.

Trích kinh Tâm Địa Quán.


...Thiện nam tử !

Tâm như huyễn pháp, do biến kế chấp sinh, nên mọi món tưởng, thọ, vui, khổ do tâm sinh ra .

Tâm như dòng nước chảy, niệm niệm sinh diệt, đối với đời trước, sau không tạm dừng.

Tâm như gió lớn, trong khoảng sát na qua mọi phương sở.

Tâm như đèn lửa, mọi duyên hòa hợp sinh ra .

Tâm như chớp sáng, chỉ khoảng chốc lát, chứ không dừng lâu .

Tâm như hư không , nhưng bị khách trần phiền não ngăn che .

Tâm như con hầu, con vượn, nhẩy nhót trên cây ngũ dục không tạm dừng.

Tâm như thợ vẽ, vẽ ra mọi hình sắc thế gian.

Tâm như kẻ tôi tớ, bị các phiền não sai khiến.

Tâm như người đi một mình, không có người thứ hai .

Tâm như quốc vương, khởi ra mọi sự, được tự tại .

Tâm như oán gia, khiến tự thân chịu khổ não quá.

Tâm như bụi trần, bám nhơ tự thân, sinh ra tạp uế.

Tâm như ảnh tượng ( bóng dáng ) đối với pháp vô thường chấp là thường.

Tâm như huyễn mộng, đối với tướng ngã, pháp chấp làm ta .

Tâm như Dạ xoa , ăn mất mọi pháp công đức.

Tâm như con nhặng (ruồi) xanh, ăn đồ uế ác.

Tâm như kẻ sát nhân, hay hại thân mê.nh.

Tâm như kẻ đối địch, thường rình lầm lỗi .

Tâm như trộm giặc, trộm mất công đức.

Tâm như trống lớn, khởi sự chiến đấu .

Tâm như con phi nga, thích sắc đèn sáng.

Tâm như con hươu đồng, chạy theo tiếng giả.

Tâm như đàn lợn, thích đồ tạp uế.

Tâm như đàn ong, gom góp mùi mật ngọt.

Tâm như voi say, mê chơi voi cái .

Thiện nam tử! Như thế, nói về tâm, tâm sở pháp không trong, không ngoài, cũng không trung gian; đối với trong mọi pháp, tìm không thể được, quá khứ, vị lai, hiện tại, cũng không thể tìm được, siêu việt ba đời, chẳng phải có, chẳng phải không.

Chúng sinh thường ôm ấp sự nhiễm trước, nhiễm trước từ vọng duyên hiện khởi; duyên không có tự tính, vì tâm tính không. Như thế, không-tính không sinh, không diệt, không lại, không đi, không một, không khác, chẳng phải đoạn, chẳng phải thường, vốn không có nơi sinh, cũng không có nơi diệt, cũng chẳng phải viễn ly, và chẳng phải chẳng viễn ly .

Những tâm như thế không khác với vô vi và thể vô vi không khác với những tâm ấy .

Thể của tâm pháp vốn không thể nói được , thời cái phi tâm pháp cũng không thể nói được.

Sao vậy ?

--Nếu vô vi là tâm, tức là đoạn kiến; nếu lìa tâm pháp, tức là thường kiến. Lìa hẳn hai tướng, không chấp trước hai bên, ngộ được như thế gọi là "chânđdế" và người ngộ được chânđdế ấy là Hiền-thánh. Hết thảy Hiền-thánh tính vốn không tịch, trong pháp vô vi, giới không có trì, phạm, cũng không có lớn, nhỏ, không có tâm-vương, tâm-sở-pháp và không có khổ, không có vui . Như thế, tự-tính pháp giới vô cấu ( không nhơ ), không có tướng sai biệt: thượng, trung, hạ ..

Sao vậy ?

--Vì, vô-vi pháp-tính ấy bình đẳng, như nước mọi dòng sông chảy vào trong bể đều đồng một vị, không có tướng sai biệt. Tính vô cấu ấy chẳng phải thực, chẳng phải hư . Tính vô- cấu ấy là đệ- nhất nghĩa, vì nó không có tướng hết và diệt, thể nó vốn không sinh. Tính vô cấu ấy thường trụ bất biến vì là tối thắng Niết Bàn, ngã sở thanh tịnh. Tính vô cấu ấy xa lìa hết thảy, vì bình đẳng và bất bình đẳng, thể nó vẫn không khác.

Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn cầu vô-thượng chính đẳng chính-giác, cần nên một lòng tu tập quán-pháp Tâm Địa như thế!


( Trích kinh Tâm Địa Quán, phẩm Quán Tâm, trang 415, do Hòa Thượng Thích Tâm Châu dịch, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản )


.