Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Tuổi trẻ là tuổi không ngại ngùng gì cả và không ghi ngờ gì cả.
Susanna March
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 15 of 15

Chủ Đề: Lão Tử - Đạo Đức Kinh

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    16
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 0 Lần
    Trong 0 Bài Viết

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh

    Nhân Vật Lịch sử

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh

    Chú dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê

    PHẦN II - Chương 1
    HỌC THUYẾT

    CHƯƠNG I
    ĐẠO VÀ ĐỨC



    Đạo Đức kinh gồm 81 chương, nhưng chỉ có khoảng 50 chương độ 3.000 chữ là quan trọng, còn những chương kia hoặc lặp lại, hoặc diễn thêm ý trong các chương trước, không có gì đặc sắc. Các chương lại sắp đặt rất lộn xộn, vậy mà học thuyết của Lão tử được coi làm một triết thuyết hoàn chỉnh nhất, có hệ thống nhất thời Tiên Tần. Hoàn chỉnh nhất vì chỉ Lão tử mới trình bày rõ ràng một vũ trụ quan làm cơ sở cho một nhân sinh quan và một chính trị quan mới mẻ, ba phần đó quan trọng ngang nhau; có hệ thống nhất vì phần nhân sinh quan và chính trị quan chỉ là tự nhiên qui kết của phần vũ trụ quan; tư tưởng gắn bó với nhau một cách mật thiết tới nỗi trong một chương dù rất ngắn, câu trên hay đoạn trên nói về vũ trụ quan thì câu dưới hay đoạn dưới nói ngay về nhân sinh quan hay chính trị quan; mà rất nhiều chương nói về nhân sinh cũng tức cũng là nói về chính trị, hay ngược lai, không thể tách được đâu là chính trị, đâu là nhân sinh, đâu là đạo của nhà cầm quyền, đâu là đạo của dân, cả hai đều phải thuận tự nhiên, đều là những áp dụng của phần vũ trụ quan cả.

    Trong phần Học thuyết này, chúng tôi bất đắc dĩ phải tách vũ trụ quan, nhân sinh quan và chính trị quan của Lão ra chỉ để cho dễ trình bày thôi.

    Lão tử là người đầu tiên luận về vũ trụ

    Các triết gia Hy Lạp thời thượng cổ, ngang với thời Xuân Thu ở Trung Quốc, thường bàn đến vấn đề bản nguyên của vũ trụ, vũ trụ sinh thành ra sao, bản chất là gì , như Thalèse (640-480) cho nước là bản chất của vạn vật, Anaximène (540-480) cho không khí là nguyên tố của vạn vật, Anaximandre (610-547) bảo vũ trụ hồi đầu là một khối lửa bao bọc hết thảy, trời là những vòm hơi nước, mà người từ đất bùn sinh ra; Héraciite (576-480) đồng thời với Khổng tử, bảo vũ trụ không do Thượng đế tạo ra mà từ hồi nào tới giờ, nó vẫn có, nó sẽ vĩnh viễn tồn tại, mà nguyên tố trong vũ trụ là lửa.

    Các triết gia Trung Hoa thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc, chỉ trừ Lão tử, đều không bàn tới vấn đề khởi thuỷ đó.

    Dân tộc Trung Hoa cũng như mọi dân tộc khác, tin có Trời và thờ Trời, từ thời nào, ta không biết. Họ cho Trời là gốc của vạn vật (Vạn vật bản hồ thiên Lễ kí), là đấng chúa tể, có tai mắt, ý chí, tri thức, đủ tình cảm như người, lại cũng làm phúc làm oai như các vua chúa vậy. Trong kinh Thi có vô số câu diễn lòng tin tưởng đó:

    ----Thiên giám tại hạ (Trời soi xuống dưới Đại minh)

    ----Đế vị Văn vương (Trời bảo vua Văn Hoàng hĩ)

    ----Thượng đế giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc[1] (Thượng đế xem xét bốn phương, tìm sự khốn khổ của dân để cứu giúp Hoàng hĩ)

    ----Kính thiên chi nộ, vô cảm hí[2] dự (Phải sợ sự giận ghét của Trời, không dám đùa vui Bản)

    ----Thiên giáng táng loạn, cơ cận tiến trăn (Trời gieo vạ loạn, đói kém đến luôn Tiết Nam Sơn)[3]

    Nhưng đó chỉ là tín ngưỡng chung của nhân loại thời bán khai, chứ không bàn gì tới sự sinh thành của vũ trụ cả.

    Trung Hoa cũng có thuyết ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, vào khoảng thế kỉ thứ V trước T.L; nhưng không cho một hành nào có đầu tiên, mà thuyết đó mới đầu áp dụng vào lịch sử, sau vào khoa học, y học, lí số học, chứ không dùng để giảng sự tạo thành của vũ trụ.


    Ngoài ra còn thuyết âm dương nữa, cũng không biết xuất hiện từ thời nào. Cứ theo sách Quốc ngữ thì năm thứ ba đời Chu U vương (-779) xảy ra một cuộc động đất và Bá Dương Phủ cho là do khí dương bị nén không thoát ra được, khí âm bị nén không bốc ra được mà có hiện tượng đó. Nhưng cái gì sinh ra hai động lực thiên nhiên ấy thì chưa thấy nói tới, phải đợi khi xuất hiện Dịch truyện, người ta thêm quan niệm thái cực nữa rồi mới vạch được lịch trình cuộc biến hoá trong vũ trụ. Hệ từ thượng truyện nói:



    Dịch có Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh ra Tứ tượng, Tứ tượng sinh ra Bát quái. Lưỡng nghi là âm dương, tứ tượng là bốn mùa, bát quái là Càn (trời), Khôn (đất), Chần (sấm sét), Tốn (gió), Khảm (nước), Li (lửa), Cấn (núi), Đoài (chằm).



    Nhưng về tác giả của Kinh Dịch thì nhiều còn thắc mắc. Từ trước người ta tin rằng 10 thiên Thập dực, tức Dịch truyện (Thoán truyện thượng, hạ; Tượng truyện thượng, hạ; Hệ từ truyện thượng, hạ; Văn ngôn truyện, Thuyết quái truyện, Tự quái truyện, Tạp quái truyện) do Khổng tử viết thêm; ngày nay nhiều học giả cho rằng điều đó sai. Phùng Hữu Lan bảo Thập dực do các nhà Nho thời đầu Hán viết; Vũ Đồng bảo Chu Dịch do một số nhà Nho đồng thời với Tuân tử soạn; Quách Mạc Nhược cũng bảo Thập dực của môn đệ Tuân tử viết, mà tư tưởng trong Dịch tổng hợp tư tưởng Khổng, Lão.



    Vì vậy chúng tôi cho rằng Lão tử là người đầu tiên bàn về nguồn gốc của vũ trụ. Trước ông chưa có ai đặt ra câu hỏi vũ trụ có thuỷ - khởi đầu có chung - kết thúc không. Ông cho rằng vũ trụ có khởi thuỷ và cơ hồ không có chung.


    _______________________

    (còn tiếp)
    Đạo khả đạo, phi thường đạo
    Danh khả danh, phi thường danh

  2. #11
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    16
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 0 Lần
    Trong 0 Bài Viết

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh (tiếp theo)

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh

    Chú dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê

    Chương 4


    ĐẠO TRỊ NƯỚC



    Hữu vi thì hỏng Trị nước phải như nấu cá nhỏ


    Nhà cầm quyền nào thời đó cũng lo mở mang đất đai, miệng thì nói mưu hạnh phúc cho dân mà hành động thì ngược lại:


    Triều đình thật ô uế, đồng ruộng thật hoang vu, kho lẫm thật trống rỗng; mà họ bận áo gấm thêu, đeo kiếm sắc, ăn uống chán mứa, của cải thừa thãi. Như vậy là trộm cướp chứ đâu phải là hợp đạo (ch.53).


    Trong Đạo Đức kinh chỉ có mỗi chương đó là giọng gay gắt.


    Lão tử cũng như Khổng tử, Mặc tử, thực tâm thương dân và mỗi nhà đưa ra một giải pháp cứu dân. Khổng bảo phải chính danh, Mặc bảo phải kiêm ái.



    Lão tử cho rằng xã hội sở dĩ loạn, dân sở dĩ khổ là vì không sống theo đạo, không thuần phác, quả dục; do đó mà sinh ra tham lam, chém giết nhau. Vậy bậc thánh nhân (ông dùng chữ này để trỏ bậc vua chúa biết giữ đạo) phải làm sao cho dân [B]phản phác[/B - nghĩa: quay trở về chất phác] trước hết.


    Muốn vậy, chính họ phải giữ cái phác. Giữ cái phác để điều khiển trăm quan:


    Thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên người giỏi trị nước không chia cắt chi li (ch.28).


    Giữ được cái phác thì vạn vật sẽ tự động qui phục:


    Đạo vĩnh viễn không có tên, chất phác, tuy ẩn vi mà thiên hạ không ai coi thường nó được. Các bậc vương hầu biết giữ nó, thì vạn vật sẽ tự động qui phục[1].


    Chính sách trị nước đó, Lão tử gọi là vô vi.


    Các triết gia như Khổng, Mặc không nghĩ vậy, mà đưa thuyết nhân nghĩa lễ trí tín ra để răn đời, còn các chính khách thì đề nghị sửa đổi luật pháp, càng ngày càng xa đạo mà càng loạn thêm, kết quả ngược với ý muốn.


    Lão tử bảo thiên hạ không thể trị bằng cách đó được vì:


    Thiên hạ là một đồ vật thần diệu, không thể hữu vi, không thể cố chấp được. Hữu vi thì làm cho thiên hạ hỏng, cố chấp thì mất thiên hạ (ch.29).


    Ông dùng một hình ảnh tài tình:


    Trị nước lớn như nấu cá nhỏ (Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên ch.60).


    Nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nó nhiều quá thì nó sẽ nát, trị nước lớn mà can thiệp vào việc dân nhiều quá, dân sẽ trá nguỵ, chống đối.. Đó là hậu quả của chính sách hữu vi


    Ngược lại, vô vi, ít can thiệp vào việc của dân, để cho dân thuận tự nhiên mà sống, thì dân sẽ tự hoá, sẽ vui vẻ mà phát triển theo bản năng của họ.



    Chương 57:


    Ta không làm gì mà dân tự cải hoá, ta ưa thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính, ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc, ta vô dục mà dân tự hoá ra chất phác.


    Như vậy là không làm gì mà không gì không làm (vô vi nhi bất vô vi), đúng với luật tự nhiên của đạo:


    Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi - vì là tự nhiên) mà không gì không làm (vô bất vi - vì vạn vật nhờ nó mà sinh, mà lớn); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa.[2]


    Công dụng của vô vi lớn như vậy vì nhà cầm quyền đồng hoá với đạo rồi hướng dẫn dân cũng đồng hoá với đạo. Điều đó ít ai bì kịp. (ch.43).


    (Xin coi lại tiết: Triết lí vô vi cuối chương II ở trên).



    *

    * *



    Chính sách vô vi



    Bước đầu của vô vi là giảm thiểu, Lão tử gọi là tổn.


    Chương 48:


    Theo đạo thì mỗi ngày một giảm. Giảm rồi lại giảm cho tới mức vô vi (Vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi).


    Chúng ta nhớ một qui luật của đạo là tổn hữu dư. Mà chính sách thời đó phiền hà quá, nhiễu sự quá. Cho nên Lão tử bảo phải thu hẹp phạm vi chính sự lại cho đến cái mức tối thiểu.


    Chỉ cần thoả mãn những nhu cầu tự nhiên của con người thôi:


    Chính trị của thánh nhân là làm cho dân: lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu (không ham muốn, không tranh giành), xương cốt thì mạnh. Khiến cho dân không biết, không muốn, mà bọn trí xảo không dám hành động. Theo chính sách vô vi thì mọi việc đều trị (ch.3).


    Còn những cái khác như ngũ sắc, ngũ âm, ngũ vị, những vật quí đều có hại, đều phải bỏ hết (ch.12 đã dẫn).


    Lão rất ghét những vàng bạc châu báo mà ông gọi là nan đắc chi hoá, cho nên chương 3 và chương 64, ông dặn đi dặn lại: bất quí nan đắc chi hoá để cho lòng dân khỏi loạn.


    Tóm lại là thánh nhân cầu cho no bụng mà không cầu vui mắt (vị phúc bất vị mục ch.12).


    Như trong chương III tôi đã trình bày, ông chê cả nhân, nghĩa, lễ, trí, tín của Nho gia, muốn tuyệt cả thánh, bỏ cả trí:


    Dứt thánh (thánh của Nho gia), bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt [trí] xảo bỏ lợi, không có trộm giặc. (ch.19).


    Bỏ cả học đi, vì tuyệt học thì vô ưu (ch.20); càng học thì dục vọng và sự trí xảo mỗi ngày càng nhiều (vi học nhật ích ch.48); mà dân càng hoá ra khó trị:


    Thời xưa, người khéo dùng đạo trị nước thì không làm cho dân khôn lanh cơ xảo, mà làm cho dân đôn hậu, chất phác. Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí mưu (ch.65).


    Khổng, Mặc đều cho sự dạy dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà cầm quyền, cho nên có danh từ chính giáo, hễ nói tới chính trị (trị dân) thì phải nói tới giáo dân (dạy dân); mà dạy dân thì dùng lễ, nhạc và giảng cho dân đạo nhân nghĩa, hiếu trung.


    Lão tử ngược lại bảo:


    Thánh nhân xử sự theo thái độ vô vi, dùng thuật không nói mà dạy dỗ (hành bất ngôn chi giáo ch.2).


    Dạy dỗ bằng cách không nói là để cho vạn vật sinh trưởng mà không can thiệp vào. Từ xưa tới nay, chưa ai tin ở bản tính con người bằng Lão tử.


    Vậy là qui tắc phú chi, giáo chi của Khổng phải bỏ. Không dạy cho dân thì không cần chữ viết, trường học; mà cũng không cần luật pháp, nhà tù. Đó là chúng tôi suy luận như vậy, chớ Lão tử chỉ bảo:


    Chính lệnh rõ ràng (nghiêm và chi li) thì dân kiêu bạc (ch.58).

    và:


    Dân không sợ chết thì sao lại dùng tử hình doạ dân? Nếu làm cho dân luôn luôn sợ chết, mà có kẻ nào phạm pháp ta cũng bắt được mà giết thì ai còn dám phạm pháp nữa? [Sự thực không phải như vậy cho nên hình pháp mới vô hiệu].


    đấng ti sát (tức đạo trời) chuyên lo việc giết, nếu vua chúa thay đấng ti sát mà giết dân thì cũng như thay thợ đẽo. Thay thợ đẽo thì ít khi không đứt tay (ch.74).


    Ông tin rằng kẻ nào làm bậy thì trời sẽ không tha:


    Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất ch.73).


    *


    - Về kinh tế, Lão tử chủ trương chính sách tự do:


    Chương 57:



    Ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc () càng ban nhiều lệnh cấm thì nước càng nghèo (vì làm thì sợ phạm cấm mà không dám làm, hoặc những lệnh cấm đó cản trở công việc làm ăn của dân, ngược với luật thiên nhiên, kết quả tai hại).


    Thuế sẽ đánh rất nhẹ:


    Chương 75:


    Dân sở dĩ đói là vì nhà cầm quyền thu thuế nặng nặng quá, cho nên dân đói. Bắt dân đóng thuế quá nặng để cho nhà cầm quyền xa xỉ, tự phụng dưỡng quá hậu thì họ sẽ coi thường cái chết mà nổi loạn.


    Dân chỉ cần no bụng, ấm thân, ở yên, cho nên ngoài việc trồng trọt và nuôi tầm, chỉ cần chế tạo vài đồ dùng cần thiết như lưỡi cày, dao búa, chén bát Dù có thuyền xe cũng không ngồi, có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người cũng không dùng (ch.80).


    Vậy là công nghiệp giảm tới mức tối thiểu, mà thương nghiệp không cần thiết, chỉ trao đổi hiện vật với nhau là đủ.


    *


    - Về võ bị, Lão tử chủ trương bất tranh thì tất nhiên phản chiến hơn ai hết. Trong Đạo Đức kinh có tới sáu bảy chương bàn về vấn đề đó.


    Chương 30:


    Người giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực để mạnh hơn thiên hạ. Vì việc như vậy thường hay quay ngược trở lại [hiếu chiến thì lại chết vì chiến tranh].


    Quân đội đóng ở đâu, gai góc mọc ở đấy. Sau trận chiến tranh lớn, tất bị mất mùa (Đại quân chi hậu tất hữu hung niên).


    Dù có mạnh lên một thời rồi cũng suy, cường tráng thì rồi sẽ già, đó là luật phản phục, luân phiên của các tương phản (coi lại chương II phần này).


    Tiếp ngay chương sau, Lão tử lại bảo:


    Binh khí là vật bất tường, ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không thích dùng nó.


    Chương 46:


    Thiên hạ có đạo thì ngựa tốt không dùng vào chiến tranh mà dùng vào việc cày cấy; thiên hạ vô đạo thì ngựa dùng vào chiến tranh và ngựa mẹ sinh con ở chiến trường [chứ không sinh ở nhà].


    Và ông khuyên các vua chúa nước lớn cũng như nước nhỏ - phải khiêm nhu để tránh chiến tranh cho thiên hạ:


    Nước lớn nên ở chỗ thấp, chỗ qui tụ của thiên hạ, nên giống như giống cái trong thiên hạ. Giống cái nhờ tĩnh mà thắng giống đực [ham động], lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nước lớn mà khiêm hạ đối với nước nhỏ thì được nước nhỏ xưng thần; nước nhỏ mà khiêm hạ đối với nước lớn thì được nước lớn che chở. Như vậy là một bên khiêm hạ để được [nước nhỏ xưng thần], một bên khiêm hạ mà được [nước lớn che chở]. Nước lớn chẳng qua chỉ muốn gồm nuôi nước nhỏ, nước nhỏ chẳng qua muốn thờ nước lớn. Khiêm hạ thì cả hai đều được như ý muốn; nhưng nước lớn phải khiêm hạ mới được.


    Thế giới mà dân tộc nào cũng khiêm nhu, bất tranh; cá nhân nào đối với nhau cũng khiêm nhu bất tranh như vậy thì nhân loại cực kì văn minh rồi; nhưng luật phản phục tự nhiên, luật luân phiên của các tương phản (coi chương II phần này), tức thịnh rồi suy, tráng tới lão, dương cực rồi sinh âm, thì hoà bình rồi tất sẽ phải có chiến tranh, không thể có tình trạng vĩnh viễn hoà bình được.


    Chắc Lão tử hoặc các môn đệ đời sau của ông hiểu như vậy, nên xét thêm cả trường hợp bất đắc dĩ phải dùng binh thì phải làm sao.


    Chương 68 khuyên nên chiến đấu với tinh thần bất tranh:


    Viên tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng, người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng, người khéo thắng dịch không giao phong với địch, người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người. Như vậy là có cái đức không tranh với người, như vậy là biết dùng sức của người, như vậy là hoàn toàn hợp với đạo.


    Chương 69 lại tiếp:


    Thuật dụng binh có câu: Ta không dám làm chủ (tức khiêu chiến) mà chỉ muốn làm khách (tức ứng chiến), không dám tiến một tấc, thà chịu lùi một thước (không muốn hung hăng mà chịu nhường địch). Như vậy dàn trận mà không thành hàng, xua đuổi mà không dám đưa cánh tay ra. Tuy có binh khí mà như không dùng binh khí, tuy có địch mà như không chạm trán với địch.


    Hoạ không gì lớn bằng khinh địch, khinh địch thì sẽ mất những vật báo của ta. Cho nên khi hai bên cử binh giao chiến, bên nào từ ái bên đó sẽ thắng lợi.


    Những vật báo của ta tức là ba đức: lòng từ ái, tính kiệm ước, tính khiêm, không dám đứng trước thiên hạ, trong chương 67. Chương đó mà chúng tôi ngờ của người sau thêm vào vì Lão chỉ xét lí thuyết, nguyên tắc, không đi vào chi tiết, nhất là những chi tiết về binh pháp khiến chúng tôi nhớ hai truyện chiến nhi bất tranh trong thời Xuân Thu, một truyện chép trong La Civilisation chinoise của Marcel Granet (Albin Michel Paris 1946), và một trong thiên XXXIII sách Hàn Phi tử.


    Granet kể trong một cuộc giao chiến giữa Tấn và Sở, một chiến xa của Tấn sa lầy, tiến không được, tình cảnh nguy ngập, tướng Tấn loay hoay không biết làm sao. Tướng Sở đứng yên ngó rồi chỉ cho cách gỡ bỏ bớt then ngang cùng cỡ và khí giới đi, quân Tấn nghe theo, thoát ra khỏi chỗ lầy được.


    Còn Hàn Phi thì nhắc lại truyện Tống và Sở giao tranh ở Trác Cốc. Quân Sở đương qua sông, quân Tống đòi thừa dịp tấn công ngay. Tống Tương công không cho, bảo để địch qua sông đã. Khi quân sở qua sông hết rồi, quân Tống lại xin tấn công, Tương công cũng bảo: Khoan, đợi chúng dàn trận đã. Sở dàn trận xong, đánh bại Tống. Tương công bị thương mà còn bảo: Bậc quân tử không đánh quân địch khi họ đương ở bước khốn cùng.


    Tinh thần quân tử, từ ái khi lâm chiến của thời Xuân Thu đó, tôi nghĩ khó mà có được trong các bộ lạc sống theo thiên nhiên khi họ đối đầu nhau trong các cuộc săn thú. Trong chiến tranh mà muốn giữ luật thiên nhiên, thì phải như loài cọp, loài chim ưng, loài cá mập.


    Nhưng lời dưới đây Lão tử khuyên những kẻ thắng trận thì rất đúng:


    Người khéo dùng binh hễ có hiệu quả, đạt được mục đích thì thôi, không ỷ mạnh hơn thiên hạ. Đạt được mục đích mà không tự phụ, đạt được mục đích mà không khoe công, đạt được mục đích mà không kiêu căng, đạt được mục đích mà bất đắc dĩ, đạt được mục đích mà không lấy làm mạnh. (ch.30).


    và:


    Bất đắc dĩ phải dùng nó, mà dùng đến thì điềm đạm [tránh cực đoan] là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không thực hiện được lí tưởng trị thiên hạ (ch.31).


    Thắng mà kêu tức là tự mình đào cái hố để chôn mình. Cho nên Lê Lợi sau khi thắng quân Minh, Quan Trung sau khi thắng quân Thanh đều đã quả nhi vật căng (đạt mục đích mà không tự phụ) như Lão tử nói.


