NASA: Nhiều vùng trên thế giới sẽ không thể sống được từ đây đến 2050



Những dữ liệu do các công cụ của cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA thu thập cho thấy một số khu vực trên thế giới có nguy cơ không thể ở được từ đây đến năm 2050, do thời tiết quá nóng ẩm.



Ảnh tư liệu chụp ngày 30/06/2022 : Dân Somalia bỏ các vùng khô cằn để tới một trại tị nạn tạm thời ở ngoại ô Mogadiscia, Somalia. AP - Farah Abdi Warsameh

Vốn đã thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, các đợt nắng nóng cực độ có thể sớm trở nên không thể chịu đựng được ở một số nơi trên thế giới. Dữ liệu và dự đoán của NASA hôm qua, 15/04/2024, cho thấy những khu vực này sẽ trở thành nơi con người không thể ở được từ đây đến năm 2050. Chủ yếu đó là khu vực Nam Á, các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư như Iran, Oman hay Koweit, cũng như những quốc gia giáp Hồng Hải như Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Sudan, Ethiopia, Somalia và Yemen. Miền Đông Trung Quốc và một phần Brazil cũng có thể bị ảnh hưởng, cũng như một số bang của Mỹ như Arkansas, Missouri và Iowa.

Nóng ẩm cực độ là nguy hiểm nhất đối với con người, vì nếu môi trường bị bão hòa nước, hiệu quả của việc ra mồ hôi, làm giảm nhiệt độ cơ thể, sẽ không được bảo đảm. Chỉ số nhiệt độ ẩm cao nhất mà cơ thể con người có thể chịu được là 35° TW và chỉ trong sáu giờ. Quá mức này có nguy cơ gây tử vong.

Hầu hết các vùng nóng và ẩm trên thế giới đều có chỉ số trong khoảng từ 25 đến 27° TW, nhưng trong những thập niên gần đây, tần suất nhiệt độ cực ẩm đã tăng gấp ba lần. Hơn 6 giờ sống trong điều kiện này mà không có khả năng làm mát sẽ dẫn đến suy nội tạng và sau đó là tử vong.



RFI