Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc giống như tiếng vang, chỉ nghe được tiếng trả lời mà không bao giờ thấy đến.
Carmen Sylva
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Chị Ơi ! Anh Yêu Em

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,731
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chị Ơi ! Anh Yêu Em

    Tác Giả : Cusiu





    http://www.mediafire.com/folder/jqi7....._Anh_Yêu_Em
    Last edited by giavui; 04-02-2018 at 12:36 AM.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,731
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương Hai Mươi Hai

    - Ông bạn! Hẳn ông bạn còn nhớ lần gặp gỡ đầu tiên, tôi có nói với ông bạn một câu về Trần Hữu Lăng tức Tôkubê liên quan đến đời tư của anh ta.

    Ômya đặt ly rượu xuống bàn, thong thả hỏi tôi như vậy.

    - Thú thực, tôi không còn nhớ nữa. Chớ câu chuyện đời tư của Tôkubê như thế nào?

    - Tôi nhớ rằng lúc ấy ông bạn có nói rằng thỉnh thoảng Trần Hữu Lăng tức Tôkubê lại bỏ Sài Gòn đi về miền Trung để thăm gia đình tại đó. Tôi nói: "Theo chỗ tôi biết, Tôkubê không có gia đình, vợ con nào ở Việt Nam. Tôi còn nghĩ rằng ngoài người vợ và hai đứa con ở Nhật hiện nay, Tôkubê không thể lấy một người đàn bà nào khác. Ông bạn hỏi tôi tại sao thế. Thì tôi nhớ đã trả lời rằng câu chuyện ấy thuộc về đời tư của anh ta, chắc ông bạn không muốn nghe làm gì".

    - Phải, tôi đã nói với ông như thế! Bởi vì tôi không muốn cho ai biết về đời tư của Tôkubê, nhưng đến hôm nay tôi thấy rằng không nói hết cả chuyện liên hệ đến Tôkubê thì không thể nào hiểu được tất cả bí ẩn trong cái chết của ông ta.

    Mà nhiệm vụ của tôi là phải hiểu biết rõ về cái chết đó, vì một lời đã hứa với vợ con của anh ấy trước khi tôi dời Nhật để trở lại Việt Nam lần này.

    - Ông hứa làm sao? Mà thật tình tôi nghĩ hơi tò mò: có lẽ mẹ và vợ Tôkubê đến tận lúc này vẫn chưa biết là anh ta đã chết, cho nên mới nhờ ông bạn sang đây tìm kiếm để biết tin tức phải không?

    - Có lẽ vậy. Nhưng đó là chuyện sau này. Đã coi nhau là bạn thân thiết, không giấu diếm nhau điều gì trước sau thế nào tôi cũng nói hết cho ông bạn biết tất cả đâu đuôi gốc ngọn...

    Nhưng bây giờ, tôi hãy nói về Tôkubê sau khi cướp một số cổ ngoạn của Mệ Hoát đem đóng thùng gởi về chôn trong cái kho tàng bí mật ở dãy Trường Sơn, còn một số thì đập phá tan tành rồi nổi lửa đốt cháy nhà Mệ Hoát làm cho hàng trăm ngôi nhà chung quanh đó thành ra tro bụi.

    Theo lời anh bạn Nhật mà tôi gặp ở Phan Rang hôm Tết, Tôkubê sau khi đã làm xong hành động điên rồi, man dại đó, sống ngất ngư như một người si. Ông bạn có quan niệm như thế nào là một người si không? Chiến tranh tàn phá trí óc của con người và tạo ra nhiều loại điên khùng khác nhau. Có người điên tưởng rằng mình được Trời phú cho làm cha thiên hạ; có người cho rằng mình càng giết được nhiều người thì càng có tiếng là anh hùng hảo hán; có người nghĩ rằng càng lợi dụng được chiếng tranh, làm giàu trên xương máu đồng bào thì càng được tiếng là khôn; có người không có gì hết nhưng yên trí nếu không đánh địch thì mình mất hết không còn gì; có người cho rằng xứ mũ ni che tai, mặc cho thiên hạ chém giết nhau là ổn hơn hết, rốt cuộc thì là trời định đoạt, con người bé nhỏ làm sao mà lo liệu được... Có hàng ngàn thứ suy nhược thần kinh, có hàng ngàn thứ điên khùng do chiến tranh tạo ra, ông bạn ạ... Si là một thể của cái chứng suy nhược thần kinh đó, mà Tôkubê đã mắc phải sau khi cướp đi và phá phách các cổ ngoạn nhà Mệ Hoát.

    Bắt đầu, anh ta mất hẳn trí nhớ, nói trước quên sau. Dần dần, anh ta sinh sự với tất cả những người là mtrái ý hay không làm trái ý mình. Những lúc lên cơn như thế anh cảm thấy co thể giết người như bỡn, nhưng nhiều khi sau đó thì lại thấy rã rời ra, không muốn gì hết, không thù hận ai hết, không muốn nói với ai hết. Anh ngồi ì ra đó hàng tiếng đồng hồ, mắt trân trân mở ra nhìn không chớp vào khoảng không, lòng vắng lặng như quán chợ chiều hôm nhưng có lúc lại rạt rào ý nghĩ chán chường, muốn tìm một cái gì mới nhất, lạ nhất để chết. Ở vào thời buổi chiến tranh; không có gì rùng rợn hơn là cái tư tưởng của con người khi con người cúi xuống nói chuyện với lòng mình và thấy tất cả cuộc đời mình chỉ là một số không, một cái gì tối ư vô nghĩa lý.

    Tôkubê nghĩ gì về cuộc đời của anh? Về hành động của anh? Và sự tàn phá các thành phố, các công trình văn hóa, các tâm tình và đầu óc người ta do chiến tranh đã tạo nên?

    Không có ai biết hết, nhưng cũng chẳng ai tìm biết làm gì.

    Sự sợ chết, sự túng thiếu, sự lo đói làm cho lòng người khô cằn lại và đầu óc của người ta trở nên ích kỷ hơn. Bởi thế, chẳng ai tự hỏi tại sao Tôkubê đương ngồi thần ra hàng tiếng đồng hồ lại ôm lấy mặt khóc rưng rức; tại sao Tôkubê đang ngồi lại đứng giơ hai tay lên như muốn thu can đảm lại để đối phó một vụ gì quan trọng lắm, tại sao Tôkubê đang nhìn vào bóng mình trong cốc rượu lại đổ hất cả chén rượu đi rồi cất tiếng hát như khóc như than, như gào như thét...

    Nhưng không phải lúc nào Tôkubê cũng si dại như thế đâu, có những ngày, và có những khi anh tỉnh táo và nói chuyện tử tế, điềm đạm y như người bình thường vậy.

    Có một hôm, chính anh bạn mà tôi gặp ở Phan Rang đã nói với Tôkubê:

    - Tôi với anh làm việc cùng ở một cơ quan, biết nhau đã nhiều, tôi có một đôi điều muốn nói với anh.

    Tôkubê cúi gập lưng xuống, trả lời:

    - Không có gì quý báu hơn. Tình bạn ăn ở với nhau, chỉ cần có thế.

    - Tôi thấy ít lâu nay anh không mạnh khỏe. Có lẽ chính anh không biết như thế, nhưng bè bạn của anh đều nhận thức như tôi.

    - Anh nói đúng. Có lúc tôi cũng biết thế, nhưng biết làm sao bây giờ?

    - Tôi không có tư tưởng cao xa. Tôi chỉ có những ý nghĩ thiển cận nhưng thực tế. Anh Tôkubê, anh nên nghe tôi, anh nên nghe những lời của chúng bạn. Anh phải kiếm một người yêu thương anh, trông nom sức khỏe cho anh và săn sóc anh, an ủi anh những khi tối đèn, tắt lửa!

    Chưa bao giờ có ai lại thấy Tôkubê ôm mặt khóc lớn tiếng khóc não nùng, thảm thiết như hôm ấy.

    - Nghĩa là anh bảo tôi kiếm một người vợ phải không?

    - Chính thế.

    Tôkubê đứng dậy, cúi gập lưng xuống lạy người bạn, vừa khóc vừa nói:

    - Tôi xin cảm tạ anh và các bạn và xin thề là cho đến khi chết tôi cũng không quên được cảm tình của các anh đối với tôi. Nhưng bất cứ điều gì tôi cũng không thể nghe theo lời các anh được, tôi đã suy nghĩ kỹ lắm rồi...

    - Tôi biết là anh sẽ phải trả lời như thế. Anh không muốn phụ vợ, dối con ở Nhật, nhưng anh lầm rồi: đàn ông lấy năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Vả lại trường hợp của anh là một trường hợp đặc biệt, anh lấy một người nào ở đây có phải là vì đam mê, sa ngã gì đâu, nhưng lấy là để cho có người làm bè bạn và trông nom săn sóc trong những lúc trở trời trái gió.

    - Không, tôi không hề băn khoăn về điểm đó. Nhưng tôi không thể nào lấy được. Tôi đã suy nghĩ nhiều đêm lắm rồi anh ạ, tôi không có quyền lấy bất cứ người đàn bà nào khác nữa, ngoài o Phương Thảo.

    - Phương Thảo là ai vậy?

    - Anh không có quyền biết.

    Người bạn tưởng chừng Tôkubê lại sắp lên cơn nói sảng gì đây nên gạt đi không nói nữa, nhưng Tôkubê như không hề để ý cứ nói tiếp và nói như thể cho chính mình nghe vậy:

    "Nhưng bây giờ, ví thử chính Phương Thảo có sống lại mà lấy tôi, tôi cũng không lấy nữa. Là vì ít lâu nay, tôi đã hiểu tôi hơn: tôi không phải là thằng người anh ạ, nhưng chính là một con quỷ - một thằng người mà chiến tranh đã biến thành con quỷ - mà con quỷ không có quyền lấy vợ để sinh ra những con quỷ nhỏ kế tiếp nhau là dơ dáy loài người, làm nhớp nhúa thêm trái đất đã tràn đầy nhớp nhúa".

    Càng nghe, người bạn lại càng không hiểu Tôkubê nói gì. Ông Ômya im lặng một giây, hút hết nửa điếu thuốc mới nói tiếp với tôi:

    - Chính lúc anh bạn tôi thuật lại câu chuyện cho tôi nghe vẫn không hiểu, và yên trí Tôkubê lên cơn nói nhảm.

    Riêng tôi hơi hiểu, nhưng không nói ra làm gì. Thâm tâm tôi mừng một chút là vì thấy Tôkubê đã nhận thức được phần nào cái thực chất của mình và tỏ ra hối hận về những hành vi tàn ác mà mình đã tạo ra.

    Tôi thành thật hy vọng rằng sự cảnh giác đó sẽ lần lần cải hóa để giúp cho tội lỗi của anh mỗi ngày mỗi vơi đi.

    Nhưng tôi đã lầm. Thực sự là không có cái gì bí hiểm, phức tạp hơn con người ở trên cõi đời này, ông bạn ạ.

    Tôkubê nhận mình là con quỷ và hiểu rằng những hành động của y là hành động phi nhân loại - điều đó thành thực và rất thành thực - nhưng y chỉ nghĩ thế mà thôi, biết thế mà thôi, chứ đến khi hành động thực tế thì cái ám ảnh làm anh hùng, cái ám ảnh không chịu thua ai, không chịu nhận mình đã lầm lặc, cái ám ảnh cho rằng mình đứng trên hết mọi người, không có ai có thể đụng chạm đến mình được, cái ám ảnh ấy vẫn hướng dẫn chi phối anh ta trong mọi lời nói và hành vi cử chỉ.

    Những lúc đó, Tôkubê lại hiện nguyên hình thành một người hùng hổ, hiếu chiến, không hề chịu thú nhận với ai rằng mình lầm lạc và không chịu quỳ xuống xin lỗi những người mình đã ám hại và gây tang tóc, hơn thế, anh ta lại kiếm cách bịp bợm để lừa đảo họ cho họ vào tròng, và nếu có cách gì làm cho họ chết được Tôkubê cũng không e ngại.

    - Ông bạn! Có phải trong cuộc đời ông đã từng gạp những kiểu người như thế rồi phải không? Đó là những người có lúc thương yêu đồng bào thật thương yêu, nhưng một khi đụng chạm đến quyền lợi, ý thức hệ - nếu có - thì họ chỉ nghĩ cách để tiêu diệt người khác, làm như chỉ có những người như họ mới có quyền sống, ngoài ra nên thanh toán hết để cho đời đỡ chật vật.

    Có khi muốn thực hiện chủ trương đó họ đeo cái mặt nạ hiền hòa và nói ra những lời nhân ái, nhưng cũng có khi họ tỏ ra trắng trợn và không ngại nói to những ý tưởng đen tối, rùng rợn bò lổm ngổm trong đầu óc họ như những con rắn độc.

    - Thế sau đó, Tôkubê ra sao? Anh ta nhận thức mình là quỷ, nhưng vẫn tiếp tục gây những tội ác như trước hay sao?

    - Đúng thế. Điều quan trọng nhất mà tôi sắp nói đến đây: sau mười một tháng trời nằm ở quân y viện và được thuốc thang chữa chạy tận tình. Tôkubê khỏi bệnh và trở lại khỏe mạnh như ngày trước. Người ta vẫn thường nói rằng một tin thần mạnh phải nằm trong một thân thể khỏe mạnh. Ở trường hợp Tôkubê, cái tinh thần mạnh khỏe ấy lại hại y, sau khi thân thể y khỏe trở lại, nghĩa là bao nhiêu ý tưởng "yếu" tan mất nhường chỗ cho những ý tưởng "mạnh" lại là những ý tưởng hạ người khác để cho mình lên, giết người khác chết đi để cho mình sống, uy hiếp người khác để cho mình đè đầu cưỡi cổ....

    Thưa ông bạn, chính những lầm lạc đó đã giết chết Tôkubê lúc ở nhà ông bạn ăn tân gia ra về.

    Chương Hai Mươi Ba

    Tôi giật mình khi nghe thấy ông Ômya nói thẳng vào tai tôi như thế.

    Tính đốt tay, tôi biết ông Ômya đã được hơn hai tháng. Thực tình, lúc mới biết ông tôi cũng có giữ gìn ý tứ trong cử chỉ và lời nói (vì nói thực bao giờ tôi cũng nghi ngờ những người ngoại quốc tự động đến tìm tôi) nhưng ít lâu sau này thì tôi mến ông thực tình.

    Ấy là vì trong những lúc nói giỡn hay kể cho nhau nghe những chuyện đứng đắn cũng như lúc àn về thời thế trong những khi uống nước suông hay nhậu nhẹt say sưa bí tỉ, ông Ômya lúc nào cũng tỏ ra là một người lịch sự, có một thái độ nghiêm túc, với những lời bình luận triết trung nhân ái.

    Thường thường, ông cũng giữ gìn lời nói không dùng những ý kiến hay danh từ gì quyết liệt. Thế mà hôm nay, kể xong câu chuyện đem từ dãy Trường Sơn về... Ông Ômya gật đầu và nhắc lại:

    - Vâng. Chính những lầm lạc đó đã giết chết Tôkubê lúc ở nhà ông bạn ăn tân gia về... Nhưng xin nsoi ngay rằng đó chỉ là ý nghĩ của tôi thôi, xin tùy nơi ông bạn suy xét mà cho là say hay trúng gió.

    Trước khi nghe ông bạn đưa ra ý kiến, ta hãy cùng nhau tóm tắt câu chuyện Tôkubê như thế này: Trần Hữu Lăng, bạn tôi, là một người Nhật tên là Tôkubê. Anh ta làm mật vụ phụ trách trông coi một kho tàng ở dãy Trường Sơn, không có vợ, có con ở Việt Nam. Hồi Nhật chiếm đóng ở đây, anh muốn lấy một cô gái tên là o Phương Thảo, cháu của Mệ Hoát, nhưng cả Mệ Hoát lẫn cô gái khước từ tình cảm của anh nên anh nổi nóng phá hết cả cái lâu đài của Mệ Hoát cướp đi một số cổ ngoạn đem đi. Phương Thảo đã tự trầm và Mệ Hoát chết trong ngọn lửa. Tôi di cư vào Nam ở cái nhà xây trên cái nền cũ nhà Mệ Hoát, đêm đêm tôi thấy bóng ma Mệ Hoát và o Phương Thảo hiện ra nhưng tuyệt nhiên không làm hại gì đến tôi hay là các bạn hữu của tôi.

    Duy có một người bị hai cái bóng ma lưu ý từ bao giờ không biết đó là Trần Hữu Lăng tức Tôkubê. Hai cái bóng ma đó đã mấy lần hiện ra gần Trần Hữu Lăng. Họ làm gì, nói gì bên tai Lăng thì tôi không biết. Và cũng không ai biết vì Trần Hữu Lăng lầm lì ít khi tỏ bày tâm sự với ai. Chỉ biết rằng lần sau càng thấy hai cái bóng trắng ấy hiện ra thì Lăng nổi nóng không chịu được nên cất lời chửi rủa tàn tệ và cầm ly vác ghế ném vào hai cái bóng ma đó như muốn thanh toán dứt khoát hai cái hình ảnh làm cho mình khó chịu và bất mãn.

    Thế rồi đến hôm ăn lễ tân gia, Lăng đang khỏe mạnh như bình thường nhưng khi mới bước chân chưa ra khỏi nhà tôi thì có những cái roi vô hình quất vào đầu và mặt y cho đến khi y ngã lăn ra tại chỗ. Chở chưa đến bệnh viện thì y đã chết. Lúc nhập quan tài, người ta thấy toàn thân y bầm tím và trầy trụa như bị miểng sành, miểng sứ đâm vào thịt...

    Tất cả câu chuyện rút lại như thế, phải không? Tôi không hiểu tại sao ông bạn lại cho rằng Trần Hữu Lăng chết vì những ý niệm sai lầm của anh ta về hai chữ anh hùng, về ý nghĩa của sự sống mạnh? Hỏi vắn tắt đã: theo ông bạn, Tôkubê chết do ai giết? Có nói rõ ra thì mới có thể có một ý nghĩ khái quát về lời quyết đoán của ông bạn được. Ông bạn nghĩ sao?

    Ômya không trả lời tôi ngay. Ông hỏi:

    - Có tiếng gì lào xào ở vườn đàng sau như thể có nhiều người nói cùng một lúc vậy ông?

    - Không mà, có gì đâu.

    Ông lặng im, đợi một lúc coi. Đó là tiếng người hay tiếng chân con vật gì đi trên lá mà kêu lào xào như vậy?

    - Tôi nghe một chút nữa:

    - Ô, tưởng là gì! Đấy là tiếng gió đập và những cành y lăng ở sau vườn nhà tôi đấy mà.

    - Thế mà tôi cứ tưởng là tiếng chân người đến rình rập chúng ta trò chuyện. Uống đi ông. Cái chai rượu này ngon lắm, người bạn của tôi ở Phan Rang biếu tôi hai chai đem về.

    Ông Ômya uống cạn ly rồi tiếp câu chuyện đang bỏ dở:

    - Ông hỏi tôi nghĩ sao à? Tôi không có nghĩ sao cả. Tôi chỉ biết tôi tin tưởng rằng linh hồn của người ta sau khi chết rồi vẫn cứ tồn tại như thường và có thể hiện lên, nếu cần. Có người bảo thế là "người chết hiện hồn" nhưng có người lại gọi là ma. Theo tôi, hai thứ đó chỉ là một. Trường hợp Mệ Hoát và o Phương Thảo mà chúng ta đã biết không phải là trường hợp chưa từng thấy từ trước đến nay.

    Chính một người cô tôi ở Nhật cũng đã bị một cái linh hồ về trả oán và cũng lấy roi quất thâm tím cả mặt mày.

    - Nói vậy thì ra ông tin là linh hồn của người chết có thể trả thù người còn sống một cách cụ thể hay sao?

    - Tôi tin, mà cũng không tin. Tôi chỉ biết nhận xét như vậy mà thôi. Vả lại, tôi không còn cách gì khác để mà luận về cái chết của Tôkubê nữa.

    Thú thật với ông bạn, từ sau hôm hội kiến với ông bạn lần thứ nhất ra về, tôi đã đi tìm mấy người bạn Nhật còn ở lại đây sau khi chiến tranh kết thúc mà tôi biết là vẫn còn thường đi lại với Tôkubê. Tất cả những người đó đều công nhận rằng ít lâu trở lại đây, Tôkubê khỏe mạnh không có bệnh tật gì. Xem lá phiếu khám sức khỏe tổng quát hàng năm của y còn lưu lại trong nhà thương Đồn Đất, gan, phổi, tim, máu, nước tiểu của anh ta bình thường. Một người như thế, theo khoa học mới, không thể chết bất thình lình được.

    Chỉ còn cách bảo là y say rượu hay bị đứng tim hoặc đứt gân máu. Thì giả thuyết đó lại cũng không chắc chắn nữa: thứ nhất, ông già Yên, không uống rượu và rất tỉnh táo đã xác nhận là Tôkubê hôm đó không say, mà chính ông cũng thấy như thế vì ông bảo "Tôkubê hôm đó tỉnh táo và cười nói như thường", thứ hai là giấy chứng chỉ của thầy thuốc khám nghiệm tử thi của anh ta ghi rõ ràng là Tôkubê không bị nghẹt tim, cũng không hề bị đứt gân máu, bây giờ chỉ còn cách bảo là y bị người ta chài ếm.

    - Ủa, ông bạn cũng tin là có chài ếm nữa hay sao? Tôi vẫn thường nghe thấy nói rằng có những người thù oán ai thường chài ếm thư phù kẻ thù cho đến chết hoặc ếm một con dao ở trước cửa nhà, hoặc chài một con vịt con gà vào trong bụng nó; có khi thư cả một hộp đinh hay một mới kim vào bụng; lại cũng có trường hợp ngồi ở nhà mà phù cả một miếng da trâu vào bụng những người mình muốn hại. Tôi không hiểu là thực hay hư.

    - Điều đó, tôi có thể quả quyết với ông là mắt tôi đã được trông thấy rồi, hồi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên.

    Có được trông thấy thế tôi mới tin chứ thực tình trước đó tôi cho là huyền hoặc, dù tôi đã đọc nhiều sách của PHáp nói về vấn đề chài ếm.

    Phải, tôi nhận là có thực và tôi tin hết sức những trường hợp phù ếm ghe trong một cuốn sách có nhan đề là "Amulettes et envoutement" của mười hai "y sĩ thuộc địa" trong đó có một ông hiện giờ vẫn còng nổi tiếng ở nước Pháp. Ông Huard soạn thảo mà tôi còn nhớ rõ có in kèm nhiều hình ảnh. Điển hình nhất về chài ếm, cuốn sách này đã kể trường hợp một người nông dân Bắc vì vấn đề sinh sống phải lên mạn ngược làm ăn rồi không hiểu vì công nợ hay thù óan ra sao khi anh ta trở về kinh thì bị bệnh, bụng cứ to lên như cái trống và đau đớn chịu không thấu.

    Chụp hình quanh tuyến thì thấy bụng người bệnh đen òm. Lấy kim chích xem có nước ở trong như trường hợp bịnh báng thì không có nước mà mũi kim tiêm lại bị cong queo. Sau gần một tháng xoay sở đur cách không ăn thua gì hết, các bác sĩ chán nản và gần như chịu thua bó tay may sao gia đình người bệnh xin cho y ra khỏi bệnh viện đem về nhà rồi họ rước một ông thầy đến coi thì thầy bảo là bệnh nhân bị ếm một miếng da trâu. Thầy cho bùa uống rồi làm phép được vài hôm thì bụng người bệnh nhân nhỏ dần. Cuối cùng, ông thầy đánh vào bụng bệnh nhân mấy cái thì từ trong thịt ở bụng người bệnh lòi ra một miếng da trâu có lông to bằng đồng xu. Sau đó người bệnh nhân hết bệnh, lần lần khỏe lên rồi trở lại bệnh viện cho bác sĩ chụp hình lại thì thấy lần này họ thấy cái bụng của người bệnh như người bình thường.

    Ông bạn! Sao tôi lại không thể nghĩ rằng Tôkubê chết vì bị người ta chài ếm? Nhưng về điểm đó, tôi cũng đã suy nghĩ kỹ rồi: phàm người bị chài ếm thì phải khó chịu đau đớn trong lòng, trong ruột cả mấy tháng trời rồi mới chết, chứ đâu có chết tức tưởi như vậy, với lại tôi đọc sách nhưng không thấy quyển nào nói bị chài ếm mà chết đột ngột, chết bất thình lình như trường hợp anh bạn của chúng ta.

    Bây giờ, tôi biết kết luận thế nào đây? Tôi chỉ còn biết tin vào lời của ông Yên đã nói với ông sau khi Tôkubê ngã lăn ra ở bực cửa nhà ông: "có một cái gì như thể một mớ roi da từ một chỗ rất kín đáo ở ngay gác sân thòng xuống, sáng lòe lên rồi quất lia lịa vào đầu vào mặt ông Trần Hữu Lăng kỳ cho đến khi ông ấy ngã lăn ra mặt đất, co quắp chân tay lại như đống giẻ rách."

    Vào những ngày đầu năm ở miền Nam, cái lạnh năm tàn vẫn còn sót lại vào cái khoảng nửa đêm về sáng. Gió bây giờ thổi mạnh hơn, các cành y lăng vỗ vào nhau kêu rắc rắc. Một mùi thơm nửa như dạ lan hương, nửa như móng giồng tạt vào trong căn gác lạnh có hai người già ngồi đối ẩm với nhau.

    Tôi đứng dậy pha một tuần trà uống cho ấm lòng trong khi ông Ômya ôm cái gối vào lòng cho đỡ lạnh mà ngồi thừ ra suy nghĩ còn đôi mắt thì cứ ngó trân trân ra khoảng vườn tối mù mù ở bên ngoài.

    Rồi đột nhiên ông nói:

    - Nhưng bóng ma Mệ Hoát và o Phương Thảo hiện lên nói với Tôkubê những gì, tôi rất tiếc là không ai biết hết...

Chủ Đề Tương Tự

  1. Cá Rô Em Yêu Anh
    By giahamdzui in forum Phim Việt Nam Online
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-10-2014, 03:20 AM
  2. Tình Yêu là gì hở anh???
    By MjMj in forum Thơ Lãng Mạn
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-21-2014, 02:36 AM
  3. Al Qaeda yêu cầu tổ chức IS thả con tin Anh
    By duyanh in forum Tin Tức Quốc Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-17-2014, 11:38 AM
  4. DVD Đông Đào - Một Đời Yêu Anh (2014)
    By hdmusic88 in forum Show Ca Nhạc - Hài
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 08-04-2014, 06:07 PM
  5. Anh Mãi Yêu Em
    By giavui in forum Audio Tiểu Thuyết Tinh Cảm
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-28-2013, 06:34 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •