TP. Hà Nội có khoảng 2.000 chung cư mini



Toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, theo Điện lực Hà Nội.



Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: vneconomy.vn)

Chiều 15/9, tại hội nghị trực tuyến về vụ cháy tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong, đại diện Điện lực Hà Nội cho biết toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ.

Cơ quan này cho hay sẽ tổng kiểm tra việc cung cấp, sử dụng điện tại tất cả chung cư mini; xử lý các sai phạm nếu có.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, các chung cư mini khi được cấp phép xây dựng là công trình riêng lẻ, sau đó chủ nhà tự ý chuyển đổi trái pháp luật. Sở sẽ có văn bản chi tiết hướng dẫn kế hoạch tổng kiểm tra chung cư mini của thành phố; lập tổ công tác cùng các quận huyện kiểm tra, xử lý.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá nguy cơ cháy nổ đối với hầm để xe quá lớn, khi cháy vô phương cứu chữa. Bên cạnh đó, ắc quy xe điện cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đầy đủ.

Từ vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, ông Thanh gợi ý cần có thang dây thoát nạn khi cháy nổ với những khu vực khó có đường thoát hiểm. “Nếu khó khăn kinh phí thì huy động nhân dân cùng làm”, ông nói.

Địa phương buông lỏng quản lý trong cấp phép xây dựng

Ngày 14/9, ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng đã kiểm tra chung cư mini bị cháy tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, giấy phép xây dựng cấp cho ông Nghiêm Quang Minh (chủ nhà bị cháy), ghi rõ “được phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ” cao 6 tầng, trong đó không mô tả cụ thể nhà này có nhiều căn hộ hay không. Thực tế, ngôi nhà bị cháy là nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh (cho thuê, hoặc bán), gồm 10 tầng với 45 căn hộ, người dân quen gọi “chung cư mini”.

Ngôi nhà chỉ có một cầu thang ở giữa để làm thang bộ kiêm thoát nạn. Trong khi theo yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cho nhà và công trình thì cầu thang thoát nạn trong trường hợp này phải kín, được đặt trong buồng thang để khi cháy thì khói không thể vào, đảm bảo an toàn cho người. Tầng một cũng cần đảm bảo có hành lang thoát nạn, không được để những đồ dễ cháy như xe máy, xe đạp điện.

Nhà có khu vực giếng trời, thông gió từ tầng một lên các tầng. Khi xảy ra cháy, khói và lửa đã theo giếng thông gió này ngược lên trên, qua cửa sổ vào trong các gian phòng. Do vậy, hầu hết căn phòng trong chung cư này bị nhiễm khói. Đặc biệt ở tầng 4 có một phòng cháy nhiều do lửa theo giếng thông gió qua cửa sổ và cháy vào các vật liệu như rèm cửa. Đa phần nạn nhân tử vong do nhiễm khói.

Còn với công trình nhà ở là chung cư, ông Vũ Ngọc Anh cho biết loại này phải tuân thủ các quy định pháp luật, như thiết kế đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, trong đó địa điểm xây dựng phải phù hợp quy hoạch được phê duyệt. Yêu cầu về mật độ dân số cũng phải nằm trong giới hạn cho phép để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phải tính tới đường cho xe cứu hộ cứu nạn tiếp cận khi không may có hỏa hoạn xảy ra.

Ông Vũ Ngọc Anh cho rằng trường hợp ngôi nhà ở phố Khương Hạ cho thấy các sai phạm vi phạm trật tự xây dựng, tiềm ẩn nguy cơ cháy do chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật về xây dựng và phòng cháy chữa cháy, cố tình vi phạm vì lợi ích cá nhân. Tình trạng địa phương buông lỏng quản lý diễn ra phổ biến. “Các vi phạm về cấp phép, không đảm bảo điều kiện an toàn… đều do địa phương được phân cấp quản lý, nhưng lại buông lỏng”, ông Vũ Ngọc Anh nói.

Khánh Vy (t/h)