầu cơ sở hạ tầng thấp và khả năng phân hủy sinh học. Komagataeibacter được chỉnh sửa gene có thể sản xuất ra enzyme tyrosinase giúp hình thành sắc tố đen.

Để chứng minh tiềm năng của phương pháp mới, nhóm đã tạo ra một chiếc giày đen (trừ phần đế) từ vi khuẩn đã chỉnh sửa gene chỉ trong vòng 2 tuần. Nhóm đã cấy BC vào trong một khuôn giày bằng cách sử dụng vi khuẩn đã chỉnh sửa gene, và chiếc giày khi thành hình có màu đen.

Nhóm nghiên cứu cũng tạo ra một chiếc ví đen bằng cách cắt và khâu các tấm BC do vi khuẩn tiết ra, theo trang IFLScience.



Vật liệu BC có khả năng tự nhuộm đen được làm thành ví da - (Ảnh: Imperial College London).

Phát triển BC đòi hỏi một phần rất nhỏ lượng khí thải carbon, nước, đất và thời gian so với việc nuôi bò để lấy da. Không giống các vật liệu thay thế làm từ nhựa, BC có thể được tạo ra mà không cần hóa dầu và sẽ phân hủy sinh học an toàn, không độc hại trong môi trường.

"Phát minh ra một phương pháp mới, nhanh hơn để sản xuất các loại da thuần chay tự nhuộm bền vững là một thành tựu lớn của sinh học tổng hợp và thời trang bền vững", giáo sư Tom Ellis, một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết.

Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục để có thể tạo ra các BC tự nhuộm bằng các màu sắc khác, chẳng hạn như màu chàm tổng hợp từ một số chủng E. coli nhất định.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Biotechnology.



Tuổi Trẻ