Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Muốn đoạt được hạnh phúc trong gia đình, muốn có một người bạn đời lý tưởng, việc đó không quan trọng bằng tự hỏi chính mình đã là người lý tưởng chưa đã?
Lelend Foster Wood
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Mâm cỗ phát lộc ngày mùng 1 cho cả năm may mắn

  1. #1
    Join Date
    Nov 2010
    Bài Viết
    24,512
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 70 Lần
    Trong 70 Bài Viết
    Mâm cỗ phát lộc ngày mùng 1 cho cả năm may mắn


    Với 9 món ngon đẹp đầy ý nghĩa dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tự tin với một mâm cỗ phát lộc cho cả nhà đón năm mới thật may mắn!

    Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam ta không thể thiếu mâm cơm thành kính tổ tiên. Để giúp các bà nội trợ lựa chọn món ngon ngày tết được dễ dàng và ngon miệng. Chuyên mục Ăn ngon-Khéo tay giới thiệu mâm cỗ Lộc vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng với chủ đề ngày tết sau đây:

    1, Cánh gà chiên mắm
    2, Chân giò nấu giả cầy
    3, Xôi hành phi
    4, Canh măng
    5, Nem gà
    6, Giò xào
    7, Nộm đu đủ
    8, Hành muối
    9, Dưa hấu tráng miệng
    1, Cánh gà chiên mắm

    - Cánh gà: 6 cái, nên chọn loại vừa chứ không nên lớn quá thì khi chế biến sẽ ngon hơn rất nhiều.
    - Rau xà lách ăn kèm.
    - Gia vị: muối, hành khô, tỏi, hạt nêm, bột ngọt, đường, tiêu, nước mắm, ớt bột, dầu ăn, gừng tươi


    - Lột vỏ, rửa sạch và băm nhỏ hành khô, tỏi. Rau xà lách rửa sạch.
    - Phần cánh gà bạn làm sạch, để khử mùi hôi của gà bạn nên pha hỗn hợp muối và gừng để rửa gà, cách làm này cũng giúp thịt gà săn chắc và thơm ngon hơn nhiều.
    - Bạn dùng dao cứa nhẹ mặt trong cánh 2, 3 đường để thịt ngấm gia vị.
    - Sau đó ướp cánh gà với 1 muỗng hành tỏi băm nhuyễn, 1 muỗng hạt nêm, ½ muỗng bột ngọt, ½ muỗng hạt tiêu, 1 muỗng dầu ăn, ¼ muỗng nước mắm, ½ muỗng ớt bột. Ướp cánh gà trong 3 - 4 tiếng cho ngấm gia vị. Lưu ý rằng, nếu muốn thịt ngấm và ngon hơn bạn nên ướp rồi để qua đêm trong tủ lạnh nhé.
    - Pha nước mắm để chiên cánh gà: Bạn pha 1,5 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường, ½ muỗng bột ngọt, 1 muỗng tỏi, 2 muỗng nước sôi, trộn đều cho tất cả gia vị hòa quyện với nhau.
    - Sau quá trình ướp, bạn tiến hành chế biến món cánh gà chiên nước mắm như sau:
    - Bắt chảo lên bếp, rang với một ít muối tinh, đến khi muối khô và chuyển sang màu vàng nhẹ bạn đổ muối đi và cho dầu ăn vào. Vì phần da gà sẽ tiết ra dung dịch gây dính nên với cách làm này sẽ giúp cánh gà khi chiên không bị kết dính vào nhau nhé.
    - Dầu nóng, bạn cho cánh gà vào chiên vàng đều các mặt, nên nhớ để lửa nhỏ để cánh gà có được đồ giòn bạn nhé.
    - Tiếp đó, bạn vớt cánh gà ra một cái rổ nhỏ để cho khô dầu, đổ bớt dầu trong chảo chiên ra rồi phi thơm với 1 muỗng hành, tỏi băm nhỏ và một ít ớt bột. Phần tỏi sẽ nhiều hơn hành để món ăn thơm hơn. Bạn tiếp tục cho cánh gà vào lấp đầy mặt chảo rồi rưới nước mắm đã pha sẵn lên đều khắp các cánh gà, vặm lửa thật nhỏ đến khi cánh gà vừa sít nước chuyển sang màu vàng cánh gián đậm là được. Tắt bếp, rắc tiêu lên món ăn để tạo mùi thơm và độ hấp dẫn.
    2, Chân giò nấu giả cầy


    - 1 móng giò (chân trước nhiều thịt hơn);
    - Mẻ, mắm tôm, bột nghệ, đường, ớt, bột canh, mỳ chính, riềng, sả, hành, răm.


    + Móng giò đem nướng trên than hoặc nếu không có than bạn có thể nướng trên bếp ga rửa sạch.
    + Chặt miếng vừa phải để thịt dễ ngấm gia vị.
    + Riềng, sả đập dập thái nhỏ. Ớt thái nhỏ.
    + Ướp chân giò với mắm tôm, mẻ, nghệ, tí đường, ớt; riềng sả đã thái nhỏ trong nồi khoảng 30 phút.
    + Sau đó cho nồi lên bếp đảo săn thịt.
    + Khi thịt săn, ngấm mắm muối cho nước sôi xăm xắp rồi đậy vung đun nhỏ lửa, để sôi âm ỉ khoảng 2 giờ để thịt được chín mềm.
    + Khi thịt chín mềm, nước còn sền sền sệt, nêm lại mắm muối cho vừa ăn, rắc dọc hành , răm, bắc nồi xuống, múc ra bát ăn nóng kèm bún.
    3, Xôi hành phi với ruốc
    - Gạo nếp 1kg
    - Bột nghệ, hành phi, ruốc


    - Gạo ngâm ít nhất 8h với ít bột nghệ và muối trắng sau đó vo lại cho sạch và cho vào rá cho ráo nước
    - Cho gạo vào xửng hấp 20 phút. Thỉnh thoảng dùng đũa xơ lên để gạo chín đều. Miết tay thấy hạt gạo không còn nhân là được.
    - Nếu muốn xôi dẻo bạn đồ lại thêm lần 2
    - Khi ăn rắc ruốc và hành phi lên trên
    4, Canh măng

    1kg thịt móng giò
    200gram măng khô
    Mộc nhĩ, hành khô vừa đủ.
    Gia vị hành lá, muối, bột nêm, dầu ăn.




    Măng khô ngâm nước lạnh khoảng từ 24 giờ – 30 giờ cho nở mềm và mất nước đen. Sau đó luộc khoảng 15 phút. (khi luộc nhớ cho thêm chút muối cho măng mau nhừ). Thay nước, rửa sạch măng, luộc tiếp lần nữa cho măng được trắng.
    Măng cắt miếng vuông, hay dài tùy theo ý.
    Mộc nhĩ ngâm nở, làm sạch, cắt miếng bản to.
    Đặt chảo lên bếp, phi thơm hành khô, cho măng vào xào, nêm chút gia vị muối, bột ngọt để măng thêm đậm đà.
    Móng giò heo nướng vàng trên lửa, cạo sạch, rửa nước muối, chặt khúc vừa ăn, trần qua nước sôi, ướp với chút bột nêm trong khoảng 30 phút cho ngấm.
    Phi thơm hành khô với dầu ăn, xào săn móng giò cho vào nồi cùng 2,5 lít nước lạnh, đun sôi vớt bọt.
    Phi thơm hành khô cho măng vào đảo đều, nêm mắm muối xào cho ngấm kỹ sau đó đổ vào nồi chân giò. Ninh nhỏ lửa cho đến khi măng và giò heo đã nhừ cho thêm hành khô, mộc nhĩ vào đun sôi lại, nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Nếu bạn không thích chân giò nhừ quá thì có thể vớt ra trước nhé.
    5, Nem gà
    -Thịt gà và lợn xay nhỏ tỉ lệ là 1:1 ướp gia vị, mắm, tiêu, mì chính
    - Miến, muộc nhĩ, nấm hương ngâm rửa sạch thái nhỏ
    - Củ đậu cà rốt gọt vỏ rửa sạch thái nhỏ
    - Hành khô đập dập, hành hoa thái nhỏ

    - Trộn đều các nguyên liệu đã chuẩn bị rồi sao đó đập trứng vào trộn đều ( lưu ý không cho nhiều trứng nem sẽ ướt và bị vỡ)
    - Bánh đa nem cắt làm đôi và cho nhân vào cuộn đều chắc tay
    - Đun dầu sôi cho nem vào rán vàng
    6, Giò xào

    - 1kg thịt thủ lợn ( nên chọn tai lợn để làm sẽ ngon hơn)
    - 1 chiếc lưỡi lợn
    - 2 lạng: mộc nhĩ và nấm hương
    - Khuôn giò xào
    - Gia vị, nước mắm, mì chính, hạt tiêu


    Các bạn làm sạch thịt thủ, nếu có bếp than thì thui cho đen hết bì thịt, sau đó đem ngâm vào nước ấm và cạo sạch, thịt thủ làm theo cách này sẽ rất thơm.
    Lưỡi lợn các bạn cho vào nước sôi rồi cạo hết phần mủn trắng rồi rửa lại bằng nước sạch.
    Mộc nhĩ, nấm hương rửa sạch thái sợi.
    Các bạn đem lưỡi và thịt luộc chín tới, sau đó dùng dao sắc thái thật mỏng rồi đem ướp với ít muối, mì chính, nước mắm( tuỳ khẩu vị), ướp khoảng 15 phút rồi bạn đem xào trên lửa vừa, bạn nên đảo đều tay, đảo cho tới khi cầm miếng thịt lên và thả ra thấy có độ kết dính là được. Tiếp theo bạn cho mộc nhĩ, nấm hương vào đảo khoảng 10 phút, dau đó rắc hạt tiêu, đảo đều rồi tắt bếp.
    Nhanh tay trút hết thịt giò vào khuôn và ép chặt để nguội rồi cho vào tủ lạnh bảo quản.
    7, Nộm đu đủ

    - Đu đủ xanh, lạc rang chín đập dập
    - Chanh (có thể thay bằng dấm), tỏi, ớt, rau thơm, muối, đường


    - Đu đủ nếu mới hái thì bạn dùng dao khía vài đường trên quả để cho chảy bớt nhựa rồi mái gọt vỏ, bỏ hạt và nạo sợi nhỏ sau đó cho ít muối trắng trộn đều để nghỉ 15 phút
    - Rủa sạch đu đủ bằng nước lọc và vặt khô
    - Pha hỗn hơp nước chua cay mặn ngọt đậm đà với đường, chanh, gia vị, tỏi, ớt rồi đổ vào đu đủ sau, trộn đều thêm rau thơm cắt khúc và lạc rang
    8, Hành muối

    Hành củ lựa chọn sơ bộ rồi đem ngâm một ngày một đêm trong nước vo gạo, nước tro bếp hay nước pha phèn chua có thêm chút muối cho độ mặn vừa phải, măn mẳn nhằm làm cho hành chắc củ và bớt hăng.

    Qua một ngày đêm thì đổ bỏ nước vo gạo (hay nước tro) và lại thay bằng nước lã pha muối ngâm thêm một ngày để hành trắng và giòn. Sau đó đem hành ra bóc bớt vỏ già bên ngoài để lộ phần vỏ trắng của hành, cắt bỏ rễ, rửa lại trong nước pha muối loãng cho thật sạch và để ráo nước trước khi cho vào vại muối.
    Đun sôi nước, pha muối theo một tỷ lệ nhất định (thường mỗi lít nước khoảng 50g muối), chút đường trắng, nếu muốn chua nhanh có thể cho chút rượu trắng hoặc dấm. Nếu có mía bổ nhỏ cho vào thì không cần đường. Để nước nguội bớt, âm ấm bớt trước khi muối hành.
    9, Dưa hấu tráng miệng


    Theo Nghĩa Nguyễn / Trí Thức Trẻ

    VietFreeFun



  2. #2
    Join Date
    Nov 2010
    Bài Viết
    24,512
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 70 Lần
    Trong 70 Bài Viết

    Richard Nixon, Henry Kissinger và Sự Sụp Đổ Của Miền Nam

    .

    Richard Nixon, Henry Kissinger và Sự Sụp Đổ Của Miền Nam


    “Không ai biết rõ còn bao lâu nữa và phải làm gì cụ thể để thay đổi. Có còn chăng là sự tỉnh thức trong chúng ta. Đó là một khả năng tự soi sáng và tự quyết định về vận mệnh của đất nước mà toàn dân Đông Âu là một thí dụ. Tỉnh thức thân phận là vấn đề kiến thức; xác định ý muốn để thay đổi là vấn đề quyết tâm… Không ai có phép lạ để chuyển hoá đất nước thay cho chúng ta. Vấn đề là sự chọn lựa. Chúng ta cùng giúp nhau tỉnh thức trong tình tự dân tộc là một hy vọng khởi đầu: Đất nước đang nguy cơ hơn bao giờ hết, sức mạnh của toàn dân sẽ đem lại giải pháp và quyền dân tộc tự quyết là phương tiện. May ra một phép lạ nào đó cho đất nước sẽ đến sau”.
    Đỗ Kim Thêm




    Henry Kissinger và Richard Nixon.
    Nguồn: internet

    Vấn đề

    Mỹ không thể bỏ Việt Nam” đó là một niềm tin son sắt của chính giới và người dân miền Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hơn nữa, VNCH với 1 triệu 1 quân nhân, một không lực đứng hàng thứ tư trên thế giới, kiểm soát trên 50% dân chúng và 75% lãnh thổ, không ai tin là có thể đầu hàng. Cuối cùng, chuyện không muốn đã đến khi Đồng Minh tháo chạy. Cho đến nay, vẫn còn có câu hỏi đặt ra là tại sao VNCH sụp đổ, vì trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đã chưa có một trường hợp nào tương tự như vây đã xảy ra và các lý giải vẫn chưa thoả đáng.

    Lý do thật dễ hiểu: Việt Nam không còn các sử gia chân chính; nhiều cán bộ sử học của phe thắng cuộc đang tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền; các sử gia khả tín của phe thua cuộc không còn cơ hội lên tiếng; sử gia ngoại quốc cũng chẳng soi sáng được nội tình nhiều hơn vì là người ngoại cuộc. Thế hệ tham chiến không thể kể hết tiếng lòng của nạn nhân chiến cuộc; các tự sự qua ký ức cá nhân và ký ức tập thể mờ nhạt qua bụi thời gian. Vì không có một chương trình giáo dục khách quan cho thế hệ hậu chiến, nên các mờ ảo của lịch sử cận đại còn đó.

    Tổng Thống Richard Nixon và Cố vấn Henny Kissinger là hai chính khách trực tiếp can dự vào sự sụp đổ của VNCH. Richard Nixon đã thú nhận những sai lầm qua danh tác “No More Vietnam“. Henry Kissinger, vốn là nhà sử học và có nhiều trước tác liên quan; nhưng gần đây ông cũng cho là chưa có một tác phẩm nào về chiến tranh Việt Nam là khách quan và thuyết phục.

    Trước đống tro tàn của lịch sử, một câu hỏi được đặt lại là Richard Nixon và Henry Kissinger đã làm gì trong tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh và ai thắng ai thua trong sự sup đổ của VNCH; đó là nội dung của vấn đề ở đây và bài viết này là một thử nghiệm khiêm tốn.

    Nhậm chức Tổng Thống và bổ nhiệm Cố Vấn

    Sau bao năm thăng trầm trong chính trường, Nixon thắng cử và trở thành Tổng Thống thứ 37 của Hoa Kỳ. Ông là một luật sư có tài hùng biện, văn tài diễn đạt trong sáng, mà tác phẩm “No More Vietnam” là một thí dụ điển hình, nhưng thái độ kiên quyết chống Cộng làm ông nổi danh.

    Trước đây, trong trận Điện Biên Phủ, ông đã từng kêu gọi Hoa Kỳ phải oanh tạc Bắc Việt, rồi đến việc xây dựng miền Nam, ông ủng hộ Tổng Thống Diệm không điều kiện và sau này ông còn cáo giác Johnson là không có đủ biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề.

    Sau khi nhậm chức, ông nhận ra rằng cần phải có một chính sách ngoại giao mới, mà khó khăn nhân sự là hàng đầu. Ngoại Trưởng William Rogers vốn là một người bạn vong niên mà ông tín cẩn, lại thiếu nhạy bén trong các vấn đề ngoại giao, trong khi William Laird, Bộ Trưởng Quốc phòng, luôn tỏ ra là người thừa lịnh hơn là đề xuất sáng kiến.

    Để làm việc hiệu năng hơn, ông quyết định bổ nhiệm Henry Kissinger, Giáo sư Đại học Harvard, vào chức vụ Cố Vấn An ninh Quốc gia, mà ý kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định liên quan với chiến cuộc Việt Nam đang leo thang.

    Chiến cuộc leo thang

    Nixon đồng quan điểm với các bậc tiền nhiệm về học thuyết Domino: Việt Nam lọt vào tay Cộng sản là một tai hoạ chung cho các nước Đông Nam Á. Tham chiến là một trò chơi quá nguy hiểm cho uy tín quốc tế của Hoa Kỳ và chiến thắng bằng giải pháp quân sự là khó; vì có nhiều lý do: quân đội cần hiện đại hoá các trang bị để gia tăng hiệu năng tác chiến mà ngân sách đang thâm thủng; kinh phí quốc phòng hằng năm đã lên đến gần 30 tỷ Đô la, chiếm dụng 40% ngân sách. Nếu rút quân để tránh tiếp tục sa lầy, tình hình sẽ nghiêm trọng. Áp lực chính trị quốc nội ngày càng nặng nề. Phe Bồ câu kêu gọi thương thuyết, trong khi phe Diều Hâu chủ trương không kích, nhưng cả hai cùng có một đòi hỏi chung là 543.000 quân nhân Hoa Kỳ phải hồi hương, nhất là khi số lượng tử vong của binh lính lên tới 14.600.

    Nixon và Kissinger tin là phải chấm dứt chiến tranh bằng cách thông qua Moscow và Bắc Kinh; nhưng không phải các vấn đề dị biệt ý thức hệ là chính, mà là quyền lợi cụ thể sẽ thuyết phục Moscow và Bắc Kinh quan tâm giải quyết. Nhưng tìm cách nối kết các quyền lợi dị biệt này thành quan điểm chung về ngoại giao đó là mục tiêu, một giải pháp lý tưởng mà Hoa Kỳ chấp nhận được là Moscow và Bắc Kinh phải ngưng viện trợ vũ khí cho Bắc Việt. Dù bang giao với Moscow đã có nhiều cải thiện sau thời kỳ giảm căng thẳng, nhưng Hoa Kỳ vẫn còn trở ngại với Bắc Kinh. Hai giải pháp tương lai của chiến trường và đàm phán đều còn mờ mịt.

    Để thực hiện, ông dựa theo học thuyết Nixon 1969 là tiếp tục ủng hộ VNCH và Đồng Minh, nhưng chính phủ VNCH phải chịu trách nhiệm chính trong công cuộc chiến đấu. Hoa Kỳ sẽ trang bị tối đa vũ khí cho QLVNCH cùng lúc với việc rút quân theo lịch trình dự định và can thiệp quân sự chỉ là trường hợp ngoại lệ.

    Khác với các luận điểm trong chiến dịch tranh cử, Nixon đề ra một kế hoạch tuyệt mật và hy vọng là sẽ kết thúc chiến tranh trong vòng một năm. Ông theo đuổi ba mục tiêu chính: Một là gây ý thức trong công luận về triển vọng kết thúc chiến cuộc, nhưng không nhất thiết phải là chiến thắng quân sự thuần túy. Hai là Hoa Kỳ không bỏ rơi VNCH và từ bỏ mục tiêu cao cả đã cam kết. Ba là kết thúc chiến cuộc là một giải pháp khả thi, nhưng đầy danh dự cho Hoa Kỳ.

    Ông đề ra các giải pháp cụ thể: Để phá vỡ hậu cần tại miền Bắc, cần tiếp tục oanh tạc các đường tiếp vận và phong toả hải cảng nơi nhận các quân dụng viện trợ. Để làm suy yếu tiềm lực chiến đấu tại miền Nam, cần tăng cường chiến dịch Bình Định Nông Thôn mà Johnson đã thành công.

    Để gây chuyển biến nhanh hơn, Nixon muốn quyết định táo bạo mà ông gọi là lý thuyết của người điên (Madman Theory). Dù không có trên văn bản, nhưng qua các cuộc hội luận với H. R. Haldeman, một công sự viên thân tín, ông nêu các lập luận qua trích thuật “Tôi sẽ chứng tỏ cho Hà Nội biết rằng khi nổi điên lên đến cực điểm, tôi sẽ làm tất cả những gì để kết thúc chiến cuộc. Chúng ta sẽ cho Hà Nội thấy là khi Nixon căm ghét Hà Nội biết chừng nào, khi Nixon nổi điên, thì không ai kiềm chế được“.

    Việc Hoàng thân Norodom Shihanouk thuận cho CSBV sử dụng lãnh thổ Campuchia làm cơ sở hậu cần để cho QĐNDVN xâm nhập miền Nam là vấn đề mà Nixon thấy cần phải giải quyết trước. Từ tháng 2 năm 1969, qua cuộc hành quân Operation Menu, Nixon ra lịnh cho Không Quân Hoa Kỳ ném bom xuống các căn cứ của CSBV trên lãnh thổ Campuchia. Công luận và các giới chức cao cấp không được thông báo về diễn tiến này. Trong 14 tháng liên tục Hoa Kỳ đã ném 100.000 tấn bom làm cho Hà Nội bị tổn thất nặng nề, nhưng không hề công bố về con số thương vong và tiềm lực suy giảm.

    Vào tháng sáu 1969, Nixon đề nghị Hoa Kỳ và CSBV rút quân khỏi Nam Việt Nam và mọi hình thức hoà đàm sẽ do hai phiá Bắc và Nam quyết định. So với Johnson, Nixon và Kissinger mềm dẻo hơn. Ông đề nghị là đến tháng 11 năm 1969, nếu Hà Nội không chấp thuận thì ông sẽ tăng cường các giải pháp quân sự. Nhưng Hà Nội bác bỏ, nên hoà đàm không khả thi.

    Thoạt đầu, áp lực của giới phản chiến xuống thấp, khi Nixon tuyên bố rút 25.000 quân vào tháng 6 năm 1969 và tiếp tục rút thêm 60.000 vào tháng 9. Lịnh nhập ngủ được thay thế bằng hình thức rút thăm và giới trẻ cũng như sinh viên ít khi gặp phải. Đến tháng 10 phong trào phản chiến gây sôi động khi Quốc Hội thông qua đạo luật cấm đóng quân Hoa Kỳ tại Thái và Lào vào tháng 9. Chống đối lên đến cao điểm khi có 4 triệu người biểu tình trên 200 thành phố. Bài hát của John Lenon “Give Peace a Chance“ và việc trưng bài danh sách các binh sĩ nằm xuống tại bậc thềm Quốc Hội là hai biểu tượng chính.

    Trước áp lực của công luận, Nixon không có phản ứng thích hợp và ra lịnh cho 300 quân nhân phong toả Toà Bạch Ốc. Trong diễn văn truyền hình ngày 3 tháng mười một, ông cảnh báo giới phản chiến là một hiện tượng tắm máu sẽ xảy ra khi miền Nam thất thủ và phong trào phản chiến gây khó khăn cho thiện chí đem lại hoà bình của Hoa Kỳ. Chính Hoa Kỳ có thể làm suy yếu CSBV, và không có trường hợp ngược lại. Tài hùng biện trong diễn văn này đem lại thành công đáng kể cho Nixon khi gần 70% dân chúng đồng thuận với chính sách. Phong trào phản chiến suy giảm khi tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh bắt đầu.

    Việt Nam Hoá Chiến Tranh

    Khi công luận Hoa Kỳ hoan nghênh việc Việt Nam Hoá chiến tranh và hồi hương các binh sĩ, thì các giới chức tại Ngũ Giác Đài và Bộ Quốc Phòng VNCH bi quan cho rằng sách lược này chỉ là để miền Nam đầu hàng CSBV theo thời gian. Chính quyền VNCH, mặc dù triệt để chống kế hoạch, nhưng không còn cách nào khác hơn là tỏ ra ủng hộ giải pháp này.

    Giữa tháng 6 năm 1970 QLVNCH gia tăng quân số từ 850.000 lên đến một triệu, do lịnh Tổng Động Viên ban hành, thanh niên trong tuổi từ 18 đến 35 phải nhập ngủ. Hoa Kỳ trang bị cho QLVNCH vũ khí, quân xa va trực thăng hiện đại. Chiến dịch Bình Định Nông Thôn thành công đem lại an ninh cho các vùng xôi đậu trước đây. Cuối năm 1971, chính phủ đã kiểm soát nông thôn nhiều hơn; không khí bình yên trở lại xóm làng và các cuộc bầu của Hội Đồng Xã là có tự do thật sự. Luật Người Cày Có Ruộng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đem lại ưu thế chính trị hơn cho ông, khi số lượng đất cấp phát từ 29% lên đến 56% trong năm 1972, cụ thể là 800.000 nông dân vô sản có được đất để canh tác. Thành phố sung túc hơn với các mặt hàng tiêu dùng do viện trợ Hoa Kỳ bán ra. Tất cả biểu hiện cho một sự thành công đáng kể của miền Nam trong việc xây dựng một quốc gia dân chủ trong bước khởi đầu.

    Dù an ninh vãn hồi, nhưng chiến tranh thay đổi bộ mặt nông thôn, dân chúng bỏ làng ra thành phố mưu sinh, người ở lại cũng không thể sống bằng canh nông, chương trình cấp đất không tạo thu hút dân chúng hồi cư vì không hứa hẹn sẽ đem lại một cuộc sống sung túc. Binh lính VNCH vẫn chưa quen sử dụng vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ nên hiệu năng tác chiến vẫn chưa đạt được, trong khi tỷ lệ đào ngủ còn cao. Sự tàn bạo của chiến dịch Phượng Hoàng tạo thuận lợi cho MTGPMN chiêu phục thêm được nhiều du kích quân.

    Tháng Ba năm 1970, Nixon công bố đã có nhiều diễn tiến tốt đẹp trong chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh và rút thêm 15.000 quân nhân để tìm hậu thuẩn nơi phe phản chiến. Thực ra, hoà đàm không chuyển biến làm Nixon lo âu nhiều hơn. Trong khi phong trào phản chiến ngày càng mạnh, nên tháng 4 Thượng Viện ra cảnh báo về tình hình nghiêm trọng và yêu cầu Tổng Thống kết thúc chiến tranh. Một cơ hội vãn hồi hoà bình cho Việt Nam đến, không phải xảy ra tại Việt Nam mà tại Campuchia.

    Tấn công Campuchia.

    Thủ tướng Lon Nol đảo chính Hoàng thân Norodom Sihanouk vào ngày 18 tháng 3 năm 1970. Đến nay vẫn chưa xác định được là có CIA nhúng tay trong vụ này không.

    Hoa Kỳ thấy có thuận lợi để tấn công các cơ sở hậu cần của CSBV nằm trong lãnh thổ Campuchia. Không theo quan điểm của Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao, Nixon quyết định dùng bộ binh hành quân vào các khu vực biên giới Tây Nam Campuchia, không phải chỉ cách Sài gòn 70 cây số mà là toàn bộ các khu vực của MTGPMN chưa hề được phát hiện trước đây. Mục tiêu của đợt tấn công này là giúp cho VNCH đủ thời gian tập trung lực lượng cho chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh.

    Ngày 1 tháng năm Hoa Kỳ mang 31.000 quân và VNCH mang 43.000 quân tấn công Campuchia. Do có mật tin tình báo mà các bản doanh của MTGPMN di chuyển trước, nên QLVNCH không thể nào tìm ra. Thành công của đợt hành quân này quá giới hạn; mức tử vong của Cộng quân là 2.000 và một số kho vũ khí căn cứ bị huỷ diệt. Phản ứng đầu tiên của CSBV là phải rút sâu hơn trong nội địa của Campuchia. Với vũ khí của CSBV và Trung Quốc cung cấp, lực lượng Khmer Đỏ có thêm phương tiện gia tăng kiểm soát nhiều các khu vực khác. Dĩ nhiên, các cuộc hành quân hỗn hợp này làm cho xung đột vốn dĩ lâu đời của Khmer Đỏ và chính quyền Campuchia trầm trọng hơn.

    Thoạt đầu, dân chúng Hoa Kỳ tỏ ra đồng ý dè dặt về việc tấn công Campuchia. Trong một cuộc biểu tình của giới phản chiến tại khuôn viên Đại học Kent State, Ohio, Vệ Binh Quốc Gia đã nổ súng làm chết 4 và bị thương 15 sinh viên vào ngày 4 tháng năm 1970. Tình hình căng thẳng hơn khi 100.000 sinh viên liên tục biểu tình trước Toà Bạch Ốc. Trước áp lực nặng nề, Nixon tuyên bố sẽ chấm dứt tấn công Campuchia vào tháng 6. Nixon khó xử hơn bao giờ hết vì thấy rằng Hoa Kỳ không thể thắng, nhưng lại không muốn kết thúc và cũng không dám công khai thú nhận là thua.

    Sau cuộc xâm lăng Campuchia, tinh thần dân chúng mệt mỏi và cho là một sai lầm đạo đức, nhất là khi các cơ quan truyền thông đồng loạt khai thác vụ tàn sát Mỹ Lai và Bí Mật Ngũ Giác Đài.

    Pentagon Papers

    Muà hè 1971, The New York Times phổ biến tài liệu gọi là Bí Mật Ngũ Giác Đài, Pentagon Papers, làm hoang mang dư luận. Tài liệu này do Daniel Ellsberg tổng hợp theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng MacNamara. Ông cáo giác chánh sách tham chiến dựa trên quan điểm là do bị đe doạ nhiều hơn trên các nhận định quyền lợi thực tế. Các chính quyền Kennedy và Johnson thông báo tin tức sai lạc cho dân chúng và lý tưởng hoá về tầm vóc tham chiến tại Việt Nam.

    Để đối phó với mặt trận truyền thông ngày càng gay gắt, Nixon phải xin lịnh Toà án ngưng công bố các tài liệu này, nhưng gặp thất bại. Nixon yêu cầu các giới chức an ninh hỗ trợ để chận đứng tình hình. Một mặt, ông cáo buộc Daniel Ellsberg bị bịnh tâm thần; mặt khác, ông dùng các thủ thuật bất hợp pháp như tổ chức đánh cắp tài liệu mật, nghe lén, theo dõi thư tín và đời tư các người liên quan.

    Quốc Hội ý thức hơn về tầm vóc vấn đề và theo dõi các hoạt động của Tổng Thống. Tháng tư và năm có hàng trăm ngàn dân phản chiến tham gia biểu tình và có vài thành quả nhất định. Dù các đài truyền hình ít đưa tin về các hoạt động phản chiến hơn, nhưng các bất ổn tâm lý lan tràn.

    Bất ổn tâm lý

    Từ khi phát động chương trình Việt Nam Hoá chiến tranh, từ Tướng Tư lệnh Abhrams cho đến binh sĩ có cảm tưởng chung là mục tiêu cao cả của cuộc chiến đấu vì tự do đã mất đi. Vì chỉ còn chờ ngày hồi hương, nên họ mang tâm trạng phòng thủ và bất ổn tinh thần.

    Tinh thần xuống cực thấp qua việc sử dụng ma túy. Theo một ước lượng, có khoảng 40.000 binh sĩ Hoa Kỳ lâm cảnh nghiện ngập. Các vấn đề phân biệt màu da và bất tuân thượng lịnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hậu quả chính trị của vấn đề càng nghiêm trọng, khi có tin một số tướng lãnh VNCH cũng tham gia việc mua bán ma túy.

    Ngay khi còn ở Việt Nam, binh sĩ Hoa Kỳ không thể suy đoán hết về các diễn biến của các phong trào phản chiến. Lúc hồi hương, họ càng gặp khó khăn trong việc tái hội nhập xã hội và nhận ngay ra các bất ổn tâm lý cá nhân, “họ không thể tập trung, lo sợ trước bóng tối như trẻ con, thường bị mệt mỏi nhanh, ác mộng thường xuyên, phản ứng quá mức trước tiếng động không bình thường, đột qụy trước trong cơn giận dữ hay xung động.” Các chứng bịnh tâm thần kéo dài không thể trị hết làm cho nhiều người thất nghiệp, phạm pháp và vào tù. Trong chiến tranh, họ được ca ngợi là anh hùng, khi hồi hương họ mới nhận ra mình là một phương tiện cho một chính sách thất bại. Chính quyền không quan tâm giải quyết các vấn đề tâm lý cá nhân cũng như gia đình. Họ mang tâm trạng làm điều vô ích cho kẻ vô ơn.

    Tinh thần binh sĩ VNCH cũng sa sút vì mặc cảm bị Hoa Kỳ bỏ rơi và phải tự chiến đấu trong trong hoàn cảnh thiếu yểm trợ. Khi Quốc Hội cấm binh sĩ Hoa Kỳ hành quân trên lãnh thổ Lào, QLVNCH gặp vấn đề trầm trọng hơn, mà thảm bại của Hành quân Lam Sơn 719 là thí dụ chính.

    Mục tiêu Hành quân Lam Sơn 719 nhằm phả huỷ các đường hậu cần, buộc CSBV trở lại hoà đàm khi nhận ra được khả năng thiện chiến của QLVNCH. Do mật tin của các cơ quan tình báo mà mọi kế hoạch đều bị CSBV phát hiện và kết quả là QĐNDVN đã gây thảm bại nặng nề cho QLVNCH. Nếu không có các cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ yểm trợ vào giờ chót, thì tầm vóc thiệt hại càng thảm khốc hơn. Con số thương vong của QLVNCH lên tới 8.483 chết, 12.420 bị thương, 691 mất tích.
    Quân đội Mỹ có 215 chết, 1.149 bị thương, 38 mất tích, 168 trực thăng bị bắn rơi và 618 chiếc khác bị bắn; QĐNDVN bị thương vong là 2.163 chết, 6.176 bị thương; các số liệu đều là ước đoán.

    CSBV và MTGPMN trong tiến trình Việt Nam Hoá chiến tranh.

    Tổng công kích Tết Mậu Thân mang lại thành công về ngoại vận cho CSBV và MTGPMN, nhưng là một thất bại quân sự nặng nề và hiệu năng tác chiến trở nên cực kỳ suy yếu. Chiến dịch tấn công sang Campuchia và Chương trình Phượng Hoàng của QLVNCH làm cho CSBV chỉ duy trì thế thủ; MTGPMN cần có thời gian để phục hồi và không còn đánh phá mạnh ở mức độ địa phương.

    Nhưng tiến trình Việt Nam Hoá làm thay đổi tình hình; Quân lực Hoa Kỳ không thể phát triển được nửa khi quân số đã lên đỉnh điểm và QLVNCH khó khăn hơn khi phải tự đảm nhận các cuộc hành quân. MTGPMN và CSBV nhận ra rằng đã đến lúc phải phản ứng trước tình hình thuận lợi, nghĩa là phải công kích đối phương nhiều hơn, kể cả ngoại vận, cho dù thực lực đang suy giảm.

    Thực ra, nỗ lưc kiện toàn cơ sở và tăng cường tiềm lực không gặp trở ngại vì CSBV nhận nhiều viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước thuộc khối Đông Âu trong các lĩnh vực
    phòng không, xây dựng, kỹ thuật và huấn luyện. Theo một ước lượng, CSBV nhận viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc khoảng 7 tỷ Đô la, và riêng Trung Quốc mỗi năm khoảng 200 triệu Đô la về trang bị vũ khí nhẹ.

    Sau khi Hồ Chí Minh chết vào năm 1969, đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống Mỹ xâm lược và thống nhất đất nước là mục tiêu cao cả của CSBV. Để đạt mục tiêu này, Lãnh đạo Đảng Lao Động ý thức được các tác động chuyển biến của Việt Nam Hoá chiến tranh. Vào tháng giêng 1970, họ thay đổi chiến lược bằng cách sử dụng Hoà đàm Paris là một trận tuyến mới, mà trước đây họ xem là một công cụ tuyên truyền.

    Vùng châu thổ sông Cửu Long, một khu vực đông dân và nhiều luá gạo, có ý nghĩa chiến lược, nên MTGPMN đã tăng cường mọi biện pháp để bám khu vực. Hành quân tấn công sang Campuchia của QLVNCH đã làm phân tán sức bảo vệ, nhưng sau đó đành phải rút về để bám đất và giữ dân.

    Điểm ngạc nhiên nhất là đến giữa năm 1971, tiềm năng chiến đấu của hai bên đều suy yếu, một tình trạng bất phân thắng bại, không bên nào chứng tỏ có ưu thế quân sự để có thể chiến thắng. Thuận lợi nhất cho CSBV là Hoa Kỳ bắt đầu rút quân theo lịch trình, cứ sáu tháng là có 50.000 binh sĩ hồi hương.

    Nga-Hoa đang nỗ lực cải thiện bang giao với Hoa Kỳ để có nhiều thoả ước thương mại và giải giới vũ khí. Để đánh đổi mặc cả này, cả hai sẳn sàng gây áp lực Hà Nội trong việc mưu tìm một giải pháp hoà bình. Dù xung đột có vũ trang tại biên giới Nga – Hoa vào mùa hè 1969 tại vùng Ussuri cũng không làm cho tình hình bang giao của Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô xấu hơn.

    Chuyến đi bí mật của Kissinger vào ngày 9 tháng 6 năm 1971 tại Bắc Kinh là để mở đường cho chuyến thăm viếng chính thức của Nixon vào ngày 21 đến 28 tháng 2 năm 1972. Triển vọng tái lập bang giao Hoa – Mỹ tạo bất lợi cho Hà Nội, vì một trong những điều kiện tiên quyết mà Kissinger đặt ra cho Bắc Kinh là tạo áp lực cho Hà Nội phải đàm phán. Lo sợ trước chuyển biến này, Phạm Văn Đồng sang Bắc Kinh gặp Mao Trạch Đông tìm cách ngăn trở.

    Mao phản bác yêu cầu của Phạm Văn Đồng bằng một hình ảnh bóng bẩy: “Chổi của Trung Quốc quá ngắn không thể nào quét sạch lính Mỹ tại Đài Loan, chổi của các Đồng chí ở miền Bắc còn ngắn hơn, thì làm sao quét sạch miền Nam.“ Bắc Kinh chống đề nghị này là một thất bại cho Hà Nội. Nhiều tư liệu giải mật về sau cho thấy, dù viện trợ cho Bắc Việt tối đa, nhưng Trung Quốc không hề tin CSBV sẽ chiến thắng.

    Bảng Tuyên bố chung Thượng Hải vào ngày 28 tháng 2 mở đầu giai đoạn bang giao mới giữa hai nuớc, mà mục tiêu chung là xây dựng một cấu trúc về hoà bình và công lý cho thế giới (the goal of building a world structure of peace and justice). Nội dung không đề cập đến các dị biệt ý thức hệ hay giải quyết các vấn đề Đài Loan, Việt Nam và Bắc Hàn, nhưng là một thay đổi quan trọng về thế giới quan về hợp tác.

    Từ quan điểm của một vị Tổng Thống chống Cộng cực đoan, Nixon chuyển sang lợi dụng các xung đột Nga-Hoa hầu tìm một cấu trúc mới cho chính trị thế giới, mà cũng không quên quyền lợi chính của Hoa Kỳ. Giải pháp cho vấn đề Việt Nam tất nhiên bị ảnh hưởng trong sự thay đổi này.

    Đợt tấn công muà hè 1972

    Bất chấp thành công của Nixon trong chuyến Hoa du và đợt vận động tranh cử tại Hoa Kỳ vừa kết thúc, CSBV mở một đợt tấn công miền Nam vào mùa hẻ năm 1972 với 120.000 quân qua ba ngả phi quân sự, vùng cao nguyên và biên giới Campuchia, lần này có trang bị nhiều chiến xa tối tân của Liên Xô. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ chỉ còn 6.000 binh sĩ chiến đấu trong tổng số 95.000 quân. CSBV tấn công năm tỉnh phiá Bắc, khởi đầu là Quảng Trị, rồi đến Komtum thuộc cao nguyên, với hy vọng là cắt đôi miền này, và điểm cuối cùng là biên giới Tây Nam, cách thủ đô Sài gòn 70 cây số. Tổng Thống Thiệu phải ra lịnh cứu nguy các thành phố và tạo vòng đai an toàn cho dân chúng.

    Để làm cơ sở bao vây Sài Gòn, MTGPMN đã bắt đầu kiểm soát vùng châu thổ sông Cửu Long; tấn công này làm cho tinh thần chiến đấu của QLVNCH lung lai vì thiếu yểm trợ.

    Nixon kiên quyết không bỏ rơi miền Nam và không thể chịu thất bại trong năm tranh cử khi ông đưa ra cuộc hành quân Linebacker I vào ngày 8 tháng năm. Ông quyết định phong toả hải cảng Hải Phòng và mở các đợt không kích tàn bạo nhất, cho dù các chuyên gia có cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của quyết định “điên khùng” này.
    Lập luận chung là ai cũng sợ Hoa Kỳ bị trả đuả; để tỏ tình đoàn kết với CSBV, Trung Quốc sẽ trực tiếp can thiệp và Liên Xô sẽ cắt đứt ngoại giao với Hoa kỳ. Nixon bất chấp cảnh báo này và cho ném 112.000 tấn bom xuống miền Bắc.

    Điểm ngạc nhiên là Liên Xô phản ứng yếu kém khi một chiếc hạm của Liên Xô bị phá hủy ở hải cảng Hải Phòng. Sau đó, Leonid Breschnew tiếp Nixon vào tháng năm với nghi lể trang trọng dành cho một quốc khách. Trung Quốc cũng tỏ ra không gay gắt trước những thiệt hại nặng nề của miền Bắc. Dù Thượng Viện nổi giận, nhưng công luận Hoa Kỳ tỏ ra đồng thuận với việc ném bom miền Bắc, vì dẫu sao cũng ít gây hậu quả tệ haị hơn là hành quân bằng bộ binh. Nixon nhận nhiều ủng hộ chính trị hơn trong thời gian này.

    Cuộc hành quân muà hè 1972 là một thất bại cho Hà Nội; vì mọi hoạt động hậu cần bị tê liệt và với trên 100.000 quân của QĐNDVN bị thiệt mạng cùng 700 xe tăng Liên Xô bị tiêu hủy, trong khi quân của VNCH tử vong khoảng 25.000. Chua chát nhất là Liên Xô đã cắt giảm viện trợ, còn Trung Quốc gây sức ép để buộc ngừng chiến đấu. Hà Nội đang trong tình trạng hoàn toàn kiệt quệ mọi mặt và nhận ra rằng không thể kéo dài chiến lược vưà đánh vừa đàm, vì thiệt hại nhiều hơn trong khi Hoa Kỳ còn tiếp tục oanh tạc; dù Đảng Dân Chủ của McGovern có thắng cử, thì tình hình cũng không thể thuận lợi hơn.

    Ngược lại, vì đang được dân chúng ủng hộ, nên Nixon và Kissinger nhận ra một lối thoát trong danh dự cho Hoa Kỳ đã đến. Dù Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho miền Nam, nhưng Nixon thấy không thể kéo dài mưa bom và áp lực phản chiến trong nước lên đến đỉnh điểm. Theo công luận thì những thuận lợi về việc xây dựng nền tảng dân chủ của VNCH cũng như triển vọng thành công trong chương trình Việt Nam Hoá không còn nửa.

    Cả Hoa Kỳ và CSBV cùng nhận định là phải trở lại hoà hội Paris trong một thái độ nghiêm chỉnh hơn.

    Hiệp Định Paris

    Các cuộc hoà đàm chính thức tại Paris khởi đầu từ 10.5.1968 trong thời Johnson, nhưng vì có quá nhiều dị biệt nên không đạt kết quả. Từ 4.8.1969 Kissinger đã có nhiều mật đàm với Lê Đức Thọ và cũng không có tiến triển. Thực ra, vị thế đàm phán của Kissinger kém hơn CSBV, khi ông đòi hỏi hai bên cùng rút quân. Lúc này, Hoa Kỳ chỉ còn 27.000 binh sĩ và phương tiện duy nhất là tiếp tục đe doạ không kích.

    Cuối cùng, qua hai cuộc thương thảo 26 tháng 9 và 10 tháng 10 năm 1973, cả hai bên đạt đến một thoả hiệp chung: CSBV đồng ý cho chế độ VNCH tồn taị và thành lập một Uỷ Ban Quốc Gia Hoà Giải và Hoà hợp Dân tộc gồm có đại diện VNCH, MTGPMN và các thành phần thứ ba cùng làm việc chung. Mục tiêu của UB là chuẩn bị cho cuộc phổ thông đầu phiếu toàn quốc. Cùng với nỗ lực này là một thoả ước đình chiến và trao trả tù binh cho các bên liên quan. Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến sẽ hỗ trợ cho hai miền trong tiến trình này.

    Một bất ngờ trong lúc thương thảo cho Kissinger là gặp phản ứng cực kỳ mãnh liệt của Tổng Thống Thiệu. Ông thấy nguy cơ sống còn cho chế độ nên không thể ký hoà ước. Kissinger nhận ra rằng vấn đề không còn phải là chuyện soạn thảo các điều kiện rút quân hay hoà giải mà sự dị biệt nền tảng trong quan điểm đấu tranh. Miền Nam không muốn mất vào tay Cộng Sản và cần có một phương cách để bảo đảm cho chiến thắng. Qua hinh thức ký kết này Hoa Kỳ cũng sẽ không hỗ trợ gì đặc biệt hơn cho VNCH.

    Kissinger nổi giận vì các mật đàm giữa Hà Nội và Washington đều không đạt kết quả, nhất là không làm cho Tồng Thống Thiệu tin tưởng thiện chí của Hoa Kỳ. Dù Kissinger dấu nhẹm mọi tin tức về tiến trình đàm phán, tình báo của Tổng Thống Thiệu cũng tìm ra được nội dung các điều kiện, nhất là Kissinger cũng sẽ không thương thảo với Tổng Thống Thiệu, mà chỉ với MTGPMN; chỉ với lý do này cũng đủ làm cho Tổng Thống Thiệu từ chối ký kết hoà ước.

    Tình thế khó khăn hơn, nhưng Kissinger vẫn hy vọng tìm ra một thoả hiệp. Ngày 19 tháng 7 năm 1972 ông gặp lại Lê Đức Thọ để thương thuyết. Đến ngày ngày 31 tháng 10 là ngày trước ngày bầu cử Tổng Thông một tuần, ông tuyên bố: “Hoà bình đang ở trong tầm tay“ (“Peace is at hand”). Đây là một kết luận vội vàng gây nhiều hậu quả tai hại, trong khi ông không tham khảo ý kiến của Tổng Thống Thiệu cũng như Nixon. Nixon thú nhận là những lo âu của Tổng Thống Thiệu là hợp lý và nếu ông thắng cử thì cơ hội cho một hoà ước thuận lợi hơn. Kissinger cũng không thể lưòng được là 61% dân chúng ủng hộ Nixon thằng cử, MacGovern thua đậm là một thành tích hiếm thấy cho Nixon.

    Sau khi thắng cử vào ngày 7 tháng 11 năm 1972, Nixon bày tỏ thiện chí ủng hộ miền Nam. Ngay sau cuộc hành quân Enhence Plus, ông quyết định trao cho miền Nam một số lượng vũ khí quan trọng. Đáng kể nhất trong đợt viện trợ này là 600 máy bay, trong đó hơn 200 phản lực chiến đấu và oanh tạc cơ, hơn 300 trực thăng, máy bay vận tải, thám thính. Tổng số máy bay VNCH lên đến 2.075 chiếc và không lực đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng.

    Ngoài ra, trong các mật thư với Tổng Thống Thiệu, Nixon còn cam kết là dù có ngưng bắn, ông sẽ tiếp tục ném bom miền Bắc khi CSBV vi phạm thoả ước. Cả Nixon và Kissinger về sau cũng không hề nhắc đến mật ước này, chỉ có Tổng Thống Thiệu gián tiếp công bố khi lưu vong.

    Muốn chứng tỏ không bỏ rơi miền Nam, một lần nửa, Nixon kiên quyết tiếp tục ném bom Hà Nội và Hải Phòng qua cuộc hành quân Linebacker II. Cuộc không kích kéo dài từ 18 cho đến 29 tháng 12 năm 1972, ngoại trừ đêm Giáng Sinh. Mưa bom này làm kinh động công luận thế giới, cả Đức Giáo Hoàng Paul VI cũng lên tiếng phản đối Nixon. Khoảng 2000 thường dân chết và 1500 bị thương, nhưng thiệt hại các khu dân cư quá nặng nề.

    Tại Paris, Kissinger buộc Hà Nội trở lại đàm phán. Hà Nội hoảng sợ phải trở lại bàn hội nghi; VNCH lên tinh thần hơn, tin tưởng là mật ước của Nixon sẽ tiếp tục không kích miền Bắc là khả thi và cũng đồng ý thương thuyết. Cuối cùng, Hiệp Định Chấm dứt Chiến tranh và Vãn hồi Hoà bình được ký vào ngày 27 tháng giêng năm 1973 với bốn bên là CSBV, VNCH, MTGPMN và Hoa Kỳ.

    Các điểm chính trong Hiệp Định Paris là ngưng mọi cuộc giao tranh, Hoa Kỳ rút quân trong vòng 60 ngày ra khỏi Việt Nam; QĐNDVN được ở lại miền Nam; bù lại Hà Nội trao trả các tù binh Hoa Kỳ. UBQGHGHHDT sẽ làm việc trong khi VNCH và MTGPMN cùng hoạt động trên lãnh thổ của mình. Khu phi quân sự là một lằn ranh tạm thời và không được quốc tế công nhận theo luật quốc tế. Trong một mật ước với Hà Nội, Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết cho CSBV và sẽ không hành quân trên lãnh thổ Lào và Campuchia.

    Hiêp Định Paris không phải là một thoả hiệp giữa hai phe thắng và thua, nhưng CSBV và MTGPMN có ba thắng lợi thuộc loại bất chiến tư nhiên thành: một là toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam; hai là công nhận sự hiện diện của 140.000 quân chính quy QĐNDVN ở miền Nam và chính phủ ”ma” MTGPMN; ba là quy chế khu phi quân sự sẽ không đuợc luật quốc tế công nhận và không ai sẽ can thiệp khi vi phạm.

    Dù VNCH kiểm soát trên 50% dân chúng và 75% lãnh thổ, nhưng là một thất bại nặng nề khi ký kết, vì không có tiếng nói chính thức trong hội nghị. Hai mục tiêu chính của VNCH là duy trì binh sĩ Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ QLVNCH chiến đấu và phải trục xuất binh sĩ CSBV ra khỏi miền Nam đều không có kết quả.

    Thắng lợi cho Hoa kỳ là mang binh sĩ hồi hương, một lối thoát danh dự, một thành quả của Nixon mà Kennedy và Johnson không đạt được. Nixon còn buộc Hà Nội phải công nhận chính phủ VNCH là một thực thể chính trị để đối thoại, làm cho CSBV phải từ bỏ yêu sách là một chính phủ liên hiệp không có chính quyền Thiệu tham gia. Nixon ý thức về khó khăn của việc thực hiện Hiệp Định Paris vì QĐNDVN còn đóng tại miền Nam và việc tiếp tục ném bom miền Bắc trong tương lai là khó khả thi.
    Khi cải thiện bang giao với hai nước Nga-Hoa, Nixon và Kissinger đem lại ưu thế cho Hoa kỳ; vì mở rộng vị thế siêu cường, nên các áp lực quốc tế và quốc nội trong cách giải quyết vấn đề Việt Nam giảm đi.

    Nixon vẫn còn lo âu về mật ước với Tổng Thống Thiệu. Kissinger, vốn dĩ không dành thiện cảm cho VNCH, nên cảm thấy nhẹ nhàng hơn và không quan tâm đến vận mệnh tương lai của miền Nam. Ông tiên đoán sẽ có một khoảng cách thích hợp cho việc đình chiến và sự sụp đổ của miền Nam. Khi đuợc hỏi miền Nam sẽ còn sống được bao lâu sau ngày ngưng bắn, ông trả lời: ”Nếu có may mắn chế độ Sài Gòn chỉ sống sót được trong vòng một năm rưởi.”

    Quốc Hội và Watergate

    Sau khi người lính cuối cùng rời khỏi Việt Nam và Hà Nội trao trả 580 tù binh thì chính giới Hoa Kỳ không còn lý do để ủng hộ cho VNCH. Dù có nhiều tin tức về vi phạm Hiệp Định Paris nhưng công luận không còn quan tâm. Hai khái niệm chính yếu cho Hoa Kỳ trong gia đoạn này là Hoà Bình và Danh dự.

    Cuối tháng 7 năm 1973 Quốc Hội tìm cách hủy bỏ các quân viện cho chiến trường Đông Dương. Nixon phủ quyết quyết định của Quốc Hội, tình hình căng thẳng và không một thoả hiệp nào đạt được. Ngày 15 tháng 8 năm 1973 các cuộc ném bom trong phạm vi biên giới Campuchia dọc theo Nam Việt Nam kết thúc. Hoa Kỳ đã ném tổng cộng hơn 250.000 tấn bom xuống khu vực này, nhiều hơn số lượng bom trong Thế chiến thứ Hai, làm cho khoảng 7 triệu dân Campuchia phải chạy tỵ nạn.

    Quốc Hội tìm mọi cách gây ảnh hưởng ngăn chận trong mọi tiến trình quyết định của Tổng Thống. Tháng 11 năm 1973 Quốc Hội biểu quyết luật War Power Act, quy định trường hợp can thiệp quân sự trong các xung đột quốc tế; Tổng Thống có quyền điều quân ra nước ngoài trong thời hạn 60 ngày; nếu Quốc hội không cho phép can thiệp, thì trong vỏng 30 ngày sau đó Tổng Thống phải rút quân. Do đó, thẩm quyền can thiệp quân sự của Tổng Thống trong tương lai bị hạn chế.

    Biến động Watergate làm cho Nixon hoàn toàn bất lực. Thông tin sai lạc và lạm quyền Tổng Thống quá mức lần lượt bị báo chí phơi bày, nên không còn được tín nhiệm Nixon; Tối Cao Pháp Viện đồng thanh quyết định Nixon phải trao các băng ghi âm các buổi nói chuyện tại văn phòng Bầu dục cho Uỷ viên Điều tra là Jaworski; Uỷ Ban Tư pháp của Hạ Viện truy tố Nixon vi phạm ba tội hình sự; toàn thể Hạ Viện và Thượng Viện đồng thanh chấp thuận tiến hành thủ tục huyền chức (Impeachment) Tổng Thống, một vụ việc chưa có tiền lệ.

    Để tránh khỏi thủ tục này, ngày 2 tháng 8 Nixon tuyên bố từ chức và không nhận tội. Người kế nhiệm là Gerald Ford. Ông tuyên bố kế tục chính sách ngoại giao của Nixon và Kissinger vẫn nắm chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia đến cuối tháng 11 năm 1975. Trong thời gian này, các mật ước của Nixon hỗ trợ Tổng Thống Thiệu không ai biết tới, nhưng bất ổn xã hội tại miền Nam càng thể hiện trầm trọng hơn.

    Bất ổn xã hội

    Sau khi Hiệp Định Paris ký kết, cả hai phe Nam Bắc liên tục cáo giác nhau về các vi phạm ngưng bắn, cùng ngăn trở hoạt động của UBHG và gia tăng phương tiện kiểm soát lãnh thổ và dân chúng. Trong chiến dịch này QLVNCH chiếm lại được hơn 1000 làng xã. Thành quả này cũng là một thách thức mới vì QLVNCH còn phải đảm nhiệm thêm các công tác hành chánh địa phương và bình định nông thôn, vượt quá khả năng bảo vệ.

    Quân số QLVNCH lên đến tên 1,1 triệu trong khi quân số của CSBV và MTGPMN có khoảng 300.000. Ưu thế quân số không tạo thắng lợi hơn cho VNCH vì 2/3 Quân lực phải lo cho việc kiểm soát lãnh thổ, trong khi đối phương chỉ cần có 10% lo chuyện phòng thủ.

    Hà Nội kiên quyết kết thúc chiến tranh bằng chiến thắng quân sự. Để chuẩn bị cho đột tấn công mới, CSBV tập trung kiện toàn đường mòn Hồ Chí Minh; nhờ việc tiếp vận từ biên giới Hoa-Việt đến biên giới Miên-Việt hoàn chỉnh, nên chuyển chở vũ khí, nguyên liệu và quân dụng nhanh hơn. Trong năm 1974 CSBV tăng cường hoạt động trong các tỉnh thuộc khu phi quân sự và các tỉnh cao nguyên trong khi MTGPMN chiếm gần phân nửa vùng châu thổ sông Cửu Long.

    Tình hình kinh tế của Miền Nam suy sụp trầm trọng. Viện trợ cắt giảm, khu vực cung ứng dịch vụ cho Quân đội Đồng minh không còn, làm mất đi gần 300.000 công việc và tỷ lệ thất nghiệp lên đến 40%. Đời sống công chức và binh sĩ gặp khó khăn khi giá lương thực tăng. Thực phẩm khan hiếm khi chánh phủ VNCH kiểm soát thị trường luá gạo và MTGPMN tìm cách bóp nghẹt các trục vận chuyển.

    Quốc Hội chấp thuận viện trợ 700 triệu cho VNCH trong tài khoá năm 1975, sau khi trừ chi phí vận chuyển chỉ còn lại 300; hậu quả là QLVNCH không thể trang trải mọi quân phí. Chiến lược của QLVNCH là theo kiểu Mỹ, nên cực kỳ tốn kém, sử dụng số lượng vũ khi 17 lần hơn đối phương trong năm 1973, và 12 lần hơn trong năm 1974. Giảm quân viện làm tiêu hao tiềm năng chiến đấu và nhất là khi lương quân nhân không đủ sống. Ảnh hưởng này làm cho tỷ lệ đào ngũ lên cao, 240.000 người trong năm 1974, một kỷ lục chưa từng có.

    Tình hình kinh tế càng khó khăn khiến cho dân thành phố, thành phần trí thức, kể giới làm giàu nhờ chiến tranh tỏ ra chống đối Tổng Thống Thiệu qua chương trình chống tham nhũng. Giới hữu sản bắt đầu chuyển tiền của và tìm cách định cư nước ngoài. Một niềm tin còn lại dành cho tất cả mọi người là: “Mỹ không thể bỏ Việt Nam“, nhưng càng ngày càng mơ hồ hơn vì thiếu cơ sở luận chứng.

    Tất cả mọi người dân đều mong muốn có sự thay đổi phù hợp cho miền Nam, nhưng không ai có khả năng để thích nghi khi CSBV khởi động chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

    Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975

    Hoa Kỳ rút quân và Nixon từ chức sau vụ Watergate là hai món quà vô giá dành cho CSBV. Gerald Ford không đủ tư thế và cũng không chống Cộng cuồng nhiệt như Nixon. Không còn cần Hiệp Định Paris, Hà Nội quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh vào ngày 18 tháng 12 năm 1974 để tiến chiếm miền Nam.

    Tháng 12 năm 1974, CS tấn công Đồng Xoài, Phước Long, tháng 3 năm 1975 tấn công Ban Mê Thuột. Tổng thống Thiệu quyết định bỏ ngỏ cao nguyên để cũng cố lực lượng cho vùng duyên hải và miền Tây. Quân đội triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum gây hỗn loạn và nhiều người chết. Vì không còn ai lãnh đạo nên dân chúng và binh sĩ chạy thoát thân trên các “đại lộ kinh hoàng“ để lánh nạn nơi vùng duyên hải. Các trạm giao thông tắc nghẻn, quân nhu và vũ khí đều bỏ lại trên đường tháo chạy. 25 tháng 3 CSBV chiếm Huế và sau đó 30 tháng 3 Đà Nẳng thất thủ.

    Ngày 4 tháng 4 Tướng Frederick Weygand, Tham mưu Trưởng Liên quân, còn đề nghị Gerald Ford nên tăng viện cho Việt Nam 722 triệu. Gerald Ford bác bỏ vì không thể tìm sự đồng thuận của Quốc Hội. Ngày 23 tháng 4 năm 1975 trước các sinh viên Đại học Tulane, New Orleans, đang hân hoan về tình hình thay đổi tại Việt Nam, Gerald Ford tuyên bố là: “Chiến tranh Việt Nam đã qua đi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ” (The war is over as far as American is concerned). Hoa Kỳ đã học hỏi những sai lầm của mình; nhưng loại sai lầm nào thì ông không kể tới.

    Thắng thế, Hà Nội quyết định tấn công Sài gòn và các tỉnh miền Tây. Ngày 21 tháng 4 Tổng Thống Thiệu trao quyền cho tướng Dương Văn Minh và lưu vong sang Đài Loan. Hy vọng cuối cùng cho người dân miền Nam là Tướng Minh sẽ có một cơ hội đối thoại với MTGPMN. Vì tương quan lực lượng không còn nửa nên Hà Nội quyết định không đối thoại và ngày 30 tháng 4 tiến chiếm Sài gòn. Ngày 1 tháng 5 tướng Minh tuyên bố đầu hàng.

    Tình hình chuyển biến quá nhanh ngoài sự dự liệu của Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin. Ông bối rối trong việc tổ chức di tản cho 9000 nhân viên người Mỹ và khoảng 150.000 người Việt. Khi chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi Toà Đại Sứ, trang sử mới cho Việt Nam bắt đầu.

    Ai thắng? Ai thua? Tại sao?

    Tại sao Hoa Kỳ thua?

    Hoa Kỳ thua vì phải trả 167 tỷ Đô la, kinh phí tổng cộng cho chiến cuộc và 58.000 binh sĩ hy sinh. Về đối ngoại, uy tín của Hoa Kỳ như một siêu cường không còn. Hậu quả là phong trào chống Mỹ tại châu Âu, vổn dĩ đã có sẳn, nay lên cực điểm; các nước chậm tiến không còn tin tưởng việc kết ước liên minh quân sự với Mỹ, mà ngược lại, xem là một tai hoạ. Về đối nội, chiến tranh đã đem lại một vết thương tinh thần, không phải chỉ riêng với các cựu chiến binh mà toàn dân tộc. Các giá trị cao cả mà người Hoa Kỳ đề cao và theo đuổi trước đây, nay được đặt lại nghiêm túc hơn để tìm một hướng đi mới làm hồi sinh dân tộc.

    Các cuộc thảo luận tại Hoa Kỳ về cuộc chiến hầu hết tập trung vào khiá cạnh quân sự. Họ nêu lên ba luận điểm chính trong ba thời kỳ khác nhau và đi đến kết luận là Hoa Kỳ đã có nhiều cơ hội để thắng CSBV mà Hoa Kỳ không nhận ra hoặc không theo đến cùng.

    Một là khái niệm Counterinsurgency của Kennedy là một sách lược chống Cộng đúng đắn cho Việt Nam mà kinh nghiệm tại Mã Lai đã chứng minh thành công. Lý do hỗ trợ cho quan điểm này là thoạt đầu chính phủ Ngô Đinh Diệm được hai thành phần nông dân miền Nam và người Bắc di cư ủng hộ. Chính quyền có hiệu năng trong việc xây dựng đất nước, kết hợp các giáo phái và giải quyết xung đột điạ phương là thí dụ điển hình. Kinh tế trên đà phát triển trong một xã hội đang chuyển mình khi MTGPMN chưa có lý do để tuyên truyền là Mỹ xâm lược hay bom Mỹ phá hoại xóm làng. Chính sách gia đình trị cũng như kỳ thị tôn giáo của Tổng Thống Diệm chưa thành hình.

    Kennedy không quan tâm kết hợp các thành quả xây dựng của VNCH trong công cuộc đấu tranh toàn diện, kể cả bằng quân sự để tiêu diệt CS còn trong thời kỳ phôi thai, mà chỉ gởi các cố vần quân sự là không đủ mạnh. Trở ngại chính một phần là do phản ứng đầy tự ái dân tộc của Tổng Thống Diệm, một phần do thiếu kiên quyết của Kennedy gây áp lực. Tổng Thống Diệm thực thi Quốc sách Ấp Chiến Lược có nhiều sai lầm, gây bất mãn cho nông dân và MTGPMN bắt đầu có cơ hội phát triển cơ sở.

    Hai là
    Johnson quyết định leo thang chiến tranh, nhưng ông lại áp dụng trong phạm vi giới hạn. Dị biệt quan điểm giữa các cố vấn dân sự và quân sự về sách lược đấu tranh làm cho Johnson thiếu kiên quyết. Ông chủ trương không gài mìn hải cảng Hải Phòng sợ làm chìm tầu Nga, luôn lo sợ là Hoa Kỳ có thể bị Trung Quốc và Nga trả đuả; sai lầm nhất của ông là không theo đánh đuổi VC qua bên kia biên giới cuả Campuchia và Lào, vì sẽ mở rộng cuộc chiến. Các biện pháp này Nixon thấy là đúng đắn và thực hiện về sau.

    Giới chức quân sự tin là nếu Johnson oanh tạc các trục tiếp vận và phong toả các hải cảng miền Bắc mạnh hơn và tiến hành Việt Nam Hoá chiến tranh ở miền Nam vào cuối 1966, đó là cơ hội thích hợp nhất để thắng CSBV. Ngược lại, Johnson-McNamara cho là chiến thắng quân sự không là một giải pháp tối ưu như quan niệm cổ điển, mà nghĩ là xây dựng dân chủ miền Nam và không phá hủy miền Bắc là chính. Mục đích oanh tạc và đánh phá các căn cứ hậu cần để giảm mức độ xâm nhập của CSBV.

    Năm 1967, mặc dù thực hiện chiến dịch Rolling Thunder và tăng quân lên 425.000 nhưng CSBV không chịu đàm phán, nên không có triển vọng kết thúc chiến tranh.
    Sự hiện diện binh sĩ Hoa Kỳ tại miền Nam và các đợt không kích tại miền Bắc giúp cho CSBV có lập luận mạnh hơn để thu phục nhân tâm tại nông thôn cũng như các trí thức cảnh tả phương Tây về việc Hoa Kỳ xâm lăng VN, làm cho đấu tranh ngoại vận của Hoa Kỳ và VNCH thêm khó khăn.

    Ba là thành quả cuộc không kích Linebacker II của Nixon, đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Tại sao Nixon không kéo dài oanh tạc trước sự nguy cơ sụp đổ của CSBV? Chiến thắng gần kề mà Nixon lại tạo cho CSBV cơ hội đàm phán và mua thời gian là sai lầm. Có quá nhiều cách giải thích về chuyện ngưng không tập này.

    Dư luận thế giới kết án Hoa Kỳ nặng nề về mặt đạo đức và kêu gọi ngưng oanh tạc. Đó không phải là lý do chính mà Hoa Kỳ không tiếp tục không kích, mà là vì đã đạt được các mục tiêu. Oanh tac và phong toả hải cảng thành công làm cho các lực lưọng phòng không BV phải thôi hoạt động.

    Một lập luận khác cho rằng CSBV thắng lớn; làm Không Quân Hoa Kỳ thiệt hại nặng nề, nên không thể tiếp tục. Thực ra, chỉ có 15 B-52 và 12 phi cơ chiến đấu bị bắn hạ. Một lập luận khó thuyết phục.

    Một nguồn tin khác cho là CSBV đầu hàng sau cuộc oanh tạc này. Ten Gunderson, một nhân viên FBI tiết lộ tin này và xác quyết là CIA nhẹm tin và đổi các nhân viên phụ trách sang các nhiệm sở khác. Theo ông, lý do của CIA là Hoa Kỳ đang trong tiến trình thương thuyết với Bắc kinh, kết quả ngoại giao với Bắc Kinh quan trong hơn là chiến thắng quân sự với Hà Nội. Nguồn tin này khó kiểm chứng và vẫn còn nghi ngờ.

    Dù theo lối giải thích nào, thì Nixon cũng tỏ ra kiên quyết chống Cộng và có nỗ lực cuối cùng tạo chiến thắng cho Hoa Kỳ và VNCH.

    Ba lập luận này khó thuyết phục vì mang giá trị cảnh báo hoặc giải thích một sự kiện đã rồi. Tại sao Kennedy không tiến hành chiến dịch Bình Đinh Nông Thôn và hành quân bộ binh ngay từ lúc đầu mà Johnson đã phải làm về sau? Tại sao Johnson không tấn công sang Campuchia và Lào như Nixon? Tại sao Johnson và Nixon luôn lo sợ Trung Quốc và Nga Xô trực tiếp can thiệp? Một kịch bản đã không xảy ra. Tìm các bằng chứng cho các lập luận này là bất khả.

    Vấn đề có thể sáng tỏ hơn nếu tìm hiểu tại sao dân tộc Việt Nam và VNCH thua và CSBV thắng.



    VietFreeFun



Chủ Đề Tương Tự

  1. Việc kiêng làm ngày mùng 1 tết
    By sophienguyen in forum Sự Kiện Đời Sống
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-06-2016, 03:55 AM
  2. Bạc hà (dọc mùng ) xào tôm nõn - Món ngon ngày mưa
    By sophienguyen in forum Món Chính Chọn Lọc
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-20-2014, 02:46 AM
  3. Làm món Hoàng long cho cả năm may mắn
    By sophienguyen in forum Món Chính Chọn Lọc
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-24-2014, 04:10 AM
  4. Mỹ phát hành đồng dollar may mắn trong năm Ngọ
    By duyanh in forum Văn Hóa-Xã Hội-Kinh Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-05-2013, 03:09 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-05-2013, 01:22 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •