“Góc tường phụ thân” – Câu chuyện ngắn khiến bao người rơi lệ


Người cha già ốm yếu, tấm lưng gầy vác trên mình chiếc chăn bông để mang đến cho con trai, từng đồng tiền gửi con là từng giọt mồ hôi, vất vả của cha mẹ, nhưng chưa một lời cha oán than, hay một lần nghi ngờ.




Lo cho con từ thuở còn thơ. (Ảnh: Pinterest)

Hôm đó, tôi tới giúp đồng hương Minh Vũ chuyển nhà, trong lúc dọn dẹp đống sách cũ, anh ta chợt ngồi xổm trên mắt đất mà khóc lớn. Minh Vũ mở cuốn sổ nhật ký ghi chép chi tiêu hàng ngày, từng khoản tiền, từng bữa ăn sáng được ghi lại rõ ràng đến từng đồng. Sau đó anh đã kể lại câu chuyện đã qua của hai cha con.

Nhà của Minh Vũ ở tại vùng quê Từ Châu. Trong ký ức, cha anh làm thuê ở gần ga đường sắt Từ Châu, ông ấy rất hiếm khi về nhà. Khi anh thi đậu vào một trường đại học ở Tây An, cha anh đã rút về một số tiền từ ngân hàng, đếm đi đếm lại mấy lần rồi đưa cho anh lên Tây An học.

Năm nhất đại học, Minh Vũ say mê vào game online, đêm nào anh cũng đều ở trong quán net gần trường. Mặc dù cảm thấy có một chút lãng phí thời gian, nhưng các sinh viên xung quanh cũng đều như vậy, không chơi bóng thì cũng xem phim, hoặc là chơi game online, nên Minh Vũ cũng sống như vậy.


Nghỉ hè, Minh Vũ mới về nhà mấy ngày đã cảm thấy chán, liền thấp thỏm nói với cha cho anh lên trường chơi mấy ngày. Bởi ít nhất thì ở đó còn có quán net! Tưởng rằng người cha sẽ ngăn cấm, vậy mà lần đầu tiên ông đã đồng ý.

Xa xa, Minh Vũ nhìn thấy cha mình đợi ở lối ra ga xe lửa. Sau khi trải qua một năm cuộc sống đại học, đây là lần đầu tiên anh cảm thấy cha mình thật khó coi so với những người khác – những bộ quần áo cũ kĩ, lại còn rộng nữa.

Vì thế, anh đã nhắc cha mình rằng quần áo quá cũ, nhưng người cha nói rằng công việc ông làm là những việc chân tay, không phải ngồi trong văn phòng, mặc quần áo mới làm gì?

Anh ấy lại nói: “Nhưng nó cũng rộng quá rồi!”. Người cha lại nói rằng quần áo rộng thì làm việc mới thoải mái, nếu quần áo chật mới dang tay sẽ rách hết.

Điều mà Minh Vũ không ngờ tới đó là, vào năm 2003, thu nhập mỗi tháng của cha anh là hơn 4000 tệ, nhưng lại sống trong gác xép chỉ có 6 đến 7m vuông. Ngoài một chiếc giường khung kim loại, còn có một cái bồn rửa mặt trên cái kệ gỗ, cái bồn bằng sứ đó cũng đã mất đi lớp tráng men và một chiếc khăn đã bạc màu.

Minh Vũ đã luôn nghĩ rằng cha mình sống những tháng ngày rất thoải mái, nhưng không ngờ cha anh lại sống kham khổ như thế này. Hôm đó, cha đưa anh về nhà và nói: “Con ở đây nhé, cha đang bận việc”. Nói xong, liền vội vàng đi xuống cầu thang, Minh Vũ đứng dậy lặng lẽ đóng cửa lại rồi đi theo cha, anh muốn xem cha mình làm công việc gì.

Đi qua con đường quanh co nhiều ngã rẽ, Minh Vũ theo cha đến kho ướp lạnh Từ Châu. Tại đây có hơn mười người đang làm việc, một số đẩy xe, một số thì vác hàng, Minh Vũ thấy cha mình từ cổng bảo vệ đang đẩy xe ba gác. Lúc này, một chiếc xe tải lớn đi vào sân, và người cha cùng những người khác bám theo đuôi xe.

Mấy phút sau, Minh Vũ thấy cha đang khiêng một thùng các-tông lớn, đi được mấy bước, rồi dừng lại, lấy chiếc khăn buộc ở cổ tay lau mồ hôi, sau đó đi đến đặt thùng các-tông lên xe đẩy.

Cứ tiếp tục sau 7 lần như thế, người cha đã đẩy chiếc xe vào hầm chứa đá lạnh, sau đó dùng sức tập trung vào đôi bàn chân để đẩy xe hàng, ở bên ngoài cách mười mấy mét, Minh Vũ nhìn rõ những đường gân xanh trên chân của cha.

Hóa ra đồng tiền mà cha kiếm được là cả mồ hôi và nước mắt! Vì thế anh đã tự trách bản thân mình. Anh dò la người bảo vệ xem đẩy một xe hàng kiếm được bao nhiêu tiền? Bảo vệ nói với anh năm hào một thùng. Minh Vũ tính nhẩm, cha anh một lần vận chuyển được 7 hộp, vậy là ông kiếm được 3 đồng 5.

Chiều hôm đó Minh Vũ trở về nhà. Anh không còn nghĩ đến chuyện chơi game nữa, mà lúc ấy trong đôi mắt anh những đường gân xanh ở chân của người cha cứ hiện lên. Rồi anh tính xem những lần ở quán net của mình đã lãng phí bao nhiêu mồ hôi nước mắt của cha.

Trở lại trường học, cha lại rút ra từ ngân hàng một xấp tiền dày, đếm xong và đưa cho Minh Vũ. Anh đếm lại một lần nữa rồi nói: “Cha, học kỳ này học ít, 2000 là đủ rồi”. Nói xong, anh liền lấy một nửa số tiền đó đưa lại cho cha. Hôm đó, Minh Vũ quyết tâm trở thành một đứa con trai ngoan và là một học sinh giỏi.

Nhưng sự quyết tâm đó không lâu lại tan biến. Khi những bạn game rủ anh đi đến quán net, vô tình nhìn thấy các trò chơi anh lại bị lay động. Cuối cùng, một lần nữa anh lại đi đến quán net.

Trong ngày quốc khánh, các bạn cùng phòng tổ chức đi hát karaoke và tới quán bar, còn đi đến phòng xông hơi. Lúc ấy số tiền 2000 mang từ nhà lên đây tới cuối tháng 10 đã hết sạch. Minh Vũ đành gọi điện cho mẹ, nói dối rằng anh đã bị bệnh và tiêu hết số tiền hôm trước.

Vào chiều ngày thứ ba, thời tiết ở Tây An đột ngột lạnh, lúc Minh Vũ đang cùng bạn học đánh bài ở ký túc xá thì nhận được một cú điện thoại nói rằng ở ngoài cổng trường có người đang tìm anh. Minh Vũ chạy ra cổng và thấy cha mình, người cha mới ngoài năm mươi mà giống như một ông già 70 tuổi, thân hình lọm khọm với khuôn mặt mệt mỏi, lưng cõng một chiếc chăn bông.

Minh Vũ dẫn cha vào trong sân trường, rồi nhỏ giọng hỏi ông: “Sao cha lại đến đây, con đã gửi số tài khoản cho mẹ rồi, cha gửi tiền vào thẻ là được. Đi xa như thế, lại còn mang thêm đồ, vừa vất vả vừa lãng phí tiền bạc”.

Người cha điềm đạm nói với anh: “Nghe mẹ con nói, mấy hôm trước con bị ốm, bây giờ thế nào rồi, đỡ chưa con? Phải ăn uống đầy đủ, chăm sóc bản thân, con không cần phải lo lắng về chi phí sinh hoạt, miễn là con khỏe, học tốt, thì dù chi phí có nhiều hơn, cha cũng lo được cho con. Trời lạnh rồi, đây là cái chăn mà mẹ dùng bông do nhà ta trồng để may cho con đó”.

Minh Vũ ấp úng nói: “Con… đỡ nhiều rồi…”

Người cha nói: “Thấy con khỏe mạnh thế này, cha cũng yên tâm rồi, tiền chi phí sinh hoạt của con đây, không làm phiền con nữa, cha về nhé”.

Minh Vũ nhận tiền xong, đang định nói đưa cha đến nhà khách trong trường thì người cha nói: “Hai tháng nữa là đến kỳ nghỉ đông phải không? Lần này cha đưa cho con ba ngàn, con vừa mới khỏi bệnh, ăn uống nhiều hơn, giữ gìn sức khỏe mới học tốt được”.

Người cha dừng lại: “Con quay về đi!”. Minh Vũ biết tính của cha mình nên không nói gì cả và quay về. Anh đi được một đoạn thì quay đầu lại thấy cha vẫn đứng đó, vẫy tay với anh. Anh nhớ lại thời gian học trung học, mỗi khi cha đưa anh lên trường huyện học đều là những cảnh này, nghĩ đến đây những giọt nước mắt lại trào ra trong mắt.

Cái ví trống rỗng cuối cùng cũng đã được dày lên, các trò chơi đang chờ đợi anh. Sau bữa tối, Minh Vũ lại đi ra quán net. Sau năm tiếng đồng hồ giao tranh khốc liệt trong game, anh trở về ký túc xá. Như thường lệ, anh đi đến cây đa lớn bên ngoài trường rồi leo qua tường đi vào.

Khi anh leo qua tường, trái tim anh bỗng đau đớn! Ánh đèn mờ vàng chiếu rọi hình bóng của cha đang ngồi dựa vào tường, phía dưới kê một thùng giấy không biết nhặt từ đâu. Lúc đó, ông đang lấy chiếc áo bông quấn quanh người, và quấn chiếc khăn quàng cổ thời cấp 3 của anh trên đầu.

Minh Vũ kể đến đây, anh khóc lên thật lớn…

Khóc một lúc, Minh Vũ lại nói: “Sau đó, mẹ tôi nói với tôi rằng cha tôi nghe nói rằng tôi bị ốm, nên ông đã bất chấp thời tiết mà đến thăm tôi, không mua được vé xe ngồi, lại không nỡ mua vé xe giường nằm nên đã đứng hơn 20 tiếng mới đến Tây An. Vì để tiết kiệm một khoản tiền ở lại ký túc xá mà đã ngồi ở đó một đêm”.

“Đây là lần đầu tiên tôi đã khóc khi nghe điện thoại, trước khi mẹ nói với tôi, tôi luôn luôn giả vờ như không biết, bởi vì tôi biết cha mình cố chấp, nếu lúc đó tôi đánh thức ông dậy, thì ông cũng sẽ nằm ở đó. Tôi lặng lẽ trở về ký túc xá, nhưng trái tim rất đau, cứ nghĩ đến hình ảnh ông quấn chặt quần áo của mình khiến tôi rất đau lòng. Cả đêm đó tôi đã xóa tất cả các tài khoản game của mình”.

Kể từ đó, Minh Vũ không bao giờ lãng phí một xu nào để đến quán net nữa. Cũng kể từ ngày hôm đó, anh đã ghi lại cuốn sổ ghi nợ, bắt đầu bổ sung những bài tập chưa làm xong trước kia.

“Trước kia tôi luôn nghĩ rằng số mệnh cha tôi không tốt, không có phúc. Nhưng sau chuyện này tôi mới biết được, không phải là ông không có phúc mà ông đã quen với việc dành tất cả cho con trai của mình hưởng thụ…”

“Ông ấy đã làm việc ở nhà đông lạnh từ năm mười bảy tuổi đến mùa xuân năm ngoái”... Đến đây Minh Vũ không thể nói được thêm nữa. Sau đó, người cha của Minh Vũ qua đời, để lại cho anh một khoản tiền tiết kiệm là 370.000 tệ.

Tuệ Tâm, theo Secretchina