    Nhưng gặp phải trường hợp mình càng khiêm nhu, địch càng tàn bạo thì làm sao? Lão tử, như tôi đã nói, chỉ đưa ra nguyên tắc, không đi vào chi tiết. Tuy nhiên, cứ theo chủ trương nhu thắng cương của ông, thì chúng ta chỉ có thể nhẫn, kiên nhẫn chịu, đợi cho một ngày kia đạo sẽ tổn cái hữu dư của họ, và khi họ suy rồi thì dĩ đức báo oán (chương 63). Nhu như vậy mới thật là cương (ch.52), cần có nghị lực rất lớn, chứ không phải hèn nhát. Nhu như vậy là biết mềm mỏng, chịu khuất để tự bảo toàn được: Khúc tắc toàn (ch.22).


    Trước sau, tuyệt nhiên không dùng âm mưu, trá thuật.


    Chương 36 khiến một số người thắc mắc. Chương đó chép:


    Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Như vậy là sâu kín mà sáng suốt.


    Có người cho như vậy là Lão tử khuyên người cầm quyền dùng âm mưu, trá thuật như các chính trị gia thời Chiến Quốc: chẳng hạn như Tấn Hiến công[3] muốn đánh nước Ngu, mới đầu đem tặng vua Ngu ngọc bích và ngựa; Hàn Khang tử đem đất dâng Trí Bá để Trí Bá hoá kiêu, đòi đất của Nguỵ, các nước khác thấy Trí Bá quá tham, sợ sắp đến phiên mình, vội liên kết nhau diệt Trí Bá.


    Lão tử ghét xảo trá đâu lại khuyên người ta dùng âm mưu; ông chỉ muốn phá thuật của bọn âm mưu và dặn chúng ta coi chừng đấy thôi.



    ____________________
    Nguồn: vnthuquan
    (còn tiếp)
    Đạo khả đạo, phi thường đạo
    Danh khả danh, phi thường danh

  3. #12
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    16
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 0 Lần
    Trong 0 Bài Viết

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh (tiếp theo)

    Ngăn ngừa trước bằng phác


    Như vậy là gần như hoàn toàn vô sự (ch.63), không có việc gì làm cả: Không có lễ, nhạc, giáo dục, không có hình pháp, võ bị, không lo về kinh tế, khỏi phải chia ruộng, chia đất (tỉnh điền), cũng chẳng cần phải xây cất kho lẫm, dinh thự, đường xá; lục bộ (bộ lại, bộ hình, bộ lễ, bộ binh, bộ hộ, bộ công) khỏi phải thiết lập ngũ tư (các chức tư đồ, tư mã, tư thông, tư sĩ, tư khấu) hoá ra vô dụng, mà chính phủ được giảm tới mức tối thiểu: tại triều đình có mươi vị quan, mỗi địa phương có vài vị là đủ. Họ không có quyền can thiệp vào đời sống của dân, chỉ có mỗi nhiệm vụ giữ sao cho dân thần hậu, chất phác. Như vậy là:


    Giúp mọi người lầm lạc trở về với đạo, giúp vạn vật phát triển theo tự nhiên, mà không dám làm (can thiệp vào) giúp mọi người lầm lạc trở về với đạo, giúp vạn vật phát triển theo tự nhiên, mà không dám làm (tức can thiệp vào) (ch.64).


    Nếu vì được tự do mà có kẻ còn lòng tư dục, sinh ra tham lam, xảo trá, tranh giành, thì nhà cầm quyền sẽ dùng cái phác mà ngăn lại, như chương 37 đã chỉ:


    Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái vô danh chi phác cái mộc mạc vô danh - mà trấn áp, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định.


    Phải ngăn ngừa thật sớm:


    Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ [vì] việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ khởi từ lúc còn nhỏ. Do đó thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn (ch.63).


    Phải thật sáng suốt nhờ đức hư tĩnh để thấy trước cái loạn sắp xảy ra:


    Cái gì an định thì dễ nắm, điểm chưa hiện thì dễ tính () Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình. Cây lớn một ôm, khởi sinh từ cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân (ch.64).


    Muốn ngăn ngừa từ khi chưa manh nha chỉ có cách theo dõi lời khuyên trong chương ba đã dẫn: không phơi bày cái gì gợi lòng ham muốn của dân, mà phải khiến cho dân không biết, không muốn.


    Sử dân vô tri vô dục tắc vô bất trị, đó là qui tắc căn bản trong việc trị dân, đó là chính sách vô vi của Lão tử. Trong bộ Hàn Phi tử, cuối chương VII phần II, chúng tôi đã so sánh thuật vô vi của Lão tử với thuật đó của Khổng, Trang và Hàn Phi, ở đây chúng tôi chỉ xin tóm tắt lại thôi.


    Khổng tử là người đầu tiên dùng bốn chữ vô vi nhi trị (chương Vệ Linh công bài 4). Ông cho vô vi là vua phải cảm hoá dân bằng đức của mình, dạy dân bằng lễ, nhạc, ít dùng hình pháp.


    Lão tử coi vô vi là để dân thuận theo tự nhiên mà sống, không can thiệp vào đời sống của dân, nhưng vẫn coi chừng, ngăn ngừa dân có lòng dục, vẫn giữ chính phủ, chỉ giảm tới mức tối thiểu thôi.


    Trang tử cho như vậy chưa đủ, phải bỏ chính phủ đi, để cho dân hoàn toàn tự do, cứ theo bản năng mà sống, vì dân tự biết cái hoạ để tránh, không ai được theo ý mình mà ép buộc dân, ngay đến việc hướng dẫn dân cũng không nên nữa.


    Còn Hàn Phi thì cho vô vi là vua chỉ trị quan lại, chứ không trị dân, bắt quan làm hết, mình không làm gì cả, mà muốn vậy thì phải đặt ra hình pháp nghiêm khắc, dùng thuật để bắt quan lại và dân phải làm theo đúng ý mình, không dám phản mình. Như vậy hiểu theo Lão tử là cực hữu vi, chứ không phải vô vi.


    Trang và Hàn ở hai thái cực: Trang cực vô, Hàn cực hữu; Khổng và Lão ở giữa, Khổng gần Hàn, Lão gần Trang. Bỏ Trang ra không kể, Khổng và Lão đều được các vua chúa trọng nhưng không theo; Hàn bị Tần Thuỷ Hoàng giết mặc dầu vẫn nhờ chánh sách của Hàn nói chung là của các Pháp gia mà thống nhất được Trung Quốc. Từ đó tới nay, quốc gia nào cũng theo chính sách hữu vi, mà ngày càng hữu vi hơn.



    *

    * *



    Tư cách ông vua



    Ông vua của Pháp gia đáng sợ nhất (câu Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung là của Pháp gia chứ không phải của Nho gia). Ông vua đáng trọng nhất là ông vua lí tưởng của Khổng tử, mà ông vua dễ thương nhất là ông vua vô vi của Lão tử.


    Khổng tử đưa ra thuyết chính danh là có ý buộc ông vua phải làm tròn sứ mạng ông vua và tư cách ông vua, nghĩa là phải yêu dân (dân chi sở hiếu, hiếu chi, dân chi sở ố, ố chi Đại học), lo cho dân đủ ăn, dạy dỗ dân, phải kính cẩn giữ mình mà làm việc thì giản dị (cư kính hành giản).


    Lão tử cũng cho rằng vua phải phục vụ dân, hi sinh cho dân. Cuối chương 13, ông bảo:


    Người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào vui vẻ đem thân mình phục vụ thiên hạ thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được.


    Ông gọi hạng vua chúa biết theo đạo mà trị dân là thánh nhân.


    Mà đạo thì:


    Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình [mà sống cho vạn vật], nên mới trường sinh được.


    Vua chúa cũng phải vậy, cho nên tiếp theo câu trên:


    Vì vậy thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư? (ch.7).


    Không tự tư (vô tư) còn có nghĩa nữa là không có thành kiến, coi ai cũng như ai. Chương 49:


    "Thánh nhân không có thành kiến, lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với những người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra tốt; tin người đáng tin mà tin cả người không đáng tin, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra đáng tin.


    Thánh nhân ở trong thiên hạ thì vô tư vô dục, trị thiên hạ thì để lòng mình hồn nhiên. Trăm họ đều chăm chú nghe nhìn thánh nhân, thánh nhân đều coi họ như con trẻ.


    Dùng người thì không bỏ ai, cả những người không thiện, vì:


    Người thiện [người đắc đạo] là thầy của người không thiện [người không đắc đạo]; người không thiện là của dùng để người thiện mượn. Không trọng thầy, không yêu của dùng thì dù cho khôn cũng là lầm lẫn lớn (ch.27).



    Thế thì tại sao có câu:



    Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu (Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm) ở đầu chương 5?


    Wieger viện câu đó để chê chính sách dùng người của Lão tử là tàn nhẫn, tuỳ cơ, vắt chanh bỏ vỏ, như chính sách của Pháp gia đời sau. Theo Weiger, chữ bách tính ở đây trỏ trăm quan, quan nào còn có ích cho nước thì dùng, vô ích hoặc có hại cho nước thì diệt, như con chó kết bằng rơm để dùng trong việc cúng thần, khi cúng thì long trọng bày lên bàn thờ, cúng xong thì liệng ra đường cho người đi qua giẫm lên đầu lên cổ.


    Chúng tôi nghĩ không phải vậy, Lão tử chỉ muốn khuyên ta trị dân thì cứ theo đạo, theo tự nhiên, không có thành kiến, không tư tâm, cũng như đạo đối với vạn vật (coi bài 5 lời giảng, tr.119).


    Sau cùng, vua chúa phải có đức khiêm hạ, và Lão tử nhấn mạnh vào đức này nhất.


    Công của thánh nhân rất lớn, nhưng không được khoe tài, cậy công.


    Chương 2:


    [thánh nhân] khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài.


    Chương 10 nhắc lại:



    [thánh nhân] sinh và dưỡng vạn vật. Sinh mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự lớn lên mà mình không làm chủ.


    Rồi chương 77 nữa:


    Thánh nhân làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới, không biểu hiện đức của mình ra.


    Không những vậy, công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời (ch.9); không dám ở trên thiên hạ (ch.67); mà nên ở dưới thiên hạ, như sông biển ở chỗ thấp hơn hết các khe, lạch, nên mới qui tụ được mọi khe lạch, mà làm vua các khe lạch (ch.66); ở chỗ thấp nhất trong thiên hạ thì phải chịu nhận mọi cái ô nhục, mọi tai hoạ, có vậy mới làm vua được thiên hạ (ch.78), mới là khéo chỉ huy người (ch.68).


    Như vậy là sang biết lấy hèn làm gốc, cao biết lấy thấp làm nền. Càng cao sang lại càng phải khiêm hạ, cho nên vua chúa mới tự xưng là cô, quả, bất cốc (ch.39).


    Chỉ có Lão tử mới bắt vua phải khiêm hạ như vậy. Khiêm hạ như vậy thì:


    Vua ở trên mà dân không thấy nặng cho mình, ở trước mà dân không thấy hại cho mình, mới, vui vẻ đẩy thánh nhân tới trước mà không chán (ch.66).


    Ông vua nào khiêm hạ, né mình tới mức dân không biết có vua nữa, quên hẳn công vua đi, nhờ vua hưởng được an lạc, mà cứ tưởng là tự nhiên mình được vậy, ông vua đó mới là ông vua lí tưởng của đạo Lão:


    Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn [] Vua công thành, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: Tự nhiên mình được vậy.[4]


    Đó mới thực là tuyệt đỉnh của vô vi. Theo quan niệm của Lão tử, các bậc thánh vương của Nho gia như Nghiêu, Thuấn, Hạ Vũ, Văn vương, Võ vương chỉ là hạng nhì, các vua giỏi dùng thuật pháp của Pháp gia đứng hạng ba, còn bọn hôn quân đứng hạng cuối.


    Dân không biết có vua, quên công của vua đi, như vậy là Lão tử đặt dân ở trên vua. Cho nên chương III phần này (tr.71)[5] chúng tôi nói Lão tử lật ngược tôn ti của chế độ phong kiến.



    *

    * *



    Quốc gia lí tưởng



    Chương áp chót trong Đạo Đức kinh phác hoạ cho ta một quốc gia lí tưởng theo Lão tử:


    Nước nhỏ, dân ít, dù có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người (có người dịch là dù có binh khí dịch cách nào cũng không trái với tư tưởng Lão tử) cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu xa. Có thuyền, xe mà không ngồi, có binh khí mà không bày. [Bỏ hết văn tự] bắt dân dùng lại lối thắt dây thời thượng cổ [để ghi những việc cần phải nhớ]. Thức ăn đạm bạc mà thấy ngon, quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phác mà lấy làm vui (nghĩa là chỉ lo ăn no, mặc ấm, ở yên, sống vui, ghét xa xỉ). Các nước láng giềng gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà tiếng chó ở nước kia, mà nhân dân các nước ấy đến già chết cũng không qua lại với nhau. (ch.80).


    Lí tưởng đó là trở về chế độ bộ lạc dân chủ, tự túc, tự lập thời thượng cổ, mọi người sống theo tự nhiên, tuy có vua tức tù trưởng nhưng tù trưởng cũng sống như người khác, không can thiệp vào đời sống của ai cả.


    Chúng ta thấy Lão tử không muốn thống nhất thiên hạ. Đây cũng là một điều ngược hẳn với chủ trương của Khổng Mạnh, Mặc tử, và Pháp gia, ngược với xu thế thời đại.


    Xã hội lí tưởng đó tưởng như dã man mà thực ra cực văn minh, vì biết cái hại của văn minh mà tự ý từ bỏ nó (có thuyền xe mà không ngồi, có binh khí mà không dùng), chứ không phải là chưa tới trình độ chúng ta gọi là văn minh. Cũng như một phú gia chán ghét đời sống vật chất xa xỉ, có hại cho tâm hồn, mà trở về đời sống giản dị, đạm bạc của người nghèo trường hợp Lév Tolstoi khi về già chứ không phải là chưa biết cảnh phú quí.


    Áp dụng đúng thuyết phản phác vô vi của Lão tử thì tất nhiên đưa tới một xã hội như vậy, mà chỉ trong những tiều quốc như vậy mới áp dụng được thuyết của ông.


    Nhiều người trách ông là ảo tưởng, nhưng triết gia nào muốn xây dựng một xã hội mới mà chẳng có ít nhiều ảo tưởng?



    ____________________
    Nguồn: vnthuquan
    (còn tiếp)
    Đạo khả đạo, phi thường đạo
    Danh khả danh, phi thường danh

  4. #13
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    16
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 0 Lần
    Trong 0 Bài Viết

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh (tiếp theo)

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh

    Chú dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê

    Chương 5


    KẾT



    Tương truyền Khổng tử bảy ngày trước khi mất, nói với Tử Cống mà rơi nước mắt:



    Thiên hạ loạn từ lâu mà không một ông vua nào chịu theo lời khuyên của thầy. Thầy sắp đi đây.



    Trong Đạo Đức kinh cũng có một lời phàn nàn người đời không ai hiểu mình, nghe mình. Chương 70 chép:


    Lời [dạy] của ta rất dễ hiểu, rất dễ làm, mà thiên hạ không ai hiểu được, làm được. Lời của ta có tôn chỉ, việc của ta có căn bản. Vì thiên hạ không hiểu ngôn luận của ta nên không biết ta.


    Có người ngờ lời đó không hẳn là lời của Lão tử vì ông rất khoáng đạt, không than thân, không trách đời như vậy. Cũng có lí đấy. Nhưng nếu quả thực Lão tử chán ngán xã hội Trung Quốc đương thời, mà vượt cửa ải Hàm Cốc, đi về phương Tây, mất tích, thì lời phàn nàn dẫn trên rất dễ hiểu. Đời sống của Lão tử sẽ vĩnh viễn là một bí mật, chúng ta không thể quyết chắc điều gì cả.


    Dù sao chương 70 cũng cho ta thấy hai điều này:


    - tác giả chương đó nhận rằng học thuyết Lão tử rất có hệ thống, căn bản,


    - học thuyết đó ít người theo.


    Tư Mã Thiên khi chép đời Lão tử bảo hai phái Khổng, Lão chê bai lẫn nhau: Đạo khác nhau thì không cùng bàn với nhau được.


    Lão học quả có bị một số học giả cuối thời Chiến Quốc chê, nhưng nhẹ nhẹ thôi, đại khái là quá trọng sự nhu nhược (Tuân tử, Lã thị Xuân Thu), sự hư tĩnh vô vi (Trang tử - Thiên hạ). Tư Mã Thiên chỉ bảo: Lí Nhĩ chủ trương vô vi mà dân tự cảm hoá, thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính, chứ không phê bình gì cả.


    Thực ra đó chỉ là lời nhận định thôi chứ không phải là lời chê bai hay bác bẻ. Tuyệt nhiên không có ai mạt sát cả. Mà rõ rằng lời Lão tử đã thực sự phản lại chứ không phải chỉ là có vẻ như phản (nhược phản) (ch.78) tất cả những học thuyết đương thời: Khổng, Mặc, Pháp.


    Muốn chê Lão tử là việc rất dễ. Có thể viết 10.000, 20.000 chữ để bác bẻ 5.000 chữ trong Đạo Đức kinh được. Chúng tôi đã thấy Trương Khởi Quân viết khoảng 12.000 chữ (Lão tử triết học tr,83-100) và Ngô Tất Tố viết khoảng 2.000 chữ (Lão tử tr.107-116) để chỉ trích Lão tử. Và còn bao nhiêu nhà nữa mà chúng tôi chưa được đọc!


    Người ta có thể trách Lão tử là quá sùng thượng tự nhiên, cho tự nhiên là hoàn hảo tột bực, năng lực vô biên, một thần khi, loài người chỉ phải tuân theo, không được làm trái lại, không được tìm cách sửa đổi, càng sửa đổi càng có hại. Nhìn các màu sắc, bô phận của bông hoa, một cánh bướm, càng phân tích cơ thể một con chim, một em bé sơ sinh, càng suy tư về sự vận hành của các tinh tú v.v chúng ta càng thấy sự nhiệm mầu của tự nhiên, sự nhiệm mầu đó thành hình nhờ hằng tỉ năm biến chuyển, chứ không phải trong một hai thế hệ. Nhưng tự nhiên đâu phải cực hoàn hảo, nó còn tiếp tục biến chuyển nữa trong không biết bao nhiêu tỉ năm nữa, sẽ còn tiến bộ nữa, và nhân vi đã có thể giúp cho nó tiến mau hơn dù trong một phạm vi nhỏ. Hoa cúc rừng đâu có đẹp bằng hoa cúc ở Ngọc Hồi (Hà Nội), ổi rừng, xoài rừng đâu có ngon và lớn bằng ổi Xá lị Mĩ Thuận, xoài cát Cần Thơ. Nhân lực rõ ràng đôi khi đã thắng thiên: trẻ sơ sinh ngày nay không chết nhiều như ngày xưa, chúng ta đã đổ bộ được lên mặt trăng và báo đăng có một số nhà khoa học đã rán bắt những tín hiệu phát từ các hành tinh cách trái đất cả hàng tỉ năm ánh sáng (tốc độ ánh sáng là 300.000 cây số một giây).


    Sùng thượng tự nhiên, mạc sát nhân vi, tức là phủ nhận sự tiến bộ, sự văn minh, trở về huyền thoại con người dã man, cho đời sống con người sơ khai sung sướng nhất, tính tình của họ dễ thương nhất. Huyền thoại đó không còn ai tin nữa mà những người đưa ra huyền thoại đó chắc chưa hề sống trong các bộ lạc săn đầu người ở châu Phi, hoặc trong vài đảo Salomon để thấy thổ dân nuôi đàn bà cho mập như heo để làm thịt trong các ngày lễ. (Nguồn gốc văn minh của Will Durant Phục Hưng tr.23).


    Xét chung, quả thực con người càng văn minh càng gian trá, lòng dục càng tăng, sự cạnh tranh để sinh tồn càng khốc liệt. Cái phác của người sơ khai, có điểm khả ái thật, nhưng bảo họ là con người lí tưởng, đáng quí hơn những người mà chúng ta gọi là đạo đức; rồi kết luận rằng phải tuyệt thánh khí trí, bỏ hết nhân, nghĩa, lễ, trí, tín đi, bỏ học, bỏ văn tự đi, dùng trở lại lối thắt nút thì thật vô lí. Ai cũng tôn trọng Khổng tử, Lão tử, Thích Ca, Ki Tô hơn những con người còn chất phác còn ăn lông ở lỗ, mà những vị đó do văn minh, nhân vi tạo nên, chứ không phải là do tự nhiên. Từ khi có loài người cho tới khi có những vị đó, đã phải mất cả triệu năm, cả chục triệu năm kinh nghiệm, giáo hoá.


    Ngay đến việc đem tự nhiên và nhân vi đối lập với nhau cũng là một điểm vô lí nữa. Biết đâu là ranh giới giữ hai cái đó? Xã hội lí tưởng của Lão trong chương 80, tuy chất phác thật đấy nhưng đâu phải là tự nhiên, mà chính là nhân vi rồi. Con người nguyên thuỷ đâu có quần áo, nhà cửa, đâu biết nuôi gà nuôi chó. Một thật là tự nhiên thì phải ăn lông ở lỗ, còn sống như bộ lạc giữa rừng châu Phi cũng đã là nhân vi rồi. Mà muốn giữ cái đức, cái phác của Lão thì phải như loài muông thú, hằng ức triệu năm trước ra sao, nay cũng vậy. Chúng ta khác loài muông thú ở điểm muốn cải thiện đời sống của mình và có đủ thông minh, tài năng để cải thiện nó. Lòng muốn đó là tự nhiên chứ không phải là nhân vi. Nếu bảo lòng muốn đó trái với tự nhiên thì do đâu mà nó phát sinh, vì theo Lão con người do đạo sinh ra, đức nuôi dưỡng, phát triển theo tự nhiên để cuối cùng trở về đạo kia mà.


    Loài người không chỉ có nhu cầu ăn no mặc ấm, mà còn có nhu cầu ăn cho ngon, mặc cho đẹp, hiểu biết thêm, sáng tạo ra một cái gì. Bảo người trị dân chỉ nên làm cho dân lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu, xương cốt cứng mạnh (ch.3) là không cận nhân tình.


    Vả lại đã chủ trương vô vi mà sao lại còn đề nghị xoá bỏ văn minh đi. Làm sao xoá được? Phá huỷ hết từ lâu đài, cầu cống, đồ dùng, máy móc, tới sách vở, chữ nghĩa vải vóc, xe, ngựa chăng? Dù cho được đi nữa, thì sống như người nguyên thuỷ trong một thời gian, con người sẽ tìm tòi, phát triển, lần lần tạo nên một nền văn minh mới. Như vậy là không thực tế.


    Triết lí khiêm nhu, bất tranh rất có hại, đưa tới sự diệt thân, diệt chủng. Nó cũng trái với tự nhiên, với bản năng tự vệ của con người. Muốn hoàn toàn theo tự nhiên, theo đạo thì đáng lẽ phải tán thành tự do cạnh tranh chứ, vì luật cạnh tranh để sinh tồn là một luật tự nhiên.


    Người ta còn trách Lão tử nguỵ biện nữa: Không tranh với địch thì làm sao thắng địch (ch.68, 69). Trẻ sơ sinh mà sao độc trùng không chích, mãnh thú không vồ, ác điểu không quắp? (ch.55). Người khéo dưỡng sinh làm sao mà đi đường không gặp con tê ngưu, con hổ, ở trong quân đội không bị thương vì binh khí (ch.50). Tại không tiến vào tử địa. Nghĩa là không bao giờ vô rừng, mà ở chiến trường thì kiếm chỗ núp, không giao tranh ư?


    *


    Còn nhiều lời chê trách nữa chẳng hạn có mấy chỗ mâu thuẫn: coi phần I, ch.II, tiết C. Có lí cả đấy, không đúng nhiều thì cũng đúng ít; nhưng người chê thì cứ chê, người theo thì cứ theo, không ai thuyết phục được ai. Mà hạng người thích Lão tử lại rất đông, họ không dùng lí trí để phân tích như hạng trên, chỉ dùng con tâm để cảm thông với Lão tử.


    Khi đã cảm thông với Lão tử thì ta thấy con người của ông rất khả ái, đáng quí, cao thượng. Ông tuy bàn về chính trị, nhưng không phải là một chính trị gia, chỉ là một triết gia thuần tuý, nghĩa là chỉ đưa ra một lí thuyết, không trỏ cách thực hành.[1]


    Ông thấy xã hội thời đó loạn lạc, vì thói đa dục, đa xảo, tranh nhau; ông thấy cái hại của văn minh, của chính sách hữu vi quá đáng, nên ông phải động lại, bảo cứ theo cái hướng cũ thì xã hội sẽ loạn thêm, phải đổi hướng đi, và ông chỉ cho ta cái hướng ngược lại: phải sống đơn giản, bớt dục vọng, xảo trá, mà nhường nhịn nhau, đừng tranh giành nhau, tôn trọng tự do của nhau.


    Hướng đó đúng. Còn thực hiện ra sao, tới đâu thì ông để các nhà cầm quyền quyết định. Nhưng ông cũng dặn khứ thậm, khứ xa, khứ thái (ch.29), nghĩa là đừng làm cái gì thái quá; và nhắc ta cố giữ ba vật báo: Lòng tự ái, tính kiệm ước, nhưng người (từ, kiệm, bất cảm vi thiên hạ tiên ch.67).


    Nhiều khi ông nói quá, nhưng chỉ là để đập vào óc ta cho ta chú ý tới, khi đọc ông không nên theo nghĩa từng chữ mà bẻ ông từng lời. Nên như Đào Uyên Minh, hội được thì thôi, bất cầu thậm giải (không cần nghiền ngẫm chi li). Ông biết rằng không thể phản phác triệt để, xoá bỏ hết văn minh mà sống như người nguyên thuỷ được, cho nên mới đưa ra một mẫu xã hội trong chương 80. Khiến cho nhân loại được sống vui, chẳng là một lí tưởng đẹp ư? Căn cứ vào chương đó để chê ông tự mâu thuẫn với ông, thì đúng đấy, nhưng thực có hiểu ông không?


    Phần chính trị không phải là phần quan trọng trong học thuyết Lão tử. Những tư tưởng bình đẳng (trọng người thấp hèn, yêu người dần độn), tự do (ít can thiệp vào đời sống của dân chúng), trọng hoà bình, không tranh giành, gây hấn với nhau, mà nhường nhịn nhau, tấm lòng khoan dung (dĩ đức báo oán), thương kẻ nghèo (ai là người có dư mà cấp thêm cho người thiếu thốn trong thiên hạ đâu? ch.77), và nếp sống tự nhiên, giản dị, tri túc, thanh tĩnh đó mới là những giá trị nhân bản rất cao, không triết gia chân chính nào không muốn hướng tới. Chúng có một sức mạnh thu hút ta, khiến ta hướng thượng, cao cả hơn, trong sạch hơn, vừa lãng mạn, vừa nên thơ. Sức hấp dẫn của học thuyết Lão tử chính là ở chỗ đó.


    Cũng chính vì vậy mà trên hai ngàn năm, ở Trung Hoa không có một người nào trong Khổng phái mạt sát Lão cả, mặc dầu như tôi đã nói trong phần II, chủ trương của Lão ngược hẳn chủ trương của Khổng; chính Lão chứ không phải Mặc hay Hàn Phi mới phản đối Khổng mạnh nhất: Khổng trọng thánh trí, nhân nghĩa, mà Lão thì tuyệt thánh khí trí, tuyệt nhân khí nghĩa.


    Họ chẳng những không mạt sát Lão như Hàn vũ mạt sát Phật, mà còn thích Lão, trọng Lão cũng ngang với Khổng nữa. Một số thi hào, văn hào của Khổng chịu ảnh hưởng lớn của Lão như Đào Uyên Minh đời Lục Triều, tác giả những bài Đào hoa nguyên kí, Qui khứ lai từ; Liễu Tôn Nguyên đời Đường, tác giả bài Ngu Khê thi tự, bạn thân của Hàn Dũ mà phóng khoáng hơn Hàn; Lí Bạch với Mạnh Hạo Nhiên, Vương, nhất là Hàn Sơn đời Đường, nhà nào cũng lưu lại nhiều bài bất hủ tả cảnh thiên nhiên; Tô Đông đời Tống với hai bài phú Xích Bích mà bài Hậu Xích Bích có giọng phiêu diêu của một đạo sĩ


    Môn hoạ của Trung Hoa còn chịu ảnh hưởng của Lão nhiều hơn môn thơ nữa: có thể nói tất cả các bức tranh sơn thuỷ, tùng bách, suối mây, cúc, trúc, mai, hạc đều nhờ Lão mà có, mà những hoạ sĩ như Vương Duy đời Đường, Mễ Phế đời Tống đều là những nhà Nho kiêm Lão.


    Dân chúng Trung Hoa cũng thích Lão mặc dù xử thế thì coi Khổng là chính. Họ cũng như các sĩ phu, còn trẻ thì theo hữu vi của Khổng, mà về già thì muốn theo vô vi của Lão; gặp thời bình trị thì tận tâm giúp nước, nhưng khi loạn quá rồi, không cứu vãn được nữa thì rút lui, giữ tiết tháo mà đợi một thời thuận tiện hơn.


    Tóm lại cả dân tộc Trung Hoa từ quan tới dân, từ các học giả, nghệ sĩ tới nông phu đều do bản năng cảm thấy rằng Khổng Lão không phải trái ngược nhau hẳn mà bổ túc lẫn nhau: Khổng hướng dẫn họ trong việc tề gia, trị quốc, trong việc làm ăn, cần thiết cho họ cũng như mặt trời cần thiết cho sự sinh trưởng của vạn vật; Lão nén bớt chí hăm hở thành công, dạy họ tiết dục, tri túc, khoan nhu, như mặt trăng làm dịu tâm hồn của họ xuống, khiến cho cái tâm của họ tĩnh hơn, mát hơn, sáng hơn như cảnh vật dưới ánh trăng. Lâm Ngữ Đường trong cuốn The Importance of Living bảo nhờ Lão tử mà dân tộc Trung Hoa mới tồn tại được trong ba bốn ngàn năm vật lộn với đời sống, mà không có nhiều người bị bệnh điên, bệnh thần kinh suy nhược, bệnh đứt gân máu như người phương Tây.


    Đọc bài 25 thiên Tiên tiến (Luận ngữ) thấy Khổng tử cũng muốn như Tăng Tích, cuối mùa xuân, cùng với một nhóm thanh niên và em bé dắt nhau đi tắm sông nghi rồi lên hứng mát ở đền Vũ Vu, vừa đi vừa hát, tôi có cảm tưởng rằng nếu sống đồng thời với nhau thì Khổng, Lão có thể là bạn thân của nhau được. Chí hướng, tâm hồn hai nhà như nhau, chỉ khác là Lão tử là một triết gia thuần tuý, còn Khổng tử vừa là triết gia vừa là một chính trị gia nên có óc thực tế hơn: bảo phải dĩ trực báo oán (Hiến vấn 38), về chính trị thì như vậy là phải, mà về tình người thì như vậy không cao bằng Lão tử: dĩ đức báo oán So sánh chương 77 của Lão với bài 1 thiên Quí thị của Khổng, ta còn thấy thái độ của hai nhà hơn nữa. Cùng là nghĩ tới người nghèo, cùng mong có sự quân bình trong nước, Lão tử với tư cách đạo đức gia than thở: ai là người có dư mà cấp thêm cho người thiến thốn trong thiên hạ đây; còn Khổng tử với tư cách một chính trị gia nghĩ tới bốn phận của nhà cầm quyền: người có nước có nhà[4], không lo ít người mà lo không được quân bình, không lo nghèo mà lo không được yên ổn.



    *

    * *



    Từ đầu thế kỉ XVIII, các nhà truyền giáo Ý, Pháp, Y Pha Nho đã phát giác ra học thuyết Lão tử cho người phương Tây biết. Nhưng qua thế kỉ sau họ mới dịch Đạo Đức kinh và từ đó các bản dịch, các bài phê bình mỗi người một nhiều. Đạo Đức kinh thành tác phẩm của Trung Hoa được phổ biến nhất châu Âu, bỏ xa Tứ thư, Ngũ kinh, cả thơ Lí Bạch nữa, một phần lớn vì thể văn cô động như châm ngôn với ý nghĩa vừa bí hiểm, vừa ngược đời của Lão tử. Đại đa số độc giả phương Tây thời trước vì hiếu kì mà đọc. Gần đây, từ sau thế chiến thứ nhì, họ hiểu Lão tử hơn và muốn tìm trong Đạo Đức kinh một phương thuốc trừ cái tật hăm hở hưởng thụ, quá ham tiến bộ, sống trái thiên nhiên của họ.


    Max Kaltenmax, trong phần kết cuốn Lao Tseu bảo thời đại chúng ta ở Âu Mĩ, nhiều người thích thuyết vô vi, hư tĩnh của Lão tử, mà xét cho cùng, thái độ thuận theo tự nhiên, bất can thiệp của Lão không trái tinh thần khoa học chút nào cả, vì một tinh thần thực khoa học bao giờ cũng tôn trọng luật thiên nhiên.


    Hơn nữa hai nhà khoa học: Lynton K. Caldwell trong cuốn In Defense of Earth (1972) và Victor C. Ferkiss trong cuốn Technological Man (1969), đều khuyên người phương Tây trở về sống với thiên nhiên.


    Caldwell bảo phải tuân theo luật thiên nhiên, hễ làm trái với thiên nhiên thì tất gặp tai hoạ, và chúng ta nên ôn lại thuyết của Lão tử, của thánh Franois (tr.285 bản tiếng Pháp: La Terre en danger của nhà Editions Internationales). Lời đó đúng. Vì khoa học, kĩ thuật tiến bộ quá, làm mất sự quân bình, mất sự điều hoà trong vũ trụ (harmonie universelle) đã lần lần thành lập trong mấy tỉ năm, từ khi có trái đất, do đó mà nhân loại ngày nay phải đối phó với các tai hoạ bộc phát nhân số (hậu quả là một phần ba nhân loại đang thiếu ăn và sẽ có hằng trăm triệu người chết đói); hoạ ô nhiễm môi sinh (environnement pollution); đất đai, sông ngòi, không khí bị nhiễm uế vì cùng hơi độc của các nhà máy, các xe hơi, vì các chất sát trùng, các phân hoá học. Chỉ nội hai cái hoạ đó thôi cũng đã gây ra cả ngàn cuộc thảo luận của các nhà khoa học khắp thế giới mà vẫn chưa có cách nào giải quyết nổi, chúng thành cái nguy cơ trước mắt của nhân loại. (Xin độc giả coi thêm Những vấn đề của thời đại NHL Mặt đất 1974).


    Mất sự điều hoà trong vũ trụ, mà mất cả sự điều hoà trong bản thân ta, trong tâm hồn ta: ham tiến bộ, ham vật chất quá thì tâm hồn không được yên tĩnh, đạo đức suy, tình nghĩa giảm, đời sống cũng không hạnh phúc. Nhiều thanh niên Âu Mĩ đã chán cái văn minh tiêu thụ, hùng hục làm từ sáng tới tối để sản xuất cho nhiều, rồi tiêu thụ cho nhiều lại để sản xuất cho nhiều; họ phản kháng lại xã hội của họ như bọn hippy, bọn provo; họ đọc Lão tử, Thoreau, rủ nhau sống nhởn nhơ trong những vườn hoa, cánh đồng, gần gũi với thiên nhiên.


    Còn Ferkiss thì đưa ra một triết lí mới, mà ông gọi là Tân chủ nghĩa thiên nhiên. Theo chủ nghĩa đó, con người là một phần của thiên nhiên hơn là một cái gì cách biệt với thiên nhiên. Toàn thể vũ trụ là một diễn trình biến hoá, một chuyển động không ngừng và con người là một phần của chuyển động đó. Cái chủ nghĩa ông ta bảo là mới mẻ đó, sao mà giống của Lão tử thế!


    Là một phần của thiên nhiên thì không thể tách rời thiên nhiên được mà phải sống theo thiên nhiên, trong thiên nhiên, sống chất phác, giản dị, cũng như Caldwell đã khuyên.


    Hai nhà khoa học khác của Mĩ, Paul và Anne Ehrlich, tác giả cuốn Population, Resources, Environment (San Franisco 1970) nhắn nhủ:


    - Các dân tộc đã phát triển phải thay đổi thái độ đối với một số giá trị thời đại; sống cho lành mạnh mới là sung sướng; phải phân phát tài sản một cách công bình hơn, bỏ ra 20% tổng sản lượng quốc gia để giúp một cách bất vị lợi các quốc gia kém phát triển (lời của Lão tử ch.77: thục năng hữu dư dĩ bổ thiên hạ?).


    - Còn các dân tộc kém phát triển thì đừng nên đua đòi các nước Âu Mĩ, sống theo lối Âu Mĩ.


    Còn hàng trăm nhà bác học khác chủ trương như bốn nhà kể trên, hàng trăm tác phẩm khuyên phải sống hợp với thiên nhiên, không sao đọc hết được.


    Vậy là ở phương Tây đã bắt đầu có phong trào phản phác rồi đấy. Và có dấu hiệu rằng phong trào đó mỗi người mỗi lên. Đó là vinh dự cho triết học Trung Hoa vì theo chúng tôi biết, Đạo Đức kinh là tác phẩm duy nhất trình bày thuyết vô vi (bất can thiệp, thuận theo tự nhiên) một cách đầy đủ, có hệ thống, bằng một bút pháp độc đáo, nửa như phú, nửa như thơ.



    ______________________
    Nguồn: vnthuquan
    (còn tiếp)
    Đạo khả đạo, phi thường đạo
    Danh khả danh, phi thường danh

  5. #14
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    16
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 0 Lần
    Trong 0 Bài Viết

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh (tiếp theo)

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh

    Chú dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê

    Phần III - Chương 1


    DỊCH ĐẠO ĐỨC KINH

    THIÊN THƯỢNG





    1


    Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh.

    Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu.

    Cố thường vô, dục dĩ quan kì diệu; thường hữu, dục dĩ quan kì kiếu.

    Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.

    *



    Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; Tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.

    Không, là gọi cái bản thủy của trời đất; là gọi mẹ sinh ra muôn vật.

    Cho nên, tự thường đặt vào chỗ không là để xét cái thể vi diệu của nó [đạo]; tự thường đặt vào chỗ là để xét cái [dụng] vô biên của nó.

    Hai cái đó [không và có] cũng từ đạo ra mà khác tên, đều là huyền diệu.

    Huyền diệu rồi lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kì diệu.

    *


    Chương đầu này là một trong những chương quan trọng nhất mà lại làm cho ta chúng ta lúng túng nhất vì không biết chắc được Lão tử muốn nói gì. Như trong phần I, chương II, tiết D, chúng tôi đã nói qua, có nhiều cách chấm câu; lại thêm có có mấy chữ có thể hiểu nhiều cách, như chữ thường (thường vô, thường hữu) trong câu thứ 3, đa số các học giả hiểu là thường thường (chúng tôi dịch như vậy, nhưng bỏ đi có lẽ hơn coi chú thích ở cuối chương 3), còn Phùng Hữu Lan lại hiểu là vĩnh cửu, bất biến như chữ thường (thường đạo, thường danh) trong câu đầu; chữ kiếu (cuối câu ba) nữa, có người hiểu là sai biệt, chia lìa, phát đoan (chúng tôi theo Lục Đức Minh dịch là mênh mông, vô biên, vì cho rằng câu đó nói về cái thể cái dụng của đạo: thể thì vi diệu, mà dụng thì vô biên).



    Do hai lẽ kể trên (có nhiều cách chấm câu, một số chữ có thể hiểu nhiều nghĩa) ai muốn giải thích ra sao thì giải thích, tuỳ theo khuynh hướng và sự hiểu biết của mình. Chúng tôi đã biết trên mười bản dịch của chương này mà không bản nào giống bản nào, chỉ xin giới thiệu câu đầu trong bản dịch của J.L.L. Duyvendak[1] (nhà Maisonneuve 1953) do Etiemble dẫn trong bài Tựa cuốn Tao To King của nhà Gallimard 1967:

    La Voie vraiment Voie est autre quune voie constante.

    Les Termes vraiment Termes sont autres que des termes constants.


    (Đạo thực là Đạo thì khác với Đạo bất biến;

    Danh thực là Danh thì khác với Danh bất biến).



    Như vậy là Duyvendak đã cho hai chữ khả phi những nghĩa rất mới: khả không còn nghĩa là có thể nữa mà là thực là; phi không còn là không phải nữa mà là khác với. Chữ đạo và chữ danh thứ nhì không còn là động từ nữa mà là danh từ. Và ý nghĩa của câu hoàn toàn ngược lại ý nghĩa trong các bản dịch khác: Đạo của Lão tử không còn là cái gì vĩnh cửu bất biến nữa. Độc giả có thể cho Duyvendak là lập dị, nhưng Etiemble khen là mới.

    Lão tử chỉ bảo: Đạo không thể diễn tả được, mà không nói rõ tại sao, nhưng câu 2 và câu 3 cho ta đoán được ý ông. Đạo là không, siêu hình, là bản nguyên (hoặc tổng nguyên lí của vũ trụ), cái thể của nó cực kì huyền diệu; mà cái dụng của nó lại vô cùng (vì nó là mẹ của vạn vật), cho nên người thường chúng ta - một phần tử cực kỳ nhỏ bé của nó, đời sống lại cực kỳ ngắn ngủi - may lắm là thấy được vài qui luật của nó, vài cái dụng của nó chứ không sao hiểu nó được. Không hiểu nó được thì làm sao diễn tả nó được.



    Lão Tử mở đầu Đạo Đức Kinh bằng 6 chữ: Đạo khả đạo phi thường đạo như có ý báo trước cho ta rằng ông sẽ chỉ có thể gợi cho ta ít điều về đạo thôi, để cho ta suy nghĩ, tìm hiểu lấy bằng trực giác, chứ ông không chứng minh cái gì cả. Chính ông, ông cũng không hiểu rõ về đạo, ngôn ngữ của ông không diễn tả nó được, và đọc ông ta đừng nên cầu thậm giải như Đào Uyên Minh[2] sau này đã khuyên.


    Đạo không thể giảng được, mà cũng không có tên, không thể đặt tên cho nó được, vì nó độc lập tuyệt đối, không có hình tượng, thuộc tính. Gọi một vật là là cái ghế vì vật đó có những thuộc tính của loại ghế: có ba hay bốn chân, có mặt để ta ngồi, lưng để dựa Đạo sinh ra trước trời đất, trước muôn vật, nó độc lập tuyệt đối, không có đồng loại, như vậy thì làm gì có tên. Vả lại tên vốn có tính cách giới hạn và quyết định: tên trỏ cái ghế thì không thể dùng trỏ cái bàn; một vật mang tên ghế thì nhất định chỉ là cái ghế chứ không thể đồng thời vừa là cái ghế vừa là cái bàn. Một vật cái tên thì không thể đồng thời vừa ở chỗ này vừa ở chỗ khác. Đạo như sẽ thấy ở một số chương sau vốn đi khắp không ngừng, vừa ở đây vừa ở kia, vừa là cái này vừa là cái nọ; vì vậy không thể có một tên nào thích hợp với nó được. Đành phải tạm gọi nó là đạo.

    Tóm lại, đại ý chương này là: đạo vĩnh cửu bất biến, không thể giảng được, không thể tìm một tên thích hợp với nó được; cái thể của nó là không, huyền diệu vô cùng, mà cái dụng của nó là hữu lớn lao vô cùng.





    2

    *
    Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.

    Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hoà, tiền hậu tương tuỳ.

    Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo; vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ.

    *



    Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác.

    Là vì có và không sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau; âm và thanh hòa lẫn nhau; trước và sau theo nhau.

    Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ vô vi, dùng thuật không nói mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài.

    *




    Chương này mới đọc, ý nghĩa nhất quán tưởng như minh bạch, vậy mà tôi có sáu bản dịch, mỗi bản một khác.


    Ngay từ câu đầu, cách hiểu đã khác nhau. Có người dịch là: ai cũng biết cái đẹp sở dĩ đẹp, như vậy là đã nhập và cái xấu rồi. Có người dịch là: ai cũng cho cái đẹp là đẹp, chính vì vậy mà có cái xấu của nó.


    Chữ hình và chữ khuynh trong câu 2, có người hiểu: hình là so sánh. (Chúng tôi theo Từ Hải: hình là hiển, tức ); khuynh là cùng chiều, hoặc chạm nhau, liên đới nhau.


    Rồi tới câu 3, từ vạn vật tác yên tới cuối chương, riêng Lưu Tư (trong Lão tử bạch thoại tân giải Văn Nguyên thư cục Đài Bắc 1969) cho là Lão tử nói về tạo hoá, chứ không phải về thánh nhân. Cũng có lí. Hai chữkhí ở cuối chương, có người dịch là ở lạibị bỏ đi; và công thành nhi bất cư nghĩa như công toại (thành) thân thoái ở cuối chương 9.


    Nhưng đại ý ai cũng nhận rằng Lão Tử nói về luật tương đối (sự vật không có gì là tuyệt đối hay xấu, so với cái này thì là tốt, so với cái khác lại là xấu, lúc này là tốt, lúc khác là xấu) và phản đối thói đương thời, nhất là phái Khổng, phái Mặc dùng trí mà phân biệt rõ ràng xấu, tốt, khiến cho người ta bỏ tự nhiên đi mà cầu tốt, bỏ xấu, hóa ra trá ngụy, do đó sinh hại. Ông khuyên ta cứ để cho dân sống theo tự nhiên mà đừng can thiệp (thái độ vô vi), đừng đem quan niệm sai lầm về tốt xấu mà uốn nắn dân (thuật bất ngôn chi giáo), như vậy sẽ thành công mà sự nghiệp sẽ bất hủ vì chính đạo cũng không làm khác (đạo pháp tự nhiên chương 25).


    Chúng ta để ý: Khổng Tử cũng đã có lần muốn vô ngôn và bảo Tử Cống: Thiên hà ngôn tai? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai? - Trời có nói gì đâu? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hóa. Trời có nói gì đâu? (Luận ngữ - Dương Hóa - 18)

    Luật tương đối trong chương này sau được Trang tử diễn rõ và mạnh hơn trong thiên Tề vật luận.



    3



    *

    Bất thượng hiền, sử dân bất tranh; bất quí nan đắc chi hoá, sử dân bất vi đạo; bất hiện khả dục, sử dân tâm bất loạn.

    Thị dĩ thánh nhân chi trị, hư kì tâm, thực kì phúc; nhược kì chí, cường kì cốt.

    Thường sử dân vô tri vô dục, sử phù trí giả bất cảm vi giả, vi vô vi, tắc vô bất trị.




    *



    Không trọng người hiền để cho dân không tranh. Không quí của hiếm để cho dân không trộm cướp, không phô bày cái gì gợi lòng ham muốn, để cho lòng dân không loạn.



    Cho nên, chính trị của thánh nhân là làm cho dân: lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu [không ham muốn, không tranh giành], xương cốt thì mạnh.

    Khiến cho dân không biết, không muốn, mà bọn trí xảo không dám hành động. Theo chính sách vô vi thì mọi việc đều trị.

    *



    Chương này ý nghĩa thật rõ. Lão tử cho rằng lòng ham muốn danh lợi là đầu mối của loạn. Nho, Mặc đều trọng hiền (Luận ngữ, thiên Tử Lộ, khuyên đề cử hiền tài; Lễ kí, thiên Lễ vận chủ trương tuyển hiền dữ năng; còn Mặc Tử thì có thiên Thượng hiền), khiến cho dân thèm khát danh lợi, dùng trí xảo để tranh nhau danh lợi. Ông chê lối trị dân đó, bảo bậc thánh nhân (thánh nhân theo quan niệm của ông, chứ không phải hạng thánh nhân theo quan niệm Khổng, Mặc) chỉ cần lo cho dân đủ ăn, khỏe mạnh, thuần phác (vô tri) không ham muốn gì cả (vô dục), như vậy là vô vi mà nước sẽ trị.


    Chữ thường ở đầu câu cuối, nếu dịch là thường thường thì sai ý của Lão tử, mà dịch là vĩnh viễn thì e có vẻ nhấn mạnh quá. Max Kaltenmax và Liou Kia-hway đều không dịch. Chúng tôi cho như vậy là phải.



    4


    *

    Đạo xung, nhi dụng chi hoặc bất doanh, uyên hề tự vạn vật chi tôn.

    Toả kì nhuệ, giải kì phân, hoà kì quang, đồng kì trần; trạm hề tự hoặc tồn.

    Ngô bất tri thuỳ chi tử, tượng đế chi tiên.


    *

    Đạo, bản thể thì hư không mà tác dụng thì cơ hồ vô cùng, nó uyên áo mà tựa như làm chủ tể vạn vật.

    Nó không để lộ tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hòa đồng với trần tục; nó sâu kín [không hiện] mà dường như trường tồn.

    Ta không biết nó là con ai; có lẽ nó có trước thượng đế.

    *




    Liou Kia-hway cho rằng trong câu nhì, chữ nhuệ tượng trưng sự trác tuyệt, siêu phàm, chữ phân tượng trưng sự xung đột, chữ quang tượng trưng đức tốt, chữ trần tượng trưng tật xấu.



    Có nhà lại bảo giải kì phângiải phóng óc nhị nguyên, phân chia sự vật. Nhà khác giảng là lấy sự giản phác chống sự phiền phức.


    Hòa kì quang
    có người hiểu là đem ánh sáng của mình hòa với những ánh sáng khác, tức không tự tôn tự đại.

    Chữ trạm cũng trong câu 2 có hai nghĩa: sâu kín, trong lặng. Chúng tôi theo Dư Bồi Lâm, dùng theo nghĩa trong Thuyết văn: trạm, một dã, một là chìm, không hiện lên.


    Chúng ta để ý hai điều này:


    - tác giả dùng nhiều chữ nói lửng: hoặc, tự, ngô bất tri, tượng.

    - chương này là chương duy nhất nói đến thượng đế, mà có 12 chữ y hệt chương 56 (tức những chữ: toả kì nhuệ, giải kì phân, hoà kì quang, đồng kì trần), khiến chúng tôi nghi ngờ là do người đời sau thêm vô. Đại ý cũng chỉ là nói về thể và dụng của đạo.



    5

    *

    Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.

    Thiên địa chi gian, kì do thác thược hồ! Hư nhi bất khuất, động nhi dũ xuất. Đa ngôn sác cùng, bất như thủ xung.

    *


    Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm.

    Khoảng giữa trời đất như ống bễ, hư không mà không kiệt, càng chuyển động, hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.

    *

    Trời đất, tức luật thiên nhiên, không có tình thương của con người (bất nhân) không tư vị với vật nào, cứ thản nhiên đối với vạn vật, lẽ đó dễ hiểu mà loài người thời nào và ở đâu cũng thường trách tạo hóa như vậy. Những câu: ưu thắng liệt bại, cạnh tranh để sinh tồn, tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi, có sinh thì có tử... đều diễn ý cái ý thiên địa bất nhân. Đang thời thì dùng, quá thời thì bỏ như cây cối xuân hạ tươi tốt, khi trổ hoa kết trái rồi qua thu đông thì điêu tàn. Cho nên Lão tử bảo trời đất coi vạn vật như chó rơm. Những con chó kết bằng rơm khi xưa bày để cúng được cất kỹ trong rương hoặc giỏ, bao bằng gấm vóc, khi cúng xong rồi thì người ta liệng nó ra đường, người đi đường giẫm lên đầu, lên cổ chúng hoặc lượm về để nhóm lửa (Trang Tử - thiên Thiên vận).


    Câu đầu, nửa trên ai cũng hiểu như vậy; nửa sau thì ý kiến bất đồng. Đa số cho bách tính là dân chúng. Trần Trụ (do Nguyễn Duy Cần dẫn, Cuốn I, tr.56) cho là trăm quan lãnh phần thi hành chính giáo. Trăm quan ngày nay không còn là trăm quan ngày xưa, thì chính giáo ngày xưa cũng không dùng cho ngày nay được.

    Một nhà khác, Wieger (do Jean Grenier dẫn - tr.79) cũng cho bách tính đó là trăm quan: quan nào có ích cho nước thì dùng, vô ích hoặc có hại thì bỏ, diệt, vì vua chúa chỉ nên yêu quốc gia thôi, chứ không được yêu cá nhân cũng như trời đất sinh ra, nuôi dưỡng vạn vật chỉ lo cho cái lợi chung của vạn vật chứ không quan tâm tới cái lợi riêng của một vật nào. Weiger hiểu như vậy rồi cho chính sách của Lão tử là chính sách tuỳ cơ, hoạt đầu cũng như chính sách của Pháp gia sau này.


    Chúng tôi nghĩ Lão tử chỉ muốn khuyên ta trị dân thì cứ theo đạo, theo tự nhiên, mà để cho dân tự nhiên phát triển theo thiên tính, đừng can thiệp vào.

    Câu sau Lão tử so sánh khoảng trời đất với cái ống bễ. Rất đúng và tài tình. Cả hai đều hư không mà không cùng kiệt (có nhà dịch bất khuất là không bẹp xuống: ý cũng vậy), mà cả hai càng động thì hơi gió càng phát ra nhiều. Cái dụng của cái hư không (vô) như vậy đó.

    Câu cuối, chữ 數 có người đọc là số, sổ; chữ 中 có người đọc là trung, chúng tôi theo Dư Bồi Lâm cho 中 là 盅 tức 沖 . Do đó chúng tôi hiểu: càng nói nhiều càng dùng lời để dạy, (chữ ngôn đây là chữ ngôn trong bất ngôn chi giáo ở chương II) thì kết quả càng tai hại, không bằng cứ hư tĩnh, vô vi.

    Liou Kia-hway hiểu khác hẳn: Càng nói nhiều về đạo thì càng không hiểu nó, không bằng nhập vào đạo. Nhà khác lại dịch là: Nói nhiều cũng không sao hết được, không bằng giữ mực trung.

    Hiểu như chúng tôi, không biết đúng không; nhưng như vậy thì hai phần của chương mới có liên lạc với nhau: cùng nói về cách trị dân: đừng dùng nhân (nghĩa), cứ thuận tự nhiên, hư tĩnh vô vi.




    ___________________
    Nguồn: vnthuquan
    (Còn tiếp)
    Đạo khả đạo, phi thường đạo
    Danh khả danh, phi thường danh

  6. #15
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    16
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 0 Lần
    Trong 0 Bài Viết

    Lão Tử - Đạo Đức Kinh (tiếp theo)

    6

    *

    Cốc thần bất tử, thị vị huyền tẫn, huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn.



    Miên miên nhược tồn, dụng chi bất cần.


    *


    Thần hang bất tử, gọi là Huyền Tẫn (Mẹ nhiệm màu); cửa Huyền Tẫn là gốc của trời đất.

    Dằng dặc mà như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không kiệt (hay không mệt).




    *


    Vì có hai chữ cốc thần nên có người cho rằng đây là một thần thoại nào đó như trong bộ Sơn Hải kinh. Vì hai chữ đó với hai chữ Huyền tẫn nên có nhà lại bảo chương này có tính cách bí giáo (ésotérique), và các Đạo gia đời sau (Hán, Lục Triều...) hiểu theo một nghĩa riêng để tìm phương pháp trường sinh.


    Về triết lí, ý nghĩa không có gì bí hiểm. Thần hang tượng trưng cho đạo; thể của nó là hư vô nên gọi là hang, dụng của nó vô cùng nên gọi là thần; vô sinh hữu, hữu sinh vạn vật, nên gọi nó là Mẹ nhiệm màu; nó sinh sinh hóa hóa, nó động nhi dũ xuất (chương 5) cho nên bảo là không kiệt.


    Bài đầu bộ Liệt tử chép lại chương này mà cho là của Hoàng Đế. Không tin được. Hoàng Đế là một nhân vật huyền thoại.




    7

    *

    Thiên trường địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kì bất tự sinh, cố năng trường sinh.


    Thị dĩ thánh nhân hậu kì thân nhi thân tiên, ngoại kì thân nhi thân tồn. Phi dĩ kì vô tư dả[5]? Cố năng thành kì tư.

    *




    Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình, nên mới trường sinh được.

    Vì vậy thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư?

    *


    Có nhà dịch bất tự sinh (câu đầu) là không có đời sống riêng. Trời đất không có đời sống riêng vì đời sống của trời đất là đời sống của vạn vật trong vũ trụ, đời sống của đạo, mà đạo thì vĩnh cửu. Không có đời sống riêng với không sống riêng cho mình, nghĩa cũng như nhau.


    Chương này diễn một qui tắc xử thế quan trọng của Lão tử: quy tắc khiêm, nhu mà sau này chúng ta còn gặp nhiều lần nữa. Hậu kỳ thân là khiêm; ngoại kỳ thân là nhu, vì không tranh với ai. Đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được nghĩa là không nghĩ tới mình, chỉ lo giúp người thì lại có lợi cho mình.




    8

    Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư đạo.

    Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời.

    Phù duy bất tranh, cố vô vưu.



    *

    Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với đạo.

    [Người thiện vào bậc cao] địa vị thì khéo lựa chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ cho thâm trầm, cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, nói thì khéo giữ lời, trị dân thì giỏi, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ.

    Chỉ vì không tranh với ai, nên không bị lầm lỗi.



    *


    Chương này có một hình ảnh khéo: Ví người thiện với nước, làm rõ thêm cái ý khiêm nhu trong chương trên. Lão tử rất thích nước: nó nhu, tìm chỗ thấp (khiêm), ngày đêm chảy không ngừng (bất xả trú dạ - lời Khổng tử), bốc lên thì thành mưa móc, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm nhuần vào lòng đất để nuôi vạn vật. Nó có đức sinh hóa, tự sinh tự hóa, và sinh hóa mọi loài. Nhất là nó không tranh, nó lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản nó thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được.

    Nhưng tác giả chương này có chịu ảnh hưởng của đạo Nho hay không mà đề cao nhân với tín, cơ hồ trái với chủ trương tự nhiên nhi nhiên của Lão?.



    9

    *

    Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ; suỷ nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo.

    Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ; phú quý nhi kiêu, tự di kì cữu. Công thành thân thoái, thiên chi đạo.


    *

    Giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; mài cho bén nhọn thì không bén lâu.

    Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa.

    Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời.


    *



    Đạo trời (đạo tự nhiên) là đầy thì phải vơi, nhọn thì dễ gẫy. Vậy xử thế đừng nên tự mãn, tự kiêu, thành công rồi thì nên lui về.


    Đây chỉ là kinh nghiệm của mọi người, thuộc về túi khôn của dân gian, để được sống yên ổn. Câu nhì đã thành châm ngôn. Và bốn chữ công thành thân thoái có thể là châm ngôn lưu hành trước Lão tử từ lâu.



    10

    *

    Tải doanh phách bão nhất, năng vô li hồ? Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ? Địch trừ huyền lãm, năng vô tì hồ? Ái quốc trị dân, năng vô vi hồ? Thiên môn khai hạp, năng vi thư hồ? Minh bạch tứ đạt, năng vô tri hồ?

    Sinh nhi súc chi[7], sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trường nhi bất tể, thị vị huyền đức.


    *

    Cho hồn, phách thuần nhất, không rời đạo được không? Cho cái khí tụ lại, mềm mại như đứa trẻ sơ sinh được không? Gột rửa tâm linh cho nó không còn chút bợn được không? Yêu dân trị nước bằng chính sách vô vi được không? Vận dụng cảm quan để giữ hư tĩnh được không? Chân tri sáng rỡ hiểu biết được tất cả mà không dùng tới trí lực được không?

    [Sinh và dưỡng vạn vật. Sinh mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự lớn lên mà mình không làm chủ, như vậy gọi là huyền đức - đức cao nhất, huyền diệu].


    *



    Chương này có vài chỗ mỗi người dịch một khác.


    Câu đầu: chữ tải dùng cũng như chữ phù 夫, để mở đầu chứ không có nghĩa. Chữ doanh nghĩa là: hồn. Hồn thuộc về phần khí linh, phách thuộc về phần huyết, cho nên có nhà cho doanh phách là tâm, thân. Bão nhất có nhà dịch là giữ lấy đạo, và vô li là doanh và phách không rời nhau.

    Câu thứ nhì, đa số hiểu chữ khí là hơi thở, và cho chuyên khí là một phép dưỡng sinh; nhưng có nhà lại hiểu là bảo toàn thiên chân.



    Câu thứ ba, chữ lãm, có thể hiểu như chữ giám 鑑 là tấm gương.


    Câu thứ năm, thiên môn khai hạp nghĩa đen là cửa trời mở đóng: cửa trời tức là mắt, tai, mũi... nói chung là cảm quan; thư là con mái, tượng trưng sự nhu nhược, yên tĩnh.


    Câu cuối: từ sinh nhi bất hữu...tới huyền đức, có nhà cho là ở chương 51 đặt lộn lên đây, vì nghĩa không gắn với phần ở trên. Chúng tôi cũng nghĩ 16 chữ đó đặt ở cuối chương 51 hợp hơn ở đây.


    Đại khái thì ba câu đầu nói về phép dưỡng sinh, trị thân. Ba câu kế nói về phép trị thế. Hai phép đó giống nhau ở chỗ đều phải thuận theo tự nhiên.



    11

    *

    Tam thập phúc, cộng nhất cốc, đương kì vô, hữu xa chi dụng. Duyên thực dĩ vi khí, đương kì vô, hữu khí chi dụng.

    Tạc hộ dũ dĩ vi thất, đương kì vô, hữu thất chi dụng. Cố hữu chi dĩ vi lợi, vô chi dĩ vi dụng.


    *

    Ba mươi tay hoa cùng qui vào một cái bầu, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bầu mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ khoảng trống ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được.

    Vậy ta tưởng cái có [bầu, chén bát, nhà] có lợi cho ta mà thực ra cái không mới làm cho cái có hữu dụng[8].


    *

    Chương này rất hay: ý tưởng như ngược đời mà thực sâu sắc. Ba thí dụ đều khéo. Không triết gia nào cho ta thấy được diệu dụng của cái không một cách minh bạch, lí thú như vậy.



    12

    *

    Ngũ sắc linh nhân mục manh; ngũ âm linh nhân nhĩ lung; ngũ vị linh nhân khẩu sảng; trì sính điền liệp linh nhân tâm phát cuồng; nan đắc chi hoá linh nhân hành phương. Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục, cố khứ bỉ thủ thử.


    *

    Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi; ruổi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê loạn; vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên thánh nhân cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái này mà lựa cái kia [tức cầu chất phác, vô dục mà bỏ sự xa xỉ, đa dục].

    *






    13

    *

    [Sủng nhục nhược kinh, quí đại hoạn nhược thân]. Hà vị sủng nhục nhược kinh? Sủng vi thượng, nhục vi hạ, đắc chi nhược kinh, thất chi nhược kinh, thị vị sủng nhục nhược kinh. Hà vị quí đại hoạn nhược thân? Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân, cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn? Cố quý dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả kí thiên hạ; ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ.


    *

    Chương này tối nghĩa, nhiều nhà cho là chép sai hoặc thiếu sót nên đã hiệu đính và chú thích; nhưng vẫn chưa có bản nào làm cho chúng ta thỏa mãn: nếu không gượng gạo, gò ép thì lại mắc cái lỗi không thông, dưới mâu thuẫn với trên hoặc có một vài ý mâu thuẫn với chủ trương của Lão tử. Dư Bồi Lâm (sách đã dẫn) đã gắng sức chú thích cho ý nghĩa được nhất quán, và dưới đây chúng tôi tạm theo thuyết của ông.

    Đại ý ông bảo: Hai chữ nhược 若 trong câu đầu nghĩa như chữ nãi 乃 (thời xưa hai chữ đó đọc giống nhau, nên dùng thay nhau), nghĩa là bèn, thì, do đó mà... Nhiều người không hiểu vậy, giảng là như tối, hoặc sửa lại là chữ giả, như vậy vô nghĩa. Chữ quí 貴 nghĩa là coi trọng, tức sợ (theo Hà Thượng Công); còn chữ thân 身 với chữ kinh 驚 ở trên là hỗ bị ngữ 互備語 tức những chữ làm đủ nghĩa lẫn nhau, đọc chữ sau thì phải coi ngược lên chữ trước mới thấy nghĩa[10], và nghĩa nó cũng là kinh. Vậy câu đầu có nghĩa là: Vinh, nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì lòng rối loạn.


    Câu đó là cổ ngữ, chứ không phải của Lão tử vì Lão tử chủ trương vô dục (Ngã vô dục nhi dân tự hóa - chương 57); hậu kỳ thân, ngoại kỳ thân (chương 7), thì đâu lại để cho vinh nhục, đắc thất làm cho rối loạn, đâu lại coi trọng cái vạ lớn như bản thân mình. Vì vậy, Dư Bồi Lâm đặt câu đó trong dấu móc [ ]. Những câu sau mới là lời giải thích của Lão tử. Và Dư dịch như sau:


    [Người đời được vinh hay bị nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì sinh ra rối loạn].


    Tại sao vinh, nhục sinh ra rối loạn? Là vì vinh thì được tôn, nhục thì bị hèn; được thì lòng [mừng rỡ mà] rối loạn, mất thì lòng [rầu rĩ mà] rối loạn; cho nên bảo là vinh nhục sinh ra rối loạn.


    Tại sao sợ vạ lớn mà sinh ra rối loạn? Chúng ta sở dĩ sợ vạ lớn là vì ta có cái thân. Nếu ta không có thân [quên mình có thân đi] thì còn sợ gì tai vạ nữa.


    Cho nên người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào vui vẻ đem thân mình phục vụ thiên hạ thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được.


    Dư Bồi Lâm dịch như vậy nhưng cũng nhận rằng đó chỉ là thiển kiến của ông, không dám chắc là đúng.


    Câu cuối chúng tôi thấy còn 4 bản dịch khác để độc giả lựa chọn.

    - Kẻ nào biết quí thân vì thiên hạ thì giao phó thiên hạ cho được. Kẻ nào biết thương thân vì thiên hạ thì gởi gắm thiên hạ cho được.

    - Kẻ nào quí thân mình vì thiên hạ thì có thể sống trong thiên hạ được. Kẻ nào yêu thân mình vì thiên hạ thì có thể kí thác mình cho thiên hạ được.

    - Kẻ nào coi trọng thiên hạ như bản thân mình thì có thể giao phó thiên hạ cho được. Kẻ nào yêu thiên hạ như yêu bản thân mình thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được.

    - Kẻ nào quí thân mình hơn cả thiên hạ thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được. Kẻ nào yêu thân mình hơn cả thiên hạ thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được.




    ___________________
    Nguồn: vnthuquan
    (Còn tiếp)
    Đạo khả đạo, phi thường đạo
    Danh khả danh, phi thường danh

Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Chủ Đề Tương Tự

  1. Đột tử khi hiếp dâm bà lão 77 tuổi
    By duyanh in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-14-2011, 11:20 AM
  2. Lão Tử
    By khieman in forum Triết Học Cổ Kim Đông Tây
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 03-11-2011, 07:05 PM
  3. Kinh Pháp Cú - Phẩm Ðạo
    By khieman in forum Trang Phật Giáo
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-24-2011, 02:36 PM
  4. Phát triển Việt Võ Đạo tại Đức
    By giavui in forum Sinh Hoạt Hải Ngoại
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-10-2011, 03:11 PM
  5. Truyền thuyết về Lão Tử
    By ThaiThuongLaoQuan in forum Trang Cao Đài
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-05-2010, 09:54 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •