Ngày 30/4: Người trẻ có tin vào hòa giải?




[/

Chụp lại hình ảnh,Emily Nguyên (trái) và Trân Trần (phải)


Tìm cách giải thích cuộc chiến khác đi, mỗi người trẻ trong bài viết này đang đi tìm chân dung cuộc chiến khác với cách nhìn ở hai ngả xung đột mà cha mẹ và ông bà họ trải qua.

Khái niệm “hòa giải” thường vấp phải sự hồ nghi, dưới dạng thức của thái độ "nói vậy như không phải vậy" hoặc hòa giải không thể xảy ra với nợ máu và thù cũ.

Năm 2022 và 2023, nhiều tờ báo ở Việt Nam chạy hàng loạt bài viết "hòa giải" khi dịp 30/4 đến, và vấp phải sự phản đối dữ dội khi có nhiều ý kiến chỉ ra rằng sự hòa giải này là "không thật lòng" từ chính quyền Việt Nam ở trong nước và chỉ là lời nói trên truyền thông khi thông điệp "gác lại quá khứ" được dùng làm minh họa cho ý tưởng này.

Tuy nhiên, Sổ tay Hòa giải sau Xung đột của Viện Quốc tế về Dân chủ và Trợ giúp Tuyển cử (The International Institute for Democracy and Electoral Assistance, IDEA) ở Thụy Sĩ nhìn hòa giải là "tìm cách để có thể sống bên cạnh kẻ thù cũ - không nhất thiết phải yêu quý, tha thứ hay quên đi quá khứ theo bất cứ cách nào, mà là cùng tồn tại bên cạnh, cùng phát triển sự hợp tác đến cần thiết để chia sẻ xã hội của ta với họ, để chúng ta có thể sống tốt hơn cùng nhau thay vì tách biệt".

Người viết bài này tìm đến những người trẻ sống ở Việt Nam, ở Mỹ và ở cả Việt Nam và Mỹ, ở khoảng tuổi gần tương đương nhau từ 24-30 tuổi với sự quan tâm rất khác về cuộc chiến, và đặt câu hỏi về quá trình chung sống với quá khứ mà họ lớn lên.

Đứt gãy ký ức

Emily Nguyen sống ở Placentia, California. Cô là hế hệ người Việt trẻ thứ hai sinh ra ở Mỹ, hoàn toàn không gánh vác cuộc chiến mà hơn một triệu người Việt thuyền nhân trải qua trong thập niên 70-80.

Cô nhớ lại: "Cha mẹ tôi không bao giờ kể về cuộc chiến. Tất cả những gì họ nói với tôi là ‘nhà mình ra đi vì chiến tranh’."

Cha Emily Nguyen sinh năm 1964, mẹ cô sinh năm 1967. Cha cô vượt biên khi mới học lớp 5. Mẹ của cô đến Mỹ khi bà vừa tròn 20 tuổi. Như với nhiều gia đình Việt Nam trải qua hành trình vượt biển đầy bạo lực, họ không muốn nhắc lại câu chuyện.

Emily kể: "Mẹ tôi chỉ kể hồi xưa ở quê mẹ nấu ăn, hái trái cây, sống với anh chị em thế nào, lúc nào kể mẹ cũng nói ‘bằng tuổi con mẹ đã biết làm việc này rồi’, để so sánh với con gái, lớn lên ở Mỹ và chưa biết tự xoay xở nhiều việc.” Chiến tranh ở Việt Nam trong những gì cô được biết có hai phần, phần “trước khi cha mẹ đi”“sau khi đến Mỹ”. Những phần này được kể thành chuyện về kỹ năng sống nhiều hơn là kỷ niệm mà cha mẹ không muốn truyền lại cho cô:

“Hỏi về chiến tranh là chuyện cấm kỵ, giống như ngọn lửa âm ỉ nằm trong ngực tôi, dù tôi không cảm thấy nóng trên da thịt mình, tim tôi đau và có một nỗi buồn mà tôi không thể lý giải.”

Khi Emily xuất hiện ở một chương trình học về kể chuyện chiến tranh mà tôi gặp, cô không biết nói tiếng Việt. Ngôn ngữ Tiếng Việt để gắn bó về cảm xúc cuộc chiến đã mất đi hoặc giảm sự quan trọng chỉ sau chưa đầy hai thế hệ.


Chụp lại hình ảnh,Dinh Độc Lập trong ảnh chụp ngày 3/5/1975
Chiến tranh Việt Nam, theo người lớn dặn Emily suốt thời niên thiếu của cô, là: "Con được ở Mỹ, con phải tận dụng cơ hội dành cho con." Đây là cuộc chiến cho cô "cơ hội", khác với cuộc trường kỳ ra đi của hàng triệu thuyền nhân Việt Nam trên biển để đến bến bờ của tự do mà họ tìm kiếm.

Cách Emily Nguyên nửa vòng trái đất, Nguyễn Thành Minh Tâm (24 tuổi, ở thời điểm phỏng vấn) gọi lịch sử là "con vi mạch cài vào cơ thể" vì mọi câu chuyện về chiến tranh Tâm được biết đều qua những người kể chuyện thứ cấp. Là một người thực hành viết và nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, Tâm chia sẻ: “Tôi cực kỳ chú ý đến cách người trẻ suy nghĩ về lịch sử, đặc biệt là với cách kể chuyện chính thống khiến người ta cảm thấy đau thương và gợi ra cảm xúc nhất định về phần lịch sử mà họ không hề có mặt hay tham dự... ví dụ như cách người trẻ chia sẻ cảm xúc 30/4 trên mạng những ngày này.”

Tương tự Emily, Tâm nhớ lại: “Chiến tranh là chuyện tôi chỉ nghe cha mẹ kể lại. Cha mẹ tôi đều là trẻ sinh ra trong chiến tranh.” Tâm được đào tạo về nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Việt Nam và Đông Nam Á ở Đại học Fulbright Việt Nam. “Nhưng càng học nhiều về chiến tranh và cách ký ức cộng đồng được tạo ra trong thời hậu chiến, tôi càng cảm thấy mình như rời khỏi câu chuyện. Nhiều chuyện trước đây tôi nghĩ thuộc về thế hệ mình dần trở nên xa lạ.”

Trân Trần (29 tuổi), sống ở Sài Gòn, kể về thời gian cô đi du học đại học ở Mỹ: “Một người bạn Mỹ gốc Việt dặn em làm gì thì làm, ở đây đừng mang cờ đỏ sao vàng ra treo hay khoe, đặc biệt nếu có đến khu nhiều người gốc Việt ở. Em cũng có nghe là người Mỹ gốc Việt bên này có khi không ưa người Việt.”

Cũng ở năm nhất đại học tại Mỹ, Trân biết về “thuyền nhân” và những cuộc vượt biên, một khái niệm cô chỉ được nghe mơ hồ khi còn ở Việt Nam và mọi người nhắc tới một cách chung chung và không có ai kể lại. “Trước đó gần như em không quan tâm và đặt câu hỏi về những gì xảy ra trong quá khứ, chỉ biết là ba mẹ mình đã sống trong chiến tranh và chịu cảnh đói nghèo.” Trân bắt đầu hỏi cha mẹ nhiều hơn, và cô được biết bên ngoại có người “theo ngụy”, cũng có người định vượt biên nhưng rồi không đi, có người đi và không về nữa, có người đã đến được Mỹ và xây dựng cuộc sống mới.

Lịch sử đã đi tìm Trân và bắt đầu tự ghép lại chính nó trong cuộc sống của cô, như cô chia sẻ là như "Hansel và Gretel đi theo những mẩu vụn bánh mì tìm về nhà - nhà ở đây là những mảng kí ức vỡ vụn từ nhiều người trong gia đình, mỗi người một câu chuyện, một trải nghiệm, nhưng đều có một sợi dây xuyên suốt về mất mát – mất người thân, mất nhà, mất nước – một sợi đau buồn qua nhiều thế hệ đã được truyền lại cho em."

‘Còn rất xa mới có thể hòa giải’

Nguyễn Thành Minh Tâm dùng cả tiếng Anh và Việt để lắng nghe cách chiến tranh được “tạo hình” trong suốt quá trình lớn lên và khi làm nghiên cứu lịch sử nghệ thuật. Cậu ngờ vực khi nghĩ về hòa giải: “Chúng ta vẫn còn ở rất xa điểm có thể hòa giải, vì ngày 30/4 vẫn là thời điểm mà nỗi đau và sự thù hận bị nhầm lẫn với nhau từ tất cả tất cả các phía của cuộc chiến.”

Minh Tâm làm một so sánh về cách người trẻ ở tuổi của cậu nhìn ngày 30/4 với ngày 11/9 [ngày khủng bố tòa tháp đôi ở Mỹ]: “Đã 49 năm trôi qua từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, và 22 năm sau cuộc khủng bố 11/9/2001. Với [cuộc chiến], nhiều chi tiết đã bị rơi rớt qua nhiều lượt kể chuyện, và trở thành bóng ma ẩn hiện, thì [cuộc khủng bố] vẫn còn rất rõ nét. Nhiều người trẻ Việt biết rành về 11/9 hơn hẳn, ví dụ như khi họ chế meme trên mạng về lịch sử.”

Sự đứt gãy cảm nhận về chiến tranh này khiến Minh Tâm quan ngại thông tin tràn ngập sẽ khiến người ta càng cảm thấy khó mà thấu hiểu được nỗi đau của người khác, nhưng lại rất tiện lợi cho những kẻ cần tuyên truyền và gieo ý tưởng vào đầu công chúng.

“Tôi vẫn giữ hi vọng đến ngày nào đó chúng ta sẽ có hòa giải thực sự. Nhưng bây giờ, những gì ta có thể làm là chữa lành vết thương chiến tranh ở nhiều không gian khác nhau, từ chính trị, nghệ thuật, nghiên cứu; nhiệm vụ này không hề dễ dàng.”

Chụp lại hình ảnh,Cổng Dinh Độc Lập bị húc đổ vào ngày 30/4/1975

Họ hàng bên cha của Emily Nguyen đã định cư ở Mỹ sau chiến tranh, nhưng gia đình của mẹ vẫn ở Việt Nam. Emily nhớ lại cách cha mẹ nhìn cuộc chiến: “Mẹ tôi ghét cộng sản và những gì họ gây ra, nhưng tôi không hiểu lắm. Câu chuyện quen thuộc nhất với tôi là chiến tranh đầy sự chia rẽ, hủy hoại và cái giá phải trả là quá lớn. Ở trường, tôi được học là người Mỹ đã rất bất mãn với chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ không ủng hộ sự can thiệp của Mỹ, và đây cũng là quan điểm gần với cách nhìn của tôi nhất.”

“Còn quan điểm của người Việt ở Việt Nam và người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ trước, cả hai quan điểm đều xứng đáng tồn tại. Đây không phải kiểu bên này đúng thì bên kia nhất định phải bị chối bỏ. Những cách nhìn này đến từ người có thể ở lại và người buộc phải ra đi. Ngay cả với thế hệ của tôi, chúng tôi phải lắng nghe để hiểu chính xác chiến tranh đã ảnh hưởng đến chính mình thế nào. Dù sao thì tất cả chúng ta đều là người Việt, ai cũng có một gia đình.”

Không quan tâm đến 30/4?

Em không quan tâm đến việc ghi nhớ ngày 30/4, vì với cá nhân em thấy là dù ‘thắng’ hay ‘thua’, ai ở trong chiến tranh cũng thua, ai cũng mang trong mình nhiều tổn thương.” Trân Trần quan sát cách chiến tranh dịch chuyển trong cô sau nhiều năm đi học và trò chuyện với những người cô gặp.

“Người Việt ở Việt Nam, với cái danh của kẻ thắng cuộc, lại dễ bỏ quên những nỗi đau của mình, như mẹ em hay nói ‘không muốn nhắc đến nữa vì thời đó khổ quá’. Còn nếu có đau thương thì những mất mát đó lại được tuyên truyền như một thứ vỏ bọc vinh quang, hi sinh vì nước.”

“Còn người Mỹ gốc Việt mà em gặp lại khó quên được quá khứ đó, họ mắc kẹt trong cách suy nghĩ là ‘bên thua cuộc’ và mắc kẹt trong cách xã hội Mỹ nhìn họ.”

Trân tự nhận mình là đứa con của cha mẹ sinh ra từ chiến tranh. Cô nhìn sự hòa giải là “hiểu những tàn tích chiến tranh đang sống trong mình, truyền lại từ những thế hệ đi qua chiến tranh trước đó, nhìn từ những hạt giống tâm thức, như cảm giác bị bỏ rơi vì người thân ra đi, luôn sống dè xẻn lo cho sự sinh tồn. Em muốn học cách thấu hiểu những hạt giống này, nhìn nó với thật nhiều yêu thương và để chuyển hóa thành cảm xúc tích cực, như lòng biết ơn, học cách biết ơn với mọi người ở tất cả các bên trong cuộc chiến đó”.


Cảnh một gia đình thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan) vào tháng 10/1981

Emily chia sẻ cách nhìn của Trân, cô nói: “Thế hệ trước khó mà tha thứ được vì họ mang theo ký ức phải bỏ nước ra đi và mất người thân yêu. Nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, tôi chỉ có thể cố gắng tưởng tượng về mất mát khi phải từ bỏ gốc rễ quê nhà mình và mắc kẹt ở nơi xa lạ. Nhưng tôi khó mà có thể lấy sự căm hận đó làm của mình, vì đã rất nhiều năm trôi qua và rào cản ngôn ngữ không cho phép tôi tham dự vào những đối thoại như vậy với ông bà mình.”

“Nhưng tôi muốn hiểu hơn nữa về chiến tranh Việt Nam và những cảm xúc còn chờn vờn ở cả hai phe. Tôi muốn hiểu cha mẹ và biết họ nghĩ gì khi buộc phải tháo chạy khỏi quê hương, dù rằng tôi không biết đặt câu hỏi thế nào cả.” Emily kể cô luôn muốn được hỏi ông nội của cô, một giáo viên lịch sử: “Ông ơi, lịch sử mà ông từng dạy là gì? Khi nào ông biết mình phải ra đi? Chiến tranh đã lấy mất gì của ông; ông đã bỏ lại ai ở quê nhà?” Cô nói đó là những câu hỏi từ bé cô luôn thắc mắc nhưng không bao giờ hỏi được. Cô đã không còn nói tiếng Việt.

Trong một đợt tham dự nghiên cứu và sáng tác ở Thụy Sĩ đầu năm 2024, Minh Tâm được mời đến ăn ở một nhà hàng Việt Nam tại Morges. Cậu kể lại: “Tất cả nhân viên trong quán, từ chủ tiệm, đầu bếp, bồi bàn đều là người Việt tị nạn. Họ đã xây dựng một cộng đồng hải ngoại khắp nơi ở Thụy Sĩ, họ tự hào có thể giúp đỡ và hỗ trợ nhau khi xa quê hương. Lúc đó đã gần 30/4, nhưng không ai nói gì về nỗi đau hay sự tàn khốc của chiến tranh, mà họ chỉ lo chuyện làm ăn, đời sống của người gốc Việt ở Morges.”

“Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra họ đã rời xa bóng ma chiến tranh. Họ sống tiếp,” Tâm nhớ lại.

***

Bài viết của tác giả Khải Đơn, một nhà thơ, nhà văn Việt Nam.



BBC