Người đàn ông hiến máu cứu sống 2 triệu trẻ em




Nhìn bề ngoài, James Harrison cũng giống như tất cả những người đàn ông khác. Ông yêu quý con gái và các cháu ngoại của mình, có thú vui sưu tập tem và thích đi bộ quanh nhà ở một vùng biển miền Trung Australia. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài bình thường ấy lại là một người đàn ông vô cùng đặc biệt, thậm chí có thể nói phi thường.



Được biết đến với biệt danh “Người đàn ông với cánh tay Vàng”, gần như mỗi tuần trong suốt 60 năm qua, ông Harrison đều đặn đi hiến tặng huyết tương từ cánh tay phải của mình. Nguồn cơn của việc này xuất phát từ một thủ thuật y khoa mà ông đã trải qua khi còn là một đứa trẻ. “Năm 1951, khi 14 tuổi, tôi phải phẫu thuật ở ngực để lấy đi một lá phổi. Khoảng 2 ngày sau ca phẫu thuật, tôi tỉnh lại và được cha tôi giải thích những chuyện đã xảy ra. Ông ấy nói rằng tôi đã nhận được 13 lít máu. Mạng sống của tôi đã được những người mà tôi không hề quen biết cứu rỗi. Bản thân cha tôi khi đó cũng đã hiến máu để cứu tôi. Chính vì vậy nên sau đó tôi đã đặt quyết tâm rằng khi đủ lớn, tôi cũng sẽ đi hiến máu” – ông Harrison, hiện 78 tuổi, nhớ lại.





Ông James Harrison (Ảnh: CNN)



Vấn đề chết người


Chỉ ít lâu sau khi lần đầu thực hiện được mong muốn hiến máu của mình, ông Harrison được các bác sỹ đề nghị gặp mặt. Trong cuộc nói chuyện đó, họ nói với ông rằng dòng máu mà ông đang mang trong người có thể chính là câu trả lời cho một vấn đề có thể gây chết người. “Ở Australia, mãi đến khoảng năm 1967 vẫn có hàng nghìn trẻ tử vong trong khi các bác sỹ không biết đâu là nguyên nhân. Khi đó, cũng có nhiều phụ nữ đã liên tục bị sẩy thai còn những đứa trẻ được sinh ra trong tình trạng bị tổn thương não” - bà Jemma Falkenmire, thuộc bộ phận Dịch vụ Máu ở Hội Chữ Thập đỏ Australia cho biết.

Trên thực tế, tình trạng trên là kết quả của bệnh Rhesus – một căn bệnh trên thực chất là việc máu của thai phụ đã tấn công tế bào máu của thai nhi mà người phụ nữ đang mang trong mình. Trong những trường hợp tồi tệ nhất, tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương não hay tử vong ở trẻ.

Bệnh Rhesus xảy ra khi người phụ nữ mang thai có máu Rhesus âm tính (Rh‾) và đứa trẻ trong tử cung của người mẹ lại có máu Rhesus dương tính (Rh+) do được thừa hưởng từ người cha. Nếu người mẹ nhạy cảm với máu Rh+, cơ thể người đó có thể sản sinh ra kháng thể có thể tiêu diệt tế báo máu của thai nhi.

Về phía Harrison, các bác sỹ phát hiện ông có một loại kháng thể bất thường trong máu và trong những năm 1960, ông đã phối hợp với các bác sỹ dùng những kháng thể trong máu của mình để phát triển một sinh phẩm được gọi là Anti-D. Sinh phẩm này ngăn tình trạng phụ nữ với máu Rh‾ phát triển các kháng thể Rh trong quá trình mang thai. “Australia là một trong nước đầu tiên phát hiện một người hiến máu có kháng thể này. Vì vậy nên đây thực sự là một cuộc cách mạng tại thời điểm đó” – bà Falkenmire nhớ lại.

Món quà quý giá


Dòng máu của Harrison thực sự rất quý giá. Bởi, tấm lòng của ông và sinh phẩm Anti-D được sản xuất từ dòng máu của ông đã cứu được tính mang của hơn 2 triệu trẻ em, theo thống kê của Cơ quan dịch vụ máu thuộc Hội Chữ Thập Đỏ Australia. “Mỗi túi máu đều rất quý giá nhưng máu của ông James Harrison lại “đặc biệt phi thường”. Dòng máu của ông ấy thực sự đã được sử dụng để tạo ra một loại thuốc cứu mạng khi được tiêm vào cơ thể những bà mẹ có nguy cơ tấn công những thai nhi mà họ đang mang trong người. Tất cả những lô Anti-D từng được sản xuất tại Australia đều được sản xuất từ dòng máu của ông ấy” – bà Falkenmire cho biết, và nói rằng với việc có hơn 17% phụ nữ ở Australia có nguy cơ tấn công chính thai nhi của mình thì ông James thực sự đã cứu rất nhiều mạng sống.

Một trong những người đã được ông Harrison cứu sống là bé trai Samuel, mới chỉ 5 tuần tuổi. Mẹ của bé là chị Kristy Pastor được tiêm Anti-D lần đầu khi mang thai lần thứ 2. Với những kháng thể của ông Harrison trong máu của Pastor, bé trai Samuel đã chào đời khỏe mạnh và lành lặn. “Họ chỉ nói với tôi rằng tôi cần phải tiêm vaccine. Tôi đã không nghĩ nhiều về việc này. Về sau tôi bỏ công tìm hiểu và phát hiện ra câu chuyện về ông James. Tôi thực sự đã vô ngưỡng mộ ông ấy, ngưỡng mộ những việc thiện nguyện mà ông ấy đã làm. Tôi cũng rất biết ơn ông ấy vì những thứ mà ông ấy đã mang đến cho tôi. Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ còn tiếp tục hiến tặng máu của mình lâu lâu nữa, để chúng tôi tiếp tục có loại vaccine này” – chị Pastor cho hay.

Các bác sỹ hiện vẫn không thể xác định chính xác tại sao ông Harrison lại có nhóm máu đặc biệt này nhưng họ nghĩ rằng đó có thể là do ông đã được nhận máu của nhiều người khác nhau sau ca phẫu thuật phổi năm 14 tuổi. Theo cơ quan Dịch vụ máu của Hội Chữ Thập Đỏ Australia, Harrison là một trong khoảng 50 người có chứa các kháng thể đặc biệt này. “Tôi nghĩ ông James là người không thể thay thế đối với chúng tôi” – bà Falkenmire khẳng định.



Nhóm máu hiếm của ông Harrison đã cứu hàng triệu trẻ em Australia (Ảnh: CNN)

Bà này cũng cho biết bà không nghĩ có người có thể làm được những việc mà ông Harrison đã làm nhưng việc tìm ra người để thay thế ông là hiện là rất cần thiết. “Ông ấy vài năm nữa rồi cũng sẽ phải nghỉ ngơi vì vậy chúng tôi hy vọng rằng sẽ có người hiến máu và có ai đó có loại kháng thể này để trở thành người cứu rỗi những người khác như ông Harrison từng làm. Tất cả những việc mà chúng tôi có thể làm hiện nay là hy vọng có ai đó đủ rộng lượng và vị tha như ông ấy” – bà Falkenmire nói thêm.

Với những nghĩa cử của mình, ông Harrison được xem là một anh hùng quốc gia và đã được trao nhiều giải thưởng khác nhau. Tính đến nay, ông đã đi hiến huyết tương của mình hơn 1.000 lần. Và ông cho biết sẽ còn tiếp tục việc đang làm cho đến khi nào không thể…


Theo Daily Mail