Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc chỉ dành riêng cho những kẻ nào làm cho nhiều người được sung sướng.
Abbé Delille
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Món Quà Cuối Năm

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Món Quà Cuối Năm

    Nguyễn Ngọc Ngạn






    Last edited by giavui; 08-08-2019 at 04:30 PM.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Người anh cả 3



    Nhàn đưa mười đồng ra một cách tiếc rẻ:

    - Thế là chị Quỳ có đồng hồ mà em không có.

    Đạt đút mười đồng vào túi:

    - Thế mày thấy người ta có ô-tô, sao mày không than phiền rằng không có ô-tô.

    Vượng thấy vẻ mặt tiu nghỉu của Nhàn liền bảo:

    - Thôi chú Hai cũng đừng mua vội. Để sáng chủ nhật, anh dắt đi mua cả cho ba người một thể.

    Ấy thế là Vượng phải đi vay của một người cho vay lãi số tiền ba chục, trả làm sáu tháng, mỗi tháng sáu đồng để cho bằng lòng cả các em.

    Suốt mười hôm sau, Vượng cứ lo ngay ngáy rằng, không khéo mình bị bệnh, bởi chàng thấy anh em sở dĩ vì đi hát mà bị bệnh nhiều quá. Ngày thứ mười một chàng mới thở dài một cái thở dài khoan khoái. Nhưng sự khoan khoái ấy không lâu. Buổi chiều, Huệ, vì ỷ cái quyền của một đêm hiến thân, đến tìm chàng tại sở. Thoạt nghe người loong toong nói có một người đàn bà hỏi chàng, chàng ngỡ em gái chàng đến gọi chàng vì nhà xảy ra việc gì quan trọng, chàng thấy rủn cả người. Nhưng khi ra, nhìn thấy Huệ, chàng mới lại hồn, vui vẻ mừng lộ ra nét mặt.

    Huệ lại lầm tưởng rằng sự vui mừng ấy là vì mình:

    - Sao đã lâu anh không xuống? Làm cho em nóng cả ruột. Anh đối với em tệ bạc quá.

    Vượng tuy vì thương các em, mà thành ra khắc khổ, nhưng vốn không phải là người tàn nhẫn, thành ra lòng tốt của chàng buộc chàng phải tìm cách nói dối:

    - Anh bận quá. Thôi để thứ bảy này anh xuống.

    - Thật nhé? Anh thề đi nào.

    - Anh bảo anh xuống là anh xuống, hà tất phải thề.

    - Không, anh thề đi em mới tin cơ.

    Vượng không bao giờ có thể thề bậy, dù là đối với một cô đầu:

    - Nếu em đa nghi đối với anh thì em còn đến tìm anh làm gì?

    Chàng nói xong bỗng thấy thẹn, vì chàng biết chàng không thể xuống và không bao giờ chàng xuống nữa.

    Trái lại, Huệ nghe chàng nói thế mừng hớn hở:

    - Ừ thế hôm nay anh xuống nhé. Không em lại tận nhà đón anh đấy.

    Sấm nổ ngang đầu làm cho Vượng giật mình bằng câu nói ấy. Chàng tưởng tượng ngay khi Huệ lững thững vào nhà, rồi các em chàng biết.

    Chàng bối rối, rồi sự bối rối làm cho chàng thành cộc cằn:

    - Nếu cô đến nhà tôi thì tôi không bao giờ thèm nhìn mặt cô nữa.

    Huệ hốt hoảng:

    - Anh sợ vợ anh biết hay sao? Sao các anh ấy bảo anh chưa có vợ?

    - Tôi có vợ hay chưa, không cần biết, tôi chỉ cấm cô không được bước chân tới nhà tôi.

    Vượng nói xong, quay phắt vào để mặc Huệ đứng trơ đó với sự ngơ ngác của mình.

    °

    Không phải rằng trong đời Vượng đã không có những cuộc tình ái. Trước khi yêu Quỳ một mối tình u ẩn và nồng nàn, Vượng lúc còn là học sinh trường Bưởi đã yêu cô hàng bạc ở trước cửa nhà bà Xuân Thái. Anh cô lại là bạn học với Vượng. Vì thế hai người đã có dịp để hò hẹn với nhau, một khi Vượng đỗ ra, sẽ nói thật với nhà để xin cưới. Mối tình ấy tuy không đằm thắm như mối tình đối với Quỳ ngày nay, nhưng nó cũng đủ sức mạnh làm cho khi biệt ly, Vượng phải ngẩn ngơ mất mấy tháng, bởi vì đó là mối tình đầu. Cô hàng bạc đi lấy chồng gieo vào tâm hồn Vượng một bâng khuâng không bờ bến. Cô đi lấy chồng bởi vì Vượng thôi học, Vượng không đỗ "đíp lôm", Vượng không đỗ tú tài, Vượng không vào trường Luật, Vượng không thi ra làm quan, cái mộng mà cô hàng bạc đã ôm ấp từ bao lâu trong đầu.

    Lúc cha mất, thấy mình có cái bổn phận phải kiếm ngay tiền để nuôi các em không thể theo học được nữa, Vượng có viết cho cô một bức thư trần tình, và xin xóa lời hẹn ước. Cô viết cho Vượng một bức thư trả lời rằng dù thế nào, cô cũng nhất quyết trung thành với Vượng. Cái thư ấy viết được ba tháng, trong thời gian Vượng còn bận ở Hải Dương thu xếp việc nhà, thì một hôm Vượng được tin cô đã đi lấy chồng, lấy một ông tham tòa sứ.

    Cái tin ấy nếu đến trong những lúc khác, thì có thể làm cho Vượng đau đớn, nhưng may cho Vượng, nó lại đến trong lúc này, đến trong lúc mà lửa thiêng của bổn phận đang ngùn ngụt đốt tâm hồn. Vì thế cho nên Vượng dễ tha thứ. Vượng tự nhủ: "Mình vì nghĩa vụ nên phải bỏ cả nguyện vọng một đời, thì biết đâu cô ấy lại không vì muốn được trọn chữ hiếu với gia đình mà phải nghe theo lời cha mẹ?".

    Trước những trách nhiệm phơi bày ra trước mắt, mà Vượng đang dấn mình vào, Vượng chỉ nghĩ đến cô như một đứa bé nghĩ đến cái đồ chơi đã vỡ, cái đồ chơi tuy đẹp, nhưng cũng không phải là không thể có nữa.

    Vượng đem ba em về Hà Nội tìm việc làm, chàng năng đi lại nhà bà Xuân Thái. Bà biết cảnh Vượng, biết lòng Vượng, nên coi Vượng như một đứa con. Bà tìm hết cách để giúp Vượng.

    Lòng kính người mẹ bỗng kéo đến lòng yêu người con. Vượng được nhìn cái sắc đẹp của Quỳ nảy nở dần từ ngây thơ đến e thẹn, từ e thẹn đến tình tứ.

    Cái sắc đẹp ấy thấm dần, thấm dần vào tâm hồn Vượng, rồi đến khi Vượng nhận thấy, thì tim chàng đã đầy ắp rồi. Vượng nhận thấy rằng mình yêu khi Quỳ còn mười tám, lúc Đạt đã đỗ tú tài. Lúc ấy, giá Vượng hỏi thì bà Xuân Thái gả ngay, và Quỳ cũng ưng thuận, nhưng Vượng không hỏi, và cũng chưa bao giờ ngỏ một ý tứ gì, mặc dầu đã nhiều lần, bà Xuân Thái gọi đến.

    Vượng giả mù, giả điếc, vì chàng còn có những nguyện vọng cao xa cho em.

    Hôm được tin Đạt đỗ, bà Xuân Thái có đặt tiệc mừng. Rồi khi tan tiệc, bà bảo Vượng:

    - Bây giờ cậu Hai đã đỗ, đã có thể kiếm việc làm, cậu lo cho em thế cũng là chu đáo rồi. Vậy bây giờ, cậu cũng nên xem có chỗ nào thì... liệu đi, chứ cậu đã lớn rồi.

    Vượng nhìn Đạt, nhìn Thịnh, nhìn Nhàn lẳng lặng không nói thì bà Xuân Thái lại nói tiếp:

    - Bây giờ đỗ tú tài, xin đi dạy học hay làm ở tòa sứ cũng dễ. Lo cho anh trước, rồi em sau. Cậu liệu thế nào?

    Vượng kéo Nhàn lại lòng, vuốt má, rồi hỏi Đạt:

    - Chú có thích đi làm không?

    Đạt ngần ngừ:

    - Bây giờ đi làm thì... Nhưng... nếu...

    Vượng nhìn vào mắt, đã hiểu ý em:

    - Chú thường nói với anh chú thích vào trường thuốc cơ mà?

    - Thích thì thích, nhưng tiền đâu mà học?

    Vượng nắm tay em:

    - Chỉ sợ chú không có chí, chỉ sợ chú không thích, chứ chú muốn thì tại làm sao không có tiền? Phải, anh cũng nghĩ thế. Thầy vẫn ao ước cho chúng mình được vào học cao đẳng, nay anh đã không vào được thì chú phải vào.

    Rồi Vượng ngoảnh mặt đi, không dám nhìn Quỳ lúc ấy đang ngồi ở trước mặt chàng.

    Bà Xuân Thái kéo tráp trầu lại cạnh mình:

    - Cậu nghĩ thế rất là tốt, nhưng học Cao đẳng thì tốn tiền lắm, và nghe đâu học trường Thuốc thì những năm năm mới thi ra. Tôi chỉ sợ cậu không lo được, dở dang thì âu bằng đi làm từ bây giờ. Vả lại, cậu năm nay đã hai mươi nhăm, cậu cũng phải nghĩ đến chuyện vợ con chứ. Nếu cậu bằng lòng, tôi sẽ làm cho mối cho... đám này... cũng xứng đáng.

    Bà vừa nói, vừa nhìn Quỳ. Quỳ còn ngây thơ không hiểu cái nhìn ý nghĩa ấy nên cười khanh khách:

    - Mợ làm mối, không khéo lại phải đền đấy thôi.

    Vượng nén tim, nói với bà Xuân Thái:

    - Bà có lòng thương con như thế, con cũng đa tạ bà. Nhưng con định chờ cho các chú nó đỗ đạt cả rồi, con mới có thể tính được việc ấy. Nay cha mẹ con mất đi, các chú ấy chưa trưởng thành mà, con không lo thì sao cho phải.

    Bà Xuân Thái không bằng lòng:

    - Thế cậu định chờ đến bao giờ? Cậu định chờ đến khi già khụ mới lấy vợ hay sao?

    Vượng muốn khóc:

    - Chờ đến bao giờ thì chờ, nhưng ít nhất thì cũng phải chờ đến khi chú Hai ra trường.

    Rồi như muốn tạ lỗi với bà Xuân Thái, chàng nói:

    - Năm năm nữa, chứ bao lâu!

    Bà Xuân Thái nhặt miếng trầu bỏ vào mồm:

    - Năm năm! Năm năm cậu tưởng chóng lắm đấy hay sao? Lúc ấy thì có lẽ tôi đã chết ngỏm rồi.

    Vượng sốc lại chiếc "ca vát" cho Thịnh, không trả lời.

    Bà Xuân Thái lại nói bằng một giọng giận dỗi:

    - Tôi muốn tính việc vuông tròn cho cậu là vì tôi nghĩ cái tình của bà nhà, cậu không bằng lòng thì tùy cậu.

    °

    Sự cảm động làm cho Vượng ăn bữa cơm trưa chủ nhật ấy không thấy ngon. Chàng cảm động vì nhiều lẽ. Chàng sung sướng vì sắp được gặp Quỳ, được nói với nàng và nghe nàng nói. Chàng lo sợ về chỗ bà Xuân Thái sẽ ép chàng đánh tổ tôm. Từ chối thì chàng không thể rồi, vì đó là một cơ hội để chàng có thể gần Quỳ được lâu. Nhưng nếu chẳng may chàng bị thua?

    Từ đêm hôm qua, Vượng đã chải kỹ càng cái mũ mà Đạt không dùng nữa, và chàng đã phun rượu vào để cho nó cứng, hết những dấu vết nhàu nát. Bộ tropical đã là, cái "ca vát" đã là, đôi giày đã đánh bóng. Cơm xong là chàng lên gác mặc quần áo; chàng nhờ Thịnh bóp hộ cái mũ cho nó có vẻ sang. Thịnh nhìn ngắm khuôn mặt anh một lát lâu:

    - À, nếu anh đội thì phải bóp bẹt theo lối Y pha nho. Mặt anh nghiêm, đội thế này thì trông nó trẻ, nó chữa bớt cái đạo mạo đi.

    Vượng tủm tỉm cười:

    - Tùy chú. Anh chẳng hiểu gì về ăn mặc cả.

    Thịnh bóp xong, đội lên đầu cho anh:

    - Ồ, trông như mũ mới. Bao nhiêu vết hằn biến vào trong cả. Anh đội cái mũ bóp như thế này trông... "công tử" lắm.

    Lòng Vượng bỗng tràn ngập một niềm vui sướng. Chàng ngắm bóng mình trong gương:

    - Ừ, trông tôi khác hẳn đi thật. Y phục cũng ảnh hưởng đến tuổi tác của con người ta nhiều quá nhỉ. Trông thế này, đố ai biết tôi đã già?

    Đạt mở tủ lấy chiếc mùi soa mới đưa cho anh:

    - Chả thế thì anh cũng chả già. Anh năm nay bao nhiêu?

    - Hai mươi tám.

    - Anh hơn tôi ba tuổi. Hai mươi tám mà đã già à? Có anh lo nghĩ nhiều thì trông mặt anh có vẻ nghiêm nghị thế thôi.

    - Ấy thế mà có khi tôi thấy trong người tôi già đáo để. Thế nào hai chú có lại chơi nhà bà Xuân Thái với tôi không?

    Đạt lắc đầu:

    - Tôi đã hẹn anh Tộ đi xem đá bóng.

    Còn Thịnh thì bĩu môi:

    - Tôi quý bà Xuân Thái thật, nhưng tôi không "tiêu" nổi cô Quỳ.

    Vượng chẳng qua hỏi chiếu lệ như thế, chứ chàng cũng không muốn cho hai em theo mình. Chàng sợ hai em đến đấy buồn cũng có, chàng sợ Thịnh làm điều gì thất thố để buồn cho bà Xuân Thái và Quỳ cũng có.

    - Thế chú có đi chơi đâu không?

    - Hôm nay có phim hay, có lẽ tôi đi xem chớp bóng.

    - Thế chú cho em Nhàn nó đi với. Hôm nay chủ nhật, ăn cơm chậm một chút cũng được.

    - Úi thôi, chịu thôi. Đi với nó thì nó kềnh càng lắm. Với lại tôi đi một mình thì tôi ngồi hạng bét được, chứ đi với nó, ít ra cũng phải ngồi hạng nhì.

    - Thì hạng nhì. Cho nó đi với chú cho vui. Chú không thương nó một tí nào cả. Nếu tôi đã không trót hẹn với bà Xuân Thái thì tôi đưa nó đi ngay.

    Câu trách ấy làm cho Thịnh thắng nổi cái ý nghĩ về những khó chịu mà Nhàn sẽ gây ra cho chàng:

    - Ừ thì cho nó đi. Nhưng tôi chỉ còn có ba đồng.

    - Thì nó giữ tiền đấy. Bảo nó bỏ ra lấy vé. Thôi, hai chú ở nhà nhé.

    Bước đi hai bước, Vượng lại quay lại:

    - Chú có đi với em thì đừng có gắt, chứ không, cho em đi, vui được một tí lại chả bõ. Phải cái đứa hay tủi thân, chịu khó chiều nó một tí.

    Lòng nhân ái của Vượng đưa Thịnh đến những nhượng bộ:

    - Thì tôi vẫn chiều nó đấy chứ. Anh xem tôi có gắt gỏng với nó bao giờ đâu?

    Vượng sung sướng:

    - Cũng có. Nhưng ai chẳng có lúc bực mình. Nó là út, mình...

    Đạt ngắt lời anh:

    - Thôi, anh cứ đi đi. Để Nhàn đi xem đá bóng với tôi. Như thế là chắc chắn không xảy ra cự nự. Và đỡ tốn tiền. Chứ đi với thằng ông mãnh thì nó hếch mắt lên, nó coi gì đến em đấy!

    - Nhưng phải hỏi nó xem, nó thích đi đâu đã chứ?

    Vượng xuống đến dưới nhà thì Nhàn đã chờ chàng ở buồng ăn với mười đồng bạc:

    - Anh cầm tiền đi, nhỡ người ta mời đánh tổ tôm.

    Vượng ngần ngừ:

    - Anh chỉ sợ thua. Thôi anh lấy năm đồng, nhỡ thua còn chạy được.

    - Thì anh cứ cầm cả đi. Nhỡ nửa chừng hết tiền thì có ê không? Tiền em đưa là mát tay lắm. Anh không sợ thua.

    - Đúng chứ?

    - Đúng lắm lắm. Anh cứ vững dạ.

    Vượng cầm lấy số tiền:

    - À, thế hôm nay cô định đi xem chớp bóng với chú Ba hay đi coi đá bóng với chú Hai?

    - Em đi ciné. Chứ đi coi đá bóng chán lắm.

    - Thế chú Ba chú ấy có... gì thì mặc kệ chú ấy nhé. Cái tính chú ấy thế, nhưng bụng tốt lắm.

    - Em hiểu rồi. Thế anh có ăn cơm nhà không?

    Hỏi xong, Nhàn lại tự trả lời:

    - Chắc thế nào bà Xuân Thái cũng giữ anh ở lại ăn cơm, và đánh tổ tôm đến khuya. Nhưng chúng em cũng cứ chờ anh đến bảy giờ. À, anh nhớ bảo với chị Quỳ mai đến chơi nhé.

    °

    Bà Xuân Thái tiếp Vượng thân mật như một đứa con.

    Đang ngồi trên sập, thoáng thấy Vượng ở trên xe bước xuống, bà vội vã chạy ra. Bà trách Vượng bằng một câu trách êm ái của những người mẹ:

    - Gớm, lâu lắm. Cậu tệ quá!

    Rồi bà liền chữa nhẹ lời trách:

    - Tôi định nếu chủ nhật này cậu không lại thì tôi cho em nó xuống triệu cậu lên.

    - Con bận quá.

    - Bận thì chủ nhật cũng phải được nghỉ chứ?

    - Có khi con làm cả chủ nhật. Mỗi chủ nhật đi làm, chủ trả thêm cho con ba đồng.

    Bà Xuân Thái nhìn kỹ mặt Vượng:

    - Cậu cũng không nên cố lắm. Nhỡ một cái thì khốn.

    Nhà đã có hai bà khách, nhiều lần đánh tổ tôm với Vượng. Thấy Vượng vào, hai bà mừng rỡ:

    - Ồ, thế thì chỉ còn thiếu có một chân nữa. Cụ cho đi gọi ai đi.

    - Được rồi, được rồi, không thiếu. Để cậu cả cậu ấy uống ấm nước đã. Này cậu cả, tôi mới ướp được mấy lứa chè ngon quá. Cậu thử xem có ngát không nhé.

    Bà giục u già đi đun nước, rồi mở tủ lấy lọ chè. Bà bốc ra một dúm, đặt vào lòng bàn tay Vượng:

    - Tôi định hôm nào cậu lên chơi, cho cậu mấy lạng để cậu đem về uống, nhưng chờ mãi chả thấy cậu lên. Mà tôi thì vợ chồng thằng Cả đi làm xa, bận quá, chằng đi đến đâu được.

    Vượng đưa chè lên mũi ngửi rồi khen:

    - Thơm quá!

    Chàng khen chiếu lệ như thế, chứ thật ra, lúc ấy, chàng có ngửi thấy gì đâu. Cả tâm hồn chàng còn đang xao xuyến về chỗ sắp được gặp Quỳ.

    Chàng đăm đăm nhìn về phía cầu thang. Ấm nước chè đã tàn, mà Quỳ vẫn chưa thấy xuống.

    Vượng bứt rứt không thể chịu được nữa:

    - Cậu Tý đi đâu ấy nhỉ?

    - Ấy nó đi bẻ răng. Hôm qua đau răng khóc cả đêm. Lúc nãy, chị nó phải đưa nó đi bẻ. Cũng sắp về bây giờ. Nó nhắc đến cậu luôn. Thế nào, đánh tổ tôm nhé. Để tôi gọi bà Cả Lợi.

    Vượng nghĩ ngay đến cái lỗ hổng của ngân sách, nếu chẳng may mình bị thua.

    Nhưng lúc đó, tình ái mạnh hơn tấm lòng lo về gia đình. Vả lại, chàng chưa được gặp mặt Quỳ:

    - Vâng, nhưng đánh nhỏ chứ.

    - Thì cũng như mọi lần. Tôm ba, gà ba, sáu chín mười hai.

    Một bà khách xen vào:

    - Thế là nhỏ lắm rồi.

    - Thôi hôm nay không đánh gà nữa.

    Bà Xuân Thái nhìn Vượng:

    - Ồ, không gà thì buồn chết. Cậu sợ thua à? Thua tôi cho vay.

    Bà khách lúc nãy, lấy ngón tay cái quẹt mép:

    - Cao như cậu đánh với chúng tôi thì chỉ có phần được.

    Vượng nói một cách lo lắng:

    - Cao chẳng có bài, cũng chả làm gì.

    Thoạt vào cuộc, Vượng ù ngay ván đầu, bài lại có tôm. Chàng đã vững dạ. Ván sau lại ù thông. Lúc này thì Vượng hết hẳn hồi hộp. Chàng thấy tỉnh táo lắm rồi. Chàng đinh ninh rằng canh này thế nào cũng được. Ván thứ ba bài lên tốt như ngọc, chạm chờ tứ sách xuyên cân lại có lèo. Nhà đầu cánh đánh tứ sách, bà Xuân Thái đã gọi phỗng, nhưng sau một khắc ngẫm nghĩ, bà lại thôi:

    - Chả phỗng nữa nhường cậu.

    Bà Cả Lợi xuýt xoa trong khi Vượng hạ tam ngũ:

    - Người ta ù thông, phải phỗng đi chứ. Tốt thế kia lại ù thông thôi.

    Vừa lúc ấy thì Quỳ về. Vượng mừng rỡ hoa cả mắt thành ra không nghĩ đến xoay, bỏ ù bát văn. Đến khi bà Xuân Thái bốc yêu, chàng hạ ù thì bà Cả Lợi nhận thấy.

    Bà Xuân Thái mắng các con:

    - Chúng mày tíu tít để cho anh nó bỏ ù. Thôi thế là mất ván bài gần ba đồng.

    Quỳ cười hỏi Vượng:

    - Thế anh có tiếc không?

    Vượng chưa trả lời thì bà Xuân Thái đã lại nói:

    - Con hỏi dở, sao không tiếc?

    Từ đấy, Vượng không ù một ván nào. Quỳ thấy thế cứ băn khoăn:

    - Tại em đấy.

    - Đâu phải. Tại tôi xoay chậm.

    Hết hai hộ, Vượng vẫn không ù, Quỳ bảo chàng đứng dậy:

    - Để em cầm cho. Thay tay em nó thế nào.

    Vượng không còn mong gì hơn: vừa để giải đen cũng có, vừa được ngồi gần Quỳ cũng có.

    Quỳ cầm hộ sáu ván, bài vẫn cứ nát như tương. Lúc ấy thì Vượng đã thấy mất hẳn cái thú được ngồi cạnh Quỳ. Cái lỗ hổng của ngân sách đã hiện ra một cách ghê sợ! Và chàng đã gần hết tiền. Mà vay thì chàng không muốn:

    - Thôi, thưa các cụ hội này, xin cho đánh hút đấy.

    Bà Xuân Thái không bằng lòng:

    - Cứ đánh đi. Hội sau nó khắc lại bài. Cậu có hết tiền, tôi cho vay. Dở dang thế thì chán lắm. Cậu phải ở đây ăn cơm, tôi đã bảo nó làm cơm rồi.

    Vượng không làm sao được, phải bằng lòng. Lúc ấy, ruột chàng đã nóng như lửa đốt. Chàng không còn đủ bình tĩnh để hưởng cái khoái cảm gây ra bởi bàn tay Quỳ lâu lâu chạm vào bàn tay chàng nữa. Chàng nghĩ đến lúc hết tiền phải hỏi vay bà Xuân Thái. Chàng thấy ngượng ngùng không thể nói.

    Vừa lúc ấy thì Đạt vào. Quỳ thấy Đạt liền buông bài:

    - Thôi xấu lắm trả anh.

    Rồi nàng chạy ra đón Đạt, bà Xuân Thái thấy Đạt reo lên:

    - À, thế cả hai anh em ở đây ăn cơm.

    Đạt lắc đầu:

    - Con phải về, vì con không dặn ở nhà.

    - Thì tôi sẽ cho em Tý xuống bảo.

    Đạt lại ngồi cạnh anh:

    - Anh được hay thua?

    - Mấy hội trắng chân. Hội này không khéo lại đến "bạch cược" nốt.

    Đạt cầm lấy bài ở tay anh:

    - Để em cầm cho. Em cầm là phải đỏ. Hôm nay, em đánh cuộc được bốn đồng đấy.
    Last edited by giavui; 06-23-2011 at 12:55 PM.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Thịt đùi gà cuộn trứng muối lạ miệng mà ngon
    By sophienguyen in forum Món Chính Chọn Lọc
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-04-2016, 12:01 AM
  2. Những Tháng Năm Cuồng Nộ
    By giavui in forum Truyện Dài Audio
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 04-30-2016, 12:44 PM
  3. Người tù cuối năm - Nhật Tiến
    By khieman in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-12-2013, 08:16 PM
  4. Chuyến Xe Đò Cuối Năm
    By giavui in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-19-2013, 11:40 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •