Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Bí quyết để sống hạnh phúc là biết chờ đợi hạnh phúc của mình.
H. Riviere
Results 1 to 5 of 5

Chủ Đề: Thi pháp thơ Đường Luật

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    THƠ ĐƯỜNG LUẬT



    1. TỔNG QUÁT
    2. THƠ TỨ TUYỆT
    3. PHÉP ĐỐI
    4. PHÉP HỌA
    5. LUẬT VỀ ĐIỆU THƠ
    6. ĐỐI NGẪU







    Để chúng ta có thể cùng nhau học làm thơ Đường luật, Hansy tóm tắt lại những điều căn bản trong giáo trình dạy làm thơ Đường luật sưu tầm được.
    Trong này, Hansy có chú giải hoặc chỉnh sửa thêm vài điều, vài chỗ cho rõ nghĩa bài học và phù hợp với ngôn ngữ hiện đại.
    Vì để xuyên suốt bài học nên nếu các bạn thấy cần thiết thì PM cho Hansy hay lập Topic tại Box Thơ để cùng thảo luận thêm.

    CHÚC CHÚNG TA THÀNH CÔNG TRONG VIỆC TỰ HỌC LÀM THƠ ĐƯỜNG LUẬT






    Bài 1:
    TỔNG QUÁT



    Bài này trích từ quyển Văn học Việt Nam của GS Dương Quảng Hàm, viết tại Hà Nội tháng 6 năm 1939. In tại Taiwan do Bộ Giáo Dục, Trung tâm học liệu xuất bản.


    *******************************************



    Thơ Đường luật hay cận thể là thể thơ đặt ra từ đời nhà Đường (618-907) bên Trung Hoa, phải theo luật lệ nhất định.

    Tứ tuyệt hay bát cú:
    Theo số câu trong bài, thơ Đường luật chia ra làm hai lối:

    1- Tứ tuyệt: 4 câu
    2- Bát cú: 8 câu

    Trong hai lối ấy, lối bát cú là lối chính. Mà bát cú vần bằng là phổ biến hơn cả.
    (Các bạn chỉ cần học và trau dồi loại bát cú vần bằng là đủ để Làm thơ và Họa thơ Đường luật rồi).

    1. VẦN

    Cách gieo vần
    Thường dùng vần bằng, rất hiếm dùng vần trắc. Suốt bài thơ chỉ gieo một vần gọi là độc vận.
    Có 5 vần gieo ở cuối câu đầu và các câu chẵn, nghĩa là cuối các câu 1,2,4,6,8.

    Lạc vận và cưỡng áp
    Làm thơ phải hiệp vận cho đúng. Nếu gieo sai như cây đi với hoa là lạc vận (lạc: rụng). Nếu vần gieo gượng thì gọi là cưỡng áp. Hai cách này đều không được cả.

    2. ĐỐI

    Những câu phải đối trong một bài thơ bát cú, trừ hai câu đầu, hai câu cuối, còn bốn câu giữa cứ hai câu đối nhau: 3 với 4; 5 với 6.

    3. LUẬT

    Luật bằng và luật trắc
    Là cách sắp đặt tiếng bằng và tiếng trắc trong các câu của bài thơ. Luật nhất định buộc nhà làm thơ phải theo đúng mà đặt.

    LUẬT BẰNG:
    Bắt đầu bằng hai tiếng bằng

    Luật bằng vần bằng:

    1: B B T T T B B (v: vần)
    2: T T B B T T B (v)
    3: T T B B B T T
    4: B B T T T B B (v)
    5: B B T T B B T
    6: T T B B T T B (v)
    7: T T B B B T T
    8: B B T T T B B (v)

    LUẬT TRẮC:
    Bắt dầu bằng hai tiếng trắc

    A . Luật trắc vần bằng:


    1: T T B B T T B (v)
    2: B B T T T B B (v)
    3: B B T T B B T
    4: T T B B T T B (v)
    5: T T B B B T T
    6: B B T T T B B (v)
    7: B B T T B B T
    8: T T B B T T B (v)


    B. Luật trắc vần trắc


    1: T T B B B T T (v)
    2: B B T T B B T (v)
    3: B B T T T B B
    4: T T B B B T T (v)
    5: T T B B T T B
    6: B B T T B B T (v)
    7: B B T T T B B
    8: T T B B B T T (v)



    4. BẤT LUẬN

    Trong bài thơ, chữ thứ 1, thứ 3 không cần theo đúng luật bằng trắc (chữ thứ 5 không nên theo lệ bất luận).
    Nhưng chữ thứ 2, 4, 6 phải đúng luật bằng trắc: Nhị tứ lục phân minh.


    5. KHỔ ĐỘC

    Nghĩa là khó đọc, đọc lên trúc trắc không được êm tai. Tuy theo lệ "bất luận " có thể thay đổi mấy chữ trong câu thơ, nhưng đáng trắc mà đổi ra bằng thì bao giờ cũng được, chứ đáng bằng mà đổi ra trắc thì trong vài trường hợp, sự thay đổi ấy làm cho bài thơ khổ độc.
    Những trường hợp ấy là: Chữ thứ 3 các câu chẵn và chữ thứ 5 các câu lẻ đáng là bằng mà đổi ra trắc là khổ độc .

    6. THẤT LUẬT

    Trong một câu thơ chữ nào đáng là bằng mà đặt tiếng trắc, hoặc đáng trắc mà đặt tiếng bằng, thì gọi là thất luật (sai luật thơ), không được.

    7. NIÊM

    Niêm nghĩa đen là dính với nhau, là sự liên lạc âm luật của hai câu thơ trong một bài thơ Đường luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi nào hai chữ đầu câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Trong một bài thơ bát cú, những câu sau đây niêm với nhau.

    Thí dụ: Một bài thơ luật bằng vần bằng

    Câu 1 niêm với 8:
    B B T T T B B

    Câu 2 niêm với 3:
    T T B B T T B
    T T B B B T T

    Câu 4 niêm với 5:
    B B T T T B B
    B B T T b B T

    Câu 6 niêm với 7:
    T T B B T T B
    T T B B B T T

    Câu 8 niêm với 1:
    B B TT T B B

    8. THẤT NIÊM

    Trong một bài thơ, nếu cả hai câu thơ đặt sai luật, như đang bắt đầu bằng bằng đặt làm trắc trắc hoặc trái lại thế, làm cho cả câu thơ trong bài không niêm với nhau thì gọi là thất niêm (mất sự dính liền), không được.

    9. CÁC BỘ PHẬN TRONG BÀI THƠ

    Cách bố cục một bài thơ

    Một bài thơ bát cú giống như bức tranh. Trong cái khung nhất định 8 câu 56 chữ, làm sao vẽ thành một bức tranh hoàn toàn, hình dung được ngoại cảnh của tạo vật hay nội cảnh của tâm giới. Bởi vậy phải sắp đặt các bộ phận cho khéo. Có bốn bộ phận là: Đề, thực, luận và kết.

    1- Đề thì có phá đề (câu 1) là câu mở bài nói lung động cả ý nghĩa trong bài và thừa đề (câu 2) là câu nối với câu phá mà nói đến đầu bài.

    2- Thực hoặc trạng (câu 3-4): là giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thì chọn các cảnh sắc xinh đẹp đặc biệt mà mô tả ra, nếu là thơ tả tình thì đem các tình tự giãi bày ra; nếu là thơ vịnh sử thì lấy công trạng của người mình muốn vịnh mà kể ra.

    3- Luận (câu 5-6): là bàn bạc. Như tả cảnh thì nói cảnh ấy xinh đẹp như thế nào; vịnh sử thì hoặc khen hoặc chê, hoặc so sánh người ấy, việc ấy với người khác việc khác.

    4- Kết (câu 7-8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại cho mạnh mẽ rắn rỏi.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Bài 2:

    THƠ TỨ TUYỆT


    Để học làm thành công một bài thơ Đường luật Thất ngôn bát cú thì trước hết, chúng ta nên tập làm thơ Tứ tuyệt cho thật rành rẽ, điêu luyện. Bởi những quy định của thơ Tứ tuyệt cũng là quy định của thơ Đường luật.

    1. THƠ TỨ TUYỆT

    Thơ Tứ tuyệt là thơ Đường luật chỉ có 4 câu.
    Từ một bài thơ Đường luật Thất ngôn bát cú, có 4 cách ngắt để hình thành 4 bài thơ Tứ tuyệt.

    Thí dụ:

    THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ

    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương
    Ngàn năm kim cổ soi gương cũ
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

    BÀ HUYỆN THANH QUAN


    Có thể ngắt ra:

    1.
    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương


    2.
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương


    3.
    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương
    Ngàn năm kim cổ soi gương cũ
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường


    4.
    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
    Ngàn năm kim cổ soi gương cũ
    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường




    2. BẢNG LUẬT

    Từ thí dụ trên, cho thấy: Thơ Tứ tuyệt có loại 3 vần, có loại 2 vần và có đối hoặc không.
    Để dễ nhớ và có thể liên hệ khi đến giai đoạn tập làm thơ Đường luật, các bạn dùng ngay bảng luật của thơ Đường luật và viết cách quãng bảng luật đó ra để trở thành luật của thơ Tứ tuyệt.

    Cụ thể:

    A- Luật bằng vần bằng


    1: B B T T T B B (v: vần)
    2: T T B B T T B (v)
    3: T T B B B T T
    4: B B T T T B B (v)



    1: B B T T B B T
    2: T T B B T T B (v)
    3: T T B B B T T
    4: B B T T T B B (v)



    B- Luật trắc vần bằng



    1: T T B B T T B (v)
    2: B B T T T B B (v)
    3: B B T T B B T
    4: T T B B T T B (v)




    1: T T B B B T T
    2: B B T T T B B (v)
    3: B B T T B B T
    4: T T B B T T B (v)




    Nếu muốn, các bạn làm câu 3 và câu 4 đối nhau thì trở thành bài thơ Tứ tuyệt có đối.

    Vì là thơ Luật nên bắt buộc phải làm đúng luật.

    Nếu chưa nhập tâm luật, khi làm thơ Tứ tuyệt (hay Đường luật) chúng ta cứ để bảng luật trước mặt mà làm cho đúng luật. Sau khi làm xong, kiểm tra luật lại một lần nữa.

  3. #3
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Bài 3:
    PHÉP ĐỐI


    Câu đối là các câu văn đi song song với nhau từng cặp.

    Thí dụ:
    Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
    Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh


    Trong bài thơ Đường luật Thất ngôn bát cú, bắt buộc phải có đối với nhau giữa các câu 3 và 4. câu 5 và 6.

    Muốn câu đối chỉnh và cân, phép đối cần phải hội đủ 3 điều kiện:
    -Đối thanh
    -Đối ý
    -Đối từ loại

    1. ĐỐI THANH

    -Bảng luật bằng:

    B B T T B B T
    T T B B T T B

    -Bảng luật trắc

    T T B B B T T
    B B T T T B B


    Chí ít là các chữ 2,4,6,7 phải theo đúng luật bằng trắc.

    2. ĐỐI Ý

    Ý câu trên và ý câu dưới, hoặc chống nhau, hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau.

    Thí dụ:
    Tầng mây lơ lững trời xanh ngắt
    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo


    3. ĐỐI TỪ LOẠI

    Danh từ <-> Danh từ.
    Danh từ riêng <-> Danh từ riêng. Danh từ chung <-> Danh từ chung

    Động từ <-> Động từ.
    Trạng từ <-> Trạng từ.

    Tính từ <-> Tính từ.
    Tính từ có nhiều loại, nên:
    Gợi hình <-> Gợi hình. Màu sắc <-> Màu sắc. Mùi vị <-> Mùi vị.
    Tượng thanh <-> Tượng thanh. Số lượng <-> Số lượng.


    Tên người <-> Tên người.
    Tên nước, Tên địa phương <-> Tên nước, Tên địa phương
    Mùa tiết <-> Mùa tiết. Phương hướng <-> Phương hướng

    Chữ nặng <-> Chữ nặng. Chữ nhẹ <-> Chữ nhẹ
    Từ kép <-> Từ kép. Từ đơn <-> Từ đơn
    Thành ngữ <-> Thành ngữ. Chuyên ngữ <-> Chuyên ngữ

    Hán Việt <-> Hán Việt.
    Nôm (thuần Việt) <-> Nôm (thuần Việt)


    Hai cặp đối trong thơ Đường luật là tinh hoa của bài thơ. Nó là đặc điểm chính để nhận biết một bài thơ Đường luật. Hai cặp đối này còn giúp đo lường trình độ làm thơ Đường luật của tác giả.

    Một bài thơ thất ngôn bát cú mà không có 2 cặp đối ở Thực và Luận thì không phải là một bài thơ Đường luật.

  4. #4
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Bài 4

    PHÉP HỌA
    THƠ ĐƯỜNG LUẬT


    ***




    1. CÁC THỂ THỨC
    HỌA THƠ ĐƯỜNG LUẬT


    Có 2 thể thức họa thơ Đường luật là: Họa Hạn Vận và Họa Phóng Vận.

    1. HỌA HẠN VẬN:

    Họa hạn vận là phải theo sự hạn định trước. Người ta ra đề và cho vần nào thì mình phải dùng vần ấy. Thể Họa Hạn Vận nầy khác với thể Họa Phóng Vận, vì họa hạn vận không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải:

    - Diễn tả ý thơ theo đầu đề đã ra sẵn.
    - Dùng đúng 5 vần hạn định (trong 8 câu) và phải hạ vần đúng theo thứ tự đã hạn định.

    Thí dụ: Cuộc thi thơ do học giả Phan Kế Bính tổ chức như sau:

    a. Ðầu đề (nội dung) là:

    Trống treo ai dám đánh thùng
    Bậu không ai dám dở mùng chun vô

    b. Năm vần hạn định theo thứ tự là: xô - cô - vô - ô - rô.
    Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định, được giải nhất mà tác giả lại là một thiền sư chân tu !!! ... như sau đây:

    Nào phải là ai dám giục xô
    Thuận tình trước hết tự nơi cô
    Có cho mới dám trao dùi đánh
    Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
    Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
    Ham vui quên hết chuyện dâm ô
    Thói hư thuần thước xưa còn lạc
    Đừng học làm chi gióng nhảy rô

    Còn có một lối hoạ hạn vận rất khó. Hoàng Thứ Lang kể lại một câu chuyện như sau:

    Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đão Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một bài thơ Nôm Đường luật với các điều kiện sau:

    - Đầu đề: Xuân Khuê
    - Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
    - Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.

    Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:

    Xuân Khuê

    Một mong hai đợi bốn ba chờ
    Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
    Nửa gối năm canh gà gáy giục
    Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
    Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
    Chín khúc bên lòng vạn mối tơ
    Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
    Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ

    Phan Mạnh Danh


    2. HỌA PHÓNG VẬN

    Họa Phóng Vận là phỏng theo vần của bài xướng để họa lại mà các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng, còn ý nghĩa thì hoặc phụ theo cho rộng thêm, hoặc trái hẳn lại (phản đề).

    Họa phóng vận còn chia ra 4 hình thức là: Họa Nguyên Vận, Họa Đảo Vận, Họa Hoán Vận và Hoạ Tá Vận.

    a. Họa Nguyên Vận:
    là họa đúng 5 vần của bài xướng và hạ vần cũng đúng y theo thứ tự như cách hạ vần của bài xướng. Trong cách họa nguyên vận thường thì có bao hàm họa ý (hoặc đối ý) và đối luật với bài xướng. Nếu không đối luật được thì cũng có thể họa luật.

    b. Họa Đảo Vận:
    là họa ngược thứ tự của 5 vần từ dưới lên trên, thay vì họa nguyên vận là họa từ trên xuống còn họa đảo vận là họa từ dưới lên.

    c. Họa Hoán Vận:
    là thay đổi thứ tự vị trí các vần của bài xướng tùy theo ý người họa, sắp xếp lại sao cho vần điệu nghe êm tai hơn cách sắp xếp của bài xướng.

    d. Họa Tá Vận:
    Tá vận là mượn vần. Họa tá vận là bài họa chỉ mượn 5 vần của bài xướng để làm một bài khác mà nội dung hoàn toàn không liên quan gì đến bài xướng cả. Cách họa này ngày nay hầu hết được người ta làm rất nhiều vì dễ làm.

    CHÚ Ý QUAN TRỌNG:

    Trong thể thức Họa Vận, không được dùng trùng từ thứ 6 trong các câu có vần của bài xướng. Tức là không được dùng lại từ đứng trước của 5 vần bài xướng. Nói dễ hiểu là không được dùng lại chữ thứ 6 ở các câu 1-2-4-6-8 của bài xướng. Càng tránh dùng trùng từ trong toàn bài của bài xướng càng tốt, ngoại trừ những từ đặc biệt không thể tránh được.

    Hoạ nguyên vận là phải dùng lại vần đồng âm đồng nghĩa của bài xướng. Nếu dùng vần đồng âm dị nghĩa là không đúng phép hoạ thơ Đường luật.
    - Hoạ nguyên vận (mượn vần): dùng vần đồng âm đồng nghĩa (và cùng từ loại)
    - Hoạ tá vận: dùng vần đồng âm dị nghĩa (và không cùng từ loại).


    *

    đồng âm đồng nghĩa là cùng âm (the same sound) cùng nghĩa (synonym);
    đồng âm dị nghĩa là cùng âm (the same sound) nhưng khác nghĩa (the difference meaning).

    2. PHẦN QUAN TRỌNG
    TRONG HỌA THƠ



    Hoạ Thơ bao gồm 3 phần chính quan trọng sau đây:

    Đã có một bài thơ sẵn trước gọi là Bài Xướng. Bài xướng có thể chọn 1 bài đã có sẵn từ xưa, từ trước, hoặc 1 bài do 1 người khác làm trước "thách đố" cho người khác đáp lại. Người đáp lại thì bài reply đó gọi là Bài Họa. Bài họa phải có ít nhất 3 yếu tố quan trọng sau đây:
    1. Họa vần:
    5 vần tức là 5 tiếng (chữ) cuối của các câu 1-2-4-6-8 mà người xướng đã ra như thế nào thì người họa phải theo đúng y chang 5 vần đó, không được vì bí hay kẹt mà sửa đổi. Chỉ cần sai 1 trong vần kể trên thì bài họa coi như bị hỏng, và như vậy gọi là bị Xuất Vận nghĩa là bị ra khỏi vần đã hạn định cho mình, dĩ nhiên bài họa đó bị lỗi (Fail).

    2. Bài xướng nói lên ý (main idea) gì thì bài họa cũng phải nói lên ý đó hoặc tán rộng nghĩa ra thêm.

    3. Bài xướng gieo luật gì thì bài họa phải đối lại luật đó (trong xướng họa có hàm nghĩa đối đáp). Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại.


    Ngoài ra bài họa có thể đối ý lại bài xướng, thí dụ bài xướng khen 1 vấn đề gì thì bài họa có thể chê vấn đề đó (gọi là phản đề, nhưng không bắt buộc).

    Tóm lại 3 yếu tố 1-2-3 là cần thiết cho 1 bài họa xuất sắc.
    Sau đây là một thí dụ về xướng họa điển hình để làm mẫu. Hai bài này nổi tiếng trong văn học Việt Nam.

    Bài Xướng:

    TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
    (của Tôn Thọ Tường)

    Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
    Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
    Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
    Về Hán trau tria mảnh má hồng
    Son phấn thà cam dày gió bụi
    Đá vàng chi để thẹn non sông
    Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
    Thà mất lòng anh được bụng chồng


    Bài Họa:

    TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
    (của Phan Văn Trị)

    Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
    Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
    Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
    Duyên về đất Thục đượm màu hồng
    Hai vai tơ tóc bền trời đất
    Một gánh cương thường nặng núi sông
    Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
    Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
    3. CHÚ Ý
    KHI HỌA THƠ

    Họa vần là sáng tác một bài thơ thường gọi là bài họa, dựa trên hệ thống vần của một bài thơ có trước thường gọi là bài xướng.

    Thơ Đường luật có nhiều thể như thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú. Nếu thể thơ thất ngôn bát cú thì toàn bài có năm vần là chữ cuối cùng của các câu 1, 2, 4, 6, 8. Những chữ vần thường là thanh bằng (có một số bài làm theo vần trắc, thì các chữ ở vị trí này là thanh trắc).

    Sau khi có bài xướng, người làm thơ họa sáng tác một bài khác, dùng lại đúng năm chữ vần của bài thơ xướng, với điều kiện chỉ dùng chữ cuối, không được dùng chữ kế cuối.
    Nếu dùng lại chữ kế cuối là phạm nguyên tắc "khắc lục", là lỗi cấm kỵ trong họa vần thơ Đường luật.

    Bài họa phải diễn đạt lại ý chính (nội dung) của bài xướng, không được lạc đề.

    Thường là bài họa phải đối luật với bài xướng, nếu bài xướng luật bằng thì bài họa phải luật trắc và ngược lại. Kẹt lắm mới làm bài họa đồng luật với bài xướng.

    Thí dụ:

    Bài xướng:

    Vườn rau Cẩm Tú

    Thầy cho xới lại mảnh vườn hoang
    Cẩm Tú đem phân ủ mấy hàng
    Củ cải gieo gần dây mướp đắng
    Su hào tỉa cạnh gốc khoai lang
    Thì là diếp cá lên muôn lối
    Húng đổi cần tây mọc khắp đàn
    Tứ phía rau xanh nhìn mát mắt
    Tha hồ cải thiện bữa ăn...sang

    Cẩm Tú


    Bài hoạ:

    Vườn rau Cẩm Tú

    Cẩm Tú gieo trồng mảnh đất hoang
    Rau xanh thẳng tắp rất ngay hàng
    Ngò om óng mượt bên giàn mướp
    Húng quế thơm lừng kế luống lang
    Bí rợ tần ô lên bít lối
    Dưa leo ớt hiểm mọc đầy đàng
    Chiều chiều đứng ngắm lòng thanh thản
    Cuộc sống quê nghèo ngẫm lại...sang

    Hoàng Thứ Lang


    Không được dùng lại chữ thứ 6 (chữ kế cuối) trong các câu cước vận (câu 1-2-4-6-8) của bài xướng và tất cả những bài đã hoạ trước.
    5 chữ vần của bài hoạ không được khác nghĩa với 5 chữ vần của bài xướng.
    Coi như bài hoạ là bản copy những nét căn bản về ý và vần của bài xướng, vì vậy bài hoạ phải cùng một tựa đề với bài xướng.
    Hoạ thơ Đường luật không đến nổi quá khó nhưng không phải dễ dàng như nhiều người đã lầm tưởng !
    Hoạ sai một vần gọi là xuất vận: không được.
    Hoạ sai nghĩa một vần gọi là xuất ý: không được.

  5. #5
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    4. HÀM Ý
    TRONG XƯỚNG HỌA


    Xướng hoạ thơ Đường luật là có hàm ý đối hoạ ở trong đó.

    Người ta xướng ra mình phải đối đáp lại, vì vậy nếu chỉ một bài xướng và một bài hoạ thì bài hoạ bắt buộc phải đối luật với bài xướng.

    Thí dụ bài Tôn Phu Nhân Qui Thục xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Phan Văn Trị.

    Trường hợp bất khả kháng không thể đối luật được thì có thể châm chế hoạ đồng luật, nhưng bài hoạ đồng luật sẽ bị giảm giá trị vì không đáp ứng đúng thể thức xướng hoạ đúng cách.

    Bắt đầu những bài hoạ sau đó (nếu có) thì có thể dùng luật gì cũng được.

    Hoạ thơ là "vẽ lại" hình ảnh của bài xướng cho nên phải trung thực với bài xướng về ý cũng như vần.


    Hoạ sai ý bài xướng là không đạt.

    Hoạ sai bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất vận: không đạt. Xuất vận là đi ra khỏi sự hạn định về vần của bài xướng.

    Hoạ sai nghĩa bất cứ chữ vần nào của bài xướng gọi là xuất ý: không đạt. Xuất ý là đi ra khỏi ý nghĩa chữ vần của bài xướng.


    Hoạ thơ Đường luật đúng cách rất khó.

    Khi bạn bè (thi hữu) chung vui xướng hoạ với nhau, có thể dùng thể thức Hoạ Tá Vận (tức là mượn vần) để hoạ những vần tử vận và tử ý. Cách nầy không đạt nhưng cốt là để cùng nhau vui vẻ mà thôi. Nhưng cũng không nên đi xa thi đề (nội dung của bài xướng). Thí dụ bài Cảm Vịnh Cây Mai xướng của Tôn Thọ Tường, hoạ của Đông Hồ.

    Lấy thí dụ tử vận xót xa không thể nào hoạ nguyên vận theo chính hoạ được. Chúng ta có thể hoạ tá vận (mượn vần) theo bàng hoạ là xa xa, từ xa, đàng xa v.v... chẳng hạn. Dĩ nhiên là sai nghĩa của chữ xót xa rồi (bởi vậy mới bị xuất ý: không đạt), nhưng cốt để cùng nhau vui vẻ mà thôi.

    Thông vận, bàng đối và bàng hoạ... không xuất sắc.

    Làm thơ, nếu dùng thông vận thì nên dùng cận vận mà không nên dùng viễn vận. Viễn vận và cưỡng vận không hay, hạn chế dùng.

    5. NHỮNG BÀI THƠ
    MINH HỌA
    CHO CÁC THỂ THỨC HỌA THƠ



    1. HOẠ HẠN VẬN:

    Thí dụ:

    - Hạn đề:
    "Trống treo ai dám đánh thùng
    Bậu không ai dám dở mùng chun vô"

    - Hạn vận:
    Xô - Cô - Vô - Ô - Rô

    Bài họa:

    Nào phải là ai dám giục xô
    Thuận tình trước hết tự nơi cô
    Có cho mới dám trao dùi đánh
    Không hẹn nào ai đẩy cửa vô
    Mảng sướng kể gì thân lễ nghĩa
    Ham vui quên hết chuyện dâm ô
    Thói hư thuần thước xưa còn lạc
    Đừng học làm chi giống nhảy rô


    2. HỌA PHÓNG VẬN:

    Thí dụ 1:

    a. Họa nguyên vận:

    Bài xướng:

    TƯƠNG TƯ

    Tương giang hai đứa ở hai nơi
    Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
    Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
    Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
    Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
    Nét chữ run run ý cạn lời
    Định số an bài mang khổ hận
    Đêm trường thổn thức máu tim rơi

    Hoàng Thứ Lang
    11/8/05

    Bài họa:

    TƯƠNG TƯ

    Mỏi gót phiêu bồng khắp mọi nơi
    Về đâu trên vạn nẻo đường đời
    Mưa buồn đổ mãi mưa buồn hỡi
    Tuyết trắng rơi hoài tuyết trắng ơi
    Muốn nhắn đôi câu mà nghẹn ý
    Mong trao mấy tiếng lại ngăn lời
    Dòng sông ly biệt nào chia lối
    Ngắm dải Ngân Hà đếm lệ rơi

    Hoàng Thứ Lang
    11/8/05

    b. Họa đảo vận:

    Bài xướng:

    TƯƠNG TƯ

    Tương giang hai đứa ở hai nơi
    Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
    Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
    Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
    Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
    Nét chữ run run ý cạn lời
    Định số an bài mang khổ hận
    Đêm trường thổn thức máu tim rơi

    Hoàng Thứ Lang
    11/8/05

    Bài họa:

    TƯƠNG TƯ

    Lất phất bên thềm tuyết trắng rơi
    Niềm riêng ấp úng chẳng nên lời
    Hai hàng lệ tủi than trời hỡi
    Một áng thơ sầu khóc bạn ơi
    Rẽ yến chia oanh hờn số kiếp
    Lìa loan rã phụng lỡ duyên đời
    Sông Tương uống cạn dòng thương nhớ
    Giang vĩ giang đầu đứa mỗi nơi

    Hoàng Thứ Lang
    11/8/05

    c. Họa hoán vận:

    Bài xướng:

    TƯƠNG TƯ

    Tương giang hai đứa ở hai nơi
    Uống cạn dòng sông nhớ trọn đời
    Chỉ thắm xe lơi người mộng hỡi
    Tơ hồng buộc lỏng bạn lòng ơi
    Vần thơ nức nở mi nhòa lệ
    Nét chữ run run ý cạn lời
    Định số an bài mang khổ hận
    Đêm trường thổn thức máu tim rơi

    Hoàng Thứ Lang
    11/8/05

    Bài họa:

    TƯƠNG TƯ

    Gởi gió nhờ mây nhắn mấy lời
    Trao người yêu dấu của tôi ơi
    Đường mơ vạn nẻo đành riêng lối
    Bến mộng đôi bờ phải khác nơi
    Bóng chiếc phòng đơn sầu lệ đổ
    Đèn khuya gác vắng tủi châu rơi
    Ai xui hai đứa mình dang dở
    Chẳng trọn cùng nhau suốt cuộc đời

    Hoàng Thứ Lang
    11/8/05

    d. Họa tá vận (mượn vần):

    Bài xướng:

    TRUNG THU

    Trăng thu toả sáng nhớ xa xăm
    Tháng tám chờ trông đến bữa rằm
    Mẹ dán lồng đèn chơi suốt sáng
    Cha làm trống ếch đánh quanh năm
    Xa rồi cảnh cũ lòng se lạnh
    Tiếc mãi ngày xưa lệ ướt dầm
    Chiếc lá chao mình trong gió sớm
    Nghe chừng vọng lại thoáng dư âm

    Hoàng Thứ Lang
    Oct 05, 2006

    Bài họa:

    XIN XĂM

    Mẹ dẫn lên chùa để thỉnh xăm
    Hôm nay trăng sáng đúng đêm rằm
    Cầu xin phúc lộc vào nguyên tháng
    Khấn nguyện bình an đến trọn năm
    Giữa Hạ oi nồng đừng nắng gắt
    Trung Thu mát mẻ chớ mưa dầm
    Đưa tay vói rút ồ hên quá
    Thượng thượng ngon lành chẳng bị âm

    Bài 5:

    LUẬT VỀ
    ĐIỆU THƠ



    Điệu thơ là cách xếp đặt các tiếng trong câu thơ sao cho êm tai, dễ đọc, để bài thơ có âm hưởng du dương trầm bổng như nhạc điệu.
    Điệu thơ gồm có 3 phần chính:

    1. Nhịp điệu:
    Thơ Đường luật nhịp chẵn, ngắt nhịp 2 hoặc 4 tiếng trọn nghĩa (2-2-3 hoặc 4-3)

    2. Âm điệu:
    Nên làm theo chính luật để bài thơ có âm điệu êm tai trầm bổng.

    3. Vần điệu:
    Nên gieo vần ở cuối các câu 1-2-4-6-8 xen kẻ tiếng không có dấu với tiếng có dấu huyền để bài thơ khi đọc lên nghe du dương trầm bổng như điệu nhạc.
    Bài 6:

    ĐỐI NGẪU
    TRONG THƠ ĐƯỜNG


    ***

    ĐỐI NGẪU - LÀ MỘT VẺ ĐẸP ĐẶC SẮC, LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ CỦA THƠ ĐƯỜNG LUẬT.

    Tôi được biết, người sáng tác thơ luật Đường khi bắt gặp một cảnh huống thơ, hồn thơ đang dào dạt, bao nhiêu ý tứ cứ trào ra, vội phô diễn nó lên giấy mực. Chưa xong. Người sáng tác thơ còn phải cô đúc, dồn nén, sao cho số câu, số chữ phải đúng theo luật; số chữ trong bài có thanh trắc phải xấp xỉ số thanh bằng. Nếu ta gọi chữ có thanh bằng là số (+), chữ có thanh trắc là số (-), thì luật âm dương này thăng giáng bù trừ sát sao đến từng liên thơ, đến cả bài thơ. Đó chính là điều hé mở khái niệm về sự cân bằng, có ý nghĩa triết học cổ phương Đông nằm trong hình thức thơ Đường luật.

    - Ý nghĩa triết học nêu trên còn thể hiện rõ ở phép đối ngẫu.
    Trong một liên thơ (hai câu) được gọi là có đối, thì câu trước, nó như tung, câu sau nó như hứng, nó nương vào nhau làm cho ý thơ thêm mạch lạc.

    Vậy hèn chi, người ngàn xưa đã chả đưa đối ngẫu vào thể thơ này như một điều bắt buộc.

    Từ đầu thế kỷ trước, đối mặt với sự thắng thế của phong trào thơ mới, Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ thành danh, không nỡ bỏ hẳn thơ Luật Đường, ông đã sáng tác nhiều bài thơ không đối, chỉ giữ lại có luật hạn câu, hạn chữ, hạn vận, hạn bằng trắc. Vũ Hoàng Chương xem những bài thơ đó chỉ là một thực nghiệm. Sau đó, song song với việc sáng tác thơ mới, ông còn sáng tác nhiều bài thơ luật nghiêm chỉnh khác (như bài đa thủ “Giấc mơ tái tạo”).

    Chúng ta nay một khi đã gửi hồn cho thể thơ luật Đường thì đừng có bao giờ bực bội giữa khi đang có hồn thơ lai láng, lại bị nghẽn bởi hai cặp đối ở hai câu thực, luận và nóng vội cho rằng: làm gì mà phải đối chặt chẽ vậy.

    ***

    - Đối ngẫu trong thơ đường luật bát cú, thất ngôn, ngũ ngôn nói tổng quát là có 2 phép: Phép chỉnh đối và phép khoan đối.

    Dưới đây chúng tôi xin được trao đổi về 2 phép đối này. Các ví dụ được nêu ra để phân tích, chúng tôi lấy từ một số bài thơ đã in trong “Thơ Đường quê lụa” tập 5, NXB Văn hóa Dân tộc, 2008.

    PHÉP CHỈNH ĐỐI

    Nguyễn Thu Hà, người trẻ tuổi nhất của CLB, trong bài “Duyên quê”, cặp thực, đối như sau:

    Anh nắm bàn tay thon ấm áp,
    Em cười đôi mắt sáng long lanh.


    Thật là chỉnh, thật là chính danh: anh với em, bàn tay với đôi mắt (Danh từ đối với Danh từ), Thon với sáng (Tính từ đối với nhau), ấm áp với long lanh (Trạng từ láy đối nhau). Hai câu thơ tình đằm thắm đến thế mà lại không thấy lả lơi. Thu Hà đã huy động phép đối rất nghiêm để đạt hiệu quả.

    Hạnh Anh (Đỗ Biện), trong bài “Đêm thu” câu 5,6 đối như sau:

    Hoa cúc bâng khuâng ly rượu ngát
    Hoa nhài thao thức chút hương phôi.


    Cặp đối chính danh này rất nghiêm về thể thức, nhưng lại rất hào hoa.

    Cụ Tạ Đăng Viên, ngoại 80, có bài “Tự thọ” rất hóm hỉnh, cụ có cặp luận:

    Kính mắt gà đeo tròng chấp chới
    Gậy càng cua chống bước lon ton.


    Bằng hai câu đối chặt chẽ, như vẽ nên, như trông thấy một cụ đại thọ nhanh nhảu hồn nhiên trước mắt ta.

    PHÉP KHOAN ĐỐI

    Để cho một chùm thơ, một tập thơ không bị đơn điệu về hình thức đối ngẫu, người xưa đã đưa ra nhiều phép đối ngẫu linh hoạt hơn.

    Phép lưu thủy đối:

    Ví dụ:
    Còn chăng lời hẹn bên trang sách,
    Hay đã tàn theo ánh lửa đèn
    .

    Theo quy tắc chiếu chữ thì hai câu này là bất đối. Nhưng lại xét: Hai câu thơ có cấu trúc ngữ pháp giống nhau; mạch ý câu trên trôi chảy như nước, được tràn sang câu dưới làm lọn nghĩa cho câu trên. Đó là phép Lưu thủy đối.

    Tất cả các liên thơ mà câu trên bắt đầu bằng mấy chữ tương tự như: còn chăng…, đã sinh…, bỗng dưng…, ứng với đầu câu dưới là các chữ tương tự như: hay đã…, phải có…, để mà…, v.v. thì liên thơ đó đã theo phép đối nói trên.

    Phép tá tự đối:

    Ví dụ:
    Nghèo sạch, thanh danh nên gắng giữ
    Giầu sang, khó tính chớ nên chơi.


    Câu trên, “thanh danh” là danh từ, câu dưới “khó tính” là tính từ, xét thế thì quả là bất đối. Nhưng nếu theo tiếng (không theo nghĩa thật), thì chữ “khó”, chữ “thanh” lại là tính từ; Chữ “danh” và chữ “tính” lại là danh từ. Xét theo cách này thì chúng lại đối chặt chẽ với nhau. Phép đối này người ta lợi dụng sự đồng âm dị nghĩa để Tá tự đối (như: hai mái trống tung đành chịu dột/ tám giờ chuông điểm phải nằm co – của Tú xương).

    Phép số tự đốigắn với Tá tự đối

    Ví dụ:
    Học bẩy nghề còn lo thất nghiệp
    Làm ba vụ vẫn đói tư mùa.


    Hơi tiếc, ở câu dưới viết: ba vụ đối với tư mùa, tuy là đúng có nội đối ở trong câu, nhưng không hay bằng câu trên: bẩy cái nghề và thất (mất) cái nghiệp. Câu dưới, nếu không vì luật bằng trắc, mà viết là: “Làm tư vụ vẫn đói tứ mùa”, thì câu đối này được xếp vào hạng tuyệt diệu. Phép đối này được xem như là phép số tự đối có kèm theo lối chơi chữ (có thể liên hệ đến: nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc - của bà Huyện Thanh Quan).

    Phép cú trung đối:

    Ví dụ
    Màn trời chiếu đất con người khổ
    Nước vật thuyền xơ cá biển nghèo


    Nếu câu trên, câu dưới cứ chiếu từng chữ lên nhau, thì hai câu này cũng bất đối. Nhưng xét nội bộ từng câu, thì lại thấy: màn trời đối với chiếu đất; nước vật đối với thuyền xơ; đuôi câu trên (con người khổ) đối rất chặt với đuôi câu dưới (cá biển nghèo). Lấy câu có nội đối để đối nhau thì lại rất cân bằng. Đây là cú trung đối.

    Tuy nhiên còn một số phép đối khác chúng ta ít vận dụng, xin được dẫn ra đây để cùng tham khảo.

    a) Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ?
    Xương gà da cóc, có đau không?

    (Nguyễn Khuyến)

    b) Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
    Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày

    (Hồ Xuân Hương)
    *
    c) Công đức tu hành, sư có lọng
    Xu hào rủng rỉnh, mán ngồi xe
    .
    (Tú Xương)

    Chúng ta để ý: Cụ Nguyễn Khuyến cũng như nữ sỹ Xuân Hương đã tổ chức từ ngữ ở từng câu, để câu nào cũng có tiểu đối, nhưng ta không xếp hai liên đối a,b nêu trên vào phép Cú trung đối, vì ngoài phần có tiểu đối, trong từng câu còn có phần bất đối. Do đó hai liên thơ a, b trên chúng ta quy vào phép Tựu cú đối.

    Trong câu của Tú Xương, ông Tú đã đem cả hai cụm từ như hai thành ngữ để chọi nhau: công đức tu hành chọi với xu hào rủng rỉnh. Mặt khác đuôi của từng câu lại đối rất chặt với nhau: sư có lọng đối với mán ngồi xe. Phân tích đặc điểm này để kết luận: đây cũng là phép Tựu cú đối như a và b. Cú trung đối và Tựu cú đối, có dạng thức ngữ pháp của câu văn na ná như nhau, nên còn có tên chung là Đương đối.

    Phép giao cổ đối:

    Cụ Trần Tuấn Ngọc, trong bài “Tự nhủ”, (Bạn và thơ là xuân – NXBVHDT, Hà Nội 2004), có câu luận:

    Chân bước vững, đường chiều khấp khểnh
    Rừng cây rậm rạp, trúc vươn cao.


    Đây chính là phép Giao cổ đối: chân bước vững đối chéo xuống với trúc vươn cao, và rừng cây rậm rạp đối chéo lên với đường chiều khấp khểnh.

    Phép bất đối chi đối:

    Trong buổi lễ tế “Trận vong tướng sỹ” thế kỷ 19, quan tổng trấn Nguyễn Văn Thành có sai trưng câu đối chữ Hán (nay dịch nghĩa) như sau:

    Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ
    Xưa nay chinh chiến mấy ai về.


    Câu trên lấy từ thơ Thôi Hiệu, bài Hoàng Hạc Lâu. Câu dưới lấy từ thơ Vương Hàn, bài Lương Châu Từ.

    Cái hay của đôi câu đối này là: Ghép hai câu thơ khác nhau của hai tác giả mà câu đối vẫn hiệp chung một tình ý. Câu 1 có đại ý là cảm thán tình cảnh, câu hai có đại ý là an ủi vong linh. Thật là quá hợp với nội dung Tế Trận Vong Tướng Sỹ. Đây là phép bất đối chi đối, lấy cái không đối để đối, không lệ thuộc vào mặt chữ mà chỉ chú trọng đến ý. Ý phải đối nhau, cấu trúc ngữ pháp phải song song đồng dạng với
    nhau.


    Những bậc cao niên khuyên rằng, nếu một khi ta chưa thật thạo về các phép đối, thì chỉ nên sử dụng các phép chỉnh đối, lưu thủy đối, cú trung đối. Còn các phép đối khác, chúng ta hãy chỉ làm quen, giúp chúng ta nhận biết được các dạng thức đối khác nhau.


    Vẫn phải thưa thêm: các phép đối thơ, dù ở dạng thức nào đều phải hội đủ 3 đặc điểm:

    - Đối ý. Ý câu trên và câu dưới, hoặc chống nhau, hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau.

    - Đối thanh âm. Chí ít là các chữ nằm ở vị trí 2, 4, 6, 7 (Thơ thất ngôn) và 2, 4, 5 ( Thơ ngũ ngôn) nhất thiết phải tuân theo luật bằng trắc.

    - Đối từ loại: danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ. Phải nắm được các phép biến đổi từ loại ở các ngữ cảnh khác nhau. Tuy nhiên, cũng có phép đối không yêu cầu đối từ loại như theo phép chiếu chữ, mà ở đó lại có sự xoay chiều để đối chéo cho nhau.


    Viết bài này tôi chỉ nhằm mục đích trao đổi thêm về vấn đề đối ngẫu trong thơ Đường luật. Trong một bài thơ, những cặp đối ở các câu thực, luận chính là vẻ đẹp đặc sắc, và là một trong những điều kiện cần và đủ để nhận ra đó là một bài thơ Luật đường. Đọc thơ Đường luật mà không có đối thì chẳng khác gì “Ăn bánh nướng trung thu mà không có nhân thập cẩm” thật là nhạt nhẽo và vô vị.

    Trong bài này, việc đặt vấn đề của tôi là chắc chắn đúng nhưng việc lấy ví dụ để phân tích thì có thể có chỗ còn nông cạn, thậm trí có chỗ còn thiếu sót. Để góp một chút lửa thắp sáng cho thơ Đường đất Việt, rất mong bạn đọc rộng lượng và cùng đồng hành.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •