Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Những luyến tiếc về tình yêu vẫn còn tạo nên hạnh phúc.
Lermontov
Results 1 to 10 of 10

Chủ Đề: Thế nào là "Hà Nội 36 phố phường"?

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết
    .
    (tiếp theo)
    CHƯƠNG 5
    Thời điểm Sài Gòn -Cuối thập niên 70

    ÐÃ CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ !

    NHẬT TIẾN

    LTS Việt Tide số 209 tháng 7-2009 :

    Nhà văn Phan Lạc Tiếp, một thành viên nòng cốt của Ủy ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S Committee - thành lập ở San Diego từ năm 1980 do Giáo sư Nguyễn Hữu Xương làm Chủ tịch) dự tính từ năm 2005 là sẽ cho ấn hành một cuốn sách do ông biên soạn nhằm tổng kết những công việc do Ủy Ban đã từng vận động cho thuyền nhân từ năm 1980 cho đến khi Ủy Ban chấm dứt nhiệm vụ (1990). Cuốn sách mang tựa đề VỚT NGƯỜI BIỂN ĐÔNG, sẽ do Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, một tổ chức tiếp nối công trình của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển có trụ sở ở miền Đông Hoa Kỳ, ấn hành. Trong tiến trình biên soạn, tác giả có mời tôi tham gia một bài viết vì tôi cũng là một thành viên của Ủy Ban đã giải thể, hơn thế nữa, còn là một trong những nhân chứng đã trở thành nguyên nhân để Ủy Ban được thành lập.

    Bài viết này đáng lẽ chỉ ra mắt độc giả khi cuốn VỚT NGƯỜI BIỂN ĐÔNG được phát hành, nhưng vào thời điểm cộng đồng VN đang sôi nổi tranh đấu chống lại vụ nhà cầm quyền Cộng Sản áp lực hai chính phủ Nam Dương và Mã Lai phá bỏ những tấm bia tưởng niệm thuyền nhân ở Pulau Bidong và Galang, nên với sự chấp thuận của hai nhà văn Phan Lạc Tiếp và Trương Anh Thụy (đại diện Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển), tôi cho đã đăng tải trên báo Việt Tide trước đây và nay xin đưa vào tập tài liệu này, như một đóng góp vào những nỗ lực đấu tranh mà cộng đồng VN đã và đang thực hiện. Việt Tide

    Cho đến bây giờ, vào thời điểm 2005, con số vừa tròn để có thể nói là hai mươi lăm năm nhìn lại, tôi chỉ coi thảm kịch trên đảo Kra trong vịnh Thái Lan là một khúc phim cũ mòn đã bị khoả lấp bởi sức sống vươn lên mạnh mẽ của thuyền nhân tỵ nạn và bởi thời gian bao giờ cũng làm tăng lên sự phai nhoà của trí nhớ.

    Nhưng không lẽ một thảm kịch như thế, trong đó đã chất chứa không biết bao nhiêu nỗi đau thương, nghẹn ngào, cũng như đã chôn vùi biết bao nhiêu cái chết đớn đau tức tủi của những con người vô tội lại không còn được nhắc đến?

    Nếu mà như thế thì lịch sử đâu có lý do để tồn tại? Và nếu thế hệ mai sau muốn tìm lại dấu chân của các bậc cha anh, họ sẽ lấy gì để mà soi rọi? Rồi thêm nữa, những kẻ trong nhiều năm đã từng gây nên nguyên nhân sâu xa của thảm kịch thuyền nhân, gián tiếp xô đẩy hàng triệu con người ra biển cả chẳng lẽ lại được phủi tay, vỗ trắng trách nhiệm, dù chỉ là trách nhiệm tinh thần ?

    Chỉ mới nêu ra ngần ấy câu hỏi đã thấy dù là thuyền nhân hay chưa từng là thuyền nhân, cũng không ai muốn để cho những thảm kịch đã xẩy ra ở biển Ðông phải chịu số phận chôn vùi trong lớp bụi quên lãng của thời gian.

    Cho nên việc ôn lại những đau thương của thuyền nhân tỵ nạn trong muôn ngàn nỗi đau thương của bao nhiêu con người khác nữa kể từ sau biến cố 30-4-1975 sẽ chẳng phải là việc khơi lại hận thù, nhưng là chuyện cần thiết phải làm. Làm để dựng lại một mảnh gương lịch sử cho đời sau, để gìn giữ những chứng tích trước công lý ngõ hầu sau này trả lại công bằng cho mọi thành phần dân tộc trong ngày phán xét của lịch sử. Và thêm nữa, một mai, khi bình minh ló dạng trên quê hương, những tượng đài gian dối, những danh nhân biển sắt đầu đường bất xứng, những tên tuổi được ca ngợi một cách xảo trá trong sách vở mà trong nước đã in ...tất cả sẽ nhờ những công việc nhắc nhở này mà được sắp xếp lại. Tính chất vàng thau không thể vì nhu cầu chính trị nhất thời hay riêng tư mà lẫn lộn trong những trang sử của dân tộc vì chúng ta chỉ có thể trân trọng gửi lại cho con cháu những trang sử ghi chép sự thật mà thôi !

    Trong những ý nghĩ như thế, tôi hoàn toàn tán đồng và khích lệ các cựu thành viên của Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S Committee) biên soạn và ấn hành cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trên tay. Về phần cá nhân, tôi xin đóng góp bài viết nhỏ này trong cương vị của một trong những nhân chứng đã trở thành nguyên nhân để Uỷ Ban nói trên được thành lập.


    ***
    Sau 30-4-1975, tôi không có cơ hội đi thoát và đã ở lại Việt Nam.

    Trong hơn 4 năm trời ròng rã, tôi đã chứng kiến hay đã trải qua khá đầy đủ những hệ lụy của một con người sống trong cái mô hình xã hội do những người Cộng Sản tạo dựng nên. Ðấy là một xã hội hoàn toàn mất tự do, đầy dẫy những bất công phi lý và toàn bộ guồng máy điều hành đất nước đã được đặt trong tay những con người ngu muội, thiển cận, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù và sẵn sàng áp đặt mọi thứ luật lệ bất công lên đầu các tầng lớp quần chúng để dễ dàng trấn áp.

    Cho nên cùng với hàng triệu con người VN khác, tôi đã xuống thuyền đi tìm Tự do !

    Nhà văn Phan Lạc Tiếp, vốn là một sĩ quan Hải Quân, đã từng ra khơi ở Thái Bình Dương, khi nhắc đến biển, ông không khỏi đưa ra những hình ảnh hãi hùng:

    “Có những đêm trời biển đen đặc liền nhau như một miếng thạch, sóng gió ầm ầm, con tàu dài trên trăm thước, có thể chở cả trăm chiếc xe GMC, khi tàu cỡi trên ngọn sóng, rồi bất thình lình rơi thõm xuống trũng sóng, hẫng đi, toàn thân tàu rùng rùng chuyển mình như có thể gãy ra làm đôi. Khi mũi tàu chúi xuống, lái tàu bị hổng trên không, con tàu chơi vơi, bánh lái nhẹ tênh, mũi tàu chao đi, mất hướng trong mấy phút. Những phút như thế, dù đã dự trù, chằng buộc, vẫn không thiếu những đồ vật rơi đổ. Ðôi khi dầu lộn nước, máy tắt, đèn tắt. Cả tàu tối om trong năm bảy phút. Dù biết mọi sự sẽ được sửa chữa, bình thường, nhưng không phải những người trên tàu không lo sợ. Vì thế tôi nghĩ rằng chỉ những người không hiểu gì về biển mới dám liều đi như thế. “

    Thế mà chúng tôi đã ra đi, không phải bằng con tầu dài trên trăm thước chứa nổi cả hàng trăm xe vận tải, mà trên những con thuyền mỏng manh dài không quá hai chục thước, chật ních người, chỉ ngồi bó gối cũng đã hết chỗ.

    Và cũng đã có nhiều người ra đi trong tình trạng như thế, không chỉ một lần mà ba, bốn lần, thậm chí cả trên chục lần. Không phải là họ không biết những hiểm nguy đang chờ đón họ ở ngoài khơi mù mịt. Nhưng họ chỉ có một tâm niệm duy nhất là trốn chạy khỏi cái xứ sở, cái quê hương của chính họ vốn đang nằm trong vòng kiềm toả của chế độ CS.

    Thế mới biết, khi đem lên bàn cân, chế độ toàn trị của Cộng sản còn khủng khiếp hơn nhiều. Bởi vì đi ra biển, người ta có thể chết trong khoảnh khắc, nhưng ở lại đất nước trong thời điểm đó, con người chỉ thấy cái tương lai sống lầm than và cái chết mòn mỏi kéo dài suốt cả một đời người.

    Và đúng như đã có thể dự đoán trước, đoàn người chúng tôi ra đi vào ngày 19 tháng 10 năm 1979 đã gặp và chịu đựng rất nhiều thảm hoạ. Bốn lần bị cướp biển lục soát lấy hết mọi vật dụng quý giá, 21 ngày mòn mỏi bị lôi kéo vào đảo Kra trong Vịnh Thái Lan sống đầy đoạ trong đói khát, tủi nhục, thường xuyên bị hành hạ cho đến khi được Cao Ủy Ty Nạn Liên Hiệp Quốc cứu ra.

    Tôi không bao giờ quên cái buổi tối hôm 18-11-1979, ngày đầu tiên sau khi chúng tôi được đưa trở lại đất liền bằng con tầu do ông Theodore Schweitzer, Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tại Thái Lan thuê ra đón chúng tôi từ đảo Kra về tỉnh Songkhla, miền Nam Thái Lan.

    Tôi đã ngồi bó gối dưới ánh sáng của ngọn đèn néon mờ mờ toả xuống hàng hiên phía sau trạm cảnh sát Quận Pakpanang, lòng ngổn ngang trăm mối vì không biết rồi đây tương lai mình sẽ đi về đâu. Dù cơ thể đã suy yếu sau nhiều ngày gian khổ nhưng đầu óc tôi vẫn còn khá tỉnh táo để có thể nhớ lại những gì đã xẩy ra sau 10 ngày lênh đênh trên biển và trong 21 ngày sống trong vòng kiềm toả của đám hải tặc lui tới trên đảo Kra. Biết bao nhiêu nỗi niềm cảm xúc đã trào dâng trong lòng, nhưng trên tất cả hầu như vẫn là một sự hối thúc mạnh mẽ, thúc đẩy tôi phải tìm mọi cách thông báo chuyến đi hãi hùng của mình cho thân nhân, cho bạn bè và đồng bào trong nước được hay, vì vào thời điểm đó đang còn rất nhiều người chuẩn bị ra đi. Ðồng thời tôi cũng muốn đánh động lương tâm thế giới để những thảm kịch cướp bóc, hãm hiếp trên biển cả phải chấm dứt hay ít ra cũng có cơ may giảm thiểu.

    Dưới ánh sáng chập chờn và trong cái mái hiên lộng gió ấy, tôi đã viết bài tường thuật: “ Hành Trình Ði Tìm Tự Do Qua Ngả Thái Lan” mà sau này nó đã được công bố rộng rãi trên nhiều cơ sở báo chí, truyền thông và cũng đã được Uỷ ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển cho in trong cuốn Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan ấn hành năm 1981.

    Bài viết đã có trong tay, nhưng phổ biến nó thì phải kể tới sự hỗ trợ đầu tiên của những người bạn mà tôi rất thân quý: Nhà văn Lê Tất Ðiều và nhà văn Phan Lạc Tiếp. Họ chính là cái phao đầu tiên mà tôi bám víu để thực hiện được điều mình muốn làm, bởi nếu không có sự tiếp tay tận tình của họ, tôi chẳng thể một mình cáng đáng vì sau vài ngày tạm trú ở trạm cảnh sát, chúng tôi đã được đưa vào nhập trại tỵ nạn SongKhla, tài sản của tôi khi đó chỉ có một chiếc quần đùi đã rách mướp, một cái áo nỉ cộc tay và một đôi dép cao su một bên nhựa mầu xanh, một bên nhựa mầu đỏ, cả hai bên đều đã đổi mầu bạc phếch do tôi đã lượm được đâu đó ở ven rừng quanh đảo Kra. Như vậy thì làm sao tôi có phương tiện để giao dịch với thế giới bên ngoài. Cái áo nỉ cộc tay cũng là thứ tôi lượm được trên đảo mà nhân đây tôi xin phép được viết thêm đôi dòng để làm sáng lại một thứ tình cảm tốt đẹp mà tôi gọi là tình người.

    Hồi mới bị kéo vào đảo Kra, tôi còn mặc một cái áo len rất dầy, rất ấm, và nhờ nó, tôi đã trải qua được những đêm ngủ gần bãi biển, chẳng có mái che trên đầu, mỗi đêm trời mưa hai ba trận, phải chạy vào gốc cây rừng ẩn trú trong khi gió lộng thổi rào rào quất vào mặt những hạt mưa lạnh buốt. Thế rồi có một hôm tôi bị một thằng hải tặc nhìn thấy cái áo len còn tươm tất, nó liền bắt tôi lột ra để cho nó lấy mang đi. Những ngày sau đó, tôi lạnh run những lúc đêm về, nhưng may mắn sao, vào một lần đi quanh đảo, tôi bắt gặp cái áo nỉ cộc tay của ai đó vứt ngay trên bờ cỏ. Tôi đã lượm lên và mặc nó suốt những ngày còn lại trên đảo và cả hàng tháng trời sau khi nhập trại Songkhla, cho mãi tới lúc có tiền của thân nhân tiếp tế, tôi mới mua được cái áo ấm khác thay thế. Và cho tới khi đó, một vị phụ nữ đi cùng ghe đã tới gặp tôi. Bà cho biết cái áo nỉ ấy là của bà, bị hải tặc lấy đi, nhưng sau chắc mặc không vừa nó vứt đi và vì thế tôi lượm được, nhưng không rõ là áo của ai. Những ngày sống trên đảo, vị chủ nhân của cái áo ấy đã nhìn thấy tôi mặc, nhưng thấy tôi ốm yếu, trời lại lạnh, nên bà lẳng lặng nhường cho tôi mặc. Nay mọi sự đã ổn định, bà xin lại chiếc áo để giữ làm kỷ niệm. Tôi đã ứa nước mắt trả lại cho bà, và những ngày sau, tôi vẫn còn khóc được mỗi khi nghĩ đến tấm lòng nhường nhịn chia sẻ của bà, đã dành cho tôi ở trong cái hoàn cảnh mà ai nấy đều đói, lạnh và yếu đau hết.

    Tình người quả là thứ quý giá biết bao và không một thứ vật chất nào có thể so sánh được. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hoạn nạn, nó lại là một thứ hiếm hoi, cái không hiếm hoi dễ gặp thì lại là sự dửng dưng, tàn nhẫn như thái độ của toán lính hải quân Thái Lan đối với chúng tôi, chỉ một ngày sau khi chúng tôi bị kéo vào đảo Kra.

    Ðấy là toán tuần tiễu của hải quân Thái đi trên chiếc tiểu đĩnh mang số hiệu 15, xuất hiện ở ngay ngoài khơi đảo Kra vào đúng một ngày sau khi chúng tôi đặt chân lên đảo. Họ đã dùng xuồng cập đảo để gặp chúng tôi, hỏi han ghi chép đủ điều và sau cùng hứa hẹn sẽ quay trở lại trước khi bỏ đi.

    Nhưng họ không bao giờ trở lại hết. Họ cũng chẳng màng đến việc thông báo cho Cao Uỷ Tỵ Nạn ở Thái biết có sự hiện diện của 81 thuyền nhân trên đảo Kra. Một sự tàn nhẫn và lạnh lùng đến độ khó hiểu !

    Trong đoàn người đi cùng thuyền với tôi còn có cặp vợ chồng ký giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. Phục làm phóng viên của đài Phát Thanh Quân Ðội. Thuỷ làm ở đài Tiếng Nói Tự Do. Họ có nhiều đầu mối giao tiếp với các ký giả ngoại quốc, đặc biệt là ở Pháp. Vì thế, sau khi toán hải quân Thái Lan đã nuốt lời hứa, chúng tôi đành phải tìm một phương cách khác. Một lá thư ký tên chung Vũ Thanh Thuỷ và Nhật Tiến viết cho ông Felix Bolo, Chánh văn phòng đại diện Pháp Tấn Xã ở Bangkok đã được gửi tay mang đi, qua một ngư phủ có mặt trên một trong khoảng trên 50 con tầu hải tặc bu quanh đảo. Nội dung lá thư ấy viết bằng tiếng Pháp, tạm dịch như sau:

    Kính gửi :
    Ông Felix Bolo, Chánh văn phòng
    Pháp Tấn Xã (AFP)
    Bangkok - Thái Lan

    Chúng tôi ký tên dưới đây là VŨ THANH THỦY phóng viên Ðài Tiếng Nói Tự Do (VOF) Việt Nam, và NHẬT TIẾN, nhà văn miền Nam Việt Nam, Phó chủ tịch Trung Tâm Văn Bút VN, Hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế (P.E.N Club International), thuộc nhóm 81 người tỵ nạn (có 20 trẻ em và 25 phụ nữ) rời VN đi tìm tự do, trôi giạt trên biển 10 ngày và tới đảo Kra trong vịnh Thái Lan (cách quận Pakpanang khoảng 6 giờ tầu chạy) từ hôm 29 tháng 10 năm 1979.
    Hôm nay, ngày 13 tháng 11, tức đã là ngày thứ 15 chúng tôi sống trên đảo này trong điều kiện khủng khiếp, khốn cùng: không thực phẩm, không thuốc men, tất cả những phụ nữ đều phải trốn tránh ở trên núi hay trong rừng vì sợ hãi bọn hải tặc Thái Lan. Cái chết vì sự đói khát, lạnh lẽo và sự bạo hành đã đe dọa chúng tôi từng ngày (đứa con gái của Vũ Thanh Thủy mới sinh được có 4 tháng).
    Xin hãy giúp chúng tôi.
    Xin hãy thông báo càng sớm càng tốt tin tức của chúng tôi tới tất cả các hãng thông tấn, tới Trung Tâm Văn Bút Thái Lan, luôn cả Hội Hồng Thập Tự Quốc tế.
    Xin đừng để chúng tôi chết trên đảo này trong sự bị bỏ rơi và khốn cùng.
    Xin thành thật cám ơn ông.
    Xin gửi lời chào thân hữu của chúng tôi tới ông JEAN CLAUDE POMONI (báo Le Monde) và tới cô MARIE JOANIDIS.
    Viết tại đảo Kra ngày 13 tháng 11 năm 1979
    VŨ THANH THỦY - NHẬT TIẾN

    Lá thư được gửi đi trong tâm trạng đợi chờ đằng đẵng, nhưng cũng chẳng bao giờ chúng tôi có được hồi âm. Có thể nó đã bị vứt bỏ ngay giữa biển khơi nên không tới tay người nhận, lòng tin tưởng của chúng tôi về tình người, vào khi đó, cũng vì thế mà phai nhạt dần.

    ***
    Nhập trại tỵ nạn Songkhla được ít ngày, ngoài thư từ thông báo cho nhà tôi còn ở VN (Ðỗ Phương Khanh vượt biển tháng 4-1980, tạm trú ở Pulau Tengah - Mã Lai), tôi đã liên lạc và báo tin về chuyến đi hãi hùng của mình cho một người bạn rất thân thiết mà tôi có địa chỉ, đó là nhà văn Lê Tất Ðiều, người đã và hiện đang còn định cư ở San Diego. May mắn thay, cùng cư ngụ ở một nơi với Lê Tất Ðiều còn có nhà văn Phan Lạc Tiếp, một người bạn học cũ của vợ chồng chúng tôi thời còn cắp sách ở Hà Nội mà sau 1975, chúng tôi không có địa chỉ liên lạc. Nhờ nỗ lực mau chóng và chứa chan tình cảm chia sẻ, các anh Lê Tất Ðiều và Phan Lạc Tiếp đã phổ biến rất rộng rãi bài tường thuật “ Hành Trình Ði Tìm Tự Do Qua Ngả Thái Lan”, đặc biệt là trên tờ Người Việt Cali của ký giả Ðỗ Ngọc Yến, tờ Việt Nam Hải Ngoại của Ðinh Thạch Bích, Tờ Ðất Mới của Vũ Ðức Vinh, tờ Văn Nghệ Tiền Phong của Lê Thanh Hoàng, tờ Ngày Nay của Lê Hồng Long, tất cả ở Hoa Kỳ, tờ Quê Mẹ của Võ Văn Ái ở Paris, Pháp quốc, tờ Ðộc Lập của Vũ Ngọc Yên ở Tây Ðức, tờ Chuông Sài Gòn của Nguyễn Vy Tuý ở Úc Châu, cùng nhiều báo Việt ngữ rải rác khắp nơi trên thế giới nữa.

    Nhưng điều may mắn hơn nữa, ở San Diego, ngoài Lê Tất Ðiều và Phan Lạc Tiếp cư ngụ, còn có đông đảo đồng hương với nhiều nhân vật có uy tín, có tên tuổi, như Giáo sư Nguyễn Hữu Xương, hoạ sĩ Văn Mộch, luật sư Ðinh Thạch Bích, dược sĩ Lê Phục Thuỷ, ông Nguyễn văn Nghi..v.v..và đặc biệt, có cả một tấm lòng hết sức nhiệt thành và tha thiết với người Việt Nam, đó là dịch giả người Hoa Kỳ, anh James Banerian nữa. Chính những nhân vật này cùng các nhân sĩ khác trong cộng đồng VN ở San Diego đã mau chóng thành lập một tổ chức đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của chúng tôi.

    Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S Committee) chính thức ra đời ngày 27 tháng 2 - 1980 với những hoạt động rất tích cực và hữu hiệu, mà qua đó các bản cáo trạng gửi đi từ hộp thư dành riêng cho trại tỵ nạn : P.O Box 3 Songkhla Thái Lan, ký tên Nhật Tiến - Dương Phục - Vũ Thanh Thuỷ đã được phổ biến rộng rãi, rồi những kháng thư thống thiết đã được Ủy Ban soạn thảo và gửi tới nhiều tổ chức cũng như nhân vật quốc tế, kể cả Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái và đặc biệt là những vận động của Uỷ Ban (cùng với tiếng nói của tờ Quê Mẹ ở Paris và nhiều tờ báo Việt ngữ khác ở hải ngoại) mà nhiều con tầu Vớt Người Biển Ðông như Ile de Lumière, Akuna, Cap Anamur, Medecins Sans Frontière, Clara Maersk (Đan Mạch)..v..v.... đã liên tục ra khơi.

    Sự đáp ứng sốt sắng cùng những sự bầy tỏ chia sẻ những đớn đau mà chúng tôi đã phải chịu đựng của các đồng hương hải ngọai thực sự đã an ủi và làm ấm lòng chúng tôi, những thuyền nhân sống sót cư ngụ tại các trại tỵ nạn ở Ðông Nam Á, rất nhiều. Mỗi lần có đợt báo mới (Việt ngữ) vào tới trại, lòng chúng tôi rưng rưng không cầm được nước mắt khi được đọc những bản tin tường thuật các cuộc họp mặt, các cuộc mít tinh, các cuộc xuống đường ồn ào của đồng hương trên khắp thế giới mà nội dung chỉ nhằm mục đích đấu tranh cho thuyền nhân tỵ nạn. Nhiều cáo trạng của chúng tôi đã được đọc lại trong các buổi tổ chức này. Và đồng bào khắp nơi đã khóc cùng với chúng tôi qua những giọt nước mắt xót thương trước những thảm nạn có một không hai trong nửa sau của Thế kỷ Hai Mươi này. Nói vài lời tri ơn về những công cuộc này, tôi nghĩ là chưa đủ nhưng cũng có thể là thừa. Vì đã chung một dòng máu Việt, ai mà không thấu hiểu ý nghĩa của câu: “ Một con ngựa đau, cả tầu không ăn cỏ” .

    Những con ngựa đau ấy đã có một thời kỳ làm nhân chứng tố cáo mạnh mẽ trước dư luận thế giới, đặc biệt là trước chính phủ và nhân dân Thái. Tôi còn nhớ một ngày trong tháng 4 năm 1980, vào buổi trưa lúc mọi người trong trại đang dùng bữa thì tên tôi đã được gọi trên loa toàn trại để gọi ra trình diện tại trạm cảnh sát Thái.

    Thì ra chính phủ Thái đã cử một Trung Tá cảnh sát lặn lội từ Bangkok về Songkhla ở phía Nam, cách xa hàng ngàn cây số để điều tra hư thực về những bản cáo trạng mà chúng tôi đã công bố. Nào vụ giam giữ 157 thuyền nhân trên đảo Kra với nhiều nạn nhân bị xô xuống biển (tổng cộng có 5 con tầu vượt biên bị hải tặc kéo vào đảo trong lúc chúng tôi đang ở đó, trong số này có 1 thuyền chỉ còn sống sót đúng duy nhất có một người sau khi cả thuyền bị hải tặc xô xuống ở ngoài khơi cách bờ hàng trăm thước), nào vụ một thiếu nữ trốn tránh trong bụi rậm bị hải tặc tưới dầu phóng hoả xua ra khiến cho cô bị cháy hết cả một mảng lưng hàng mấy tháng liền không nằm ngủ trong tư thế bình thường, nào vụ một ông già bị 4 tên hải tặc trên đảo giữ chân, giữ tay và dùng tourne-vis đục một nửa hàm răng trên để lấy đi mấy chiếc răng vàng. v...v...

    Viên Trung tá cảnh sát Thái Lan mở hồ sơ chất vấn tôi đến đâu, tôi đều gọi được nhân chứng trong trại ra trực tiếp xác nhận đến đó. Cuối cùng thay vì vẫn còn giữ thái độ giận dữ vì chúng tôi đã “ bôi nhọ danh dự dân tộc Thái” mà ông ta có lúc ban đầu, sau khi nhìn rõ sự thực, chính ông cũng đã phải rút khăn tay lau nước mắt vì xót thương cho những hoàn cảnh quá phũ phàng mà thuyền nhân VN đã phải chịu đựng.
    ***
    Như trên tôi đã trình bầy, thảm kịch trên đảo Kra trong vịnh Thái Lan chỉ là một khúc phim cũ và đã bị khoả lấp bởi sức sống vươn lên mạnh mẽ của thuyền nhân tỵ nạn và cũng bởi thời gian bao giờ cũng làm tăng lên sự phai nhoà của trí nhớ.

    Sự nhắc lại những đau thương của thuyền nhân tỵ nạn trong muôn ngàn nỗi đau thương của bao nhiêu con người khác nữa kể từ sau biến cố 30-4-1975 là công việc dựng lại một mảnh gương lịch sử để cho các đời sau nhìn lại. Nó cũng là một thứ chứng tích sống động trước công lý để sự xét xử sau này, từ đó sẽ trả lại công bằng cho mọi thành phần dân tộc.

    Hẳn cũng vì những lý do đó mà trong tháng Ba năm nay (2005), hơn một trăm cựu thuyền nhân từ nhiều nơi trên thế giới đã đến Mã Lai và Nam Dương trong cùng một chuyến đi để thăm viếng mồ chôn những thuyền nhân xấu số và thiết lập ở mỗi nơi một tấm bia tưởng niệm. Thế mà chỉ trong vòng không đầy 2 tháng sau, nhà nước CS Việt Nam đã áp lực chính phủ hai nước này huỷ bỏ hai tấm bia đó, đến nỗi tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một khuôn mặt trí thức đấu tranh cho tự do dân chủ hiện còn đang sống ở trong nước đã phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn do phóng viên Ðinh Quang Anh Thái thực hiện trên đài Little Saigon Radio ở Nam Cali qua điện thoại :

    “ Nếu thật sự có việc nhà cầm quyền Hà Nội đã áp lực với hai chính phủ Mã Lai và Nam Dương đập phá bia tưởng niệm, tức là miếu thờ của thuyền nhân Việt Nam ở Bidong và Galang, thì đó là một hành động ngu xuẩn và tàn bạo không thể tưởng tượng được.”

    Vào thời điểm tôi viết bài này, tấm bia ở Galang, Nam Dương đã bị đục bỏ đi rồi, còn tấm bia ở Pulau Bidong, Mã Lai thì đang ở trong vòng vận động hay tranh cãi, chưa biết số phận của nó sẽ ra sao. Nhưng sự việc đã cho thấy nhà nước Cộng sản VN dù đang kêu gào mở cửa, đổi mới, nhưng họ vẫn tiếp tục xuyên tạc hay bôi xoá lịch sử.

    Những tấm bia cụ thể có thể bị những âm mưu chính trị đục bỏ nhưng ai có thể xoá được tấm bia đã ghi sâu trong lòng của những người Việt Nam tỵ nạn?

    Thế thì cái trò ngu xuẩn đòi phá bỏ những tấm bia lưu niệm ở Pulau Bidong và Galang chỉ một lần nữa khẳng định thêm chính nghĩa mà thuyền nhân đã mang theo khi họ liều chết ra khơi.

    Ngoài những lý do kể trên, tôi cũng mong mỏi bài viết này, tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ thay cho một nén hương lòng, thắp lên để tưởng niệm biết bao nhiêu con người đã vùi thây oan khốc trên biển cả, trong rừng sâu, trên đường họ trốn chạy một chế độ tàn bạo đang ở vào một thời kỳ mông muội nhất so với cộng đồng nhân loại.

    Garden Grove, California ngày 1 tháng 7 năm 2005.
    NHẬT TIẾN
    (còn tiếp)
    .

  2. #2
    Join Date
    Nov 2010
    Bài Viết
    9,247
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 8 Lần
    Trong 8 Bài Viết
    Thế nào là "Hà Nội 36 phố phường"?

    Nội thành Hà Nội hiện nay có 7 quận gồm 102 phường, tức 102 đơn vị hành chính cấp cơ sở với trên 400 phố và ngõ.
    Nhưng đó là phường và phố Hà Nội hiện nay. Còn ca dao cổ có câu:

    Hà Nội băm sáu phố phường
    Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh...

    Câu ca dao đó nay ai cũng thuộc nhưng không chính xác!
    Thực ra, phố và phường là hai phạm trù khác nhau.
    Vào thời Lê, "phường" ngoài nội dung chỉ các tổ chức của những người cùng làm một nghề (phường chèo, phường thợ) thì còn một nội dung nữa, chỉ những khu vực địa lý được coi là đơn vị hành chính cấp cơ sở ở kinh thành Thăng Long. Sử cũ còn ghi Thăng Long đời Lê gọi là phủ Phụng Thiên. Chia ra hai huyện Vĩnh Xương (sau đổi ra Thọ Xương) và Quảng Đức (sau đổi ra Vĩnh Thuận). Mỗi huyện 18 phường. Như vậy Thăng Long có 36 phường. Suốt ba thế kỷ, nhà Lê vẫn giữ nguyên sự phân định hành chính đó.

    Sang đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đổi gọi Thăng Long là phủ Hoài Đức và chia nhỏ ra làm nhiều đơn vị mới, có tên gọi là phường, thôn, trại. Huyện Thọ Xương bị chia ra làm 8 tổng với 183 phường, thôn, trại; huyện Vĩnh Thuận bị chia ra làm 5 tổng với 56 phường, thôn, trại. Tổng cộng phủ Hoài Đức, tức kinh thành Thăng Long cũ, gồm 13 tổng, 239 phường, thôn, trại.

    Đến khoảng giữa thế kỷ XIX, hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận vẫn y nguyên 13 tổng nhưng con số các phường, thôn, trại rút xuống mạnh (do sáp nhập): Thọ Xương còn 113 phường, thôn, trại. Vĩnh Thuận còn 40 phường, thôn, trại. Tổng cộng là 153 phường, thôn, trại. Như vậy là nhà Lê cho Thăng Long hưởng một quy chế riêng (gọi là Phủ, trực thuộc trung ương và suốt ba thế kỷ chỉ gồm có 36 phường). Ngược lại, nhà Nguyễn đã đánh đồng Thăng Long với các phủ khác, phải lệ thuộc vào tỉnh và cũng có tổng, có thôn, có trại như mọi nơi. Đó là một việc làm của chủ trương "hạ cấp" Thăng Long.

    Như thế, không làm gì có cái gọi là "Hà Nội 36 phố phường". Chỉ có Thăng Long thời Lê có 36 phường hoặc là Hà Nội thời Minh Mạng có 239 phường, thôn, trại và Hà Nội thời Tự Đức với 153 phường, thôn, trại. Do tình hình chia nhỏ Thăng Long nên một phường đời Lê đã phân ra làm nhiều phường, thôn, trại thời Nguyễn.

    Bây giờ sang vấn đề "phố". Phố khác hẳn phường. Nếu phường nguyên nghĩa là một khu vực hành chính thì phố nguyên nghĩa là chỗ bán hàng, nơi bày hàng, tức là như ta nói ngày nay là cửa hàng, cửa hiệu. Phố có thể là một ngôi nhà bày bán hàng mà cũng có thể ban đầu chỉ là một chỗ trống nhưng lấy làm nơi bày hàng hoá để buôn bán. Cho nên ví dụ như cụm từ phố Hàng Trống nguyên nghĩa chỉ là một ngôi nhà, một cửa hàng có bán mặt hàng là trống. Cũng vậy phố Hàng Chiếu vốn chỉ một nhà có bán mặt hàng chiếu... Song do các "phố" tập trung ken sát nhau thành một dãy (dài hoặc ngắn là tuỳ) nên cái dãy gồm nhiều phố ấy (phố với nghĩa là cửa hàng, cửa hiệu) cũng được gọi tắt là phố. Và dần dần cái từ phố với biến nghĩa là một dãy các cửa hàng cửa hiệu đã lấn át cái từ phố có nguyên nghĩa là một ngôi nhà bày bán hàng. Và thế là thay vì nói dãy phố Hàng Chiếu, người ta nói phố Hàng Chiếu, phố Hàng Bạc... để chỉ những con đường mà hai bên là những ngôi nhà bày bán chiếu, bán vàng bạc... Hiện nay trong ngôn ngữ miền Bắc, từ phố với nguyên nghĩa là ngôi nhà, cửa hàng đã phai mờ hoàn toàn, song miền Trung, miền Nam thì lớp trung niên trở lên vẫn sử dụng.

    Do sự hình thành như vậy mà trong một phường cổ có nhiều phố. Như cùng trong phường Đông Các có phố Hàng Bạc, phố Hàng Mắm, phố Hàng Giày... Cho nên phường không bao giờ lại ngang hàng với phố mà là trùm lên các phố. Và cũng vì thế, 36 phường thời Lê không thể là 36 phố + phường được./.



    Hà nội 36 phố phường
    Tác giả: Nguyễn Bính
    Hà nội ba mươi sáu phố phường,
    Lòng chàng có để một tơ vương .
    Chàng qua chiều ấy qua chiều khác,
    Góp lại đường đi, vạn dăm đường .

    Nhà ấy hình như có mặt trời,
    Có rừng có suối có hoa tươi;
    Bao nhiêu chim lạ, bao nhiêu bướm ?
    Không! Có gì đâu, có một người .

    Chân bước khoan khoan, lòng hỏi lòng:
    --Có nên qua đấy nữa hay không ?
    Không nên qua đấy, nên qua đấy ,
    Không: Nhớ làm sao! Qua mất công .

    Có một chiều kia anh chàng si
    Đến đầu phố ấy bỗng ngừng đi:
    --Hai bên hàng phố hình như họ ...
    Đi mãi đi hoài có ích chi ?

    Đem bao hy vọng lúc ra đi,
    Chuốc lấy buồn thương lúc trở về .
    Lòng mỗi lần đi lần bão táp,
    Mỗi lần là một cuộc phân ly .

    Chàng đau đớn lắm, môi cắn môi;
    Răng cắn vào răng, lời nghẹn lời:
    --Hờ hững làm sao! Mê đắm quá!
    Trời ơi! Cứu vớt lấy tôi! Trời!

    Chao ơi! Yêu có ông Trời cứu!
    Yêu có ông Trời khóa được chân!
    Chàng lại đi về qua phố ấy,
    Mấy mươi lần nữa và vân vân ...

    Chàng đi mãi, đi đi mãi,
    Đến một chiều kia, đến một chiều
    Phố ấy đỏ bừng lên: Xác Pháo,
    Yêu là như thế ? Thế là yêu ?

    Hà Nội ba mươi sáu phố phường,
    Lòng chàng đã dứt một tơ vương .
    Chàng qua chiều ấy qua chiều khác ....
    Ô! Một người đi giữa đám tang .
    Hãy luôn đặt mình vào vị trí người khác . Nếu điều đó tổn thương bạn thì nó cũng sẽ làm buồn người khác



Chủ Đề Tương Tự

  1. Mafia "chọc thủng" biên giới Mỹ thế nào?
    By Hansy in forum Tin Tức Quốc Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-11-2011, 02:13 PM
  2. Ý Lan về Hà Nội hát trong "Khung trời kỷ niệm"
    By duyanh in forum Tin Tức Văn Nghệ
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-05-2011, 11:23 AM
  3. Hà Nội: Phố "ôm hôn, sờ soạng" ở Hồ Gươm
    By duyanh in forum Tin Tức Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-06-2011, 04:17 PM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-18-2010, 03:06 AM
  5. Trả Lời: 39
    Bài Viết Cuối: 10-17-2010, 11:08 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •