Người tỵ nạn Kurdistan (ở Kobene) từ Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, chờ tại vùng biên giới, ngày 27/09/2014.
REUTERS/Murad Sezer
Hôm nay 20/06/2015 là Ngày Tỵ nạn Thế giới. Nhân dịp này tổ chức Ân xá Quốc tế Amnesty International ra báo cáo nhấn mạnh, thế giới chúng ta đang biết đến cuộc khủng hoảng tỵ nạn « khủng khiếp nhất kể từ sau Thế chiến Hai ».

Theo Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc HCR, trên toàn thế giới có khoảng 60 triệu người phải sơ tán, tỵ nạn.
HCR thừa nhận tình trạng bi kịch hiện tại ngày càng vượt khỏi tầm can thiệp.

Theo HCR, số người phải bỏ nhà cửa ra đi năm ngoái là 59,5 triệu người, so với 51,2 triệu hồi năm 2013, và 37,5 triệu cách nay 10 năm.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết phải kể đến chiến tranh, bạo loạn, nạn nghèo đói, bị đàn áp, và ngày càng nhiều hơn do các hậu quả của biến đổi khí hậu.

Tâm điểm của khủng hoảng là xung đột Syria, kể từ 2011, khiến hơn 4 triệu người phải chạy trốn ra nước ngoài, chủ yếu sang Thổ Nhĩ Kỳ và Liban, chưa kể hàng triệu người khác phải sơ tán trong nước.

Syria giữ « kỷ lục » đau buồn chưa từng thấy về số người tỵ nạn. Riêng Liban phải đón hơn một triệu người, tương đương gần một phần tư dân số nước này. Hơn ba triệu người phải chạy khỏi các vùng đất phía nam samạc Sahara (Châu Phi), trong số đó hơn 219.000 người liều chết vượt Địa Trung Hải sang Châu Âu (theo HCR). Riêng trong năm 2014, hơn 3.500 người đã bỏ mạng ở biển này.

Đông Nam Á cũng là một khu vực chứng kiến nhiều thảm nạn với người tỵ nạn. Tại vịnh Bengale và biển Andaman, hàng nghìn người Rohingya từ Miến Điện hay Bangladesh tìm đường vượt biển sang các nước láng giềng Đông Nam Á, trên những con thuyền thô sơ. Hàng trăm người đã bỏ xác dưới biển chỉ riêng trong quý một 2015, trước khi đến được Indonesia hay Malaysia.

Quy chế tỵ nạn được quy định bởi Công ước quốc tế Genève 1951, được sự tham gia của 147 quốc gia. Theo đó, khi ký vào Công ước nói trên, các quốc gia thừa nhận quyền của người tỵ nạn được một quốc gia khác bảo vệ, một khi họ phải rời bỏ đất nước sở tại, vì nhiều lý do như : bị đàn áp vì lý do chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, sắc tộc hay chính trị...

Nhân Ngày Tỵ nạn Thế giới, Phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc HCR công bố trên trang mạng của tổ chức này nhiều đoạn video, nơi những người tỵ nạn ở khắp nơi trên thế giới kể lại cuộc hành trình gian khổ và đầy hiểm nguy của mình, từ Châu Phi, Địa Trung Hải đến Đông Nam Á.

Tại mỗi nơi, người tỵ nạn được hoặc bị đối xử một khác, nơi thì giang rộng vòng tay, nơi thì xua đuổi, hay ngờ vực.

OSCE kêu gọi đối xử "nhân bản" hơn

Theo AFP, hôm qua, Tổ chức An ninh về Hợp tác Châu Âu OSCE kêu gọi 57 thành viên (gồm các các quốc gia Bắc Mỹ, Trung Á và Nga) đối xử « nhân bản » hơn với người tỵ nạn. Amnesty International mong muốn quốc tế đón nhận và giúp tái định cư hơn một triệu người tỵ nạn.

Hiện tại, giữa các nước Châu Âu đang có rất nhiều bất đồng xung quanh việc chia sẻ gánh nặng đón tiếp 40.000 người tỵ nạn. Ủy ban Châu Âu còn muốn đưa thêm 20.000 người tỵ nạn Syria từ một nước thứ ba đến Châu Âu, để họ không phải chọn con đường vượt biển.

Trong khi nhiều nước Châu Âu gia tăng kiểm soát biên giới (đặc biệt là Hungary tuyên bố xây một bức tường dài 175 km ngăn cách với Serbia, để ngăn cản làn sóng tỵ nạn), ngày thứ Hai tới, Liên Hiệp Châu Âu quyết định khởi sự chiến dịch tấn công các tổ chức tội phạm đưa người vượt biển.

Chiến dịch, có tên gọi « EU Navfor Med », do một đô đốc Ý chỉ huy. Do không có được đèn xanh của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, chiến dịch này tạm giới hạn ở các hoạt động tuần tiễu ven bờ biển các nước Nam Âu, thay vì tham vọng tấn công vào các nhóm đưa người vượt biên trên đất Châu Phi.

Để bày tỏ sự ủng hộ đối với những người tỵ nạn, người nhập cư (và Hy Lạp), hôm nay tại Berlin, đã diễn ra một cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng 1.800 người.

Cũng hôm nay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc HCR Antonio Guterres, Đại sứ của HCR nữ tài tử Angelina Jolie và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến thăm mang tính biểu tượng tới trại tỵ nạn của người Yazidi tại Midyat, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Yazidi với khoảng 500 đến 600 nghìn người tại Irak là một cộng đồng có nguồn gốc rất lâu đời, với nhiều truyền thống văn hóa, tôn giáo độc đáo. Kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo nổi lên, người Yazidi bị tàn sát và đe dọa tận diệt.

Trọng Thành