Chương 2

Tiếng gọi của đứa trẻ hàng xóm cắt đứt những ý nghĩ vu vơ đang chờn vờn trong đầu óc Trâm:

- Chị Trâm! Chị Trâm!

Dừng tay giặt quần aó, Trâm chạy ra:

- Gì thế bé Trung ?

Dáo dác nhìn vào trong nhà, chung quanh vườn, biết chắc là không có người nào khác ngoài Trâm, đứa bé mới dúi vội vào tay Trâm một mảnh giấy, nói thật nhỏ như sợ có ai nghe thấy:

- Ông gì gửi cho chị đó.

Miệng vừa hỏi “ai vậy”, mắt Trâm vừa liếc nhanh xuống tấm danh thiếp trong khi bé Trung trả lời “em cũng chẳng biết nữa”:

“Trâm, Sao lâu quá không thấy tới chú . Nếu được, ghé chú chiều nay. Có chuyện cần nói.

Mong lắm đấỵ Tuấn”

Những câu hỏi thoáng nhanh trong trí Trâm – sao chú Tuấn biết nhà mình ở đây ? Không hiểu có chuyện gì ? Chắc phải quan trọng lắm chú Tuấn mới tìm tới nhà – Làm sao mình tới được bây giờ ? Chiều nay chắc gì ba với mẹ đi vắng ?….. Có lẻ thấy Trâm không nói gì nữa, đứa bé chào Trâm:

- Thôi em về nghe chị Trâm .

Nó định quay chạy, Trâm vội giữ lại:

- Khoan, chị hỏi cái này.

- Gì chị Trâm ?

Trâm ngập ngừng:

- Thế…thế ông nào….đưa cho bé cái này ?

- Em đâu biết!

Chợt nhận ra sự vô lý trong câu hỏi của mình, Trâm cười mỉm, chữa lại:

- Ý chị muốn hỏi em có….quen với ông đó không ?

- Đâu có!

- Vậy sao ông ấy biết em mà nhờ đưa cái này cho chị ?

- Em cũng chẳng hiểu nữa. Hồi nãy em đang bắt dế dưới gốc cây mận nhà bà Sáu Xích-lô thì ông ấy tới hỏi thăm nhà chị; em chỉ thì ông ấy bảo em đưa cho chị chứ không muốn vào.

- Thế…bây giờ ông ấy đâu ?

Đứa bè mở tròn mắt:

- Làm sao em biết được ?

Trâm bật cười trong khi đứa bé vẫn liến thoáng kể:

- Ông ấy còn hỏi chị đang làm gì trong nhà này, bá ma chị có nhà không này, em có hay lại nhà chị chơi không này….ối “giời” tùm lum!

- Thế bé Trung trả lời sao ?

- Sức mấy mà em nói!

Đến lượt Trâm ngạc nhiên:

- Sao vậy ?

- Ba em dặn gặp người lạ hỏi thăm gì thì đừng có trả lời, nhỡ…Việt cộng dò la tin tức thì sao ?

Trâm lại cười thành tiếng trước dáng điệu có vẻ thành thạo của đứa bé. Nàng xoa đầu nó:

- Em giỏi lắm…Thế rồi ông ấy nói gì nữa không ?

- Không! Ông ấy bỏ đi về phía chợ.

Trâm lấy trong túi áo cánh đồng bạc kẽm đưa cho bé Trung:

- Cho em đi mua cà rem.

Thích chí, đứa bé vừa chạy, vừa la lớn:

- Cám ơn chị Trâm!

