Giáp Tết, trong guồng quay hối hả xã hội, những người thu mua đồng nát bận rộn hơn vì đây là dịp nhiều gia đình dọn dẹp cuối năm, cần “giải quyết” những thứ “chổi cùn rế rách” không dùng tới.


Công việc đang “hút khách” những ngày giáp Tết của chị em “đồng nát” là lau dọn nhà cửa cho các gia đình. Ảnh: Vy Anh
Với một số người “đồng nát”, họ ít đi thu mua “hàng” vào dịp này, bởi “lịch làm việc” đã kín đến 29 Tết…

Nhọc nhằn mưu sinh…

Nghề thu mua đồ phế liệu, được người đời gọi ngắn gọn bằng cái tên “đồng nát”. Thậm chí, đứng giữa phố, chỉ cần gọi “đồng nát ơi”, lập tức người thu mua dừng lại và “giao dịch” ngay. Hàng hóa họ mua thì đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ giấy báo, đồng nhôm, đồ nhựa, đồ điện cũ, hỏng… để mang đi bán lại kiếm chút lãi. Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên cái thời người thu mua đồng nát gánh trên vai đôi quang gánh và tiếng rao lảnh lót: “Ai lông gà lông vịt đồng nhôm cũ hỏng bán đê….”. Giờ thì trong “danh mục hàng hóa” của họ không còn cái khoản “lông gà lông vịt” nữa. Phương tiện đi lại của những người thu mua đồng nát giờ đây chủ yếu là bằng xe đạp vì đỡ mất sức, đi được xa và len lỏi được vào những khu dân cư.

Phần lớn họ là dân “ngoại tỉnh” về Hà Nội mưu sinh. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, chị Phượng, SN 1979, quê tỉnh Nam Định lên Hà Nội làm nghề này từ năm 2005. “Tôi thuê nhà trọ cùng mấy chị đi trước, tiền nhà, điện nước, tiền cơm chia đều. Buổi trưa, chúng tôi về nấu cơm ăn xong, nghỉ ngơi rồi chiều lại đi tiếp, cuối giờ chiều đến điểm thu mua để bán hàng, thường hôm nào cũng 18g30 chúng mới về nhà. Mỗi ngày trừ chi phí đi chúng tôi cũng để ra được một ít, nói chung thu nhập khá hơn ở nhà làm ruộng”.

Chị Nhài, SN 1976, quê Hà Nam, để lại 2 con nhỏ ở quê lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề “đồng nát”. Những ngày đầu tiên, phần vì nhớ nhà, nhớ con, phần vì chưa quen công việc nên chị bị ốm một trận kịch liệt. Chị chia sẻ: “Hồi đó, nhờ có các chị em trong phòng chăm sóc, động viên nên giờ tôi trụ lại được và bây giờ “đi chợ” cũng thạo rồi. Ban đầu tôi sắm quang gánh như ở dưới quê nhưng đi lại cũng thấy bất tiện, lại không đi được xa nên giờ tôi kiếm cái xe đạp đi cho tiện”.

Mỗi ngày, chẳng quản nắng mưa, giá rét, trung bình các chị đi vài chục cây số là chuyện bình thường. Những đồ đồng nát thường không được sạch sẽ, cồng kềnh, nặng nhưng các chị cố gắng chằng buộc mang về nơi thu mua. Đôi khi, có những thứ đồ mà chủ nhà muốn bán nhưng các chị không thạo nên không dám mua như: Điều hòa cũ hỏng, loa đài, tivi, bàn ghế, giường tủ cũ… các chị lại có mối sẵn để mách cho họ đến mua và hưởng chút tiền “hoa hồng”.

Đôi khi, trong bước đường mưu sinh họ cũng gặp phải những điều không vui. Thường là ánh mắt xem thường của nhiều người, các gia đình không bao giờ cho người “đồng nát” vào nhà vì sợ mất cắp. Họ cứ đứng ở ngoài chờ dù trời nắng như đổ lửa hoặc mưa dầm, trẻ nhỏ cũng có những lời nói xấc xược với những người làm nghề “đồng nát” như các chị. Ngược lại, có những người gọi các chị vào nhà mua đồng nát nhưng thực ra để lợi dụng sàm sỡ. Cũng có những giây phút chạnh lòng khi giáp Tết, mọi nhà đều đã sắm Tết nhưng các chị vẫn mải miết với cuộc bán mua đồ đồng nát và thường trở về nhà vào ngày 29. Đã có những năm xe khách đông quá, mấy chị em “nhẩn nha” đạp xe từ Hà Nội về Hà Nam với đủ thứ lỉnh kỉnh trên xe và đó cũng là một kỷ niệm vui thường được nhắc lại.
Một công việc mới…

Tình cờ biết Phượng trong một ngày giáp Tết 2008 khi gọi em vào mua đồ đồng nát. Em nhanh nhẹn dọn dẹp qua căn phòng sau khi đã mua bán xong. Nhìn em làm việc, chợt nảy ra ý định nhờ em dọn nhà giúp trong khi bản thân đang rất bận. Hôm sau, em quay lại lau dọn nhà và cả gia đình thật sự hài lòng khi trở về nhà vào buổi chiều. Từ đó tới nay, cứ mỗi khi giáp Tết, em lại tới dọn nhà theo “lịch” đã được gia đình đăng ký trước. Càng ngày, lịch làm việc của em và các chị em càng “dày” hơn trước, điều đó chứng tỏ “uy tín” trong công việc của em ngày càng nhiều người biết đến.

Phượng vừa làm việc vừa tâm sự: “Em đi làm thế này, tiền công ngày thường là 40 nghìn đồng/g, những ngày cận Tết mức giá nhích lên 50 nghìn đồng/g nên cũng kiếm thêm được chút ít để lo Tết cho gia đình. Chồng em lên đây chạy xe ôm và 2 vợ chồng thuê nhà trọ ở riêng nên cũng tốn kém hơn trước. 3 cháu, đứa lớn học lớp 9, đứa nhỏ học lớp 5 đều trông cả vào ông bà nội, ngoại chăm sóc. Nhiều lúc nghĩ cũng thương và nhớ các con nhưng phải cố làm việc kiếm tiền, về quê trông vào mấy sào ruộng thì làm sao đủ ăn trong khi còn nhiều thứ tiền cần chi tiêu?”. Sau vài năm tằn tiện, chắt chiu, vợ chồng Phượng đã xây được căn nhà mới và các cháu nhờ có ông bà đôn đốc nên năm nào cũng đạt học sinh giỏi.

Cũng đã có không ít trường hợp các gia đình thuê “đồng nát” vào dọn nhà và bị mất đồ nên việc các em bị “giám sát chặt” khi làm việc là điều đương nhiên. Có lần, Phượng đưa một người bạn đi “đồng nát” tới dọn nhà cùng vì căn nhà đó rộng và lịch làm việc hôm đó của em cũng bận, người đó đã lấy lọ nước hoa của chủ nhà. Khi phát hiện ra, em đã quay lại trả và xin lỗi chủ nhà. Trong lĩnh vực nào cũng có người tốt kẻ xấu, với người như Phượng, có lẽ nhiều gia đình không phải băn khoăn khi giao nhà cho em vào dọn dẹp. Em chia sẻ: “Đói cho sạch, rách cho thơm chị ạ, nếu gia đình có gì không dùng thì em xin, còn em không tự ý lấy đồ của gia chủ, làm như vậy thì lần sau ai còn dám gọi mình đến dọn nhà nữa”. Chính vì suy nghĩ như vậy nên vào những ngày giáp Tết, thu nhập của em luôn ở mức khoảng 500 nghìn đồng/ngày chưa kể những thứ chủ nhà cho em mang về. Trước đây, khi nào cần mới gọi cho em, giờ thì phải “đăng ký lịch làm việc” với em trước những 15 ngày. Vậy mới biết, làm nghề nào cũng cần giữ chữ tín mới bền.


***

Có thể thấy đằng sau vất vả nhọc nhằn, những giọt mồ hôi giữa giá lạnh của họ là ánh mắt lấp lánh niềm hy vọng, sự ngóng chờ một cái Tết đủ đầy hơn của người thân nơi quê nhà…

theo phapluatxahoi.