Hồ kỳ lạ ở Mỹ với 400.000 bóng nhựa trên bề mặt



Giới chức thành phố Los Angeles, Mỹ phủ 400.000 quả bóng nhựa lên một hồ nhằm ngăn ánh sáng mặt trời tiếp xúc với nước.




Năm 2007, Cục Bảo vệ nước ở thành phố Los Angeles phát hiện bromat với hàm lượng cao trong nước tại hồ Ivanhoe.
Bromat, một chất gây ung thư, hình thành khi bromua và clo phản ứng với nhau dưới ánh sáng mặt trời.




Bromua hiện diện trong nước ngầm tự nhiên, còn clo là chất diệt vi khuẩn.
Tuy nhiên, ánh sáng mặt trời mới là chất xúc tác
cuối cùng trong phản ứng giữa bromua và clo để tạo ra hợp chất độc hại bromat.




Hồ Ivanhoe Reservoir, 102 tuổi, hiện cung cấp nước cho khoảng 600.000 người dân ở trung tâm và phía nam thành phố Los Angeles.
Khi Cục Bảo vệ nước phát hiện chất độc hại trong nước hồ, họ xây dựng một hồ chứa nước ngầm khác ở Griffith Park.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi hồ mới, các nhà quản lý đã phải tìm cách ngăn ánh sáng mặt trời tiếp xúc với mặt hồ.





Các kỹ sư từng nghĩ đến giải pháp dùng những tấm che bằng vải dầu hoặc kim loại nhưng chúng quá đắt.
Hơn nữa, việc lắp ráp những tấm che cần nhiều thời gian.





Vì vậy, Brian White, một trong những nhà sinh vật học của Cục Bảo vệ nước,
đưa ra ý tưởng về sử dụng những quả "bóng chim".
Người ta thường đặt những bóng nhựa như thế tại sân bay
nhằm ngăn chặn chim tụ tập tại những khu vực ẩm ướt bên cạnh đường băng.






Những quả bóng được chế tạo từ polyethylene và phủ một lớp chứa carbon. Giá của mỗi quả là 40 cent.
Chúng có màu đen bởi đây là màu duy nhất đủ mạnh để làm lệch các tia cực tím.





400.000 quả bóng bắt đầu phủ kín mặt hồ Ivanhoe hồi tháng 6/2008.
Cục Bảo vệ nước Los Angeles vẫn duy trì hoạt động này trong vòng 4 đến 5 năm tiếp theo đến khi hồ chứa nước ngầm mới hoạt động.

Phương Thảo/zing
Ảnh: Livescience