ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ VÀ CÕI TỊNH ĐỘ CỰC LẠC


NHỮNG BÌNH GIẢNG KHẨU TRUYỀN
CỦA ĐỨC DRIKUNG KYABGON CHETSANG RINPOCHE

Nói chung, ta được biết là có nhiều cõi Tịnh Độ, nhiều cõi linh thánh của những Đấng Giác ngộ mà chúng ta gọi là chư Phật. Cõi Tịnh Độ của Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà thì đúng là một nơi độc nhất vô nhị. Có những cõi Tịnh Độ ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, và ở trung tâm. Trong số đó, cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà là nơi dễ đến nhất và vì thế rất đặc biệt. Nhờ lập một ước nguyện đặc biệt được tái sinh trong cõi Tịnh Độ Cực Lạc, ta có thể thành tựu sự chuyển di tâm thức của ta tới cõi đó. Năng lực của lời cầu nguyện, năng lực của ước nguyện sùng mộ và nhiệt thành là tất cả những gì cần phải có. Trong mối liên hệ với thế giới của ta thì Cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà ở phương tây và ở phía trên thế giới của ta. Ta phải chấp nhận một vũ trụ quan và nhận ra rằng có nhiều hệ thống thế giới khắp không gian. Tôi đang nói tới một hệ thống hết sức bao la. Chúng ta hãy xác định vị trí của ta. Điều tôi đang nói - trong phạm vi của hệ thống vĩ đại - vận hành như sau: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đấng Giác ngộ chính yếu trong một tiểu thiên thế giới vĩ đại. Điều này có nghĩa là toàn thể hệ thống được gọi là vũ trụ của ta với những mặt trời và mặt trăng, những vì sao và hành tinh, là một đơn vị. Nhân nó lên một ngàn lần và sau đó nhân lên một ngàn lần rồi một ngàn lần nữa. Đó là ba tiểu thiên thế giới. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thống lĩnh một trong những tiểu thiên thế giới đó. Cõi của Đức Vô Lượng Quang A Di Đà thậm chí siêu vượt hệ thống vũ trụ đó. Điều tôi đang giảng có xuất xứ từ một lời cầu nguyện do Karma Chagme sáng tác biểu lộ nguyện ước mãnh liệt được tái sinh trong cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Trong bài nguyện, Karma Chagme nói rằng cõi Tịnh Độ Cực Lạc có phạm vi rộng lớn như thế, vượt xa thực tại bình thường của chúng ta và mắt trần của chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy nó. Nó không phải là cái gì có thể được nhìn thấy một cách vật lý. Nó quá bao la; phạm vi của nó không thể so sánh với bất kỳ tiêu chuẩn nào. Ta biết rằng nó vượt quá khả năng tri giác của các giác quan của ta. Nó rất xa và rộng lớn, vì thế hoàn toàn vượt quá khả năng đo lường của ta. Chúng ta có thể nhìn thấy những vì sao và đi tới mặt trăng, nhưng các giác quan của ta sẽ không bao giờ nhận thức được thực tại của Cõi Cực Lạc. Đối với sự suy nghĩ và nhận thức bình thường của ta thì nó quá xa và quá bao la. Trong ý nghĩa đó, ta không thể tới đó bằng bất kỳ phương tiện vật chất nào. Tuy nhiên, khi tâm ta đã được tịnh hóa, được tiệt trừ được những lỗi lầm, khi trở về trạng thái nguyên sơ của chính nó thì ta có thể trực tiếp kinh nghiệm thực tại của cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Cách thức để tri giác cõi Tịnh Độ là bằng tâm chứ không bằng những giác quan. Vì thế, hãy thiết lập cái thấy đó trong tâm bạn và hình dung rằng an trụ ở trung tâm của Cõi Cực Lạc bao la, gồm chứa tất cả là Chúa tể của cõi Tịnh Độ: Đức Phật A Di Đà, Đức Phật Vô Lượng Quang. Thân Ngài có sắc đỏ và trông giống Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài có đủ 80 tướng chính và 32 tướng phụ của một hiển lộ Hóa Thân toàn giác. Chẳng hạn như Ngài có nhục kế mà bạn nhìn thấy ở những pho tượng và thangka của Đức Phật. Trong bàn tay Ngài có những luân xa và v.v.. như bạn có thể nhìn thấy có nhiều tướng khác nhau. Hai bàn tay ở trong tư thế quân bình thiền định, Ấn Thiền Định, và trong bàn tay là một bình bát. Trông Ngài rất giống Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chỉ khác ở điểm nước da Ngài có mầu đỏ hồng ngọc đậm. Trông Ngài thật rực rỡ và chói lọi. Ngài an tọa trên một hoa sen và một tòa mặt trăng. Sau lưng Ngài là Cây Như ý. Bên phải Ngài là Đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm) có sắc trắng. Bên trái Ngài là Đức Vajrapani (Kim Cương Thủ), Chúa tể của Những Phương tiện Mãnh liệt. Đây là ba vị lãnh đạo của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Nói một chút về lịch sử sự hình thành cõi Tịnh Độ Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì đó là một cõi Tịnh Độ không có những khiếm khuyết. Nó viên mãn trong mọi phương diện. Sự nhận thức về cõi Tịnh Độ đó không xuất hiện mà không có nguyên nhân. Nguyên nhân của cõi linh thánh toàn hảo này là gì? Rất nhiều kiếp về trước, trước khi là một vị Phật, Đức Phật A Di Đà là một tu sĩ có tên là Dharmakara (Pháp Tạng), có nghĩa đen là căn nguyên của Pháp. Khi Ngài tu hành như một Bồ Tát, Ngài đã lập một loạt những lời cầu nguyện, hay những nguyện ước mãnh liệt, về cách thế của những sự vật khi Ngài hoàn toàn Giác ngộ. Ngài nói: Có rất nhiều cõi Tịnh Độ và những người tới được cõi đó là những chúng sinh đã từ bỏ ác hạnh, những người đã tích tập vô số công đức, và đã chuyên cần thực hành Pháp. Họ có thể đi tới những cõi Tịnh Độ đó, nhưng điều đó rất khó khăn. Còn tất cả những người không từ bỏ ác hạnh, không tích tập rất nhiều công đức, và không thể thực hành một cách nghiêm nhặt thì sao? Tôi sẽ thiết lập một cõi Tịnh Độ để những người đó có thể dễ dàng đi tới. Nguyện tôi giải thoát tất cả chúng sinh không có những phẩm tính siêu nhiên đó của những hành giả đi tới những cõi Tịnh Độ của tất cả những vị Phật khác. Có nhiều bản văn cầu nguyện (hay thệ nguyện) của Đức Phật A Di Đà lập nên khi Ngài là Dharmakara (Pháp Tạng). Chỉ riêng ở Tây Tạng đã có 500 bản văn cầu nguyện khác nhau. Ở Trung Hoa có nhiều bản văn về việc lập những Đại Nguyện của Đức A Di Đà. Nói chung, có thể nói rằng tất cả những nguyện ước mãnh liệt của Ngài có thể được sắp xếp thành Bốn Mươi Tám Đại Nguyện. Cõi Tịnh Độ Cực Lạc trở thành hiện thực nhờ một trong Bốn Mươi Tám Đại Nguyện đó. Đây là nguyên nhân sự hiện hữu của Cõi Tịnh Độ Cực Lạc. Cõi Tịnh Độ này không hiện hữu mà không có nguyên nhân. Nguyên nhân của sự hiện hữu này là hoạt động của vị Bồ Tát bậc đã trở thành Đức Phật A Di Đà. Nói chung, tất cả chư Phật giữ gìn mọi chúng sinh trong tâm khảm của các Ngài với lòng từ ái và bi mẫn. Bởi lòng đại bi của các Ngài, các Ngài lập những nguyện ước mãnh liệt. Các ngài lập những đại nguyện, làm việc trải qua nhiều đời; trong khi tu hành là những Bồ Tát trước khi thành Phật để ảnh hưởng tới tất cả chúng sinh bằng vô số phương cách. Giống như cọ xát hai cây gậy với nhau đủ lâu và đủ mạnh bạn có thể tạo ra lửa, nhờ tích tập công đức và trí tuệ nguyên sơ thì mọi sự đều có thể được thành tựu. Trong trường hợp này điều được thành tựu là sự thiết lập Cõi Tịnh Độ Cực Lạc ở phương tây của thế giới chúng ta nhờ sự tích tập vô lượng công đức và trí tuệ nguyên sơ của Ngài. Một lần nữa, chúng ta hãy khảo sát sự ẩn dụ của hai cây gậy cần thiết để tạo ra lửa. Lửa không xuất hiện tự nhiên từ một cây gậy. Bạn cần có hai cây gậy và cần nỗ lực cọ xát chúng với nhau bằng một cách thức đặc biệt trong một thời gian. Cuối cùng một tia lửa bật ra từ sự kết hợp của hai cây gậy và lửa bắt đầu cháy. Trong một cách thế tương tự, mọi hiện tượng, mọi thực tại, mọi pháp, đều hiển lộ nhờ sự kết hợp của tánh Không và căn nguyên tương thuộc (duyên sinh.) Mọi sự hoàn toàn có sự quan hệ hỗ tương với nhau. Điều đó được gọi là sự duyên sinh. Đó là một cây gậy. Cây gậy kia là tánh Không: Chân lý của tánh Không, sự hoàn toàn không có sự hiện hữu nội tại của mọi hiện tượng. Hai cây gậy kết hợp với nhau, là bản tánh thực sự của thực tại. Đây là sự thực của mọi sự, của mọi thực tại. Hãy để cõi Tịnh Độ sang một bên trong chốc lát và hãy khảo sát cõi giới chúng ta đang sống. Thế giới chúng ta thì cũng thế. Nó là sản phẩm của sự hợp nhất bất nhị của sự trong sáng (quang minh) và tánh Không, của hình tướng và tánh Không. Những sự vật xuất hiện trong một cách thế hoàn toàn không bị chướng ngại, và tuy thế chúng không có thực chất. Thực chất của chúng thì trống không. Điều đó có nghĩa là mọi khả năng của kinh nghiệm bắt nguồn từ sự hợp nhất bất nhị của hình tướng và tánh Không. Chúng ta hãy khảo sát sự hiển lộ của thế giới chúng ta hay của cõi Tịnh Độ. Mọi sự không đơn thuần là một sự trống không (tánh Không) bởi chúng xuất hiện, có phải thế không? Ta có thể nhìn thấy rõ ràng mọi sự. Mọi sự dường như có sự hiện hữu và mọi sự có vẻ có một căn bản vật chất trong thế giới chúng ta. Đó là một vế của phương trình biểu thị sự hiển lộ rõ ràng của các hiện tượng, của những kinh nghiệm. Tuy nhiên, vế đó không thể có nếu không có tánh Không. Nếu mọi sự có sự hiện hữu vững chắc, vật chất, nội tại thì không điều gì có thể hiện hữu. Chính nhờ tánh Không mà những sự vật có thể hiển lộ như những hình tướng. Chỉ vì có tánh Không nên mọi sự vật mới có thể hiện hữu. Không có tánh Không thì sẽ chỉ là một khối cứng đặc vững chắc. Như thế thì sẽ chỉ là một vật. Không điều gì có thể hình thành sự hiện hữu tương đối mà không có sự đặt nền chủ yếu trong tánh Không. Vì thế chính nhờ tánh Không mà thế giới chúng ta hiện hữu. Nhờ tánh Không, cõi Tịnh Độ Cực Lạc được thiết lập bởi năng lực của sự nguyện ước, tích tập công đức, và trí tuệ nguyên sơ của Đấng giác ngộ A Di Đà. Tôi nghĩ rằng nếu bạn mới đến với Đạo Phật thì điều này thật khó hiểu, nhưng quả thật chỉ nhờ có tánh Không màcó hình tướng. Bây giờ ta hãy tiếp tục khảo sát những phẩm tính đặc biệt của cõi Tịnh Độ được hình thành nhờ những nguyện ước của Đức Phật A Di Đà được gọi là Cõi Cực Lạc (Dewachen). Ta được biết là có nhiều cõi Phật khác, nhưng để tới được những nơi đó ta phải hoàn toàn đạt được một địa vị cao quý. Ví dụ như để đi tới cõi Tịnh Độ của Đức Phật khác thì phải là một Bồ Tát thập địa hoặc đang tới gần những cánh cổng của sự giác ngộ toàn triệt và viên mãn, và phải tích tập vô lượng công đức. Những chúng sinh bình thường rất khó ước nguyện tới đó. Còn tiếp.

http://www.quangduc.com/tinhdo/87phatdida.html