Trâm quay vào, đọc đi đọc lại đến bốn năm lượt những chữ viết trên danh thiếp của Tuấn. Tâm hồn ấm lại, nàng có cảm thấy mơ hồ một cái gì thật gần gũi, thật dấu ái, thật thân mật. Nỗi nhớ “người chú” nghệ sĩ như âm ỉ lâu ngày bỗng được dịp bộc phát – giọng nói trầm ấm, ánh mắt sáng nhưng lúc nào cũng như hướng về một xa vời nào đó; khuôn mặt thanh tú, trầm ngâm, mái tóc đen nhánh nhưng có vì ít được chăm sóc xỏa trên đài trán nở rộng hai bên thái dương; đôi môi mỏng, tươi thật tươi, bao giờ cũng gắn hờ một điếu thuốc cháy quá nhiều mà không được dụi tàn; những cử chỉ khoan thai, chững chạc….từng nét, từ những đặc điểm đến những dấu vết thông thường, những thói quen quen thấy, những đổi thay bất chợt trong tính tình của Tuấn, tất cả sinh động trong tâm tưởng Trâm. Mới chừng hơn hai tuần lể không tới nhà Tuấn mà Trâm có cảm tưởng như đã xa rồi từ lâu lắm rồi. Nàng thấy thật ấm cúng căn phòng của Tuấn với chiếc giá vẽ cao lênh nghênh, với những bức tranh mà đa số mang hình Trâm với chủ đề về biển, với những hộp sơn, túi bột, với những giẻ lau, cọ vẽ….Trâm muốn chạy oà tới để nhìn, để ngắm, để được thu gọn, được chăm sóc những vật mà nàng cảm thấy thật thân yêu. Chính sự vắng lặng trong nhà nàng vào giờ này càng dễ đưa Trâm vào những giao động nhè nhẹ như những làn sóng nhỏ trong những ngày biển êm. Nhiều hình ảnh, nhiều ý nghĩ đã làm Trâm nóng rần mặt mày, thẹn thùng. Nhịp tim đập mạnh, máu chạy nhanh, tay chân thừa thãi khiến Trâm tưởng như đã thóat khỏi thực tại, khỏi những giăng mắc về không gian và thời gian để hiện hữu trong những giấc mơ thầm kín. Tay vân vê tấm danh thiếp, Trâm ngồi lặng lẽ nhìn những lá cây lao xao dưới nắng nhẹ. Ánh mắt của Trâm như mờ đi, như vương vấn một làn khói mỏng, nhưng nếu có ai được nhìn sâu vào trong đáy đôi mắt đó sẽ khó tránh khỏi bị ngất ngây bởi sự huyền hoặc, sự xa vời của nó. Trâm đã lìa khỏi thực tại để hóa thân trong một thế giới riêng tư dẫy đầy những hình ảnh đẹp như thần thoại, trong đó Trâm đã biến thành một nàng tiên nhẹ lướt trên những làn mây muôn màu, giữa những điệu nhạc tuyệt vời, êm dịu, trong một thứ ánh sáng huyền ảo….. Đang mơ mộng bỗng Trâm chòang tỉnh khi có tiếng cười nói lanh lảnh vang lên ngòai cổng.

Trâm đứng lên, nhíu mày nhìn ra, chờ đợi. Một đám thiếu nữ, tay ôm sách vở, tay cầm nón, cầm cặp, ào ào trong sân nhà Trâm. Nhận ra bạn mình, Trâm vui mừng nhẩy bổ ra:

- À, chúng mày!

- Nhỏ Trâm!

- Chúng mày đi đâu vậy ?

- Thăm mày!

- Uí “giời”, cảm động quá!

- Mày đang làm gì thế ?

- Giặt quần áo!

- Vậy thì siêng nhất mày rồi!

- Vào đây chúng mày.

- Để tao xem vườn nhà mày có thứ nào ăn được không đã!

- Mới trẩy bán cách nay cả tuần rồi!

- - Đúng là số tụi tao vô duyên!

- - Lên nhà, chúng mày!

- Một người trong bọn nhìn quanh, hỏi nhỏ Trâm:

- Ông bô, bà bô mày đâu ?

- Đi vắng cả rồi.

Cô gái vừa cất tiếng hỏi, thở phào:

- Đỡ khổ! Nếu có ông bà bố mày ở nhà, chắc tụi tao rút lui có trật tự . Nhiều lúc muốn tới thăm mày nhưng ngán ông bà bô mày thấy mồ!

Một cô khác chen vào:

- Nhỏ Thanh nói đúng đó Trâm; mấy lần tới đây ông bố mày chửi mày rồi chửi luôn chúng tao nữa!

Trâm chùng giọng, buồn buồn:

- Tụi bây thông cảm, tại ba tao….say….

Bầu khí vừa dịu xuống bởi nét mặt và giọng nói trĩu nặng của Trâm bỗng vỡ tung tiếng cười dòn tan khi người con gái được gọi là “nhỏ Thanh” chợt giật được tấm danh thiếp trên tay Trâm (lúc nãy vì vui gặp bạn bè, Trâm vô tình quên cất đi, vẫn cầm nơi tay):

- Tụi bay ơi, tao có caí này hay lắm!

Trâm hoảng hốt định giựt lại nhưng Thanh đoán được nên đã chạy vòng vào phía trong chiếc bàn đặt giữa nhà trong khi cả bọn nhao nhao:

- Gì thế nhỏ ?

- Bật mí đi!

- Của ai vậy ?

Thanh vẫn làm ra vẻ bí mật, vừa gật gù đầu, vừa cười mỉm, đồng thời mắt vẫn không rời những dòng chữ trên tấm danh thiếp:

- “Một khám phá bất ngờ”! Con Trâm tầm ngầm ma đấm chết voi đấy chúng mày ạ!

Ai cũng mong được biết cái “kham phá bất ngờ” của Thanh, tranh nhau hỏi:

- Điệu hoài, khám phá gì ?

- Nói ra cho rồi, giấu kín thế ?

Thanh giơ tay làm hiệu cho các nhỏ bạn thinh lặng, dõng dạc nói một câu tiếng Anh:

- Silence, please!

Cả bọn phá lên cười. Trong khi đó Trâm đứng ngây người như bị trồng chân giữa nhà, tay vân vê tà aó, lo sợ, không biết phản ứng ra sao. Tiếng Thanh lại nổi lên:

- Chú ý! Chú ý! Hãy banh tai ra mà nghe:

Bùi Trường Tuấn, hoa. sĩ!

Thanh ngừng lại, hất hàm hỏi:

- Tụi bay thấy chưa, “người ta” là nghệ sĩ đấy!

Có tiếng phản đối :

- Biết rồi, khổ quá noí mãi!

Lật úp tấm danh thiếp, Thanh đọc tiếp:

- “Trâm. Sao lâu quá không tới chú ? Nếu được, ghé chú chiều nay. Có chuyện cần nói. Mong lắm đấỵ Tuấn!”

Các tiếng nói lại ào ào như vỡ bờ, quên hẳn Trâm đang rưng rưng nước mắt:

- Hẹn hò “tế nhị” quá hé!

- Loại “xin đừng gọi anh bằng chú” đấy mà!

- Mối tình nghệ sĩ thì tuyệt rồi!

- Không ngờ nhỏ Trâm lại “có số đào hoa”!

Giọng Thanh lại nổi bật hẳn lên:

- Xin im lặng! Sau đây là phần “phụ Đề Việt ngữ” : Sao lâu quá không tới chú có nghĩa là “chàng” và “nàng” vẫn thường “tới thăm nhau một chiều mưa”, nhưng này vì “lý do kỹ thuật”, chẳng hạn nàng giận ngầm mà chàng chẳng biết nhưng cũng có thể vì nàng bận việc nhà nên…..hai ngày nay chưa tới với chàng, mà “nhất nhật nhất kiến như tam thu hề” nên chàng giả vờ bảo “ghé chú có chuyện cần nói” để được gặp mặt cho đỡ nhớ….Kính thưa quí vị ….. Nước mắt đã trào ra khỏi bờ mi, lăn dài trên má, Trâm lặng người giận dỗi. Nàng thấy các nhỏ bạn thật ác độc, không để nàng giải thích . Ở đâu và lúc nào thì cũng “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng trong trường hợp hiện tại Trâm thấy mình quá oan ức. Nàng muốn hét to lên để nhỏ Thanh câm miệng lại nhưng giọng nói bị tắc nghẹn trong cổ họng.

Bỗng các tiếng cười ngưng lại khi một người trong bọn nhận ra Trâm đã khóc, la lên:

- Ê, nhỏ Trâm khóc, tụi bây!

Các mái đầu quay lại, thoáng vẻ hối hận:

- Tụi tao đùa mà Trâm!

- Nhỏ này “mit ướt” ghê!

- Mới chút đã “mưa” rồi!

- Hồi trước ở lớp mày còn phá tao với thằng Hùng Honda hơn thế này í chứ!

Trâm lau nước mắt, nghẹn ngào:

- Nhưng tụi bay hiểu lầm tao. Chú Tuấn là người lớn, hơn tao cả….chục tuổi mà tụi bay đem ra dỡn.

Thanh vẫn nhanh nhẹn nhất trong bọn:

- Vậy hay đó mày, “mốt” thời nay các cô khoái những ông đứng tuổi; họ biết chìu, chứ còn cở ngang hay hơn mình hai ba tuổi thì xin lỗi….hỉ mủi chưa sạch.

Cả bọn cười vang. Giọng Trâm đã bớt nước mắt:

- Nhưng tao đâu có gì…với chú Tuấn!

- Không có lửa làm sao có khói ?

Trâm ngước đôi mắt hoe đỏ nhìn người bạn vừa nói:

- Khói gì đâu ?

- Thì …..thì ….viết hẹn gặp mày đó!

Trâm chợt hiểu, nhăn mặt:

- À, tao đã bảo tụi mày hiểu lầm mà.

- Dấu tụi tao hoài.

- Có gì đâu mà bảo tao dấu với diếm!

- Thế thì kể cho tụi tao nghe đi.

Trâm chép miệng:

- Thật ra thì cũng chẳng có gì mà kể …..Thôi được, tụi bây ngồi xuống đi. Nhưng mà …..nghe rồi tụi bây đừng thọc lại cho mấy nhỏ lớp biết kẻo rồi chúng nó lại “thêm mắm thêm muối” thì …chết tao.

- Yên chí lớn! - Hứa danh dự mà mày! - Chuyện này ai mà nói làm chi!

Cả bọn vừa nói vừa tranh nhau ghế ngồi; ai cũng dành được ngồi gần Trâm, cười khúc khích thú vị. Nhìn những bộ mặt ngóng đợi, những con mắt nhìn mình chằm chặp, Trâm muốn phá lên cười. Nàng thoáng nghĩ đúng là con gái hay tò mò, tọc mạnh; người ta nói chả sai chút nào. Thấy Trâm làm thinh lâu, lại chỉ mỉm cười, tưởng là Trâm đánh lừa, một trong nhóm thúc giục:

- Thôi bồ ơi, cười duyên hoài, kể đi.

Một cô khác phụ họa theo:

- Kể đi Trâm, kẻo nhỏ Loan “mót” rồi.

Loan nghiêng mắt, liếc xéo người bạn vừa nói động tới mình, chu môi:

- Sức mấy! Trâm như đã quên hết sự cằn cổi của cuộc sống, trở lại với bản chất của nữ sinh thuở nào, đã hòa mình trong niềm vui và hồn nhiên tuổi trẻ của lũ bạn. Nàng biết với tụi này không có gì có thể giấu nổi chúng nó, chẳng thà kể rành rẽ cho chúng nó còn hơn để chúng đoán, chúng bàn ra tán vào thì câu chuyện biến thành không thể tưởng nổi.

- Trâm, kể đi, lâu thế mày ?

Trâm cười cười:

- Để tao nghĩ đã.

Rồi nàng hắng giọng, trịnh trọng thuật lại:

- Chú Tuấn là một họa sĩ ….

- Cái đó tụi tao biết rồi!

- Thì phải có đầu có đuôi chứ.

Loan liền mắng người bạn vừa cắ đứt câu chuyện:

- Nhỏ Trang “dzô duyên”!

Trang cũng không vừa, chồm người tới, hất hàm:

- Có sao không ?

Trâm vội giảng hòa:

- Tụi bây phải yên tao mới kể được chứ.

Cả bọn lại thinh lặng, hau háu đôi mắt nhìn Trâm:

- Yêu cầu tiếp tục chương trình!

Trâm:

- Chú Tuấn là một họa sĩ ở Sàigòn về đây để vẽ tranh triển lãm. Một hôm ra bãi biển chơi, tao đứng đằng sau xem chú Tuấn vẽ mà chú ấy đâu có biết, đến khi chú Tuấn quay lại thì….đạp phải chân tao. Thế là tao bắt đền liền; chú Tuấn phải vẽ cho tao một bức tranh mà….mà….hồi trước tao treo trên cửa ra vào kia kìa…

- Thế bây giờ đâu rồi ?

Trâm hơi cúi đầu, cho làn tóc xõa che khuôn mặt chợt biến sắc vì những hình ảnh dĩ vãng mầu đen thoáng sống lại trong tâm trí; nàng nói dối bạn bè:

- Tại …chuột cắn nát, tao …dẹp đi rồi.

Loan đập tay mạnh xuống bàn, nói lớn tiếng:

- Uổng thế! “Kỷ Vật cho em” ngày gặp nhau lần đầu mà mày …..phí thế ?

Thấy không ai phản ứng gì trước câu pha trò của mình, Loan tiu nghỉu, sượng sùng.

Trâm tiếp:

- Từ ngày đó, chiều nào tao cũng đến phòng vẽ để làm mẫu cho chú Tuấn.

- Dạo đó mày…nghỉ học chưa ?

- Chưa! - Sao không thấy mày nói gì ?

- Ai dại gì làm “nguồn vui” cho chúng mày!

- Mày bí mật ghê! –

- Thỉnh thoảng cũng phải tỏ ra khôn hơn tụi mày.

Có tiếng cười khúc khích, nhưng tắt sớm chờ Trâm nói tiếp câu chuyện:

- Chú Tuấn là người rất tốt, nhất là hiểu tuổi trẻ nên tao…..thích nói chuyện vối chú ấy lắm. Những chuyện buồn, vui tao đều đem kể hết. Chú Tuấn tỏ ra….thông cảm và hiểu tao nhiều, ngược lại tao cũng thấy….mến chú ấy như một….một…người chú vậy đó.

Nói tới đây tự nhiên Trâm ngừng tiếng, cảm thấy nóng ran mặt mũi, di di ngón tay xuống mặt bàn như để che giấu những ngượng ngập trong khi mấy nhỏ bạn hích tay nhau, nheo mắt rồi che miệng cười. Những cử chỉ đó vô tình lọt vào ánh nhìn của Trâm khiến nàng càng thêm xấu hổ, hối hận đã bọc bạch tâm sự cho những đứa tinh quái này. Nàng tự trách thầm không hiểu sao tự nhiên mình lại dại khờ đem phơi bày những vương vấn thầm kín mà lâu nay mình vẫn chôn chặt trong lòng, không dám hé mở cùng ai, kể cả với…..chú Tuấn.

Tiếng của nhỏ Thanh chợt lôi Trâm ra khỏi những giăng mắc để trở về hiện diện trước những bộ mặt nghịch ngợm, những con mắt dò xét, những cái miệng chỉ chờ nàng sơ hỡ là trêu chọc, vấn hỏi dồn dập:

- Kể tiếp. Rồi sau nữa mày ?

- Thì…như vậy đó!

Thanh nhìn Trâm tinh quái:

- Tao thấy…..mối tình của mày…..đẹp quá trời.

Trâm đỏ mặt, trợn mắt: