Giai thoại về thơ Đường Luật


1. Câu chuyện thứ nhất:
Bớt chữ trong bài thơ Tứ Tuyệt Đường Luật.


Câu chuyện này nói về cụ Bùi Hữu Nghĩa sửa thơ Tứ tuyệt Đường Luật.

Một tác giả nào đó đã viết bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt Đường Luật "Thanh Minh Thời Tiết" rất hay. Bài thơ nầy bị thất lạc mất tên tác giả, có lẽ tác giả cũng chỉ làm một đôi bài, nên không nổi tiếng chăng.

Nguyên tác: Thanh Minh Thời Tiết

Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ thị
Mục đồng giao chỉ Hạnh Hoa thôn


Dịch nghĩa:

Trời thanh minh mưa bay lất phất
Người đi trên đường lạnh đến mất hồn
Mới hỏi thử nơi nào có bán rượu
Trẻ chăn trâu chỉ ở Hạnh Hoa thôn


Thế mà, trong một lúc cao hứng, cụ Bùi Hữu Nghĩa bèn phê bình rằng bài thơ nầy thừa nhiều chữ quá, thừa ít nhất là hai chữ mỗi câu. Nên ông bèn bớt đi, và biến bài thơ ấy thành một bài Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt. Điều kỳ lạ là sau khi bỏ đi hai chữ, bài nầy vẫn còn giữ nguyên nghĩa, và dường như nó hay hơn thật, vì súc tích hơn:


Nguyên tác:

Thời tiết vũ phân phân
Hành nhân dục đoạn hồn
Tửu gia hà xứ thị
Giao chỉ Hạnh Hoa thôn


Dịch nghĩa:

Trời mưa bay lất phất
Người đi lạnh mất hồn
Hỏi nơi nào bán rượu
Được chỉ Hạnh Hoa thôn

Suy ra, chỉ có kiểu niêm luật chặt chẽ như lối làm thơ Đường Luật, cụ Bùi Hữu Nghĩa mới có có thể bỏ hẳn mỗi câu hai chữ mà ý nghĩa bài thơ vẫn không thay đổi.


2. Câu chuyện thứ hai:
Thêm chữ trong bài thơ Tứ tuyệt Đường Luật.

Câu chuyện sau đây cũng liên quan đến cụ Bùi Hữu Nghĩa và thơ Đường Luật, nhưng lần nầy, cụ Bùi sửa thơ Đường Luật có hơi khác với cách trên.

Số là có một bài thơ nói về bốn cái mừng trong thiên hạ. Cũng không còn rõ tác giả, theo "giai thoại làng văn" của Thái Bạch như sau:


Nguyên tác:

Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì


Dịch nghĩa:

Nắng lâu gặp mưa rào
Xa quê gặp bạn cũ
Đêm động phòng hoa chúc
Lúc tên đề bảng vàng

Đại khái, bốn trường hợp ấy đều là những trường hợp mừng vui trong thiên hạ.

Tuy nhiên, cụ Bùi Hữu Nghĩa bàn rằng nếu chỉ ngần ấy thôi mà đã mừng, thì cái mừng ấy hãy còn chưa rõ ý. Bài thơ nầy phải thêm vào mỗi câu hai chữ nữa, thì cái mừng ấy mới thật là mừng. Và cụ thêm vào như sau:

Nguyên tác:

Thập niên cửu hạn phùng cam vũ
Thiên lý tha hương ngộ cố tri
Hòa thượng động phòng hoa chúc dạ
Nột nho kim bảng quải danh thì


Dịch nghĩa:

Mười năm nắng hạn gặp mưa rào
Xa quê ngàn dặm gặp bạn cũ
Nhà sư đêm động phòng hoa chúc
Học trò dốt được đề tên bảng vàng


Chưa hết, cụ Bùi lại bàn tiếp rằng cũng cái bài nguyên tác ấy, mà thêm vào hai chữ khác, thì nó hóa ra bốn cái buồn trong thiên hạ, chứ chẳng phải mừng nữa. Và cụ thêm vào như sau:

Nguyên tác:

Diêm điền cửu hạn phùng cam vũ
Đào trái tha hương ngộ cố tri
Yểm hoạn động phòng hoa chúc dạ
Cừu nhân kim bảng quải danh thì


Dịch nghĩa:

Ruộng muối nắng lâu gặp mưa rào
Trốn nợ xa quê gặp bạn cũ
Người bị hoạn ở trong đêm động phòng hoa chúc
Kẻ thù ta lại được đề tên bảng vàng


Nguồn: dongsuoimo