Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Cái lạc thú của những tình yêu âm thầm là vừa có những nỗi chua xót, vừa có những hạnh phúc êm đềm thắm thiết.
X.
Trang 6 / 6 ĐầuĐầu ... 456
Results 51 to 55 of 55

Chủ Đề: Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

  1. #50
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,759
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM
    Thống nhất tộc Việt

    Nguyên khi được tin cấp cứu của Thuần-Khanh, công chúa Bảo-Hòa liền dùng chim ưng báo cho Nùng Trí-Cao biết để kịp đem quân cứu viện. Trí-Cao thỉnh ý kiến Trần Trung-Đạo. Trung-Đạo lý luận:

    - Không cần đem quân giải vây cho Thuần-Khanh. Thuần-Khanh lui giữ đèo Nam-sơn, với đội thú rừng thì không dễ gì Toàn Huy chiếm được. Cứ tình hình mà xét thì chậm lắm là trưa hôm nay thân mẫu cháu chiếm xong thành Hoành-châu, tất bà đem quân cứu Thuần-Khanh. Nay Toàn Huy dồn hết quân đuổi Thuần-Khanh, ắt thành bỏ trống. Ta nên đem quân đánh úp Củng-châu. Như vậy không cần giao chiến, quân Toàn Huy cũng tan.

    Trí-Cao truyền lệnh cho Hữu-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, Na-dương hầu Vi-Chấn đem một nghìn quân kị lên đường đánh Củng-châu. Quả nhiên ông chiếm Củng-châu dễ dàng. Chiếm thành xong, ông cho phục binh sẵn. Khi Toàn Huy bị thua chạy về, vừa vào thành thì bị phục binh bắt. Đám quân đi sau kinh hãi, bỏ chạy, bị Thuần-Khanh bắt hết.

    Quân sĩ trói Toàn Huy giải vào trình diện Vi Chấn. Toàn Huy đứng sững, không chịu quỳ gối. Vi Chấn hỏi:

    - Tên nho sinh mặt trắng kia, mi đã bị bắt mà còn chưa biết thân phận ư? Bộ mi chê gươm ta không sắc sao?

    Toàn Huy cười nhạt:

    - Ta chẳng may thua trí mi mà bị bắt. Đầu kẻ sĩ có thể trảm, mà không thể chịu nhục. Mi chém ta đi cho rồi.

    Vi Chấn cười nhạt:

    - Được, ta không giết mi, mà để cho hổ xơi thịt mi, xem mi có ngang ngược được không?

    Ông hú lên một tiếng, hai con hổ từ ngoài chạy vào há miệng đỏ lòm, gầm gừ tiến tới cạnh Toàn Huy. Toàn-Huy cười ha hả:

    - Người đời chết rồi bị chôn. Thịt, xương để cho dun dế ăn. Riêng ta, lại được hổ ăn, thực cũng khoái. Ha, ha.

    Hai con hổ ghé răng cà vào đùi Toàn Huy, y tuyệt không sợ hãi, sắc mặt thản nhiên. Y ngửa mặt lên trời nói lớn bằng tiếng Việt:

    - Người Việt chúng tao có câu hát để tỏ chí khí rằng:

    Con cò mà đi ăn đêm,
    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
    Ông ơi ông vớt tôi vào,
    Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
    Có xáo thì xáo nước trong,
    Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
    Cho nên nay ta chết trong bụng cọp thì con gì hơn.

    Vi Chấn kinh hãi hỏi:

    - Toàn tiên sinh, tiên sinh là người Việt sao? Như vậy Chấn này thực có tội.

    Vi Chấn vội cởi trói cho Toàn Huy:

    - Nếu như lúc đầu tiên sinh cho ta biết rằng tiên sinh là người Việt thì đâu đến nỗi có chuyện hiểu lầm. Chấn này thực đắc tội.

    Toàn Huy chắp tay:

    - Kể về tuổi, quân hầu ngang với phụ thân tôi. Kể về tài, về đức, quân

    hầu thực là người có đại công với tộc Việt, Huy này đâu dám bắt lỗi.

    Thế rồi Toàn Huy trình bầy cho Vi Chấn biết: y đỗ tiến sĩ năm mười chín tuổi. Nhưng vì là người Việt, y không được bổ dụng vào những chức vụ quan trọng. Cuối cùng nhờ Yến Thù, y được đưa ra biên giới làm tham quân cho Tần-vương Tự-Mai trong cuộc phòng thủ Liêu. Khi Tần-vương Tự-Mai rời mặt trận phía Bắc, đề bạt y vào chức huyện lệnh. Triều đình cho y về trấn Củng-châu.

    Toàn Huy cung cấp bố trí quân sự, dân số, tài nguyên, dân tình trong vùng lưỡng Quảng với Vi Chấn.

    Thuần-Khanh đã giải tù binh về. Thuần-Anh truyền tha hết, rồi cứ hai binh Tống, một binh Việt, tổ chức thành đạo quân mới. Những quan lại cũ được giữ nguyên chức tước. Quan, quân đều vui mừng, vì lương bổng bên Đại-Việt cao gấp đôi bên Tống. Thuần-Anh sai đem gia đình quan, quân Củng-châu về Trường-sinh, cho đến khi hết chiến cuộc. Vì vậy đạo quân đánh Hoành-châu, Ninh-châu, Củng-châu chưa quá mười ngàn, nay thành ba chục ngàn. Thanh thế rất lớn.

    Mấy hôm sau, vua Bà cùng phò mã Thân Thiệu-Thái tới. Thuần-Anh vội đem văn võ các quan ra tiếp đón. Gặp Toàn Huy, vua Bà mừng lắm, dắt tay y cho ngồi bên cạnh, rồi nói như mẹ nói với con :

    - Có phải cháu tên thực là Phạm Đình-Huy không? Ta biết khi ra làm quan với Tống, cháu cải danh là Toàn Huy. Thực là trời đem cháu về với Đại-Việt. Trong tất cả các tướng sĩ trẻ của ta, duy Thường-Kiệt, Dư Phi là người đọc sách. Nhưng Dư Phi thì ham thanh, ham chơi. Thường-Kiệt lại không có kinh nghiệm, hiểu về lưỡng Quảng bằng cháu. Nay ta để cháu cạnh Trí-Cao, hầu giúp Trí-Cao tổ chức Trường-sinh thành nước Đại-Nam có văn hiến. Tuổi cháu còn trẻ, ta hy vọng cháu sẽ có sự nghiệp như tể tướng Phương-Dung thời Lĩnh-Nam.

    Vua Bà phong cho Toàn Huy chức Trung-nghĩa đại tướng quân. Huy lạy tạ. Bà hỏi:

    - Ta nghe cháu kết bạn với bốn người nữa thành năm người xưng là Quảng-Đông ngũ cái, đều đỗ Tiến-sĩ, duy chỉ mình cháu xuất ra làm quan là tại sao? Họ hiện ở đâu?

    - Tâu năm đứa chúng cháu đều là người Việt kết bạn với nhau theo thứ tự là Đinh Nho-Quan, Phạm Đình-Huy, Phạm Văn-Nhân, Hồ Liên-Biện, Đặng Vũ-Nùng. Chúng cháu đỗ Tiến-sĩ cùng khoa. Tống triều bổ nhiệm làm quan nhưng tất cả đều khinh thế, ngạo vật chối rằng: Thà đi ăn mày chứ không làm quan với Tống. Vì vậy nhân sĩ Nam phương gọi chúng cháu là Quảng-Đông ngũ cái, tức năm tên ăn mày vùng Quảng-Đông. Sau vì bị nghi ngờ, chúng cháu quyết định một người hy sinh ra làm quan. Anh em rút thăm, cháu bị thua phải xuất chính.

    Vua Bà mỉm cười hỏi tiếp:

    - Hành trạng bốn người bạn của cháu ra sao?

    - Tâu, nhỏ nhất là Đặng Vũ-Nùng, có tài cai trị về thuế khóa, về học chính và nhất là tài an dân. Y có biệt hiệu là Thiên-chung tiên sinh, vì y uống rượu không bao giờ say. Ngược lại không cho y uống rượu thì y chết.

    Vua Bà nghĩ thầm:

    - Ta phải mời Đặng ra giúp Trí-Cao, tổ chức học chính cho nước Đại-Nam.

    Bà hỏi:

    - Còn tài năng mấy người kia?

    - Hồ Liên-Biện ngoài văn hay, chữ tốt ra y có tài biện thuyết. Bất cứ vấn đề gì, y cũng có thể nói ngược, nói xuôi mà vẫn có lý. Phạm Văn-Nhân, y có tài về điển chế, luật lệ, và nhất là tổ chức tế tác.

    - Hay! Thế còn Đinh Nho-Quan? Tài Đinh so với cháu ra sao?

    - Đinh đại ca có tài kinh thiên động địa, có thể so sánh với Gia-cát Lượng thời Tam-quốc, Ngụy Trưng thời Đường Thái-tông, Triệu Tấn thời Tống thái tổ.

    - Cháu ạ! Cháu đã về với Đại-Việt thì nên giúp Trí-Cao, mời Quảng- Đông ngũ cái xuất chính, giúp y kiến thiết một nước Đại-Nam hùng mạnh.

    Bà ban chỉ đại xá trên toàn ba châu Hoành, Ninh, Củng. Truyền tha tô thuế trong một năm. Tha thuế cho tất cả những người thiếu nợ mấy năm trước. Dân chúng hân hoan mừng rỡ vô cùng. Vua Bà ban chỉ dụ:

    - Việc cai trị Hoành-châu, Ninh-châu, Củng-châu ta để cho Nùng phu nhân đảm nhiệm. Còn lại Vi Chấn, Thuần-Khanh, Toàn Huy với ta đi trợ chiến Trí-Cao đánh Ung-châu.

    Vua Bà truyền Vi Chấn:

    - Hữu-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, cùng trung-nghĩa đại tướng quân đem thú binh, kị binh đi tiên phong. Thuần-Khanh cùng sư phụ đem bộ binh đi sau. Nhớ dùng chim ưng liên lạc để tránh ngộ nhận.

    Hai đoàn binh tướng lên đường. Trưa hôm đó còn cách Ung-châu hơn mười dậm, thì Vi Chấn thấy xa xa khói bốc lên ngùn ngụt. Ông hỏi Toàn Huy:

    - Cháu thử đoán xem những gì đang xẩy ra tại Ung-châu?

    - Khói lên thế kia, ắt trong thành nhiều chỗ cháy. Quân Tống không thể đốt nhà, vì nhà là nơi vợ con, anh em chúng ở. Quân Việt mình là quân nhân nghĩa, đi đòi lại dân, đòi lại đất, có đâu đốt nhà? Vậy cái gì đã xẩy ra? Trong kế hoạch thì tế tác sẽ đánh chiếm phủ tổng trấn, cho quân ở ngoài vào. Bất quá tế tác đốt phủ tổng trấn, với một phủ cháy, khói cũng không nhiều thế kia. Cháu đoán rằng...

    Vi Chấn thấy Toàn-Huy phân tích chính xác, trong lòng ông khâm phục người trẻ, mà tài cao. Ông hỏi:

    - Như vậy thì...?

    - Quân mình đã chiếm được thành. Sau khi chiếm thành, mình dùng cỏ đốt nhiều nơi cho khói bốc lên, mục đích khiến cho đạo quân cứu Tầm-châu, quân trong thành Tầm-châu, Đằng-châu kinh tâm động phách mà bỏ chạy hoặc đầu hàng.

    - Cháu đoán đúng.

    Hai tướng cùng đội kị mã phi như bay, phút chốc đã tới gần Ung-châu. Xa xa, thấy cờ Đại-Việt tung bay trên kỳ đài. Nhưng khói trong thành vẫn bốc lên cuồn cuộn. Hai tướng mừng vô hạn, cho dừng quân ngoài thành, rồi sai người vào loan tin. Một lát sứ giả ra báo:

    - Nùng hầu kính thỉnh nhị vị đóng quân bên ngoài, rồi vào thành tương kiến.

    Hai người theo sứ giả. Nùng Trí-Cao ra trước dinh trấn thủ cung tay:

    - Kính chào Vi sư thúc. Đa tạ sư thúc cứu Thuần-Khanh. Nếu sư thúc chậm trễ thì cháu đã mất vợ.

    Y nói nhỏ:

    - Nói dại, lỡ mà Thuần-Khanh chết, thì cháu đến theo gương Thái-sư, trọn đời không nhìn đến người con gái nào khác.

    Vi-Chấn khen:

    - Cháu thực là một thiếu niên nòi tình hiếm có. Trong thế gian, những kẻ tham dâm, hiếu sắc thì nhiều, còn những đấng đa tình thực không có mấy.

    Vi Chấn hỏi Trí-Cao:

    - Có phải cháu đốt cỏ để làm nát lòng quân Tống ở Đằng-châu, Tầm-châu không?

    - Sư thúc đoán không sai. Chim ưng cho biết, đám quân Ung cứu viện Tầm-châu vẫn cầm cự với quân ta. Cho nên cháu đốt cỏ để làm loạn lòng chúng. Còn thành Đằng-châu thì đã chiếm xong rồi. Nội ngày mai, chúng ta có thể tiến về đánh Thương-ngô, Phong-sơn được rồi.

    Vi Chấn vẫy Trí-Cao ra ngoài, nói nhỏ:

    - Vua bà Bình Dương có lời dặn cháu: Nhân sĩ Quảng rất nhiều, phải khuất thân mà thỉnh họ ra giúp, để lập triều đình Đại-Nam. Thôi ta để Toàn Huy lại với cháu. Ta ra ngoài kiểm điểm binh mã.

    Nói rồi ông đứng lên, rời khỏi trướng.

    Trí-Cao hướng Toàn Huy kính cẩn hành lễ:

    - Từ lâu, Cao này hằng nghe danh tiên sinh như sấm động bên tai, nên luôn ước ao có ngày được tương kiến. Hôm nay đây, Cao được thư của vua Bà báo rằng tiên-sinh về với Đại-Việt, thực lấy làm mừng vô cùng. Nào tiên sinh vào đây, chúng ta bàn chuyện an dân.

    Trà nước xong xuôi, Trí-Cao hướng Toàn Huy:

    - Cao này trẻ người non dạ, tâm trí tối tăm. Vì hoàn cảnh phải tuân lời sư phụ mà gánh vác trọng trách. Nay gặp tiên sinh là đấng học nhiều, biết rộng, xin rửa tai nghe lời vàng ngọc của tiên sinh.

    Toàn Huy thấy Trí-Cao có cái tư cách của vua Ngô, vua Đinh, hơi giống Cao-tổ nhà Hán, Hậu-chúa thời Tam-quốc, thì nghĩ thầm:

    - Người này là một thứ anh hùng thảo dã, nhưng chí thực không nhỏ. Vậy ta cũng nên giúp y.

    Nghĩ thế Toàn Huy đáp lễ:

    - Huy này đọc được dăm ba quyển sách, đâu dám tự nhận là bậc trí tuệ. Nhưng quân hầu đã hỏi, đành phải trả lời. Trước hết xin quân hầu cho biết cái chí của quân hầu đã.

    Trí-Cao đứng dậy vái liền ba vái, rồi cung cung, kính kính nói:

    - Đời vua Hùng, nước Văn-lang ta tới hồ Động-đình. Khi vua An-dương dựng triều Thục thì Tần thống nhất các nước thuộc tộc Hán, rồi sai Đồ Thư vượt sông chiếm mất phần đất Bắc Ngũ-lĩnh và vùng Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận. Vua An-Dương nhờ trung-tín hầu Vũ Bảo-Trung diệt nửa triệu quân Tần, giết Đồ Thư ở Ma-Tần lĩnh. Nhưng ngài không thừa thắng chiếm lại vùng đất đã mất. Đó là một thời. Ngày nay, mỗi khi nghĩ lại, Cao thường ứa gan, nghiến răng thống hận, đôi khi phát khóc.

    Tuy Trí-Cao chỉ nói mấy lời, nhưng Toàn-Huy cũng biết gã thiếu niên này hào khí không tầm thường.

    Trí-Cao tiếp:

    - Vua An-Dương cả tin người, mà mất nước vì cái vạ Mỵ-Châu, Trọng-Thủy. Tộc Việt từ đấy chia ra làm nhiều mảnh. Mảnh nói tiếng Thái gồm Tượng-quận, Lão-qua, Xiêm-quốc. Mảnh nói tiếng Chàm gồm vùng Chiêm-quốc. Mảnh nói tiếng Chân sau thành Chân-lạp. Mảnh nói tiếng Việt pha Hoa gồm vùng Nam-hải, Quế-lâm, nay là lưỡng Quảng. Mảnh nói tiếng Việt nay là Đại-Việt. Đến thời Lĩnh-Nam, vua Trưng cùng một trăm sáu mươi hai anh hùng dựng lại nước. Nhưng đúng lúc ta dựng nước, thì bên Trung-nguyên triều Đông-Hán lại trung hưng. Quân, tướng non yếu, ít ỏi của ta, mà phải đối chọi với quân tướng có hơn hai mươi năm chinh chiến, lại rất đông đảo của Hán. Vì vậy, cuối cùng cũng mất nước. Đó là một thời.

    Trí-Cao ngẫm nghĩ một lúc rồi tiếp:

    - Từ khi đức Thái-tổ bản triều lĩnh mệnh trời, đem nhân nghĩa của nho, đem từ bi hỉ xả của Phật trị dân, khiến cho dân giầu, nước mạnh, người người đều ca tụng công đức. Nhưng chí của ngài thì e phía Bắc không lên quá Tả, Hữu giang. Phía Nam chẳng tới kinh đô Phật-thệ, phía Tây không quá Lão-qua. Người không nghĩ đến đòi lại lưỡng Quảng đã đành, mà còn coi Đại-lý, Xiêm-la, Lão-qua, Chân-lạp như những nước khác ngoài tộc Việt. Nhưng rất may...

    Y nói gằn từng tiếng:

    - Trong triều còn có Khai-Quốc vương, võ lâm còn phái Đông-a, Sài-sơn, Mê-linh, Tây-vu, Tản-viên, bang Nhật-hồ. Lại còn Thuận-Thiên thập hùng, Tân-quy thất kiệt. Các vị đó đâu phải là người không có tài trí? Thế nhưng sự trải đã hai mươi năm, bây giờ mới bắt đầu thực hành. Người Hán, ảnh hưởng của Kinh-thư, cho rằng Nam là Man. Tây là Nhung. Bắc là Địch. Đông là Di đã đành, thế mà các văn quan Đại-Việt cũng học thói ngu xuẩn, coi khê động như man mọi. Họ coi tộc Nùng như một thứ dân ngu dốt, không phải người Việt. Cũng may các đại tôn sư võ nghệ, Khai-Quốc vương, vua Bà có cái nhìn khác, các vị không chê Cao này ngu dốt, trao cho lưỡng Quảng. Vậy tiên sinh bảo Cao này phải làm gì?

    Toàn Huy ngồi ngay ngắn lại, rồi cung tay:

    - Huy này vốn gốc người Việt, thực sự họ Phạm, tên Đình-Huy, nhưng vì tiềm ẩn, mà lấy chữ Toàn thay họ; lưu lạc ở vùng lưỡng Quảng, cái sở học về Đại-Việt rất ít, mà cái học về văn hóa tộc Hán lại nhiều. Trong buổi sơ giao, quân hầu tin tưởng mà mở lòng dạ tin nhau, nên tuy biết tài trí không đủ, cũng mạo muội trình bày.

    Y lấy trong bọc ra một tấm lụa, trên vẽ sông ngòi tám vùng tộc Việt, rồi nói:

    - Ý quân hầu với Thái-sư là muốn thống nhất tộc Việt như thời vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, hoặc không được thì ít ra tám vùng cũng liên hợp lại, để không bị Tống xâm chiếm. Có phải thế không?

    - Đúng vậy.

    - Trước hết Huy này xin lạm bàn về cái thế của tộc Việt với thiên hạ. Phía Bắc có Tống, nước văn hiến, người đông, lúc nào cũng nghĩ mình là thiên triều. Trên từ vua cho đến quần thần đều ảo tưởng thế. Họ coi tộc Việt là Nam-man. Trong khi đó nho ở Đại-Việt, Đại-lý đã mạnh. Các nho thần không ít thì nhiều bị ảnh hưởng thư tịch Trung-quốc, rồi cứ nghĩ Trung-quốc là con trời, mình là Nam-man, nên sẵn sàng quỳ gối tôn phục. Đây là một trở ngại lớn của Thái-sư, của quân hầu.

    Phạm Đình-Huy ngừng lại, rồi nói rất chậm:

    - Tại triều Đại-Việt, thì Hoàng-đế miễn cưỡng phải để cho Thái-sư Bắc-tiến, chứ thực sự ngài chỉ an phận từ Tả-giang, Hữu-giang trở xuống. Hóa cho nên trong triều bọn nho thần mới bắt gió mà cản trở. Cái gã tể tướng họ Dương là một tỷ dụ. Cũng chính vì vậy mới có vụ án Bắc-ngạn. Từ vụ án Bắc-ngạn, tiếng đồn ra ngoài nên bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính mới nghĩ đến Nam xâm mà xẩy ra vụ thảm sát Thăng-long. Nhưng võ lâm đã phản ứng, hai người họ Dương bị giết, và đưa đến cuộc Bắc tiến hôm nay. Cái khó của chúng ta không do binh ít thế cô, mà cần phải thắng được lòng Hoàng-đế Đại-Việt, thắng được bọn hủ nho trong triều. Nay hai việc đó coi như xong.

    Huy cầm chung trà uống một hớp rồi tiếp:

    - Chiêm, Lào quá nhỏ, lại hay phản phúc theo Tống, vì vậy ta phải chinh phục. Chân-lạp ở xa nhưng chí lại không hợp với ta. Xiêm, Thái cùng một mối nguy Tống đe dọa. Cả hai có thể cùng ta đồng tâm. Đấy là bàn về ta với ta. Ta với Tống. Nhưng phần lớn các nho thần không biết rằng: Tống gọi Liêu là Khất-đan, là Bắc-địch, gọi Tây-hạ là Tây-nhung. Nhưng Hạ, Liêu lại giết chết những ngu phu ẩn trong lòng nho gia của họ rằng Tống là Thiên-triều. Họ đem quân đánh Tống. Họ giết chết cái ông con trời trong lòng vua quan Tống bằng chiến thắng, bằng cách bắt Tống triều cống, bằng cách nay bắt cắt đất, mai bắt cắt đất.

    Trí-Cao đứng dậy chắp tay vái một vái:

    - Đa tạ tiên sinh mở rộng con mắt cho.

    - Nay Hoàng-thượng không muốn trực diện khai chiến đòi đất với tống. Khai-Quốc vương phải nhân danh minh-chủ võ lâm tộc Việt mà làm. Để sau này có thất bại thì người gánh chịu, chứ Hoàng-thượng không biết tới. Hóa cho nên quân hầu được hưởng hết.

    - Cao này thực không hiểu.

    - Quân hầu phải biết rằng phàm làm vua chúa thì thích quyền hành, thích nước mình rộng. Vậy mà cuộc Bắc-tiến này, một phầm ba Quảng-Tây về phía Tây trao cho Đại-lý. Một phần ba phía Bắc trao cho quân hầu. Một phần ba phía Nam trao cho Thượng-oai.

    Trí-Cao hiểu ngay:

    - Cao này quá ngu tối. Phần Quảng-Đông cũng cắt làm ba. Một phần phía nam trao cho Phong-châu, Lạng-châu. Hai phần phía Bắc trao cho Cao này. Vì thế lãnh thổ lưỡng Quảng tuy cắt đi khá nhiều, nhưng cũng rộng gấp hai Đại-Việt.

    - Quân hầu có biết tại sao Khai-Quốc vương không để lãnh thổ mới của quân hầu nguyên là Trường-sinh trực thuộc Bắc-cương của vua Bà, mà biệt thành nước Đại-Nam như Đại-lý, Đại-Việt?

    - Đó chính là điều mà Cao này muốn tiên sinh dạy cho.

    - Thời Thuận-Thiên, tộc Nùng bị chia làm hai. Ba động cực Nam là Thảng-do, Vạn-nhai, Vũ-lặc thuộc Bắc-cương của Đại-Việt. Ba mươi ba động thuộc Quảng-Tây của Tống. Dù Khai-Quốc vương với Yên-vương thỏa thuận rằng 207 khê động giữa Tống với Việt thuộc Đại-Việt. Nhưng các biên thần Tống lần lữa áp chế, dụ dỗ những động chủ, châu trưởng, khiến họ phải miễn cưỡng theo Tống. Sang thời Thông-Thụy, vua bà Bình-Dương cùng công chúa Kim-Thành, Trường-Ninh vượt biên chiếm lại trọn vẹn 207 châu, động. Tộc Nùng thêm ba mươi ba động nữa, thành ba mươi sáu động. Vua Bà biến mấy khê động Nùng lẻ tẻ thành nước Trường-sinh thuộc Bắc-biên. Dân Nùng đa số nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Quảng, văn tự, phong hóa cùng với dân Quảng. Vua Bà là người có lòng quảng đại, cho nên nay đòi đất Quảng người mới chia vùng nói tiếng Thái trở về Đại-lý; vùng nói tiếng Việt về với Lạng-châu, Thượng-oai, Phong-châu; vùng nói tiếng Quảng thuộc Trường-sinh. Trường-sinh bây giờ lớn quá, không thể để thuộc Bắc-biên, cũng không thể để ngang bằng Bắc-biên, mà bằng Đại-lý, Xiêm-la, nên mới thành nước Đại-Nam. Đại-lý, Xiêm-la đều có vua, ắt Đại-Nam cũng phải có vua. Ai làm vua Đại-Nam xứng đáng bằng quân hầu? Tức là Thái-sư với vua bà cho quân hầu danh dự lớn hơn chính vua bà nữa.

    Trí-Cao vò đầu:

    - Cao này không hiểu sao Thái-sư không để Đại-Nam trực thuộc Đại-Việt, mà đặt ngang với Đại-Việt, như vậy tộc Việt lại xé thành một mảnh khác.

    - Trí của Thái-sư rất cao. Người sẽ từ từ bỏ Bắc-biên, rồi biến các nước Phong-châu, Thượng-oai, Lạng-châu thành một nước như Chiêm, Chân, Lão. Sau này bàn thống nhất tộc Việt, thì Đại-Việt cũng chỉ là một nước nhỏ như Đại-Nam, Đại-lý, Xiêm-la, thêm Chiêm, Chân, Lão, Phong, Lạng, Thượng. Ta có mười nước, hợp thành nước Văn-lang hay Lĩnh-Nam cũng được.

    Trí-Cao như người ngủ mê mới tỉnh, y đứng dậy chắp tay:

    - Cao này đã hiểu tất cả đại thế thiên hạ. Đa tạ tiên sinh dạy dỗ.

    - Việc Bắc-tiến, Việt ra quân như sét nổ, khiến Tống choáng váng. Việc bình được vùng Lĩnh-Nam chỉ trong sớm tối, bấy giờ quân hầu sẽ lên ngôi vua nước Đại-Nam, lãnh thổ rộng hơn Đại-lý, Xiêm-quốc, Đại-Việt. Nhưng dân số rất phức tạp. Tất cả đều nói tiếng Quảng như người Nùng, cùng biết rằng mình gốc là người Việt. Nhưng họ học văn chương, lịch sử, kinh điển Trung-quốc, nên họ tự coi mình như một sắc dân văn minh, mà coi sắc dân Nùng như man di, mọi rợ; thế mà họ bị sắc dân Nùng cai trị, vì vậy tất họ không phục. Không phục thì họ nổi dậy chống đối. Khi chống đối mà không đủ sức, ắt họ phải kiếm chỗ dựa. Cái chỗ dựa tốt nhất cho họ là triều Tống. Thế là Tống lại mang quân xuống đánh, trong hào kiệt nổi lên. Quân hầu ở không yên.

    Trí-Cao hỏi:

    - Như vậy tiên sinh bảo Cao này phải làm gì?

    - Không khó. Quân hầu có thấy cái gương Liêu chiếm đất của Tống, mà vẫn cai trị được đó sao? Trước thời Tống, Lưu Trí-Viễn là người Tây-di chẳng cai trị tộc Hoa đó ư? Nay dù cho lưỡng Quảng có thực sự là người Hoa đi, quân hầu cứ bắt chước người Liêu, ta vẫn cai trị họ được như thường. Huống hồ họ là người Hoa gốc Việt. Người Hoa họ không có tinh thần quốc gia. Tất cả đều là Thiên-hạ. Xưa ai có đức thì cai trị họ được, do đó họ không tiếc lời ca tụng Tam-Hoàng, Ngũ-Đế; không tiếc suy tôn Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Nay thì không cần nữa, ai mạnh người ấy làm vua. Huy này xin tiến cử quân hầu năm điều.

    Trí-Cao cung tay:

    - Xin rửa tai nghe tiên sinh dạy dỗ.

    - Một là khi lên ngôi vua, quân hầu đừng nghĩ mình là vua nước lớn hơn Đại-Việt, Đại-lý, Xiêm-la. Trong cung cách đối xử với các nước thuộc tộc Việt, quân hầu cứ tự coi mình như một tước hầu của Trường-sinh, lời lẽ nhún nhường, hậu lễ. Khi Thái-sư thống nhất tộc Việt, người có đưa ra bất cứ điều kiện gì, quân hầu cũng cứ tuân theo. Như vậy Tống không dám đụng đến Đại-Nam, vì đụng đến Đại-Nam là đụng đến tộc Việt.

    Trí-Cao vái một vái.

    - Hai là tuyệt đối hậu đãi những huynh đệ, chân tay cũ, cử họ vào những chức vụ tín cẩn. Có như vậy những người mới sẽ nhìn vào đó mà trung thành, hết tâm, hết dạ với quân hầu. Hạng Vũ chỉ có tám nghìn đệ tử thân tín, mà chiếm được Trung-quốc. Những hào kiệt ở Đại-Việt, Xiêm-la, Đại-lý muốn sang Đại-Nam kiếm chút công danh, quân hầu phải nhớ rằng họ là người Việt, nên trọng đãi họ.

    Trí-Cao hỏi:

    - Nay anh hùng từ Đại-Việt, Đại-lý, Xiêm-la sang giúp, Cao này có nên phong chức tước cho họ không?

    - Nên. Một người có thể vừa lĩnh chức tước của Tống lại vừa lĩnh chức tước của Đại-Việt được. Tại sao họ không thể vừa lĩnh chức tước của Đại-Nam với các nước khác.

    - Xin tiên sinh dạy cho điều thứ ba.

    - Ba là: nay danh sĩ, võ lâm lưỡng Quảng không ít. Quân hầu dùng hậu lễ mời họ ra làm quan với Đại-Nam, phong cho mỗi người một chức tước, họ sẽ cho rằng quân hầu là tri kỷ, ca tụng quân hầu, không còn lý do nào chống đối nữa.

    - Cao này nghe nói, tại xứ Quảng này có Quảng-Đông ngũ cái tiên sinh là một. Vậy mai này tiên sinh có thể cùng Cao, hậu lễ tới cửa của bốn vị kia, mời ra giúp Cao thành lập nước Đại-Nam không?

    - Huy này xin hết mình.

    - Ngoài Quảng-Đông ngũ cái ra, còn rất nhiều anh tài. Bằng như có những người khinh thế, ngạo vật, nhất định không ra làm quan, thì phải đối phó như thế nào?

    Đình-Huy cười:

    - Quân hầu bịt miệng họ lại. Nay quân hầu dùng lễ đãi hiền tới nhà thăm họ, hỏi về cách trị nước. Mai gửi quà tặng. Rồi quân hầu ca tụng tài họ. Bấy giờ bên ngoài tế tác Tống nghi ngờ họ. Trong dân chúng sẽ nói với họ những điều dân ước. Họ sẽ nói với quân hầu, thế là họ không ra làm quan, mà còn giúp quân hầu nhiều hơn là ra làm quan nữa.

    - Điều thứ tư là, đất lưỡng Quảng mới bình định, nước Đại-Nam mới thành lập, cơ chế chưa vững, không thể áp dụng luật từ bi hỉ xả như bên Đại-Việt, mà phải dùng hình pháp cho nghiêm như thời Đinh. Đợi năm bẩy năm, khi lòng người đã định, cai trị vững vàng, bọn du thủ du thực bỏ thói man rợ cũ, bấy giờ ta cải biến luật dần dần như bên Đại-Việt cũng vừa.

    Trái-Cao hỏi:

    - Khi đức Thái-Tổ bản triều vừa lên ngôi, đã truyền bỏ hết luật hà khắc thời Lê mà lòng người quy phục. Sao nay tiên sinh lại dạy Cao này phải ban nghiêm luật?

  2. #51
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,759
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    - Quân hầu nên biết rằng: khi vua Đinh dẹp mười hai sứ quân, lòng người ly tán, vì vậy người đặt ra hình pháp cực kỳ khắc nghiệt mà khiến dân yên. Thời đức Thái-Tổ lên ngôi là lúc lòng người căm phẫn luật hà khắc của Lê triều, người ban hành luật từ bi hỉ xả mà được lòng người. Nay tình hình lưỡng Quảng, chỗ thì Nùng, chỗ thì Hẹ, chỗ thì Trang, chỗ thì Mèo, chỗ thì Hán, mà quân hầu không nghiêm luật thì e khó mà trị được.

    - Xin tiên sinh dạy cho điều thứ năm.

    - Năm là việc tổ chức quân đội. Nước Đại-Nam, Tây giáp Thục, Đại-lý. Nam giáp Đại-Việt, Đông giáp biển, Bắc giáp Tống. Mặt Tây, Nam thì không sợ, mà chỉ phòng mặt Đông, mặt Bắc. Mặt Bắc, ta cố giữ núi Ngũ-lĩnh. Mặt Đông ta tổ chức thủy quân thực mạnh. Mô thức tổ chức quân đội, nên theo Đại-Việt.

    Đến đó thân binh báo:

    - Xa giá vua Bà tới Ung-châu.

    Trí-Cao sai phát pháo, dàn giáp kinh ra ngoài thành đón. Dân chúng Ung-châu đã nghe vua Bà là Quan-thế-âm giáng thế, nên họ thắp hương mà đón. Trong tâm tư các quan lại, binh tướng, cùng dân chúng Ung-châu lo lắng không ít về cuộc đổi đời. Họ biết rằng Trí-Cao là tướng đánh thành, nhưng tính mệnh tù binh, quan lại Tống lại do vua Bà quyết định.

    Vua Bà thân thăm hỏi các bô lão, rồi truyền cho tập trung quan lại, binh tướng dù đầu hàng hay bị bắt đứng ở trước dinh trấn thủ. Bà đứng lên đài cao, vận nội lực nói lớn:

    - Thưa các vị bô lão, kỳ hào, nhân sĩ cùng tất cả chư tướng binh. Quân Đại-Việt vào Ung-châu không phải để chiếm đất, cướp của, mà chỉ muốn đòi lại lĩnh địa của tổ tiên đã bị mất. Các vị đây, có vị nói tiếng Hoa, có vị nói tiếng Quảng, có vị nói tiếng Việt. Nhưng tất cả đều là người Việt.

    Dân chúng vỗ tay hoan hô.

    - Vậy việc đầu tiên, hoàng đế Đại-Việt ban chỉ: kể từ ngày hôm nay, xá mọi thứ thuế trong vòng một năm.

    Dân chúng lại reo hò.

    - Về quan lại, tướng, binh của lưỡng Quảng, ai muốn làm việc với Đại-Việt, thì cho giữ nguyên đẳng trật, cho hưởng lương bổng như quan lại Đại-Việt.

    Dân chúng vỗ tay reo hò.

    - Tha tất cả tù, dù thành án hay chưa. Binh, tướng lưỡng Quảng bị bắt hay dầu hàng đều được ân xá. Ai muốn ở lại, thì cho giữ nguyên đẳng trật. Ai không muốn, thì cho về nguyên quán.

    Sau hơn hai tháng, thì tin tức cho biết đạo Hoa-sen đã tiến chiếm xong Linh-lăng, đổ lên núi Ngũ-lĩnh. Hoa-sen vương Lê Văn họp cùng công chúa Trường-Ninh, phò mã Thuận-Tông chỉnh bị binh mã để tiến xuống chiếm Đàm-châu, cùng hồ Động-đình.

    Đạo binh Lạng-châu, Phong-châu đã chiếm xong Liêm-châu, Quảng-châu, Khúc-giang, Thường-sơn.

    Công chúa Bảo-Hòa cho chim ưng mang thư mời tất cả các chúa tướng về họp tại Ung-châu để bàn định kế sách bình định những vùng mới chiếm, nhất là cho Trí-Cao làm lễ đăng quang. Buổi hội ấn định vào giờ Thìn ngày rằm.

    Sau hơn một tuần, các chúa tướng đạo Hoa-sen, Thượng-oai, Trường-sinh đều tề tựu. Người người gặp nhau kể cho nhau về cuộc Bắc-chinh.

    Công chúa Bảo-Hòa nói với chư tướng:

    - Cái uất hận mất vùng Nam-hải, Quế-lâm, hồ Động-đình từ thời vua Trưng, đến nay chúng ta mới giải được. Ta đã chiếm lại trọn vẹn lĩnh thổ thời Văn-lang. Nhưng ta ra quân bất thần, Tống không phòng vệ. Bằng mọi giá, họ sẽ phải chiếm lại. Bây giờ ta bàn việc nghinh chiến. Trước hết các vị chúa tướng cho biết tình hình.

    Hoa-sen quận vương Lê Văn phúc trình:

    - Em đánh úp được Liễu-châu. Sở dĩ trong thành, tế tác của đại sư huynh Trần Phụ-Quốc không ra tay được, vì bị lộ tung tích. Nguyên anh Phụ-Quốc cùng đoàn võ sĩ giả làm thương gia từ hồ Động-đình đi Liễu-châu. Khi qua núi Đại-dữu thì gặp một đoàn tế tác Tống đi ngược chiều. Viên trưởng đoàn là Triệu Huy. Y nhận được mặt đại ca Phụ-Quốc. Y nhân danh người của Khu-mật viện chặn bắt anh Phụ-Quốc. Hai bên giao chiến. Đại ca Phụ-Quốc giết chết Triệu Huy. Không may bấy giờ một đoàn cao tăng Thiếu-lâm đi hành hương vừa tới. Trong đoàn còn có cả ba cao tăng chùa Thiếu-lâm là đại sư Minh-Đức, chưởng môn. Đại sư Minh-Thiên, thủ toạ Đạt-ma đường. Đại sư Minh-Hiển thủ toạ La-hán đường. Đại-sư Minh-Hiển với anh Phụ-Quốc giao chiến đến ba trăm hiệp bất phân thắng bại. Nhưng đoàn Thiếu-lâm định bắt đoàn võ sĩ Việt, nên anh Phụ-Quốc cùng cả đoàn phải bỏ chạy. Đoàn Thiếu-lâm đuổi theo rất gấp. Giữa lúc đó thì gặp đoàn tế tác của ta trong thành Quế-châu. Đoàn này do Trường-giang song hùng cầm đầu. Thế là hai bên giao chiến long trời lở đất. Phương-Hổ đấu với Minh-Thiên. Phương-Báo đấu với Minh-Hiển. Phụ-Quốc đấu với Minh-Đức.

    Mọi người đều như nín thở, vì ai cũng biết đây là cuộc đấu của những đại tôn sư võ học.

    - Vừa lúc đó tiền quân của em tới. Minh-Thiên, Minh-Hiển đều bị anh em họ Phương dùng Chu-sa độc chưởng đẩy vào người. Đại ca Phụ-Quốc bị Minh-Đức bắt sống, anh em họ Phương cũng bị trọng thương. Em đấu với Minh-Đức trước sau trăm chiêu bất phân thắng bại. Sau anh Phụ-Quốc nhắc em dùng chân khí đẩy thuốc phát hãn vào người Minh-Đức, chân khí của ông bị thoát ra, cuối cùng ông chết vì chiêu Lôi-đả Ân-tặc của em. Em vội dùng thuốc cứu hai đại sư Minh-Thiên, Minh-Hiển, và để hai ông đi.

    Lê Văn ngừng một lúc, rồi tiếp:

    - Em tiến lên đánh úp Liễu-châu. Cao Nhất tử trận. Phía sau em, Trường-Ninh chia quân đánh chín đồn nhỏ. Em trao thành cho Thiện-Lãm rồi ngay ngày hôm đó em đem quân tiến lên chiếm Quế-châu. Vương Duy-Chính, Trần Thự đem quân ra chống cự. Em phá tan quân Trần Thự. Chính hoảng hốt bỏ chạy, khi y trở về thành thì thành đã bị anh Phụ-Quốc cùng trăm võ sĩ Đông-a chiếm mất rồi. Y đem tàn quân trốn về Linh-lăng. Nhưng Linh-lăng em đã cho đội cảm tử quân của Trường-giang song hùng đánh úp. Y chỉ còn một người một ngựa chạy về thành Trường-sa. Hiện dưới đồng bằng em để cho Trường-Ninh, Thiện-Lãm tổ chức an dân. Còn em trấn trên núi Ngũ-lĩnh

    Công chúa hỏi Thường-Kiệt:

    - Con là quân sư đạo Trường-sinh. Con trình bầy về cuộc tiến quân này cho mọi người biết.

    Lý Thường-Kiệt trình bầy:

    - Đạo Trường-sinh đánh từ Tây sang Đông, sư bá Thuần-Anh chiếm Hoành-châu, tướng trấn thủ Đức Quang bị bắt. Trong khi đó vua Bà đánh úp Quý-châu giết chết Vĩnh Cơ. Còn Thuần-Khanh đánh Củng-châu mưu cơ bị lộ, tướng trấn thủ Toàn Huy tương kế tựu kế, Thuần-Khanh phải lui về giữ Nam-sơn. Sư phụ sai sư thúc Vi Chấn đánh úp Củng-châu, quân Toàn Huy tan, Huy bị bắt. Nhưng Toàn Huy chính là danh sĩ Phạm Đình-Huy của Đại-Việt, nên y trở về với Đại-Việt. Về việc đánh Ung, Đằng, Tầm thì diễn ra đúng như kế hoạch. Tướng Tống Kiều, Hàm Cường, Ky Mân đều bị bắt. Các đạo quân 441, 442, 443 tan rã. Sau đó sư bá Trần Trung-Đạo đem quân đánh Thương-ngô. Tướng trấn thủ Thương-ngô là đệ tử của sư bá. Y mở cửa thành ra đầu hàng. Vua Bà truyền Phạm Đình-Huy đánh Khang-châu, đệ tử đánh Phong-sơn. Vì hai châu này bị cô lập, lương thảo không có, nên Phạm Đình-Huy với đệ tử dùng nghi binh, cho quân ở ngoài thành ngày đêm đánh trống reo hò. Hơn tuần, quân trong thành mệt mỏi, họ mở cửa xin hàng. Đến đây đạo Trường-sinh bắt tay được với đạo Phong-châu.

    Các tướng đều muốn biết tin tức về đạo Phong-châu, Lạng-châu. Công chúa Bảo-Hòa tóm lược tình hình thuật lại một lượt, rồi tiếp:

    - Từ khi hai đạo này chiếm được Quảng-châu, Khúc-giang, Thường-sơn, tôi không được tin gì nữa.

    Sang ngày rằm, vẫn không có tin tức về đạo Lạng-châu, Phong-châu. Công chúa Bảo-Hòa sốt ruột vô cùng, bà truyền Hoàng Tích cho chim ưng đi hỏi lại quốc công Thân Thiệu-Cực. Mãi trưa hôm ấy chim ưng mới trở về, mang theo một bức thư ngắn:

    "Đại địch từ Thường-sơn đánh xuống. Tôn Đản, Cẩm-Thi bị vây, chưa liên lạc được. Đạo thứ nhì từ biển đổ lên đánh Quảng-châu, Hổ-môn. Đạo thứ ba đánh úp Liêm-châu, Khâm-châu, Kỳ-châu. Cả ba đều thất thủ. Không có tin tức của Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên và Lưu Tường".

    Mọi người náo loạn lên.

    Lại có tin của tế tác do Phụ-Quốc gửi về:

    "... Địch-Thanh cùng Tam-anh, Ngũ-hổ giả thao luyện quân sĩ, rồi dùng hạm đội Kinh-châu chở quân ra biển, ý định đổ bộ đánh úp Đại-Việt... Phải tối cẩn thận ".

    Liên tiếp có hàng chục chim ưng mang thư về.

    Công chúa Bảo-Hòa đọc hết báo cáo rồi thăng trướng, tóm lược tình hình:

    - Trong chúng ta, có một con rắn, đã tiết lộ tin tức với Tống. Vì vậy Tống đế không cho Tể-tướng, Khu-mật viện biết. Nhà vua ban mật chiếu sai Địch Thanh cùng Tam-anh, Ngũ-hổ toàn quyền điều động quân mã Kinh-châu, Đàm-châu đối phó với ta. Địch Thanh tới Kinh-châu, y không làm lễ nhậm chức. Y ẩn trong trướng, sai Tư-mã Kinh-châu giả tập trận, rồi sai hạm đội chở quân xôi giòng ra biển. Y cho Tôn Tiết đổ quân chiếm Khâm-châu; Lý Nghĩa đánh Liêm-châu, Lưu Khánh đánh Kỳ-châu. Dư Tĩnh đánh từ Thường-sơn xuống; Trương Ngọc đổ quân vào Quảng-châu. Mặt khác, y sai Trương Trung điều đại quân thủy bộ từ Trường-sa đánh chiếm lại núi Ngũ-lĩnh. Ta bị bất ngờ.

    Công chúa hỏi Hoa-sen quận vương:

    - Với quân số hai vạn bộ, hai vạn kị, em có thể giữ nổi Ngũ-lĩnh, không cho Trương Trung vượt xuống Nam không?

    - Khi chiếm Liễu-châu, Quế-châu, Linh-lăng bắt được khoảng ba vạn binh cùng dân phu Tống, em cho tổ chức thành quân Việt. Tuy không thể tin tưởng hoàn toàn, nhưng có thể dùng được, vì vợ con, cha mẹ họ đều ở địa phương. Họ khó có thể phản ta. Tổng cộng ta có bẩy vạn. Nhưng không biết quân Trương Trung có bao nhiêu?

    Bảo-Dân đáp:

    - Tại Trường-sa họ có khoảng năm vạn quân, cùng năm vạn dân binh. Thủy quân năm vạn nữa. Tổng cộng mười lăm vạn.

    Lê Văn thản nhiên:

    - Như vậy em thừa sức bảo vệ Ngũ-lĩnh. Bởi mình thủ, họ tấn công. Hơn nữa, phía sau em còn đạo binh Thượng-oai của Trường-Ninh, Thiện-lãm.

    Công chúa Bảo-Hòa hài lòng:

    - Ta an tâm mặt Bắc.

    Công chúa tiếp:

    - Quân số của Địch Thanh dùng để đánh ta là quân Ngô-Việt khoảng mười vạn, từ Thường-sơn đổ xuống. Mặt này Dư Tĩnh, Vương Hãn tổng chỉ huy. Quân từ Trường-sa đánh xuống do Trương Trung chỉ huy gồm mười lăm vạn. Quân từ Kinh-châu, kể cả thủy bộ khoảng mười lăm vạn, đích thân Địch Thanh cùng Tam-anh, Ngũ-hổ chỉ huy. Tổng cộng bốn mươi vạn. Cuộc tiếp cứu của Địch Thanh, Thái-sư đã biết trước, đã tiên đoán trước, và có kế hoạch trước. Ta không sợ.

    Công chúa tiếp:

    - Bây giờ chúng ta kiểm điểm quân số trước. Quân Trường-sinh ba vạn nam, hai vạn nữ, một vạn kị, một vạn thú. Cộng bẩy vạn. Quân Hoa-sen bốn vạn. Quân Thượng-oai năm vạn. Quân Phong-châu, Lạng-châu mười vạn. Tính chung ta có hai mươi lăm vạn. Bốn mươi vạn Tống, đấu với hai mươi lăm vạn, tuy có chênh lệch, nhưng ta thủ kia mà? Ta chiến đấu trên đất ta, tiếp tế dễ dàng. Tống thì chiến đấu trên đất lạ, tiếp tế khó khăn. Ta cứ dềnh dàng kéo dài, khiến cho Tống mệt mỏi, rồi đánh một trận thì phá được. Mặt khác, Thái-sư đã sai sứ khẩn đi Tây-hạ, Liêu, để họ cùng đem quân ép Tống, chia bớt lực lượng với ta.

    Công chúa nói với Lê Văn:

    - Hiện em là người có tài dùng binh bậc nhất Đại-Việt. Em tổng chỉ huy đạo Hoa-sen, Thượng-oai chống mặt Bắc. Em nhớ: chỉ cần trấn giữ, chứ không cần tiến công. Nếu em để mặt trận phía Bắc bị vỡ, quân Tống tràn xuống đồng bằng Linh-lăng, Quế-châu, Liễu-châu, thì đạo Trường-sinh lâm nguy, Trí-Cao với Thiệu-Cực bị ép hai mặt. Như vậy ắt ta thua.

    Lê-Văn khảng khái:

    - Một người thủ, mười người đánh. Trương Trung có quân số đông đảo, nhưng chúng vượt qua núi Ngũ-lĩnh đã khó khăn rồi, huống hồ phải đánh với em.

    - Ta tin em. Bây giờ tới mặt trận phía Đông và phía Bắc. Mặt trận phía Bắc tức khu Thường-sơn hiện do vợ chồng Tôn Đản cùng quân của Lạng-châu trấn đóng. Tài dùng binh của Dư Tĩnh, Vương Hãn không thể so sánh với Cẩm-Thi, Tôn Đản. Ta lệnh cho mặt này giữ vững, không giao chiến. Còn lại ta dùng binh Trường-sinh, Phong-châu đánh với Địch Thanh. Địch rất giỏi dụng binh, võ công cao cường. Y dùng thủy quân thình lình đánh úp Liêm-châu, Khâm-châu, Quảng-châu.

    Ưng binh lại vào trình lên bức thư rất ngắn. Công chúa đầm lên đọc:

    " Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, Đình-lập hầu Lưu Tường trấn Khâm-châu với ba nghìn quân, không ngăn nổi năm vạn quân của Tôn Tiết, nên thành bị thất thủ. Hầu tuẫn quốc ".

    Mọi người nghe tin đều cúi mặt xuống im lặng. Bởi trải qua nạn chư vương làm loạn, rồi Bắc-biên tiến lên chiếm lại 207 khê động, Lưu Tường đều tham dự, công lao không nhỏ. Hiện ông là phó thống lĩnh đạo binh Phong-châu. Chính ông đánh chiếm Khâm-châu, rồi trấn tại đây. Chỉ vì quân số quá chênh lệch, ông tử trận.

    Công chúa đọc tiếp:

    " Trấn Bắc đại tướng quân, Tản-viên hầu Tôn Mạnh cùng Trần Thanh-Nguyên trấn Liêm-châu với ba nghìn quân, tuy được tin Lý Nghĩa đánh úp có một giờ, mà hầu cũng đủ sức dàn binh ngoài bờ biển đánh ba vạn quân của Lý Nghĩa nghiêng ngả rồi rút vào rừng. Lý Nghĩa chiếm được thành, y tuy là một trong Ngũ-hổ tướng của Tống, đánh dư trăm trận, mà bị trúng mưu hầu. Hầu để Thanh-Nguyên cùng đội đệ tử Đông-a ẩn trong dân, thình lình trong đêm hầu đánh chiếm hạm đội Tống, dùng hạm đội này chở quân rút ra biển. Bao nhiêu lương thực của Tống còn để trên chiến thuyền bị hầu cướp sạch. Hiện hầu cùng phu nhân với quân bộ thuộc đang trên biển Đông chờ lệnh công chúa".

    Công chúa tiếp:

    " Vì vua Tống cho rằng cuộc tiến binh này do Trường-sinh phục thù, nên Tôn Tiết tung quân tiến về phía Tây, định tái chiếm Thương-ngô, Phong-sơn, Khang-châu, Đoan-châu. Trong khi đó Trương Ngọc định chiếm Quảng-châu, rồi tiến lên tái chiếm Khúc-giang, diệt đạo Lạng-châu. Như vậy bắt buộc ta phải rút quân từ Liễu-châu, Quế-châu, Linh-lăng về giữ Trường-sinh. Thế là đạo quân Trường-sa của Trương Trung lọt qua Ngũ-lĩnh xuống đồng bằng. Hiện Quảng-châu do công chúa Kim-Thành trấn giữ. Trương Ngọc đổ quân rất bí mật, nhưng bị chim ưng khám phá, dù chỉ có hai giờ thôi, công chúa cũng tập trung đạo binh thú trấn đóng bốn cửa thành. Trong thành công chúa có một vạn bộ, năm nghìn kị, với trăm voi, trăm hổ, trăm báo, trăm sói, mà Trương Ngọc đánh liền ba ngày không phá được. Hiện y chia quân làm hai. Một nửa tiến lên Khúc-giang, một nửa vây Quảng-châu".

    Công chúa hỏi Thường-Kiệt:

    - Con là quân sư đạo Trường-sinh, bây giờ con tính phản công ra sao?

    Thường-Kiệt thưa:

    - Quân Tống quá đông, nếu ta dùng sức mà đánh, có diệt được bốn mươi sáu vạn của họ, ta cũng mất hai mươi vạn. Bấy giờ Tống đổ quân xuống nữa, ta lấy đâu mà chống cự ? Con nghĩ tốt hơn hết, ta chỉ nên phá đạo kỳ binh của Địch Thanh. Muốn vậy các đạo Lạng-châu, Phong-châu cứ cố thủ. Còn đạo Trường-sinh thì dồn ra phía Đông để chia bớt lực lượng Tống, cho hai đạo Phong, Lạng đỡ bị áp lực. Mặt khác ta chặn đánh đường tiếp tế lương thảo của y bằng đường thủy. Như vậy quân y phải tan.

    Đến đó ưng binh vào trình cho công chúa mấy phong thư. Công chúa Bảo-Hòa cầm thư lên xem, thì ra thư của Tôn Đản, Cẩm-Thi và Thiệu-Cực.

    Thư của Tôn Đản:

    "... Dư-Tĩnh, Hãn bị mất Quảng-châu, y chạy lên Khúc-giang. Đệ đem quân đuổi theo, bỏ lại các đồn nhỏ phía sau cho Thiệu-Cực. Đệ chiếm Khúc-giang dễ dàng. Đệ đem quân đánh về phía Đông, chiếm vùng Thường-sơn. Dư Tĩnh nhận được viện quân từ Ngô-Việt mười lăm vạn đánh xuống. Đệ phá y một trận ở Chương-giang. Trong trận này Cẩm-Thi đánh Dư Tĩnh bị thương nặng. Thình lình Bắc-sơn, Tây-sơn lão nhân xuất trận. Đệ với Cẩm-Thi bị thua, dẫn quân chạy dài, suýt mất mạng. May thay sư bá Hồng-Sơn, Tự-An xuất hiện cứu kịp. Sư bá Hồng-Sơn đấu với Bắc-Sơn lão nhân. Hai vị giao chiến đến ba trăm hiệp thì Bắc-Sơn lão nhân bị Hồng-Sơn sư bá dùng thuốc phát hãn tấn công. Chân khí lão nhân bị tản hết. Lão bị thua, đêm đó tắt thở. Còn sư bá Tự-An đấu với Tây-Sơn lão nhân. Sau trăm hiệp, Tây-Sơn lão nhân bị đánh nát hết tạng phủ chết tại trận. Có tin Hoa-Sơn tứ lão cùng xuất hiện, phải cẩn thận ".

    Thư của Thiệu-Cực:

    "... Ta chiếm từ Quảng-châu đến Khúc-giang dễ dàng. Thình lình Trương Ngọc đem mười vạn quân đổ lên đánh Quảng-châu. Kim-Thành cố thủ không xuất chiến. Ngay đêm đó, ta đem quân trở về, dùng voi, cọp, hổ, báo, sói cướp trại Trương Ngọc. Trương Ngọc lùi về phía Nam. Trong trận, Nam-Sơn lão nhân xuất trận. Lão đấu với sư thái Tịnh-Tuệ trên ngàn chiêu bất phân thắng bại. Cuối cùng hai vị đều kiệt lực. Bắt được Nam-Sơn lão nhân đem vào thành Quảng-châu. Đêm đó sư thái Tịnh-Tuệ vãng sinh miền Cực-lạc. Nam-Sơn lão nhân cũng chết. Ta vào thành với Kim-Thành. Chờ quyết định chung".

    Mọi người nghe sư thái Tịnh-Tuệ, một trong Đại-Việt ngũ long vãng sinh Cực-lạc đều hết sức súc động. Sư thái là sư phụ của Thuần-Anh phu nhân của Nùng Tồn-Phúc; Triệu Liên-Hương, vương phi Khai-Thiên vương; Ngô Thuần-Trúc phu nhân của Tạ Đức-Sơn; Hàn Diệu-Chi phu nhân của Ngô-an-Ngữ".

    Đại sư Huệ-Sinh than:

    - Phái Hoa-sơn có bốn đại cao thủ, uy danh trấn Hoa-Việt, đạo cao đức trọng, nhưng chỉ vì sự nghiệp Tống triều, mà ba vị đã quá vãng. Không biết Đông-Sơn lão nhân ở đâu? Thế là từ nay giữa Hoa-sơn với Đại-Việt thù oán chồng chất.

    Công chúa Bảo-Hòa triệu tập chư tướng bàn định. Bà hỏi Trần- Bảo-Dân:

    - Sư huynh, hiện lương thực quân Tống tại Khâm-châu để ở đâu? Tình hình tiến quân của Địch Thanh ra sao?

    - Địch-Thanh để Trương Ngọc đánh Quảng-châu, Tôn Tiết trấn Khâm-châu. Lý Nghĩa trấn Liêm-châu, Lưu Khánh trấn Kỳ-châu. Còn y thì đóng quân ở cửa Hổ-môn tiếp viện cho hai mặt. Lương thảo y để ở Kỳ-châu.

    Công chúa Bảo-Hòa hỏi Thường-Kiệt:

    - Con nghĩ sao?

    - Thưa sư phụ, đối thủ với ta là Tam-anh Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết. Còn Ngũ-hổ thì Trương Trung trấn Trường-sa. Còn lại Lý Nghiã, Thạch Ngọc, Lưu Khánh đều ở mặt trận phía Đông cả. Tam-anh võ công ngang với sư thúc Tự-Mai, Tôn-Đản, Lê-Văn. Họ lại là người có văn học. Địch Thanh có cô ruột làm vương phi cho Trấn-vương Nguyên-Ốc. Trương Ngọc có vợ là quận chúa con Sở-vương Nguyên-Tá. Tôn Tiết có vợ là quận chúa con Thương-vương Nguyên-Phận. Họ lại kinh nghiệm dụng binh trong những lần đánh Tây-Hạ, Liêu. Chính vì vậy họ quá cẩn thận. Giá như khi chiếm được Khâm, Liêm, thừa thắng họ tràn về Tây, thì ít ra họ cũng chiếm được năm sáu thành. Đây họ trì nghi . Vậy ta nên đánh táo bạo thì mới dễ thắng.

    Mọi người đều đồng ý với Thường-Kiệt. Công chúa hỏi Phạm Đình-Huy:

    - Trung-nghĩa đại tướng quân. Người kinh nghiệm địa thế lưỡng Quảng. Xin cho cao kiến.

    Đình-Huy cung tay:

    - Khải tiên cô. Hôm trước hạm đội Động-đình chở đạo quân đánh úp Khâm-châu, Liêm-châu xong, vội rút về Đại-Việt, để Tống không ngờ Đại-Việt dự cuộc Bắc-chinh. Còn hạm đội bắt được của Tống ở Khâm, Liêm, Quảng châu sau đó cũng đem về neo ở Đồn-sơn. Hạm đội Kinh-châu chở quân tới đánh úp Khâm, Liêm, Quảng-châu thì phần ba ở Liêm-châu bị Tôn Mạnh cướp mất mang ra biển. Một phần ba đang trở về Kinh-châu vận lương xuống. Rút cuộc họ chỉ còn một phần ba đóng ở Quảng-châu. Như vậy thủy quân Tống rất yếu. Ta dùng thủy quân đánh thực táo bạo. Địch Thanh mất đường tiếp tế, thì lòng quân rồi loạn ngay.

    Y ngừng lại một lúc rồi tiếp:

    - Vì Địch Thanh nghĩ rằng cuộc Bắc-tiến là do Trường-sinh phát khởi, mà Trường-sinh là nước sơn cước, không có thủy quân, nên y không đề phòng mặt biển. Nay ta đánh mặt biển thì y thất bại.

    Công chúa Bảo-Hòa đứng dậy nói:

    - Bây giờ tôi xin nhắc lại bẩy điều:

    ... Một là Lê Văn tổng chỉ huy mặt trận phía Bắc gồm đạo binh Hoa-sen, Thượng-oai.

    ... Hai là mặt biển, tôi đã xin Thái-sư ra lệnh cho bang Đông-hải, bang Dường-lang, dùng thuyền chặn đánh đoàn tiếp tế lương thảo của Địch Thanh. Tôi đã cho bang Hồng-hà tiếp tế lương thảo cho Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, vì đạo quân hai người này đang ở trên đoàn chiến thuyền Tống ngoài khơi. Tôn Mạnh với bang Hồng-hà, Đường-lang, Đông-hải dùng chiến thuyền Tống, kéo cờ Tống đánh úp kho lương thảo của Dư-Tĩnh, rồi tấn công phía sau, trong khi đó Tôn-Đản, Cẩm-Thi đánh phía trước. Đản-Thi sẽ đánh cầm chừng, để Dư không thể đánh xuống cứu Quảng-châu.

    ... Ba là hiện Địch Thanh đã biết Đại-Việt tổ chức Bắc-tiến chứ không phải Nùng Trí-Cao trả phụ thù, tất y tấu về triều việc đó. Vậy ta phải làm cách nào cho y đánh tràn sang biên giới Đại-Việt. Bấy giờ ta mới có cớ trách cứ Tống xâm lăng, ta chỉ phản công thôi. Việc này tôi với Đình-Huy sẽ có kế riêng .

    ... Bốn là tế tác của ta phải đánh cướp lương thảo ở Kỳ-châu của Địch Thanh. Trong khi đó ta chất chứa lương thảo ở dọc biên giới cho y cướp. Lương của y bị cướp, y chiếm được lương của ta, tất y mừng rỡ, dùng lương đó nuôi quân. Trong lương thảo của ta, đã trộn vào một ít thuốc, khiến người ngựa ăn vào cứ bị mề mệt. Bấy giờ ta tung quân đánh, tất phá y dễ dàng.

    ... Năm là dùng quân của Thiệu-Cực, Trường-sinh, Phong-châu đánh chiếm Quảng-châu, Khâm-châu, Liêm-châu. Mặt này tôi chia làm ba. Một là tôi với Hoàng Tích chặn tiền đạo lui quân của Địch Thanh, gây hư hư, thực thực để cho chúng mất tinh thần. Hai là sư huynh Trung-Đạo chỉ huy Thường-Kiệt, Đình-Huy, Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên đánh chiếm Liêm-châu, Khâm-châu. Ba là sư huynh Bảo-Dân tiến giải vây Quảng-châu.

    ... Sáu là có tin bang chúng Hoàng-Đế hiện diện trong đạo quân của Địch Thanh. Độc chưởng của chúng rất lợi hại. Vì vậy các đệ tử Đông-a phải phân tán đi khắp mặt trận để sẵn sàng diệt chúng.

    ... Bẩy là vua bà Bình-Dương, phò mã Thiệu-Thái tổng lĩnh vùng mới chiếm. Tế tác Tống dùng bang Hoàng-Đế khống chế quan lại, hào kiệt nổi lên đánh phía sau ta. Phò mã Thiệu-Thái gặp chúng là giết tươi, cùng cứu những người trúng độc.

    ... Nào, bây giờ mời chư vị lên đường. Hôm nay là ngày rằm. Tế tác cho biết đúng ngày 25 Địch Thanh khởi tấn công. Vậy cũng đồng khởi binh, tất cả các nơi đồng loạt tấn công.

    Sau buổi họp tại Bắc-tiến tổng hành doanh, mã-bộ-quân đô tổng nguyên súy, công chúa Bảo-Hòa thăng trướng ngồi nghe Trần- Trung-Đạo điều quân. Ông nói:

    -- Cánh quân thứ nhất tiến về giải vây Quảng-châu. Cánh này do Nùng Trí-Cao chỉ huy, với các tướng Trần Anh, Tĩnh-Ninh, Tôn Trọng, Tôn Quý, Thuần-Anh, Thuần-Khanh. Nhị sư huynh Bảo-Dân ẩn trong đạo này, dùng phản Chu-sa chưởng diệt bọn cao thủ bang Hoàng-Đế.

    -- Cánh thứ nhì tiến về đánh Khâm-châu, Liêm-châu do chính tôi tổng chỉ huy. Thường-Kiệt đánh Khâm-Châu. Phạm Đình-Huy đánh Liêm-châu. Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, bang Đường-lang, Hồng-hà, Đông-hải đánh phá thủy quân cùng kho lương Kỳ-châu. Không biết Thanh-Nguyên có đương nổi không?

    Côi-sơn công chúa là tướng trẻ ngang với Thường-Kiệt, Đình-Huy, Thuần-Khanh, Trí-Cao. Bà là đệ tử út của đại hiệp Tự-An, rất tự hào. Bà nói:

    - Tam sư huynh coi thường em quá. Em chỉ có ba ngàn quân mà chống nổi với năm vạn quân Tống, lại còn cướp chiến thuyền ra biển. Sau đó em vượt biển phá kho lương của Dư Tĩnh, về phá thủy đội của Trương Ngọc ở Quảng-châu. Tam ca yên tâm.

    Chư tướng vỗ tay liên tiếp.

    - Tôi muốn nhân dịp giết tên Địch Thanh, Trương Ngọc, Tôn Tiết. Vì ba tên đều văn võ kiêm toàn, tài trí vô cùng, để chúng sống rất nguy hại cho ta sau này. Tôi sẽ theo cánh thứ nhì để dùng phản Chu-sa chưởng giết bọn bang Hoàng-Đế.

    Công chúa Bảo-Hòa gọi riêng Phạm Đình-Huy vào trướng hỏi:

    - Trong đám văn nhân quan lại Tống ở lưỡng Quảng, còn ai gốc là người Việt, tin tưởng được không?

    - Khải tiên cô còn nhiều lắm, không biết tiên cô định dùng họ làm việc gì, đệ tử xin tiến cử họ hầu tiên cô ?

    - Cháu có biết tại sao, đối với cuộc điều quân lớn lao về phía Nam như thế này, mà Tống đế không bàn với Nhị-phủ, với Khu-mật viện, mà trực tiếp ban mật lệnh cho Tam-anh, Ngũ-hổ không?

    - Thưa tiên cô cháu biết rất rõ. Nếu Tống đế bàn với Nhị-phủ, với Khu-mật viện thì ắt nhiều văn võ quan biết. Hiện trong triều, đám văn võ quan hầu hết là những người theo Kinh-Nam vương chinh chiến hai chục năm qua có công rồi được thăng thưởng mau mà giữ chức lớn. Bằng nay nhà vua đem vấn đề Nam-thùy ra bàn, thì sợ đám này thông báo cho vương. Vì vậy phải ra mật lệnh trực tiếp.

    - Hồi đi sứ bên Tống, lúc giúp Lý thái phi lật Lưu thái hậu; Lý phi cho ta biết một chuyện: từ thời Tống Thái-tổ đã đặt ra một biệt lệ rằng các đại thần, các tướng cầm quân đều được nhà vua ân thưởng ban cho mấy bài thơ, mục đích để họ biết bút tự. Sau này muốn ban chỉ dụ cho họ, chỉ cần chính tay vua viết lệnh, họ biết đó là mật lệnh, phải thi hành, mà không cần xét lại.

    - Thưa tiên cô đúng thế. Căn cứ vào việc nhà vua ban lệnh trực tiếp cho Tam-anh, Ngũ hổ, đệ tử biết nhà vua bắt đầu nghi ngờ Kinh-Nam vương rồi. Thần sợ Tống triều sẽ hại vương chăng?

    - Tự-Mai trí dũng vô biên, huống hồ y khéo thu phục nhân tâm, thiết lập hệ thống Ưng-sơn khắp nơi, không dễ gì ai hại được y. Tuy vậy ta cũng nên báo động cho y biết.

    Công chúa lấy trong tráp ra một tập giấy, rồi bảo Huy:

    - Con hãy đọc những thứ này rồi thử đoán ý cô xem có đúng không?

    Đình-Huy mở tráp ra, đầu tiên y thấy một tập giấy hoa tên, in lờ mờ con rồng bay lượn. Y biết ngay là thứ giấy của vua Tống thường dùng. Trên tập giấy có đến ba mươi sáu bài từ, chữ viết tuy không hoa mỹ cho lắm, nhưng cũng đẹp, lới từ chan chứa tình cảm. Kế tiếp gồm mười mấy tờ giấy, trong mỗi tờ đều viết lệnh chỉ. Có tờ viết trên hai mươi năm. Có tờ viết trên mười lăm năm, có tờ mới viết gần đây nhất mấy tháng. Một ánh sáng lóe lên trong đầu, Đình-Huy cung tay:

    - Tiên cô quả thực tính xa. Đệ tử nghe Hoa-sen quận vương thuật rằng, hồi đi sứ Tống, tiên cô dùng lăng không truyền ngữ ban lệnh sai vương xem tướng cho vua Tống, rồi nhân đó xin vua ban cho ba mươi sáu bài từ. Thì ra tiên cô dự trù sau này mình nhái bút tích nhà vua, ban chỉ giả cho tướng sĩ Tống.

    - Con đoán đúng. Sau này ta còn dùng tế tác ăn cắp lệnh chỉ mật của nhà vua ban cho các tướng sĩ khác, vì sợ bút tự nhà vua có thay đổi đi chăng? Ta lại trộm được một số giấy chưa viết của nhà vua nữa. Ta cũng cho khắc Ngọc-tỷ giả.

    Công chúa lấy từ trong cái hộp nhỏ ra cái ấn bằng ngọc, dập vào hộp mực rồi in thử. Đình-Huy so sánh với Ngọc-tỷ thực in trên các lệnh chỉ, giống hệt. Y cung tay:

    - Không biết bây giờ tiên cô định giả lệnh chỉ của nhà vua gửi cho ai? Sai họ làm gì?

    - Nếu con là ta, con sẽ gửi cho ai? Với mục đích gì?

    - Thưa tiên cô, con sẽ gửi cho Trương Trung cùng kinh lược An-vũ sứ Đàm-Châu, lệnh cho họ đem hết binh mã xuống hạm đội Giang-Nam tiếp viện cho Địch Thanh, hẹn rõ ngày giờ phải lên đường. Còn Đàm-châu để thổ binh trấn. Trong khi đó báo cho Hoa-sen vương biết, để vương tiến chiếm Trường-sa.

    - Trí con thực cao, nhưng như vậy cũng chưa toàn vẹn. Con nên biết rằng ta ra quân, nhưng vẫn dưới danh nghĩa Trí Cao báo phụ thù. Nay Địch Thanh đổ quân chiếm lại Khâm, Liêm thì ắt chúng biết rõ là do tộc Việt. Y tấu về triều những sự thực. Bấy giờ những đại thần Tống ăn vàng của ta, hằng bênh vực cho ta sẽ nói sao với bọn cú diều? Vậy bây giờ ta phải làm sao cho chính Địch Thanh xâm chiếm Đại-Việt, bấy giờ ta mới có cớ nói rằng ta phản công.

    Đình-Huy chắp tay:

    - Con hiểu ý tiên cô. Như vậy tiên cô cần một văn quan giả làm mật sứ của Tống đế, để trao chỉ dụ cho Địch-Thanh. Con xin tiến cử người bạn học thời thơ ấu tên Hồ-Liên. Y là người rất gan dạ.

    Đến đó Bảo-Dân, Trung-Đạo vào. Bảo-Dân đưa ra bức thư:

    - Có tin của tiểu sư đệ Tự-Mai gửi cho Khai-Quốc vương. Vương hỏi ý kiến tiên cô.

    Bảo-Hòa cầm lấy thư đọc:

    "... Tin Nùng Trí-Cao đánh chiếm lưỡng Quảng làm rung động triều đình Tống. Hoàng thượng gọi em với Huệ-Nhu về triều. Khu-mật viện trao mặt trận Tây-Hạ cho Văn Ngạn-Bác, trao mặt trận Liêu cho Phạm Trọng-Yêm. Trong khi đó cho sứ sang hai nước ấy giảng hòa.."

    Một bức thư khác:

    "... Em trở về triều. Bọn văn quan cãi nhau, người nọ đổ lỗi cho người kia. Mặc dù họ biết chính nhà vua nghe lời bọn Dư Tĩnh, Vương Duy-Chính, Ky Mân, Dương Điền, Tô-Miễn, Trần Thự gây chuyện ở Nam-thùy mà thành chiến tranh. Nhưng họ lờ đi, và chỉ hặc tội bọn này. Nhà vua hỏi em phương pháp giảng hòa. Em đề nghị chặt đầu mười tám tên gây ra vụ thảm sát Nùng Tồn-Phúc, Nùng Trí-Thông. Trong đó có bẩy tên đầu não Nam-thùy. Nhà vua với triều đình nghị sự phân vân chưa định. Có lẽ nhà vua cho em về trấn Trường-sa để đối phó với Nùng Trí-Cao..."

    Lại có thư của Lê Văn:

    "... Địch-Thanh đem quân tới núi Ngũ-lĩnh. Y viết thư cho Trí-Cao, thống trách vụ khởi binh. Em sai người, giả xưng là sứ giả của Trí-Cao tới dinh Thanh kể tội bẩy đại thần Nam-biên Tống gây chiến, nên Cao khởi binh báo thù tuyết hận. Thanh sai chém đầu Trần Thự đưa đến dinh em, xin giảng hòa. Em đã sai người đem đầu Thự trao cho Trí-Cao. Xin sư tỷ cho biết cao kiến..."

    Công chúa truyền gọi Trí-Cao, Thường-Kiệt, Đình-Huy thăm dò ý kiến. Trí-Cao nói:

    - Trình sư phụ, việc này ngoài trí ước đoán của con. Xin sư phụ dạy sao, thì con nghe vậy. Theo sư thúc Lê Văn, thì Thanh mới có mặt ở Ngũ-lĩnh các đây mười lăm ngày, mà sao hôm qua y lại có mặt ở Khâm-châu, Kỳ-châu? Con thực không hiểu.

    Đình-Huy nói:

    - Khải tiên cô, đây là xảo kế dương Đông kích Tây của Địch Thanh. Y giả xuất hiện ở mặt trận Bắc, ra cái điều đó là chính binh. Một mặt y dồn lực lượng đánh úp ta ở phía Nam. Việc y chém Trần Thự chẳng qua là để chối tội cho vua Tống, hầu nêu cao chính nghĩa và ra uy mà thôi. Sau đó y âm thầm vượt bể đến Nam bên đánh úp ta. Vậy ta tương kế tựu kế, để Nùng hầu cứ coi như y còn ở Ngũ-lĩnh, viết thư cho y, đòi chém hết bẩy đại thần Nam-biên là Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Tiêu Chú, Tôn Điền, Dương Miễn, Ky Mân, Trần Thự. Điều này y không thể làm được. Mà dù y có làm được, thư đó đâu có tới tay y, vì y đã bỏ đi Hổ-môn lâu rồi. Như thế chính nghĩa của y vẫn không có. Mà ngược lại ta vẫn có chính nghĩa.

    Công chúa y kế của Phạm Đình-Huy.

  3. #52
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,759
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN
    Chi-lăng xương trắng còn chưa mục,
    Tiên-yên máu đỏ lại chan hòa

    Sáng sớm ngày 25, tại Bắc-tiến tổng hành doanh, công chúa Bảo-Hòa nhận được tin từ mặt trận phía Bắc Quảng-Đông lộ của Tôn Đản, Cẩm-Thi:

    "... Giờ Tý đệ đem quân cướp trại của Dư Tĩnh, Vương Hãn để cầm chân chúng. Sáu trong mười trại bị đánh phá. Dư lui về Chương-giang. Cũng đúng giờ Tý, quân của Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên gồm bản bộ quân mã với bang Hồng-hà, Đường-lang, Đông-hải, đổ lên Chương-châu, Phúc-môn cướp toàn bộ lương thảo tại đây, rồi tiến xuống Nam, bắt tay được với đạo quân của đệ. Đệ ra lệnh cho Mạnh, Nguyên cùng toàn bộ thủy quân khẩn xuôi về Khâm, Liêm cho sư tỷ xử dụng. Mọi sự tốt đẹp".

    Lát sau có tin của Hoa-sen quận vương:

    "... Tự-Mai, công chúa Huệ-Nhu tới Kinh-châu cùng với một số tướng sĩ theo từ mặt trận phía Bắc về như Quách Quỳ, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Lý Hiến, Khúc Chẩn, tất cả đã vượt sông Trường-giang trấn ở trong thành Trường-sa. Chưa rõ ý định. Trương Trung đem quân trấn tại Hành-sơn, án binh bất động. Đã dùng chim ưng thông tin với Tự-Mai ".

    Tin của Trần Trung-Đạo:

    "... Đã dùng chiến thuyền bắt được của Tống, neo tại Đồn-sơn, Tiên-yên, kéo cờ Tống, đổ lên Kỳ-châu đúng giờ Tý, cướp trọn vẹn lương thảo, thu hết chiến thuyền của Tống, giết chết Lưu Khánh. Thủy quân rút ra khơi, tiến về đánh Khâm-châu..."

    Thân Mai suýt xoa:

    - Trận này các tướng Tống chết nhiều quá. Lưu Khánh là một trong Ngũ-hổ của Tống, y từng dương danh ba lần trong các trận đánh với Liêu, không ngờ lại chết ở Kỳ-sơn về tay sư bá Trần Trung-Đạo. Lưu là người trung nghĩa, xin sư phụ thư cho sư bá Trung-Đạo thu nhặt xác y, tẩm liệm, chôn cất tử tế, hầu nêu cao gương cho đời sau.

    - Được. Con viết thư, sai chim ưng chuyển liền.

    Lại có tin của thái-phó Dương Bình:

    " Tấu tiên cô. Đúng giờ Tý, Địch Thanh tung quân đánh chiếm trại Như-hồng, Thiên-long, Cổ-vạn, Tô-mậu. Ta đánh cầm chừng rồi rút lui. Chúng được lương thảo mừng vô hạn".

    Công chúa bảo thư lại:

    - Gửi lệnh cho Trung-Đạo sai Thường-Kiệt tấn công Khâm-châu; Đình-Huy tấn công Liêm-châu. Thủy quân đổ lên tiếp viện cho Quảng-châu. Thả tù binh bắt được tại Kỳ-giang về cho Địch Thanh biết bị cướp mất lương, khiến lòng quân rồi loạn, tất y rút binh từ biên giới về.

    - Gửi lệnh cho thái phó Dương Bình theo dõi kỹ, hễ thấy Địch Thanh rút quân, thì dùng thủy quân đổ lên giữa biên giới, đánh cắt đôi quân của y. Bắt sống thực nhiều, để có cớ nói với triều Tống.

    - Gửi lệnh cho Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên phục binh phía Nam Khâm-châu, chuẩn bị đánh tiền đội rút quân của Địch Thanh, và phải làm như thế... như thế...

    Ba hôm sau có tin Đình-Huy đem quân đánh Liêm-châu. Lý Nghĩa xuất thành giao chiến. Huy giả thua rút chạy, rồi dùng đội hổ, báo, sói phản công. Nghĩa đuổi theo, thì trúng phục binh của Tôn Mạnh. Khi y quay về thì thành bị Thanh-Nguyên chiếm mất. Ly Nghĩa rút chạy về Khâm-châu, bị Đình-Huy, Thanh-Nguyên phục binh đánh ba nơi. Y chỉ còn trên nghìn kị với đám tàn quân binh. Thanh-Nguyên lệnh Thường-Kiệt mở vòng vây cho Nghĩa vào thành Khâm-châu. Trong đội tàn quân có võ sĩ phái Đông-a làm tế tác. Thanh-Nguyên để bang Hồng-hà trấn Liêm-châu, rồi phục binh dài dọc đường Khâm, Liêm về Bắc đợi Địch Thanh.

    Công chúa nói với Nùng-Sơn tử, Minh-Thiên:

    - Xin Quốc-sư với sư thúc cùng cháu chặn đường Địch Thanh. Địch Thanh nghe tin Kỳ-châu bị chiếm, Liêm-châu thất thủ lại bị thái phó Dương Bình đánh, ắt y rút về cứu Khâm-châu. Đường từ bên Đại-Việt sang Khâm-châu phải qua Như-hồng, ta đón y tại Như-hồng, dùng hư hư thực thực làm cho tiền quân y kinh hoàng, rồi tuyệt diệt, khi hậu quân về ta mới dễ phá tan.

    Bắc-tiến tổng hành doanh di chuyển xuống phía Nam, dàn ra gần Như-hồng. Công chúa Bảo-Hòa cùng các tôn sư ngồi theo dõi tin tức do chim ưng mang về.

    Hoàng Tích hết gọi chim xuống, đến sai chim đi. Trưa hôm đó một chim ưng mang thư của công chúa Kim-Thành gửi về:

    " Được tin quân của Nùng Trí-Cao tiến về Quảng-châu, Trương Ngọc không vây thành nữa, lui lại chuẩn bị đối phó. Nhưng Trí-Cao chỉ hư trương thanh thế mà thôi. Thực sự y sai Thuần-Anh, Vi Chấn đánh lên Khúc-giang. Thuận-Tông mở cửa thành ra hợp với Thuần-Anh, Vi Chấn phá tan đạo quân này. Hai cao thủ bang Nhật-hồ là tả hộ pháp Phong Hoa, Đông-phương sứ giả Lưu Đại cũng xuất hiện. Vi Chấn bị Phong Hoa sát hại. Thuần-Anh bị trúng Chu-sa chưởng của Lưu Đại. Đại ca Bảo-Dân giết chết Lưu Đại. Thầy đồ Bắc-ngạn xuất hiện giết chết Phong Hoa. Đạo quân Khúc-giang tiến về Quảng-châu. Em mở cửa thành, hợp với Trí-Cao đánh Trương Ngọc. Trận chiến thực kinh thiên động địa. Võ công Trương Ngọc ngang với sư huynh Bảo-Dân. Nhưng em phá tan quân của y. Y rút chạy, lui về đóng ở bờ biển ".

    Hoàng Tích với Vi Chấn là bạn hồi thơ ấu, nay nghe tin bạn tuẫn quốc, ông không cầm được nước mắt.

    Một chim ưng khác mang thư lại. Thư của Dương Bình:

    " Địch Thanh bị phản công, y bắt đầu rút quân trở về Trung-quốc, đã đánh cắt đôi quân của y. Lê Phụng-Hiểu, Lý Nhân-Nghĩa bị Đặng Đại-Bằng đánh trúng Chu-sa độc chưởng. Xin Thân phò mã cứu gấp".

    Công chúa vừa định sai chim ưng đi mời Thiệu-Thái, thì có tin vua Bà tới. Vua Bà nói:

    - Được tin bang Hoàng-Đế xuất hiện, nên anh Thiệu-Thái đã dùng thuyền về Tiên-yên cấp cứu hai đệ tử của tiên cô. Còn tôi đến đây tiếp ứng.

    Đến đó chim ưng tuần hành báo tin có quân từ phía Nam tới. Đại sư Huệ-Sinh nói nhỏ vào tai công chúa Bảo-Hòa mấy câu. Công chúa mỉm cười:

    - Đa tạ đại sư chỉ dạy.

    Công chúa gọi Hoàng Tích:

    - Tráng-tiết tướng quân, từ hôm khai chiến đến giờ, em phải ngồi làm nhiệm vụ thông tin, chắc ngứa chân, ngứa tay. Bây giờ chị cho em xuất trận. Nhân Thạch Ngọc đi tiên phong trong đội rút quân, em làm sao không cần đánh nhau, cũng bắt được mấy vạn quân cho chị. Chị nhắc lại, đội quân này ăn phải gạo có thuốc độc, chân tay bải hoải hết rồi. Nào, em định làm gì, nói nhỏ cho chị biết nào.

    Hoàng Tích lễ phép ngồi sát bên Bảo-Hòa, hương thơm như trầm của bà khiến ông nghĩ thầm:

    - Mình ngồi bên bà tiên, được hưởng tiên khí, kể cũng là đại phúc.

    Ông nói nhỏ vào tai công chúa:

    - Em sẽ làm như vậy, như vậy...

    Công chúa mỉm cười:

    - Vậy em phải thư cho Tôn Mạnh với Thanh-Nguyên ngay đi. Còn ta với Mai, Lan, Cúc, Trúc di chuyển xuống Như-hồng liền.

    Công chúa truyền lấy xe bốn ngựa, rồi cùng vua bà Bình-Dương, bốn nữ đệ tử Mai, Lan, Cúc, Trúc thủng thỉnh đi về hướng địch.

    Đi khoảng vài dậm thì gặp một đội quân Tống đang tiến tới. Người đi đầu chính là Thạch Ngọc. Thạch Ngọc chưa từng gặp công chúa Bảo-Hòa, vua bà Bình-Dương, tuy y có nghe nói nhiều.

    Nguyên bọn Tam-anh, Ngũ-hổ đang trấn thủ Bắc-cương, đối đầu với Liêu, thì nhận được mật chỉ khẩn cấp trao quyền lại cho Phạm Trọng-Yêm, rồi về kinh triều kiến. Khi bẩy người vừa về đến kinh, thì có thái giám tuyên chỉ nhập hoàng thành yết kiến nhà vua. Nhà vua ban cho bẩy người ăn yến. Trong tiệc, tuyệt không bàn gì, ngoài việc hỏi han tình hình Liêu, Tống. Tiệc tan, nhà vua truyền cung nữ, thái giám lui hết, rồi mới nói:

    - Cách đây mấy ngày có một đại y sư Đại-Việt là Hoàng-Giang cư-sĩ đem hậu lễ tiến cống, cùng biểu của Trường-sinh hầu Nùng Trí-Cao khiếu oan về việc cha là Nùng Tồn-Phúc, anh là Nùng Trí-Thông bị tế tác của ta sát hại với đầy đủ bằng chứng. Trẫm đã cùng các đại thần bàn định, nhưng không đi đến đâu. Trẫm thấy việc này dường như có gì khó hiểu bên trong, nên quyết định gọi các khanh về trao cho toàn quyền giải quyết vụ Nam thùy. Trẫm không trao việc này cho phò mã Tự-Mai, vì sợ y xuống đó sẽ giết nhiều người Hoa, người Việt dính dáng vào, lòng trẫm không nỡ. Vậy bẩy khanh cầm mật chỉ của trẫm âm thầm đi Kinh-châu, Đàm-châu tùy nghi giảng hoà được thì giảng. Còn không giảng hòa được thì phải đánh dẹp. Quân ở Kinh-châu có hai mươi vạn thủy bộ, cùng một hạm đội. Với lực lượng ấy, thêm quân địa phương, trẫm tin rằng dư sức dẹp một khê động gốc Nùng.

    Nhà vua đưa mắt nhìn một lượt bẩy viên tướng trẻ, rồi tiếp:

    - Hồi Lưu thái hậu cầm quyền, người cùng một số đại thần chủ trương đánh chiếm sáu nước nhỏ Đại-lý, Đại-Việt, Xiêm-la, Lão-qua, Chiêm-thành, Chân-lạp, mở rộng biên giới Nam-thùy. Trong sáu nước thì Đại-Việt, Đại-lý là hai nước lớn. Trước chiếm Đại-Việt. Chiếm được Đại-Việt thì Chiêm, Chân, Lão không cần đánh cũng phải quy phục. Khi được Việt, Chiêm, Chân, Lão rồi, dùng nhân lực bốn nước này đánh Đại-lý. Đại-lý bị chiếm thì chỉ đánh một tiếng trống là chiếm được Xiêm-la. Bấy giờ ta có cả một vùng trù phú, quốc dụng dồi dào, thanh thế nổi lên, ắt thừa sức chống Liêu, ta quay ra chiếm Tây-Hạ. Tây-Hạ mất rồi, thì ta dùng tinh lực tất cả các nước mới quy phục đánh Liêu, giang sơn Đại-Tống sẽ rộng lớn vô cùng, mà không bị cái nhục tiến cống Liêu.

    Nhà vua thở dài:

    - Nhưng Lưu hậu lại không vì giang sơn Đại-Tống, mà muốn biến thành Thiên-hạ Hồng-thiết, thì thực là kinh tởm. Trong khi đó thì Yên-vương lại cho rằng sáu nước tộc Việt với Trung-quốc vốn cùng tổ tiên, cùng huyết tộc, phong tục văn hóa có đôi phần giống nhau, họ đã quy phục tiến cống, thì sao lại đánh họ? Trước hết hòa hoãn với họ, để có cả phương Nam yên tĩnh, ta rút trọng binh về Bắc đối phó với Liêu. Để thực hiện quốc kế, người kết bạn với một anh hùng Nam-phương là Khai-Quốc vương Lý Long-Bồ. Kết quả, Đại-Việt giúp trẫm diệt được bọn Hồng-thiết ẩn trong cung, cùng chiêu phục bang Nhật-hồ, bang Trường-giang. Nhờ rút trọng binh ở Nam-phương, mà ta giữ được phía Bắc, thắng phía Tây.

    Nhà vua nhìn lên hình Yên-vương treo trên tường:

    - Hoàng thúc là người ngay thẳng, khi hội hoà với Khai-Quốc vương, người hứa trả tất cả những khê động Nam-thùy mà ta chiếm của Đại-Việt. Nam-thùy được yên ổn trong hơn hai chục năm. Nhưng có một điều, cả hoàng thúc với ta cũng không ngờ tới, là trong các khê động đó, có nhiều khê động cấu kết với các đại thần Nam-biên. Cho nên nay họ trở về với Đại-Việt, các quan mất đi một nguồn lợi lớn. Hồi phò mã Tự-Mai trấn Nam-thùy thì họ sợ oai nên tạm yên. Khi phò mã trấn Tây, phòng Bắc, họ lại móc nối với các khê động, rồi dùng tiền bạc kết thân với đại thần trong triều, chuẩn bị kế sách, dùng tế tác, gây hấn, để sau này đem quân đánh Đại-Việt, Đại-lý. Những việc đó trẫm không hề biết gì. Khi đã biết thì sự thành lớn rồi. Trong các sự lớn, có việc họ gửi tế tác sang ám hại Nùng Tồn-Phúc, với con là Nùng Trí-Thông, mục đích gây chia rẽ triều đình Đại-Việt với tộc Nùng. Không ngờ sự bị bại, nên nay Nùng Trí-Cao kéo cờ tuyết hận, đem quân đánh lưỡng Quảng. Vì vậy trẫm triệu các khanh về để bàn định sao cho Nam phương yên. Vậy các khanh nghĩ thế nào?

    Tôn Tiết khấu đầu:

    - Muôn tâu bệ hạ, thần nghĩ một mình Trí-Cao, với dân số Nùng không quá năm mươi vạn, y không thể, không dám khởi binh. Vụ này có lẽ do Khai-Quốc vương đứng trong bóng tối điều khiển. Trí-Cao chỉ là tên bù nhìn mà thôi. Như vậy mặt trận Nam-thùy phen này sẽ rất lớn, rất dữ dội.

    - Trẫm cũng nghĩ thế, vì Đại-lý đem trọng binh trấn ngay Độ-khẩu, Kim-sơn. Dường như họ muốn theo đường Bắc-bình vương Đào-Kỳ xưa dùng để đánh Thục. Trẫm đã ban chỉ đem quân Đông-xuyên, Tây-xuyên vào Thành-đô để đề phòng rồi. Chỉ còn mặt lưỡng Quảng trẫm trao cho Tam-anh, Ngũ-hổ toàn quyền giải quyết. Nếu phải dùng binh lực, thì chỉ đối đầu với tộc Nùng, mà tránh đối đầu với Đại-Việt. Khi tấu về triều, các khanh tấu thẳng cho trẫm, không cần qua Nhị-phủ cùng Khu-mật viện. Trẫm ban chỉ cho các khanh, cũng ban mật chỉ trực tiếp. (TS, Nhân-tông kỷ)

    Thế rồi Địch- Thanh thống lĩnh Tam-anh, Ngũ-hổ xuống miền Nam. Y được phái Thiếu-lâm cử một đoàn cao thủ hơn nghìn người, do ba đại cao tăng chưởng môn Minh-Hiển, thủ tọa La-hán đường Minh-Đức, thủ tọa Đạt-ma đường Minh-Thiên theo giúp. Nhà vua lại viết chiếu thỉnh Hoa-sơn tứ lão cùng Thất-hùng đem hai nghìn cao thủ trợ chiến.

    Khi y tới Kinh-châu thì các đạo quân tộc Việt đã chiếm trọn lưỡng Quảng. Địch Thanh sai Trương Trung di chuyển quân ở Đàm-châu (Trường-sa) tiến xuống trấn ở Bắc Ngũ-lĩnh, hư trương thanh thế, nhờ phái Thiếu-lâm trợ chiến mặt này. Một mặt y cho hạm đội Kinh-châu vận chuyển toàn bộ hai mươi vạn quân, cùng các cao thủ bang Hoàng-Đế, Hoa-sơn xuôi giòng ra biển, rồi thình lình đổ lên đánh úp Quảng-châu, Khâm-châu, Liêm-châu, Kỳ-châu.

    Để lừa Đại-Việt, ra cái điều y đang có mặt ở Trường-sa, y cho Tôn Tiết thống lĩnh việc chuyển quân đường thủy. Còn y, y đến chân núi Ngũ-lĩnh họp chư tướng. Vương Duy-Chính, Trần Thự thấy Thanh còn trẻ, có ý khinh thường, tới trễ. Khi Thanh bàn bạc, chúng ngồi ngáp ngáp tỏ ra lơ đãng. Thanh biết rằng mình ra quân kỳ này rất khó thắng, mà quân tướng không nghiêm thì còn hy vọng gì? Y cần phải giết một tướng, để các tướng khác kinh sợ, nhưng chưa có cớ. Vừa lúc đó có sứ giả của Lê Văn, giả xưng là của Trí-Cao tới, đòi trị tội Trần Thự.

    Trương Trung hiến kế:

    - Đại ca, khi ban chỉ dụ, hoàng thượng ngỏ ý ta hòa được thì nên hòa. Vậy sẵn dịp này, ta chém đầu tên Trần Thự, giảng hoà với Trí-Cao. Nhược bằng chém Thự rồi, mà Trí-Cao còn tiến quân , bấy giờ y không còn chính nghĩa, mà ngược lại ta có chính nghĩa.

    Thanh trì nghi:

    - Chủ trương việc này là do hoàng thượng cùng các đại thần, Thự chỉ là Thiên-lôi mà thôi, chém y thì oan cho y quá.

    - Đại ca ơi, ta chém Thự với mục đích chạy tội cho triều đình, hầu tạ lỗi với quốc dân là cái cớ. Mà ví dù không có cớ đó, ta vẫn phải chém một tướng để thị uy kia mà!

    Thanh tỉnh ngộ, hôm sau trong cuộc hội quân, Thanh bèn đứng lên kể tội Trần Thự:

    - Hoàng thượng cùng Yên-vương chủ trương hòa Nam, trấn Bắc, cho nên bấy lâu Nam-thùy yên ổn. Nay không có lệnh, ngươi tự tiện sai tế tác hành sự, giết đại thần của Đại-Việt đó là tội phải chém cả nhà. Hành sự bất cẩn, bị bắt, ngươi không dám nhận tội, lại cung khai với Khu-mật viện Đại-Việt rằng việc ngươi làm là do chỉ dụ của hoàng thượng cùng lệnh của Tuyên-vũ sứ Vương Duy-Chính đó là hai tội. Khi được tha về, ngươi im lặng, thành ra triều đình không biết trước mà đề phòng. Nay xẩy ra binh biến rung động thiên hạ, người chết có hàng vạn vạn đều do ngươi cả. Đó là ba tội. Với ba tội đó, đáng chu di tam tộc, nhưng nay ta chỉ chém đầu ngươi mà thôi.

    Thanh sai võ sĩ đem Trần Thự ra chém đầu, rồi sai đóng thùng đưa đến dinh Lê Văn xin giảng hoà. Lê Văn vội sai viết thư báo cho công chúa Bảo-Hòa sự kiện. Công chúa triệu Trí-Cao, Thường-Kiệt, Đình-Huy thương nghị.

    Đình-Huy hiến kế : Cao gửi thư cho Địch, đồng y rút quân, nhưng phải giết cả bẩy tên chủ xướng chứ không phải mình Trần-Thự.

    Địch Thanh tuy được toàn quyền, nhưng y chỉ có quyền chém Trần Thự là cấp cao nhất, y không thể chém bọn Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Dương Điền, Tôn Miễn, Ky Mân, Tiêu Chú. Vì vậy y âm thầm dùng thuyền nhỏ, vượt Trường-giang, đuổi theo hạm đội Kinh-châu xuống đánh phía sau quân Đại-Việt. Y thành công ở Khâm, Liêm, Kỳ, thất bại tại Quảng-châu. Đáng lẽ y thừa lúc bên Đại-Việt chưa kịp phản ứng mà tiến về phía Tây, thì ít ra cũng tiến tới Ung-châu. Nhưng vì y sợ quân Đại-Việt từ Nam vượt biên đánh phía sau, nên y tiến rất chậm.

    Khi y đang trì nghi, không biết nên đánh xuống Nam hay tiến về Tây, thì nhận được mật chỉ giả của công chúa Bảo-Hòa chuyển đến. Trong mật chỉ truyền rằng: lương thảo của đạo quân đánh Quảng-Đông để cả ở Như-hồng, Cổ-vạn. Vậy Thanh nên tiến quân chiếm năm khê động phía giáp biển, rồi tiến vào Đại-Việt. Như vậy Đại-Việt phải rút quân ở Quế-châu, Linh-lăng về giữ nhà. Bấy giờ Trương Trung sẽ đem quân vượt Ngũ-lĩnh xuống Nam. Hai mũi dùi đánh ép lại.

    Địch Thanh được mật chỉ thì mừng vô hạn, Y đem quân chiếm năm trại phía giáp biển dọc biên giới Đại-Việt dễ dàng, vì thổ binh chỉ chống cự qua loa rồi bỏ chạy. Khi y tiến vào vùng Tiên-yên, đang cho quân nghỉ, thì được tin kho lương Kỳ-châu thất thủ. Y không sợ cho lắm, bởi y mới chiếm được lương thảo ở Như-hồng, Cổ-vạn. Vì chủ quan, y cho rằng quân Đại-Việt kéo sang cướp phá lưỡng Quảng, trong nước không còn binh trừ bị. Bao nhiêu dân chúng người Việt trốn hết, chỉ còn lại mấy chục gia đình người Hoa. Họ nói rằng tổ tiên họ bị tội vào thời vua Thái-tông, bị đầy sang đây. Nay thấy quân Thiên-triều sang, họ can đảm ở lại để làm hướng đạo. Thanh sai chư tướng an ủi họ, cho họ ở lẫn trong quân giúp việc cơm nước. Họ đem dâng trâu, bò khao quân.

    Thanh cho quân nghỉ một ngày, dự bị tiến về chiếm Thăng-long. Quân hạ trại, thì chư tướng đến báo cho Thanh biết một chuyện kinh hoàng : trong các khu vực đóng quân rải rác dưới gốc cây, trong bụi cỏ, quanh suối, chỗ nào cũng thấy đầu lâu, xương chân, xương tay người. Khi hỏi cư dân người Hoa xung quanh, thì họ cho biết nơi đây là chiến trường cũ giữa Tống, Việt vào thời vua Thái-Tông. Vua sai Hầu Nhân-Bảo, Tôn Toàn-Hưng, Trần Khâm-Tộ, Triệu Phụng-Huân, Quách Quân-Biện mang quân sang đánh. Tống bị bại ở chỗ này, nên xương cốt còn rải rác trong rừng. (TS, Thái-tông kỷ)

    Thanh sai lượm xương cốt đó đem chôn. Đám Hoa-dân kể cho quân tướng rõ rằng chỗ này, đêm đêm oan hồn binh tướng Tống bị phiêu bạt không ai thờ cúng, thường kêu khóc thảm thiết. Binh tướng nghe thuật đều kinh hãi. Thanh dặn chư tướng phải dùng lời lẽ mà trấn an chư quân.

    Chiều hôm sau Địch Thanh khám phá ra toàn thể binh tướng đều bải hoải như người đau mới khỏi, người nào chân tay cũng không cất lên nổi, mắt lại nặng chĩu cứ muốn nằm ngủ. Y cho rằng họ bị lam chướng. Nhưng những Hoa-dân cho biết không phải vậy, mà chắc do thánh Chèm tức Vạn-tín hầu Lý Thân; thánh Gióng tức Phù-Đổng thiên vương; cùng chư thần thời vua Trưng bắt hồn. Quân sĩ đều tin như vậy.

    Qua một ngày yên tĩnh, nhưng trong quân, những lời đồn đại về ma quỷ tử sĩ lan tràn rất mau. Trời vừa về khuya, quân tắt đèn đi ngủ, doanh trại chìm vào bóng đêm. Địch Thanh đang ngon giấc, thình lình có hàng ngàn tiếng rú kinh hồn, rồi tiếp theo tiếng khóc âm ỉ từ xa vọng về:

    Khuông-Nghĩa, Khuông-Nghĩa,
    Tham địa, tham ngọc,
    Lịnh ngã Nam xâm,
    Bách niên u uẩn,
    Cô hồn bất di,
    Cơ ngạ tha hương,
    Băng giá u minh,
    Thống tai, thống tai.
    (Bia Như-hồng ký)
    (Hỡi Triệu Khuông-Nghiã,
    Tham đất, tham ngọc,
    Bắt ta Nam xâm,
    Chết oan trăm năm,
    Hồn chưa siêu thoát,
    Đói khổ quê người,
    Lạnh lẽo âm u,
    Hỡi ơi! Hỡi ơi.)
    Rồi những tiếng khóc lóc thê lương của hàng ngàn âm hồn vọng lại. Quân tướng vì bị trúng độc, chân tay bải hoải không lực, thần chí mơ hồ, thấy cảnh này đều run sợ, mạnh ai người ấy quỳ gối hướng nơi có tiếng khóc của đội âm binh lạy lục, khấn khứa. Người theo đạo Phật thì tụng kinh cầu Quán-thế-âm che chở, kinh vãng sinh. Kẻ theo Lão thì cầu Thái-Thượng lão quân, chư tiên phò hộ. Cũng có người biết chút phù thủy, vung tay bắt ấn trừ ma. Nhưng đoàn âm binh cứ tiếp tục khóc lóc.

    Địch Thanh vội mời Đặng Đại-Bằng, cùng Hoa-sơn thất hùng lại thương nghị. Chu Chiếu-Anh nói:

    - Này Địch sư điệt, dường như chúng ta bị lam chướng hành thì phải, tất cả chư quân tướng đều mề mệt buồn ngủ, chân tay cất lên không nổi. Nhưng họ lại tin rằng họ bị thần Tản-viên, bị thánh Phù-Đổng thiên vương, bị Vạn-tín hầu sai âm binh ám. Nếu đại địch đến thì làm sao bây giờ?

    Đại-Bằng nói:

    - Từ chiều đến giờ tôi thấy toàn quân như bị trúng độc. Tôi chưa rõ độc chất gì. Nhưng chúng đầu độc bằng cách nào? Tôi dùng nội công Hồng-thiết trục độc trị thử, thấy có kết quả. Tôi ra lệnh cho đệ tử bản bang trị bệnh cho chư quân, nhưng số thuốc mang theo không được làm bao, trị hơn nghìn người là hết. Khổ một điều, sáng trị khỏi, chiều lại bị lại.

    Hoà-thượng Vạn-Quang nói:

    - Tôi, thì tôi nghĩ rằng quân ta lâu ngày không luyện tập, nay trải qua hơn tháng hải hành say sóng chưa tỉnh, lại phải viễn hành, nên khi lam chướng nhập, thì không còn sức chống bệnh. Xin bang trưởng khẩn thư về cho chư huynh đệ quý bang tải thực nhiều thuốc xuống mới xong.

    Trời về khuya, tiếng khóc mới tạm dứt. Địch cùng chư tướng cho đánh trống ra lệnh tắt đằn đi ngủ. Mọi người vừa riu riu thì khu chuồng ngựa trại kị binh có tiếng reo hò, lửa cháy, tiếng ngựa hí, doanh trại náo loạn. Địch Thanh không kịp mặc giáp trụ, nhảy lên ngựa đến nơi, thì thấy một đoàn báo đang tung hoành, vồ, chụp, cắn cấu ngựa, khiến ngựa chạy lung tung. Thoát một cái, đoàn báo đã biến mất vào đêm tối. Y kiểm điểm lại, hơn ba trăm ngựa bị chết, bị thương. Trong khi y được báo cáo rằng bên địch chưa quá năm mươi người, với hơn trăm báo, lợi dụng binh canh ngủ, đã đột nhập vào doanh trại khuấy phá.

    Địch Thanh ra lệnh cho binh sĩ canh phòng cẩn thận, rồi cho tắt đèn đi ngủ. Mọi người vừa riu riu thì có tiếng pháo nổ, rồi tiếng quân reo, tiếng trống thúc. Xa xa, cách doanh trại vài dặm, một cảnh tượng làm y cũng như binh sĩ rởn tóc gáy: dưới ánh sáng chập chờn của hàng vạn bó đuốc, mờ mờ trong làn khói, một đoàn voi hơn trăm con đi trước. Ba toán đầu, mỗi toán mười con, trên có những tướng mặt đen như nhọ chảo, đỏ như máu, vàng như nghệ, xanh như lá, tay cầm đại đao, trường thương. Xung quanh, một đoàn báo lông đen như nhung gầm gừ đi hộ vệ. Hai lá cờ, một lá phất phới với hàng chữ Anh linh thần Nam-nhạc hộ quốc, một lá có hàng chữ Tru Tống tặc Nam xâm.

    Hai toán kế tiếp, mỗi toán mười thớt voi, trên toàn nữ tướng xinh đẹp, tay cầm cờ xanh, đỏ, trắng, tím vàng đủ mầu phất liên tiếp. Xung quanh, một đoàn hổ lông vằn vàng, đen, gầm gừ tiến theo. Một lá cờ có hàng chữ Thần-võ Trưng hoàng đế truy hồn Bắc quân. Lá thứ nhì trên đề Bình Ngô đại tướng quân, công chúa Thánh-Thiên, thảo Tống tặc .

    Toán thứ ba gồm năm đội voi, mỗi đội mười thớt, trên có những binh quỷ đầu sừng dài, danh nhọn hoắt, mặt đen như nhọ chảo, hoặc trắng như vôi, miệng ú ớ những âm thanh quái dị. Xung quanh một đoàn chó sói hộ tống. Cứ mỗi hồi thanh la đánh lên, đoàn sói lại tru những hồi dài thê lương, não nùng. Một lá cờ có hàng chữ Âm binh Nam-thiên hộ quốc .

    Đạo âm binh đi một vòng quanh doanh trại. Địch Thanh biết rõ đây là do Đại-Việt bầy ra để cướp tinh thần quân Tống. Y muốn sai kị binh ra đánh, nhưng người, ngựa đều vô lực, lại khiếp sợ không ai dám xuất trại. Khi đạo âm binh biến mất thì trời vừa sáng.

    Qua một đêm không ngủ, người ngựa trúng độc, bị ma trêu, quỷ ám, không ai còn tính thần tiến binh.

    Giữa lúc đó, thì đạo Thiên-tử binh Đằng-hải, Ngự-long, Bổng-nhật thiện chiến bậc nhất Đại-Việt, do Dương Bình tổng chỉ huy Lý Nhân-Nghĩa, Lê Phụng-Hiểu, Quách Thịnh, tiến lên phản công. Quân của Tống là quân thời bình không quen chiến trận, bệnh hoạn, sợ ma, sợ chết, ngồi trong trại run lật bật, không ai đủ tinh thần chiến đấu . Còn sáu đạo Ngự-long, Đằng-hải, Bổng-nhật từng đánh dẹp quanh năm, rồi mới đây bình Chiêm về, kinh nghiệm có thừa.

    Sau mấy giờ đụng nhau, quân Tống bị cắt làm đôi, Đông, Tây không cứu ứng được nhau. Tuy nhiên hai tướng Đại-Việt là Lý Nhân-Nghĩa, Lê Phụng-Hiểu bị trúng Chu-sa độc chưởng của Đặng Đại-Bằng và Hải-Thanh. Giữa lúc đó hạm đội Âu-Cơ do đô đốc Phạm Tuy đổ lên đánh từ biển dọc biên giới vào, cắt quân y làm bốn. Rồi tin tức cho biết Dư Tĩnh, Vương Hãn bị thua ở Chương-giang, lui về Bắc. Đại-Việt đổ quân đánh úp, chiếm lương thảo. Trong khi ấy Liêm, Kỳ châu thất thủ. Phía Quảng-châu, Trương Ngọc bị đánh ép hai mặt phải lui lại.

    Địch Thanh kinh hãi, vội ra lệnh thu quân, rút khỏi Đại-Việt. Y sai Thạch Ngọc cùng Chu Chiếu-Anh, Du Minh đi tiên phong. Còn y thì bảo vệ mặt hậu.

    Thạch Ngọc dẫn đạo quân mề mệt vì trúng độc, kinh hãi vì bị đánh tứ phía, vừa về tới gần địa phận Khâm-châu, thì quân báo phía trước có một cỗ xe bốn ngựa. Y vọt ngựa lên quan sát: trên xe, hai thiếu nữ trang phục quý phái . Một mầu vàng, một mầu trắng, cùng bốn tỳ nữ mặc một loại y phục, nhưng bốn mầu khác nhau: xanh, hồng, trắng, đen. Thiếu nữ áo đen đánh ngựa. Còn ba thiếu nữ kia ngồi tấu nhạc. Chiếc xe đi ngược chiều với y. Người đánh xe dường như không biết có đạo quân phía trước, bốn ngựa gõ móng lốc cốc trên đường. Thạch Ngọc quát:

    - Đứng lại.

    Nhưng chiếc xe vẫn cứ từ từ tiến tới. Thạch Ngọc biết có sự lạ, y vẫy tay, sáu võ sĩ nhảy ra. Bốn người tung dây quấn cổ bốn con ngựa ghì lại. Hai người giữ cứng bánh xe. Thiếu nữ đánh xe vung roi véo, véo mấy cái, bốn sợi dây chụp cổ ngựa bị đứt. Bốn võ sĩ bị điểm trúng huyệt Đại-trùy, tê liệt như tượng gỗ. Hai người ghì bánh xe bị điểm trúng huyệt Khúc-trì, khiến chân tay cứng đơ, trong vị thế hai tay dưa ra trước, người khum khum, chân xoạc đinh tấn.

    Chiếc xe vẫn thủng thẳng lăn bánh, âm nhạc không bị rối loạn, để lại sáu người đứng trơ trơ.

    Diễn biến xẩy ra, làm Thạch Ngọc ngơ ngác. Bây giờ y mới biết thiếu nữ đánh xe có bản lĩnh không tầm thường. Y quay lại sau hất hàm. Một người trang phục thường dân vọt ngựa ra. Y phi thân lên cao, rồi phóng xuống đầu thiếu nữ một chưởng. Chưởng chưa ra hết, mà đã thấy mùi tanh hôi nồng nặc. Thiếu nữ đánh xe vung roi ngựa lên cao, véo một cái, roi ngựa trúng vào huyệt Khúc-trì người kia, kình lực chưởng bị mất. Tiếp theo nàng hất roi ngựa một cái, chiếc roi quấn lấy người kia. Nàng rung tay, người kia bay trở lại, rơi trên ngựa của y, như y nhảy lên cỡi vậy. Tay y vẫn dơ ra trước như trong tư thế phát chưởng, nhưng cứng đơ. Con ngựa của y cũng bị điểm trúng huyệt Túc-tam-lý, thành ra cả người, ngựa như một pho tượng bất động bên đường.

    Bấy giờ thiếu nữ mới gò cương cho xe dừng lại, tiếng âm nhạc im bặt. Thạch Ngọc thấy thiếu nữ đánh xe, mà đã có bản lĩnh như vậy, thì chủ nhân của cô phải là nhân vật có bản lĩnh. Y hỏi gã mặc y phục dân dã:

    - Tiền thiếu hiệp, cái gì vậy?

    - Con bà nó, dường như ta bị trúng tà thuật, chân tay không cử động được.

    Thạch Ngọc hỏi sáu võ sĩ:

    - Các người có đau đớn gì không?

    - Thưa tướng quân chân tay cứng đơ, chứ không đau đớn gì cả.

    Một đạo sĩ từ sau phi ngựa ra trước. Y chỉ mặt thiếu nữ áo đen:

    - Cô nương là phù thủy hẳn? Cái trò tà thuật này không qua mặt bần đạo được đâu.

    Nói rồi y tiến lên hướng vào thiếu nữ áo đen, tay bắt quyết, miệng đọc thần chú, sau cùng quát lớn:

    - Mau!

    Nhưng bẩy người vẫn bất động. Đạo sĩ lấy trong túi ra đạo bùa đốt lên rồi đọc chú, miệng khấn:

    - Kính thỉnh Thái-thượng lão quân, Cửu-thiền huyền nữ, chư vị thiên tiên... um ba la... ba la... biến.

    Bốn thiếu nữ cười khúc khích.

    Thạch Ngọc thấy pháp thuật đạo sĩ vô hiệu, y tiến lên cung tay:

    - Hổ-uy đại tướng quân nhà Đại-Tống xin tham kiến cô nương. Tiểu tướng không dám thỉnh phương danh quý tính cô nương.

    Cô gái đánh xe đáp lễ, rồi nói:

    - Thì ra Thạch tướng quân, nổi tiếng là một trong ngũ hổ tướng đấy. Tiểu nữ Thân Trúc xin tham kiến tướng quân.

    Rồi nàng chỉ ba thiếu nữ còn lại giới thiệu:

    -- Đây là ba người bạn tôi tên Thân Mai, Thân Lan, Thân Cúc.

    Nàng chỉ hai thiếu nữ ngồi giữa:

    - Sư phụ , sư thúc của chúng tôi.

    - Vừa rồi cô nương vung roi ra bốn chiêu hơi giống chiêu Hoa mãn thiên môn trong Tản-viên kiếm pháp. Còn chiêu hai chiêu đánh Tiền đại hiệp rõ ràng là lấy từ chiêu Tứ ngưu phân thi trong Phục-ngưu thần chưởng. Vậy cô nương thuộc phái Tản-viên chăng?

    Đến đây y rùng mình tỉnh ngộ tự chửi thầm:

    - Mình đáng chết thực, bọn này xưng là họ Thân, mà xử dụng võ công Tản-viên, thì có lẽ con nhỏ sư phụ nó là Thân Bảo-Hòa rồi. Còn con nhỏ đẹp như Quán-thế-âm bồ tát kia chắc là vua bà Bình-Dương.

    Y chắp tay:

    - Thì ra Thân tiên cô, cùng vua Bà. Tiểu tướng hàng nghe đại danh tiên cô cùng vua Bà như sấm động bên tai, nay mới được tương kiến.

    Bảo-Hòa đáp lễ:

    - Thạch tướng quân đi đâu thế? Tôi muốn được tương kiến với Địch nguyên soái.

    - Địch nguyên soái không hiện diện tại đây. Tiểu tướng xin tiên cô cho mượn đường, để trẩy quân. Tiểu tướng muôn vàn cảm tạ.

    Nhìn đạo sĩ, Bảo-Hòa nhận ra y là Du Minh, một trong Hoa-sơn thất hùng, hồi theo sứ đoàn sang Tống, bà biết y, nhưng y không biết bà. Bà dùng lăng không truyền ngữ nói vào tai Thân Trúc. Thân Trúc hướng Du Minh:

    - Du đạo trưởng. Hồi đạo trưởng cùng Hoa-sơn tứ lão, thất hùng viếng Tản-viên, sư phụ tiểu nữ vắng nhà, nên không tiếp đạo trưởng được. Không ngờ duyên may run rủi, hôm nay đạo sư lại có mặt nơi đây. Này đạo sư, võ công nước Đại-Việt có khoa điểm huyệt mới chế ra gần đây, chắc đạo sư có nghe nói. Nay tiểu nữ dùng nó, mà đạo sư lại cho rằng tà thuật, có thể dùng dùng phép tắc phá ư?

    Nói rồi nàng vung roi, đầu roi hướng đỉnh đầu Du Minh. Du Minh vung tay bắt roi, thì viên chì ở đầu sợi dây trúng huyệt Dương-trì trên bàn tay y. Bàn tay y bị tê liệt tức thì.

    Thạch Ngọc thấy Du Minh bị liệt cánh tay, thì biết sự không ổn. Y xuống nước:

    - Xin tiên cô cho đệ tử mượn đường. Thực muôn vàn cảm tạ.

    Thân Trúc mỉm cười, với Thạch Ngọc:

    - Được. Tướng quân mau cho quân về Khâm-châu mà nghỉ đi thôi. Tôi độ chừng chư quân bị thần linh Đại-Việt phạt, khiến bệnh nặng sắp nguy hết đến nơi rồi, nếu đi trễ, e họ chết mòn ở dọc đường mất.

    Tiếng nói của Thân Trúc rất thanh thoát, nhưng nàng dùng nội công âm nhu nên gần như toàn quân nghe rất rõ. Họ vốn bị trúng độc, chân tay vô lực, nay nghe Thân Trúc nói, họ càng thêm hoang mang, mắt như dí lại, người người đều muốn nằm dài ra ngủ một giấc.

    Thân Trúc đánh xe lui vào bên đường. Thạch Ngọc chỉ vào sáu võ sĩ bị điểm huyệt cùng gã họ Tiền, đạo sĩ Du Minh, nói với Bảo-Hòa:

    - Vừa rồi sáu anh em bên tiểu tướng cùng Tiền đại hiệp, Du đạo sư hơi có chỗ mạo phạm, bị Trúc cô nương trừng phạt, mong tiên cô đại xá cho.

    - Đối với sáu vị đây thuộc quan quân, chỉ thừa hành lệnh trên thì ân xá được.

    Thân Trúc đánh xe lui vào bên đường, tay nàng rung roi ngựa, sáu võ sĩ được giải huyệt. Chúng lí nhí trong miệng mấy câu rồi lên ngựa. Còn gã họ Tiền vẫn trơ trơ như gỗ, bàn tay đạo sĩ Du Minh vẫn tê liệt. Nàng Trúc nói:

    - Gã xử dụng Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng, thì là kẻ thù của Tống, Việt, tôi không thể tha cho gã được. Còn Du đạo sư cho rằng tà thuật, thì ắt người có phép phá. Tôi khỏi giải huyệt.

    Thạch Ngọc ra lệnh cho binh sĩ cứu thương, đỡ gã họ Tiền xuống ngựa, rồi vẫy tay cho quân lên đường. Đoàn quân rầm rập vượt qua xe của Thân Trúc tiến về Bắc. Nhưng hai binh sĩ đỡ gã họ Tiền bỗng kêu ối một tiếng, rồi nhảy lên choi choi, phút chốc ngã lăn ra, miệng xùi bọt, mắt trợn ngược. Bốn đồng đội thấy vậy chạy lại đỡ chúng lên vai, vừa bước đi vài bước, thì đến lượt chúng hét lên, rồi ngã lăn ra.

    Thạch Ngọc kinh hãi hướng Thân Trúc:

    - Thân cô nương, phải chăng mấy người này bị cô nương phóng độc? Mong cô nương ban cho thuốc giải, tiểu tướng muôn vàn cảm tạ.

    Thân Trúc mỉm cười lắc đầu:

    - Thạch tướng quân đã nghĩ kỹ chưa, mà lại hỏi như vậy? Tướng quân nên biết rằng phái Tản-viên nhà tôi là phái võ ra đời đầu tiên của võ thuật Hoa-Việt, do một vị thánh sáng lập, đời đời lấy võ đạo thánh là tru diệt ma quỷ làm đầu, tuyệt đối cấm đùng chất độc, dù bôi lên ám khí, dù dùng tên. Có đâu tôi lại dùng độc tố hại người trước sư phụ tiên cô? Hai nữa tướng quân là người kinh lịch hẳn biết gã họ Tiền kia là cao thủ dư đảng bang Nhật-hồ, vừa rồi y dùng độc chưởng đánh tôi, tôi điểm huyệt y chứ đâu có đụng đến người y? Vì người y đầy chất độc, y lại bị tê liệt nên không kiềm chế được, để chất độc tràn ra ngoài da. Hai đồng đội vô tình đến đỡ y, mà bị độc tố truyền sang đến chết. Bốn người khác không biết, chạy lại đỡ đồng đội, lại cũng bị chất độc truyền sang đến bỏ mạng.

    Đến đó nàng ngừng lại, vì sáu con ngựa của sáu người chết thấy chủ nằm dưới đất, chúng đến liến mồ hôi, cũng hí lên những tiếng thê thảm, rồi ngã vật ra, miệng xùi bọt.

    Đám khinh kị tiền phong kinh hãi, người người đưa mắt nhìn nhau. Thạch Ngọc biết còn chần chờ thì những biến cố quái đản sẽ diển ra. Y cho quân vượt qua mấy xác chết để lên đường. Khi đoàn quân qua được ba phần tư, thì Thân Trúc cầm một chiếc pháo thăng thiên châm lửa, rồi tung lên cao. Chiếc pháo nổ đánh đùng một tiếng, toả ra ánh sáng mầu đỏ. Phút chốc có hàng nghìn tiếng gầm gừ, rồi bên trái một đội hổ, bên phải một đội báo từ trong rừng phóng ra xung vào hàng ngũ quân Tống. Đội quân đang mệt mỏi, kinh sợ, nay thấy hổ thì bỏ chạy, thế là đạo quân Thạch Ngọc bị cắt làm đôi.

    Thạch Ngọc thấy hậu quân náo loạn chạy ngược về trước, y hỏi nguyên do, chúng chỉ kêu lên hổ, báo rồi xô đẩy nhau. Y quát tháo thế nào cũng không được. Y cùng đội võ sĩ chạy ngược về sau, để biết rõ tình hình, thì phía trước trống thúc nhịp nhàng, một đội quân dàn ra theo hình thước thợ. Đi đầu là một nữ tướng, ngồi trên bành voi, cạnh có lá cờ:

    Côi-sơn công chúa Thanh-Nguyên.

    Cạnh đó là một tướng trẻ hùng vĩ, với lá cờ:

    Trấn-Bắc đại tướng quân, Tản-viên hầu, Tôn.

    Một tham tướng hướng đạo nói nhỏ cho Thạch Ngọc:

    - Đứa con gái xinh đẹp kia là con gái út Trần Tự-An chưởng môn phái Đông-a, tức em gái Kinh-Nam vương Tự-Mai. Y thị cũng là em vợ của Khai-Quốc vương Lý Long-Bồ. Võ công y thị không cao như anh chị, nhưng mưu mẹo khó biết đâu mà lường. Còn gã con trai kia là chồng thị tên Tôn Mạnh, võ công bình thường, nhưng tài dụng binh thực không thua Tôn Ngô.

    Thạch Ngọc tiến lên cung tay:

    - Khải công chúa. Nhị huynh trưởng của công chúa hiện là phò mã Thiên-triều, tước tới Kinh-Nam vương, quan tới Thái-phó. Nay tiểu tướng thất lợi, mong công chúa cho mượn đường.

    Thanh-Nguyên ngừng voi hỏi Thạch Ngọc:

    - Thạch tướng quân đi đâu đây? Theo mật chỉ của Tống đế thì Ngũ-hổ tướng phái xuống lưỡng Quảng dẹp Nùng Trí-Cao, tại sao lại vào Đại-Việt cướp phá? Nể tình ca ca Tự-Mai với tỷ tỷ Huệ-Nhu, ta không làm khó dễ tướng quân, nhưng tướng quân phải theo ta đến ra mắt người, để người dùng luật Ưng-sơn mà phân xử vụ này.

    Thạch-Ngọc hỏi:

    - Khải công chúa, vương gia hiện ở đâu?

    Thanh-Nguyên chỉ vào thành Khâm-châu:

    - Hiện ca ca ta đang ở trỏng.

    Đến đó hậu quân bị hổ, báo rượt ùn lại phía sau, lòng Thạch Ngọc rối như tơ vò. Y nhìn đoàn quân của Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh, dàn ra uy nghiêm, hùng khí ngút trời. Y than thầm:

    - Không ngờ Đại-Việt mà cũng có loại quân hùng tráng thế này, ta mà thoát chết hôm nay, thì cũng là may mắn lắm.

    Y cung tay:

    - Vậy tiểu tướng xin vào thành Khâm yết kiến vương gia.

    - Được, mời tướng quân.

    Nàng cầm cờ phất, đoàn quân Việt mở ra hai bên đường. Thạch Ngọc vẫy quân tiến lên. Nhưng quân y vừa qua được một nửa, thì đội hổ, báo phía sau đã đuổi kịp. Một hồi tù và vang lên, đoàn quân của Tôn Mạnh xung vào cắt đứt đôi quân của Thạch Ngọc. Y quay lại tìm Thanh-Nguyên, thì voi đã mang bà đi khá xa. Biết mình bị trúng kế, nhưng vẫn không chịu khuất phục, y hỏi Tôn Mạnh:

    - Quân hầu ! Công chúa đã hứa cho chúng tôi đi, sao nay lại nuốt lời?

    Tôn Mạnh quát lên:

    - Côi-sơn công chúa hứa với người, chứ ta là trấn Bắc đại tướng quân, ta phải bắt giết bọn xâm phạm lãnh thổ Đại-Việt.

    Ông đánh ba tiếng trống, quân Việt tràn vào bao vây, tiếng loa vang vọng:

    - Hàng thì sống. Chống thì hổ báo ăn thịt.

    Từ lúc rời Tiên-yên, quân Tống mệt mỏi, đói khát, sợ ma, sợ quỷ, thì bị Bảo-Hòa dùng hư hư, thực thực làm cho tinh thần càng thêm căng thẳng. Rồi bị hổ báo cắt làm đôi. Bây giờ lại bị đánh ép hai mặt, chúng quẳng vũ khí hướng thành Khâm mà chạy.

    Thạch Ngọc nhìn Tôn Mạnh chỉ huy quân tiến thoái, bao vây, chia cắt thì trong lòng nảy ra mối căm phẫn:

    - Tên Giao-chỉ kia văn đã không bằng mình, võ lại càng thua xa, mà nay y làm khó dễ mình thế này, chẳng qua là binh của nó khỏe, lại luyện tập lâu ngày mà thành thiện chiến. Đã vậy ta giết nó, để cho bọn Giao-chỉ kinh hồn.

    Y tung người lên cao, tay rút kiếm, tà tà đâm vào ngực Tôn Mạnh. Tôn-Mạnh đang chỉ huy quân, không phòng bị, khi thấy kiếm Thạch Ngọc tới sát người, ông mới giật mình, lộn xuống chân ngựa tránh. Thạch Ngọc đổi chiều kiếm hướng ngực ông. Ông lăn mình đi ba vòng tránh, tay rút kiếm chênh chếch đưa lên. Hai kiếm chạm nhau đến choảng một tiếng. Tôn Mạnh tung người dậy. Hai người quấn lấy nhau trong hai quả cầu bạc.

    Trong khi đó quân Việt đã bắt gần hết quân Tống. Hai người đấu với nhau đến hơn trăm hiệp, thình lình một người thò tay ra bắt kiếm của Tôn Mạnh. Tôn Mạnh kinh hoảng nghĩ:

    - Ai mà gan đến độ dám đưa tay bắt kiếm mình?

    Ông lách kiếm định chặt tay người kia, thì tay người kia như con cá trạch đã đoạt mất kiếm của ông. Tay ông như bị tê dại, người ấy túm cổ áo tung ông lên cao, cho binh sĩ bắt. Bỗng bóng xanh thấp thoáng, ông cảm thấy một kình lực nhu hòa đẩy vào lưng, rồi người ông rơi xuống lưng ngựa mình như phi thân lên cỡi vậy. Ông nhìn lại, kẻ bắt kiếm mình là một mụ già, nhưng mặt hồng hào, tóc trắng như cước. Còn người mặc áo nho sĩ mầu xanh cứu mình, mặt dăn deo, lạnh lùng, đang đứng tần ngần nhìn ra biển như suy nghĩ gì.

    Sau khi đối chưởng với nho sinh, mụ già tỏ ra khách khí:

    - Các hạ là ai, mà lại xen vào chuyện của quan quân ? Chu Chiếu-Anh phái Hoa-sơn muốn được biết cao danh quý tính của các hạ.

    Vừa lúc đó cánh quân của Thường-Kiệt đánh từ trước tới, bắt tay được với cánh quân Tôn Mạnh. Thường-Kiệt cho quân vây đám tướng sĩ Tống lại. Chàng thấy nho sinh, vội cung tay:

    - Đệ tử Thường-Kiệt, xin tham kiến sư thúc. Vì giáp trụ trên người, đệ tử không thể hành đại lễ, mong sư thúc đại xá.

    Nho sinh chỉ mặt mụ Chu Chiếu-Anh cười nhạt:

    - Hoa-sơn nổi danh hiệp nghĩa nhất Trung-nguyên, nhờ danh tiếng của Hoa-sơn tứ lão, Hoa-sơn thất hùng. Mụ là người cầm đầu thất hùng, mà lại đánh trộm bậc tiểu bối ư? Đẹp mặt nhỉ!

    Đạo-sĩ Du Minh bị Thân Trúc điểm huyệt, tay bị tê, nhưng sau hai giờ, huyệt tự giải. Y nói với Chu Chiếu-Anh:

    - Đại sư tỷ, gã này không biết tung tích ra sao, nhưng gã rất nổi tiếng. Gã đã giết cả anh trai hoàng hậu Giao-chỉ, cháu tể tướng Giao-chỉ ở bến đò Bắc-ngạn. Cũng chính gã đánh nhau với Nam-Sơn lão nhân cứu mụ Thuần-Anh. Gần đây gã mới sát hại Tả hộ pháp bang Hoàng-Đế tại Quảng-châu.

    Bang Hoàng-Đế nguyên là bang Nhật-hồ mới cải danh. Suốt bao năm bang chúng dùng Chu-sa độc chưởng, võ lâm Trung-nguyên dù chính, dù tà, mỗi khi nghe tên đều táng đởm kinh hồn. Hiện trong bang, võ công cao nhất là bang trưởng Đặng Đại-Bằng, rồi đến Tả, Hữu hộ pháp Phong Hoa, Hải-Thanh. Thế mà nho sinh này giết Phong Hoa, thì ắt võ công phải cao minh lắm.

    Mụ Chu Chiếu-Anh nghe Du Minh nói, cũng muốn rút lui, nhưng sự thể không đừng, mụ nói cứng:

    - Mụ già này mong tiên sinh hãy lui lại, chẳng nên can thiệp vào việc quan quân, e tai vạ khó tránh.

    - Ta cũng muốn lui, nhưng mi đe dọa, thì ta lại không lui. Vậy nếu mi đối với ta được ba chưởng, thì ta lui ngay. Còn như...

    Thình lình ông tung mình về sau, tay phát chưởng đánh lên đầu Du Minh. Du Minh kinh hãi vung tay lên đỡ, thì tay nho sinh như con cá trạch, đã điểm vào huyệt Đản-trung của y, rồi túm cổ áo y nhắc lên.

    Chu Chiếu-Anh tuyệt không ngờ thầy đồ đang nói chuyện, rồi ra tay như sét nổ. Mụ vội phát chưởng tấn công vào ngực thầy đồ. Mụ hy vọng thầy phải thu tay về đỡ chưởng của mụ, Du Minh sẽ thoát nạn. Không ngờ thầy đồ chuyển tay một cái, đã đưa Du Minh ra đỡ thế tấn công của mụ, trong khi mụ đã nhả chưởng. Kinh hoàng mụ vội thu nội lực trở về. Thầy đồ phất tay một cái, kình lực của thầy, hợp với kình lực của mụ, thành ra mụ bị chính mình đánh mình. Mụ ọe một tiếng, miệng phun máu có vòi, rồi lùi lại, lảo đảo muốn ngã.

    Thầy đồ cười nhạt, nói thực lớn:

    - Ta tha cho mụ. Còn gã Du Minh này, gã mạ lỵ nước ta là Nam-man, ta phải giết gã.

    Nói rồi ông tung Du Minh lên cao, tay phóng lên một chiêu chưởng. Bình một tiếng, Du Minh bị vỡ làm năm sáu mảnh, máu me, ruột gan tung toé trên mặt đất.

    Xa xa, Thanh-Nguyên cùng đội voi đang trở lại. Thầy đồ nói với Thường-Kiệt:

    - Ta không muốn gặp con nhỏ láu cá kia.

    Thấp thoáng một cái, thầy đã phóng vào rừng mất.

    Tôn Trọng cho thu nhặt vũ khí, bắt hơn vạn tù binh, hợp với hơn vạn tù binh do đạo quân của Hoàng Tích với bốn chị em Mai, Lan, Cúc, Trúc, thành hơn hai vạn.

    Tất cả mặt trận: dùng xe Bảo-Hòa khủng bố tinh thần quân Tống, rồi cho Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh phục binh, cuối cùng lệnh cho Thường-Kiệt chặn đầu Thạch Ngọc hoàn toàn do Hoàng Tích chỉ huy. Ông luôn đi ẩn vào đội binh thú để điều khiển. Bây giờ ông mới xuất hiện, tiến ra tương kiến với các tướng.

    Thanh-Nguyên cười khúc khích:

    - Anh Hoàng Tích này, em tưởng anh chỉ là tướng chỉ huy chim ưng thôi, nào ngờ mưu kế thần diệu thực.

    - Từ hôm Bắc-tiến, đây là lần đầu tiên cô cho anh xuất trận, nên phải

    đánh sao coi được chứ?

    Công chúa Bảo-Hòa mời Trần Trung-Đạo cùng chư tướng về tổng hành doanh. Bà xoa hai tay vào nhau:

    - Bây giờ rút lại ta có ba mặt trận. Mặt Bắc của Lê Văn đối phó với Trương Trung, ta yên tâm, vì Trương Trung chỉ là tay sai của Kinh-Nam vương Tự-Mai. Ví dù Tự-Mai có tiến quân xuống, cũng không mặt mũi nào đánh nhau với Lê Văn. Tôi đã có cách liên lạc với sư bá Tự-An, nhờ người lên trấn ở núi Đại-dữu cùng đại sư huynh Phụ-Quốc phòng Tự-Mai.

    Công chúa chỉ lên vùng Thường-sơn:

    - Khó khăn là mặt này. Dư Tĩnh, Vương Hãn trấn ở đây. Tuy y bị Tôn Đản, Cẩm-Thi đánh hai trận nghiêng ngả, bị Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên cướp lương, mà chủ lực vẫn chưa tan. Nhưng dù sao ta cũng không đáng lo, vì cặp Cẩm-Thi, Tôn Đản võ công cao, dùng binh giỏi, lại cực kỳ cẩn trọng. Quá lắm thì hòa, chứ không thể thua.

    Chư tướng đều đồng ý với công chúa. Công chúa tiếp:

    - Bây giờ điểm lại mặt Nam chúng còn ba nơi. Một là Trương Ngọc, Tô Giàm, Tiêu Chú chỉ huy năm vạn quân đang đánh nhau với Thiệu-Cực, Kim-Thành, Thuận-Tông, Trí-Cao, Thuần-Anh, Thuần-Khanh ở Quảng-châu. Ta liệu với tài sư huynh Bảo-Dân, với anh Thiệu-Cực đủ sức đối phó với chúng. Ta không lo.

    Bà chỉ tay vào thành Khâm-châu:

    - Hai là thành Khâm-châu, trong có Tôn Tiết, Lý Nghĩa, Thạch Ngọc, quân số tới hai vạn bộ, một vạn kị. Tinh lực tuy còn, dù bị bao vây, lương thiếu, tinh thần tan rã, nhưng không phải dễ phá. Ba là đạo quân của Địch Thanh, với ba vạn quân nữa. Nhưng quân của Địch bị trúng độc, ta càng không lo.

    Bà truyền lệnh cho Thường-Kiệt, Đình-Huy:

    - Hai con mau trao quân cho Tôn-Mạnh, rút về bờ biển, xuống thuyền của bang Đông-hải, Hồng-hà, Đường-lang, rồi kéo buồm ra khơi. Như vậy đạo quân của Địch Thanh với Tôn Tiết mới bắt tay với nhau. Ta sẽ phá một lúc cho tiện.

    Thân Mai hỏi:

    - Sư phụ, con nghe dù binh pháp công chúa Thánh-Thiên, Tôn Võ, Ngô Khởi thì đại phàm giặc đông ta phải chia cắt ra mới dễ diệt. Nay sao sư phụ lại cho hai đạo binh hợp với nhau, như vậy chẳng hóa ra ta chắp cánh cho hổ ư?

    - Con biết một mà không biết hai. Quân của Tiết đang thiếu lương. Quân của Thanh lại mang theo nhiều lương có thuốc độc. Nay cho quân Thanh với Tiết hợp nhau, ắt Thanh đem lương độc cho quân Tiết. Quân Tiết đang bị vây mất tinh thần, lòng kinh hoảng. Quân Thanh trúng độc đang bải hoải cho rằng bị thần linh Đại-Việt phạt. Hai quân hợp nhau, cái kinh hoảng của quân Tiết lan sang quân Thanh. Ngược lại lương độc quân Thanh cho quân Tiết. Quân hoảng loạn, bệnh tật; càng đông, càng dễ phá.

    Công chúa cầm bút viết lệnh cho thái phó Dương Bình:

    " Cho quân nghỉ ban ngày, đêm nay Địch-Thanh về tới Như-hồng thì chia nhau làm cho chúng mệt mỏi. Tuyệt đối không vượt biên sang Quảng-Tây".

    Lại trao binh phù cho Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh:

    - Hai em rút tất cả binh sĩ thuộc quyền xuống chiến thuyền của bang Hồng-hà, Đông-hải, Đường-lang rồi dàn ra đóng ngoài khơi biển Khâm-châu, ngày đêm đánh trống reo hò, làm mất tinh thần quân Tống. Sẵn sàng đổ bộ khi có lệnh.

    Thanh-Nguyên hỏi:

    - Nếu như có thủy quân Tống đến thì em sẽ phản ứng ra sao?

    - Rút chạy về Đồn-sơn. Nếu chúng đuổi theo, Đoàn Thông sẽ dùng hạm đội Động-đình phá chúng trên biển Đại-Việt. Ta sẽ có cớ nói chuyện với Tống.

    Bà trao binh phù cho Trần Trung-Đạo:

    - Sư huynh với Thân Mai đem bản bộ quân mã, cùng với đội hổ, báo, sói, voi phục tại biên giới Như-hồng. Khi thấy Địch Thanh rút quân ra một nửa, thì cho hai đội kỵ binh cầm cờ ngũ hành phi xa xa, đánh trống reo hò. Nếu chúng tấn công thì bỏ chạy ra xa như rẻ quạt. Nếu chúng bỏ chạy thì đánh cắt phía sau chúng.

    Bà trao binh phù cho Phạm Đình-Huy:

    - Con với Thân Lan mang ba nghìn quân với đội hổ, báo, sói, voi phục ở Hoa-thạch. Địch Thanh bị sư bá Trần Trung-Đạo đánh, khi về tới Hoa-thạch, chúng sẽ ngừng lại nấu ăn. Con đợi cho chúng nấu ăn xong, thì đánh trống, dùng xe bắn đá với đội thú tấn công. Khi thấy chúng bỏ chạy, thì đừng đuổi theo.

    Đình-Huy cung tay:

    -- Khải tiên cô, võ công của con rất bình thường, xin tiên cô viện cho một cao thủ.

    - Con yên tâm, ta nhờ vua bà Bình-Dương. Vua Bà sẽ ở cạnh con.

    Bà đứng dậy cung tay nói với đại sư Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-Sơn tử:

    - Xin Quốc-sư với sư thúc theo giúp Thường-Kiệt, Thân Cúc, Thân Trúc đem quân phục ở Tây thành Khâm-châu. Đợi khi Địch Thanh, Tôn Tiết bắt tay được với nhau một ngày, lúc Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh cùng ba bang Hồng-hà, Đường-lang, Đông-hải đổ bộ giao chiến với giặc, thì tung quân đánh phía sau.

    Công chúa cầm bút viết thư cho Trí-Cao:

    " Sư phụ có lệnh. Con đem tất cả xe bắn đá, thú rừng phục ở Võ-lợi. Đợi khi Địch Thanh rút về đó thì đổ ra đánh. Dù chúng bỏ chạy cũng phải đuổi đến cùng. Con cho một đội binh phục ở Côn-luân-phố. Địch Thanh chạy tới đây, phải đánh tan quân của chúng. Nhớ lúc nào cũng phải đem sư bá Bảo-Dân theo".

    Bà bảo Hoàng Tích:

    - Em với chị sẽ tham gia mọi mặt trận. Em đem theo ba đội hổ, báo, sói để chị dùng vào việc riêng.


  4. #53
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,759
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI
    Anh linh thần võ tộc Việt

    Sáng hôm đó, trời âm u kỳ lạ. Sương trắng bao phủ toàn rừng núi Bắc-biên. Sau khi tiền quân của Trương Ngọc rút lui hoàn hảo, Địch Thanh cho họp chư tướng tại trướng. Y ra lệnh:

    - Hiện lương thảo cho đạo quân Tôn Tiết gần như bị tuyệt, lương tiếp tế do Dư Tĩnh quản thủ bị đốt hết. Ta chỉ trông vào kho lương thảo cướp được của bọn chúng tại Như-hồng. Vậy ta cần bảo vệ lương thảo cho cẩn thận.

    Y đứng dậy cung tay nói với Đặng Đại-Bằng:

    - Xin đại sư bá cùng hữu hộ pháp Hải-Thanh, và sư thúc Vương Lệ-Ngọc rút theo các xe chở lương. Đường đi đã có sư đệ Thạch Ngọc khai thông rồi, nên ta có thể rút mau an toàn.

    Đại Bằng cùng chư tướng lên đường.

    Địch Thanh nói với Ngô Nam, Vạn Quang:

    - Xin hai sư thúc đem năm nghìn cung nỏ phục trên đường rút quân ngoài trại Như-hồng, đề phòng chúng đuổi theo thì dùng cung nỏ cản lại.

    Y nói với Bành Đức, Chu Sát:

    - Nhị vị sứ giả cùng sư thúc Giáp Kim-Quy, Trí-Thành, dẫn bộ binh rút đội thứ nhì. Chính tôi sẽ cùng với đoàn kị binh rút sau cùng.

    Trưa hôm đó, các đạo quân đã rút về yên ổn. Địch Thanh cùng mười trưởng lão bang Hoàng-Đế dẫn kị binh đi sau cùng.

    Y vừa lên ngựa, thì có tiếng trống thúc, rồi một đoàn kị binh xuất hiện. Địch Thanh bình tĩnh, cùng mười trưởng lão bang Hoàng-Đế dàn ngang ra chờ đợi. Nhưng đoàn kị binh tới gần hò hét, rồi lại phi ngựa về hướng khác. Kinh nghiệm chiến đấu giúp Thanh biết rằng: quân Đại-Việt hư trương thanh thế mà thôi. Y im lặng thủng thẳng giữ vững hậu quân. Ngược lại binh sĩ thì lo lắng không ít.

    Nhưng bỗng có tiếng la hoảng ở tiền quân. Thanh vội phi ngựa lên xem, thì ra quân Đại-Việt tung hơn trăm con báo đánh cắt ngang vào giữa đoàn quân Tống. Sau khi cắn, vồ làm bị thương trên nghìn người, rồi lại rút vào rừng mất.

    Địch Thanh truyền băng bó cho binh sĩ, thì phía hậu quân lại la hoảng, vì đội hơn trăm con hổ từ trong rừng nhảy ra tấn công. Hai viên sư trưởng chết, gần nghìn người nữa bị thương.

    Địch Thanh tức quá chửi:

    - Tổ cha bọn Nam man chỉ biết cắn trộm.

    Y vừa dứt lời, thì quân báo: phía trước có lửa cháy mịt mờ. Y vội nhờ hai trưởng lão bang Hoàng-Đế thám thính, lát sau họ trở về báo cho biết: hai bên vệ đường, có hơn trăm cái gạc. Mỗi cái treo lủng lẳng một quân thiết kị Tống, bên dưới chất củi nướng khiến da vàng ngậy như gà nướng. Trên mỗi gạc có mảnh vải trắng đề: nướng thịt Bắc-quân cho hổ ăn. Quân sĩ sợ quá cất bước không nổi.

    Địch Thanh chạy lên quan sát, y nhận ra đó là những kị binh theo đạo Thạch Ngọc. Y kinh hãi nói với Ngô Nam:

    - Sư thúc, đệ tử sợ Thạch đệ gặp chuyện hung hiểm.

    Vì giận quá chân tay y run lẩy bẩy, đám tướng sĩ còn kinh hoàng hơn. Nhưng Địch chợt nhớ lại một đoạn trong binh pháp Thánh-Thiên:

    " Năng nhặt, chặt bị,
    Góp gió thành bão,
    Phàm khi muốn gây kinh hoàng cho địch, chủ yếu là đánh một trận lớn, như sóng vỗ, như bão tố, rồi sau cứ ẩn ẩn, hiện hiện tạo ra càng nhiều biến cố nho nhỏ càng tốt. Những biến cố này đi sau trận đánh lớn, sẽ làm cho quân giặc hoang mang. Khi hoang mang thì thần tổn. Thần tổn thì lực không còn".

    Tuy biết thế, mà chính Địch cũng cảm thấy mề mệt.

    Ngô Nam bình tĩnh:

    - Thạch tiến trước, tiếp theo hai đạo nữa mới đến chúng ta. Ta nghĩ rằng chúng dùng nghi binh, làm quân ta mất tinh thần mà thôi. Rõ ràng cái cảnh này, chúng bầy ra, sau khi đạo của Đặng đại sư ca với Bành sứ rút qua. Chứ nếu sau khi Thạch bị hại, chúng nướng ngay, thì đạo của Đặng sư ca đã dọn dẹp rồi.

    Địch Thanh sai chôn cất đám tử thi đó, rồi lên đường.

    Về tới biên giới Quảng-Tây, mọi người đều cảm thấy yên ổn, ngựa buông cương cho đi thong thả. Ngô Nam nói với Địch Thanh:

    - Này sư điệt, từ hôm Nam chinh đến giờ, tinh lực bản phái hao hụt không ít. Ba vị sư huynh Bắc, Tây, Nam-Sơn tuẫn quốc. Không hiểu sư phụ cháu đâu, mà không thấy xuất hiện?

    - Chính đệ tử cũng không rõ hành tung của người nữa. Bắc-Sơn sư bá nói người sang Giao-chỉ có việc riêng từ mấy năm trước, đến nay cũng không biết hành trạng ra sao, không chừng lão nhân gia quy tiên rồi cũng nên.

    Cho đến chiều hôm đó, tình hình hoàn toàn yên tĩnh. Địch Thanh lệnh quân đóng trại qua đêm. Người người thả ngựa cho ăn cỏ. Địch Thanh nói với đệ nhất trưởng lão bang Hoàng-Đế:

    - Xin trưởng lão cho bốn vị tỏa ra bốn phía thám sát tình hình xem sao, trước khi ta an dinh, hạ trại.

    Lão Nhất ra lệnh:

    - Thất đệ, Bát đệ đi từ Đông sang Tây. Cửu đệ, Thập đệ đi từ Nam sang Bắc. Nhớ phải trở về trong vòng một giờ.

    Trại chủ soái đã an xong. Địch Thanh mời sáu trưởng lão với hai sư thúc Ngô Nam, Vạn-Quang cùng ngồi uống trà đàm đạo. Lão Nhất kể chuyện hồi xưa, bọn y theo Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc đón sứ đoàn Đại-Việt đã bị Bảo-Hòa, Thông-Mai sai Tự-Mai, Tôn Đản, Lê Văn phục kích bắt sống trong những trường hợp không đề phòng, một chiêu võ cũng chưa được xử dụng. Y kết luận:

    - Chúng tôi bị bất ngờ do việc Đại-Việt chế ra phương pháp điểm huyệt. Bây giờ chúng tôi đã có kinh nghiệm, không dễ gì bọn chúng ám toán được.

    Bỗng quân sĩ vào báo:

    - Có một nho sinh, mặt mũi coi gớm ghiếc như người chết, chở hai xe thịt đến dâng, nói rằng để khao quân. Xin nguyên soái định liệu.

    Địch Thanh ra lệnh:

    - Xấu hay đẹp, không quan hệ, miễn người ta có lòng tốt là được rồi. Mời ông ta vào đây.

    Một lát nho sinh vào. Y cung tay hành lễ:

    - Thôn phu này nghe nguyên soái Nam chinh, binh sĩ bị trúng độc rất nhiều, nên mạo muội mang thịt trâu rừng dâng nguyên soái. Nguyên loại trâu rừng này sống trong thung lũng Đại-Việt, ăn cỏ độc, tắm nước độc, nên trong người có sức chống độc cực mạnh. Bất cứ ai trúng lam chướng Đại-Việt, chỉ cần ăn một miếng cũng khỏi ngay.

    Địch Thanh nhìn trên xe, có bốn đầu trâu, thì biết số thịt nho sinh dâng ít ra tới bốn con. Da trâu đã thui vàng, thịt đỏ tươi trông thực đẹp mắt. Trên xe còn có mấy bó rau răm lớn, lá vừa tươi vừa lớn, để làm gia vị ăn thịt trâu. Lão Nhất đã từng xử dụng chất độc, từng chữa bệnh cho người, y lý lão rất giỏi. Nghe nho sinh nói, lão biết đây là thầy thuốc địa phương. Lão hỏi:

    - Thưa tiên sinh, làm cách nào tiên sinh săn được một lúc những bốn con trâu rừng thế này?

    - Ngài nên biết vùng này trâu rừng nhiều vô kể, chúng sống thành từng đoàn. Ban ngày chúng đi ăn, đêm mới tìm ra suối uống nước. Tiểu sinh cứ việc lần theo vết chân, thì biết chúng uống nước ở bến nào. Sau đó phục bên kia suối, đợi chúng kéo đàn ra, tiểu sinh đem mươi thợ săn, bắn thực nhanh tay. Hai người bắn một con, thì phải hạ được chúng.

    Địch Thanh đưa mắt cho lão Nhất. Tinh ý, lão hiểu Địch muốn nhờ lão thử xem thịt trâu có chất độc không. Lão cầm một miếng thịt lên ngửi, lão nhận ngay ra trong thịt không có độc dược, lão gật đầu. Nho sinh cũng biết ý Địch. Ông ta cắt một miếng thịt trâu đưa vào lò than nướng, thịt bốc mùi thơm nức. Ông bỏ vào miệng nhai rất ngon lành, rồi đưa cho Địch Thanh:

    - Mời nguyên soái nếm thử.

    Địch Thanh cầm miếng thịt đưa lên miệng ăn. Sau khi nuốt, y cảm thấy người khoan khoái lạ lùng. Mũi y đang nghẹt, thông ngay. Y cất tiếng khen:

    - Đúng như tiên sinh nói. Thịt trâu này có tính chất chống độc.

    Y truyền cho hỏa đầu quân:

    - Đem thịt cắt nhỏ, rồi nấu lên chia đều cho chư quân.

    Y hỏi nho sinh:

    - Xin tiên sinh cho biết cao danh quý tính?

    - Tiểu sinh họ Mai, tên Xú-Y. Nguyên trước kia tiểu sinh có tên là Phong-Lang. Nhưng sau bị người ta hành hạ, mặt mũi đầy thẹo, nên bị đời gọi là Xú-Y tức thầy thuốc xấu xí, vì vậy đi đâu cũng phải mang mặt nạ.

    Địch Thanh cung tay:

    - Đa tạ tiên sinh tặng thịt trâu trị bệnh. Nhưng số thịt này ít quá, chỉ đủ dùng cho số quân hiện diện. Bản soái còn hai đạo đi trước cũng bị trúng lam chướng, làm thế nào có thể bắt được mươi con trâu rừng nữa chăng?

    Xú-Y đáp:

    - Vậy nguyên soái phải cho tôi ít nhất trăm cung thủ, rồi tôi dẫn đi săn. Khu có nhiều trâu cách đây cũng không xa cho lắm.

    Địch Thanh mời nho sinh ngồi uống rượu cùng các y quan. Bọn y quan đều xuất thân từ bang Hoàng-Đế, chúng rất giỏi y lý. Chúng đặt ra những vấn đề rất nan giải hỏi Xú-Y. Xú-Y ứng đối như nước chảy.

    Lát sau, lão Nhất thắc mắc:

    - Tại sao bốn lão đi đã hơn giờ mà chưa thấy trở về?

    Địch Thanh cũng lo lắng không ít. Y nói:

    - Hay ta cho người đi tìm chăng?

    Lão Nhất lắc đầu:

    - Hồi trước cũng chỉ vì vậy mà cả mười chúng tôi đều bị bắt.

    Xú-Y hỏi:

    - Thưa nguyên soái, cái gì vậy?

    - Chúng tôi cử bốn người đi do thám, mà không thấy trở về.

    Địch Thanh bàn:

    - Bây giờ ta cho lão Ngũ, lão Lục theo Mai tiên sinh đem trăm kị binh cùng đi thám thính xem sao?

    Lão Nhất gật đầu:

    - Đành vậy.

    Y gọi một trăm kị mã, truyền lão Ngũ, Lục theo Mai Xú-Y đi thám thính. Xú-Y ngửa tay nói với Địch Thanh:

    - Xin nguyên soái ban thưởng.

    Địch Thanh thấy Xú-Y cho không bốn con trâu thì có ý nghi ngờ. Bây giờ thấy y xin tiền, Địch thở dài nhẹ nhõm, nghĩ thầm: Thì ra thầy lang muốn có nhiều tiền, nên bầy ra tặng trâu. Y truyền lấy hai trăm lượng bạc thưởng cho Xú-Y. Xú-Y cung tay cảm tạ rối rít, rồi dẫn lão Ngũ, Lục cùng trăm thiết kị đi thám thính phương Đông. Xa hơn mười dặm không có gì. Cả bọn về báo cáo, rồi đi về phía Tây. Đoàn đi hơn ba dặm thì vào con đường độc đạo, chỉ một ngựa đi được.

    Thình lình có tiếng khóc thê thảm. Xú-Y nói:

    - Coi chừng có ma rừng đấy. Khu này nhiều ma lắm.

    Mấy kị binh hơi run run. Xú-Y vừa dứt lời, có hai con ma tóc dài, mặt đỏ như máu, từ trong rừng xông ra, một ma nam, một ma nữ. Hai ma chặn mất đường về.

    Xú-Y thét lên:

    - Ối, ối ma. Cha mẹ ơi, ma cô, ma cậu.

    Y đứng sau lão Ngũ, chân tay run rẩy, túm lấy giây lưng lão. Lão Ngũ cười thầm:

    - Thực là tên thầy lang vô dụng. Hai đứa này đâu phải ma, mà là binh lính Đại-Việt đây. Ta phải bắt hai đứa này về trại, giết cho quân sĩ coi.

    Nhưng chợt lão thấy ngón tay Xú-Y chụp vào huyệt Á-môn, rồi Đại-trùy. Lão cấm khẩu, chân tay không cử động được nữa. Lão Lục hỏi:

    - Ngũ ca, cái gì vậy?

    Lão Ngũ trợn trừng mắt, đứng như trời trồng. Xú-Y nhảy ra sau lão Lục, miệng hét:

    - Trời ơi, lão Ngũ bị ma nhát chết rồi. Lão Lục cứu tôi với.

    Lão Lục xua tay đẩy Xú-Y ra xa, chạy lại xem sư huynh ra sao, thì Xú-Y phóng một chỉ đến véo, trúng huyệt Kiên-ngung lão Lục, rồi lại điểm huyệt Hạ-quan, thế là lão không mở được miệng ra nữa, người cứng đơ.

    Trong khi đó từ trong rừng, cung tên bắn ra ào ào, chỉ hai loạt, hơn trăm kị binh đều bị giết hết. Nhưng ngựa thì không sao.

    Xú-Y gọi lớn:

    - Thường-Kiệt, Thân Mai, mau thu dọn mấy xác chết này đi. Ta độ chừng bọn chúng sẽ cho người theo sau tới đây bây giờ.

    Thân Mai hỏi:

    - Thưa tiên sinh, cháu nghĩ tiên sinh vẫn có thể bắt thêm được hai trưởng lão nữa bằng lối này. Ban nãy tiên sinh đi thám thính về phương Đông, cháu thấy phía sau họ cho lão Tam lão Tứ theo đề phòng. Bây giờ tiên sinh giả bị thương nằm đây, cùng với mấy xác chết kị binh. Hai lão kia tới nơi, ắt vực tiên sinh dậy. Tiên sinh lại điểm huyệt bắt chúng nữa.

    Xú-Y chính là thầy đồ Bắc-ngạn. Ông theo sát Thường-Kiệt. Ông cùng Thường-Kiệt bầy mưu đánh thuốc độc sao cho quân Tống mê man, rồi bắt sống. Ông bảo Thường-Kiệt: trong quân Tống có mười trưởng lão bang Hoàng-Đế, rất giỏi y lý, không khéo là bị lộ ngay. Thứ thuốc độc mà Bảo-Hòa trộn vào cỏ, vào gạo cho ngựa, quân Tống ăn, chỉ làm người, ngựa bải hoải mà thôi. Tuy nhiên đối với người công lực cao thì vô hại. Vậy bây giờ ta giả làm Xú-Y rồi mang thịt trâu trộn với thứ thuốc độc khác. Thứ thuốc này, người thường ăn vào không sao, ngược lại còn thấy khoẻ mạnh. Nhưng nếu quân Tống trúng thứ độc của Bảo-Hòa, mà ăn phải thuốc này, sẽ ngủ mê man trong một ngày rưỡi. Bấy giờ ta tung quân ra bắt hết.

    Kế hoạch vừa xong, thì có tin báo rằng Tống sai trưởng lão đi thám thính. Thầy sai Thường-Kiệt báo cho Trung-Đạo, mỗi người đi phục kích bắt hai trưởng lão. Trung-Đạo nói tiếng Hoa giỏi, giả làm nông dân, ngớ ngớ, ngẩn ngẩn, thình lình điểm huyệt lão Cửu, lão Thập. Còn thầy đồ phục kích giả làm Xú-Y, điểm huyệt bắt hai lão Thất, lão Bát. Chẳng may lão Bát khám phá ra, thầy đồ chỉ điểm được lão Thất. Lão Bát với thầy thi diễn cuộc đấu kinh thiên động địa, đến hiệp thứ một trăm, thì thầy đánh lão bị thương, rồi điểm huyệt, sai giam lại.

    Bấy giờ thầy mới đến trại Tống giả dâng thịt. Quả nhiên Địch Thanh mắc mưu. Bây giờ thầy lại bắt được hai trưởng lão nữa.

    Thường-Kiệt để lại năm xác kị binh nằm ngổn ngang. Thầy đồ giả nằm cạnh mấy xác chết đó. Không đầy một khắc sau, quả nhiên lão Tứ, lão Tam cùng trăm kị binh đi tới. Đám kị binh thấy xác đồng bọn thì la lớn lên. Hai lão Tam, Tứ vội xuống ngựa xem xét. Lão Tứ nói:

    - Năm kị binh đều bị trúng tên chết. Nhưng ngựa đi đâu? Hai lão Ngũ, Lục cùng đám kị binh còn lại ra sao?

    Kị binh tìm ra xác thầy đồ, chúng la lên:

    - Xác thầy lang Xú-Y.

    Lão Tứ chạy lại sờ lên người thầy, rồi la lớn:

    - Thầy lang chưa chết.

    Y đưa tay bắt mạch. Thầy đồ chỉ chờ có thế, ông phóng một Lĩnh-Nam chỉ đến véo một tiếng, trúng giữa huyệt Đản-trung của lão. Lão ngã lăn ra mê man. Lão Tam nhảy đến tấn công thầy, miệng quát:

    - Thì ra mi là gian tế.

    Thầy vùng dậy vung chưởng đỡ, binh một tiếng, lão Tam cảm thấy như trời long đất lở, tai phát ra những tiếng o o không ngừng. Lão chưa kịp hỏi, thì quân Việt đã bao vây kín trăm kị binh, cung tên chĩa ra tua tủa, Thường-Kiệt hô lớn:

    - Mau đầu hàng, bằng không ta buông tên.

    Đám kị binh vốn chân tay bị bải hoải, vội buông vũ khí đầu hàng.

    Lão Tam hỏi thầy đồ:

    - Ngươi là ai? Cứ như bản lĩnh của ngươi, thực hiếm có trên đời, tại sao ngươi lại giả ngây, giả dại để ám toán bọn ta?

    - Ta vì đại sư quốc gia, thì bất cứ làm gì cũng không nề hà.

    - Người trúng của ta một Chu-sa độc chưởng. Người mau quỳ xuống bái ta làm sư phụ, ta sẽ cho thuốc giải. Bằng không người sẽ đau đớn cùng cực rồi chết. Người không tin, cứ đưa tay lên mà coi.

    Thầy đồ xòe bàn tay ra cười:

    - Bàn tay ta chả có gì lạ. Nhưng chính bàn tay người mới trúng độc.

    Lão Tam đưa tay lên nhìn, bàn tay lão tím xanh, giống như người bị trúng độc chưởng. Lão kinh hãi hỏi:

    - Thì ra người thuộc bang Hồng-thiết Đại-Việt. Người cũng biết xử dụng Chu-sa độc chưởng.

    Nói đến đây lão cảm thấy đau đớn vô tả. Lão vội móc túi, lấy một viên thuốc bỏ vào miệng nuốt trửng.

    Nguyên từ khi được Thân Thiệu-Thái trị dứt độc tố Chu-sa, đám đệ tử bang Nhật-hồ không phải dùng thuốc nữa, cũng không được dùng độc chưởng đánh người. Nhưng khi khởi hành Nam chính, bang trưởng Đại-Bằng lại cho phép bang chúng dùng để khống chế địch, mỗi người mang theo mấy hộp thuốc giải, để khi đánh trúng địch quân còn dùng thuốc ép địch đầu hàng. Nay y cho rằng mình bị trúng độc chưởng này, y vội nuốt thuốc. Nhưng thuốc tan rồi mà cơn đau càng kinh khiếp hơn. Thầy đồ nhảy ra điểm vào huyệt Đại-trùy, Nội-quan của lão, lão mê man tức thì.

    Thầy đồ cùng với Trung-Đạo, Thường-Kiệt, Thân-Mai vội chỉnh bị binh mã, đợi khi quân Tống mê man, thì tấn công liền. Vừa lúc đó có chim ưng báo rằng công chúa Bảo-Hòa sắp tới. Thầy đồ trầm ngâm một lát rồi lắc lắc đầu, thình lình ông tung mình trốn vào rừng mất.

    Trung-Đạo hỏi Thường-Kiệt:

    - Con biết rõ thầy đồ là ai rồi. Vậy vì cớ gì thầy lại tránh mặt tiên cô?

    - Con nghĩ cao nhân tính khí hay thất thường. Thầy đồ tránh sư phụ của con, chắc có tỵ hiềm riêng chăng?

    Công chúa tới. Thường-Kiệt trình bày mọi chi tiết. Bà thở dài:

    - Anh Thiệu-Cực của ta cũng biết rõ thầy đồ là ai, mà sao anh ấy cũng không chịu nói. Hay cũng bị cấm như con?

    Công chúa nói với Trung-Đạo:

    - Xin sư huynh cho tiến quân.

    Trung-Đạo nói:

    - Sư muội. Quân của Địch Thanh là quân Kinh-châu. Trước đây ta làm Tư mã Kinh-châu, họ đều là thuộc hạ của ta. Ta không thể xuất hiện chém giết họ. Xin sư muội thông cảm. Ta giả làm tên tiểu hiệu, ẩn vào trong quân vậy.

    Công chúa ngồi trên xe bốn ngựa do hai nữ đệ tử đánh. Bên phải có Hoàng Tích, bên trái có Thường-Kiệt, phía sau có Thân Mai, rồi cho đánh trống dẫn quân tiến ra.

    Về phía Địch Thanh, sau khi cho tám trưởng lão bang Nhật-hồ cùng kị binh đi thám thính, không thấy ai trở về, lòng y rối như tơ vò. Trong lúc ấy quân sĩ chia nhau ăn thịt trâu. Ăn xong họ đều chập chờn mê mê, tỉnh tỉnh, lát sau họ ngủ mê man hết. Chỉ có các tướng, hai lão Nhất, Nhị, cùng nho sinh Ngô Nam, hòa thượng Vạn-Quang là còn tỉnh, nhưng người mề mệt như mốn ngủ, chân tay cử động khó khăn.

    Thình lình có tiếng trống thúc. Địch Thanh sai đánh thức chư quân dậy, nhưng họ ngủ mê man như chết. Y luống cuống chưa biết đối phó ra sao, thì quân Đại-Việt đã tới. Cùng bất đắc dĩ, y phải đem chư tướng ra ngoài trại nghênh chiến. Khi nhìn thấy lá cờ có hàng chữ:

    Đại-Việt trưởng đại công chúa Thân.

    Lá khác:

    Chưởng môn phái Tản-viên.

    Y vội cung tay hành lễ:

    - Địch Thanh, Nam-biên kinh lược sứ, Đô mã-bộ quân đô tổng quản nhà Đại-Tống xin tham kiến công chúa.

    Công chúa nghiêm trang:

    - Địch nguyên soái! Nghĩ thời gian qua mau thực, mới hôm nào cùng nguyên soái từ biệt tại hoàng thành Biện-kinh, đến nay trải qua mười mấy năm rồi. Tuy ở phương trời Nam xa xôi, ta vẫn hằng theo dõi vó ngựa Nguyên soái kháng Liêu, bình Tây-Hạ. Nay người lại được mật chỉ Nam chinh dẹp Nùng Trí-Cao. Thực là anh tài, thực là trung thần.

    Địch Thanh vẫn chưa biết công chúa là người tổng chỉ huy cuộc Bắc tiến. Y đưa mắt nhìn công chúa rồi nghĩ thầm: người ta đồn Bảo-Hòa là tiên nữ, chẳc không sai. Tính ra năm nay thị hơn ba chục tuổi rồi mà sao mặt vẫn trẻ như hồi mười bẩy, mười tám . Duy hương thơm trong người thị xông ra xa hơn trước nhiều. Y nói:

    - Tiểu tướng nghĩ, công chúa là tiên, là thánh, hà cớ lại giúp tên mọi Nùng Trí-Cao làm phản giết người, cướp của. Đạo lý ở chỗ nào?

    Lý Thường-Kiệt cung tay:

    - Tiểu tướng Lý Thường-Kiệt, xin bái kiến Địch nguyên soái. Từ hồi thơ ấu, tiểu tướng đã được tương kiến nguyên soái tại trấn Thanh-hóa. Trộm nghe nguyên soái văn võ kiêm toàn, hành sự cẩn trọng, mà sao nguyên soái lại nói những lời vô trách nhiệm như vậy?

    - Ta nói lời vô trách nhiệm bao giờ?

    - Chính nguyên soái vừa nói rằng sư phụ tôi giúp sư đệ Trí-Cao giết người cướp của, chả là vô trách nhiệm ư? Từ hôm sư đệ tiến lên Bắc báo phụ thù, đem quân nhân nghĩa. Y nghiêm cấm quân sĩ, dù một con gà, dù một ngọn cỏ, dù một lá rau cũng chưa phạm đến. Đi đến đâu, y lại tha thuế cho dân, tổ chức cai trị theo nhân nghĩa của Khổng, từ bi hỷ xả của Phật. Đến Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang cũng không bằng, thế mà bảo rằng giết người, cướp của ư?

    Thân-Mai cầm cờ phất:

    - Tiến lên.

    Đạo quân xung vào trại Tống. Địch Thanh biết rằng muốn sống sót hôm nay, chỉ có cách đánh bại Bảo-Hòa. Y tung mình lên cao phóng vào người công chúa một chưởng bằng tất cả bình sinh công lực. Bảo-Hòa vận khí phát chiêu Ác-ngưu nan độ. Bình một tiếng, Địch-Thanh lảo đảo lui lại. Y thấy trong chưởng của Bảo-Hòa có sức sát thủ kinh khiếp, cương không ra cương, nhu không ra nhu.

    Thấy Địch Thanh thất lợi. Lão Nhất, Nhị cùng nhảy vào phát chưởng tấn công. Công chúa mỉm cười dùng Phục-ngưu thần chưởng vận công theo ba âm, bẩy dương trả đòn.

    Vạn-Quang thấy Thường-Kiệt nhỏ tuổi, y khinh thường, phát chưởng tấn công. Thường-Kiệt dùng Phục-ngưu thần chưởng chống lai. Ngô Nam đứng ngoài lược trận.

    Trong khi đó Thân Mai, Hoàng Tích xua quân đánh vào trại. Có hơn trăm tướng không bị mê man, nhưng chân tay bải hoải, bị hổ, báo vây kín, khoảnh khắc, họ bị bắt hết.

    Biết có thắng Bảo-Hòa cũng vô ích. Địch Thanh hô lên một tiếng, cả bọn phi ngựa bỏ chạy.

    Công chúa bỏ xe, lên ngựa, vẫy Thường-Kiệt, Thân Mai, Hoàng Tích mang đội hổ đuổi theo, để Trung-Đạo ở lại bắt tù binh. Bà dặn ưng binh:

    - Truyền lệnh cho Tôn Mạnh, công chúa Thanh-Nguyên cùng quốc sư Huệ-Sinh: đợi khi Địch Thanh vào thành Khâm-châu, thì lập tức đổ bộ, ngày đêm đánh chiêng trống reo hò.

    Hổ tuy chạy chậm, nhưng vì ngựa của bọn Địch Thanh bị trúng độc, nên chạy không nhanh hơn. Năm người chạy trước, phía sau ba người với đội hổ đuổi sát. Đến trưa, thì gặp một cánh quân Tống đi phía trước.

    Đám quân này thấy nguyên soái cùng các cao thủ chạy trước, phía sau, một đoàn hổ, cùng người ngựa đuổi theo. Phản ứng tự nhiên chúng cũng chạy. Đám sau xô đẩy đám trước. Đám trước cũng bỏ chạy luôn.

    Nguyên đạo quân này do Bành Đức, Chu Sát, Giáp Kim-Quy, Trí-Thành chỉ huy. Sau khi rời Đại-Việt, họ nghỉ một đêm yên tĩnh. Nhưng quân sĩ ngày một mệt mỏi, chân tay như muốn cất lên không nổi. Sáng hôm nay họ vừa khởi hành, thì hậu quân thấy Địch Thanh cùng chư tướng bị đuổi tới. Không tự chủ, họ cũng chạy theo. Bọn Bành Đức la hét thế nào cũng không được. Vừa lúc đó, trống thúc vang dội, rồi hai bên đường, nào hổ, nào báo, nào sói, nào voi đi trước. Phía sau quân sĩ gươm đao sáng choang tiến lên tấn công.

    Chu Sát hỏi Địch Thanh:

    - Nguyên soái, chuyên gì đã xẩy ra?

    - Quân bị trúng độc mê man hết. Chúng tôi cũng bị trúng độc, chân tay vô lực.

    Bành Đức làm gan:

    - Nguyên soái cùng các vị chạy trước đi. Chúng tôi cản hậu cho.

    Bành Đức, Chu Sát, Giáp Kim-Quy, Trí-Thành dàn ngang ra giữa đường cản hổ. Thường-Kiệt nói với Bảo-Hòa:

    - Địch-Thanh là đấng anh hùng đời nay, trí dũng, võ công thực siêu phàm. Mình khổ công lắm mới làm cho y trúng độc, đầu óc hỗn loạn. Nay y mất tinh thần bỏ chạy, ta đuổi đến cùng, đừng cho y tỉnh lại. Như vậy quân y tự tan. Sư phụ, Mai với con đánh bốn người này. Sư thúc Hoàng Tích xua hổ đuổi theo y, không cho y thở.

    Bảo-Hòa gật đầu. Bà tung mình lên cao phóng chưởng tấn công Bành Đức. Bành Đức đã gặp công chúa trong trận Tuyệt-phong hơn mười năm trước. Bấy giờ Bảo-Hòa tuy phát minh ra lối vận công âm dương hỗn tạp, mà Bố-Đại hòa thượng gọi là võ công cực kỳ bá đạo, hung ác. Nhưng công chúa chưa luyện thành, nên công lực thấp hơn Dương Đắc một chút, bị y dồn Chu-sa chưởng vào người, phải nhờ Thiệu-Thái cứu trị. Nay thấy công chúa phát chưởng, Bành Đức khinh thường, miệng cười nhạt, chửi thầm:

    - Ta cho mi thưởng thức Chu-sa chưởng lần nữa để mi biết mùi.

    Y vận độc chưởng đỡ. Bình một tiếng, Bành Đức cảm thấy trong chưởng của Bảo-Hòa, có hai lực đạo, vừa âm, vừa dương thay nhau công phá truyền vào người y như muôn ngàn mũi kim đâm khắp cơ thể. Y đã giao đấu với hàng nghìn, hàng vạn người, chưa bao giờ y thấy một thứ võ công có sức sát thủ kinh thế hãi tục đến như vậy. Nhưng rõ ràng đó là thứ võ công, từ chiêu thức đến nội công đều quang minh chính đại. Người y choáng váng, tai phát ra tiếng kêu vo vo không ngừng. Y chưa kịp hóa giải, thì chiêu thứ nhì đã tới. Y nghiến răng vận độc công đỡ. Bình tiếng nữa, y cảm thấy đầu óc hoang mang, cơ thể khi nóng, khi lạnh. Kinh hoàng y vội hít một hơi, đánh trả liền chín chưởng. Công chúa khoan thai đỡ. Cứ mỗi chưởng bà lại lùi liền hai bước.

    Trong khi vừa đỡ, công chúa nhìn bên cạnh. Chu-Sát đang đứng lược trận, còn Giáp Kim-Quy đàn áp Thân Mai đến không thở được. Trí-Thành dồn Thường-Kiệt đến mé sông. Giữa lúc đó, Bành Đức đánh chiêu thứ mười. Công chúa chập hai tay vào nhau, đẩy chưởng của y vào người Kim-Quy. Lực đạo của Bành hợp với lực đạo của công chúa, mạnh như trời long, đất lở, ụp lên đầu mụ. Mụ kinh hãi thét lên một tiếng, nhảy lùi liền ba bước, nhưng vẫn lảo đảo muốn ngã. Nhờ vậy Thân Mai lấy lại được thế công.

    Đến đó Thường-Kiệt bị Trí-Thành đánh ba chưởng, người chàng choáng váng, chân khí gần muốn tuyệt. Trong lúc nguy nan, tính mệnh như treo sợi tóc, trong đầu chàng nghĩ đến thầy đồ, là người luôn cứu nạn cho chàng. Đầu óc chàng như mê loạn đi, thuận tay chàng đẩy ra một chiêu. Binh một tiếng, mụ Trí-Thành ngã ngồi xuống, mặt tái xanh.

    Bấy giờ Thường-Kiệt mới chợt nhớ ra rằng chàng xử dụng tâm pháp của một cao nhân đã dạy chàng hôm ở Cổ-loa. Tâm pháp này, theo cao nhân nói, ông đã khổ tâm tập họp yếu quyết võ công Trung-nguyên, rồi chế ra cách khắc chế. Ông dặn chàng: hãy luyện tập để sau này Bắc chinh có chỗ xử dụng đến. Chàng âm thầm luyện tập, tự gọi là Cổ-loa tâm pháp, nhưng chưa một lần xử dụng. Hôm nay trong lúc nguy nan, chàng nhắm mắt đẩy bừa ra một chiêu, không ngờ lại đắc thế.

    Đúng ra, nếu chàng đánh liền hai chiêu nữa thì mụ Trí-Thành đã nát thây. Nhưng vì kinh ngạc, chàng ngẩn người ra, nên mụ lấy lại được thăng bằng. Đã có chút ý niệm, chàng tung liền hai chiêu trong Tản-viên chưởng pháp, bằng tâm pháp Cổ-loa. Bình, bình, mụ Trí-Thành bật lui lại, tỏ vẻ đau đớn vô cùng. Không bỏ lỡ, chàng đánh chiêu thứ ba. Bình một tiếng, người mụ lảo đảo, máu trong hai mắt, mũi, tai, miệng phun ra ngoài, coi thực khủng khiếp, rồi mụ từ từ ngã xuống.

    Chu Sát phóng tới dáng xuống đầu Thường-Kiệt một chiêu như trời long đất lở. Thường-Kiệt vận tâm pháp Cổ-loa ra đỡ. Bình một tiếng, người chàng bật lui ba bước, khí huyết đảo lộn cực kỳ khó chịu. Nhưng Chu Sát cảm thấy bàn tay đau nhức vô cùng, máu ri rỉ chảy ra. Y ôm tay nhăn nhó, rồi hất hàm hỏi:

    - Thiếu niên kia, mi là ai? Mi xử dụng thứ võ công tà môn gì vậy?

    Miệng hỏi vậy, y quay lại nhìn Trí-Thành: mặt mụ tái xanh. Mụ chết rồi. Y định phát chiêu tấn công Thường-Kiệt nữa, nhưng y thấy Bành-Đắc với Bảo-Hòa đang đấu nội lực. Bành-Đắc yếu thế, như ngọn đèn chập chờn muốn tắt trước gió. Y nhìn lại, Thường-Kiệt đang đấu với Giáp Kim-Quy cứu Thân Mai. Y len lén tới sau Bảo-Hòa nghiến răng phóng một chưởng, hy vọng giết chết bà, cứu sư huynh.

    Bỗng bóng trắng thấp thoáng, rồi có tiếng quát thanh thoát:

    - Là đại tôn sư võ học, mà mi đánh trộm ư?

    Nghe tiếng quát, Chu Sát quay lại nhìn, vừa kịp thấy người quát đó là vua bà Bình-Dương, mà y đã gặp năm xưa tại đỉnh Tuyệt-phong; thì hai tay y đã bị tiện đứt, máu me phun ra. Đau quá y nhảy lùi lại ba bước, rồi phóng vào rừng. Nhưng một đội hổ đón y lại, xúm vào vồ y, ăn thịt. Trong khi đó, công lực Bành Đức bị tuyệt, người y bay bổng lên cao. Công chúa chĩa lên phát Lĩnh-Nam chỉ, đầu y thủng một lỗ, y rơi xuống đất, dẫy mấy cái rồi nằm im.

    Thường-Kiệt tuy được Bảo-Hòa huấn luyện cực kỳ chu đáo, nhưng vì tuổi trẻ, công lực không được làm bao, trong khi Kim-Quy đã đi vào tuổi năm mươi, công lực cao thâm khôn lường. Chàng đã vận Cổ-loa tâm pháp, nhưng vẫn chưa thắng được mụ.

    Chợt tiếng Bảo-Hòa vang lên:

    - Đánh một chiêu Sài-sơn, rồi Đông-a, sau đó biến sang Tản-viên.

    Nghe sư phụ nhắc, Thường-Kiệt vẫn vận tâm pháp Cổ-loa, phát chiêu Lôi-đả Ân-tặc, bình một tiếng, Kim-Quy với chàng đều bật lui. Chàng chuyển sang chiêu Đông-hải lưu phong, vù một tiếng như gió thoảng, mặt Kim-Quy nhăn nhó tỏ vẻ đau đớn. Chàng phát chiêu Thanh-ngưu nhập điền. Bình, người Giáp Kim-Quy quay tròn như con quay, nghiêng bên phải, xiêu bên trái, rồi thất khiếu ( hai lỗ mũi, hai mắt, hai tai, miệng) ứa máu ra. Mụ ngã ngồi xuống.

    Mặt vua Bà tỏ vẻ lo lắng hỏi Thường-Kiệt:

    - Sư thúc hỏi, con phải nói thực. Bằng dấu diếm, sư thúc chặt đầu ngay tức khắc. Con vừa xử dụng một thứ tâm pháp vô cùng ác độc. Ai đã dạy con tâm pháp đó?

    Thường-Kiệt run run đáp:

    - Tấu vua Bà, một người bề trên dạy con. Người cấm con không được nói tên người, bằng không người sẽ cắt lưỡi.

    Công chúa Bảo-Hòa hỏi đệ tử:

    - Con gặp cao nhân đó ở đâu, trong trường hợp nào?

    Thường-Kiệt nhất nhất thuật lại chi tiết vụ hội ngộ ở Cổ-loa. Vua Bà thở dài:

    - Khi trước, bồ tát Bố-Đại dạy thiền công cho sư phụ con. Sư phụ con nhân đó hợp âm, dương vào, mà không thành; nên mới có thứ nội công ba âm, bẩy dương. Bồ-tát nói rằng đó là thứ ác độc vô cùng, không nên xử dụng. Nhưng trong lần đi sứ Trung-nguyên, sư phụ con cùng sư thúc Thông-Mai tàn sát biết bao người trong hắc đạo Trung-quốc bằng thứ nội công ấy. Cũng chỉ vì sát nghiệp nặng quá, nên đã đưa đến sư thúc Thông-Mai bị tai ách. Bây giờ...

    Bà thở dài:

    - Cái vị cao nhân dạy con, đi cùng thầy đồ Bắc-ngạn, ắt là đại tôn sư võ lâm Đại-Việt. Người thương con, dạy con một thứ võ công người mới chế ra, tuy chỉ dùng khắc chế võ công Trung-nguyên, nhưng nó ác độc đến vô cùng tận. Vì khi đánh vào người nào, thì tất cả những mạch máu lớn, nhỏ, li ti đều vỡ ra, mà chết. Con thấy không, nội công con, so với Giáp Kim-Quy, Trí-Thành thua xa, nhưng con xử dụng tâm pháp này, mà khiến cho họ chết thê thảm. Hà!

    Bảo-Hòa cũng kinh hãi:

    - Tâm pháp này có một phần nội công âm nhu, dương cương của Tản-viên, pha một chút của Sài-sơn, Đông-a, rồi lại có cả tâm pháp Cửu-chân khắc chế võ công Trung-nguyên. Vì hai cao thủ Hoa-sơn xử dụng võ công Trung-nguyên nên bị chết thảm.

    Vua Bà tiếp:

    - Chính vì con học thứ tâm pháp này, mà lĩnh nghiệp quả trong vụ bị đánh thuốc mê, rồi bị tĩnh thân. Nhưng, nhưng... ta không thể cản con, vì cao nhân này ắt lớn vai hơn ta. Đành vậy.

    Vừa lúc đó, Đình-Huy, Thân Lan tới cung kính ra mắt công chúa Bảo-Hòa, rồi thưa:

    - Khải tiên cô, thần với Thân nhị cô nương đánh cắt đứt nửa sau đạo binh của Bành Đức. Xin đợi chỉ dụ của tiên cô.

    Công chúa dặn Đình-Huy:

    - Con với Mai, Lan ở lại lo thẩm vấn tù binh. Còn vua Bà, Hoàng Tích, Thường-Kiệt với ta tiếp tục đuổi theo Địch Thanh.

    Công chúa truyền thắng cho vua Bà, Hoàng Tích, Thường-Kiệt mỗi người hai con ngựa. Một con để cỡi, một con dắt theo, rồi ra roi đuổi theo Địch Thanh. Không đầy hai giờ thì xa xa thấy Địch Thanh cùng đám quân của Đại Bằng. Vua Bà nói:

    - Ta đuổi chậm chậm cho chúng chạy, chứ đâu cần giết.

    Hoàng Tích hô lớn:

    - Địch Thanh, dừng vó nộp đầu mau.

  5. #54
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,759
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Tuy miệng hô vậy, mà tay lại ghì cương cho phi chậm lại. Cứ như vậy, một bên đuổi, một bên chạy, sau khi vượt hơn ba chục dậm, thì từ bên trong rừng có tiếng trống thúc, rồi một đoàn quân xuất hiện, gươm giáo tua tủa, tên bắn ào ào. Địch Thanh nằm dài trên lưng ngựa chạy. Thường-Kiệt hô lớn:

    - Địch-Thanh, ngừng lại nộp mạng.

    Tới chiều, xa xa thấy thành Khâm-châu ẩn hiện trong đám mây chiều. Địch Thanh cố ra roi cho ngựa chạy vọt lên trước. Ngựa Thường-Kiệt là loại thần mã, nên chàng đuổi rà tới phía sau Địch, tay rút kiếm phóng vào lưng y. Lão Nhất kinh hãi, vội vung roi ngựa cuốn lấy kiếm Thường-Kiệt. Nhưng Thường-Kiệt phát một chỉ đánh đứt đôi roi ngựa của lão. Thanh kiếm đi lệch ra ngoài trúng mông ngựa Địch-Thanh. Con ngựa hí lên inh tai, rồi leo qua cầu treo thành Khâm-châu. Trên thành, tên bắn xuống tua tủa. Thường-Kiệt gạt tên lui lại.

    Công chúa truyền chư tướng tới Bắc-tiến tổng hành doanh hội.

    Công chúa hỏi đại sư Huệ-Sinh:

    - Quốc-sư trí tuệ bao la, xin Quốc-sư dạy cho ít lời.

    Huệ-Sinh đưa mắt cho Nùng-Sơn tử, miệng tủm tỉm cười. Nùng-Sơn tử nói:

    - Thưa tiên cô chưởng môn. Bần đạo cùng Quốc-sư đã định xong kế hoạch rồi. Đạo binh Chương-giang coi như không thể đánh xuống vì gặp phải Tôn Đản, Cẩm-Thi. Vậy ngay đêm nay ta phá đạo của Trương Ngọc ở Quảng-châu, với đám tàn quân của Địch Thanh.

    Rồi ông ghé tai công chúa nỏi nhỏ. Công chua chắp tay:

    - Xin đa tạ Quốc-sư với sư thúc ban lời dạy dỗ.

    Công chúa gọi Hoàng Tích:

    - Quân trong thành Khâm-châu bị thương, bị trúng độc, không cần hổ báo nữa. Vậy Tráng-tiết tướng quân làm chánh tướng. Trung-nghĩa đại tướng quân Phạm Đình-Huy làm quân sư, đem lực lượng bang Đường-lang, Đông-hải, Hồng-hà, chở theo tất cả hổ, báo, voi, sói của các đạo quân vây Khâm-châu. Đêm nay di chuyển đến ngoài khơi Quảng-châu. Đợi khi trong thành có tiếng pháo nổ, tức là quân của quốc công Thiệu-Cực với công chúa Kim-Thành mở cửa thành tấn công Trương Ngọc. Giữa lúc hai bên đại chiến thì đổ các đội quân thú lên đánh phía sau địch. Trương Ngọc bị thua, ắt chạy về phía Võ-lợi, sẽ gặp Trí-Cao phục binh tại đây. Phải tiêu diệt chúng thực mau, rồi phục quân chờ Địch Thanh. Vua Bà cùng sư thúc Nùng-Sơn tử sẽ theo giúp trong quân, phòng cao thủ Tống.

    Hoàng Tích và bang trưởng ba bang lĩnh mệnh đứng lên.

    Công chúa tiếp:

    - Sư huynh Trung-Đạo chỉ huy Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, Thường-Kiệt, bốn chị em Mai, Lan, Cúc, Trúc, chia quân làm hai đạo thay nhau vây Khâm-châu. Một đạo nghỉ, một đạo bao vây, đánh trống, reo hò, bắn hoàng thạch, tên lửa, vào thành. Sau hai ngày, quân của Tôn Tiết ăn phải gạo độc do quân Địch Thanh giúp cho, bấy giờ sẽ nổ pháo tấn công thực. Địch Thanh, Tôn Tiết ắt mở cửa thành phía Bắc, rồi phá vòng vây chạy. Ta dùng đạo kị mã đuổi tà tà phía sau. Khi chúng về tới Võ-lợi, sẽ gặp đội thú của Hoàng Tích cùng đạo quân Trí-Cao.

    Công chúa nhấn mạnh:

    - Trong thành hiện có các cao thủ sau: Đặng- Đại-Bằng, Hải-Thanh, Vương Lệ-Ngọc, Ngô Nam, Vạn-Quang, lão Nhất, lão Nhị, Địch Thanh, Tôn Tiết, Trương Ngọc, Lý Nghĩa. Cộng mười một người. Tuy nhiên chỉ Đại-Bằng, Hải-Thanh, lão Nhất, Lão-Nhị, Địch Thanh, Tôn Tiết là đáng ngại thôi. Ta có Quốc-sư, sư huynh Trung-Đạo, tôi và có thể thêm thầy đồ Bắc-ngạn. Ta không sợ chúng.

    Trung-Đạo lệnh cho Thường-Kiệt trấn cửa Bắc; Thanh-Nguyên, Tôn Mạnh trấn cửa Nam. Thân Mai, Thân Lan trấn cửa Đông; Thân Cúc, Thân Trúc trấn cửa Tây.

    Suốt từ chập tối, quân Đại-Việt reo hò, đánh trống, bắn đá vào thành Khâm-châu. Tại tổng hành doanh, công chúa Bảo-Hòa đang ngồi bàn tính cùng quốc sư Huệ-Sinh những gì sẽ phải làm, sau khi đánh tan đạo quân của Địch Thanh; thì đội trưởng tuần thám vào báo:

    - Tấu tiên cô, ngoài khơi có một hạm đội, không đèn đuốc đang tiến vào bãi biển Khâm-châu. Xin công chúa định liệu.

    Công chúa hỏi Trung-Đạo:

    - Sư huynh, thủy quân nào vậy?

    - Tôi cũng không rõ nữa. Để tôi chạy ra xem.

    Nói rồi ông đeo mặt nạ vào.

    Ông vừa đứng lên ra ngoài quan sát, thì trong thành Khâm-châu có nhiều tiếng pháo nổ, rồi bốn cửa thành mở rộng. Thiết kị xông ra ào ào. Trung-Đạo ứng biến rất nhanh, ông bắn lên trời một mũi tên lửa mầu tím, ra lệnh cho đạo quân trừ bị tiến đến trợ chiến cho cánh quân cửa Tây, Nam. Lại truyền đạo quân vây cửa Đông rút về Nam. Đạo quân vây cửa Bắc rút về cửa Tây. Cuối cùng cả bốn đạo dàn thành trận thế. Phía trái Thường-Kiệt, Thân Mai, Thân Lan; phía phải Tôn Mạnh, Thanh-Nguyên, Thân Cúc, Thân Trúc. Ở giữa là công chúa, Huệ-Sinh, với Trung-Đạo.

    Đạo quân Tống trong thành, cùng đạo dưới biển đổ lên, mau chóng dàn thành trận thế rất nghiêm chỉnh. Đuốc hai bên đốt sáng rực. Trung-Đạo từng là tư mã Kinh-châu, chỉ nhìn qua đạo quân từ biển đổ lên, ông biết ngay quân này là quân đang ở mặt trận Quảng-châu. Ông nói với Bảo-Hòa:

    - Công chúa, tôi nghĩ rằng Tống biết rõ tình hình quân Dư Tĩnh, Trương Ngọc, Địch Thanh bị cắt làm ba đoạn, nên cho hạm đội bất thần ghé Quảng-châu chở quân Trương Ngọc xuống đây cứu quân Địch Thanh. Xin công chúa cho chim ưng hỏi Thiệu-Cực với Hoàng Tích xem sao?

    Chim ưng đi liền.

    Huệ-Sinh lo lắng:

    - Kể về quân số, ta có bốn vạn, chỉ ngang với quân Trương Ngọc. Họ thêm quân của Tôn Tiết với Địch Thanh ba vạn nữa; tuy ba vạn này bệnh hoạn, nhưng cũng phải đề phòng.

    Ông nói nhỏ:

    - Công chúa ra đối thoại với Trương Ngọc, Tôn Tiết hầu kéo dài thời gian, để ta đợi tin Quảng-châu.

    Công chúa cho ngựa thủng thỉnh ra trước trận. Bên phải có Thường-Kiệt, bên trái có Thanh-Nguyên đi kèm. Thường-Kiệt hô lớn:

    - Mời chúa tướng Tống ra nói chuyện với công chúa.

    Tuy mệt mỏi bơ phờ, nhưng Địch Thanh vẫn tiến ra, có Đại-Bằng, Hải-Thanh hộ vệ. Y thấy Bảo-Hòa thì mặt sa sầm lại:

    - Công chúa. Trước đây công chúa đã có công diệt bọn Hồng-thiết giáo mưu loạn hoàng cung, Thiên-tử cùng triều đình vô cùng thâm cảm. Nay sao công chúa lại làm khó dễ chúng tôi, mà giúp Trí-Cao thế này?

    Thường-Kiệt cung tay nói:

    - Thưa nguyên soái, tiểu tướng xin nguyên soái trả lời cho mấy câu, trước khi nguyên soái hỏi sư phụ tiểu tướng. Không biết có được không?

    - Tướng quân cứ hỏi!

    - Thưa nguyên soái, cứ như Khai-Quốc vương với Yên-vương ước hẹn, suốt mấy chục năm qua, giữa Tống-Việt hoàn toàn thân thiện, có gì xẩy ra đâu? Từ khi Yên-vương hoăng, thì bọn mặt dơi tai chuột Vương Duy-Chính, Dư Tĩnh, Tôn Điền, Dương Miễn, Trần Thự, Ky Mân, Tiêu Chú, Tô Giàm luôn gửi tế tác sang Đại-Việt để dò thám, chuẩn bị Nam xâm. Rồi chính Trần Thự ám toán thủ lĩnh nước Trường-sinh Nùng Tồn-Phúc cùng con là Nùng Trí-Thông. Sư đệ Trí-Cao sai sứ sang cáo với triều đình, thì họ giết chết, thu đồ tuế cống. Sư đệ phải cho sứ lén về triều cáo, mà triều đình không xử. Ức lòng, sư đệ mới khởi binh báo thù tuyết hận. Nguyên soái được hoàng thượng ủy cho giải quyết, lại chỉ giết Trần Thự, là tên tay sai, trong khi chính phạm Vương, Dư, Dương, Tôn, Ky, Tiêu, vẫn cười thầm trên cái uất hận của sắc dân Nùng, thì sao họ chịu được?

    Vừa đến đó, có chim ưng đem thư về. Công chúa Bảo-Hòa kinh ngạc, tự hỏi:

    - Từ đây lên Quảng-châu ít ra một giờ vừa đi, vừa về, có đâu lại chỉ hơn một khắc?

    Công chúa mở thư ra đọc, thì ra chữ vua bà Bình-Dương:

    "Em theo hạm đội hướng về Quảng-châu, thì chim ưng báo hiệu có hạm đội Tống phía trước. Biết họ đánh úp sau lưng ta ở Khâm-châu. Em lệnh cho thuyền của ba bang ém vào bờ biển, đợi cho chúng đi qua. Đình-Huy tùng quyền, vi lệnh: thay vì đi Quảng-châu, đổi chiều xuôi theo sau hạm đội Tống. Hiện đang ở ngoài khơi, chờ lệnh tiên cô ".

    Công chúa nghĩ thầm:

    - Đình-Huy quả là một tể tướng Phương-Dung thời Lĩnh-Nam.

    Công chúa truyền ưng binh:

    - Lệnh Hoàng Tích, Đình-Huy đổ bộ lên phía Bắc Khâm-châu, đánh vào hông bọn Địch Thanh.

    Công chúa quay lại, thì Địch Thanh với Thường-Kiệt vẫn đang lý luận. Công chúa nói với Địch Thanh:

    - Này Địch nguyên soái. Bây giờ thế này. Hai bên chúng ta đánh nhau mãi, chỉ chết quân vô ích. Chi bằng ta cho lui quân lại, mỗi bên cử ra ba người đấu với nhau. Nếu như bên Nùng thắng, nguyên soái phải lui quân ra biển, rút về Bắc. Còn như bên Tống thắng, bên Nùng sẽ rút khỏi Quảng-châu. Không biết nguyên soái nghĩ sao?

    Địch Thanh quay lại bàn với Đặng Đại-Bằng. Đại-Bằng nói:

    - Hiện bên ta cao thủ nhiều hơn bên Nùng. Ta sợ là sợ tên Thiệu-Thái, cùng đám Đông-a biết xử dụng phản Chu-sa độc chưởng. Chứ bọn này bất quá chỉ có Bảo-Hòa, Huệ-Sinh là khá. Nếu như ta với Hải muội, lão Nhất ra tay, xử dụng Chu-sa độc chưởng thì bọn này sẽ nát thây ngay. Nguyên soái nhận lời đi.

    Địch Thanh cung tay hướng Bảo-Hòa:

    - Công chúa điện hạ đã ban chỉ dụ, thì họ Địch này cung kính không bằng tuân mệnh. Bên Tống xin cử Đặng bang trưởng, Hải hữu hộ pháp cùng lão Nhất. Không biết bên Nùng những ai tứ giáo?

    Bảo-Hòa cười thầm:

    - Ta không cần thắng hay bại, miễn là kéo dài trận đánh, để Hoàng Tích, Đình Huy đổ bộ lên phía Bắc, thì bọn bay vào bụng hổ hết.

    Công chúa chỉ Trần Trung-Đạo. Vì ông sợ tướng sĩ Tống biết mặt, nên đã cải trang thành một tướng Trường-sinh, mặt vàng vọt, đần độn:

    - Trận đầu vị nhân huynh đây sẽ xuất thủ, không biết bên Tống ai sẽ tứ giáo?

    Địch Thanh chỉ lão Nhất:

    - Xin lão xuất thủ, lĩnh giáo võ công bên Nùng.

    Lão Nhất hỏi:

    - Xin nhân huynh cho biết cao danh quý tính?

    - Tôi họ Nùng tên Phi-Hùng.

    Nguyên Côi-sơn tam anh được võ lâm Đại Việt tặng cho ba mĩ danh. Phụ-Quốc có tên Thanh-Sư, Bảo-Dân có tên Hắc-Hổ và Trung-Đạo có tên Phi-Hùng. Nhân đó ông xưng tên hiệu ra với Địch Thanh.

    Lão Nhất với Trung-Đạo gờm gờm nhau trong thế thủ. Địch Thanh hô:

    - Khởi chiến.

    Lão Nhất phát chiêu Chu-sa độc chưởng cực kỳ trầm trọng. Mùi tanh hôi nồng nặc làm chư quân buồn nôn. Trung-Đạo vận phản chu-sa chưởng, phát chiêu, nhưng ông chỉ vận đủ bảo vệ cơ thể, chứ chưa muốn tấn công đối thủ. Bình một tiếng, cả hai lão đảo lùi lại. Địch Thanh la lên:

    - Họ Nùng dùng võ công Thiếu-lâm của Trung-quốc. Phải cẩn thận.

    Lão Nhất chuyển tay, vòng lên trên, đánh trở xuống. Trung-Đạo lại phát một chiêu võ công Tản-viên. Bình, cả hai đều choáng váng.

    Bảo-Hòa hỏi Huệ-Sinh:

    - Quốc sư thấy thế nào?

    - Không ngờ lão Nhất võ công cao như vậy, có lẽ ngang với Vũ Nhất-

    Trụ chứ không thường đâu. Nếu không phải Trung-Đạo, e khó đỡ được quá ba chiêu.

    Hai bên, một từng có hơn hai mươi năm làm tướng Tống, tới Tư-mã Kinh-châu, rồi đạt chức vụ Tổng lãnh thị vệ, Phiêu kị đại tướng quân. Một từng cầm đầu trưởng lão bang Nhật-hồ. Vì vậy cả hai đều kinh nghiệm già dặn, gờm nhau từng tý một.

    Đấu được trên hai trăm hiệp, thình lình Trung-Đạo nghe có tiếng sư phụ Tự-An rót vào tai:

    - Trung-Đạo, không được nhân nhượng, phải giết tên này trong ba chiêu.

    Quả thực Trung-Đạo nhìn tướng sĩ dưới quyền cũ đang lâm đường cùng, ông có ý nhân nhượng. Nay nghe tiếng sư phụ, ông không dám chậm trễ. Ông vận toàn bộ phản Chu-sa độc chưởng, rồi quát lên một tiếng, phát chiêu Đông-hải lưu phong. Lão Nhất nào biết mình sắp bước chân vào quỷ môn quan, y thấy Trung-Đạo phát chiêu giống như võ công Thiếu-lâm, thì dồn độc công rồi đỡ. Bình, lão cảm thấy trời long đất lở. Lão chưa kịp thở, thì chiêu Phong đáo sơn đầu tới. Bình, người lão Nhất bật lùi liền ba bước, ngực lão như có con dao đâm vào, chân khí bế tắc, lão lắc lư như kẻ say rượu, hai chân xiêu vẹo. Rồi không tự chủ được, khi thì lão hét lên những tiếng lanh lảnh, khi thì lão gừ như con chó điên. Rồi lão chạy biến vào trong quân. Một tên quân Tống chụp lão, nhấp nhô mấy cái, biến vào đêm tối. Đám cao thủ Tống định đuổi theo xem ai mà có võ công cùng khinh công cao như vậy, nhưng không kịp nữa.

    Bảo-Hòa hỏi Địch Thanh:

    - Địch nguyên soái, không biết trận thứ nhì, ai là người đại diện cho Tống?

    Địch Thanh chưa kịp trả lời thì Đặng Đại-Bằng bước ra chỉ vào mặt Trung-Đạo:

    - Mi là ai ? Mau lại đây chịu chết.

    Bảo-Hòa vẫy tay cho Trung-Đạo lui lại:

    - Xin Nùng tướng quân để cho tôi lĩnh giáo Đặng bang chủ.

    Địch Thanh dùng Lăng-không truyền ngữ nói vào tai Đại-Bằng:

    - Đại sư bá cẩn thận. Con nhỏ này tuổi đã gần bốn mươi, người Việt tin rằng thị tu thành tiên nên trong cơ thể có mùi thơm bốc ra, và nét mặt trẻ như con gái mười bẩy mười tám. Hồi đi sứ Tống, y thị thường xuất hiện với người tình tên Thông-Mai. Hai đứa gây không biết bao nhiêu sóng gió cho võ lâm ta. Chính bọn Lê Lục-Vũ, Tôn Đức-Khắc, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản, Bun-Thành đều chết về tay thị. Sau khi Khai-Quốc vương dẹp loạn, vương phi Thanh-Mai với Thông-Mai bị trọng thương, dường như chết rồi. Bây giờ sư bá muốn thắng thị, thì phải chọc cho thị cáu giận mới hy vọng.

    Nghe Địch nhắc, Đại-Bằng tỉnh ngộ. Y chỉ Thường-Kiệt hỏi Bảo-Hòa:

    - Tiểu cô nương. Trông dáng dấp cô nương chưa quá mười tám, sao có thể là sư phụ gã mỹ nam tử kia với tên Nùng Trí-Cao ? Ta độ chừng, hai đứa là tình nhân của cô nương, nhưng vì sợ người đời đàm tiếu, cô nương mới bầy ra cái gọi là sư phụ, đệ tử phải không? Cái gã tình nhân Thông-Mai đâu? Nghe nói dường như gã bị Nhật-Hồ lão nhân ăn thịt rồi phải không?

    Bảo-Hòa biết Đại-Bằng trêu chọc cho mình giận. Bà cười nhạt:

    - Đặng bang chủ tuổi gần tám mươi mà nói năng như phường vô học bất thuật vậy sao? Lại đây, lại đây, chúng ta dùng võ công phân cao thấp.

    Đại-Bằng quát lên, phát chiêu tấn công. Công chúa vận công âm dương hỗn tạp, phát Phục-ngưu thần chưởng đỡ. Rầm. Cả hai bật lui lại, mùi tanh hôi của Đại-Bằng lẫn với mùi trầm của công chúa lan ra rất rộng. Hai người đấu với nhau đến chiêu thứ hai trăm, vẫn bất phân thắng bại. Trung-Đạo hỏi Huệ-Sinh:

    - Quốc-sư thử ước tính xem trận đậu này sẽ đi về đâu?

    - Khó đoán quá. Đại-Bằng xuất thân đệ nhất cao thủ phái Hoa-Sơn, y luyện công đến chỗ tối cao. Trong khi tiên cô cũng luyện tới chỗ tối cao, khó biết ai thắng lắm.

    Thình lình có tiếng quát, rồi một cỗ xe lớn, giữa xe có cái chảo đun dầu sôi sùng sục từ trận Việt đi ra. Trên xe treo đầy thịt quay, nào chim, nào gà, nào ngỗng, nào lợn, nào chó, nào hươu, nào nai. Phía sau xe còn một cái màn vải dường như che nhiều thú vật quay nữa. Những con thú treo ngoài màn, con nào cũng vàng ngậy, bốc hơi thơm nực. Người đánh xe chính là thầy đồ Bắc-ngạn. Cạnh thầy còn một người đàn bà, mặt mũi xấu xa kinh khiếp. Thầy đồ cất tiếng hỏi:

    - Địch nguyên soái có muốn ăn thịt quay không?

    Từ lâu rồi, trong quân Tống, Việt đều không ngớt bàn tán về hành trạng thầy đồ. Nhưng có điều khi thấy thầy, thì Tống lộ vẻ kinh hoàng. Còn Việt thì lại vui mừng.

    Địch Thanh sa sầm nét mặt không trả lời. Thầy đồ vẫy Thường-Kiệt:

    - Con đem thịt mời chư tướng ăn đi.

    Thường-Kiệt tiến lại xe, thầy đồ cầm thanh đoản đao chặt thịt. Thầy chặt rất nhanh, rồi xếp vào cái mâm lớn. Thường-Kiệt bưng mâm thịt đi mời các tướng Việt, mỗi người cầm một tảng thịt ăn trước trận. Sau khi phân chia hết đám thịt quay cho tướng Việt, thầy đồ hỏi Đặng Đại-Bằng:

    - Bang chủ xơi thịt không?

    Đại-Bằng đang đấu với công chúa Bảo-Hòa, y không còn biết gì đến mọi sự xung quanh. Y kinh ngạc vô cùng, vì đã vận Chu-sa độc công, mà Bảo-Hòa chưa hề hấn gì.

    Thầy đồ hỏi Địch Thanh:

    - Nguyên soái xơi thịt không?

    - Nhưng thịt hết rồi.

    - Còn nhiều mà.

    Thầy đồ cầm cái màn sau xe giật mạnh. Cái màn mở ra, mọi người thoáng nhìn đều rởn tóc gáy: trên một cây gạc dài, treo lủng lẳng bẩy người. Cả bẩy người đều bị nướng vàng ngậy, mỡ chảy ra bóng loáng. Nhưng đầu, tóc thì còn tươi nguyên. Chứng tỏ họ chỉ bị nướng từ vai trở xuống.

    Lão Nhị nhìn kỹ bẩy cái đầu, bỗng lão hét lên kinh khủng như heo bị chọc tiết, miệng gọi Đại-Bằng:

    - Bang chủ, bẩy trưởng lão của ta bị thảm sát.

    Đại-Bằng cũng đã nhìn thấy, và nhận ra bẩy sư đệ chết thảm, kể cả lão Nhất vừa bị mang đi. Lão gầm lên một tiếng lớn, rồi nhảy tới tấn công thầy đồ. Nhưng Bảo-Hòa chuyển chưởng theo sát y. Y vỗ tay vào ngực một cái, có tiếng nổ đến bốp, rồi khói bay ra mịt mờ. Bảo-Hòa không đề phòng, bà hít phải. Phút chốc chân tay bải hoải.

    Thầy đồ biết Bảo-Hòa trúng hơi độc, ông phát chiêu tấn công Đại-Bằng, chưởng chưa ra hết, mà mọi người đã cảm thấy nghẹt thở. Đại-Bằng cười nhạt, phát chiêu đỡ. Rầm một tiếng, cả hai lảo đảo lui lại.

    Thân Lan lạng người ra đỡ sư phụ về trận.

    Địch Thanh đưa mắt ra hiệu, lão Nhị vọt tới tấn công Thường-Kiệt. Thường-Kiệt cười nhạt chuyển tay ra đỡ.

    Trong khi bốn người giao đấu, đâu đó tiếng reo hò, tiếng hổ gầm, sói tru rung động trời đất. Từ bên hông phải đạo quân Tống, có hai ngựa đi đầu, bên cạnh lá cờ lớn có chữ :

    Côi-sơn công chúa Trần Thanh-Nguyên.

    Lá khác:

    Trấn Bắc đại tướng quân Tôn Mạnh

    Thanh-Nguyên cầm loa gọi:

    - Địch Thanh, hôm nay ta sẽ bắt người đem quay cho cọp ăn.

    Hải Thanh chỉ mặt Thanh-Nguyên quát lên:

    - Uổng thay cho mi là con nhà danh gia, mà lại phải dùng voi, cọp, báo đánh với chúng ta. Nếu mi có còn là con người, thì hãy cho thú vật lui lại, đấu với ta.

    Thanh-Nguyên cười nhạt:

    - Ai chứ bản công chúa nào có coi bọn độc nhà mi ra gì? Bản công chúa sẽ bắt người quay cho thú ăn ngay tại trận.

    Nói rồi bà tung mình lên cao, phát chiêu Đông-hải lưu phong tấn công Hải Thanh. Bình một tiếng, cả hai bật lui lại ba bước. Nhưng Thanh-Nguyên đã nhanh nhẹn chuyển sang chiêu Loa-thành nguyệt chiếu của phái Mê-linh. Bình, bà đứng nguyên, còn Hải-Thanh thì thấy chiêu số khắc chế với võ công của mình. Còn nội công thì hơi giống thiền công Thiếu-lâm.

    Thanh-Nguyên là con gái út của đại hiệp Tự-An. Bà được cha, chú, cùng anh, chị cưng chiều rất mực, nên huấn luyện bà thành một kỳ tài võ học. Nhưng mụ Hải Thanh là cao thủ số một, số hai Trung-nguyên, bản lĩnh ngang với Đại-Việt ngũ long, công lực thâm hậu, trong khi bà mới vào tuổi ba mươi. Đấu được trên trăm hiệp, công lực Thanh-Nguyên bắt đầu cạn. Bà vừa đỡ vừa lùi. Thình lình có tiếng phụ thân rót vào tai:

    - Gái yêu ! Gái xinh đẹp của bố. Đừng sợ. Hãy làm theo bố. Đánh liền ba chiêu Đông-a chưởng, rồi chuyển sang Mê-linh chưởng.

    Nghe tiếng phụ thân, Thanh-Nguyên như thêm sức lực. Bà tấn công liền chiêu Phong-hoa diệp lạc, Phong-qúa sơn đầu, và Cuồng phong nộ lãng. Hải-Thanh thản nhiên đỡ. Thình lình, Thanh-Nguyên chuyển sang Mê-linh chưởng. Hải-Thanh vừa vận sức đỡ, thì cảm thấy huyệt Kiên-ngung trên vai bị trúng viên sỏi rất êm, khiến chưởng lực mất hết. Trong khi chiêu chưởng Thanh-Nguyên tới trước mặt. Mụ kinh hãi lùi một bước, Thanh-Nguyên đẩy ra chiêu thứ nhì. Mụ lại lùi bước nữa, tới sát chiếc xe thịt quay. Thanh-Nguyên đẩy chiêu thứ ba, người mụ bay bổng lên cao. Người đàn bà xấu xí trên xe chuyển tay chụp lấy mụ rất nhẹ nhàng, tay túm tóc mụ, phất một cái, quần áo mụ tan ra như muôn vàn cánh bướm, người mụ thành trần truồng. Người đàn bà đó nhúng mụ vào chảo dầu. Mụ hét lên hãi hùng, rồi nằm im trên chảo. Phút chốc người mụ vàng ngậy như thui.

    Dù Tống, dù Việt nhìn cảnh đó đều táng đởm kinh hồn. Quân Tống run run nhìn nhau, chỉ muốn bỏ chạy.

    Còn Thanh-Nguyên tuy được đại hiệp Tự-An bắn sỏi trợ giúp thắng đại cao thủ bậc nhì bang Hoàng-Đế, nhưng vì công lực thấp quá, bà bị trúng Chu-sa độc chưởng. Bà cảm thấy đau đớn vô cùng.

    Vừa lúc đó, thầy đồ đã đổi từ chưởng Sài-sơn sang Đông-a chưởng. Đại-Bằng đánh liền năm chiêu. Thầy đồ khoan thai đỡ. Cứ mỗi chiêu thầy lại lùi một bước. Đến chiêu thứ sáu, thầy hô:

    - Ngừng tay. Mi chết rồi, ta không đấu với mi nữa.

    Đại-Bằng chưa kịp hỏi tại sao, thì y cảm thấy như có con dao đâm vào ngực. Y hét lên be be, tỏ vẻ đau đớn cùng cực. Thầy đồ nói lớn:

    - Chư quân Tống, Việt nghe đây. Tên này nguyên là đệ nhất cao thủ phái Hoa-sơn, nhưng phản môn hộ theo bọn ma đầu, sau được đại sư Minh-Thiên chỉ điểm cho mà thoát ách. Y cải bang Nhật-hồ thành bang Hoàng-Đế, rồi thề rằng nếu y còn dùng độc chưởng thì sẽ bị chết cháy trong vạc dầu. Bây giờ y nuốt lời. Y thề sao thì ta cho được như vậy.

    Thầy vung tay, người Đại-Bằng bay bổng lên cao, rơi tõm xuống vạc dầu. Y hét lên một tiếng, rồi nằm im, toàn thân ngâm trong dầu, duy đầu thò ra ngoài, thành ra chốc lát người y vàng ngậy, trong khi đầu, cổ, tóc còn tươi nguyên.

    Người đàn bà xấu xí đưa mắt cho thầy đồ. Thầy đồ lạng người tới chụp Bảo-Hòa. Còn bà ta chụp Thanh-Nguyên. Hai người hú lên một tiếng dài miên miên bất tuyệt. Quân tướng Tống, Việt đều choáng váng. Khi tiếng hú dứt, hai người đã đem Bảo-Hòa, Thanh-Nguyên đi mất.

    Tôn Mạnh xua thú tấn công. Trung-Đạo phất cờ, quân Trường-sinh tiến lên. Quân Tống kinh hoàng bỏ chạy ra bờ biển. Bấy giờ Trung-Đạo mới nhận ra rằng: Địch Thanh cực kỳ khôn ngoan, y đã cho quân bệnh rút xuống thuyền từ bao giờ. Đám quân dàn trận phía trước là quân từ Quảng-châu tới cứu viện. Tôn Tiết, Trương Ngọc, Địch Thanh đi cản hậu.

    Thấy Tôn Mạnh cầm cờ thúc thú tấn công quân mình, Tôn Tiết nổi điên lên, y phát chưởng đánh vào đỉnh đầu ông, những toan giết chết ông trong một vài chiêu. Tôn Mạnh thấy chưởng mạnh khủng kiếp, ông nhảy lùi vào trận thú. Tôn Tiết di chuyển theo, đánh chiêu thứ nhì. Bất đắc dĩ Tôn Mạnh phải vung tay đỡ. Bình, người ông bay tung lên. Tôn Tiết không tha, y đánh với theo một chưởng. Nhưng bóng trắng thấp thoáng, một thanh kiếm đưa ngang. Khi Tôn Tiết vừa nhận ra người cứu Tôn Mạnh là vua bà Bình-Dương thì đầu y đã lìa khỏi cổ.

    Trương Ngọc đánh một chưởng vào lưng vua Bà, trả thù cho Tôn Tiết. Trung-Đạo quát lên:

    - Ngừng tay.

    Rồi ông tung một chiêu, đỡ chưởng của y. Hai chưởng chạm nhau rầm một tiếng, có mấy mảnh vải bay tung trước gió, thì ra hai chưởng có sức ép, làm khăn bịt mặt Trung-Đạo bị rách bươm. Trương Ngọc nhận ra Trung-Đạo, y kêu lên:

    - Thì ra Phiêu kị đại tướng quân. Người chẳng từng là Tổng quản thị vệ ư?

    Quân sĩ nghe Trương Ngọc gọi, đều quay lại nhìn Trung-Đạo. Chúng đồng la lớn:

    - Quan Đại tư mã Kinh-châu.

    Đến đây bọn tướng Tống đã xuống thuyền. Thuyền vội chèo ra khơi, để lại mấy vạn quân trên bờ. Đám quân sĩ đồng buông vũ khí quỳ gối:

    - Xin quan Tư-mã tha mạng.

    Động lòng cố cựu, Trung-Đạo phất cờ cho quân Việt ngừng chiến, đội thú lui lại. Ông nói với vua Bà:

    - Sư muội, trước đây ta là Tư-mã Kinh-châu, đám tướng sĩ này đều do ta đào tạo. Sư muội vì ta, tha cho họ.

    Ông gọi đám binh Tống đứng gọn vào một chỗ, tổng cộng có hơn ba vạn người. Ông an ủi chúng, cấp lương thực cho ăn, sai y sĩ điều trị thương binh, còn sai thuyền chở về Kinh-châu nữa.



    Thay cho hồi kết
    Thiên-đài đại đại phân Nam-Bắc,
    Lĩnh địa niên niên dữ Việt-thường.
    (câu đối tại Thiên-đài)

    Nghĩa là:
    Núi Thiên-đài thời thời phân ra Nam, Bắc.
    Núi Ngũ-lĩnh năm này qua năm khác với giòng giống Việt-thường.

    Hôm ấy là ngày chín tháng ba, chỉ còn một ngày nữa là ngày giỗ Quốc-tổ của tộc Việt. Từ mấy nghìn năm trước, cứ đến mồng mười tháng ba, là võ lâm, nhân sĩ, quan lại các nơi đổ đồn về núi Thiên-đài để hành hương, viếng thăm di tích thời lập quốc. Bởi Thiên-đài là nơi vua Đế-Minh tế cáo trời đất, phong cho con trưởng làm vua phương Bắc tức vua Nghi.

    Phong cho con thứ làm vua Lĩnh-Nam tức vua Kinh-Dương. Ngài chỉ trời đất thề rằng:

    "Từ nay đến muôn đời sau, Bắc không xâm Nam; Nam chẳng lấn Bắc. Nếu ai trái lời thì tuyệt tử tuyệt tôn".

    Từ đấy Thiên-đài trở thành di tích lập quốc của tộc Việt.

    Hôm ấy tuy mới mồng chín, nhưng năm nay là năm đầu tiên kể từ thời vua Trưng bị Hán xâm; núi Thiên-đài được người Việt chiếm lại, và người Việt nô nức kéo nhau đi dự lễ.

    Một cỗ xe lớn, do bốn ngựa kéo, đang ì ạch theo đường Nam-Bắc tiến đến chân núi Ngũ-lĩnh. Trên xe, thầy đồ Bắc ngạn cùng một người đàn bà xấu xí, ruổi ngựa theo hướng Bắc. Chỉ còn cách chân núi mười dặm, thì gặp một đạo quân Đại-Việt đóng dài bên đường. Viên đội trưởng bước ra vẫy tay cho xe ngừng lại, rồi anh ta hỏi:

    - Phải chăng quý khách đi dự giỗ tổ ?

    - Đúng thế.

    Anh đội trưởng chỉ lên ngọn núi :

    - Xin ông bà cứ theo đường có cờ kéo mà đi.

    Thấy binh lính lễ phép thì thực lễ phép, nhưng họ nói tiếng Việt lơ lớ, nho sinh đánh xe hỏi:

    - Anh em thuộc đội quân nào? Dưới quyền ai?

    Người đội trưởng cung tay:

    - Chúng cháu thuộc đạo quân U-bon do trấn Bắc thượng tướng quân U-bon quận vương, phò mã Lê Văn cùng trưởng công chúa An-nan Tam-gia La-sun tổng chỉ huy.

    Người phụ nữ ngồi cạnh móc trong bọc ra một đĩnh vàng, trao cho viên đội trưởng:

    - Nhân ngày giỗ Quốc-tổ, tôi tặng anh em chút tiền, để uống rượu.

    Người đội trưởng cung kính nhận vàng:

    - Kính chúc ông bà được thụ ân Quốc-tổ.

    Chiếc xe lại lên đường cùng với những xe khác, kéo thành một đoàn dài. Nho sinh đánh xe cười với người đàn bà ngồi cạnh:

    - Quân của Lê Văn có khác, ôn nhu, lễ độ vô cùng. Nhị muội cho họ một đĩnh vàng, thì e đến một vạn người uống rượu cũng đủ.

    Người đàn bà nhìn ra sau xe, nơi có hai người nằm dài trùm chăn:

    - Em lo quá. Lỡ ra hôm nay Thiệu-Thái không lên đây dự lễ, thì e Bảo-Hòa, Thanh-Nguyên nguy mất. Hai người mê man đã hơn một ngày rồi. Tuy em điểm huyệt để chúng bớt đau, nhưng độc chất mỗi lúc một phát tác rộng ra.

    - Hôm qua, ta sai chim ưng đi tìm Thiệu-Thái, cùng sư bá Hồng-Sơn, mà không thấy. Từ hôm Thiệu-Thái về Tiên-yên dùng thần công trị độc cho Lý Nhân-Nghĩa, Lê Phụng-Hiểu tới giờ, y biến mất. Bình-Dương cũng không rõ y ở đâu.

    Xe bắt đầu leo dốc. Con đường được sửa chữa, cắt cây, làm cỏ sạch sẽ. Tới đỉnh, thầy đồ đánh xe vào khu dành cho xe, ngựa đậu, rồi bước xuống cột ngựa vào gốc cây. Xung quanh đã có hàng trăm xe đậu từ bao giờ. Người người nô nức đi dự giỗ Tổ.

    Có hai người lính Việt chạy ra hỏi:

    - Ông bà có cần chúng tôi giúp đỡ gì không?

    - Tôi muốn hai chú cho xin bát nước uống.

    Hai người lính chạy vào trong, rồi bưng nước ra, hai tay trịnh trọng đưa cho khách:

    - Xin mời ông bà xơi nước chè.

    Thầy đồ và người đàn bà xấu xí đưa tay tiếp bát nước. Nhanh như chớp, một người lính bật tay lên điểm vào huyệt Khúc-trì thầy đồ. Trong khi người kia điểm vào huyệt Dương-khê người đàn bà. Hai tay bị tê liệt. Thầy đồ, người đàn bà kinh hãy, nhảy lùi liền hai bước, thì phía sau, ai đó vung roi. Roi trúng huyệt Phong-thị. Thế là thầy đồ với người đàn bà xấu xí bị tê liệt hoàn toàn. Hai người lính ôm ông bà để lên xe, rồi nhìn nhau cùng cười khúc khích.

    Người đàn bà quát lớn:

    - Bọn mi là ai?

    Một người lính đến ôm lấy ngang lưng người đàn bà, rồi nới lớn:

    - Ngộ là ông mai lớ. Cái lày ngộ tem pà gả chồồng lớ.

    Nghe tiếng quen quen, người đàn bà quát:

    - Người là ai?

    Người lình càng ôm chặt hơn, rồi cười khành khạch.

    Người lính kia mở cửa xe, đỡ Bảo-Hòa, Thanh-Nguyên dậy, bỏ vào miệng mỗi người một viên thuốc. Hai người rùng mình rồi bước xuống đất. Thanh-Nguyên hô lớn:

    - Xuất hiện đi thôi.

    Từ trong đền thờ Quốc-tổ, một đoàn người ào ra. Khai-Quốc vương đi đầu, rồi tới Tạ Sơn, Đinh Hương-Tử; Mỹ-Linh, Thiệu-Thái ; Tôn- Đản, Cẩm-Thi ; Kim-Thành, Thuận-Tông; Trường-Ninh, Thiện-Lãm; Thiệu-Cực, Thanh-Trúc; Tôn Mạnh; Trần Anh, Tĩnh-Ninh; Tôn Trọng, Đào Phương-Hồng; Tôn Quý, Phùng Kim-Thanh. Còn có cả Thường-Kiệt, Dư Phi; Nùng Trí-Cao, Tạ Thuần-Khanh.

    Thanh-Nguyên chạy ra trước xe, tay lột mặt nạ người đàn bà xấu xí. Mọi người cười ồ lên, vì chính là vương phi Thanh-Mai. Bà lại gỡ mặt nạ thầy đồ Bắc ngạn ra. Mọi người lại cười ồ lên, vì chính là Thông-Mai.

    Hai người lính tự lột mặt nạ ra, chính là Kinh-Nam vương Tư-Mai, và Hoa-sen vương Lê Văn. Thanh-Nguyên giải huyệt cho anh chị, rồi nói:

    - Anh cả, chị hai à. Anh chị có giận triều Lý là giận chư vương chỉ ham phú quý mà làm loạn. Nay chư vương quyền không ra khỏi căn nhà, uy không ra khỏi phòng ngủ. Còn cái chí của chúng ta, đã đạt đưực. Anh cả, chị hai cũng nên xuất hiện đi thôi.

    Thanh-Mai chỉ Tự-Mai:

    - Mưu này do mi bầy ra hẳn?

    Tự-Mai lắc đầu:

    - Không phải em.

    Bà chỉ Thiệu-Cực:

    - Chắc là y?

    - Thưa mợ không phải cháu.

    - Thế thì là ai?

    Thanh-Nguyên chỉ xuống sườn núi, nơi có bẩy người, năm nam, hai nữ đang dạo chơi, đó là Quốc-sư Huệ-Sinh, đạo sư Nùng-Sơn tử, Hồng-Sơn đại phu với Huệ-Phương; đại hiệp Tự-An với Đào Hà-Thanh và đại hiệp Đặng Đại-Khê:

    _- Chính Quốc-sư đã chỉ cho em làm. Chị Bảo-Hòa với em giả trúng độc; anh Thiệu-Thái biệt tăm; anh Tự-Mai, Lê Văn phục ở đây đều do Quốc-sư ban từ dụ cả.

    Chỉ có Thường-Kiệt ngơ ngơ ngác ngác hỏi Thông-Mai:

    - Thưa sư thúc, cháu thấy sư thúc không phải là thầy đồ Bắc-ngạn, mà là...

    Dù Thường-Kiệt đã thành đại tướng, Thanh-Mai vẫn yêu thương cháu như hồi xưa. Vương phi cầm chiếc roi vung ra, cuốn lấy y, rồi rung tay một cái, Thường-Kiệt bay lên ngồi bên cạnh bà:

    - Để cô dạy khôn cho. Trong tất cả chúng ta đây, ai cũng là Ưng-sơn được cả, chúng ta giả trang giống nhau để lừa thiên hạ. Thầy đồ hôm ở Bắc-ngạn là sư thúc Thông-Mai. Thầy đồ trêu cháu với Thuần-Khanh ở Bắc-biên là Tôn Đản. Thầy đồ dán hịch hôm cháu bị tĩnh thân là ta. Thầy đồ cứu bà Thuần-Anh là bố ta. Thầy đồ giết chết Tây-Sơn đạo sư trong trận Khúc-giang là thái sư phụ Đặng- Đại-Khê. Thầy đồ phục kích bắt mấy trưởng lão bang Hoàng-Đế tại Như-hồng là ta. Còn thầy đồ nướng chả bọn chúng thì chính là sư thúc Thông-Mai.

    Bảo-Hòa hỏi Tự-Mai:

    - Tình hình quân Tống mặt Bắc ra sao?

    - Khi nghe tin Nùng Trí-Cao lên ngôi, tự xưng là Nhân-Huệ hoàng đế, cải tên nước là Đại-Nam. Triều Tống cử em trấn từ Bắc Ngũ-lĩnh tới Trường-sa. Em án binh bất động, rồi dâng biểu về triều rằng em không thể đem quân Tống đánh quân Việt, lại càng không thể đem quân Việt đánh quân Tống. Em xin nhà vua cho treo ấn từ quan, về điền viên. Biểu gửi đi hơn mười ngày, thì một hôm em mời Lê Văn, Nong-Nụt tới hồ Động-đình chơi. Lúc thuyền về đến Trường-sa thì Quách Qùy, Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt, Khúc Chẩn đem quân làm phản, định vây bắt em. Nhưng khi em cùng công chúa đối diện với ba quân, thì quân tướng sợ uy, không dám ra tay. Em xung vào trận bắt Quách Qùy; Văn bắt Triệu Tiết; công chúa bắt Tu Kỷ; Nong-Nụt bắt Yên Đạt. Khúc Chẩn trốn thoát. Em tra khảo, chúng xì ra đạo mật chỉ của nhà vua dặn rằng khi thấy em có hành vi phản bội Tống, thì lập tức đem binh bắt giết ngay. Vì vậy, chúng thấy em với Lê Văn chơi hồ Động-đình, thì ra tay. Em bỏ tất cả chúng xuống thuyền, rồi đe Quách Quỳ: từ nay trở đi, nếu để cho em thấy mặt thì em đập nát thây. Văn đệ đe Triệu Tiết: nếu để Văn đệ thấy mặt, thì Văn đệ sẽ thiến. Sau đó em cho thuyền về Bắc.

    Nắng tháng ba chói chang trên đỉnh Thiên-đài. Khai-Quốc vương chỉ con sông Tương uốn khúc tới hồ Động-đình nói với vương phi:

    - Em nhìn kìa, kia là Tương-Nam, Tương-Trung, Tương-Bắc, kia là cánh đồng Tương. Chỗ chúng ta ngồi ngày hôm nay, là nơi mà Quốc-tổ, Quốc-mẫu đã ngồi.

    Vương quay lại, thì Bảo-Hòa, Thông-Mai đang khoan thai dạo bước dưới sườn núi; còn bọn Tự-Mai, thì đang ở trong đền thờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu.

    Một đám mấy trắng trôi qua, đâu đó tiếng tiêu dìu dặt vọng về, hòa với tiếng thông reo, như tiếng Quốc-tổ, Quốc-mẫu thì thầm dặn con cháu.

    Hết

Trang 6 / 6 ĐầuĐầu ... 456

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •