.

Có câu hỏi :

- Tại sao đạo Phật xuất hiện?

- Đạo Phật xuất hiện vì mục đích gì?

Do thắc mắc rằng nếu chỉ dạy “làm lành, lánh dữ” thì các tôn giáo khác, ngay trong thời thái tử Tất Đạt Đa chưa ra đời, họ cũng đã dạy, đức Phật thiết lập thêm một tôn giáo nữa làm chi, chẳng lẽ để cạnh tranh với các tôn giáo đương thời?

Còn như nếu chỉ dạy sống vui, sống khỏe, thì những thầy giáo làng ở chốn quê mùa hẻo lánh cũng đã dạy hàng ngàn năm trước rồi. Cao hơn nữa thì có những môn triết học, tâm lý, không cần phải chờ tới khi có một bậc Đại Giác ra đời, thiết lập hẳn một tôn giáo để dạy.

Trả lời những câu hỏi này, xin thưa rằng:

- Duyên khởi sự xuất hiện của đạo Phật bắt nguồn từ sự bừng tỉnh, Chứng Ngộ Thực Tại của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vài trong số những Phật ngôn đầu tiên sau khi Ngài vừa mới bừng tỉnh là:

"Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai mãi đi tìm mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà,
Như Lai đã tìm được ngươi.
Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng nghiệm Quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục".


và:

"... Tri kiến và nhãn quan đã phát sanh đến ta. Tâm siêu thoát của ta không thể lay chuyển. ây là kiếp sống cuối cùng của ta. Từ đây ta sẽ không còn trở thành, không còn tái sanh."
(kinh Trung A-Hàm).

Từ sự Chứng Ngộ, đức Phật phát hiện được một thực tế là “Tất cả chúng sinh đều có Giác Tánh như Ngài, và có thể thanh lọc ô nhiễm để chuyển hóa thành Phật như Ngài”.

Do phát hiện đó, khởi tâm Đại Bi, Ngài dùng suốt quãng thời gian còn lại của đời sống trên thế gian trên bốn chục năm, tận tụy đi rao giảng những kinh nghiệm hành trì và tu chứng của Ngài để mọi chúng sinh đều có thể Giác Ngộ Giải Thoát như Ngài. Những lời dạy đó tích lũy thành tạng Kinh, là phần Giáo Pháp.

Và như thế , đạo Phật xuất hiện trên đời.

Tuy nhiên, đức Phật đã dạy trong kinh Trung A Hàm::

“Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ có bậc thiện trí mới thấu hiểu."

Thật vậy, Giáo Pháp của Ngài quả là sâu sắc, uyên áo, khó hiểu, khiến cho các vị Luận Sư phải dùng tới hàng nhiều ngàn trang giấy để viết lên những bộ Luận Giải, mong giúp người đọc dễ nhập môn. Vì thế, có người tưởng đạo Phật là một mớ triết lý, cứ việc đem ra cùng nhau bàn thảo, giống như những vấn đề triết học, vốn không đòi hỏi sự tu hành, là đã uống xong ly nước Cam Lồ của đạo Phật.

Hiểu như thế là sai lầm, là làm phí uổng bản hoài của đức Phật mong cứu chúng sinh, trôi qua mất một kiếp ở trong nhà Phật.

Giáo lý nhà Phật không phải là một mớ lý thuyết suông, mà là tổng kết quá trình hành trì dẫn tới Chứng Ngộ của đức Phật.

Từ kinh nghiệm Chứng Ngộ này, đức Phật dạy lại cho chúng sinh, để tất cả đều có cơ hội Chứng Ngộ như Ngài.

Tuệ Đăng
(Trích Chương trình phát thanh Phật pháp)