Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Xứ nào đẹp nhất ư ?
Xin thưa, xứ mà người yêu của mình đang ở.
I.A.Krylov„
Results 1 to 9 of 9

Chủ Đề: Người Kéo Màn - Tiểu thuyết kịch - Nhật Tiến

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Người Kéo Màn - Tiểu thuyết kịch - Nhật Tiến





    NGOẠI CẢNH

    Thời gian vào lúc xẩm tối. Con đường nhựa từ trung tâm thành phố dẫn đến nhà hát Trung Ương chạy qua những khu thương mại sầm uất rực rỡ ánh đèn và náo nhiệt người qua lại. Xe cộ chạy trên hai chiều nhộn nhịp. Những tà áo mầu phấp phới trong gió mát trên hè phố. Nhiều nhóm người đang rải rác đi về phía rạp hát. Có đôi vừa đi vừa ngả đầu vào nhau thủ thỉ. Có đôi dừng lại hôn nhau trong một góc tối. Tình yêu. Thanh bình.

    Thế thì phải chăng dĩ nhiên là có hạnh phúc ?

    Rạp hát Trung Ương sừng sững chắn ngang ở cuối con đường huyết mạch. Đèn ở đây rọi chói lòa cả một khu vực rộng rãi bao la. Trên những bậc thềm đá từ hè đường dẫn tới cửa rạp, đã thấy xuất hiện nhiều hàng quà bánh xen lẫn với đám khán giả tới sớm tụ tập lố nhố. Bên cánh trái của cửa rạp hát, một tấm bảng quảng cáo rực rỡ nhiều mầu , trên vẽ một tấm màn nhung đã được kéo lên, chính giữa có một hàng chữ cực lớn, viết bằng những nét tài hoa, bay bướm:

    Ban Kịch ÁNH SÁNG

    lần đầu tiên long trọng trình diễn :

    NGƯỜI KÉO MÀN

    kịch phẩm bất hủ của tác giả VĂN....( gì đó )

    Đằng sau chữ Văn lúc này không đọc được vì bị che khuất bởi bóng đen của cái đầu một thằng bé. Nó mới chừng lên sáu lên bẩy, quần áo rách rưới, chân dẫm đất, một tay nó sờ soạng một cách tò mò trên tấm bảng quảng cáo, còn tay kia bị khoèo chỉ còn thấy đu đưa lúc lắc. Nó bé loắt choắt, cả cái chiều cao của nó chỉ với tới đúng vào cái chỗ có tên tác giả. Mầu sắc lòe loẹt như mê hoặc thằng bé. Nó thích thú xòe cả năm ngón tay ra xoa xoa lên lớp bột mầu. Những mảng mầu bong ra. Bàn tay thằng bé lấm lem và cái chữ đằng sau chữ Văn, tên của tác giả cũng bị nhòe nhoẹt. Vừa lúc đó, ở phía đầu kia của những bậc thềm có tiếng la bải hải :

    - Cưng ơi ! Cưng !

    Thằng bé hốt hoảng quay người lại nhớn nhác. Một tia sợ hãi vụt thoáng qua vẻ mặt xanh xao, hốc hác. Nó vội vã giơ cái bàn tay lấm lem bột mầu lên trước mặt, rồi sấn tới một đám người đứng ở gần đó, cất giọng lải nhải rền rĩ:

    - Con lậy ông bà ! Con lậy ông bà ! Con tàn tật !

    Vài người ở sát gần nó vội co cụm lại như tránh né để nó khỏi làm dơ bẩn bộ quần áo dạ hội lóng lánh những hạt cườm. Phía đằng kia vẫn có tiếng gọi, nhưng lần này mang vẻ nóng nẩy, giận dữ hơn:

    - Cưng ơi! Tiên sư cha thằng nhãi con mất biến đâu rồi ! Cưng ơi !

    Trong chớp mắt, một mụ đàn bà xanh xao, quắt queo, một tay xách cái bị rách, một tay cầm cái roi tre xốc tới. Thằng bé tính vùng lên chạy nhưng đụng phải đôi mắt trắng dã, tóe lửa của mụ đàn bà nên nó dúm người lại, hai cẳng chân run rẩy như bị dính cứng. Tuy thế nó vẫn thều thào được:

    - Con lậy ông bà ! Con lậy ông bà ! Con tàn tật !

    Mụ đàn bà bây giờ đã túm được nó. Mụ rê nó đi như người ta lôi một con chó ốm. Đến một góc tối, giọng mụ rít lên :

    - Tổ cha nhà mày, ham chơi. Từ nẫy được đồng nào chưa ?

    Rồi không chờ cho nó trả lời, mụ khoắng một cách thô bạo vào cái túi vải nhỏ đeo ở trước bụng của nó. Chẳng có một đồng xu teng nào trong đó cả. Điều này khiến cho mụ càng điên tiết lên hơn. Mụ quất bất kể chỗ nào lên mình thằng bé và lớn giọng:

    - Sư mày! Sư mày! Chỉ là cái giống ăn hại, suốt từ tối mà chưa ra đồng nào. Mày mà còn thế nữa thì tao vặn nốt cái tay kia cho mày biết !

    Vừa nói mụ vừa phết cho nó một roi quắn ~~~ cuối cùng và đẩy nó ra khỏi bóng tối. Thằng bé bị du chúi đầu về phía trước loạng choạng suýt ngã. Nhưng nó gượng đứng vững lại được và lủi thủi đi về phía đám đông. Tiếng của nó lại rền rĩ cất lên :

    -Con lậy ông bà ! Con lậy ông bà ! Con tàn tật !


    TRONGVƯỜN HOA, KHU CÔNG VIÊN KẾ BÊN RẠP HÁT

    Phía cửa công viên, ánh sáng mờ nhạt. Ngọn đèn héo úa lơ lửng trên chiếc cột sắt cao. Thấp thoáng sau khóm lá, bức tượng đá nhô lên giữa mặt sỏi. Từng lớp bụi
    nước qua những cái miệng vòi phun lên cao. Tiếng nước lõm bõm rơi vào yên lặng. Âm thanh thánh thót.

    Hai người vẫn ngồi hờ hững bên nhau. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ dằn vặt. Phía trước mặt, hí viện vẫn chói lòa ánh sáng.

    Thiếu phụ áo đỏ : Thế mà cũng hơn bẩy giờ rồi. Mình đứng lên đi.

    Tác giả : Bây giờ anh mới thấy hối.

    Thiếu phụ áo đỏ: Mình bảo sao ?

    Tác giả: Về vở kịch . Đáng lẽ không nên kết như thế.

    Thiếu phụ áo đỏ: Ồ, rõ vớ vẩn chưa! Mình có nhớ là chỉ có mỗi cái đoạn kết ấy thôi mà mình cũng trầy trợt đến ba, bốn tuần. Tưởng đã xong xuôi, thế mà vẫn lại còn chưa ổn. Chẳng bao giờ em thấy mình bằng lòng với mình cả.

    Tác giả: Làm sao anh có thể tự bằng lòng được khi anh biết rõ là mình hãy còn thật là nông cạn.

    Thiếu phụ áo đỏ: Ôi, nông sâu biết thế nào mà dò. Em thấy chỉ có chính mình làm khổ mình vì những chuyện không đâu ấy thôi

    Tác giả: Sao lại không đâu ! Chính những cái đó mới là nền móng cần thiết cho một tác phẩm.

    Thiếu phụ áo đỏ : Hừ, nếu cứ như thế thì mãi mãi mình cũng chỉ đến như thế mà thôi !

    Tác giả: (thừ người ) Mình ạ, đáng lẽ anh nên nghiền ngẫm vở kịch lâu hơn nữa mới phải.

    Thiếu phụ áo đỏ: Ròng rã trên một năm rồi chưa đủ hay sao !

    Tác giả: Càng để lâu anh càng tìm thấy nhiều cái mới lạ.

    Thiếu phụ áo đỏ: Thế thì mình cứ ngồi mà ôm khư khư lấy bản thảo suốt đời. Đừng có oán trách ai nữa hết !

    Tác giả: Oán thì anh chẳng oán ai hết. Nhưng sự thực là phải như thế. Dục tốc bất đạt !

    Thiếu phụ áo đỏ: Em chịu không hiểu được mình.

    Tác giả: Anh cũng không hiểu anh nữa. Anh tự hỏi tại sao anh lại có thể trao cho họ một vở kịch như thế.

    Thiếu phụ áo đỏ: Nhưng có sao đâu ! Họ đã nhận lời trình diễn rồi mà.

    Tác giả : Bởi thế anh mới hối. Giá như họ khó tính hơn nữa. Phải rồi, đáng lẽ họ nên khó tính hơn nữa.

    Thiếu phụ áo đỏ: Em thấy mình luôn luôn tự mâu thuẫn. Ừ, giả thử nếu họ từ chối vở kịch của mình thì sao.

    Tác giả: Thì càng.....

    Thiếu phụ áo đỏ: Thôi đừng có tự dốâi mình. Em tin chắc nếu quả thật là như thế thì mình sẽ lại dằn vặt, lại chán chường và lại than thở rằng tìm khắp gầm trời thiên hạ chẳng có lấy được một cặp mắt xanh.

    Tác giả: Ồ...mình....

    Thiếu phụ áo đỏ: Đó là sự thật, mình ạ.

    Tác giả : (im lặng)

    Thiếu phụ áo đỏ: Cho nên nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Trên đời này chẳng có cái gì gọi là toàn bích hết. Đúng không ?

    Tác giả: Mình nói đúng. Anh không thể viết ra được một cái gì gọi là toàn bích. Anh đã thấy cái nhược điểm đó của anh. Đó là nhược điểm của những kẻ bất tài.

    Thiếu phụ áo đỏ: Ồ, em xin lỗi. Em không có ý ám chỉ mình là như thế.

    Tác giả: Đó là sự thực. Mình đã nói sự thực mà.

    Thiếu phụ áo đỏ: Có nhiều sự thực chẳng nên nói ra.

    Tác giả: Anh không đồng ý. Giữa chúng mình chả có điều gì không nên nói thực với nhau.

    Thiếu phụ áo đỏ: Em thì nghĩ khác, Biết sự thực mà không thay đổi được gì thì biết cũng là vô ích. Vậy thì can cớ gì cứ bắt người ta phải nói ra.

    Tác giả: Ấy đấy ! Đó chính là nỗi băn khoăn ám ảnh suốt một đời anh. Cứ đánh vật mãi với hai chữ “Sự thực” nên con người cứ trở nên chán chường trong cái thế giới dằn vặt, cô đơn là thế đấy.

    Thiếu phụ áo đỏ: Vậy thì tại sao người ta không thể sống vô tư hơn được. Chính sự vô tư mới là điều cần thiết để cho cuộc đời có ý nghĩa hơn. Và cuộc đời cũng chỉ cần những kẻ vô tư như vậy thôi.

    Tác giả: Vô tư theo cái kiểu ấy của mình thì có khác gì kẻ sáng mà cứ giả bộ làm đui. Mà nói thế chứ, anh cũng đã làm đui chính mình trong bao nhiêu lâu nay rồi.

    Thiếu phụ áo đỏ: Thiên hạ người ta cũng đều như thế hết cả đấy, mình ơi !

    Tác giả : Thiên hạ khác, anh khác. Mọi người có thể ai cũng đều biết dối trá, nhưng không phải ai cũng là người cầm bút cả. Cầm bút mà lại dối trá thì đó là một trong những điều tệ mạt nhất ở trên cõi đời này !

    Thiếu phụ áo đỏ: Thôi.. thôi... Mình lại sắp sửa tự mâu thuẫn mất rồi. Bởi vì, nói thế chứ nếu như có ai khuyên mình, bắt mình bẻ bút đi thì mình sẽ lại gầm thét như kẻ đã bị xô đẩy oan ức vào trong vòng ngục tù. Thôi, em đã chán ngấy lên vì cái tính cách trái khoáy ấy của mình rồi. Mình đứng dậy đi. Sắp đến giờ trình diễn rồi.

    Tác giả: Anh chưa muốn đến. Anh chưa muốn phải chứng kiến những nhân vật trong vở kịch đã bị ruồng bỏ trong ý nghĩ của anh.

    Thiếu phụ áo đỏ: Nhưng em có cảm tưởng nếu ngồi rốn thêm chút nữa thì chúng mình lại gấu ó nhau. Rồi chuyện này qua chuyện kia, cái nhỏ qua cái lớn, mọi sự đều bỗng nhiên trở nên bất ổn hết.

    Tác giả: Hạnh phúc của chúng mình chỉ mỏng manh đến thế thôi sao? Mình lúc nào cũng sẵn sàng có ý nghĩ là chúng ta luôn bất đồng ý kiến với nhau !

    Thiếu phụ áo đỏ: Em nhận thấy bao giờ thì mình cũng cứ trách người ta trước mà không bao giờ tự xét chính mình.

    Tác giả: A ! Vậy thì anh sai ! Vậy thì anh phải tự xét mình ! Em bao giờ cũng luôn luôn đúng !

    Thiếu phụ áo đỏ: Thôi, em xin. Cứ coi như là em nói sai. Mình không phải cứ tự đem mình ra mà dằn vặt như thế.

    Tác giả: ( Ôm đầu , cúi gục xuống hai bàn tay đặt trên đùi. Một giây im lặng , rồi ngẩng đầu lên, đôi mắt đục ngầu) Cái đau đớn nhất của anh là anh không biết phải hành động thế nào cho hợp lý cả. Anh vẫn muốn làm vừa lòng mọi người mà không thấy bị dằn vặt . Anh vẫn có thiện chí.

    Thiếu phụ áo đỏ: Mình cứ việc làm theo ý muốn của mình. Có ai bó buộc đâu. Tại sao mình cứ tự làm khổ mình như thế ?

    Tác giả: Mình không hiểu. Không hiểu gì hết !

    Thiếu phụ áo đỏ : Vâng, có lẽ là như thế. Cái đám mây mù cứ lẩn quẩn bao phủ giữa hai chúng ta chính là vì em đã không hiểu gì hết. Em đã cảm thấy quá mệt mỏi về những điều đó rồi.

    Tác giả : Mình nói thế là mình đã bắt đầu có ý nghĩ chối bỏ thương yêu và hạnh phúc giữa hai chúng ta à?

    Thiếu phụ áo đỏ: Mình tin là em đang có hạnh phúc à ?

    Tác giả: ( quay sang nhìn sững thiếu phụ với đôi mắt thảng thốt, rồi sau một lúc lâu im lặng, cất tiếng thở thật dài) : Thôi được, mình đứng dậy đi vào rạp trước đi. Anh còn muốn ngồi lại đây thêm một chút nữa.

    Thiếu phụ áo đỏ: Ồ, không ! Em không tới đó nữa đâu.

    Tác giả: Cái gì? Mình nói sao? Mình định không thèm xem vở kịch của anh trình diễn kịch ngày hôm nay sao ?

    Thiếu phụ áo đỏ: Em đã tính như thế. Nhưng nhất thiết là không có vấn đề thèm hay không thèm. Anh đừng dùng những từ ngữ như thế cho nó nặng lời !

    Tác giả: Dù nói cách nào thì vẫn là em không muốn vào xem một vở kịch do chính người thương yêu nhất của mình đã viết ra. Hừ ! Anh biết mà. Anh biết là đã bị phủ nhận ngay từ người thân cận nhất của mình .

    Thiếu phụ áo đỏ: Đừng nghĩ như thế. Em đâu có nhiều đầu óc gì để mà nói chuyện phủ nhận với không phủ nhận. Ngôn ngữ của em rất đơn giản, không có gì rắc rối khó hiểu để cho mình phải ngộ nhận đâu. Em chỉ không chịu được cái hơi người ngột ngạt trong suốt ba tiếng Ïđồng hồ liên tiếp. Thế thôi !

    Tác giả: Mình không phải là loại người không biết chịu đựng để chia sẻ. Mà lại là sự chia sẻ trong một dịp trọng đại như thế này. Nhưng thôi, anh biết rồi, anh đồng ý với mình là vở kịch chẳng có gì hay ho để bó buộc được ai. Anh chỉ buồn có một điều là mình đã không còn nồng nàn ngay cả trong sự ẵn sàng chia sẻ với anh về những hậu quả chắc là chẳng hay ho gì của vở kịch sẽ tạo ra.

    Thiếu phụ áo đỏ: Ô! Mình đừng có bi quan. Em tin là vở kịch sẽ thành công. Tên tuổi của mình sẽ lừng lẫy!

    Tác giả : Thôi, chẳng cần nói ra như thế để cho anh vui lòng. Anh biết rất rõ giá trị của mình...( suy nghĩ một chút) .Nhưng hãy cứ giả thử cho rằng vở kịch sẽ thành công đi. Mà như thế thì lại càng cần sự có mặt của mình chứ? Mình cũng không muốn chia xẻ với anh ngay cả trong sự thành công của anh sao?

    Thiếu phụ áo đỏ: Em nghĩ chả cần.

    Tác giả : Thôi được ! Anh thật không ngờ mình hờ hững với anh đến như thế !

    Thiếu phụ áo đỏ : Đó là ý nghĩ của mình. Em thì không bao giờ có tư tưởng ấy.

    Tác giả: Vậy là mình nhất định không vô xem kịch của anh ?

    Thiếu phụ áo đỏ: Em đã quyết định rồi.

    Tác giả: Thôi được, chuyện nhỏ nhặt không đáng gì, nên bỏ qua. Anh không muốn vì vở kịch của anh mà chúng mình phải xa cách nhau.

    Thiếu phụ áo đỏ: Vậy thì mình đứng lên đi. Sắp tới giờ khai mạc rồi.. .

    Tác giả : Không, Anh cũng không muốn tới nữa.

    Thiếu phụ áo đỏ: Kìa mình ! Mình không thể không có mặt được .

    Tác giả: Ơ ! Tại sao lại không thể nhỉ ! Anh là con người tự do. Anh muốn làm gì thì làm. Can cớ gì phải mất thì giờ đối với một chuyện mà chính anh không còn thấy quan tâm tới nữa.

    Thiếu phụ áo đỏ: Nhưng mình không thể bỏ mà đi được.

    Tác giả : Sao lại không thể ? Chẳng có cái gì bó buộc anh hết.

    Thiếu phụ áo đỏ : Có chứ ! Tên tuổi của mình.

    Tác giả: Ô ! Tưởng cái gì. Nếu chỉ là cái tên tuổi thôi thì lại càng chẳng đáng quan tâm.

    Thiếu phụ áo đỏ: Không được ! Trong một buổi trình diễn như thế này, không thể cả hai đều cùng vắng mặt .

    Tác giả : Thế ra là mình không muốn anh ngồi lại đây với mình?

    Thiếu phụ áo đỏ: Em cần được yên tĩnh.

    Tác giả: Vậy mình sẽ làm gì suốt cả buổi tối hôm nay ?

    Thiếu phụ áo đỏ : Sao mình quá quắt thế, bộ em không đủ tự do để định đoạt lấy một buổi tối cho em hay sao?

    Tác giả : À ra giữa chúng ta lại còn có những chuyện riêng tư. Vậy thì việc gì mình cứ phải quanh co. Tại sao không nói thẳng ra như thế ngay từ đầu có phải minh bạch, rõ ràng hơn không ?

    Thiếu phụ áo đỏ : Thôi đi, em khó chịu lắm rồi mình ạ.

    Tác giả: Không ngờ chúng mình thật đã xa cách nhau quá!

    Thiếu phụ áo đỏ (hít một hơi thật dài, buồn bã nhìn lên bầu trời xanh đen thăm thẳm ở trên cao. Một vài vì sao lấp lánh giữa những đám sao mờ)

    Tác giả: Thế mới biết anh thật là ngu muội. Đáng lẽ anh không nên nói nhiều về anh như vậy. Đáng lẽ anh không nên nói nhiều với em về anh như vậy !

    Thiếu phụ áo đỏ: Ôi ! Sao mình lôi thôi quá !

    Tác giả: Phải nói với nhau đến thế anh cũng chẳng vui gì. Đối với em, anh không có điều gì thay đổi.

    Thiếu phụ áo đỏ: Thế là có ngụ ý gì ? Bộ mình nghĩ là em đã thay đổi rồi sao ?

    Tác giả : Tâm tình của mình, chỉ có mình biết.

    Thiếu phụ áo đỏ: Thôi mình đừng lôi em ra để mà so sánh. Em là người đơn giản, không có những ý nghĩ rắc rối, phức tạp như mình.

    Tác giả : Bao nhiêu năm nay chung sống, mình có bao giờ đặt vấn đề đó ra với anh đâu. Mà có bao giờ nó lại trở thành một hố ngăn cách giữa chúng mình như bây giờ, như hôm nay, ngày vở kịch của anh lần đầu tiên được mang lên sân khấu.

    Thiếu phụ áo đỏ: Em nhức đầu quá. Em thực sự là nhức đầu lắm rồi.

    Tác giả: Chẳng qua là mình tránh né câu trả lời đấy thôi. Nhưng thôi, anh không bó buộc mình phải trả lời câu hỏi của anh. Anh hiểu rồi. Mỗi lời nói chỉ thích hợp cho một hoàn cảnh. Ở chỗ này thì nó đúng, nhưng ở chỗ khác, lúc khác thì nó sai. Cũng như một sự thực không đặt đúng hoàn cảnh thì sẽ trở thành một sự gian dối đáng nguyền rủa ( cười ha hả). Cuộc đời là như thế mà !!!

    Thiếu phụ áo đỏ: Xin mình để cho em được yên !

    Tác giả : Thôi được ! Mình cứ sử dụng cái tự do của mình đi. Anh chúc mình một buổi tối êm đẹp. Còn buổi kịch , anh sẽ chứng kiến một mình. Anh chỉ tiếc rằng lúc sáng tác anh đã nghĩ nhiều đến mình.

    Thiếu phụ áo đỏ: Mình đừng chua chát như thế. Mình tưởng em không lo lắng gì đến nó hay sao. Mình cho em là kẻ đứng ngoài cuộc trong việc hình thành sự nghiệp sáng tác của mình ư ?

    Tác giả: Cám ơn! Cám ơn !

    Thiếu phụ áo đỏ : Cái cung cách biểu lộ ấy của mình chỉ bao hàm một sự vô ơn !

    Tác giả : Ơn nghĩa gì ? Ai làm được cái gì trong sự nghiệp sáng tác của anh ?

    Thiếu phụ áo đỏ: Mình muốn biết sự thực hay không?

    Tác giả : Anh không bao giờ trốn tránh sự thực hết. Muốn cái gì, mình cứ việc nói thẳng ra đi !

    Thiếu phụ áo đỏ: Vậy thì mình đừng có trách là em che giấu sự thực. Bây giờ em xin nói thẳng cho mình biết, nếu không có em thì không thể có buổi trình diễn ngày hôm nay!

    Tác giả: (thảng thốt) Cái gì? Mình nói cái gì ?

    Thiếu phụ áo đỏ hai tay ôm lấy mặt) Ồ, em xin lỗi. Em xin lỗi. Em không bao giờ muốn nói ra như thế.

    Tác giả quát) Không! Cô phải nói rõ ra. Nói rõ hơn nữa. Nếu không, đối với tôi, đó là một sự xỉ nhục.

    Thiếu phụ áo đỏ: Chỉ có thế mà thôi. Không còn điều gì khác hơn phải nói rõ ra nữa.

    Tác giả : Này! Tôi không phải là một thứ con nít để chỉ nghe có một câu nói ngắn ngủi ấy rồi sẵn sàng bỏ qua. Tôi buộc cô phải nói. Cô phải nói! Cái gì mà lại không có cô thì không thể có buổi trình diễn tối hôm nay? (quát) Nói ! Nói ! Nói !

    Thiếu phụ áo đỏ: Chẳng có cái gì trầm trọng phải nói ra hết. Mình là con người hay suy diễn, mà nhiều khi sự suy diễn của mình đi quá xa những điều thực sự đã xẩy ra trong thực tế. Vậy tại sao mình cứ bắt em phải nói ra làm gì.

    Tác giả : Này, tôi hỏi thật. Có phải “nó” chịu bỏ tiền ra dựng kịch chẳng qua chỉ là vì cô đấy hay không ?

    Thiếu phụ áo đỏ: Ôi ! Hơi đâu mà mình quan tâm đến chuyện ấy làm gì. Vấn đề là ở chỗ mình đã khổ công để dựng lên vở kịch này và bây giờ, nó đã được mang lên sân khấu.

    Tác giả : Nhưng tôi chỉ muốn nếu nó được mang lên sân khấu thì là do giá trị đích thực của nó chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác....

    Thiếu phụ áo đỏ: Ôi, chẳng phải vì thế mà vở kịch của mình hay hơn lên hoặc kém đi.

    Tác giả : Thế nghĩa là...Thế nghĩa là...Này! Tôi hỏi thẳng cô một điều. Cô đã cầu xin gì với nó ?

    Thiếu phụ áo đỏ: Mình nên nhớ rằng em không phải là cái hạng đi cầu xin bất cứ một ai.

    Tác giả: Cô không cầu thì nó cầu, mà như thế còn tệ hại hơn nữa. Vậy nó đã mở mồm cầu xin cô được dựng vở kịch này để mà mong được trả ơn bằng ....bằng...Ồ ! Thật là tởm! Thật là tởm !!!

    Thiếu phụ áo đỏ: Anh điên rồi. Cái kiểu suy nghĩ của anh chỉ làm khổ anh thôi, ích gì đâu!

    Tác giả: Giọng lưỡi của cô bây giờ như có nọc rắn !

    Thiếu phụ áo đỏ : Gì thì gì rút cục cũng chỉ vì ước nguyện của anh. Anh còn muốn gì hơn nữa. Từ xưa anh vẫn ao ước được mang tác phẩm của mình lên sân khấu. Bây giờ anh đã toại nguyện.

    Tác giả: Tôi hay cô đã toại nguyện? Ôi, thật không ngờ rằng tôi anh đã bị bán rẻ linh hồn một cách bỉ ổi để cho cô thỏa mãn một rắp tâm phản bội !

    Thiếu phụ áo đỏ: Hừ ! Con người ta vẫn thường vô ơn một cách trắng trợn như thế đấy !

    Tác giả: Thôi im đi ! Tôi không thèm chấp nhận một thứ ân huệ bẩn thỉu như vậy. Cô hãy đi đi và để cho tôi được yên. (quát) Đi đi ! Đi đi !

    Thiếu phụ áo đỏ: (cười nhạt) Em tưởng anh cần đi hơn là em. Sắp đến giờ khai mạc rồi đó. Hí viện ở bên kia đường.

    *

    Gã đàn ông đứng bật dậy. Hắn cao và gầy. Bộ quần áo sô lệch trên hai vai. Khuôn mặt hắn dúm lại. Ngọn đèn héo úa phía xa rọi vào hai con mắt của hắn làm sáng lên những tia long lanh vừa căm hờn, vừa giận dữ. Hắn nhìn lên bức tượng đá nhô trên mặt sỏi. Tiếng nước thánh thót rơi vào bể cạn. Hắn nghe như tiếng những giọt dầu rơi vào lò lửa đang thiêu đốt trong lòng hắn. Hắn vụt bước đi như chạy trốn. Tiếng giầy của hắn nghiến lên mặt sỏi xào xạo. Những nhân vật trong vở kịch của hắn mơ hồ đi qua. Hắn cảm thấy thù ghét và muốn cấu xé. Nhưng nếu có thể làm được chuyện ấy thì hắn sẽ hành hạ mình trước tiên. Một chiếc taxi chạy qua. Hắn giơ tay vẫy. Bóng dáng của hắn chìm vào khối đen mờ đục của các lùm cây. Chiếc xe chạy qua mặt hắn và vụt đi. Hai ngọn đèn ở đằng sau nom như hai tròng con mắt đỏ lừ.

    Trong khi ấy, ở phía khuất sau một lùm cây, thiếu phụ áo đỏ vẫn nhìn theo hắn ngay từ lúc hắn rời khỏi nàng. Nhìn bóng dáng siêu vẹo của hắn, nàng bỗng nở một nụ cười thương hại trên vành môi cong. Chân nàng tuột ra khỏi dép. Những đầu ngón chân đỏ chót xoa vào nhau. Mặt nàng ngửa lên cao. Gió mát mơn man trên làn da mịn màng. Nàng có cảm gíác như vừa thoát khỏi một thế giới đậm đặc những oán hờn nó khiến cho nàng muốn ngộp thở. Mọi vật chung quanh nàng như đều nhẹ bỗng hẳn đi. Bầu không khí trong mát và mang vẻ rộn ràng xao xuyến như có từng lớp sóng nhạc đang êm đềm tỏa rộng trong từng khóm lá mang một thứ âm thanh huyền ảo làm lấp lánh các vì sao. Môi nàng hé mở. Nàng bỗng thấy hương thơm của một loài hoa quen thuộc vừa thoảng qua trong gió mát...


  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    HẬU TRƯỜNG SÂN KHẤU

    Chiếc màn nhung đỏ buông kín hậu trường. Sàn gỗ trên sân khấu nhộn nhịp chân người và loang loáng ánh đèn xanh, đỏ chiếu từ ống kính của một chuyên viên ánh sáng. Người phụ dịch đang leo lên chiếc xà cao nối lại mối dây cho một phông cảnh hoàng hôn ngoài cửa sổ. Lão già kéo màn ngồi ngủ lim dim trên chiếc ghế gỗ. Bên cạnh lão là một chai rượu cạn khô rớt nghiêng dưới gậm ghế. Mặt lão đỏ rừ. Làn da sần sùi ướp sặc sụa hơi men. Đầu lão ngất ngư, hai bên má hóp lại, lưỡng quyền nhô lên cao. Những cọng râu nham nhở phủ kín cái cầm nhọn hoắt thỉnh thoảng lại rung động nhấp nháy. Mùi rượu như cũng ở đấy mà toát ra. Bên cạnh lão là một thằng bé ngồi xổm trên một cái thang gỗ đặt nằm ngang. Mồm nó lúng búng miếng xôi. Nắm xôi lạc mà nó cầm đã nhão nhoẹt trên năm đầu ngón tay cáu bẩn.

    Bầu không khí trong hậu trường bắt đầu ngột ngạt. Hơi người tỏa ra mờ mịt trên những bóng đèn sáng. Mọi người đi lại rón rén một cách vội vã. Tiếng bàn ghế kê dọn thỉnh thoảng lại vang lên chát chúa trên sàn gỗ. Giờ phút trôi qua mỗi lúc một như nghiêm trọng thêm. Càng nghiêm trọng, người ta càng vội vàng. Ở phía cửa sổ trông xuống sân sau, người nữ viễn viên sắm vai Nga đang ôm khư khư vở kịch trên hai tay. Vẻ mặt thanh tú mọi ngày bây giờ chìm sau lớp phấn son tô điểm nặng nề. Đôi lông mày đen sẫm lại, hai bên má, những lớp phấn chồng chất lên nhau ngả sang mầu đỏ úa, vành môi của nàng ướt mọng lóng lánh mầu son pha bạch nhũ. Tất cả cử động của nàng đều như phải gượng nhẹ. Nàng sợ chỉ cần có một hơi gió thoảng qua, hay một sự va chạm nhỏ nhặt cũng đủ làm cho làn son, lớp phấn sẽ bong ra, rơi xuống nham nhở. Nàng đứng nép mình sau lớp màn gió, người như muốn thu nhỏ lại. Những bước chân huỳnh huỵch của mấy người lao công kê dọn bàn ghế làm nàng kinh hãi. Từ lúc hóa trang xong, nàng có cảm giác như người mình đang treo trên một sợi tóc. Chợt gã nam diễn viên sắm vai Nghĩa tiến lại gần. Hai người đứng đối điện nhau.

    Diễn viên sắm vai Nga: Tôi bắt đầu thấy sợ rồi.

    Diễn viên sắm vai Nghĩa : Cô hãy nghĩ rằng ở dưới hàng ghế khán giả không ai khó tính như bọn chúng mình.

    Diễn viên sắm vai Nga: Không ai chủ quan đến như ông cả.

    Diễn viên sắm vai Nghĩa : Đó là kinh nghiệm. Những diễn viên dầy kinh nghiệm vẫn thường có ý nghĩ chủ quan như thế.

    Diễn viên sắm vai Nga: Nhưng tôi thì khác, tôi là một tài tử lần đầu tiên bước lên sân khấu.

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Nhưng cô đã luyện tập công phu từ bao nhiêu ngày trước rồi. Cô cũng lại đã thành công hôm diễn thử.

    Diễn viên sắm vai Nga: Nhưng mà tôi vẫn sợ. Cái đáng sợ nhất là làm sao nhớ được lời đối thoại từ đầu cho đến cuối vở kịch mà không vấp váp.

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ô! Cái đó cô khỏi cần lo. Đã có người nhắc vở.

    Diễn viên sắm vai Nga: (ôm sát tập giấy vào ngực) Thôi anh đừng nói nữa ! Anh đừng nói nữa. Em chỉ biết yêu anh với tất cả tâm hồn..

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Thôi đi Nga. Muộn rồi ! Chúng mình nên xa nhau là hơn.

    Diễn viên sắm vai Nga: Chao ôi ! Anh đừng làm em đau đớn thêm nữa...

    Nhà đạo diễn (tiến lại gần) :Không được! Cô làm như thế không được ! Tôi đã dặn là lúc đó hai tay của cô phải úp lên mặt.. ..như thế này này...( hai tay úp lên mặt )

    Diễn viên sắm vai Nga.: Chao ôi! anh đừng làm em đau đớn thêm nữa (úp hai tay lên mặt)...

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Bình tĩnh đi nào, Nga! Phải quên đi những kỷ niệm đã qua.

    Nhà đạo diễn: Ô! Bò! Bò thật....Có thế mà cũng quên. Cậu quên như thế là chết con người ta rồi.... không được .... Bây giờ là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải nghĩ đến tương lai mà quên đi những kỷ niệm đã qua. Nhớ chưa ? Nhớ chưa ? Có thế mà cũng quên hoài....

    Diễn viên sắm vai Nghĩa : Xin lỗi! Xin lỗi! Bây giờ là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải nghĩ đến tương lai mà quên đi những kỷ niệm đã qua.... Nhớ rồi! Bây giờ thì nhớ rồi !

    Nhà đạo diễn bỏ đi, miệng vẫn còn lầu bầu “Bò thật ! Thế thì bò thật”. Một tay gã thục vào cạp quần, một tay gã vung vẩy điếu thuốc lá một cách bực dọc. Gã lầm lì tiến lại ném mình xuống một cái ghế mây. Hai chân gã duỗi thẳng. Mắt gã nhắm nghiền. Gã thấy bầu không khí quanh mình như đặc sệt lại, biến thành một cái đai bó chặt lấy vầng trán cao và bóng nhẫy của gã. Bên tai gã, lời đối thoại của hai diễn viên vẫn vẳng lại. Đối với gã, theo đúng quan niệm của những nhà đạo diễn lừng danh ngoại quốc, thì ở trên đời này không có gì đáng khinh bỉ hơn là sự dùng người không đúng chỗ. Ở chỗ gã ngồi, gã có thể nom thấy cái gáy cao và mịn của người nữ diễn viên. Theo ý gã, chính cái gáy ấy đã tạo cho nàng nhiều may mắn hơn là với tài năng diễn xuất của nàng. Gã bỗng nghĩ đến vẻ mặt phè phỡn, no đủ của nhà Mạnh Thường Quân, kẻ bỏ tiền dựng kịch. Gã tự nhủ : “Lão mà thủ một vai khả ố thì không ai bằng lão. Nhưng thật ra mình còn khả ố hơn. Ai bắt mình phải lụy lão chớ ? Cái gì đã làm cho mình có thể chịu đựng được lão. Ô! Bò thật! Thế thì bò thật!...”

    Gã có cảm giác như vòng đai ở trên đầu gã bó chặt thêm, khiến cho mặt gã bỗng nhiên nhăn túm lại. Gã búng mạnh điếu thuốc vào gậm ghế gần ngay chỗ thằng bé. Từ nãy nó vẫn ngồi chồm hổm như một con chó đói mặc dù nắm xôi nhão nhoẹt trên tay nó đã trệu trạo nuốt hết. Chợt thấy mẩu thuốc bắn vào gậm ghế, mắt nó sáng lên như con thú vừa nom thấy mồi. Nó nhổm phắt người lên rồi tụt ngay xuống sàn và lồm cồm bò lại, cánh tay khẳng khiu của nó nhoài vào gậm ghế để moi ra được mẩu thuốc thừa. Sau đó nó lại lết về phía sát tường và đưa điếu thuốc lên môi. Mặt nó dúm lại, cặp mắt lim dim. Nó rít những hơi thật dài làm đầu điếu thuốc đỏ hồng lên soi sáng khuôn mặt vêu vao của nó. Rồi từ hai lỗ mũi nhỏ xíu, có hai luồng khói cuồn cuộn tuôn ra .

    Nhà Mạnh Thường Quân : Ê ! Bé con! Mày làm cái gì ở đây thế ?

    Thằng bé : Tôi quét dọn !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Dập ngay điếu thuốc đi! Oắt con, ai cho mày hút thuốc trên sân khấu.

    Thằng bé không trả lời, chỉ điếu thuốc về phía nhà đạo diễn. Nhà đạo diễn vờ lim dim ngủ. Nhà Mạnh Thường Quân nhún vai, dùng cuộn giấy viết bài diễn văn khai mạc đập lên đầu thằng bé :

    - Tắt ngay đi! Oắt con, mới nứt mắt ra mà đã hút thuốc ! Lại còn phì phèo ngay trên sân khấu thì thằng này coi trời bằng vung !

    Thằng bé nhìn lão với một vẻ căm giận. Nó di điếu thuốc vào cạnh tường, miệng nhổ phì phì nước bọt rồi đứng đậy toan bỏ đi.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Ê ! Tao nhờ cái đã.

    Thằng bé : (quay lại, mắt nhìn lão trừng trừng)

    Nhà Mạnh Thường Quân: Mày ra đàng trước, tìm cái xe Ford màu xanh, mang biển có ba chữ A và ba con số 9, gọi cho tao bác tài xế vào đây.

    Thằng bé : Tôi không biết chữ !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc! Thế thì mày làm cái giống gì ở đây ?

    Thằng bé: Tôi quét dọn. Quét dọn đâu có cần biết chữ.

    Nhà Mạnh Thường Quân: À ra thế ! Thảo nào !

    Vừa nói lão vừa móc túi châm một điếu xì gà. Khói thuốc phà vào hai con mắt trâng tráo của đứa bé. Nó nhìn lão hít khoái trá một hơi xì gà bằng ánh mắt căm thù hơn, hơn cả lúc nó bị lão ra lệnh dập tắt mẩu thuốc thừa. Nhưng lão thản nhiên không còn chú ý tới nó nữa. Lão xốc lại xấp giấy chi chít những hàng chữ trên tay rồi tiến lại đống đồ trang trí chất ở một góc hậu trường. Lão lầm bầm : Kính thưa quý vị quan khách, thật là vinh hạnh cho tôi hôm nay được hầu chuyện quý vị trong một bầu không khí văn nghệ tưng bừng náo nhiệt này...

    Ngay lúc đó thì có nhà họa sĩ lò dò bước tới.

    Nhà họa sĩ: Kính chào ngài ! Ngài đã quan sát hết mọi phông cảnh chưa ? Ý kiến của ngài ra sao ?

    Nhà Mạnh Thường Quân: Tạm được. Kể cũng tạm được !

    Nhà họa sĩ: Ô! Thưa ngài, chỉ tạm được thôi sao? Theo tôi nghĩ, nghệ thuật hóa trang của buổi trình diễn hôm nay sẽ đánh dấu một bước tiến thật dài của nền hội họa sân khấu...

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thật thế ư ?

    Nhà họa sĩ: Thưa ngài, chúng tôi là những nghệ sĩ chân chính. Chúng tôi chỉ biết làm việc theo tiếng gọi của nghệ thuật. . .

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thế à, thảo nào !

    Có tiếng gọi nhà họa sĩ. Gã cúi đầu chào theo kiểu cách rồi làm ra bộ tất tả chạy đi.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Kính thưa quý vị quan khách, thật là hân hạnh cho tôi hôm nay được hầu chuyện quý vị trong một bầu không khí văn nghệ tưng bừng náo nhiệt....

    Anh bếp : Thưa cụ...

    Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc ! Cái gì ?

    Anh bếp : Thưa, có một bà đang tìm cụ.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Ai thế ?

    Anh bếp: Dạ cái bà áo đỏ vẫn thường đến nhà.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Đâu? Bà ấy đang ở đâu?

    Anh bếp: Thưa cụ, bà ấy đang chờ cụ ở nhà, nói mời cụ về ngay.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Tao còn đang bận ở đây, về ngay thế quái nào được !

    Anh bếp : Vâng! Con sẽ xin nói lại.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Này, thôi ! Cầm cái các này về bảo độ chín, mười giờ ngày mai mời bà ấy quay lại nghe không.(hí hoáy viết mấy dòng trên tấm thiệp)

    Ngay lúc ấy, tiếng kèn vụt nổi lên, xoáy vào bầu không khí nghiêm trang, nặng nề. Người nữ diễn viên sắm vai Nga vội chạy lại tấm màn nhung. Nàng lùa bàn tay búp măng khẽ hé lên để ghé mắt nhìn xuống. Khán giả đang tiếp tục tiến vào. Đầu người nhấp nhô như những chùm sung. Nàng ngước mắt lên cao. Hai tầng lầu sâu thăm thẳm rực rỡ ánh đèn. Chưa lần nào nàng thấy mình bé nhỏ đến như thế. Hai tay nàng đưa lên nén chặt lấy ngực. Hơi thở của nàng như muốn phá lồng ngực mà ra. Miệng nàng khô lại. Nàng nuốt nước bọt một cách khó khăn. Tiếng nói của gã diễn viên như nhắc nhở lại nàng :

    - Cô cứ nhớ là ở dưới hàng ghế không có ai khó tính như mình.

    Nhưng những tiếng rì rào ở từng dẫy ghế vẳng lên, nàng nghe như những lời thầm thì đe dọa. Hai mắt của nàng vụt nhắm nghiền lại. Nàng muốn được ngủ luôn như thế mà không bao giờ phải trở dậy. Tiếng clarinette chợt rú lên văng vẳng ở bên tai. Điệu nhạc quen thuộc:

    Tu es inscrite dans les lignes du plafond
    Tu es inscrite dans les yeux que j’aime
    Tu n’es pas tout à faire la misère. . .

    Nàng mở choàng mắt ra nhìn xuống dưới. Ở hàng ghế đầu, sát sân khấu, mấy nhạc công đang tiếp tục hòa tấu. Tiếng trống uể oải, tiếng đàn rời rạc, tiếng clarinette lạc lõng cô đơn. Mọi người như những cái máy sản xuất ra âm thanh. Gã thổi clarinette đứng ở phía đối diện. Nàng nom thấy mặt gã đầy đau khổ. Mắt gã trợn lên, đôi lông mày rậm díu vào nhau. Người gã cong lại. Những ngón tay của gã lướt trên ống thổi. Nom gã hom hem và yếu đuối. Nàng nhoẻn với gã một nụ cười. Nhưng gã không trông thấy. Ngực gã rút lại. Gã đang cố lên một nốt thật cao. Rồi tiếng kèn vụt tắt. Tiếng trống ùa lên lấn át. Gã rời cây kèn, húng hắng ho. Tiếng ho làm nàng não ruột. Nàng thở dài buông cái màn nhung xuống, quay vào hậu trường.

    Lúc đó ở phòng hóa trang, một nữ diễn viên khác đi ra. Đó là vai nhân tình của cha Nghĩa.

    Lão già kéo màn : (thốt lên) Ồ !

    Lão sửa lại thế ngồi, mắt lão linh động hơn. Miệng lão nhếch ra một nụ cười. Người nữ diễn viên đi qua mặt lão. Dáng đi ngúng nguẩy, bộ ngực lúc lắc sau lần áo. Lão vẫy thằng bé lại gần.

    Lão già kéo màn : Giống mẹ mày ngày xưa như đúc.

    Thằng bé : Đâu ? Ai giống kia chứ ?

    Lão già kéo màn: Cái cô mặc áo lụa hồng vừa đi qua ấy.

    Thằng bé nhỏm dậy. Nó lơ láo nhìn theo phía tay chỉ của lão già rồi vụt chạy đi. Nó nhác thấy cô áo hồng đi xuống cầu thang lối dẫn xuống hầm dưới. Người nó rụt thấp xuống để len lỏi qua đám đông người. Trong một phút, nó đứng lại trên bục gỗ. Mùi nước hoa còn thoang thoảng đưa lại. Nó đưa mũi lên hít thật dài. A ! Thế ra mẹ nó ngày xưa cũng đẹp và thơm như thế. Nó cảm thấy hãnh diện. Nó tụt thật nhanh liền mấy bậc. Đường hầm không có cửa sổ nên tối và ẩm. Ngọn đèn úa treo trên tường hắt xuống một làn ánh sáng yếu đuối, vàng vọt. Chân nó dừng lại ở chỗ rẽ ngoặt. Trong căn phòng rộng phía dưới có tiếng người vọng ra :

    - Anh!...

    - Em ! Trời ơi ! Nom em lộng lẫy quá !

    - Tại phấn son đấy !

    Thằng bé thò đầu vào. Diễn viên sắm vai Nghĩa và cô áo hồng đang ghì lấy nhau. Nó vội rụt lại. Một lát lại có tiếng cất lên:

    - Em lo quá! Phải xong buổi tối hôm nay thì mới cất được một gánh nặng.

    - Anh thì anh muốn kéo thời gian ra thật dài. Lúc này là lúc anh sung sướng nhất.

    - Ồ ! Cần gì !.. Rồi chúng mình lại còn gặp nhau kia mà .

    - Em có nhất định không ?

    - Kìa! Anh không tin ở em à ?

    - Không phải thế. Anh chỉ không tin ở cái may mắn bất ngờ này. Mà phàm cái gì xây dựng trên sự may mắn bất ngờ đều khó bền lắm.

    - Anh quá lo xa. Em tin rằng chúng mình sẽ tìm thấy hạnh phúc. Bởi vì chúng mình có duyên với nhau từ... từ kiếp trước.

    - Còn phải nói! Thật là duyên số lạ lùng. Trên sân khấu anh sắp phải gọi em là dì...còn ở đây.. ở đây thì là gì nhỉ! . .

    Cả hai rúc lên cười. Tiếng cười làm xáo động vẻ ẩm mốc, lạnh lẽo trong căn phòng. Một lát, những gót giầy chợt khua lại gần, thằng bé vùng lên chạy. Nó đến ôm lấy cổ lão già kéo màn mà đu xuống.

    Thằng bé: Cháu thấy má cháu rồi !

    Lão kéo màn : Không phải má mày đâu. Chỉ giống hệt vậy thôi.

    Thằng bé: Bây giờ má cháu đâu?

    Lão kéo màn: Hơn mười năm rồi , ai mà biết được.

    Thằng bé : Ngày ấy cháu lớn bằng nào ?

    Lão kéo màn: Mày còn nằm trong đống tã lót !

    Thằng bé : Ý! Bé vậy thôi sao?

    Lão kéo màn: Chứ sao! Bố mày bỏ gánh hát chuồn đi trước. Mẹ mày ở dốn lại, đẻ xong mày rồi cũng chuồn đi luôn. Còn mày, con mẹ nó, chúng nó đùn cho tao, tao phải nuôi.

    Thằng bé: Hồi ấy ông làm gì ?

    Lão kéo màn: Tao cũng kéo màn.

    Thằng bé: Ông ơi !

    Lão kéo màn: Lại cái gì nữa thế ?

    Thằng bé: Sao ông không đem cháu vô trại mồ côi? Cháu nghe nói....

    Lão kéo màn: Thôi đừng có hỏi vớ vẩn nữa. Nếu tính đem cho mày đi thì tao đã cho từ hồi mày còn đỏ hỏn kia kìa. Bộ mày muốn vô trại mồ côi hơn là ở với ông à ?

    Thằng bé: Ý, đâu có. Cháu hỏi chơi cho biết thôi vậy mà. Cháu thích ở với ông hơn.

    Tiếng micro chợt nổi dậy. Ngoài hàng ghế khán giả cũng như trong hậu trường, bầu không khí đang ồn ào bỗng vụt chìm trong yên lặng. “Giờ khai mạc đã bắt đầu...”. “Giờ khai mạc đã bắt đầu...”. Tiếng réo trong micro đã nhắc đi nhắc lại vài lần câu nói đầy khích lệ đó. Lão kéo màn vội vã đứng dậy. Như một tay chuyên nghiệp và yêu nghề, lão quên phắt ngay thằng bé đang ở kế bên. Bàn tay sần sùi của lão túm ngay lấy sợi dây thừng to bằng đốt ngón chân cái, vừa trơn vừa nhẵn nhụi. Người lão cong lên. Gân tay và gân mặt nổi hằn trên làn da đỏ ửng. Lão chờ cho mấy tiếng vồ nện mạnh lên sàn gỗ chấm dứt thì từ từ níu sợi dây xuống bằng hết sức của mình. Tấm màn nhung cứ thế mà cuồn cuộn kéo lên.

    TRONG QUÁN RUỢU

    Nhiều tiếng vỗ tay nổi dậy làm hắn cố ngóc đầu lên. Bên tai hắn như có một bản nhạc vừa chấm dứt.

    Người nữ ca sĩ thướt tha trong chiếc áo dài trắng đi lướt qua chỗ hắn ngồi. Hắn vụt nghĩ đến vai Nga trong vở kịch. Vở kịch trình diễn ngày hôm nay, tại hí viện lớn nhất thành phố. Hắn hốt hoảng ngồi thẳng dậy. Men rượu làm cho tâm trí của hắn rối loạn. Hắn có cảm giác bồng bềnh như đang ngồi trên một con tầu đi trên mặt sóng. Khung cảnh ồn ào trước mặt hắn như pha trộn đầy những vân đỏ. Cũng có rất nhiều vân đỏ bưng lấy cặp mắt của hắn đang nặng trĩu và nóng như lửa. Một bản nhạc nữa tiếp theo. Tiếng người nữ ca sĩ xé bên màng tai. Hắn nghển cổ lên nhìn. Nhưng hắn vẫn thấy hoang mang không biết mình đang ở đâu. Hắn nghĩ đến buổi trình diễn vở kịch. Mọi sự có vẻ như khác lạ và hình như không có ai nhớ tới hắn là tác giả. Vậy là thế nào? Bề gì thì hắn cũng đã khổ công cặm cụi trên trang giấy hàng năm trời. Vậy mà mọi người đều bỏ hắn cô đơn. Hắn tự hỏi : “ Cái gì thế nhỉ ? Tại sao lại thế được nhỉ?”. Đầu hắn nặng trĩu. Hai chân của hắn mỏi nhừ. Hắn nhớ mang máng hình như mình đã đi qua rất nhiều con đường từ hồi chập tối. Tiếng người nữ ca sĩ thỉnh thoảng lại rú lên thôi thúc vào cái khoảng tối tăm, mù mịt đang ngự trị trong đầu hắn. Hắn loạng choạng đứng dậy. Ly rượu đổ nghiêng xoay thêm một vòng, nằm hờ hững trên mép bàn. Hắn cố mở to mắt ra nhìn. Chung quanh hắn, có nhiều đầu người lố nhố. Hắn nghĩ chắc toàn là khán giả đến xem vở kịch của mình. Mồ hôi của hắn vã ra. Hắn giơ tay lên và nói một cách gắng gượng :

    - Đông! Đông thật!...Có thế chứ....

    Lòng hắn nhen nhúm một sự tự hào. Nỗi tự hào làm hắn như bừng dậy. Hắn ngất ngư tiến qua những hàng ghế. Người nữ ca sĩ đang yểu điệu đi xuống. Những tiếng vỗ tay hàng loạt lại vụt nổi lên. Hắn thấy lòng rung động. Vừa sung sướng, vừa phấn khích. Hắn chờ mong tiếng vỗ tay ấy từ suốt bao nhiêu tháng trời ấp ủ, trên những trang giấy mà hắn đã cặm cụi hằng đêm và ngay cả trong những giấc mơ. Bây giờ hắn đã toại nguyện. Mọi người đang nhiệt liệt hoan hô tác giả vở kịch. Đầu óc của hắn thôi thúc : “ Phải làm , phải nói cái gì đi chứ !”. Hắn cố trấn áp cơn lao đao, bồng bềnh của mình. Rồi với một dáng điệu chững chạc, nghiêm chỉnh, hắn lừ đừ đi giữa những tràng âm thanh sôi nổi ấy để tiến lên bục gỗ. Hai tay hắn đưa lên sửa lại chiếc cravate vắt vẻo trên vai. Hắn có cảm giác như bộ quần áo của mình xô lệch. Hắn muốn được đứng trong phòng hóa trang để chải lại cái đầu bù rối. Nhưng từ chập tối, chưa một lúc nào hắn đủ sáng suốt để nhận thức được rõ ràng vị trí của hắn trong khung cảnh mà hầu như lúc nào cũng hỗn độn. Hắn thấy như mình đang sống trong một cơn mơ. Mắt hắn mở to thêm. Hắn cố thu lấy thực tại chung quanh. Hắn nghĩ mình đang đứng trên sân khấu. Trước mặt hắn là đám đông toàn khán giả.

    - Kính thưa quý vị khán giả...

    Mọi người đang ồn ào bỗng nhiên im bặt. Mọi con mắt đều đổ dồn lên chỗ chiếc bục gỗ. Sự im lặng khiến cho hắn thấy yên tâm hơn, nhưng cũng mang một vẻ nghiêm trọng hơn. Hắn nói tiếp :

    - Nhân danh tác giả vở kịch tôi xin chân thành cám ơn sự hiện diện của quý vị trong buổi trình diễn đầu tiên ngày hôm nay.

    Ở phía dưới chợt có tiếng la to :

    - Say quá rồi , ông nội ơi...

  3. #3
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Một tràng cười ồ vụt nổi lên tràn ngập căn phòng làm che lấp cả tiếng nói của hắn. Hắn lùi lại loạng choạng. Hắn biết cổ mình đang khản lại. Còn toàn thân hắn thì hình như đang chấp chới ở giữa những làn sóng mông mênh. Hắn quờ quạng ra chung quanh. Tay hắn vớ được chiếc micro để ở đàng sau. Hắn mừng như kẻ đi biển vừa tìm được một ngôi sao bừng sáng trên nền trời mù mịt. Hắn ghé miệng vào micro hét to :

    - Im lặng! Tôi yêu cầu quý vị hãy im lặng!

    Lão chủ quán bar : Cái thằng ấy điên rồi à ?

    Người bồi bàn : Dạ, hắn say !

    Lão chủ quán bar : Tống cổ hắn xuống !

    Tác giả : Kính thưa quý vị, tôi xin hết lòng cám ơn quý vị đã đến đây đông đảo. Sự hiện diện của quý vị đánh dấu... đánh dấu một bước tiến của nền thoại kịch nước nhà.

    Mọi người lại ồ lên cười. Giọng hắn lạc đi .

    Tác giả : Chưa! Chưa ! Xin quý vị yên lặng. Tôi chưa nói hết....

    Tay hắn thò vào túi lấy ra một tờ giấy gấp tư. Hắn cố gắng mở ra trên mười ngón tay run run. Những hàng chữ nhẩy múa loạn xạ. Hắn cố dí mảnh giấy vào thật sát đôi mắt đỏ ngầu. Nhưng vô ích. Những dòng chữ vẫn cứ nhẩy múa còn loạn xạ hơn. Cổ họng hắn khô lại. Hắn trệu trạo nuốt nước miếng một cách khó khăn. Hắn nghĩ :“ Sao lại thế nhỉ ? Cái gì đang xẩy ra thế nhỉ ?” Trong đầu hắn thực và mộng xô đẩy nhau phũ phàng. Chợt một người tiến lại. Hắn giương mắt lên nhìn. A! Con người mặc áo đỏ! Con người đã cùng hắn trong bao nhiêu năm đầu gối tay ấp. Con người đã nói thẳng vào mặt hắn cái câu “Nếu không có em thì không thể có buổi trình diễn ngày hôm nay!”.

    Hắn lùi lại ghê tởm. Kẻ đó cứ sấn tới. Hắn thấy cơn giận trong lòng cứ mỗi lúc một sôi lên hơn.

    Tác giả ( hét to) : Đi đi cho tôi rảnh mắt.

    Người bồi bàn : Mời ông đi xuống !

    Tác giả : Cô còn đến đây làm gì?

    Người bồi bàn : Đi xuống !

    Tác giả: Không bao giờ tôi còn nghe cô nói nữa!

    Người bồi bàn : Đi! (gã túm lấy áo của hắn, xô mạnh )

    Tác giả : Buông ra ! Buông ra! Tôi chán cái bản mặt của cô lắm rồi....

    Giọng của hắn tắc lại. Hắn thấy rõ mình ngụp lặn trong sự nhục nhã. Hắn muốn ngộp thở. Hai bàn tay đang túm lấy ngực hắn khiến hắn có cảm giác như đang bị bao vây bởi những cái vòi của con bạch tuộc. Một cái vòi xiết cứng lấy vai hắn. Hắn mím môi lùi lại. Tất cả mọi cái ghê tởm đều xô hắn đến đường cùng. Hắn nghĩ: giá mình có một con dao. Với con dao hắn sẽ cắt da thịt của mình để gột rửa sự ghê tởm mà hắn thấy rõ nó đang hành hạ từng đường gân thớ thịt. Nhưng hắn vẫn bị xô lùi về phía sau. Chân hắn đã chạm tới mép gỗ. Hắn thấy người đàn bà trước mặt vẫn thẳng tay đẩy hắn như đẩy một kẻ thù hằn. Một ý nghĩ khinh bỉ nẩy ra làm hắn phá lên cười, nhưng đồng thời hắn ngã bổ nhoài ra phía sau và lăn vào một góc tối. Tiếng động ở bốn phía vẫn ồn ào. Đầu hắn váng vất. Hắn lại nhớ đến một câu nói khác của nàng trong công viên:

    - Có nhiều sự thực chẳng nên nói ra...

    Nàng có lý. Cái sự thực mà nàng đã mang đến cho hắn ghê gớm quá. Phũ phàng quá. Nó vượt lên trên tất cả mọi khả năng chịu đựng của hắn. Đấy là một mùi vị của sự thực. Đấy cũng là một bài thực tập đắng cay của hai chữ sự thực, cái sự thực mà trọn đời cầm bút, hắn vẫn gào thét như một kẻ ngu muội, si cuồng. Hắn cố gắng gượng dậy. Toàn thân hắn đau ê ẩm. Trước mặt hắn, căn phòng, ánh sáng, âm thanh, và đầu người lố nhố như ríu lại nhau, xô đẩy nhấp nhô như những đợt sóng lướt trên một tấm thảm đỏ. Hắn nghĩ thấm thía đến bức họa say lừng danh của Van Gogh với những vân đỏ chập chờn nhẩy múa ở khắp mọi chỗ. Bây giờ thì hắn đã bị tống khứ ra khỏi vũ trường bằng một cái xô ngã dúi dụi. Một luồng gió mát lạnh lùa qua làm hắn thấy lòng dịu đi. Hắn lảo đảo đứng dậy, vịn theo men tường và đi ra phía ngoài. Mọi tiếng tiếng động đều đã ngưng bặt. Trước mặt hắn, những lùm cây tối sừng sững cắt trên nền trời xanh đen. Hắn nặng nề bước xuống thềm đá. Mồ hồi vã ra khắp mình. Hắn vội cởi chiếùc áo veste, vắt lên vai. Bỗng hắn hốt hoảng. Hắn vụt nhớ đến mảnh giấy gấp tư để ở lần túi trong. Hắn đứng lại tần ngần. Mảnh giấy không biết văng mất vào đâu. Lông mày hắn nhíu lại. Sự việc chạy hỗn độn trong đầu hắn. Hắn lầm bầm :

    - Phải rồi! Mình đã đứng đọc ở trước micro. Nhiều người ồn ào. Chắc người ta vỗ tay!

    Hắn cảm thấy sung sướng như một đứa trẻ. Hắn châm diêm đốt một điếu thuốc. Ánh lửa sáng lên soi rõ khuôn mặt phờ phạc của hắn rồi tắt ngấm ở hai bờ môi. Một người phu xích lô ghếch xe lại chỗ của hắn.

    Người phu xe : “Đi” không cậu ? Có chỗ này hay lắm!

    Tác giả : Hay thật không ?

    Người phu xe: Ối ! Còn phải nói ! Tuyệt !

    Tác giả: Đó! Tôi biết mà. Tác giả là tôi đấy !

    Hắn có cảm tình ngay với người đứng trước mặt. Gã ta dìu hắn lên xe. Mắt hắn ríu lại. Mình hắn vật xuống, hai chân duỗi thật dài. Tiếng động văng vẳng hai bên đường phố bây giờ ru hắn vào một giấc mơ với những nhân vật đang bềnh bồng trên sân khấu...


    TRÊN SÂN KHẤU.

    Nghĩa : Em uống cạn ly này đi đã rồi anh cần trình bầy với em một sự thực.

    Nga : Trời ơi! Trông cái vẻ mặt nghiêm trang của anh mà em phát sợ.

    Nghĩa: Bình tĩnh đi nào....

    Nga : Nhưng em không bình tĩnh được. Cứ đứng bên cạnh anh là em không bình tĩnh được.

    Nghĩa: Như vậy nếu chẳng có anh thì sao ?

    Nga : Ồ! Em không nghĩ đến điều ấy. Không bao giờ em nghĩ đến điều ấy cả. Anh đã chẳng nói với em rằng chúng mình không bao giờ xa nhau là gì.

    Nghĩa : Chúng mình sẽ không bao giờ quên được nhau !

    Nga : Đấy! Như thế thì em còn phải lo lắng làm gì nữa cho thêm mệt. Em cứ mặc kệ anh. .

    Nghĩa: Hãy để cho anh nói hết đã. Anh chỉ nói rằng chúng mình sẽ không bao giờ quên được nhau thôi.

    Nga : Thế là đủ rồi!

    Nghĩa: Em không hiểu.

    Nga : Có gì mà không hiểu ! Em yêu anh, anh yêu em, thật là giản dị có gì mà rắc rối đâu?

    Nghĩa :Nhưng không phải cứ yêu nhau là được gần nhau mãi mãi.

    Nga : Anh nói cái gì mà lạ vậy?Ai cấm chúng mình? Ai có quyền cấm chúng mình?

    Nghĩa. Đó là một sự thực mà anh cần nói với em.

    Nga: Trời ơi! Hai tay em run lên rồi đây này !

    Nghĩa : Thì anh đã khuyên em hãy nên bình tĩnh. Bình tĩnh để đón nhận tấøt cả sự thực nó đến với mình !

    Nga: Không có sự thực nào chia rẽ được hai chúng mình hết cả !

    Nghĩa: Nhưng nó vẫn là sự thực và chúng ta mặc dầu yêu nhau thế nào cũng không thể thoát khỏi cái tai họa ấy.

    Nga : Trời ơi! Anh đừng dọa em như thế.

    Nghĩa : Sự khổ sở, buồn rầu của em không làm anh đau đớn hay sao mà em lại nói thế.

    Nga : Vậy tốt hơn là anh đừng nói gì nữa.

    Nghĩa : Anh không thể không nói được bởi vì...

    Nga : Vì sao?

    Nghia :. Sáng ngày mai anh xuống tầu đi xa rồi...

    Nga : Ôi chao ôi!

    Nghĩa : Đó là nhiệm vụ bắt buộc của anh. Anh không thể làm khác hơn được.

    Nga : Anh ơi !

    Nghĩa : Bình tĩnh đi nào Nga! Bây giờ là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải quên đi những kỷ niệm đã qua.


    TRONG HẬU TRƯỜNG

    Nhà đạo diễn : (bật dậy) Ồ ! Bò thật ! Cái thằng thế thì bò thật ! Đã dặn đi dặn lại đến như thế mà vẫn cứ quên !

    Nhà Mạnh Thường Quân : Chết ! Quên ở chỗ nào?

    Nhà đạo diễn: Bình tĩnh đi nào Nga . Bây giờ là lúc chúng mình phải sáng suốt. Phải nghĩ đến tương lai mà quên đi những kỷ niệm đã qua...

    Nhà Mạnh Thường Quân: Ồ ! Quên có vài chữ tẹp nhẹp, ăn thua gì!

    Nhà đạo diễn: Ô hay ! Một tác phẩm văn nghệ xây dựng dầy công như thế mà ông cho là tẹp nhẹp không ăn thua gì ! Ông có biết rằng nhiều khi chỉ một con ốc long ra là sập luôn cả một cái cầu không? Với lại trong lãnh vực kịch nghệ, nhân danh là đạo diễn, tôi phải tôn trọng tác giả. Tôi không có quyền bóp méo vở kịch. Theo quan niệm của những nhà đạo diễn lừng danh ngoại quốc...

    Nhà Mạnh Thường Quân: Ồ! Ông cứ khéo lo xa. Đã đành là không nên hụt, nhưng hụt có một câu như thế cũng chả chết ai. Tôi có cảm tưởng nếu như tác giả ở đây, chắc ông ta không đến nỗi xuýt xoa đau xót đến thế....

    Nhà đạo diễn : Hừ ! Ông thật là người thiếu kinh nghiệm sân khấu. Ông phải biết rằng với những khe hở như thế, nó sẽ kéo theo nhiều khe hở khác, có thể đưa đến chỗ làm xụp đổ cả một vở kịch giá trị...

    Nhà Mạnh Thường Quân: Ờ, sụp đổ cả một vở kịch thì không có thể chấp nhận được, nhưng cái đó thuộc về phạm vi trách nhiệm của ông chứ !

    Nhà đạo diễn : Ấy! Sao ông lại đổ trách nhiệm cho tôi được nhỉ, trong khi ông giao cho tôi toàn là những diễn viên “bò” như thế !

    Nhà Mạnh Thường Quân : Sao? Nói vậy là ông có ý chê diễn viên của tôi ít tài?

    Nhà đạo diễn: Bất tài thì đúng hơn.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Này ! Chúng ta nên giữ thái độ lịch sự với nhau thì hơn.

    Nhà đạo diễn: Ồ! Ở ngoại quốc, điều kiện căn bản của một nhà đạo diễn có tài là phải biết nói thẳng. Nói thẳng với bất cứ ai, nhất là với những nhà Mạnh Thường Quân bỏ tiền ra dựng kịch như ông.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Nhưng ông cho tôi là khẹc đến thế nào để đến nỗi dại dột vừa mất tiền vừa bị kẻ khác cười mũi vào mình ?

    Nhà đạo diễn: Vậy, đó là một kinh nghiệm cho ông. Tốt hơn hết, ông nên cất tiền trong tủ.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Ái chà ! Cái đó mới thật là phi văn nghệ !

    Nhà đạo diễn: Á ! À !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Chứ sao! Tôi không phải là kẻ coi nặng vần đề tiền bạc. Tôi có thể vung tiền không tiếc tay đối với một tác phẩm gọi là... gọi là văn nghệ như thế này.

    Nhà đạo diễn: Thật bất ngờ đấy nhé. Ra là ông chịu tốn kém vì nghệ thuật ! Thế mà tôi cứ tưởng ....

    Nhà Mạnh Thường Quân: (trợn mắt) Ông tưởng gì? Ông cho là tôi vì cái con khẹc gì kia chứ ?

    Nhà đạo diễn: Ồ! Không! Không!....Bò thật! Tôi bò thật!

    Ngay lúc ấy có tiếng đập phá ngoài sân khấu. Ly tách vỡ loảng xoảng, giọng Nghĩa vang lên thất thanh và có tiếng Nga nức nở khóc. Nhà Mạnh Thường Quân và nhà đạo diễn cùng rời chỗ đứng ghé mắt qua cánh gà nhìn ra sân khấu.


    TRÊN SÂN KHẤU

    Nga : Tôi hiểu rồi ! Bây giờ tôi mới thấy mặt trái khốn nạn của anh.

    Tiếng người nhắc vở : Tôi dại !

    Nga : Tôi dại !

    Tiếng người nhắc vở: Tôi dại thật! Thực là một bài học đắt giá!

    Nga : Tôi dại thật! Thực là một bài học đắt tiền!


    Ở SAU CÁNH GÀ

    Nhà đạo diễn : (giơ hai tay lên trời) Ôi trời đất ơi!!!

    Gã ném mạnh điếu thuốc xuống chân và dẫm nát một cách hằn thù. Trong lúc ấy tiếng xô xát lại nổi lên dữ dội và vai Nga đầu tóc rã rượi chạy vào.


    TRONG HẬU TRƯỜNG

    Nhà Mạnh Thường Quân : Ồ ! Cô diễn xuất thật là tuyệt ! Tuyệt ! Cô làm tôi muốn khóc rồi đấy nhé.

    Diễn viên sắm vai Nga : Trời ơi ! Thật ư ! Ông nói thật đấy ư ?

    Nhà Mạnh Thường Quân: Còn hơn mức cô tưởng ấy nữa. Cô không biết rằng tôi đã say mê theo dõi từng cử chỉ, từng điệu bộ của cô hay sao? Ồ! Cô yên chí, thế nào cô cũng sẽ trở nên một ngôi sao sáng của ngành kịch nghệ trong tương lai.

    Diễn viên sắm vai Nga: Ông làm tôi cảm động quá. Thật không ngờ. Thật chính tôi cũng không ngờ tôi lại được đến thế .

    Nhà đạo diễn: (xen vào) Vâng ! Chính tôi cũng không ngờ cô lại đến thế được !

    Diễn viên sắm vai Nga: Ồ ! Ồ! Tôi sung sướng quá! Tôi sung sướng quá đi mất !

    Nhà đạo diễn bật lên cười. Nụ cười cục cằn thô lỗ phát ra thứ âm thanh ùng ục như muốn tắc lại trong cổ họng gã. Gã hít thật dài. Bầu không khí trong hậu trường cứ mỗi lúc một ngột ngạt thêm. Gã thong thả tiến lại phía cửa sổ và trèo lên ngồi vắt vẻo.

    Đằng sau gã, nhà Mạnh Thường Quân đang trịnh trọng cầm tay nữ diễn viên sắm vai Nga và dìu đi như người ta dìu một minh tinh đă nổi tiếng thực thụ. Hai người đi khuất vào phòng hóa trang.


    TRONG PHÒNG HÓA TRANG

    Nhà Mạnh Thường Quân: Mời cô ngồi xuống đây cho đỡ mệt. Cô uống nước cam nhé.

    Diễn viên sắm vai Nga: Vâng. Xin cám ơn ông. Thực là phiền ông quá !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Ô! Phải kể đó là một hân hạnh cho tôi chớ. Trước những thiên tài, bao giờ tôi cũng thấy mình như nhỏ lại.

    Diễn viên sắm vai Nga: Chết nỗi, ông cứ dậy quá lời. Tôi đâu dám mong được như thế..

    Nhà Mạnh Thường Quân: Cô không nên quá nhún nhường. Tôi tin rằng cô sẽ đạt được tới mức thiên tài thực thụ nếu cô còn cảm thấy say mê sân khấu.

    Diễn viên sắm vai Nga: Ồ! Với sân khấu thì tôi sẽ say mê, và say mê đến tột cùng. Tôi nghĩ rằng kể từ nay cuộc đời của tôi sẽ gắn liền vào với sân khấu và chỉ có sân khấu là ý nghĩa cuộc đời của tôi mà thôi.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thế thì hay lắm. Tất cả mọi thiên tài trên thế giới đều khởi đầu bằng sự say mê. Say mê là số một, là chìa khóa mở mọi két sắt. Không say mê thì không làm nên cái trò trống gì hết sất cả.

    Diễn viên sắm vai Nga : Đúng ! Ông dậy đúng quá!

    Nhà Mạnh Thường Quân : Thì thế ! Mà vì thế tôi lại càng tin tưởng ở cô. Tôi sẽ... tôi sẽ bỏ thật nhiều tiền để dựng kịch cho cô đóng, miễn là cô sẵn lòng hợp tác với tôi. .

    Diễn viên sắm vai Nga: Trời ơi ! Sao lại không được nhỉ! Đó cũng thật là một vinh dự lớn lao cho tôi.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Nào có cái gì đâu ! Cô muốn là trời muốn mà. Hai chúng mình sẽ còn nhiều dịp gặp nhau để bàn tính .....

    Diễn viên sắm vai Nga: Tôi hy vọng như thế.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Cô thật là thông minh và tế nhị. Gần cô tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng. Tôi tin là chúngmình sẽ rất ăn ý với nhau (cầm lấy tay thiếu nữ).

    Diễn viên sắm vai Nga (rụt lại) : Kìa người ta đang gọi tôi. Xin phép ông nhé!

    Nhà Mạnh Thường Quân: Cái gì thế ! Con khẹc ! Đứa nào gọi cái gì thế?

    Người nữ diễn viên đi vụt ra. Cánh cửa khép lại kêu cót két. Mùi nước hoa ngây ngất của nàng còn vương lại trong bốn bức tường hẹp. Cốc nước đá trơ trẽn trên bàn toát ra một dòng nước lạnh chẩy ngoằn ngoèo qua những hộp phấn. Nhà Mạnh Thường Quân cúi thấp xuống, vừa càu nhàu vừa soi lại bóng mình trong gương. Dưới ánh đèn, mái tóc của lão trở nên bóng nhẫy nhụa. Từng giọt mồ hôi lăn tăn chảy xuống vầng trán thấp và dô. Lão trịnh trọng sửa lại cái nơ hơi xô lệch trên cổ áo trắng muốt. Hơi thở phì phò của lão che mờ cả khuôn mặt phì nộn ở trong gương.


    NGOẠI CẢNH

    Người phu xe : Đến rồi !

    Tác giả : (choàng dậy) Cái gì thế ?

    Người phu xe: Thưa cậu đến rồi !

    Tác giả : Đến đâu ?

    Hắn ngồi thẳng người lên ngơ ngác nhìn ra chung quanh. Bốn bề vắng lặng. Đường phố gió heo hút. Trời về khuya. Hơi lạnh ngấm qua hai riềm mi làm hắn thấy bớt nặng.

    Tác giả: Đây là đâu ?

    Người phu xe: Ngoại ô thành phố .

    Tác giả: Ngoại ô thành phố ? Tại sao lại thế nhỉ ?

    Gã phu ghếch cái xe vào sát vỉa hè rồi nhẩyxuống. Hai người đi vào một ngõ hẻm.

    - Tối quá! Rạp hát tan từ lúc nào ?

    - Chưa ! Mới gần mười một giờ thôi .

    - Chết, còn vở kịch của tôi.

    - Để tôi quay lại lấy.

    - Ô hay! Lấy cái gì ? Ở đâu ?

    - Thì vở kịch cậu vừa nói đấy. Chắc là cậu đánh rớt trên xe.

    - À, thôi ! Tôi nhớ ra rồi. Tôi bỏ đi từ chập tối. Tôi uống rượu ở tiệm La Frégate.

    - Tôi thì đã đón cậu ở cửa bar Thiên Nga.

    - Thiên Nga? Tôi vào Thiên Nga từ bao giờ nhỉ ?

    - Cậu rẽ lối này !

    - Anh dẫn tôi đi đâu thế ? Khát nước quá !

    - Ở đấy có đủ cả. Cậu muốn rượu cũng có.

    - Vậy thì mau lên!

    - Tới đây rồi !..

    Gã phu xe dừng lại trước một căn nhà khuất sau một lùm cây. Qua khung cửa, ánh sáng hắt ra một mầu xanh dịu. Gã đi vào sân đất với một vẻ sành sỏi, quen thuộc và gõ lên cánh cửa gỗ xộc xệch. Có tiếng khóa mở lách cách và một đầu người thò ra. Ánh sáng ùa theo làm tác giả chói mắt. Hắn nhắm nghiền lại và có cảm giác như mình đang đi trên một giải bèo mây. Mấy phút sau người ta đẩy hắn vào một căn phòng. Không khí nồng nực hẳn lại. Hắn mở choàng mắt ra nhìn và thấy tỉnh tảo hơn. Bà chủ nhà người cao lớn, da thịt ngồn ngộn, phốp pháp đứng ngay ở giữa phòng.

    Tác giả : Chào bà ...!

    Bà chủ: Ủa ! Ai như là...

    Tác giả : Ơ ! Hình như bà là......

    Bà chủ : Ới giời ơi ! Té ra là cậu ! Mất biến bao nhiêu năm nay rồi bây giờ mới lại thò mặt ra. Mà tại sao cậu lại biết tôi đã về chỗ này mà mò tới chớ ??

    Tác giả: Ờ ! Cái thằng đó chở tôi đi. Nào ai biết được là nó dẫn đi đâu.

    Bà chủ: Hừ! Cậu chả thay đổi gì hết ! Mấy năm nay cậu làm gì mà mất mặt.

    Tác giả : (giương mắt lơ đãng nhìn quanh căn phòng, cố tình không trả lời)

    Bà chủ: Phải rồi. Cậu đi đâu, làm gì, tôi biết hết đó. Bây giờ thì cậu còn thiết gì tới ai. Nghe nói vợ đẹp lắm phải không?

    Tác giả: Ai nói cho bà biết ?

    Bà chủ : Giấu cái gì được với con Hằng. Này, nó oán cậu ghê lắm đó !

    Tác giả: Thôi đi. Nhắc lại làm gì chuyện cũ, cũng đã bẩy, tám năm rồi. Ai có cuộc đời của người ấy...

    Bà chủ : Thì cũng phải nói chứ. Đâu có phải người dưng nước lã gì. Này, con Hằng nó đã đẻ một đứa con trai đấy.

    Tác giả: Ủa ! Cô ấy cũng lấy chồng rồi hả ?

    Bà chủ : (nguýt thật dài rồi cong cớn) Chồng con cái nỗi gì. Này ! Nói cho mà biết, con cậu chứ con ai !

    Tác giả: Nào, bà lại sắp sửa thêu dệt những chuyện gì đâu...

    Bà chủ: Khí gió ! Ai thèm nói dối cậu. Nó có con thật mà! Cậu đi rồi thì nó đẻ !

    Tác giả: Vậy thì con ai đấy chứ đâu phải con tôi.

    Bà chủ (lục lọi trong một cái ngăn kéo rồi ném lên mặt bàn một cái ảnh): Thằng bé thế này thì có trộn cũng chả lẫn với cái mặt lồi lồi của cậu.

    Tác giả: (ngắm nghía) Tôi chả thấy có vẻ gì là giống mình cả..

    Bà chủ: Cậu không muốn nhận nó là con nên cái gì của nó mà chả không giống cậu. Nhưng bây giờ thì cậu có muốn cũng chả được !

    Tác giả: Thế nghĩa là thế nào?

    Bà chủ: Nó mang con cho đi rồi còn đâu.

    Tác giả: Ôi chao! Sao mà bất nhân đến thế !

    Bà chủ : Có bất nhân bằng cậu không? Đúng vào cái lúc nó mang nặng đẻ đau thì cậu bỏ đi mất biệt!

    Tác giả: Ơ hay! Ăn nhằm gì tới tôi ! Chuyện mang nặng đẻ đau là chuyện của cô ấy chứ !

    Bà chủ: Mà điều nó nói là nó có mang với cậu. Nhưng thôi, cãi cọ lúc này chẳng để làm gì. Chỉ biết là trong cơn cực kỳ túng quẫn nó đem con cậu cho người ta làm con nuôi rồi.

    Tác giả: Sao bà nhẫn tâm cứ cột chết cho tôi như thế nhỉ. Tôi đã nói rồi. Nó chẳng phải là con tôi.

    Bà chủ: Ôi dào, tôi đón tay thằng bé tôi còn lạ gì. Cái trán, cái mồm, cái mắt chẳng phải của cậu thì còn ai vào đây. Nhưng thôi, đã bảo nói nữa thì cũng chả làm gì mà. Chuyện cũ qua rồi thì cho nó qua luôn. Cậu có vẻ mệt mỏi đấy. Coi bộ chẳng hạnh phúc có phải không ?

    Tác giả: Hằng đâu ?

    Bà chủ: Nó không còn ở đây nữa. Sau khi cho thằng bé đi rồi thì nó ra Trung.

    Tác giả (thở dài): Cho tôi một ly nước.

    Bà chủ: Mải chuyện thế mà quên đi .Cậu uống gì nào ?

    Tác giả : Nước đá lạnh thôi !

    Người đàn bà đi ra. Hắn ngồi lại trên chiếc ghế salon bọc đệm đỏ. Trước mặt hắn là bức ảnh của thằng bé để ghếch lên chiếc gạt tàn thuốc lá. Thằng bé như đang cười với hắn. Hắn vội quay đi, nhìn lên bức vách dán chồng chất đủ loại hình ảnh. Có một bức hình minh tinh màn bạc. Đấy là một nữ minh tinh Nhật Bản. Cô ta có cặp mắt giống Hằng y hệt. Cặp mắt gợi lại cho hắn những kỷ niệm ngày xưa. Hắn có cảm giác mệt mỏi như đang vật lộn với chính mình. Hắn nhắm nghiền mắt lại. Nhưng cặp mắt của Hằng lại hiện ra rõ hơn với đầy đủ cả khuôn mặt kèm theo những âm thanh rộn rã vọng lên trong tâm tưởng của hắn. Ôi, tiếng cười của Hằng như còn quanh quẩn đâu đây, chan hòa trong cả bốn góc phòng. Hắn móc túi châm một điếu thuốc lá. Vị thuốc làm miệng hắn bã thêm. Hắn nhón một cái kẹo chanh nằm trong chiếc đĩa trên mặt bàn. Chợt hắn liếc thấy thằng bé trong ảnh như đang nhìn mình. Hai con mắt trong ảnh như có cả một linh hồn. Hắn bỏ cục kẹo vào túi rồi buồn bã cầm bức ảnh giơ lên ngắm. Hắn thấy sự đau xót đang bắt đầu nhen nhúm trong lòng.

    Bà chủ: Tôi nói rồi mà ! Giống lắm phải không? Bán cho cậu đấy !

    Tác giả : Hừ, thuở người khôn của khó, bà chủ chẳng tha một dịp nào có thể làm ra tiền .

    Bà chủ : Ô hay ! Thì ai bắt buộc cậu đâu. Cậu chả lấy thì tôi giữ làm kỷ niệm!

    Tác giả: Bây giờ thằng bé ở đâu ?

    Bà chủ : Ờ, cậu lý đến nó làm gì nữa !

    Tác giả: Tôi thấy nó có nhiều nét giống thằng chủ báo hơn là giống tôi.

    Bà chủ : Có ai bắt đền bắt vạ đâu mà cứ đổ vạ cho người khác. Trả lại tấm hình cho tôi kẻo nó nát mất.

    Tác giả: Không! Tôi....tôi mua lại. Dầu sao thì..thì cũng là hơi hướng của Hằng đấy chứ.

    Bà chủ : Vậy năm tờ thôi !

    Tác giả: Ôi trời ơi ! Có mà điên mới bỏ ra năm trăm đồng để mua một tấm ảnh !

    Bà chủ : Thì tôi đâu có muốn bán. Bộ cậu tưởng tôi không quý nó sao? Dù sao nó cũng là cháu tôi, tôi cũng đã đón tay nó....

    Tác giả: Nó kháu không? Lúc đẻ nó được mấy kí?

    Bà chủ : Kháu quá đi ấy chứ . Dễ đến hơn ba kí. Mẹ nó đau đẻ mất hơn hai ngày. Lúc nào cũng réo tên cậu....

    Tác giả ( nhăn mặt): Thôi đi! ( sau một giây ngập ngừng) À! Hằng đặt tên cho nó là gì nhỉ ?

    Bà chủ : Cưng! Nguyễn văn Cưng.

    Tác giả: ( tươi mặt) Bố nó họ Nguyễn à ?

    Bà chủ: Bố nào? Ở đâu ? Nó lấy họ mẹ đấy. ( mỉa mai) Chẳng ai thèm nhận là bố thì mẹ nó phải đứng mũi chịu sào chứ sao.

    Tác giả: Chịu cái nỗi gì. Nếu đã chịu thì sao còn đem cho. À, mà nó đã đem cho ai kia chứ ?

    Bà chủ : Một người đàn bà nào đó ở trên phố .

    Tác giả: Ai đấy? Phố nào ?

    Bà chủ : Ôi da! Ai mà biết. Ai mà nhớ. Có khi sang qua sang lại, thằng nhỏ đã trôi giạt tới tận phương trời nào rồi ấy chứ. Đã đem cho thì kể như là đã xong. Hừ! Nghe chừng cậu có vẻ quan tâm đến nó lắm nhỉ. Tôi đã bảo nó là con cậu thật mà!

    Hắn không đáp, lẳng lặng móc ví lấy ra một tờ giấy bạc ném lên mặt bàn rồi nhón lấy tấm ảnh. Hắn cũng chẳng hiểu tại sao mình lại chi ra một món tiền cho một việc như thế. Cái đầu của hắn nài nỉ là tấm hình chẳng là cái quái gì hết. Đó chỉ vỏn vẹn là cái cung cách làm tiền thô bỉ của mụ chủ chứa. Nhưng lương tâm của hắn lại cứ vang vang những tiếng : “Tôi đón tay nó tôi biết. Cái trán, cái mồm....”. Giữa hai đằng cấu xé, hắn tự thấy nổi giận chính mình. Hắn bóp tấm ảnh đến thành méo mó trong lòng bàn tay xương xẩu. Rồi hắn bước ra ngưỡng cửa. Chỉ một suýt nữa thì hắn liệng tấm hình vào lùm cây tối um tùm trong sân đất. Nhưng nghĩ thế nào, hắn lại thôi. Hình ảnh đôi mắt , nụ cười của Hằng khiến cho hắn bỗng thấy mệt rã rượi. Lại còn thằng bé nữa! Nó vẫn chưa dứt ra khỏi những ý nghĩ lộn xộn trong đầu của hắn. Bây giờ nó ở đâu ? Làm gì? Mỗi một câu hỏi lại như có thêm sức nặng đè trĩu lên tâm hồn hắn. Hắn lê từng bước nặng nề đi ra cổng. Đồng hồ nhà ai trong xóm vừa gõ mười một tiếng.

  4. #4
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    TRONG HẬU TRƯỜNG

    Mình sẽ làm lành với anh chàng. Người nữ diễn viên sắm vai Nga nghĩ một mình như thế. Mới hơn một tháng trời xa nhau mà nàng thấy gã như già đi hẳn. Nhất là căn bệnh của gã tăng nhiều. Suốt thời gian ở trên sân khấu nàng nghe thấy tiếng ho của gã húng hắng ở phía dàn nhạc. Chắc hắn buồn và trác táng. Hai người giận nhau từ khi nàng nhận lời đóng một vai trong vở kịch. Gã trả lại nàng những xấp thư kỷ niệm. Gã yêu văn nghệ nhưng gã cấm người yêu hoạt động văn nghệ. Đi vào đó là dấn mình vào chỗ tanh hôi! Gã đã nói với nàng như thế và đã nhận lãnh một cơn lôi đình của nàng nổi lên. Nàng xô gã vào cánh cửa tủ mà cho tới bây giờ nàng cũng không hiểu tại sao mình đã trở nên hung bạo như thế. Hai người xô xát, to tiếng trong căn phòng chật hẹp và bừa bãi của gã. Lần đầu tiên gã đã xé ngay trước mặt nàng chiếc sơ mi lành lặn nhất. Lúc đó nàng không giận mà khinh bỉ. Nàng tháo trả chiếc vòng huyền mà gã mua tặng nàng hồi gã in bản nhạc đầu tay. Gã nhìn nàng tức tối như muốn cấu xé. Bàn tay gã bóp mạnh vào chiếc ly thủy tinh. Nhưng chiếc ly may mắn không vỡ. Nếu máu của gã lúc ấy chảy ra thì biết đâu chẳng là duyên cớ để hai người làm lành với nhau. Điều đó nàng thật sự không muốn. Hắn không thể độc tài đến độ cấm đoán nàng đến với văn nghệ được. Nàng bỏ đi không một lời từ biệt. Khi bước ra khỏi phòng, nàng dập mạnh cánh cửa vào khuôn gỗ. Nàng cảm thấy như mình đã trả thù được hắn, nhưng đồng thời nàng cũng thấy rõ cái thực tế là cả hai người đã cùng để lộ ra bộ mặt trái của tình yêu. Cái vỏ bọc đường ngọt ngào bấy lâu trong phút chốc đã vụn vỡ để bây giờ bên trong đang tiết ra cái chất cay đắng đến tê điếng cả tâm hồn. Từ bấy đến nay đã hơn hai tháng. Rất nhiều khi nàng thấy nhớ gã. Và cơn nhớ nhung cứ mỗi ngày một đậm đà, sâu lắng và réo gọi nàng trở về với quá khứ. Để bây giờ, đứng trên cánh gà của sân khấu, qua kẽ màn nhung, nàng đã tự nhủ :

    - Mình sẽ làm lành với anh chàng.

    Nàng dự tính ngày mai sẽ đến thăm gã. Nếu gã còn giận thì gã sẽ nằm quay mặt vào tường. Nàng chưa bao giờ hôn gã trước cả, nhưng lần này nàng sẽ ôm gã vào lòng và nói rằng nàng vẫn còn yêu gã, rất yêu gã. Kẻ nào thối lui được trước một người yêu đáng yêu như thế !

    Nàng ngẫm nghĩ rồi mỉm cười một mình. Nụ cười của nàng bị nhà Mạnh Thường Quân bắt gặp. Lão toét miệng ra cười góp. Đó lại là một cái cớ để lão tiến lại gần nàng. Suốt buổi trình diễn đêm nay, lão không bỏ một cơ hội nào để đến với nàng. Lão đã quên lời hẹn với thiếu phụ áo đỏ ở nhà riêng. Ngày mai lão dự tính sẽ xin lỗi nàng bằng một lọ nước hoa Chanel.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Còn một màn nữa. Tôi tin rằng tới chỗ gay cấn này cô mới có dịp trổ tài diễn xuất của cô.

    Nàng cười với lão bằng một nụ cười nhạt nhẽo. Rất may, lúc đó nhà đạo diễn cũng tiến lại gần. Nàng nom thấy vẻ mặt sa sầm của vị Mạnh Thường Quân.

    Nhà đạo diễn : Thưa ông, khán giả muốn tác giả vở kịch ra trình diện.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc! Hắn mất biến từ chập tối đến giờ có ai thấy mặt hắn đâu.

    Nhà đạo diễn: Vậy thì ông phải ra mà đại diện.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Tôi, sao lại tôi được nhỉ.

    Nhà đạo diễn: Chứ còn gì! Ông là người bỏ tiền ra dựng kịch mà...

    Nhà Mạnh Thường Quân: Tại sao lúc nào ông cũng lôi được cái chuyện tiền vào thế ? Ở đây chúng ta chỉ là những người làm văn nghệ. Tôi yêu cầu ông coi tôi là một nhà văn nghệ, không phải là một nhà đại phú..

    Nhà đạo diễn: Nhưng giả sử không có cái “đại phú” của ông thì vở kịch cũng chẳng có ma nào thèm biết đến. Bởi vậy ông có quyền đại diện cho tác giả để chia xẻ với hắn cái sự thành công này.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Đó là nhã ý của ông đấy thôi. Tôi thì tôi nghĩ chính ông mới là người xứng đáng đại diện cho tác giả.

    Nhà đạo diễn: Tôi ? Tại sao lại tôi được nhỉ ?

    Nhà Mạnh Thường Quân: Chứ sao! Tác giả hay mà không có đạo điễn giỏi thì cũng vứt đi. Vở kịch có mỹ mãn hay không là chính ở nơi tài nghệ đạo diễn của ông. Tôi nghĩ không còn gì hợp lý hơn như thế nữa.

    Nhà đạo diễn: Ồ! Bò ! Tôi đã bảo tôi bò thật mà. Trong vở kịch này tôi không đóng góp được gì hết . Ông đừng nói nữa làm tôi ngượng.

    Vừa nói, gã vừa vùng vằng bỏ đi. Gã tự nghĩ mặc kệ xác chúng nó là hơn . Hò hét từ chập tối, gã thấy mình lố bịch. Đáng lẽ gã chỉ nên chui vào một xó đánh một giấc ngủ khoèo là hơn hết cả. Ý nghĩ ấy làm gã hài lòng, gã tiến tới căn phòng xép ở mãi tận mé sau hậu trường. Có tiếng người vọng ra, gã vội đứng lại.


    TRONG PHÒNG XÉP

    Diễn viên sắm vai Nghĩa : Còn hơn mười phút nữa. Mình có thể ngồi đây nói chuyện mà chẳng ai quấy rầy.

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Em yêu anh.

    Họ quấn lấy nhau. Một lát :

    - Xen đầu em bị đứng trái chỗ thành ra khó diễn tả điệu bộ quá. Đáng lẽ em phải tiến lại gần cái bàn thì hợp hơn. Nhưng cái lão đạo diễn này....

    - Ồ! Với cái thứ đạo diễn này thì em kêu ca là thừa. Hắn ngu như bò!

    - Em cũng cho là hắn ngu. Nhưng sao hắn hách xì xằng thế ?

    - Những kẻ rỗng tuếch ở bên trong thì thường vẫn phải phô trương ra bên ngoài cái cung cách lố bịch như thế đấy!

    - Em diễn xuất “được” không ?

    - Ồ ! Còn phải nói. Hôm nay em “xuất thần” như một nữ diễn viên có hạng.

    - Em nghĩ nếu em được thủ vai Nga thì còn thi thố được nhiều hơn.

    - Còn phải nói !

    - Cô ấy đóng thật buồn cười. Những chỗ cần phải chơi giọng thì lại lí nha lí nhí.

    - Anh cũng không chịu được cái kiểu phát âm tầm phào đến như thế. Chẳng diễn tả được cái gì hết !

    - Thế thì chúng mình quả là cùng biết nhận xét.

    - Cưng ơi! ...

    - Coi chừng nhoè hết phấn của em.

    - Mặc kệ!...

    Ở phía bên ngoài, nhà đạo diễn nhổ toẹt một bãi nước bọt lên cái phông vải rồi hậm hực bỏ đi...


    Ở CHỖ KÉO MÀN

    Thằng bé : Ông ơi! Cháu nhặt được cái này.

    Lão kéo màn : Cái gì thế ?

    Thằng bé: Đố ông biết !

    Lão kéo màn: Một ổ bánh mì !

    Thằng bé: Sai !

    Lão kéo màn: Một gói kẹo !

    Thằng bé: Sai nốt !

    Lão kéo màn: Thế thì một cái mùi xoa ....

    Thằng bé: Không ! Một cái bóp phơi.

    Lão kéo màn: ( trợn mắt) Mày nhặt được ở đâu ra thế ?

    Thằng bé: Của cái ông sắm vai nhân tình cái cô đẹp đẹp..

    Lão kéo màn : Ông Nghĩa! Nhưng sao mày biết là của ông Nghĩa?

    Thằng bé: Cháu thấy ở trong có ảnh.

    Lão kéo màn : Có tiền không ?

    Thằng bé : Có đúng một trăm rưởi.

    Lão kéo màn: Đồ nói láo ! Đưa cạp quần cho tao xem.

    Thằng bé: Cháu mà nói dối thì giời đánh thánh vật.

    Lão kéo màn : Thì cứ lại đây tao coi. (lão moi ở trong cạp quần thằng bé ra một tờ giấy bạc) A! Thế năm chục nào đây? Bộ nó ở trên trời chui vô bụng mày hả? Thôi, mang trả hết cho người ta.

    Thằng bé: Ý ! Ông nói dễ nghe thế. Năm chục ấy là do công của cháu tìm ra.

    Lão kéo màn: Mày tìm ra ở đâu ?

    Thằng bé: Ở trong gậm ghế phòng hóa trang.

    Lão kéo màn: Vậy càng không được! Người ta thuê rạp thì phòng ấy cũng là phòng của người ta. Mày đâu có quyền vào đấy mà dám nói là nhặt được.

    Thằng bé: Mặc kệ, đã thế thì cháu cho chuộc !

    Lão kéo màn: Hừ! Đừng có tưởng ngon ăn, nghe con ! Mày cứ thử nói ra coi. Chỉ sợ vừa mở mồm ra là người ta đã gô cổ mày vào tù rồi. Mày có biết về tội gì không? Họ cho là mày ăn cắp !

    Thằng bé: Ý ! Ông lại còn chơi thế nữa !

    Lão kéo màn: Ai thèm chơi với mày. Mày nói là nhặt được ai tin ?

    Thằng bé: Thôi thế cháu cho ông năm chục này. Còn bao nhiêu cháu quẳng trả lại chỗ cũ .

    Lão kéo màn: Tao không lấy !

    Thằng bé: Vậy cháu lấy nhé.

    Lão kéo màn: Cái đó mặc kệ mày. Nhưng coi chừng họ bắt được thì ốm đòn đấy con ạ.

    Thằng bé toét miệng ra cười. Nó chạy vụt đi. Một lát, nó lẻn vào phòng hóa trang quăng cái bóp vào gậm ghế.


    PHÍA CÁNH GÀ BÊN PHẢI

    Nhà đạo diễn : Xong chưa? Xong chưa ? Quá mười lăm phút rồi.

    Chuyên viên sân khấu : Khổ quá! Còn thiếu đứa bé. Đáng lẽ giờ này thì người đem cho thuê phải bế nó đến rồi.

    Nhà đạo diễn: Ồ ! Bò thật ! Thế thì bò thật !

    Nhà Mạnh Thường Quân : Tôi nghĩ rằng cái đó là tại ông !

    Nhà đạo diễn: Ô hay! Sao lại tại tôi được nhỉ ?

    Nhà Mạnh Thường Quân: Đáng lẽ ông phải dự phòng trước một con búp bê thay cho nó, tại sao ông không nghĩ tới từ trước. Ông ỷ y quá.

    Nhà đạo diễn: Trời ơi ! Thực là nhục nhã cho giới kịch nghệ nói chung khi mà có một thứ ý kiến dự phòng ấu trĩ như thế được đem ra bàn cãi.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thì đấy, bây giờ đứng mà nhìn nhau. Ông là người không biết lo xa gì hết cả. Ở đó mà nói chuyện kịch nghệ.

    Nhà đạo diễn: Thế này thì tức thật. Nhiệm vụ của tôi chỉ là phải để tâm đến những việc lớn lao, tại sao ông lại bắt tôi đi vào những tiểu tiết ấy nhỉ.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Chính những cái tiểu tiết ấy mới là quan trọng đấy ông ạ. Ông đã từng “dạy” tôi như thế mà !

    Nhà đạo diễn: A! Ra ông cũng thù dai gớm nhỉ. Nhưng tôi xin nói cho ông biết, quan trọng hay không là ở những người dưới quyền của đạo diễn với nhiệm vụ mà họ đã được giao phó. Họ không làm xong thì là tại họ chứ tại sao ông lại chỉ đổ lên đầu có một mình tôi ! Ông phải biết, đối với những nhà đạo diễn ngoại quốc thì một lệnh là một lệnh ! Ra lệnh rồi là kể như xong. Còn người ngợm của ông giao cho tôi...( giơ hai tay lên trời) Ố.. là.. là...

    Nhà Mạnh Thường Quân: Hừ ngoại quốc! Ngoại quốc ! Lúc nào ông cũng đem cái ngoại quốc của ông ra hù dọa tôi. Ông phải biết là ông đang ở đâu chứ. Ngày nào cũng húp nước mắm mà cứ tơ tưởng đang uống sâm banh ở Paris.

    Nhà đạo diễn : Ê ! Này! Tôi nghĩ rằng ông đã đi quá phạm vi của ông rồi đấy nhé. Ông đã dám dẫm chân lên lãnh vực nhận thức của tôi là không có được. Nếu ở địa vị ông thì tôi chỉ biết nhắm mắt bỏ tiền ra và thu tiền vào. Như thế sẽ dễ chịu cho ông hơn.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Vậy ra ý ông muốn ám chỉ rằng tôi không am hiểu gì về văn nghệ hết phải không. Thật tôi chưa hề gặp một ai kiêu căng và thiển cận đến như ông cả.

    Nhà đạo diễn chưa kịp sửng cồ lên thì một chuyên viên sân khấu đã chạy ào vào, giọng hớt hải.

    Chuyên viên sân khấu : Thôi, thôi, thưa các ngài, bây giờ tôi xin các ngài giải quyết cho vấn đề đứa bé. Không có đứa bé thì tôi biết làm sao đây? Hay là ...hay là ...ta bỏ qua có được không ?

    Nhà đạo diễn dẫy nẩy lên như vừa dẫm phải một con rắn sau khi nghe cái lời đề nghị bá láp ấy. Lập tức cơn giận nhà Mạnh Thưòng Quân còn đang lùng bùng trong đầu, liền được ông ta trút ngay xuống đầu anh chuyên viên.

    Nhà đạo diễn: Cái gì? Ông vừa mở mồm ra nói cái gì? Ông định bỏ cái gì? Bỏ thằng bé ấy hả ? Ông có định xỉ nhục tác giả hay không đấy ?

    Chuyên viên sân khấu: Chết nỗi. Sao ông lại gán cho tôi cái ý nghĩ ấy !

    Nhà đạo diễn: Hừ ! Tôi không ngờ ở trên đời này lại có kẻ liều lĩnh đến như ông được.

    Chuyên viên sân khấu: Vậy thì tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi!

    Nhà đạo diễnto giọng, quả quyết) Nhân danh đạo diễn, tôi tuyên bố chưa có đứa bé thì chưa được mở màn !

    Nhà Mạnh Thường Quâncàu nhàu) Hừ, sáng tác cái chó gì mà lôi cả trẻ con lên sân khấu. Nào nó có tội tình gì !

    Nhà đạo diễn: (Cười rất nhạt)

    Nhà Mạnh Thường Quân: Mà cái ông tác giả ấy đã đến cho chưa ?

    Chuyên viên sân khấu: Từ chập tối chẳng ai thấy mặt ông ấy đâu cả !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc !

    Chuyên viên sân khấu: Chao ôi, nếu ông ấy chịu khó ghé lại một tí thì có phải nhẹ nhõm cho chúng tôi biết bao nhiêu không.

    Nhà đạo diễn: Vậy ra tôi không đủ thẩm quyền thay mặt cho ông ấy ở đây hay sao ?

    Chuyên viên sân khấu: Tôi xin lỗi ! Tôi không có ý định nói như thế.

    Nhà đạo diễn: Tôi tin rằng dù có mặt ở đây thì ông ta cũng không bao giờ chịu thay đổi cái gì đâu.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Thôi, tôi van các ông, xin các ông lo hộ cho xong cái vụ này đi đã. Không lẽ các ông để cho khán giả ngồi chờ các ông đến sáng hay sao ?

    Người lao công : Tôi thấy ở phía nhà sau có tiếng trẻ con khóc. Hay là các ông đi mượn thử coi sao !

    Nhà Mạnh Thường Quân : Con khẹc! Có thế mà từ nãy không nói ra.

    Người lao công: Thưa cụ, việc ấy đâu phải việc của tôi. Tự dưng tôi chen vào thì lại hóa mắc cái tội nói leo.

    Nhà Mạnh Thường Quân: À ra thế !

  5. #5
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    TRONG CĂN PHÒNG NHÀ DƯỚI

    Nhà Mạnh Thường Quân: Trời ơi ! Đúng rồi ! Tốt rồi !

    Người vợ : Cái gì thế, các ông ?

    Nhà đạo diễn : Xin phiền bác làm ơn cho tôi mượn đứa bé trong mười lăm phút.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thuê! Tôi thuê đứa bé trong mười lăm phút !

    Người vợ: Ông nói cái gì nghe mà lạ tai thế ? Ai đời lại có chuyện mang con đi cho thuê.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thì nào có ai ăn thịt nó đâu mà sợ. Chỉ cần nó có mặt trên sân khấu trong ít phút thôi.

    Người vợ: Cũng không được! Con tôi mới được có ba tháng.

    Đạo diễn : (suýt soa) Úi !Ba tháng thì lại càng tốt nữa. Vai trò của nó phải như thế mới đúng.

    Người vợ : Thôi đi, vác nó lên sân khấu để các ông vần nó đến phát sài lên rồi tôi bắt đền ai ?

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thì thế người ta mới phải đi thuê.

    Người vợ: Thuê với mượn nào có khác gì nhau. Tôi đã bảo không là không.

    Người chồng: (tung chăn nhỏm dậy) Sao lại không! Cái con mẹ này lắm nhời ! Các ông cho bao nhiêu?

    Nhà Mạnh Thường Quân : Thôi, năm chục đây này, rắc rối mãi !

    Người vợ: ( mắt long lên) Tôi cấm các ông mó vào thằng bé này.

    Người chồng: Xin các ông cứ bế đi. Nó dở hơi, mặc mẹ nó. Năm chục đâu ?

    Nhà Mạnh Thường Quân: Đây! Tôi trả tiền trước rồi đấy nhé. Không có giấy biên nhận nhưng các ông làm chứng giùm..( dúi tờ giấy bạc vào tay người vợ)

    Người vợ hất ra) Tôi không thèm lấy! Tôi cũng không cho ai mó vào con tôi !

    Người chồng: (quát) Này, có im mẹ nó cái mồm đi không. Bộ tưởng các ông ấy đem ăn thịt mất con à. Bằng ngần ấy mà ngu như con chó.( xông lại giật tờ giấy bạc trên tay nhà Mạnh Thường Quân).

    Đạo diễn : Để tôi bế nó lên. Này ông chuyên viên, xin ông tìm cho một cái lót sạch.

    Chuyên viên sân khấu: Trên ấy làm gì có tã lót.

    Đạo diễn : Ồ ! Sao mà lại bò như thế. Kiếm mảnh vải nào mà chẳng được. Nhớ là phải mầu trắng ấy nhớ! Tã mà lị!

    Chuyên viên sân khấu : Vâng ạ! Vâng ạ! Vải trắng thì sẽ có ngay. Xé tấm biểu ngữ ra, thiếu gì !

    Mọi người xúm xít quanh thằng bé. Anh lao công đi trước dẹp đường. Nhà đạo diễn bồng thằng bé trịnh trọng đi giữa. Nhà Mạnh Thường Quân vẻ mặt hớn hở đi kèm một bên. Sau hết là vị Trưởng Ban điều khiển sân khấu. Cả bọn, chẳng có ai thèm bận tâm đến ở phía sau lưng họ hai vợ chồng nhà kia bắt đầu nổi lên tiếng cãi cọ, xô xát. Rồi thì đến những cú đấm đá nhau, nghe huỳnh huỵch.

    Đạo diễnhớn hở) Đấy, các ông xem, nếu tôi không “đuya” một chút thì làm gì có thằng bé này, vở kịch làm gì có sự linh động tuyệt vời, cứ y như là chuyện thực trên sân khấu ấy.

    Thấy không ai hưởng ứng, gã cúi xuống hôn chùn chụt lên má đứa bé. Thằng bé vụt òa lên khóc.

    Nhà Mạnh Thường Quân (quát) : Ông làm cái gì thế ! Bịt ngay mồm nó lại. Chưa lên sân khấu mà đã khóc toe ra thì còn kịch cọt cái con mẹ gì nữa !

    Bàn tay sần sùi của nhà đạo diễn vội đặt lên mồm thằng bé. Tiếng khóc im bặt !

    NGOẠI CẢNH

    Đại lộ tận cùng bằng những thềm đá bước lên ngưỡng cửa hí viện. Con đường rộng mênh mông hun hút chay dài nom như một căn hầm tối. Vào giờ ấy, bốn bề vắng ngắt. Những chiếc xe xếp thành dẫy dài ở phía xế cửa hí viện nằm im lìm trong bóng tối. Thỉnh thoảng một bác tài ngủ gục, cựa mình đập vào sườn xe kêu lục cục. Trời đã về khuya.

    Bỗng từ xa, bóng của hắn hiện ra như một vật đen dưới ánh sáng héo úa của những ngọn đèn đường. Điếu thuốc đỏ rực trên vành môi. Tiếng giầy của hắn vọng lại âm vang hai bên hè phố. Hắn đi ngất ngưởng. Bộ quần áo xô lệch, nhầu nát. Chiếc cravate xoay ngược nằm vắt vẻo trên vai. Ở một bên túi, có chai rượu thò ra, cử động lúc lắc. Hắn đi về phía hí viện.

    Một lát hắn đặt chân lên thềm đá. Bóng dáng cô đơn của hắn in trên nếp tường trắng xám. Chung quanh hắn, khung cảnh trải rộng bao la. Mắt hắn nhìn xuống những đại lộ từ ba phía đổ về. Tay hắn giơ lên cao ẻo lả. Hắn tưởng tượng như mình đang đứng trước một đám đông quần chúng. Mộng của hắn là có thể lôi cuốn được họ bằng những tác phẩm do hắn viết ra. Nhưng càng viết hắn càng thấy mình cô độc. Sự cô độc làm hắn đớn đau dằn vặt mà hắn chỉ có một cách giải thoát độc nhất là lại quay về làm bạn với ngòi bút của mình trong những đêm dài khắc khoải. Thật là một cái vòng lẩn quẩn giam hãm hắn suốt cả cuộc đời. Một lát hắn quay lại nhìn lên những nóc nhà cao bằng đá xám. Dẫy đèn trên bảng đề tên hí viện đã tắt từ lâu. Nền trời thăm thẳm thấp thóang hiện ra mấy vì sao mù mờ yếu ớt. Bên cạnh hắn, những tấm biển quảng cáo vở kịch đứng chen chúc xô lệch. Dưới ánh sáng vàng úa từ ngọn đèn ở trong hành lang hắt ra, hắn đọc thấy :

  6. #6
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Ban Kịch ÁNH SÁNG

    lần đầu tiên long trọng trình diễn :

    NGƯỜI KÉO MÀN

    kịch phẩm bất hủ ...................

    Đọc đến hai chữ “bất hủ ” thì hắn nhão miệng ra cười ! Hắn tự nghĩ sao mà thiên hạ dễ bịp nhau đến thế. Cái gì mà bất hủ. Đành là thứ ngôn ngữ quảng cáo, nhưng lãnh vực văn nghệ mà cũng phải dùng đến ngón quảng cáo ngoa ngôn như một món hàng thì cái nghiệp văn nghệ mà hắn đang theo đuổi sẽ là cái thứ gì ? Bất giác, hắn xòe bàn tay của mình lên chỗ có đề tên của tác giả rồi mắm môi xóa toẹt đi.

    Vừa đúng lúc đó thì hình như có ai vừa giật tay lên phía gấu áo đằng sau của hắn. Hắn giật mình quay lại. Một thằng bé chừng lên sáu lên bẩy, quần áo rách rưới, mặt mũi vêu vao, chân dẫm đất, một tay đang xòe ra còn tay kia thì khoèo xuống như bị ai bẻ ngoéo một lần rồi vĩnh viễn nằm yên theo vị trí đó. Thằng bé cất tiếng :

    - Con lậy ông, con lậy bà. Con tàn tật.

    Hắn nhún vai, thò tay vào lục túi. Chẳng còn đồng bạc lẻ nào sót lại. Hắn móc cái bóp phơi ra. Toàn những tờ giấy chẵn. Hắn ngần ngừ. Bỗng nhớ đến cái kẹo chanh còn nằm trong túi, mặt hắn tươi lên. Hắn móc cái kẹo ra và dúi vào bàn tay của thằng bé. Hai mắt của nó chợt sáng rỡ. Nó quặp ngay mấy ngón lại để giữ chắc cục kẹo rồi lủi ngay vào một góc tối. Chưa chi nước dãi của nó đã ứa hết ra cả mấy cái chân răng.

    Rời chỗ mấy tấm biển quảng cáo, hắn tiến lại phía cửa chính của hí viện. Qua song sắt của cánh cửa, hắn thấy người soát vé ngủ gục trên chiếc ghế gỗ. Rác rưởi, giấy vụn và những mảnh chương trình tràn ngập lối đi. Hắn chán nản quay ra ngồi xệp xuống thềm đá. Hai chân của hắn rã rời. Đầu hắn váng vất. Hắn có cảm giác mình đang là một con quay đã hết đà và sắp đổ xuống. Một lát, hắn mở nút chai rượu rồi đưa lên tu. Những giọt rượu chẩy lấm tấm trên lớp áo sơ mi trắng. Hắn thấy mát ở ngực. Hắn lại nhìn ra chung quanh. Lần này hắn có cảm giác như mình đang ngồi trên boong một con tầu trôi trên biển cả. Bóng tối chung quanh đầy mưu mô và đe dọa, nhưng sự đe dọa nếu có thì hẳn cũng không kéo dài như chính cuộc đời của hắn. Ngày mai, lúc trời sáng, đại dương lại hiện ra với những vẻ hùng vĩ xua tan đi những bất trắc của bóng đêm. Hắn ước ao được ngồi trên boong tàu. Hắn sẽ cố quên tất cả mọi kỷ niệm đớn đau mà hắn đã dự vào một cách nhơ nhớp. Hắn rút trong túi ra tấm ảnh thằng bé đem soi dưới ánh sáng mờ nhạt. Hắn muốn được ôm nó vào lòng và hôn lên hai má bầu bĩnh của nó. Bây giờ thì hắn thấy chính nó mới thực là do hắn tạo ra mà còn ở lại vĩnh viễn trong lòng hắn .

    Hắn cố gợi lại những ngày đến với Hằng. Những kỷ niệm như âm thanh mà hình ảnh chỉ như cây đàn đứt dây bị lãng quên trong một góc tối. Hắn không thể tìm thấy gì nữa hết. Lúc này tất cả như đều tan loãng ra và chỉ thấm vào lòng hắn một nỗi niềm đau xót. Hắn thổn thức với mình. Ngày hôm nay, hắn đã uống rất nhiều rượu. Nhiều hơn cả ngày vui nhất của hắn khi hắn thành hôn với thiếu phụ áo đỏ. Hắn đưa tấm ảnh lên môi. Nước mắt hắn long lanh trên hai hàng mi, ứa ra, rồi lăn chậm chạp trên đôi má hốc hác. Lòng hắn thổn thức “Con ơi ! Con ơi !” Hắn có cảm giác như chỉ lúc ấy hắn mới nhìn rõ lòng hắn nhất.

    Một lát, hắn loạng choạng đứng đậy. Chai rượu lúc lắc trong túi. Men rượu đưa đầu hắn đi vòng quanh. Hắn lảo đảo tiến lại gần dẫy cửa sắt. Bên trong những tiếng vỗ tay rào rào vọng ra. À, thiên hạ đang ca tụng hắn. Hắn xòe bàn tay lên vuốt má bức hình của vai Nga vẽ trên tấm biển. Bột sơn dính vào năm đầu ngón tay. Khuôn mặt xinh tươi của thiếu nữ nhoẹt đi. Hắn vụt thấy như mình đang hành hạ cái mà hắn nghĩ trong đầu vốn có tên Sự Thực. Hắn muốn cấu xé. Hắn dùng sức xô mạnh vào tấm biển khiến cho nó đảo đi một vòng rồi đổ sập xuống. Ở bên trong, gã soát vé chợt choàng dậy. Hai người đối điện nhau. Ở giữa là những gióng sắt.

    Gã soát vé : Ai thế ?

    Tác giả : Tôi đây.

    Gã soát vé: Muốn cái gì ?

    Tác giả : Mở cửa ra !

    Gã soát vé : Thôi bước đi ! Đã buồn ngủ bỏ mẹ lại còn cứ ám quẻ !

    Tác giả : Thì cho đây vào một tí !

    Gã soát vé : Muốn ngủ thì tìm chỗ khác. Đây không phải cái chợ.

    Tác giả: Không, tôi muốn vào xem kịch. Vở kịch có vẻ hay đấy chứ.

    Tiếng vỗ tay trong rạp lại vọng ra làm hắn hứng chí hơn. Hắn định đẩy cánh cửa sắt sang một bên, nhưng gã soát vé đã gạt phắt tay hắn ra rồi du mạnh hắn như xua một thằng điên. Hắn nói : “ Ô! Tôi là tác giả vở kịch đây mà”. Nhưng gã soát vé đã trả lời hắn bằng cách lùa chiếc khóa đồng vào hai cái móc sắt rồi bấm mạnh. Những cái bản lề ăn khớp vào nhau reo lên một tiếng cách khô khan.Vừa làm công việc ấy, gã vừa càu nhàu những câu thô tục. Gã nhìn vào mặt kẻ mới đến với một vẻ đầy khinh bỉ.

    Đứng im một lát, tác giả nhún vai bỏ đi. Đằng sau hắn, tiếng ồn ào của khán giả vẫn còn vẳng lại. Đế giầy của hắn lê sền sệt trên thềm đá. Hắn ngất ngưởng đi vòng sang lối sau để vào hậu trường. Lúc bóng dáng của hắn vừa khuất sau dẫy hành lang tối hun hút thì ở đâu đó phía ngoài mặt tiền hí viện bỗng lại có cái giọng the thé cất lên :

    - Cưng ơi! Cưng ơi! Tiên sư cha thằng nhãi con lại mất biến đi đâu rồi ! Cưng ơi !


    TRONG HẬU TRƯỜNG

    Tiếng gõ cửa.

    Lão kéo màn : Ai đấy ?

    Tác giả : Tôi!

    Lão kéo màn: Tôi là ai?

    Tác giả : (khựng lại).

    Bây giờ hắn lại cảm thấy mắc cỡ nếu tự xưng mình là tác giả. Sau một giây im lặng, cánh cửa gỗ bật mở. Hắn lầm lũi tiến vào. Ánh sáng làm hắn chói mắt. Hắn ngồi xệp ngay xuống đống vải dùng làm biển ngữ chất bên cạnh lối đi. Toàn thân hắn mỏi rã rời. Hắn muốn được ngủ ngay ở chỗ ấy.

    Thằng bé : A! Ông tác giả đã đến xem phông cảnh mấy lần đây mà.

    Lão kéo màn : Mời ông vào trong này. Từ chập tối người ta tìm ông đến mấy lần rồi.

    Tác giả : Mặc kệ! Tôi thích ngồi đây và có lẽ tôi ngủ luôn tại đây không chừng.

    Lão kéo màn: Kể ông cũng lạ. Kịch do chính ông viết ra mà ông lại không muốn vào xem.

    Tác giả: Không phải không muốn mà là không dám thì đúng hơn.

    Nói xong câu ấy hắn chợt cảm thấy xấu hổ. Thật ra từ chập tối, hắn cũng đã nài nỉ người bạn đường của hắn đến cạn lời để vào xem trình diễn đó thôi. Nghĩ thế, hắn bỗng thấy lợm giọng với chính mình. Tay hắn thò vào cổ chai rượu. Hắn lấy ra giơ lên ánh đèn. Lão kéo màn bật thành tiếng cười khành khạch.

    Tác giả: Chúng ta đồng ẩm nhớ !

    Lão kéo màn: Thế thì còn gì bằng! Để tôi đi kiếm cái ly.

    Tác giả: Ồ ! Khỏi cần, chúng mình tu !

    Lão kéo màn: Chính thế ! Tu mới đã!

    Tác giả: Tri kỷ! Tri kỷ! . .

    Lão kéo màn: Ấy, tôi đâu dám.

    Tác giả : Thật đấy ! Tôi mà nói tri kỷ với cụ thì cụ ngượng chứ tôi đâu có ngượng.

    Lão kéo màn : Vâng, có thể là thế. Tôi có cái tính hay xấu hổ.

    Tác giả rúc lên cười. Hắn vỗ lia lịa lên vai lão già như mới tìm ra được một tri kỷ thực thụ. Lão kéo màn cũng cười theo một cách sung sướng. Lão đỡ chai rượu trên tay người đàn ông rồi đưa lên miệng. Những cọng râu của lão rung rung. Lớp da sần sùi trên khuôn mặt như căng lên. Hơi rượu như toát ra từ những kẽ chân lông lỗ chỗ.

    Thằng bé : Ông cho cháu mượn cái hộp quẹt .

    Tác giả quay lại chú mục nhìn nó rồi móc túi ném cho nó một bao diêm. Nó châm một mẩu thuốc thừa. Hai má nó hóp lại, cặp mắt lim dim. Hai luồng khói tuôn cuồn cuộn ra từ hai lỗ mũi. Sự khoan khoái làm nó toét miệng ra cười. Hắn nhìn thấy hai hàm răng của nó sún và nhỏ như răng chuột. Ngắm nghía nó một lát, bỗng hắn móc túi lấy ra bao thuốc lá hút dở và ấn vào bụng nó. Mắt thằng bé vụt sáng lên. Nó mở to mắt như muốn thu lấy hết cả hình ảnh của gã đàn ông. Rồi nó chồm dậy cầm gói thuốc nhẩy quẫng qua những cái rương đồ. Trong một chớp nó đã nằm vắt vẻo trên chiếc ván gỗ bắc qua xà ngang. Nó móc một điếu thuốc mới rồi truyền lửa từ điếu thuốc giở qua thuốc mới bằng mấy đầu ngón tay. Lần này nó nằm ghếch chân lên xà gỗ để thưởng thức điếu thuốc như một anh ghiền chuyên nghiệp.Tác giả nhìn theo nó, nhếch một nụ cười.

    Lão kéo màn : Coi chừng cháy đấy, ranh con ạ.

    Tác giả : Con cụ đấy à ?

    Lão kéo màn: Không, nó là một đứa con hoang.

    Tác giả: Bố nó là ai ?

    Lão kéo màn: Kép hát !

    Tác giả: Còn mẹ nó ?

    Lão kéo màn: Đào hát !

    Tác giả : Hơ ! Rõ ra là một sự kết tinh của mối tình nẩy nở trong nghệ thuật.

    Lão kéo màn: Ông nói sao ?

    Tác giả: Ồ, không. Tôi muốn nói rằng trên đời này không thiếu gì những đứa như nó.

    Lão kéo màn : Chính thế .

    Tác giả : Mà bố mẹ chúng là những kẻ yêu nhau.

    Lão kéo màn : Chính thế .

    Tác giả: Thật là phi lý.

    Lão kéo màn: Ông nói sao ?

    Tác giả : Tôi thấy buồn nôn.

    Lão kéo màn : Coi chừng ông trúng gió. Để tôi dẫn ông vào nằm nghỉ trong kia. . .

    Tác giả: Không! Tôi không muốn ngồi một mình. Tôi muốn nói chuyện .

    Lão kéo màn: Vậy ông đừng uống thêm nữa.

    Tác giả : Tôi chưa thấy say.

    Lão kéo màn : Uống như thế là tới độ lì.

    Tác giả: Tại sao thiên hạ im lặng quá thế nhỉ ?

    Lão kéo màn: Thì người ta đang theo dõi vở kịch của ông. Mà đến đâu rồi nhỉ ? Coi chừng mải chuyện tôi quên mất cả kéo màn. Kìa ông đạo diễn đang tới. Ông ta thật là một người khó chịu. Hình như ông ta lại bực mình vì một cái gì đó đang xẩy ra trên sân khấu.


    TRÊN SÂN KHẤU

    Nga :Thôi, anh đừng có nói nữa, tôi không nghe đâu .

    Nghĩa : Trời ơi! Nga! Anh van Nga. Em không thể hiểu đuợc lòng anh.

    Nga : Hừ ! Anh tưởng tôi dễ quên đến thế ư ?

    Nghĩa : Chuyện đã qua, em nói đến làm gì .

    Nga : Phải rồi, anh là hạng người không thèm đếm xỉa đến cái gì hết. Ngay cả đến việc chà đạp lên sự đau khổ của người khác.

    Nghĩa : Thì bởi thế anh mới ăn năn. Anh muốn về ? ây xin lỗi em.Anh sẽ nhận nó.....

    Nga : Hừ, anh nhận nó làm gì cho nó thêm tủi !

    Nghĩa : Em ác thật.

    Nga : Cũng chưa thấm với anh đâu.

    Nghĩa: Thôi mà, trách anh mãi. Cho anh vào bế nó một chút (tiến lại cửa phòng).

    Nga : Vô ích, cửa tôi khóa rồi .

    Nghĩa : Em không thể vô lý như thế được.

    Nga : Vô lý hay không thì cũng không can dự gì đến anh.

    Nghĩa : Nhưng còn thằng bé . Không ai có quyền ích kỷ để làm nó khổ được.

    Nga : Anh tưởng tượng vậy thôi chứ việc gì mà nó khổ.

    Nghĩa : Anh đồng ý với em là em lo cho nó đầy đủ về phần vật chất. Nhưng còn tinh thần. Chính tinh thần mới là điều đáng kể. Nó còn bé nên cần phải có đầy đủ tình thương yêu của cả bố lẫn mẹ. Anh muốn sau này nó sẽ không xấu hổ với bạn bè vì sự thiếu sót một trong hai tình thương yêu ấy. Trong cuộc đời, nó sẽ không bao giờ bị mặc cảm là một đứa không cha, nó sẽ lớn lên trong sự hãnh diện có bố, có mẹ.

  7. #7
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    TRONG HẬU TRƯỜNG

    Nhà đạo diễn đã bước tới chỗ kéo màn.

    Lão kéo màn: Coi bộ cái nhà ông này ham con dữ!

    Nhà đạo diễn : Đây đâu phải là chuyện ham hay không ham. Tôi nghĩ rằng đó là một vấn đề xã hội vô cùng tế nhị mà tác giả vì thiên chức của mình đã mang mổ xẻ trên sân khấu. Tuyệt !

    Tác giả : Ồ ! Thật à? Ông nghĩ như thế thật à?

    Nhà đạo diễn : Ô hay! Tôi thiết tưởng khi đặt bút xuống viết thì ông.....

    Tác giả : Không phải hễ cứ ai viết ra cái gì là người đó đã biết tôn trọng chính cái điều mà họ đã viết ra. Trên cõi đời này có thiếu gì kẻ giả dối, mà tệ hại hơn nữa là thằng giả dối lại biết cả cầm bút ! Những quân như thế là những quân bịp !

    Nhà đạo diễn: Ông nói ai bịp ai ?

    Tác giả: Tôi bịp ông. Tôi bịp mọi người. Tôi bịp cả chính tôi nữa.

    Nhà đạo diễn: Ồ! Bò thật ! Thế thì bò thật ! Tôi chẳng thể hiểu nổi ông định nói cái gì cả.

    Tác giả: Có gì là lạ đâu. Bởi tôi cũng không hiểu ngay chính cả tôi luôn !

    Nhà đạo diễn: Ồ! Thế thì tôi hiểu ra rồi.Ông không tin vào ông, ông không tin vào thiên chức cao quý của ngòi bút

    Tác giả: Ha ha ! Đó là những sáo ngữ, những danh từ rỗng tuếch...

    Nhà đạo diễn: Nó rỗng nhưng nó vẫn là danh từ để chỉ một sự có thật. Một sự thật hiển nhiên .

    Tác giả: A! Thế hả? Ông cho đó là một sự hiển nhiên à? Thế thì nó chỉ có thể hiển nhiên qua lời nói của những người lạc quan, yêu đời như ông.

    Nhà đạo diễn : Thế còn ông thì sao ?

    Tác giả: Tôi ấy à? Theo tôi, đã viết thì không nghĩ, đã nghĩ thì chả thể nào viết được.

    Nhà đạo diễn: Ơ ! Vậy ông cho rằng ở trên đời này các tác phẩm lớn đều được viết ra trong sự không nghĩ ngợi gì hết cả hay sao ?

    Tác giả: Thưa ông, chính vì thế mà tôi đã có được một tác phẩm lớn nào đâu .Bởi theo tôi tác phẩm lớn là tác phẩm hãy còn nằm ở trong đầu, ở cái tình trạng mà nó còn có tự do tuyệt đối bởi không có một thế lực nào xâm phạm tới nó được!

    Nhà đạo diễn : Ồ ! Tôi bò ! Thế thì tôi bò thật !

    Vừa nói gã vừa bật dậy, đá cái thùng gỗ sang một bên, rồi hầm hầm đi sang phía bên kia cánh gà. Tưởng chừng như gặp trường hợp dùng người không đúng chỗ hắn cũng không thể nào tức giận đến như thế....


    NGOÀI SÂN KHẤU

    Nghĩa : Phải rồi! Em cứ khóc đi! Khóc nữa đi cho vơi nỗi oán giận chất chứa hàng năm trong lòng em . Rồi sau đây chúng mình sẽ bước vào một cuộc đời mới. Anh sẽ yêu em, yêu con . Trời ơi! Con chúng mình! Con trai chúng mình. Nga ơi ! Nói đến mấy tiếng ấy sao anh cảm động quá..


    TRONG HẬU TRƯỜNG

    Tác giả : Ô! Cái thằng ấy lải nhải mãi. Nó đang làm cái gì thế ?

    Lão kéo màn : Ông không thấy gì ư ? Hắn đã làm hòa được rồi và đang cưng nhà cô ấy đấy!

    Tác giả : Tôi nhớ ra rồi. Về sau tôi đã để cho hai đứa huề nhau !

    Lão kéo màn : Cô này đóng hay đấy chứ, khóc như thật. Ngày xưa lúc bố thằng nhỏ đây cuốn gói đi rồi, mẹ nó cũng khóc đến thế là hết cỡ.

    Tác giả : A ! Vậy ra trong các vụ đó đàn ông bao giờ cũng ích kỷ trước .

    Lão kéo màn: Dĩ nhiên là thế rồi. Thiên hạ nào có mấy ai nằng nặc đòi con như cái nhà ông này. Thế mới biết kịch với thật khác nhau xa lắc.

    Tác giả: Thế đấy ! Thế đấy ! Ông đã nhận định một cách đúng boong. Vậy mà người ta vẫn thường tự hào về sự gói ghém được cuộc sống vào trong tác phẩm đấy nhé .

    Lão kéo màn: Người ta là ai kia ?

    Tác giả: Thằng tôi chẳng hạn .....

    Lão kéo màn : Ồ! Như ông thì kể làm gì. Ông viết hay quá đi rồi.

    Tác giả: Tôi hỏi thật cụ, cụ thấy hay ở những chỗ nào ?

    Lão kéo màn: Ơ ! Ông nói lạ nhỉ ! Nếu chả hay thì thiên hạ hơi đâu mà đi vỗ tay rào rào.
    Tác giả chợt phá lên cười...

    Nhà Mạnh Thường Quân: (chạy bổ vào) Con khẹc! Con khẹc ! Đứa nào thế ? Đứa nào mà cười vô ý thức đến như thế ?

    Tác giả: Thưa tôi! Tôi cười đấy. Xin hỏi là tôi không có quyền thưởng thức cái hay trong vở kịch do chính tôi viết ra ư ?

    Nhà Mạnh Thường Quân : À! Ông tác giả. Tôi xin ông. Vở kịch của ông hay thì có hay thật nhưng ông cũng phải để cho khán giả người ta thưởng thức với chứ ! Đang lâm ly thế này mà ông lại đi cười phá lên...

    Tác giả : Ồ ! Vậy ra ông cũng thấy kịch của tôi là hay đấy hả ?

    Nhà Mạnh Thường Quân: Trời ơi! Chết nỗi! Ông cho tôi là cái hạng phi văn nghệ đến mức độ nào mà lại không nhận ra được cái thâm thúy, sâu xa trong tác phẩm của ông chớ.

    Tác giả: Tôi xin hỏi thật ông một điều. Ông đã đọc vở kịch của tôi một lần nào chưa?

    Nhà Mạnh Thường Quân : Ơ ! Ơ....

    Tác giả : À, đấy! Sự thực là thế đấy.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Thế đấy là cái con khẹc gì. Bộ ông tưởng tôi không vì nghệ thuật mà lại chịu tốn tiền bỏ ra một cách vô ý thức đến thế hay sao ?

    Tác giả: Thôi đi.. Tôi hiểu ông quá rồi...

    Nhà Mạnh Thường Quân : Con khẹc! Đứa nào thối mồm đã đi mách lẻo xằng bậy với ông những gì rồi nào?

    Tác giả: Ô hay!.. Ô hay ! Nào tôi đã nói cái gì đâu mà ông lại xưng ra với tôi như thế ?

    Vừa nói hắn lại vừa rú lên cười. Tiếng cười sặc sụa xé tan bầu không khí yên lặng đang bao phủ khắp hậu trường và trên tất cả những hàng ghế. Nó bỗng trở thành một que diêm châm ngòi khiến cho hàng loạt khán giả ngồi trên khắp các hàng ghế đột nhiên cũng phá lên cười theo. Rạp hát trong chớp mắt đã trở nên nhốn nháo như chợ vỡ. Các diễn viên đang trình diễn trên sân khấu cũng đột nhiên ngơ ngác đứng sững cả lại. Nhà Mạnh Thường Quân vội vã chồm lên, vớ lấy cái micro nói hổn hển:

    - Thưa quý vị, do một sự sơ xuất, nhân viên trật tự để lọt vào hậu trường một thằng điên say rượu. Nhưng xin quý vị yên tâm. Mọi sự bây giờ đã dàn xếp xong. Chúng tôi xin thành thật cáo lỗi !


    TRÊN SÂN KHẤU

    Nga: Bây giờ anh nói sự thực đi. Suốt một năm nay anh đã làm gì ?

    Nghĩa: Anh sống trong cô đơn.

    Nga : Thôi đi! Anh đã làm em mất cái tính dễ tin người đi rồi .

    Nghĩa : Anh xin thề !

    Nga : Anh đã thề nhiều lần rồi mà anh vẫn bỏ em ra đi...

    Nghĩa: Anh đã cắt nghĩa với em sự ấy rồi thôi.

    Nga : Vậy anh phải thề độc đi.

    Nghĩa : Anh mà nói dối em thì anh với con....

    Nga : Thôi ! Thôi ! Anh đừng nói nữa! Em mở cửa cho anh vào bế con.

    Hai người bồng đứa bé đi ra chính giữa sân khấu. Ánh đèn của chuyên viên chiếu rực rỡ lên khuôn mặt của nó, chỉ hơi tiếc nó ốm nhom nên không thể hiện được hình ảnh của một thiên thần như ý muốn của nhà đạo diễn. Diễn viên sắm vai Nghĩa ôm ghì lấy nó, hôn như mưa vào mặt, vào cổ của nó. Sự biểu lộ xúc cảm mạnh mẽ này khiến cho thiên thần òa lên khóc. Cái khóc thật đúng lúc, đúng chỗ, đúng việc, đó là điều đi hẳn ra ngoài dự tính nhưng lại có tác dụng gây nên sự xúc cảm cao độ. Nhất là về phía khán giả. Bầu không khí trong rạp chan hòa tính chất vừa hân hoan vừa cảm động. Nhiều bà đa cảm rút khăn tay lau nước mắt. Riêng ở hàng ghế gần cuối, gần cửa ra vào thì lại có tiếng thút thít khóc.


    Ở HÀNG GHẾ CUỐI, GẦN CỬA RA VÀO

    Người bạn gái: Thôi đi Hằng. Mày làm thế kỳ quá!

    Hằng ( sụt sịt, lau nước mắt): Ờ...Tao xin lỗi. Tao cũng không ngờ lại có thể khóc được đến như thế.

    Người bạn gái : Cũng tại cái thằng nhỏ. Vừa trông thấy nó là tao cũng muốn ứa gan cho mày rồi.

    Hằng: Không đâu. Tao không còn thấy oán gì ông ấy nữa. Tao chỉ oán tao thôi.( mếu máo). Bây giờ nó ở cái chốn nào, biết đâu mà tìm!

    Người bạn gái : Thì mình cứ làm theo như đã tính đó. Trao cho ông ấy cái giấy khai sinh của nó. Với nhà văn, nhà báo, nếu muốn là họ tìm ra ngay cái rẹt !

    Hằng ( tươi mặt lên) : Có chắc như vậy không ?

    Người bạn gái : Thì tao đã nói bao nhiêu lần rồi. Tin tao đi. Mày cứ nhờ chả là chắc ăn nhất. Nếu chả nghĩ lại thì càng may cho thằng nhỏ, bằng không thì...hê! Bây giờ nuôi nó mình dư sức qua cầu !

    Hằng ( vui vẻ) : Vậy thì để tao đi .

    Người bạn gái: Lau khô nước mắt đi đã.

    Hằng đứng dậy bước ra khỏi hàng ghế, lòng nàng bỗng trở nên nôn nóng với ý định trao cho “thằng chả” cái giấy khai sinh. Mặc dù cả rạp vẫn còn đang ngẩn ngơ về những diễn biến dồn dập ở những giây phút cuối của vở kịch và mặc dù lão kéo màn đã khởi sự cho cái màn nhung buông xuống thật chậm, rất chậm, nhưng vẫn chưa có ai chịu nhúc nhích khỏi ghế ngồi của mình. Nàng vội vã đi vòng ra phía ngoài hành lang và gặp ngườøi soát vé .

    Hằng : Này bác! Tôi muốn tìm cái ông tác giả vở kịch thì tìm ở đâu ?

    Người soát vé : (chỉ tay về phía cuối hành lang) : Đi theo lối đó mà vô hậu trường. Nghe nói ổng còn ở trong đó đó!


    TRONG HẬU TRƯỜNG

    Khung cảnh thật là nhốn nháo khi tấm màn nhung đã buông xuống hẳn. Những ngưòi lao công chạy tới tấp để dọn dẹp phông cảnh. Những diễn viên gọi nhau ơi ới để tìm nhau, để san sẻ với nhau về sự thành công của buổi diễn. Nhưng ai cũng đều có thể nghe thấy tiếng la chói lói của người nữ diễn viên sắm vai Nga.

    Diễn viên sắm vai Nga: Giết người! Thật là các ông giết người không dao! Bầu không khí sân khấu đang bi thảm như thế mà các ông cười đùa ầm ĩ làm mất hết sự chú tâm theo dõi của khán giả. Thà là các ông giết tôi đi còn hơn.

    Nhà đạo diễn : Thôi ! Thôi ! Chuyện đó đã qua rồi.

    Diễn viên sắm vai Nga: Qua là qua thế nào. Ngày mai ngày mốt rồi coi, báo chí họ sẽ chửi ầm lên cho là diễn bi kịch mà hóa ra thành hài kịch.(tu lên khóc). Ối giời ơi ! Các ông đã nhẫn tâm bóp chết con đường tiến thủ của tôi !!!

    Nhà đạo diễn: Ồ! Sao lại “bò” thế. Sao cô lại khéo dư nước mắt để khóc vì những chuyện chẳng đáng gì như thế... Tài nghệ của cô nếu có xuất sắc thì cũng chẳng vì chuyện nhỏ đó mà bị sây sứt đi một cái vẩy móng tay.

    Diễn viên sắm vai Nga gào lên) Im đi ! Ông im đi! Đừng có chửi xéo tôi nữa. (vùng lên, chạy vào phòng hóa trang đóng sầm cửa lại)

    Nhà đạo diễn : Hừ! Bò thật !Thế thì bò thật !

    Diễn viên sắm vai Nghĩa : Bỏ bố tôi rồi ! Tôi bị mất cái bóp phơi !

    Nhân viên giữ trật tự : Chết ! Ông để bóp phơi ở đâu ?

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Tôi để trong túi quần tây, móc ở ngay chỗ này, thế thì làm sao mà mất được. Luộm thuộm ! Các ông làm ăn luộm thuộm không thể tả được.

    Nhân viên giữ trật tự: Chắc rơi đâu đó chứ không mất đâu. Xin ông cứ bình tĩnh để chúng tôi đi tìm.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Đâu? Cô Nga đâu rồi ? Sao không ra ngoài này để ngộ có người tới xin chữ ký thì phải ký cho người ta chứ.

    Người lao công : Dạ, cô ấy vừa chạy vào trong phòng hóa trang nữ.


  8. #8
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    TRONG PHÒNG HÓA TRANG NỮ

    Nhà Mạnh Thường Quân : Trời ơi ! Làm sao cô khóc ?

    Diễn viên sắm vai Nga: Xin lỗi ông! Ông để mặc tôi.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Không ! Bây giờ tôi là ông bầu của cô rồi. Cô sẽ là tài tử chính trong ban hát sắp thành lập của tôi. Tôi không có quyền để cho tài tử của tôi đau khổ như thế được.

    Diễn viên sắm vai Nga : Không mà! Tôi đã bảo tôi muốn được ngồi một mình.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Ơ ! Sao lại ngồi một mình! Lúc này là lúc quang vinh nhất, cô phải ra ngoài kia để cho mọi người chiêm ngưỡng cái vinh quang của cô chứ !

    Diễn viên sắm vai Nga: Vinh quang gì! Các ông xé nát con đường sự nghiệp của tôi.

    Nhà Mạnh Thường Quân quát) Đứa nào? Đứa nào mà lại to gan thế ? Cô nói cho tôi biết tên nào để tôi sẽ cho nó biết tay .

    Diễn viên sắm vai Nga lại tấm tức khóc)

    Nhà Mạnh Thường Quân: A! Thôi tôi biết rồi ! Chắc cô vẫn còn bực mình về cái vụ tên chó chết cười ré lên trong lúc vở kịch còn đang tiếp diễn phải không. Ồ ! Đó là chuyện nhỏ. Một cái mụn ghẻ làm sao xóa hết được khuôn mặt kiều diễm của Hằng Nga.

    Diễn viên sắm vai Nga: Thật tôi không thể nào tưởng tượng được !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Tôi cũng thế. Tôi không thể nào tưởng tượng được trên đời lại có kẻ “khẹc” đến như thế. Nhưng dù sao thì nó cũng đã qua rồi và vở kịch vẫn thành công mỹ mãn. Hết sức mỹ mãn. Nhân danh cái sự mỹ mãn đó, mong cô hãy vui lên nào. Ôi thôi nước mắt làm nhòe hết cả phấn của cô rồi, khổ chưa ! Nào thôi, hãy nghĩ đến tương lai mà bỏ qua mấy cái vặt vãnh chẳng đáng gì ! Chúng mình còn có nhiều việc phải làm.

    Diễn viên sắm vai Nga: Phận sự của tôi đến đây là hết.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Ô ! Hết là hết thế nào ! Thế thì cô nhầm rồi. Nhầm to rồi. Tôi thì tôi lại nghĩ rằng mọi việc từ đây, bây giờ mới thực sự là bắt đầu.

    Diễn viên sắm vai Nga: Ông nói thế nghĩa là....

    Nhà Mạnh Thường Quân: Nghĩa là mình sẽ khởi đầu một chương trình dài hạn chứ sao. Mình sẽ có những quyết định quan trọng mà ta cần bàn tính cho kỹ. Nhưng bây giờ... bây giờ ta cần xả hơi cái đã để tự thưởng cái kếøt quả rực rỡ của buổi trình diễn ngày hôm nay. Em ạ, chúng mình phải đi ăn một bữa linh đình.....Ở nhà hàng Đồng Khánh nhé ?

    Diễn viên sắm vai Nga: Không! Cái đó thì...

    Nhà Mạnh Thường Quân: Có thực mới vực được đạo chớ. Suốt từ tối đến giờ chúng mình đều hết sức vất vả. Thôi cứ ăn cái đã rồi muốn tính gì thì tính. Nào mình sửa soạn lại rồi ta đi .

    Diễn viên sắm vai Nga: Không, xin lỗi ông, tôi không thể đi được.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Kìa, sao lại thế ?

    Diễn viên sắm vai Nga: Cám ơn ông rất nhiều, nhưng tôi mệt.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thì mệt mới cần ăn cho lại sức. Một tô cháo bào ngư nấu với nấm Đông Cô là hết mệt ngay...

    Diễn viên sắm vai Nga: Tôi nói thực mà. Tôi không thể đi được ngày hôm nay.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Thôi! Tôi van em.. tôi xin em. Em đừng làm tôi đau xót vì em nữa !

    Lão tiến lại gần nàng rồi rút khăn tay chấm lên những giọt nước mắt còn đang long lanh ở hai bên gò má của nàng. Nàng cau mày kéo chiếc ghế xích vào sát mép bàn. Mũi nàng chun lại. Nàng thấy ghê tởm cái hơi nồng nặc toàn mùi khói ám từ miệng lão toát ra. Vừa lúc đó cánh cửa hé mở. Gã thổi clarinette thò hẳn đầu vào. Trước mặt gã là cái lưng đồ sộ của nhà Mạnh Thường Quân. Đằng sau lão, khuôn mặt của diễn viên sắm vai Nga bị che lấp một nửa. Hai người ở cái vị thế như đang hôn nhau thắm thiết. Gã run rẩy cả người lên. Mặt gã xám ngoẹt lại. Gã lùi phắt trở lui. Tay gã phải vịn vào vách tưòng cho khỏi ngã. Mọi vật trước mắt gã chòng chành quay cuồng như kéo nhau đang sắp sửa sụp đổ. Gã nén chặt lấy ngực để cố khỏi bật ra tiếng ho. Cây kèn cặp ở nách gã nằm xiêu xuống hờ hững chực rơi. Gã chết đứng như thế trong giây lâu mới định lại được thần để quay gót trở ra. Gã lê từng bước nặng nề đi xuống bục gỗ.

    Trong lúc đó ở trên sân khấu, vẫn có tiếng hớt hải của gã diễn viên sắm vai Nghĩa :

    - Tôi mất cái bóp! Tôi mất cái bóp! Có ai nom thấy cái bóp phơi của tôi đâu không ?

    Thằng bé: Thưa ông, cái nhà cô có tóc uốn uốn bảo ông đi xuống dưới hầm kia cô ấy nhờ chút việc.


    Ở DƯỚI HẦM

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Trời ơi ! Em ! Em ở dưới này thế mà làm anh đi tìm em hết nước hết cái.

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Thật không ?

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ô! Em hỏi như thế là thừa. Không một lúc nào anh muốn rời em cả.

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Hừ ! Cứ nghe cái giọng ấy của anh thì ai mà chả tin.

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Còn phải nói. Bởi vì đấy là giọng thành thực. Sự thành thực phát ra từ trái tim của những kẻ đang yêu.

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Ôi giời! Cảm động thay cho những kẻ nào có diễm phúc đã được anh yêu.

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ồ, em còn nói thế làm gì. Kẻ ấy chính là em đó !

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Ồ! Thế thì thực là riễm phúc cho em quá. ( miệng nàng cong lên để uốn lưỡi chữ e - rờ)

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: ( hơi ngớ ra, nhưng cũng nói lấp liếm) Thì cũng diễm phúc cả cho anh nữa.

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: ( đổi giọng) Thôi ! Thế đủ rồi. Tôi biết rõ cái bản mặt của anh rồi !

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ơ! Ơ! Em nói cái gì thế?

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Nói cái gì thì anh biết đó ....Hôm nay anh đánh mất cái ví phải không ?

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: Ờ..ờ..cái ví......

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: ( giơ cái bóp ra trước mặt Nghĩa) Có phải ví này không ??

    Diễn viên sắm vai Nghĩa : ( ấp úng không nói ra lời)

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Tôi nhặt được nó ở trong phòng hóa trang. Bây giờ tôi hoàn lại cho anh. Anh kiểm lại đi coi có mất cái gì không, nhất là mấy tấm hình. Ôi chà, tấm hình chụp anh chị với các cháu nom thật là đẹp đôi. Còn mấy đứa nhỏ trông kháu ghê !

    Diễn viên sắm vai Nghĩa: (mặt tái đi dần dần)

    Diễn viên sắm vai nhân tình của cha Nghĩa: Từ lần sau thì nhớ giữ cho kỹ nhé ! Ới sời !!! Thế mà soen soét cái mồm là “anh vẫn còn độc thân!” Xí !!!

    Vừa nói nàng vừa ném trả cho gã đàn ông cái bóp cũ màu đen rồi bỏ đi phũ phàng. Gã đàn ông đứng lặng người như chân bị chôn ở ngay tại chỗ. Mặt gã cứ đỏ lên rồi lại xám ngoẹt đi, đôi mắt đục ngầu mang đầy vẻ bẽ bàng và tức giận. Hai bên cằm của hắn như bạnh thêm ra, hàm răng nghiến chặt lại. Bàn tay của gã xiết cứng lấy cái bóp tưởng như muốn làm nó tan ra thành bọt. Gã nhìn ra bốn bức tường chật hẹp với tất cả nỗi căm giận chất chứa trong lòng.


    TRÊN SÂN KHẤU

    Nhà đạo diễn : Quái nhỉ, các ông có thấy cụ Mạnh Thường Quân ở đâu không ?

    Người lao công : Hình như lúc nãy tôi thấy cụ ấy đi vào phòng hóa trang phía bên nữ.

    Nhà đạo diễn: À ! Thảo nào ! Thế mà tôi cứ đi tìm ở ngoài cửa rạp.

    Gã săm săm tiến lại dẫy phòng hóa trang. Cánh cửa còn mở hé. Gã đẩy mạnh và đi sộc vào. Như một người bị điện giật, hai chân gã chợt chùn hẳn lại.Vừa đúng lúc ấy, hộp phấn nước để trên mặt bàn bỗng văng ra, rơi vỡ tan tành trên mặt đất. Người nữ diễn viên sắm vai Nga tóc tai xổ tung đang xô nhà Mạnh Thường Quân vào một góc rồi vùng lên chạy. Cái ghế gỗ vướng phải chân nàng nên ngã đổ nhào xuống gây thành một tiếng kêu chát chúa. Chiếc lọ hoa bằng pha lê đặt ở sát cái gương lớn cũng bị lật nghiêng đi. Nước trong bình ộc ra, bắn tung tóe. Nàng cũng bị ngã dúi xuống, nhưng cố vùng dậy, vừa chạy ra cửa phòng vừa kêu thất thanh :

    - Đồ tồi ! Đồ khốn nạn !

    Sức khỏe lạ lùng của nàng lúc đó làm xô nhà đạo diễn ngã nghiêng vào cánh cửa. Gã kêu oái một tiếng ngắn gọn rồi trố mắt ra nhìn theo cho đến khi vạt áo của nàng khuất sau đống đồ đạc lủng củng ở bên ngoài.

    Lưng gã đau ê ẩm, gã xoa tay phủi bụi trên quần áo và cố gắng gượng dậy. Gã nom thấy bộ mặt chẩy dài đầy vẻ trơ trẽn của nhà Mạnh Thường Quân lúc ấy đang đứng ngay ở giữa phòng. Hai người ngượng ngập nhìn nhau.

    Nhà đạo diễn : Cái gì, cái gì thế ?

    Nhà Mạnh Thường Quân : Ông đạo diễn. Ồ ! Thật là....

    Nhà đạo diễn: Thật là đáng tiếc. Tôi không cố ý rình mò. Chỉ là một sự tình cờ mà tôi đã vào đây đúng lúc....

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thì thế ! Cũng chỉ là sự tình cờ mà cô ấy đã hiểu lầm tôi. Một sự hiểu lầm chết người !

    Nhà đạo diễn: Thưa ông, đấy là chuyện riêng của ông. Tôi không có quyền biết, mà cũng chẳng muốn biết !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Thế thì hay quá ! Tuy vậy...nhưng mà..nhưng mà chắc ông cũng quên luôn hẳn chuyện này đấy chứ nhỉ ?

    Nhà đạo diễn : Tôi hy vọng là như thế !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Nghĩa là cùng lắm thì chỉ có tôi với ông...

    Nhà đạo diễn: Vâng...thì chỉ có tôi với ông chứ còn ai nữa.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Đúng rồi. Đúng rồi. Và chắc ông cũng nhớ rằng chẳng có một thằng nhà báo chó chết nào ở đây hết.

    Nhà đạo diễn : Vâng, cái đó là dĩ nhiên....

    Nhà Mạnh Thường Quân (thở phào, mặt tươi lên): Ông đạo diễn. Ông thật là người đáng mến. Tôi đang định tìm ông đây. Tìm để bầy tỏ lòng cảm phục của riêng tôi đối với kết quả vô cùng rực rỡ của vở kịch do chính bàn tay của ông tạo ra !

    Nhà đạo diễn : Thôi.. thôi. Tôi xin ông đừng nhắc tới vở kịch nữa.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Làm sao mà lại không nhắc tới được. Ông khiêm nhường thì mới nói như thế, chứ tôi thì... tôi là người bỏ tiền ra dựng kịch, tôi phải biết bao quát mọi sự. Tôi xin thành thực bầy tỏ lòng ngợi khen đối với tài đạo diễn của ông.

    Nhà đạo diễn : Tôi bò! Tôi bò thực mà !

    Nhà Mạnh Thường Quân: Dù thế nào thì tôi cũng vẫn sẽ quyết định để ông phụ trách kỹ thuật cho tôi một lần nữa trong kỳ tổ chức tới. Và tất nhiên lần này thì tôi sẽ...tôi sẽ... giao phó toàn quyền hoạt động cho ông.

    Nhà đạo diễn: Thôi xin ông đừng nói vội. Tôi cho rằng ông hãy nên suy nghĩ kỹ trước thì hơn.

    Nhà Mạnh Thường Quân : Vậy ra ông tưởng tôi chỉ tuyên bố trong một lúc bốc đồng mà thôi sao?

    Nhà đạo diễn: Không! Không ! Có lẽ tôi không nghĩ như thế .

    Nhà Mạnh Thường Quân: Nếu vậy thì ông hãy tin tôi đi. Tôi sẽ dành cho ông một ngân khoản lớn để dựng một vở kịch vĩ đại cho xứng đáng với tài ba của ông. Bây giờ, ta hãy tạm biệt.

    Nhà đạo diễn : Xin chào ông !

    Nhà Mạnh Thường Quân : Này ông! Chắc tôi có thể tin được rằng cái chuyện hiểu lầm đáng tiếc vừa rồi sẽ không lên mặt báo đấy chớ ?

    Nhà đạo diễn: Ô hay! Báo với bổ gì ! Sao ông lại nghĩ rằng tôi có thể “bò” đến như thế được nhỉ.

    Nhà Mạnh Thường Quân: Xin lỗi ! Xin lỗi ! Ấy cái tính hay cẩn thận lắm lúc làm cho tôi trở thành lẩn thẩn như thế đó !

  9. #9
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,707
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Ở TRONG RẠP

    Diễn viên sắm vai Nga : Này bác! Bác có thấy người thổi kèn clarinette trong ban nhạc không ? Ông ta đã ra về chưa ?

    Người quét rạp : Tôi không thấy ai, nhưng tất cả đều đã ra về hết rồi.

    Người quản lý : A! Cô Nga đây rồi. Tôi đang tìm cô để chuyển cho cô mảnh giấy này.

    Diễn viên sắm vai Nga: Của ai gửi thế ?

    Người quản lý : Của cái ông thổi kèn clarinette.

    Mắt nàng chợt mở to ra. Tay nàng run bắn lên. Nàng đỡ lấy mảnh giấy mà người như chết lặng đi. Phải mất một lát nàng mới mở được mảnh giấy ra một cách khó khăn và cúi xuống đọc những giòng chữ nguệch ngoạc :

    Em,
    Anh rất sung sướng khi thấy em thành công trong những bước đầu trên con đường mà em theo đuổi. Ngày mai anh sẽ đi xa. Anh không ước gì hơn là cầu mong cho em ở lại được hoàn toàn hạnh phúc với con người mà em đã lựa chọn. Vĩnh biệt.

    Người thiếu nữ xây xẩm mặt mày. Nàng buông mảnh giấy xuống đất và ngã khuỵu xuống chiếc ghế bọc đệm ở ngay cạnh nàng. Rồi cứ thế, nàng òa lên nức nở khóc.

    Gã quản lý tò mò nhìn nàng, định tiến tới tìm lời an ủi nhưng sau nghĩ thế nào lại nhún vai lặng lẽ bỏ đi. Gă vươn vai và ngáp thật dài. Trong rạp bây giờ đã vắng ngắt bóng người. Những dẫy ghế nằm im lìm trong ánh sáng yếu ớt tỏa xuống từ những ngọn đèn thắp ở hai bên sân khấu. Chiếc màn nhung đỏ được cuốn lên cao. Từ dưới nhìn lên, hậu trường trơ trụi mang đầy vẻ trơ trẽn với từng đống bàn ghế và dụng cụ ngổn ngang ở khắp mọi chỗ. Những tấm phông cảnh bây giờ cũng được rút lên nửa chừng, treo lơ lửng ở trên những cái xà gỗ .

    Người quét rạp len lỏi đi qua từng dẫy ghế chạy dài. Tiếng chổi của gã lê quèn quẹt bên tai ngưòi nữ diễn viên. Nàng úp hai bàn tay lên khuôn mặt nhếch nháp phấn son. Nàng cứ ngồi như thế và vẫn bật lên từng tiếng khóc nức nở.


    TRONG HẬU TRƯỜNG.

    Hằng : Này cụ kéo màn ơi. Cụ có thấy ông tác giả vở kịch hôm nay đang ở đâu không ?

    Lão kéo màn : Say khướt rồi ! Có xin chữ ký thì mai mốt tìm ổng ở nhà riêng.

    Hằng : Không ! Tôi không cần xin chữ ký. Tôi có việc.

    Lão kéo màn: Việc gì cũng phải chờ tới lúc khác. Đã bảo là ông ta say khướt rồi mà.

    Hằng : Đâu ? Ông ta nằm ở đâu ?

    Lão kéo màn kéo tay nàng đi về phía một cái phòng xép. Lúc lão mở cánh cửa ra, Hằng thấy con người ngày xa xưa cũ của mình đang nằm sóng sượt dưới sàn, miệng ậm ừ những câu gì nghe chẳng rõ. Có thể hắn đang hát, mà cũng có thể hắn đang kể lể tâm sự với chính mình.

    “ Thế này thì còn nói năng phải trái gì được nữa”. Hằng nghĩ như thế và rút trong bóp ra tờ giấy khai sinh. Nàng lật mặt sau lên, dùng cái bút kẻ lông mày viết nguệch ngoạc lên mấy chữ : “ Khai sanh con của anh đây. Muốn đi tìm thì cứ việc tìm!”. Rồi nàng gấp mảnh giấy lại, nhét ngay vào túi áo veste của hắn ta.

    Hằng: Khi ông ấy tỉnh hẳn, cháu nhờ cụ nói là cháu có gửi cho ông ấy tờ giấy trong túi áo vét.

    Lão kéo màn: Được rồi !Được rồi ! Tôi sẽ nhớ.

    Hằng quay lại nhìn hắn ta một lần nữa rồi quay ra. Trong đầu óc của nàng, hình ảnh hào hoa của gã văn sĩ ngày xưa nay đã bị xóa nhòa hoàn toàn. Bây giờ nó chỉ còn là hình bóng của một kẻ trác táng, bê tha và sa sút một cách thảm hại. Tuy nàng thương hắn nhưng nàng thấy rõ lòng mình bỗng trở nên nhẹ tênh. Bao nhiêu nỗi nhớ thương, hờn giận ám ảnh trong lòng nàng ròng rã trong bao nhiêu năm trời bây giờ chợt biến mất trong khoảnh khắc. Nàng thực sự đã được giải phóng ra khỏi ngục tù của sự tiếc nuối.

    Lúc nàng đi qua mấy tấm phông cảnh thì vừa vặn có một thiếu nữ tặng hoa tiến vào hậu trường. Những cánh hoa trắng ngần rung rinh trên hai bàn tay búp măng ngượng nghịu vì tâm trạng bối rối của nàng. Sự bối rối làm tan loãng tất cả những lời nói mà nàng đã sắp đặt sẵn ngay từ khi vở kịch chưa chấm dứt.

    Cuộc đời bên trong của những người viết đối với nàng bao giờ cũng mang một vẻ cao cả đầy quyến rũ. Bởi vì, theo ý nàng, những kẻ đã sáng tạo được nên những cái đẹp thì tất nhiên tâm hồn họ phải đẹp, hay ít nhất cũng biết hướng về cái đẹp. Đoạn kết của vở kịch hôm nay là một trong những bằng cớ chứng tỏ điều đó. Nàng hâm mộ tác giả chính vì tinh thần trách nhiệm mà hắn đã mang vào tác phẩm. Những nhân vật, những lời nói, những tình tiết diễn biến trong các tác phẩm đã in trước đây của hắn đều như những nấc thang đưa con người tới Chân Thiện Mỹ. Thế thì hắn phải là một trong những kẻ xứng đáng nhất được trao tặng những bông hoa. Nàng tiến tới chỗ của lão kéo màn.

    Thiếu nữ tặng hoa : Cháu muốn được gặp ông tác giả vở kịch.

    Lão kéo màn : Ôi dào. Lại cô nữa !!!

    Thiếu nữ tặng hoa: Vâng, cháu muốn gặp ông tác giả. Thưa cụ, ông ấy đã về chưa ?

    Lão kéo màn : Chưa! Ông ta vẫn còn ở đây .

    Thiếu nữ tặng hoa: Nếu vậy thì thật là may quá.

    Lão kéo màn: Chẳng may mắn gì đâu. Cô chẳng nên gặp ông ta lúc này.

    Thiếu nữ tặng hoa: Không, cháu có cần nhờ vả gì đâu. Cháu chỉ muốn gặp ông ấy chút xíu thôi.

    Lão kéo màn: Ông ấy đang say. Chắc là ngủ rồi !

    Thiếu nữ tặng hoa: Cụ nói dối cháu. Cháu biết là đã có bao nhiêu người làm phiền ông ấy rồi. Nhưng cháu cam đoan là chỉ trao cho ổng bó hoa này xong là đi ngay.

    Lão kéo màn : Hừ ! Cô không tin tôi hả. Vậy thì đi. Đi theo tôi. Tôi chỉ chỗ cho. Rồi mà biết !

    Lão vừa nói vừa cười ngất ngư, đầy vẻ chế giễu. Rồi lão nhìn nàng từ đầu đến chân.

    Nàng bận bộ đồ trắng. Mái tóc đen huyền buông lả lướt trên bờ vai. Cặp mắt thông minh, to và sáng lên dưới đôi lông mày thanh tú. Má nàng phơn phớt hồng. Dưới ánh đèn, khuôn mặt của nàng đẹp lồ lộ và rực rỡ như một bông hoa. Hai người đi qua những chiếc bàn ghế lổng chổng. Gót chân nàng xinh xắn, thoăn thoắt bước trên đôi giầy nạm chỉ kim tuyến. Tà áo của nàng vờn quanh dáng đi nhanh nhẹn và uyển chuyển. Mùi nước hoa thoang thoảng tỏa ra ngây ngất quanh nàng.

    Lão kéo màn dừng lại ở căn buồng xép lúc nẫy. Lão gạt sang ngang chiếc màn chắn gió để cho ánh sáng lùa vào soi rõ tác giả vẫn đang nằm sóng sượt trên một tấm vải bạt. Ở ngực hắn, chai rượu đã cạn khô còn được giữ khư khư trong lòng bàn tay. Bộ quần áo nhầu nát, lấm bê bết đất, cát và mạng nhện. Một chân hắn co, một chân hắn duỗi. Hai chiếc giầy thì một chiếc hắn vứt lên mặt bàn, một chiếc nằm lăn lóc ngay ở bên cạnh đùi. Khuôn mặt hắn đỏ rừ. Mái tóc rối bù xõa xợi phủ xuống vầng trán cao. Mồm hắn hơi há ra, hai lỗ mũi mở rộng, phập phồng theo hơi thở sặc sụa mùi men rượu. Lão kéo màn nhún vai nói thản nhiên :

    - Ông ta đấy !

    Cặp mắt của thiếu nữ chợt tối lại. Đôi lông mày nhíu vào nhau như một lớp mây vụt che mờ một khoảng trời đang rực rỡ. Nàng bối rối đứng lùi lại. Những bông hoa trên bàn tay búp măng như ép sát thêm vào cây thánh giá lấp lánh trên gò ngực. Nàng nói ấp úng :

    - Thật ư ? Ông tác giả đó ư ?

    Lão kéo màn không đáp lẳng lặng đặt bàn chân thô kệch lên vai hắn rồi đạp mạnh. Hắn cựa mình ậm ự.

    Thiếu nữ tặng hoa : Thôi ! Thôi! ... Xin để lặng yên cho ông ấy nghỉ.

    Lão kéo màn: Chắc ông ta vừa mới ngủ đây thôi. Suốt từ nãy ông ta vẫn nằm hát lải nhải một mình.

    Vừa nói lão vừa thúc mạnh thêm bàn chân một lần nữa. Tác giả vụt choàng dậy.

    Lão kéo màn : Thưa ông, có một cô thiếu nữ đến tặng hoa !

    Hắn giơ hai tay lên dụi mắt. Trước mặt hắn mọi vật như nổi lên những vân sáng mầu đỏ nhấp nháy rối loạn. Hắn chống tay vào tường, loạng choạng đứng dậy. Hai đầu gối của hắn bắt đầu run lên. Hắn đứng sát hẳn vào mé tường. Mắt hắn mở to thêm nữa. Vẫn cái mầu đỏ ấy. Mầu đỏ mà hắn thấy trên áo nàng lúc chập tối bây giờ vẫn còn như bưng lấy mắt hắn. Hắn bật lên một tiếng cười khô khan và ngạo nghễ rồi cất giọng lè nhè:

    - Cô đến đây làm gì ?

    Người thiếu nữ hoảng hốt. Nàng không thể lường trước được tình thế này. Tâm tư nàng trở nên rối loạn. Hai bàn tay nàng cũng run bắn lên. Bó hoa hờ hững chực tuột ra khỏi những búp tay thuôn dài. Hơi thở của nàng dồn dập, đôi môi mọng đỏ mấp máy. Nàng muốn trả lời câu hỏi của ông tác giả nhưng sự bối rối làm cho họng nàng tắc lại. Trong khi ấy, người đàn ông trước mặt nàng lại la lên, bằng một giọng gầm gừ :

    - Cô đến đây làm gì ? Cô hãm hại tôi đến như thế mà chưa đủ sao ?

    Mắt ông ta long lên, tóe ra những tia lửa của thù hận. Thật là khiếp đảm ! Bây giờ thì nàng có cảm giác như mình đang đứng trước một con quỉ dữ. Cặp mắt của hắn đỏ ngầu, khuôn mặt méo mó, hơi thở nặng nề sặc sụa. Hắn tiến lại phía nàng khiến hai chân của nàng díu lại cơ hồ muốn chôn chặt ở đấy. Bàn tay xương xẩu của hắn bỗng xoè ra, hắn đem úp cả năm đầu ngón tay lên mái tóc óng ả của nàng. Như một luồng điện giật, nàng rú lên thất đảm. Rồi bằng một cử chỉ hoàn toàn vô thức, nàng quăng ngay bó hoa xưống đất và vùng lên chạy. Sự thua cuộc của nàng làm mặt hắn rạng ngời. Thế là hắn cười rộ lên. Tiếng kêu thất thanh của nàng trộn lẫn với tiếng cười ngạo nghễ của hắn tạo nên một thứ âm thanh xô xát, chát chúa rồi vỡ òa ra, làm vang động hẳn bầu không khí tĩnh mịch trong rạp lúc về khuya. Nàng vẫn cuống cuồng bỏ chạy. Tà áo của nàng hất tung lại phía đằng sau.

    Hắn nom thấy như là một vệt sáng chiếu vào khoảng mù mịt đang ngự trị trong đầu óc của mình. Hắn ngưng bặt tiếng cười và ngơ ngác đứng nhìn theo. Hắn úp tay lên khuôn mặt đầm đìa mồ hôi rồi đi chậm chạp ra phía ngoài. Ông lão kéo màn đã bỏ đi từ bao giờ. Chỉ còn có thằng bé ngồi co ro ở bên cạnh đống dây thừng dùng để kéo màn lên. Nó đang thưởûng thức mẩu xì gà thừa, chắc là của nhà Mạnh Thường Quân quẳng ra ở đâu đó, mặc dù ở cạp quần, phía trước bụng, nó vẫn còn dắt bao thuốc lá mà hắn đã thẩy cho từ hồi chập tối.

    Hắn xà xuống cạnh thằng bé. Nom thấy chai nước lã ở trong một góc, hắn vồ lấy và ngửa cổ tu một hơi. Sau đó, hắn với tay lôi bao thuốc trên bụng thằng bé ra, rút một điếu và bật lửa để châm. Đốm lửa đỏ lừ soi rõ những cọng râu của hắn chỉ sau một buổi tối mà hình như đã mọc dài ra, rung rung theo những cử động nhăn nhúm trên nét mặt của hắn. Hắn nhìn ra chung quanh. Mọi người hình như đã ra về hết nên toàn rạp trở nên tĩnh lặng và nhuốm một vẻ hoang vắng, trống rỗng lạ thường.

    Hắn lảo đảo đứng dậy và tiến ra ngoài sân khấu. Tấm màn nhung đã được kéo lên phô ra trước mắt hắn một quang cảnh hội trường rộng mênh mông và lặng ngắt. Những chiếc ghế bọc đệm với những ống sắt mạ kền kê liền nhau san sát tuy còn đó nhưng mọi sự sinh động ồn ào lúc buổi tối đã biến mất như vụt chìm vào một khoảng hư vô, trống rỗng. Hình ảnh của những người thân, những kẻ không thân nhưng vẫn gặp gỡ ngoài đời và những nhân vật trong tác phẩm bỗng hiện ra hỗn độn trong đầu óc của hắn. Hắn thấm thía sự cô đơn tột cùng , nhất là vào cái lúc đứng trước một khung cảnh như thế này.

    Cơn xúc cảm đột nhiên ùa đến. Nước mắt của hắn bỗng ứa ra. Hắn nghĩ đến thiếu phụ áo đỏ và mẹ con Hằng. Một hình ảnh thì hắn thấy khinh bỉ, còn một hình ảnh thì hắn thấy tự khinh mình. Tuy vậy, dù với cung cách nào thì cả hai cũng đều là những chỗ trú chân cuối cùng mà hắn đều muốn lánh xa. Hắn thấy mình hoàn toàn cô độc. Sự cô độc làm cho hắn đớn đau nhưng hắn biết rõ vị trí của mình là ở chỗ ấy.

    Như một thói quen khi gặp phải những giây phút trống vắng hay buồn bã, hắn chợt nhớ tới chai rượu của mình. May quá, nó còn nằm trong một bên túi. Hắn hăm hở moi ra và ngửa cổ tu ừng ực. Một niềm phấn khích bỗng nhen nhúm trong lòng. Hắn lại nghĩ tới vở kịch và cái đoạn kết vẫn còn đang trăn trở trong đầu óc của hắn. Hắn tự nhủ : "Không thể kết như thế được. Đời sống đâu có dễ dãi như mọi thứ đều cứ trôi trên một tấm thảm nhung êm ả. Bao lâu nay hắn đã thường tự mãn trên tấm thảm nhung của mình. Thế thì vinh quang mà hắn mơ ước hay đạt được cũng chỉ là những điều giả dối." Một sự thực đơn giản như thế, tại sao bây giờ hắn mới nghĩ ra. Như một con tằm vừa cắn được cái kén để chui ra, hắn thấy rõ là mình đang thay đổi cho dù hắn biết rõ là đang tự du mình những nỗi dằn vặt, đớn đau mới. Hắn lại tu thêm một ngụm rượu nữa để lấy đà cho cơn hứng khởi đang tiếp tục dâng lên. Hắn tiến hẳn ra mé rìa ngoài của sân khấu.Trong lớp ánh sáng lờ mờ không soi rõ những hàng ghế, hắn thấy những nhân vật của mình đang xô đẩy, ẩn hiện. Hắn bỗng cất tiếng như muốn bầy tỏ cho những khán giả tương lai của mình nghe thấy :

    - Quí vị biết không....Giả tạo là kẻ thù của sáng tạo. Sự sáng tạo cũng không chấp nhận luôn cả thói nhai lại cái dư thừa của người khác. Mà đời sống hừng hực những chất liệu thì can cớ gì phải giả tạo hay đi làm loài nhai lại cơ chứ ? Vậy thì xin quý vị hãy luôn luôn sáng suốt đừng để cho những quân làm bạc giả trong văn nghệ nó ru ngủ chính mình....
    Tiếng nói của hắn oang oang vang vọng khắp mọi chỗ, từ trên sân khấu bay lên cái vòm trần cao vòi vọi, từ hàng ghế đầu len lỏi qua khắp mọi ngóc ngách xuống đến tận hàng ghế cuối mà ở đó đang có một người ngồi khoanh tay lặng lẽ theo dõi từng cử chỉ của hắn không biết từ bao giờ.



    Ở HÀNG GHẾ CUỐI

    Thiếu phụ áo đỏ ( lắc đầu chép miệng) : Đến thế là cùng. Đến thế là cùng.

    Thật ra nàng đã ngồi tại đó ngay từ khi hắn mới vừa ôm chai rượu lảo đảo bước ra. Trong thâm tâm, nàng có ý nghĩ quay trở lại tìm hắn sau khi nhận được cái carte của anh làm bếp trao cho với lời nhắn là “Xin bà quay trở lại tìm cụ cháu vào ngày mai”. Nàng đã cười nhạt đứng lên ra về, cơn uất hận vừa thoảng qua đã được nàng thay thế ngay bằng một dự tính quyết liệt : “Để rồi coi đứa nào sẽ là đứa thân tàn ma dại, không còn ai muốn gặp trước !”. Ở những dự tính như thế, sự giận dỗi là một cung cách phản ứng cực kỳ thất sách. Thế là nàng nhoẻn ngay được một nụ cười thật tươi, dù là chỉ đứng trước anh làm bếp.

    Nàng đi đến một cái quán nhỏ để ngồi nhâm nhi một ly cà phê. Nàng nghĩ đến hắn, đến buổi trình diễn đêm hôm nay. Đối với sự nghiệp của hắn, nàng đã hết sức tận tụy. Thế mà chỉ vì cái tính gàn dở của hắn mà mọi chuyện trở nên lỡ bộ hết. Thì ra có thiện chí mà không đúng chỗ thì có thể trở thành phá hoại. Nàng tự thấy cái phần trách nhiệm của mình và có ý nghĩ phải tìm cách sửa chữa cái cơn hủy hoại này, mặc dù nàng cũng chưa biết mình sẽ phải làm sao. Thôi thì cứ quay lại hí viện tìm hắn trước đã. Người coi rạp đang đi đóng những cánh cửa sổ chạy dài trên khắp mấy dẫy hành lang. Nàng hỏi :

    - Ông tác giả đã ra về chưa ?

    Anh ta nhún vai chỉ vào trong rạp và buông một tiếng : “ Hôm nay ông ấy say mềm !”

    Nàng tất tả đi vào trong rạp. Vừa đúng lúc ấy, hắn từ trong sân khấu bước ra và nàng ngồi phịch xuống cái ghế ngay ở mé cửa ra vào để xem hắn còn dở những trò gì.


    TRÊN SÂN KHẤU

    Hắn lại ngửa cổ tu thêm một ngụm rượu nữa. Rồi hắn quơ chai rượu về phía hàng ghế khán giả, cất giọng lè nhè :

    - Thưa quí vị. Như thế từ nay chúng ta nhất quyết loại trừ những kẻ gian dối ra khỏi hàng ngũ những người cầm bút. Bởi trung thực phải là phẩm chất hàng đầu của văn nghệ phẩm mà chúng ta có quyền đòi hỏi.

    Hắn móc ở túi áo vét ra một xấp giấy, bao gồm nhiều thứ linh tinh mà hắn đã nhét vào, trong đó có cả bài diễn văn mà đáng lẽ hắn đã phải long trọng đọc trọng buổi trình diễn hôm nay. Và dĩ nhiên cũng có cả cái tờ giấy mà khi hắn đang ngủ, người phụ nữ tên Hằng đã nhét vào. Hắn xoè ra như để trình diện với khán giả. Rồi hắn móc bao diêm trong túi ra, bật lửa lên châm đốt. Giọng của hắn sang sảng đầy vẻ khoái trá :

    - Kể từ nay, những thứ văn chương giả dối này sẽ bị tuyên án cho lên dàn hỏa ! Đốt ! Đốt hết ! Phải không quý vị.

    Rồi hắn cười lên sằng sặc, khuôn mặt của hắn cũng sáng rỡ theo với ánh lửa đang cháy bùng lên từ những tờ giấy. Tàn than cũng theo đó bay tỏa tứ tung. Cả hội trường như dội lên những tiếng nghe cực kỳ nhức óc: “Đốt ! Đốt hết !”.

    Ở hàng ghế dưới cùng người thiếu phụ áo đỏ nhăn mặt lại. Đây là hình ảnh cuối cùng của hắn mà nàng có thể chịu đựng được. Hắn điên thật rồi. Nàng đứng phắt ngay dậy, vội vã bỏ ra phía ngoài với những bước đi nom như một kẻ đang chạy trốn.

    Trong khi ấy, hai ông cháu lão kéo màn cũng từ phía hậu trường sân khấu chạy bổ ra. Họ nhìn thấy cánh tay của ông tác giả đang múa lên với xấp giấy đã cháy gần tới phần chót. Ngọn lửa trên những tờ giấy tắt ngúm trong khi những tàn than vẫn còn đang tiếp tục bay tản mác. Hắn thấy mình như một con quay hết đà. Mọi sức lực trong hắn như cùng tiêu tan theo với ngọn lửa. Hắn muốn giơ chai rượu lên tu một ngụm nữa nhưng cánh tay của hắn cất lên không nổi. Hắn loạng choạng đi vào giữa sân khấu và bất thình lình đổ sụm xuống.

    Lão kéo màn : Trời đất ơi ! Từ đời thuở nào tới giờ, trên cái sân khấu này chưa bao giờ ó một màn độc diễn hay ho như thế.

    Thằng bé (vỗ tay, giục giã) : Hay thật. Hay thật. Thế thì mình hãy kéo màn lên ! Kéo màn lên!


    NHẬT-TIẾN.

    Sài Gòn tháng 12 năm I961


Chủ Đề Tương Tự

  1. Người Tù Cuối Năm - Nhật Tiến
    By khieman in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 3
    Bài Viết Cuối: 04-10-2015, 12:51 AM
  2. Người Học Trò Mới - Nhật Tiến
    By anthanh in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-03-2014, 11:28 PM
  3. Thềm Hoang - Nhật Tiến
    By giavui in forum Truyện Dài
    Trả Lời: 18
    Bài Viết Cuối: 04-24-2014, 06:48 PM
  4. Trả Lời: 2
    Bài Viết Cuối: 11-19-2013, 11:33 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-28-2011, 02:14 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •