Mất mát 30 Tháng Tư, 1975 dấu ấn không thể phai mờ





Gần 50 năm sau ngày thủ đô Sài Gòn thất thủ trong tay Cộng Sản mà cột mốc 30 Tháng Tư, 1975 vẫn là dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm người cao niên gốc Việt tại thủ đô tị nạn Little Saigon.





Các cựu quân nhân VNCH, Hoa Kỳ và Đồng Minh trong buổi lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster hôm 27 Tháng Tư, 2024. (Hình minh họa: Đằng Giao/Người Việt)

Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lũ lượt quay về khi gần Ngày Quốc Hận.

Bà Mai Thị Thế, 84 tuổi ở Midway City, còn nhớ rành rành ngày 30 Tháng Tư, 1975 bà cùng gia đình được xe GMC quân đội VNCH chở từ Long Khánh lên Sài Gòn chạy loạn khi Cộng Sản đang trên đường xua quân tiến chiếm Dinh Độc Lập.

“Lúc đó tôi đang có bầu bốn tháng, cả gia đình sáu người, hai vợ chồng và bốn con, dắt díu nhau tới nhà thờ Bắc Hà. Chúng tôi có biết gì đâu, cứ nghĩ ở ngoài đạn bom nguy hiểm, vô nhà thờ an toàn hơn,” bà Thế hồi tưởng. “Cha tốt lắm, chứa chấp cả trăm người, ăn ở la liệt đầy giáo đường. Lúc chúng tôi chuẩn bị về nhà, cha còn phát gạo cho chúng tôi nữa.”
Bây giờ bà Thế không còn nhớ từng chi tiết ngày chạy loạn năm đó, nhưng ấn tượng còn rõ nét trong đầu bà là một sự căng thẳng và sợ hãi tột cùng.

“Sao mà không sợ được. Ngày 30 Tháng Tư là ngày mất nước của mình mà,” bà nói.
“Là người dân Việt Nam, ai mà quên được ngày Sài Gòn bị cưỡng chiếm được.”



Bà Mai Thị Thế không bao giờ quên được những ngày tị nạn ở nhà thờ Bắc Hà trên đường Lý Thái Tổ, quận 10, Sài Gòn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Nguyễn Sâm, ở San Diego, cho rằng chiều 30 Tháng Tư, là ngày ông chứng kiến cảnh tượng hãi hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

“Là hạ sĩ quan Thiết Giáp, tôi chạy khỏi Huế hồi Tháng Ba. Tôi cứ đón xe đi từng đoạn ngắn. Đến Sài Gòn là chiều 30 Tháng Tư. Từ trưa, tài xế xe đò dừng xe ven đường để tất cả anh em binh sĩ xuống xin vô nhà dân thay đồ dân sự rồi, nhưng lúc xe lăn bánh vô Sài Gòn, nhìn quân phục, ba lô chất thành đống hai bên đường mà nước mắt tôi cứ chảy ròng,” ông Sâm kể.

“Suốt thời gian tám năm mặc quân phục, tôi mắt thấy tai nghe bao nhiêu tang thương đau khổ mà chưa bao giờ đổ lệ,” ông bùi ngùi. “Vậy mà bữa đó tôi không cầm được nước mắt khi mục kích cảnh cả một quân đội bị khai tử, bị chôn vùi dưới những nấm mồ ba lô và quân phục đó.”

Bao nhiêu chính nghĩa, bao nhiêu hy sinh và bao nhiêu lý tưởng của ông Sâm, cũng như của bao nhiêu quân, dân, cán chính VNCH đã “giẫy chết” ven đường vào Sài Gòn hôm 30 Tháng Tư, 1975, theo ông Sâm.

Ông lắc đầu: “Bây giờ 76 tuổi rồi, nước mắt tôi không trào ra như hồi đó nữa, nhưng cứ nghĩ lại hình ảnh tang thương điêu tàn lúc đó, ruột tôi thắt lại và tôi khóc bên trong. Cả một chế độ sụp đổ mà.”

Ông Quang Nguyễn, ở Santa Ana, cho biết hôm 30 Tháng Tư, 1975 ông đang trên đường từ Pleiku về Sài Gòn.

“Tôi là lính pháo binh đóng quân ở Pleiku và rất nóng ruột về nhà coi gia đình ra sao. Thời buổi loạn lạc, bất trắc xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi lo lắng lắm. Ngồi trên xe mà lòng dạ bồn chồn. Tới khi nghe tin Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng, tôi càng lo hơn,” ông Quang kể. “Chưa bao giờ tôi lo lắng, bồn chồn như bữa đó.”

Bà Nhiệm Trần, ở Garden Grove, có lý do để nhớ mãi Ngày Quốc Hận.




Nỗi lo lắng cho vợ ở Sài Gòn hôm 30 Tháng Tư, 1975 là ấn tượng của ông Quang Nguyễn trên đường về nhà. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà kể: “Chúng tôi là dân di cư nên rất sợ Cộng Sản. Nhưng nỗi sợ hãi lên đến độ kinh khủng khi 1, 2 giờ chiều, chị giúp việc trong nhà lôi ra một lá cờ trên đỏ dưới xanh, giữa có sao vàng ra treo. Mấy hôm sau tôi mới biết là cờ Giải Phóng Miền Nam. Tôi sợ quá vì lá cờ của chị đã cũ sờn và bạc màu. Chị làm cho chúng tôi hơn năm năm. Không biết trong thời gian qua, mình có lỡ mồm lỡ niệng nói gì mà đến tai ‘họ’ thì ở tù mọt gông.”

Ông Kiệm Nguyễn, ở Tustin, chứng kiến cảnh người bạn đồng ngũ bị bắn gục ở Thị Nghè.

Ông kể: “Như vầy, Đà Nẵng đầu hàng hồi Tháng Ba, hai đứa tụi tôi về Sài Gòn đang chờ lệnh tái động viên nên súng đạn còn nguyên. Trưa đó nghe tin ‘tụi nó’ chiếm Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn rồi, tụi tôi rủ nhau đem súng ra cầu Thị Nghè liệng xuống sông. Tính ghé cà phê chờ tối rồi liệng.”

Không dè, thấy cảnh bộ đội hung hăng la hét chửi bới ai đó ngoài đường, bạn ông là Nguyễn Phùng Tuấn, chịu không nổi, móc súng chạy ra đường định “thanh toán” tên cán bộ to mồm nhưng vừa đến gần thì bị một tên bộ đội đứng gần đó bắn gục.
“Lính tráng bộ binh tụi tôi thấy cái chết ‘hà rầm’ nhưng bữa đó tôi ngồi chết trân trên ghế, không biết phải làm gì,” ông Kiểm thú nhận. “Có lẽ vì tôi sợ. Tôi nghĩ vậy.”

Cũng có người không có cảm xúc gì về ngày 30 Tháng Tư vì lúc đó họ còn quá nhỏ.

Bà Lãng Nguyễn, ở Torrance, cười: “Tôi biết 30 Tháng Tư, 1975 là ngày mất Sài Gòn nhưng tôi không cảm thấy sự mất mát. Tôi sinh năm 1970 nên không biết gì để so sánh.”

Dĩ nhiên những người trẻ hơn nữa thì lại càng mù mờ hơn.

Sinh viên Scotty Trương, 21 tuổi, ở Huntington, nói: “Cháu chỉ biết ngày nước Mỹ độc lập là July, 4, 1776 thôi.”
Trong lúc đó, đối với những người lớn đủ, Ngày Quốc Hận luôn là ngày đau buồn.

Ông Trần Trọng, bệnh nhân vĩnh viễn của viện dưỡng lão Mission Palm, Westminster, có một kỷ niệm không bao giờ quên được với ngày 30 Tháng Tư, 1975 vì đó là ngày ông rời Việt Nam.

Câu chuyện của ông xảy ra trước đó mấy năm rồi mới dẫn đến chuyện rời Việt Nam.
Từ lâu, gia đình ông ở khu Phú Thọ Hòa.

“Hồi Mậu Thân, trong một ngày, tôi bị thương ba lần. Lần đầu, đang ở trong nhà thì nhà tôi bị pháo kích bể một khoảng ngói lớn và tôi bị miểng đạn nhỏ ghim vào chân trái, rất đau nhưng tôi chịu đựng được. Băng bó xong, tôi theo gia đình di tản ra khỏi khu vực Phú Thọ Hòa vì đó là ổ Cộng Sản nằm vùng,” ông Trọng hồi tưởng.

Ông Trần Trọng rời Việt Nam ngày 30 Tháng Tư, 1975. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Buổi chiều, trên đường khập khễnh đi, ông Trọng bị trúng đạn từ máy bay bắn xuống.

“Tôi chỉ nhớ máy bay của ‘mình’ có hai chong chóng bay rất thấp. Họ bắn Việt Cộng và tôi xui nên bị lạc đạn thôi. Khu này nổi tiếng là căn cứ Việt Cộng mà,” ông tiếp. “Lần này tôi bị đạn vào vai trái. Đạn nhỏ li ti nên không đau lắm nhưng khó chịu.”
Tối hôm đó, gia đình ông đang ngủ ở nhà người quen thì bị pháo kích.

Ông thở dài: “Cả nhà đang nằm trong mùng thì ba tôi bị tức hơi của đạn pháo kích chỉ la lên một tiếng lớn rồi chết tại chỗ. Tôi nằm kế bên, bị một miểng đạn ghim vào sau cổ, làm tê liệt hai chân.”

Vì liệt hai chân ở tuổi 16, ông được các linh mục ở nhà thờ nhận nuôi và đúng hôm 30 Tháng Tư, 1975, ông cùng hơn 200 thanh niên khuyết tật di tản sang Mỹ.

“Làm sao mà tôi quên được ngày đó, ngày tôi vĩnh viễn xa Việt Nam,” ông Trọng lắc đầu.
Những người còn giữ được dấu ấn 30 Tháng Tư, 1975 trong lòng ngày càng luống tuổi và lớp tuổi từ 55 trở xuống đang quên dần ngày lịch sử ấy. [đ.d.]


Đằng-Giao
Nguồn: Báo Người Việt

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com