Người Nhật lịch thiệp nhất thế giới?




Đảo Ninoshima ở Hiroshima (Ảnh: Angeles Marin Cabello)

Mặt trời đã bắt đầu lặn xuống mặt biển ánh đỏ báo cho chúng tôi biết là chúng tôi đã nấn ná đạp xe quá lâu trên đảo Ninoshima tại vịnh Hiroshima, Nhật Bản. Không chắc chắn về việc rời bến của chuyến phá cuối cùng đi vào đất liền, chúng tôi đứng lại hỏi ở một quán bên đường. Việc này làm nhiều người lo lắng vì chuyến phà sắp rời bến.

“Các anh sẽ kịp nếu đi theo đường tắt” một người bước ra ngoài nói, anh chỉ về phía một con đường hẹp đi lên đồi. Do trời đang tối đi rất nhanh nên chúng tôi rất nghi ngại nhưng rồi cũng đạp xe lên dốc. Khi nhìn quanh chúng tôi ngạc nhiên thấy anh bạn vừa mới gặp chạy bộ sau chúng tôi với một khoảng cách tế nhị để đảm bảo chúng tôi không bị lạc đường, và chỉ quay lại khi bến cảng xuất hiện ở cuối dốc. Việc làm tử tế ngẫu nhiên của anh giúp chúng tôi tới phà sớm vài phút.

Đó là một trong những trải nghiệm đầu tiên với omotenashi, thường được dịch là “sự mến khách Nhật Bản”. Thực tế nó là sự kết hợp của sự lịch thiệp hết sức tinh tế với khát khao giữ hòa thuận và tránh xung khắc.

Omotenashi là một cách sống ở Nhật. Người bị cảm lạnh mang khẩu trang để tránh lây sang người khác. Người láng giềng đưa hộp bột giặt bọc gói như quà tặng trước khi bắt đầu việc xây dựng, ý là để bạn giặt quần áo vì thể nào cũng sẽ có bụi bậm.

Nhân viên các cửa hàng và quán ăn cúi gập chào đón bạn với câu nồng nhiệt irasshaimase (xin chào quý khách). Khi trả lại tiền thừa, họ đặt một tay dưới tay bạn để tránh rơi xu. Khi bạn rời tiệm, không có gì là bất thường khi họ đứng ở lối ra và cúi tiễn chào cho tới khi bạn đi khuất.

Kể cả máy móc cũng thực hiện omotenashi. Cửa xe taxi tự động mở khi bạn tới gần và găng tay trắng đồng phục của lái xe không chờ đón tiền boa. Thang máy xin lỗi khi làm bạn phải đợi lâu, và khi bạn vào nhà vệ sinh nắp bệ ngồi tự động bật lên. Biển báo trên đường ‘có công trường phía trước’ vẽ hình một công nhân xây dựng cúi chào rất ngộ nghĩnh.


Hàng xóm tặng hộp bột giặt được bọc gói đẹp đẽ (Ảnh: MIXA/Alamy)

Trong văn hoá Nhật, người càng là người lạ trong một nhóm nào đó thì càng được đối xử lịch thiệp, đó là vì sao người nước ngoài (gaijin, nghĩa là người ngoài) không thể không ngỡ ngàng thấy mình được quá ưu đãi. “Điều này vẫn làm tôi ngạc nhiên sau 9 năm ở đây,” Carmen Lagasca giáo viên tiếng Tây Ban Nha nói. “Người ta cúi chào khi ngồi cạnh bạn trên xe buýt, và lại cúi chào khi đứng dậy. Lúc nào tôi cũng thấy cái gì mơi mới.”

Nhưng omotenashi vượt trên cả việc đối xử tốt với khách; nó thấm sâu và lan tỏa ở mọi cấp bậc của cuộc sống hàng ngày và được giáo dục từ khi còn trẻ thơ.


Người Nhật học phép lịch sự từ một câu tục ngữ cổ (Ảnh: Alexander Spatari/Getty)

“Nhiều người trong chúng tôi lớn lên với một câu tục ngữ,” Noriko Kobayashi, giám đốc công ty du lịch DiscoverLink Setouchi với mục tiêu tạo công việc, gìn giữ di sản địa phương và phát triển du lịch ở Onomichi, tỉnh Hiroshima, nói. “Câu tục ngữ đó là ‘Sau khi ai làm điều gì tốt với ta thì ta nên làm điều gì đó tốt cho người đó. Nhưng sau ai khi làm điều gì xấu với ta, ta không nên làm điều gì xấu với người đó,’ tôi nghĩ rằng suy nghĩ đó làm chúng tôi lịch thiệp trong cư xử.”

Vậy tất cả sự lịch thiệp đó ở đâu mà ra? Theo Isao Kumakura, giáo sư danh dự ở viện nghiên cứu của Bảo Tàng Quốc Gia Dân Tộc Học ở Osaka thì phần lớn phép xã giao của Nhật bắt nguồn từ lễ nghi chính thức của nghi thức dùng trà và võ thuật. Thực tế là danh từ omotenashi, có nghĩa “tinh thần phục vụ”, là xuất phát từ nghi thức dùng trà. Chủ nhà cố gắng hết sức để tạo không khí thích hợp để chiêu đãi khách, lựa chọn những bát, hoa và đồ trang trí phù hợp nhất mà không mong đợi bất kỳ điều gì từ khách cả. Khách biết chủ rất vất vả, đền đáp bằng cách thể hiện lòng biết ơn vô vàn. Cả hai bên tạo ra một không khí hòa hợp và tôn trọng, xuất phát từ lòng tin là cái tốt lành chung cho nhiều người phải đi trước nhu cầu riêng tư.



Người địa phương cúi gập chào đón bạn và niềm nở nói irasshaimase (xin chào) (Ảnh: Wayne Eastep/Getty)

Cũng tương tự như vậy, lịch thiệp và thông cảm là những giá trị cốt lõi của Bushido (Hiệp sỹ đạo) tức quy tắc đạo đức của samurai. Quy tắc tinh vi này, tương tự như phong cách hiệp sĩ thời trung cổ, không những chỉ chi phối danh dự, kỷ luật và đạo đức, mà còn cả cách làm đúng đắn mọi việc từ bắn cung đến pha trà. Lời giáo huấn dựa vào thiền của phong cách trên đòi hỏi biết làm chủ cảm xúc, tĩnh tâm và tôn trọng người khác kể cả kẻ thù. Bushido là nền tảng cho quy tắc cư xử nói chung trong xã hội.


Ở Nhật Bản sự lịch thiệp lan tỏa đến mọi mức độ của cuộc sống hàng ngày và được dạy bảo từ thuở còn thơ (Ảnh: Angeles Marin Cabello)

Điều kỳ diệu khi tiếp xúc với biết bao điều lịch thiệp là nó có tính dễ lây như bệnh sởi. Chẳng bấy lâu mà bạn cảm thấy mình cư xử tốt hơn, nhẹ nhàng hơn, có ý thức trách nhiệm hơn, giao nộp ví người khác đánh rơi cho cảnh sát, mỉm cười khi nhường đường cho các lái xe khác, không vứt rác bừa mà mang rác về nhà và không bao giờ nói to (hoặc xỉ mũi) nơi công cộng.
Sẽ tuyệt vời không nếu mỗi người thăm Nhật mang một chút omotenashi về nhà và phân phát ra xung quanh? Hiệu ứng làn sóng có thể lan tràn khắp thế giới.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel