Vượng quắc mắt:

- Tại sao?

Huệ nhìn Vượng ngập ngừng:

- Em còn nợ bà chủ hai trăm bạc, phải trả họ thì đi đâu mới được. Chứ không họ thưa sở mật thám bắt.

- Em đừng lo. Anh sẽ chạy món tiền đó cho em để em trả nợ.

°

Món tiền ấy, Vượng chạy đã hai ngày hôm nay mà không được. Vượng đã phải đến nhà bà Hàn, nhưng rủi cho Vượng, ông Hàn lại ở nhà. Thành ra bà Hàn sợ ông Hàn nghi không dám cho vay. Đã có lúc, Vượng toan đến nhà bà Xuân Thái, nhưng lại không dám đến, Vượng chỉ lo gặp Hải và Quỳ ở đấy.

Vượng đã nghĩ đến sự bán chác, nhưng nhìn trong nhà chẳng còn cái gì để bán nữa rồi. Bao nhiêu cái đáng giá, Vượng đã cho các em cả rồi. Mãi bốn ngày hôm sau, Vượng mới nhờ anh em đánh mối với một người cho vay nặng lãi. Hai trăm phải trả làm ba trăm, góp mười lăm tháng, mỗi tháng hai mươi đồng. Không làm sao được, Vượng phải buộc lòng hạ bút ký văn tự.

Sau khi đã đưa Huệ về nhà, chàng đem sự tình mình nói hết cho nàng:

- Chúng ta tuy gặp nhau trong chốn giang hồ, nhưng cũng là vợ chồng. Lương anh một tháng có sáu chục mà đã phải trả nợ góp một tháng hai mươi đồng, đấy còn thừa bốn chục, em liệu ăn tiêu làm sao cho đủ.

Huệ ôm Vượng:

- Thôi thì miễn là rau cháo, em được biết rằng anh thương em như thế này là em sung sướng lắm rồi. Em ở nhà hát khổ sở đã quen, anh đừng lo, em chỉ sợ vì em mà anh khổ lây thôi.

°

Những đêm của Vượng đã không thấy hiu quạnh nữa, nhưng số tiền bốn chục đủ làm sao cho một gia đình thành ra Vượng lại bị vướng vào những gay go của sinh kế. Chàng nghĩ cách đi làm sở khác, nhưng chẳng sở nào chịu trả cho chàng lương cao hơn.

Từ ngày các em chàng xa chàng, thì sự may mắn cũng xa chàng nốt. Chàng muốn có việc làm thêm để kiếm thêm mười lăm đồng, nhưng tìm đâu cũng không thấy. Chàng bồi hồi lo đến ngày Huệ đẻ. Chàng bồi hồi lo các em chàng, ngày nay đã là người sang cả, được cái tin chàng lấy vợ cô đầu sẽ rầy rà chàng.

Huệ thấy chàng lo thì cố khuyên nhủ:

- Thôi mà cực khổ thế nào em cũng chịu được, trời sinh voi, sinh cỏ, mình đừng quá nghĩ như thế mà tổn sức khỏe. Sau này, trả hết nợ thì vợ chồng lại ung dung ngay.

Không một phút nào, Vượng nghĩ đến sự cầu cứu các em. Chàng không muốn như thế, không muốn để cho chồng em, bên vợ em có ý nghĩ không tốt về mình.

Huệ tuy đã hết sức tằn tiện nhưng một ngay kia Vượng cũng thấy nhà không có tiền tiêu.

Chàng viết một bức thư về cầu cứu chú. Thì năm ngày hôm sau, chàng nhận được một cái ngân phiếu một trăm và một bức thư.

Cháu Vượng,

Chú rất mừng có cơ hội để trả lại cho cháu những ân huệ mà thầy cháu đã ban cho chú.

Nhận được thư cháu, vừa may trong lúc chú bán thóc; có được trăm bạc chú gửi cả ra đây cho cháu. Cháu cứ giữ lấy mà tiêu, không cần nghĩ đến sự trả. Chú độ này cũng không đến nỗi nào. Có một điều chú lấy làm lạ, sao bây giờ các em cháu thành đạt, cháu lại phải túng như thế? Thế ra chúng nó không gửi tiền về cho cháu à? Nếu có phải thì chúng nó tệ thật.

Ở nhà mạnh khỏe cả, chú nói để cháu biết lần sau, nếu cháu có cần tiền cứ viết thư về cho chú, chú sẽ cố xoay gửi ra cho cháu.

Chúc cháu mạnh khỏe.

Vượng viết thư về cám ở chú, và nói là không muốn phiền các em, chứ các em đâu lãnh đạm với mình.

Trong bức thư trước, chàng chỉ nói mượn năm chục để trả nợ chứ tuyệt nhiên chàng không dám nói đến chuyện lấy vợ, vì biết bác và chú sẽ không bằng lòng có cháu dâu con hát, cũng như các em chàng sẽ không bằng lòng làm chị em với một người cô đầu.

Có món tiền ấy, trong nhà đỡ túng thiếu, nhưng từ đấy Vượng lại phải hồi hộp chờ cái ngày các em mình biết tin mình lấy vợ.

Chàng linh cảm thấy rằng vì việc này trong anh em sẽ có những mối bất hòa, chú chàng sẽ xa dần chàng, chàng đau khổ lắm nhưng chàng không thể bỏ một người đàn bà đã yêu chàng và đã có với chàng một đứa con thì làm thế nào?

°

Xe đạp vừa quạch vào đầu phố, Vượng trông ngay thấy chiếc ô-tô của em trai đỗ ở trước cửa nhà! Nếu là có một mình Thịnh, Vượng còn có đủ tự do để nói cho em trai hiểu. Nếu có cả em dâu ở đấy thì chàng biết nói thế nào?

Chàng hồi hộp đỗ xe đạp, cầu mong Thịnh chỉ lên có một mình. Vượng không dám gõ cửa vội. Chàng dòm vào khe cửa, thấy Thịnh đang ngồi cắt móng tay, mà Huệ thì đang pha nước, chàng đã mừng. Chàng đẩy cửa vào nhìn thấy Thịnh, thấy luôn cả cái vẻ mặt không bằng lòng của Thịnh.

- Chú về bao giờ đấy?

Thịnh lạnh lùng:

- Tôi vừa mới về.

- Chú về một mình thôi đấy chứ?

- Không, cả nhà tôi nữa.

- Thế thím đâu?

- Nhà tôi còn bận đi chơi với thầy tôi, nhà tôi với thầy tôi cũng sắp xuống ngay bây giờ để đón anh đi ăn cơm.

Vượng băn khoăn chưa biết nói với em thế nào, mà Thịnh cũng băn khoăn chưa biết nói với anh thế nào. Thịnh không muốn cho vợ mình và bố vợ mình lát nữa đây phải gặp Huệ. Thịnh sợ vợ sẽ khinh anh mình, và có thể khinh lây đến mình. Thịnh biết rằng không khi nào vợ mình lại chịu gọi một người cô đầu bằng chị.

Mười lăm phút trước đây, Thịnh hỏi Huệ, Huệ đã thật thà nói hết chuyện cho Thịnh biết rồi.

Huệ nhìn nét mặt băn khoăn của hai anh em đã hiểu ngay, nàng vội lui vào nhà trong. Thịnh thừa lúc ấy, nói ngay một cách hốt hoảng:

- Chết chửa, thầy tôi và nhà tôi lát nữa cũng đến đây thì làm thế nào? Anh có thể bảo chị ấy tránh mặt đi một tí không? Thầy tôi và nhà tôi biết thì còn ra thế nào?

Vượng thấy đau chói ruột, chàng chưa biết trả lời ra sao thì Thịnh đã lại nói luôn:

- Chả lẽ chốc nữa thầy tôi mời anh đi ăn cơm, mà có chị ấy đây lại không mời. Tại làm sao anh lại lấy liếc như thế? Thiên hạ hết đàn bà rồi hay sao?

Vượng lặng thinh. Thịnh chạy ra mở cửa, nhìn ra đường rồi quay lại quay vào:

- Có lẽ thầy tôi và nhà tôi cũng sắp đến bây giờ. Tại sao anh lại lấy vợ như thế?

Vượng thở dài, nói như để xin lỗi em:

- Người ta trót có mang với anh rồi. Anh biết thế là anh làm... phiền lòng cho chú thím, nhưng hạt máu của mình, chả lẽ...

- Biết có phải con anh không? Cô đầu thì... biết thế nào mà tin được! Chính tôi cũng nghĩ đến anh, có bảo nhà tôi đánh mối cho anh người chị họ. Thầy tôi lên đây cũng chỉ vì việc ấy. Thầy tôi nói giúp anh một tiếng là thành. Cô ấy trông cũng khá và có vốn. Ít nhất ở cái địa vị anh cũng phải lấy được một người như thế. Bây giờ làm thế nào? Kìa thầy tôi và nhà tôi đến!

Rồi mặt Thịnh nhăn lên vì lo sợ:

- Anh bảo chị ấy đừng có ra nhé. Đi, anh bảo chị ấy đi.

Thịnh vừa nói, vừa du anh vào nhà trong.

Vượng vừa vào đến cửa buồng thì đã thấy mặt Huệ đầm đìa những nước mắt. Chàng chưa kịp nói gì thì nàng đã nói ngay:

- Em không ra đâu. Em biết em làm khổ cho mình mà!

Nàng nói xong, ù té chạy xuống bếp.

Ông Nghị Quý trông thấy Vượng đã nói ngay bằng một giọng che chở:

- Trời ơi, trời nực thế này, ông ở một cái nhà thế này có nóng chết không? Tôi có cái nhà trên Hàng Đẫy, ông dọn lên đấy mà ở. Nhà mát như động.

Vượng chưa nói gì thì vợ Thịnh đã nói thêm:

- Thầy tôi nói thật đấy, bác lên trên ấy mà ở. Nhà bốn buồng có điện, có nước, vẫn cho Tây thuê. Bác lên thì tôi bảo thầy tôi đuổi người ta đi. Như thế thì những lúc chúng tôi đi về khỏi phải ở hô ten cũng tiện.

Thịnh nhìn vợ, rồi nhìn anh:

- Hay anh dọn lên trên ấy?

Vượng vẫn lặng thinh, vợ Thịnh lại nói:

- Thầy tôi không lấy tiền thuê nhà của bác đâu.

Rồi nhìn chồng một cách hóm hỉnh:

- Mà đến hôm nay có việc, cũng lại tiện nữa. Ít nữa cũng phải có cái nhà cho xứng đáng. Thế nào bác bằng lòng chứ?

- Cám ơn cụ và chú thím. Tôi chịu nóng đã quen, ở nhà nào cũng thế. Tôi sợ nhất những sự dọn nhà.

Thịnh thấy câu trả lời của anh có vẻ... hèn hèn, bèn nói đỡ:

- Đời thuở nào ai quen được với nóng. Có anh không muốn phiền thầy tôi. Nhưng anh đừng ngại. Thầy tôi đối với tôi tốt lắm.

Rồi nhìn đến bộ áo gai của Vượng đã nhàu và có vẻ không sang, liền bảo:

- Anh đi thay áo rồi đi xơi cơm với thầy tôi.

Vượng không ưa ông Nghị Quý, muốn từ chối lắm nhưng nể em phải miễn cưỡng đứng dậy vào nhà trong. Thịnh theo vào:

- Anh mặc bộ tropical ấy nhé.

Ông Nghị Quý uống cạn một hơi cốc vang. Chép miệng, rồi vuốt râu:

- Rượu này cũng ngon, nhưng chả thấm với thứ rượu ở nhà tôi mua lại của quán sứ. Tôi quyết ông cả không bao giờ được uống những thứ rượu như thế.

Sự hạch sách "hầu sáng", sự ông Nghị nói choang choang như ở nhà, sự phách lác cùng sự ăn uống thô tục của ông Nghị Quý đã làm cho Vượng khó chịu, nhưng vì nể em, chàng cố nén.

- Tính tôi không hay uống rượu. Ấy hôm nay có cụ thì vui chén uống một ít chứ xưa nay, tôi không quen uống.

Ông Nghị nói một cách tự kiêu:

- Không, rượu gì, chứ rượu của nước Đại Pháp thì bổ lắm. Ông gầy có lẽ vì ông không biết uống rượu.

Vừa nói, ông Nghị vừa phưỡn ngực để khoe với Vượng rằng mình nhờ biết uống rượu nho mà cũng mập mạp.

Vượng buộc lòng phải khen:

- Vâng, kể ít người được tốt da tốt thịt như cụ.

- Không, tôi vì theo đúng phép vệ sinh... Sáng nào tôi cũng làm chục quả trứng "la cóc" và thường tôi ăn những bít tết trông còn đỏ nguyên. Quan phó sứ nói ăn những miếng bít tết như thế bổ hơn một thang thuốc bổ. Ông ăn thử như thế mà coi, chỉ trong vòng hai tháng, khác người ngay.

Vượng mỉm cười chua chát, không trả lời. Chàng nghĩ đến những cơ hội để ăn những bít tết bổ béo đã trôi đi trong đời chàng, chàng không thấy tiếc. Thì cái cơ hội ấy bây giờ ông Nghị Quý đã lại đem đến cho chàng. Sau khi quết một chút "mù tạc" lên thành đĩa bằng cái cử chỉ của một người... mà trong đời đã được dùng nhiều bữa cơm Tây, ông Nghị Quý nhìn Vượng bằng một cái nhìn bề trên:

- Anh Huyện anh ấy có khẩn thiết nói với tôi về ông, nên tôi cũng đã bảo với bác nó. Chỗ họ hàng giúp nhau còn gì bằng. Vả lại, cũng là anh em con cháu trong nhà cả. Bác nó có đứa con gái cả, năm nay cũng ngoài hai mươi...

Vợ Thịnh nhìn Vượng tủm tỉm cười:

- Năm nay chị ấy hai mươi sáu, nhưng trông trẻ chỉ độ hai mươi. Còn "dơn" chán.

Ông Nghị Quý vẻ mặt vẫn nghiêm trang:

- Cái tuổi thì có kể gì, như cái cảnh ông cả bây giờ, miễn tìm được người buôn bán có thể gây dựng cơ đồ. Cháu thì nó buôn bán bảo đảm lắm. Dấn vốn thì thế nào tôi cũng lại cho cháu thêm ít nhiều. Tính tôi đối với gia đình bao giờ cũng rộng rãi, không bao giờ so kè đồng tiền nong. Hôm nào, ông xuống chơi cho nhà gái xem mặt. Tôi đứng lên làm mối cho thì thế nào sự cũng thành. Bác nó thì tôi bảo thế nào cũng phải nghe.

Ông Nghị Quý, chỉ nói đến chỗ nhà gái bằng lòng mà không thèm nói đến chỗ bằng lòng của Vượng.

Giá không phải là bố vợ Thịnh thì Vượng đã nói trắng ngay cho ông biết, những điều nghĩ của mình về sự lấy vợ, nhưng ném chuột lại sợ vỡ đồ. Chàng chưa biết nên lựa lời từ chối thế nào cho nó lịch sự thì vợ Thịnh đã nói:

- Mai chủ nhật bác xuống nhé.

Vượng lắc đầu:

- Mai thì tôi bận lắm.

- Thôi thế chủ nhật sau vậy. Bác cũng nên thu xếp cho mau mau đi, chứ chị ấy cũng nhiều người hỏi lắm. Ông Phán Tuân hôm nọ cũng đến lạy lục nhờ đẻ tôi nói giúp, nhưng đẻ tôi thấy ông Phán Tuân là người hay cờ bạc hát xướng nên đẻ tôi không nhận lời.

Vượng cười nhạt. Thịnh thì cứ nhìn chằm chằm vào anh áng chừng Thịnh cũng biết anh khó chịu lắm, nên Thịnh bèn nói xen vào:

- Đó cũng là do cái lòng tốt của thầy tôi muốn cho cái tình thân lại càng thêm thân. Còn thì cũng tùy anh, chứ nhân duyên là một việc thiên định.

Thịnh vừa nói, vừa nhìn vợ. Vượng ngập ngừng một khắc:

- Tôi cũng rõ đó là do tấm lòng cụ thương chú nó mà nghĩ đến tôi, vậy xin cụ hãy để cho tôi nghĩ, rồi tôi xin viết thư trả lời cụ sau.

Ông Nghị Quý cứ đinh ninh rằng một khi mình ngỏ lời ra là Vượng phải sung sướng cám ơn và bằng lòng ngay, nay thấy Vượng không sốt sắng tí nào, ông có vẻ... cụt hứng.

- Còn phải nghĩ ngợi gì. Đám ấy tốt lắm. Đối với cái địa vị ông thì thật là may mắn lắm rồi, không tính ngay thì rồi sau này lại tiếc.

Lại tiếc! Thì những đám gấp mười như thế, Vượng cũng còn chẳng tiếc. Tuy nể em, nhưng chàng thấy rằng ông Nghị Quý hợm của một cách quá đáng:

- Thầy tôi tuy đã mất, nhưng tôi còn có chú bác, việc này tôi còn phải bẩm mệnh với chú bác, chú bác tôi có bằng lòng thì mới được. Xin hãy cứ biết thế.

Rồi chàng đánh trống lảng sang chuyện khác. Vẻ không bằng lòng của ông Nghị hiện ra nét mặt. Từ đấy, ông cứ lặng im không nói một câu nào nữa. Thịnh thấy thế sợ hãi tìm hết mọi cách để làm cho vui lòng ông, nhưng ông chỉ trả lời bằng những tiếng một. Và Thịnh thì lâu lâu lại nhún vai, tỏ ý chê ngầm Vượng là người ngu dại. Vượng cứ lờ đi, như không thấy gì cả.

Đến khi ăn cơm xong, vợ Thịnh rủ Vượng đi xem diễn kịch ở nhà hát Tây, Vượng từ chối:

- Tôi thấy trong người mệt lắm. Mai lại phải đi có việc sớm, cần phải ngủ. Thôi chú thím với cụ đi xem.

- Nếu bác có đi thì chúng tôi mới đi. Chứ chúng tôi thì chỉ thích đi nhảy đầm.

Rồi quay sang bố nói một cách õng ẹo:

- Ba ra Khai Trí đánh tổ tôm nhé. Chúng con đi nhảy đầm, rồi chúng con về đón ba. Ba phải đi cơ đấy.

°

Mười giờ. Vượng về đến nhà thì thấy Huệ đang ủ rũ, ngồi chờ mình. Thấy Vượng, Huệ nói ngay:

- Hay là mình bỏ em đi, chứ vì em mà để mình phải xích mích với gia đình, em không muốn. Đấy, em đã bảo với mình từ trước cơ mà.

Vượng đặt tay lên vai vợ:

- Thôi im đi, đừng có nói nhảm.

Vượng cảm thấm thía rằng bây giờ Huệ là người cần mình, chứ các em mình thì không cần đến mình nữa.

Chẳng những thế, sự chàng lấy vợ cô đầu làm khó chịu cho các em chàng là khác, bởi đương ở cái địa vị này nay, các em chàng rất sợ những cái tiếng không tốt. Các em chàng không như chàng xưa kia, chỉ nghĩ đến người thân, mà không nghĩ đến mình.

Vượng ngẫm nghĩ một lát, rồi ngồi xuống cạnh vợ:

- Thôi, em đừng lôi thôi mà thương tổn đến cái thai. Em nên tin ở lòng anh thương em, thế là đủ rồi. Các em anh nói gì, làm gì em cứ yên, em chỉ nên biết có anh. Chúng ta dù thế nào cũng là có con với nhau rồi. Chờ lúc nào, em đẻ xong, anh sẽ liệu. Bây giờ, chúng ta hãy cứ nên nhẫn nại. Anh bảo gì em cứ nên nghe, em đừng làm điều gì để cho cô chú ấy có thể phật ý. Anh không muốn có những sự bất hòa trong anh em, cũng như anh không thể là một người bội bạc, em có thể tin chắc ở lòng anh.

Huệ dựa đầu vào vai chồng:

- Thì mình muốn bảo gì em cũng xin nghe. Miễn sao cho mình được yên vui. Nhục nhã, đau khổ em đã chịu quen rồi.

°

Sáng hôm sau, Vượng sắp ăn cơm thì Thịnh đến, đến với một vẻ mặt cau có. Huệ thoáng thấy Thịnh vội chạy vào nhà trong.

- Thím với cụ đâu?

- Ở cả trên hàng Đẫy. Đáng lẽ thì nhà tôi cũng đến. Nhưng vì nghe tôi nói chuyện, nó không đến nữa vì nó sợ chạm trán với... chị ấy. Anh có làm thế nào không, chứ thế thì mang tiếng chúng tôi lắm. Thế nào, Nhàn nó đã biết chưa?

Vượng lắc đầu. Thịnh nhăn nhó, rồi nói một câu nói như xé ruột Vượng:

- Trước kia, bao nhiêu đám xứng đáng, anh không lấy, bây giờ đi lấy một người như thế là cái nghĩa lý gì?

Vượng nhún vai:

- Trước kia, trước kia...

Chàng đã toan nói trắng ra những lẽ trước kia nó buộc chàng không thể lấy vợ, nhưng không biết ngẫm nghĩ thế nào, chàng lại thôi. Chàng chỉ cười bảo Thịnh:

- Một khi người ta đã có con vói anh thì không có gì thay đổi được ý định của anh cả. Nếu thím ấy sợ đến đây mang tiếng cho thím ấy, thì thím ấy có quyền không đến nữa.

Câu nói cương quyết của Vượng làm cho Thịnh phải đấu dịu:

- Em chỉ muốn anh phải nghĩ thương đến các em.

Câu ấy làm cho Vượng mềm lòng:

- Anh tưởng điều ấy chú chẳng cần phải nhắc. Anh xử với chú thế nào, chắc chú đã rõ. Công việc ngày nay là vì người ta trót có con với anh, nên anh không thể chiều chú được.

- Nhưng anh cứ lấy vợ, rồi cho làm lẽ thì sao?

Vượng cười, lặng im.

- Nếu anh cứ nhất quyết như thế, sẽ có lắm sự lôi thôi, mà anh em rồi thì phải... có điều không đẹp đối với nhau. Tôi chắc con Nhàn nó cũng nghĩ như tôi. Anh còn lạ gì cái dư luận của đời bây giờ. Anh thử tưởng tượng một ngày kia giỗ thầy, u chẳng hạn, vợ chồng cô Huyện về đây, nhà tôi về đây, có lẽ ông bà Ký và ông bà nhạc tôi cũng lên đây nữa. Xưng hô thế nào? Bao nhiêu sự khó chịu! Ai thế nào, chứ tôi chắc chú với bác ở nhà quê là không bằng lòng rồi.

- Thì những ngày giỗ, tôi bảo nhà tôi tránh đi chỗ khác.

- Nhưng chả lẽ tránh được mãi? Vả lại, anh cũng phải tính đến cách để gây một địa vị, chả lẽ cứ xơ xác thế này mãi. Lấy một người như thế, anh chỉ có lụn dần đi thôi.

Vượng nhếch mép:

- Tôi không quen nghĩ đến tôi, tôi chỉ nghĩ đến cái bổn phận mà tôi phải làm.

- Thì anh có cái bổn phận đối với chúng tôi.

Vượng cười gằn:

- Cái bổn phận ấy, tôi tưởng tôi đã làm đầy đủ lắm. Thôi, chú đừng nói nữa. Tôi chỉ mong chú thể tình cho tôi. Đời người có nhiều trường hợp ngoắt ngoéo mà một người may mắn như chú không tài nào hiểu được.

Thịnh coi bộ không bằng lòng:

- Giá anh nghe lời ông nhạc tôi có phải đẹp đẽ bao nhiêu không? Nhưng thôi anh nói thế thì cũng tùy anh, chúng tôi không có quyền dòm ngó vào công việc của anh.