Việc Trung Quốc công bố Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể khiến xung đột bùng phát.


Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông (màu đỏ) theo công bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngày 23/11 Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố một bản đồ về Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông bao gồm một chuỗi các đảo đang tranh chấp mà phía Nhật Bản đã tuyên bố chủ quyền. Điều này đã làm dấy lên những phản đối từ phía Nhật Bản và khiến Mỹ cũng phải bày tỏ quan ngại sâu sắc về “hành động đơn phương” này của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng công bố một loạt các nguyên tắc tại Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông và nhấn mạnh rằng mọi máy bay bay qua khu vực này phải thông báo trước cho chính quyền Trung Quốc và Trung Quốc sẽ thi hành các biện pháp quân sự khẩn cấp nếu các máy bay này không thông báo hoặc không tuân thủ mệnh lệnh từ Bắc Kinh. Trung Quốc cũng cho biết nước này sẽ “xác định, giám sát, kiểm soát và phản ứng” đối với bất kỳ mối đe dọa trên không cũng như những vật thể bay không xác định nào tiến vào Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông này. Các nguyên tắc này của Trung Quốc có hiệu lực ngày 23/11. Phản ứng trước động thái này của Trung Quốc, Cố vấn Văn phòng Nội các Nhật Bản Tomohiko Taniguchi tuyên bố: “Bằng việc thiết lập Khu vực Phòng không trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã làm leo thang khả năng đụng độ giữa quân đội Trung Quốc và quân đội của các nước đối tác với Mỹ và Nhật Bản. Trung Quốc đã thách thức nghiêm trọng quyền tự do đi lại trên không và trên biển trong khu vực này”.

Trong khi đó, đồng minh của Nhật Bản là Mỹ cũng đã có phản ứng trước động thái này của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh “Hành động đơn phương này thể hiện việc Trung Quốc muốn thay đổi tình trạng hiện tại trên biển Hoa Đông. Việc leo thang hành động của Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng thêm căng thẳng và tạo ra nhiều nguy cơ về xung đột trong khu vực”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định những lời tuyên bố của Trung Quốc sẽ “không làm thay đổi việc Mỹ thực hiện các chiến dịch quân sự tại khu vực”.

Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản vốn rơi vào căng thẳng trong hơn hai năm qua, nhất là kể từ khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo chính trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một chủ sở hữu tư nhân Nhật Bản hồi tháng 9/2012.

Đại diện các bên tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran tuyên bố sau khi kết thúc đàm phán với một thỏa thuận lịch sử (Ảnh: Reuters)

Sau hơn 4 ngày đàm phán tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 24/11, Iran và 6 cường quốc (gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Nga) đã đạt được thỏa thuận tạm thời. Theo đó, Iran sẽ ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong vòng 6 tháng, đổi lại được Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

Thoả thuận đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 ngày 24/11 được xem là bước đột phá đầu tiên sau nỗ lực gần một thập kỷ qua của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Hồi giáo này.

Ngay sau khi Iran và P5+1 đạt được thỏa thuận bước đầu này, một loạt các nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng hoan nghênh bước đi đột phá giữa hai bên.

Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã hoan nghênh thắng lợi của các nhà đàm phán, đồng thời tuyên bố rằng thỏa thuận này sẽ "mở ra các chân trời mới".

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius mô tả thỏa thuận vốn đã được chờ đợi đã lâu giữa Iran và 6 cường quốc này là “bước tiến quan trọng”, nhấn mạnh thỏa thuận này đã xác nhận quyền hạt nhân dân sự của Iran.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thì khẳng định "ai cũng có lợi" trong việc đạt được thỏa thuận lịch sử này.

Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và sáu cường quốc, coi đây là "một bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới một giải pháp toàn diện."


Hội nghị COP 19 không đạt được nhiều kết quả khả quan như mong đợi (Ảnh AFP)
Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên Hợp Quốc (COP 19) đã bế mạc hôm 23/11 ở Ba Lan, với việc đạt được một kết quả được xem là “khiêm tốn”, mở đường cho việc ký kết Hiệp ước toàn cầu mới về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015.
Các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần này đã tránh được đổ vỡ vào “phút chót”, khi các đoàn đại biểu đạt được một thỏa thuận vừa phải, mở đường cho một Hiệp ước toàn cầu mới vào năm 2015 nhằm chống lại tình trạng Trái Đất nóng lên.
Những gì đạt được tại Hội nghị lần này có thể được xem là kết quả làm “hài lòng” những nước giàu, và đó là sự nhượng bộ của các nước đang phát triển, khi họ từ bỏ yêu cầu là chỉ các nước phát triển mới phải đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải.

Thỏa thuận đạt được tại COP 19 sẽ là thỏa thuận đầu tiên ràng buộc tất cả các quốc gia nhằm hạn chế lượng khí thải độc hại thải ra bầu khí quyển Trái Đất. Bên cạnh đó, Hội nghị lần này nhất trí thiết lập một cơ chế giúp các nước dễ bị tổn hại vì những hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Một giải pháp cụ thể mà Hội nghị lần này đạt được là một thỏa thuận về các quy tắc bảo vệ và duy trì các khu rừng nhiệt đới - lá phổi của tự nhiên.

Kiểm tra hiện trường vụ tấn công hóa học ở Ghouta gần Damascus (ảnh: EPA)

Theo lộ trình của thỏa thuận giữa Nga và Mỹ đạt được ngày 14/9, toàn bộ công tác tiêu hủy kho vũ khí hóa học dự trữ của Syria sẽ kết thúc vào giữa năm 2014. Tuy nhiên cho đến nay, việc thực hiện thỏa thuận này đang vấp phải nhiều khó khăn khi không một quốc gia nào đồng ý đưa vũ khí hóa học của Syria vào lãnh thổ của mình để tiêu hủy.

Ngày 18/11, Bỉ đã từ chối nhận trách nhiệm tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria trên lãnh thổ mình. Trong khi đó, Albania và Na Uy - những quốc gia trước đó được kỳ vọng sẽ cung cấp địa điểm cho việc tiêu hủy cũng đã từ chối đề xuất trên.

Ngày 21/11, trên website chính thức của mình, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã mời gọi các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xử lý hóa chất "quan tâm” tới chương trình giải trừ vũ khí hóa học của Syria tham gia giúp đỡ. OPCW cho biết, họ cần sự giúp đỡ của các công ty tư nhân để tiêu hủy 2/3 số vũ khí hóa học của Syria. Tổ chức này cho hay, có 798 tấn hóa chất và 7,7 triệu lít dung dịch chất thải hóa học cần phải xử lý.

Trước những khó khăn trong việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, Mỹ đang xem xét kế hoạch tiêu hủy số vũ khí hóa học này trên một chiếc sà lan trong vùng biển quốc tế nếu không có quốc gia nào sẵn sàng xử lý số vũ khí này.


Các đại biểu tham dự phiên họp Loya Jirga (Ảnh AFP)
Afghanistan có thể sớm ký Hiệp định An ninh với Mỹ? Đa số các đại biểu dự phiên họp của Hội đồng Trưởng lão Afghanistan (Loya Jirga) tại Kabul đã thống nhất, việc sớm ký Hiệp định An ninh song phương với Mỹ sẽ có lợi cho đất nước về mặt kinh tế, an ninh và chính trị.
Ba ngày qua, khoảng 2.500 đại biểu được chia làm 50 nhóm đã thảo luận, xem xét kỹ lưỡng dự thảo Hiệp định An ninh gồm 26 điều trước khi quyết định chấp nhận hay bác bỏ văn kiện này vào lễ bế mặc phiên họp dự kiến vào chiều 24/11.
Cho đến nay, vẫn có một số đại biểu phản đối và cho rằng, việc ký Hiệp định An ninh với Mỹ có thể gây thù địch với các nước trong khu vực và tốt hơn hết, Afghanistan cần xây dựng đất nước dựa vào thực lực của chính mình.
Hiệp định An ninh song phương Mỹ-Afghanistan nếu được Hội đồng trưởng lão Afghanistan thông qua và được Quốc hội nước này phê chuẩn sẽ cho phép Mỹ và các nước đồng minh giữ lại 10.000 - 15.000 binh sỹ tại Afghanistan sau năm 2014.

Tổng thống Obama và phu nhân cùng vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton đặt vòng hoa tưởng niệm cố Tổng thống Kennedy ở nghĩa trang quốc gia Arlington ngày 20/11 (Ảnh: Reuters)

Ngày 22/11 (theo giờ Mỹ), người dân trên toàn nước Mỹ đã tổ chức Lễ tưởng niệm lần thứ 50 ngày Tổng thống John F.Kennedy bị ám sát (22/11/1963-22/11/2013). Cờ rủ được treo tại tất cả các tòa nhà Chính phủ để tưởng nhớ tổng thống thứ 35 của nước Mỹ mà đến nay vẫn được rất nhiều người mến mộ.

Vào lúc 11h30 phút sáng (giờ địa phương), đúng thời điểm Tổng thống Kennedy bị ám sát cách đây 50 năm, Lễ tưởng niệm chính thức đã diễn ra tại thành phố Dallas, bang Texas. Chuông nhà thờ đồng loạt đổ và hàng ngàn người dân, bất chấp trời mưa lạnh, đã đứng xếp hàng dọc theo lối vào Dealey Plaza, địa điểm xảy ra vụ ám sát, và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ vị tổng thống xấu số.

Trước đó, Tổng thống Obama và cựu Tổng thống Bill Clinton đã đến đặt vòng hoa trước mộ Tổng thống Kennedy tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

Lên cầm quyền khi mới 43 tuổi và trong giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, nhưng với tầm nhìn sâu rộng và đúng đắn, Tổng thống Kennedy đã giúp nước Mỹ giành được nhiều thành quả quan trọng cả về đối ngoại và đối nội.

Vụ ám sát ông Kennedy cách đây 50 năm là một trong những sự kiện đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ, gây chấn động toàn thế giới. Có lẽ động cơ chính xác của vụ ám sát sẽ mãi mãi là điều bí ẩn vì nghi phạm duy nhất, Lee Harvey Oswald cũng đã bị sát hại chỉ sau đó 2 ngày.


Hiện trường vụ tai nạn máy bay (Ảnh: AFP)

Ngày 17/11, chiếc máy bay chở khách Boeing 737-500 của hãng hàng không Tatarstan (nước cộng hòa thuộc Nga) đã nổ tung sau khi hạ cánh khẩn ở sân bay Kazan khiến toàn bộ 50 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Mũi của chiếc máy bay đã va chạm với mặt đất khi máy bay đang hạ cánh. Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ người ta mới dập tắt được lửa từ chiếc máy bay xấu số.
Theo một báo cáo sơ bộ mới được các chuyên gia hàng không Nga công bố về nguyên nhân vụ tai nạn của chiếc Boeing 737 ở Kazan hôm 17/11 vừa qua cho thấy, lỗi của phi công có thể là nguyên nhân chính khiến máy bay bị rơi chứ không phải sự cố động cơ.
Theo tiết lộ của các nhà điều tra, trong nỗ lực hạ cánh lần thứ 2, các phi công đã chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay và thực hiện thao tác điều chỉnh khi máy bay mất kiểm soát nhưng tất cả đã quá muộn.


Hiện trường vụ nổ đường ống tại Thanh Đảo (Ảnh: Tân Hoa xã)

Ngày 22/11, một đường ống dẫn dầu thuộc thuộc sở hữu của nhà máy lọc dầu Sinopec, nhà máy lớn nhất Trung Quốc đã phát nổ tại thành phố cảng Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, cho đến nay, đã có 52 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương trong đó có nhiều người trong tình trạng nguy kịch và hàng chục người vẫn mất tích.

Nguyên nhân ban đầu được xác định, ống dẫn dầu đi ngầm bị rò rỉ và bắt lửa rồi phát nổ lúc 10h30 ở quận Huangdao của thành phố Thanh Đảo. Sinopec đã khóa đường ống vào lúc 3h15 nhưng dầu chạy ngược lên mặt đất và thậm chí tràn ra cả biển thông qua 1 ống cống.

Chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ nổ cũng đã phải sơ tán 18.000 người khỏi 1 quận ở thành phố cảng Thanh Đảo miền Đông Trung Quốc. Nhiều nơi thuộc quận này đã bị cắt nước, gas và điện sau vụ nổ.


Hiện trường vụ nổ gần Đại sứ quán Iran ở Beirut, Lebanon (Ảnh: Reuters)
Ngày 19/11, 2 vụ nổ liên tiếp nhằm vào Đại sứ quán Iran tại thủ đô Beirut (Lebanon) khiến khiến 23 người thiệt mạng, trong đó có một tùy viên văn hóa Sứ quán Iran và hơn 140 người khác bị thương.

Sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền Tehran đã cáo buộc Israel là thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố gần Đại sứ quán Iran tại Beirut. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Marzieh Afkham trong một tuyên bố được đưa ra ngày 19/11 cho rằng, đó là một hành động vô nhân đạo do chính quyền Do thái thực hiện, đồng thời cũng lưu ý rằng Iran sẽ nghiêm túc điều tra vụ việc.

Liên Hợp Quốc ngày 19/11 đã lên án 2 vụ đánh bom bên ngoài Đại sứ quán Iran ở thủ đô Beirut. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về các vấn đề chính trị, ông Jeffrey Feltman cho rằng đây là một cuộc tấn công kinh hoàng.

Lữ đoàn mang tên Abdu Allah Azam - nhóm vũ trang trực thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, đã nhận trách nhiệm thực hiện 2 vụ tấn công khủng bố trên. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Lebanon ngày 21/11 đưa tin, hai kẻ đánh bom tự sát gần Đại sứ quán Iran ở Beirut ngày 19/11 vừa qua khiến 23 người thiệt mạng đã sử dụng các giấy tờ tùy thân giả


theo vov.vn