.

Những thương hiệu chỉ có ở Little Saigon
Kalynh Ngô/Người Việt


LITTLE SAIGON, CALIFORNIA (NV) - Nhắc đến Little Saigon, Quận Cam, nơi được gọi là “cái nôi của người Việt tỵ nạn,” người ta nhớ ngay đến những cái tên quen thuộc như Phước Lộc Thọ; Quán Văn; nhà sách Tú Quỳnh... đã tồn tại gần 40 năm.

Thế nhưng, một trong những nét riêng, "rất Little Saigon," là những thương hiệu gốc Việt với cái tên rất Việt.




Thương hiệu Bí Bầu Moving.
(Hình: Bí Bầu Moving)

Năm Khéo, Bí Bầu - nghe thật thân quen


Chúng tôi tìm đến số điện thoại ghi cùng với tên của thương hiệu này. Người trả lời, cũng chính là ông Năm Khéo đang chuyển đồ cho khách của mình. Lời hứa “tôi sẽ gọi lại sau” được ông thực hiện ngay trong ngày hôm ấy.

“Năm Khéo là năm cái khéo. Lúc mới làm công việc này, tôi nghĩ là mình chủ yếu phục vụ người Việt của mình, nên tôi tìm một cái tên thật dễ nhớ, thật đơn giản, chỉ cần nói đến là thấy ngay tính chất công việc của mình.” Ông Năm Khéo, người chủ của cơ sở thương mại mang chính tên mình, nói với chất giọng mộc mạc.

Hỏi ông vì sao không phải là một khéo, hai khéo, hay ba khéo, hoặc mười khéo, mà lại là ... năm khéo? Ông cười sảng khoái, giải thích ngay.

“Lúc đó tui nghĩ ra số năm nên gọi là năm.”

Thật đơn giản! Ngắn gọn! Và dễ nhớ đến mức nhanh nhất cho người cần tìm thông tin cần biết.

Ông và gia đình định cư ở Mỹ khoảng 20 năm, thì cũng là ngần ấy thời gian ông gắn bó với “Năm Khéo.”

“Đừng hỏi tên thiệt của tui, vì có nói ra cũng không ai biết đâu. Nhưng nếu hỏi đến tên Năm Khéo, ở Little Saigon này ai cũng biết.”

Có lẽ tính của ông thật tình, giản dị, sẽ chẳng “khéo” như công việc mưu sinh của ông. Thế nhưng, đơn giản là tốt nhất, là ... khéo nhất.

Và có lẽ cũng chính sự chân tình, thật thà đó mà thương hiệu Năm Khéo Moving là một dấu ấn đáng tin cậy ở Little Saigon.
Trước khi gọi đến số điện thoại của thương hiệu Bí Bầu Moving, chúng tôi có nghĩ, “có lẽ chủ của cơ sở này là người miền Tây.”

Và đúng vậy, “chú Bí Bầu,” người muốn rằng: “Cứ gọi là chú Bí Bầu đi” đã khởi nghiệp với nghề này gần 12 năm, từ ngày đầu tiên ông đặt chân đến Mỹ.

“Tôi đặt tên cho thương hiệu của mình là Bí Bầu vì tôi nghĩ nó sẽ dễ nhớ. Đối tượng mình phục vụ là người Việt Nam, nên tôi chọn cái tên vui vui, có tính chất dân gian, thân mật,” “chú Bí Bầu” nói.

Bí Bầu dễ làm cho người ta nghĩ đến sự gắn kết máu mủ, tình nghĩa thủy chung.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” (Ca dao Việt Nam)

Nhưng “Chú Bí Bầu” của Little Saigon rất khiêm tốn khi nói rằng “tôi không dám nói rằng mình đặt tên đó để gợi lên một thâm tình máu mủ, mà tôi chỉ nghĩ cái tên ấy nó đậm tính cổ truyền, dân gian Việt Nam.”

Tèo Tire Club – Tên “cúng cơm” thay đổi một cuộc đời


Nằm ngay trên con đường nhỏ Dillow St cắt ngang đại lộ Bolsa, Tèo Tire Club thu hút ngay sự tò mò của người đi ngang, bởi cái tên rất Việt Nam của mình.

Không giống như cái tên Năm Khéo hay Bí Bầu với lý do “đơn giản cho người ta dễ nhớ,” Tèo Tire Club là cả một câu chuyện đời người.

“Tôi muốn trốn chạy một quá khứ.”

Người đàn ông nhỏ người, gương mặt kiên nghị trả lời ngắn gọn câu hỏi vì sao ông chọn một cái tên rất “cúng cơm” cho việc kinh doanh của mình.

Cái quá khứ từng bị trốn đó, qua lời kể của ông, như cuốn phim quay lại thời gian của 30 năm trước. Khi đó, cái tên Tèo chưa từng được nghĩ rằng sẽ có trên nước Mỹ, hơn nữa lại là tên của một cơ sở thương mại.

“Tôi từng là một kỹ sư, Electrical Engineer System Design, một ngành mà tôi nghĩ rằng vào lúc đó, toàn nước Mỹ chỉ có khoảng 200 người. Tôi làm việc với mức lương nhiều người mơ ước. Công ty chuyển tôi lên San Jose và tài trợ tất cả chi phí. Thế rồi, chính nơi đó, tôi đánh mất mình, và mất tất cả... Vì con ma cờ bạc.” Ông chậm rãi kể chuyện đời mình.

“Cái đêm tôi lê bước về nhà sau một canh bạc chết sống, mở tủ lạnh tìm chai chia để uống. Không có bia. Tìm thức ăn. Không có thức ăn. Tôi thấy trong tủ lạnh không có một chai sữa nào cho con tôi. Lúc đó, từ trong tôi như có một tiếng gào, 'mày là thằng mất dạy. Mày là kỹ sư mà không lo nổi cho con một bình sữa.' Tôi đi vào phòng, nhìn vợ con đang ngủ, tôi lấy cây đánh bóng chày, lay vợ mình dậy rồi bảo cô ấy hãy đánh tôi đi, đánh thật đau cho tôi tỉnh. Vợ tôi lắc đầu nói:

'Anh đã tỉnh rồi đấy.'”

Ông dừng lại, khẽ mỉm cười, đưa mắt nhìn quanh nơi làm việc của mình và nói, “tôi đã tỉnh sau đêm đó. Và đứng dậy để có ngày hôm nay. Tôi quyết định lấy cái tên cúng cơm ba má đặt cho mình để ghi nhớ là cái thằng tôi ngày đó đã chết rồi. Chỉ còn lại thằng Tèo mà thôi.”




Ông "Tèo" tại cơ sở Tèo Tire Club của mình.
(Hình: Kalynh/Người Việt)

Tèo Moving cũng là của ông. Và cũng chính là cái nghề đưa ông thoát khỏi địa ngục trần gian. Hai mươi bốn năm làm Tèo Moving, ông nói chưa bao giờ mình buồn hay ân hận vì đã không quay lại với nghề kỹ sư.

Ông nhớ lại ngày đầu tiên đưa thương hiệu Tèo Moving đến với cộng đồng Little Saigon, mọi người rất ngạc nhiên. Thế nhưng, theo ông:

“Ba mẹ đã cho mình thành hình, nhưng mình đã không thành danh. Thì thôi mình quay lại cái tên cúng cơm ngày xưa để làm lại từ đầu. Ngày xưa vượt biển không chết, chẳng lẽ bây giờ lại để cuộc đời mình chết vì con ma bài?”

Tèo Tire Club, cơ sở thương mại hiện giờ của ông hoạt động được sáu năm nay. Theo ông, đây mới chính là nghiệp của mình.

“Tôi có cái bằng về sửa xe trước khi mở Tèo Moving. Rồi tôi quên bẵng nó đi. Sau này, trong lúc dọn dẹp đồ cũ, tôi mở thùng đồ đầu tiên, thấy tấm bằng này nằm trong đó,” ông nói.

“Thằng Tèo” năm nào bây giờ có thể hãnh diện với cái tên cúng cơm của mình đã trở thành một nét rất đặc biệt của con đường Bolsa.

Xe đò Long Thành-Cà Mau ở Mỹ


Người dân Little Saigon khá quen thuộc với hình ảnh chiếc xe 12 chỗ ngồi màu trắng sơn dòng chữ “Xe đò Long Thành – Cà Mau.” Chủ nhân của chiếc xe đò có cái tên “lạc lõng” ở nước Mỹ nhưng không xa lạ với Little Saigon này là anh Thiện Thành.

“Tôi đặt tên cho chiếc xe này là Long Thành-Cà Mau, và làm nghề này cũng vì muốn trả ơn một người,” anh Thiện Thành giải thích, đơn giản như chính cái chất miền Tây Nam Bộ của anh.




Ông Thiện Thành bên cạnh chiếc xe Long Thành-Cà Mau của mình.
(Hình: Thiện Thành cung cấp)

“Tôi là người miền Tây. Tôi sinh ra ở Cà Mau, nơi tận cùng đất nước. Năm 11 tuổi, tôi đón xe đò lên Sài Gòn, để từ Sài Gòn bắt xe đi Long Khánh thăm ba tôi bị đang bị giam trong tù Cộng Sản. Đến bến xe ở Sài Gòn thì trời đã tối. Tôi với hai giỏ đệm đựng trái cây và thức ăn để đi thăm nuôi ba không biết phải làm sao giữa thành phố xa lạ. Thì lúc đó, có một người tài xế lớn tuổi đang chuẩn bị về nhà sau chuyến xe cuối cùng trong ngày. Ông hỏi thăm tôi và sau đó chở tôi về nhà, cho ngủ nhờ qua đêm,” anh Thành kể lại câu chuyện của mình.

“Tám năm sau, tôi trở lên Sài Gòn tìm người đàn ông tốt bụng đó thì đúng ngày hôm ấy, ông lên đường đi Pháp định cư. Rồi tôi sang Mỹ, mang theo câu nói của ông, đó là 'muốn cám ơn chú thì hãy giúp lại những người khác.'”

Theo ông chủ của chuyến xe đò Long Thành-Cà Mau, chính câu nói đó đã đưa anh đi theo cái nghề của người mà anh mang ơn, với tâm nguyện sống “giúp lại những người khác.”

Thêm nữa, anh dùng chính tên của chuyến xe Long Thành đã giúp anh ngày trước, ghép vào với tên của thành phố nơi anh sinh ra thành thương hiệu cho công việc của mình khi sang Mỹ.

Từ đó. Little Saigon có một chuyến xe Long Thành-Cà Mau.

Thầy Ba Cầu Bông trên đất Mỹ


Little Saigon có cầu Bông?

Không phải thế! Nhà thuốc bắc Thầy Ba Cầu Bông là thương hiệu lâu đời, vang danh khắp Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn 30 năm từ trước năm 1975.

“Sư phụ là con thứ ba trong gia đình, nhà gần cầu Bông nên khi lập nhà thuốc lấy tên là Thầy Ba Cầu Bông,” bà Yến, một người thân và cũng là người làm việc tại nhà thuốc cho biết.

Vẫn theo lời bà, “sau đó chiến tranh loạn lạc, khi cùng với gia đình lưu lạc sang đến bên này, sư phụ vẫn dùng lại tên thương hiệu gốc.”

Cho đến bây giờ hiếm ai biết được thật của ông, chỉ biết ông là Thầy Ba Cầu Bông.

Người nối nghiệp duy nhất của ông ở hải ngoại là Đông Y Sĩ Văn Hữu Nuôi, cũng là người đệ tử nhỏ nhất. Theo bà Yến cho biết, những sư huynh khác có nối nghiệp sư phụ ở Sài Gòn, nhưng chỉ một thời gian ngắn, không ai giữ được nghề lâu cho đến giờ.

“Những phương thuốc đặc chế gia truyền của Nhà Thuốc Bắc Thầy Ba Cầu Bông đã giúp hàng triệu người Việt trên hải ngoại, nam phụ lão ấu vượt qua nhiều căn bệnh.” Bà Yến tự hào nói về thương hiệu mà mình đang gắn bó.

Vẫn còn rất nhiều những tên gọi mộc mạc, rất Việt Nam ở khắp Little Saigon như Tèo Tyre Club; Thạch Bà Kim; cà phê Lú; Tèo Sandwich...

Tất cả những cái tên ấy đều ra đời từ chính tình yêu quê hương và tinh thần vượt khó của người Việt Nam.

Và chắc chắn sẽ còn rất nhiều nữa, khi mà dấu ấn 40 năm của người Việt hải ngoại đã và đang thành hình nên một cộng đồng vững mạnh trên nước Mỹ.

Kalynh Ngô/Người Việt