Người Tù Cuối Năm - Nhật Tiến


Khi lão thủ trưởng về tới đơn vị thì trời đã xế chiều. Hôm nay ba mươi Tết, các cơ quan đều nghỉ việc nên truớc cổng trụ sở không còn diễn ra cái khung cảnh ồn ào, hỗn độn của đám dân chúng chờ đợi để xin giấy tờ.

Việc canh phòng cũng lơi là hẳn đi. Trên chiếc chòi đóng bằng gỗ thùng sữa tùm hụp như chiếc chuồng chim, lão thấy một nhân viên của mình đang ngồi hút thuốc trong tư thế chiếc ghế ngồi bị đưa ngả cả về đằng sau để cho lưng anh ta dựïa được hoàn toàn lên vách gỗ. Điều này làm anh ta không nhìn thấy vị thủ trưởng của mình vừa đạp xe tới. Mãi tới lúc lão ta xuống xe và đã dắt chiếc xe đeo lỉnh kỉnh đủ thứ túi, giỏ, gói đồ cồng kềnh đi qua cánh cổng làm bằng sườn gỗ và những sợi kẽm gai thì anh chàng gác trên chòi canh mới bật dậy, giọng nói hốt hoảng hẳn lên:

- Thưa thủ trưởng, thủ trưởng đã về...

Lão ngước mắt nhìn lên. Ánh mắt đầy nghiêm khắc, nhưng miệng lão vẫn nở một nụ cười làm ra vẻ hiền lành, dễ thương tương phản hẳn vớí tia nhìn lạnh buốt như lưỡi dao mới mài sắc. Lão nói với thủ hạ một câu, với một giọng chọn lựa đủ để anh ta không đoán ra được là lão đã xuề xòa bỏ qua hay vẫn còn để tâm tới sự canh phòng lơi là của mình:

- Mọi sự tốt cả đấy nhỉ ?

Anh lính công an vội vã xoắn xuýt:

- Thưa thủ trưởng mọi sự tốt cả. Trừ có mỗi một vụ ngày hôm qua...

Anh ta chưa kịp nói hết câu lão đã đi ngang qua mặt, chẳng ra vẻ ngạc nhiên hay chú ý gì tới lời báo cáo bất thường này. Hình như lão ta không cho anh cái dịp để xuề xòa cái tội đã canh gác trong tư thế "ngồi trên ghế mà dựa cả lưng vào vách gỗ để nhìn trời".

Lão lầm lũi dắt cái xe đi qua một khoảng sân cỏ nhỏ. Mặt tiền của trụ sở cơ quan đóng im ỉm nhưng ở phía trong vọng ra những tiếng cười nói ồn ào. Lão đi vòng ra phía sau và qua khung cửa sổ, lão nghe thấy tiếng reo hò lẫn những tiếng chửi thề tục tĩu.

Lão dựng chiếc xe ở đầu hè, cố tạo ra tiếng động rổn rảng bởi chiếc bàn đạp cọ sát trên sàn xi măng để gây sự chú ý của mọi người. Lão không muốn khi mình sắp bước vào văn phòng mà mọi người trong đó không ai hay biết gì cả, nhất là trong cái hoàn cảnh tất cả đều đang bệ rạc chúi đầu vào canh bạc.

Sự đánh tiếng của lão có ngay kết quả, vì hình như trong đám nhân viên đang sát phạt, vẫn có kẻ thỉnh thoảng liếc ra sân dòm chừng. Tiếng động do lão gây ra lập tức làm cho tiếng ồn ào bỗng nhiên im bặt. Lão bước tới những bước thật chậm về phía cửa phòng. Lão cảm thấy hài lòng về sự im lặng tuyệt đối ở chung quanh mình. Điều đó có nghĩa là lão vẫn nắm trọn vẹn quyền uy ở đây, loại quyền uy luôn luôn gắn theo một mục tiêu là tạo ra cái cảm giác khiếp sợ bao trùm trên tất cả mọi người.

Rồi lão bước chân vào phòng. Kẻ đứng ngay phía ngoài là một nhân viên trẻ. Anh ta mớí được đổi về đây không đầy hai tháng. Trong mọi trường hợp, anh ta luôn luôn chứng tỏ là một kẻ cuồng tín nhưng lại rất non tay nghề ở chỗ dễ hốt hoảng, dễ bối rối. Cho nên mới vừa chỉ chạm vào ánh mắt sắc lẻm của lão, là Vinh, tên anh ta, đã vội vàng nói bằng một giọng ấp úng:

- Thưa Thủ trưởng...hôm nay cuối năm...

Rồi mặt anh ta đỏ rần lên. Anh ta không thể tìm thêm được lời nào để tiếp nối câu nói của mình. Ngay lúc đó, ở góc phòng có giọng nói quen thuộc của Hào cất lên:

- Thủ trưởng đã về. Anh em đang vui tất niên. Nếu không mệt xin mời thủ trưởng nhập cuộc với anh em.

Lão đưa mắt về phía cuối phòng. Lão thấy Hào đang cởi trần và trên tay còn cầm mấy quân bài. Trong đám thủ hạ, Hào là kẻ vững chãi nhất. Gã có một đức tin mãnh liệt. Điều này nhiều lúc biến gã thành một kẻ cứng đầu, nhưng đồng thời cũng là một nhân viên ưu tú, góp phần đắc lực trong mọi công tác điều hành ở đây. Tuy nhiên về một phương diện nào đó, đối với thủ trưởng, gã lã một tên đáng ngại. Tận tụy và hay rình mò. Đó là đặc điểm của những kẻ đứng chung trong cùng một ngành, làm chung một cơ quan, chia sẻ chung một mối quan tâm hay một công tác được giao phó.

Thái độ ngang nhiên của Hào đáng để cho lão ngừng lại một giây. Lão nhìn thẳng về phía Hào. Lão cố tạo cho mình một vẻ ngạo nghễ, ở ánh mắt, ở nụ cười chỉ nhếch ra không tới một nửa vành môi, bờ vai của lão cũng vuông thẳng lại. Rồi lão cất tiếng khoan thai, pha một chút bỡn cợt nhưng nhiều phần là quyền uy:

- Nhập cuộc với các đồng chí thì sẵn sàng rồi. Nhưng đừng vì ham vui mà mất cảnh giác đấy nhé.

Trong sinh hoạt thân thiết, ngoài nhiệm vụ hằng ngày, khi dùng tới tiếng "đồng chí" với nhau thì đó là lúc bắt đầu có vấn đề. Ai cũng thấy vậy. Và lão đã sử dụng tiếng xưng hô đó để bầy tỏ sự bất như ý của mình. Rồi không chờ cho Hào có dịp nói thêm một câu nào khác, lão lầm lũi quay lưng trở ra. Mấy nhân viên đang đứng gần đó vội vã lùi giật lại mặc dù lối đi còn rộng rãi.

Lão trở về bàn giấy của mình trong một căn phòng ở cuối dẫy hành lang. Khi lão kéo ghế ngồi xuống trước đống hồ sơ ngổn ngang trên mặt bàn thì Hào cũng đã vội vã theo vào. Bây giờ gã đã mặc thêm chiêc áo sơ mi tươm tất. Sự bỏ cuộc chơi đang ồn ào của gã để tới trình diện mình ngay khiến lão thấy cơn bực tức dịu lại. Lão nhoẻn ngay một nụ cười hoàn toàn dễ dãi rồi nói với gã bằng một giọng cởi mở, thân thiết:

- Sao chú Hào? Tết nhất rồi, nhớ nhà không?

Hào vui vẻ:

- Em mới nhận được thư của bà cụ hồi chiều. Cụ nhận được gói quà em gưi về rồi. Thôi, thà để tiền mua thêm cái bồi dưỡng cho nhà còn hơn là dẫn thân về, có đồng nào chạy vào tiền xe đi đường hết.

Lão mỉm cười :

- Hà..hà...Chớ không phải vì cô Tâm bên quán hàng trước cổng cơ quan mà chú chịu bỏ mấy ngày phép để ăn Tết ở đây hả?

Mặt Hào đỏ bừng lên. Gã tỏ ra luống cuống thấy rõ. Hiển nhiên là cấp chỉ huy của gã đã nhìn thấu đến tận tim đen của mình. Điều này làm lão thủ trưởng càng thêm hài lòng vì lão đã nắm trúng nhược điểm của gã nhân viên dưới quyền. Chỉ một sự vướng mắc này thôi thì lão cũng đã có dư điều kiện để vo tròn bóp méo con người của Hào như một món đồ chơi trong tay rồi.

Lão đổi giọng nghiêm chỉnh:

- Chú trẻ, chưa vợ thì có quyền tìm hiểu. Nhưng chớ có nhẹ dạ để mất cảnh giác đấy nhé.

Rồi lão chuyển ngay qua đề tài khác:

- Bây giờ chú báo cáo cho tôi cái vụ xẩy ra hôm qua coi.

Hào giật nẩy người lên. Gã thực sự thán phục cấp chỉ huy của mình về cái tài ma xó này. Lão ta về đây chưa đầy mười phút đồng hồ, lại chưa tiếp xúc với ai, chính gã là người đầu tiên đến chào lão trở về, thế mà lão đã "nắm được tình hình" thì thần sầu quỷ khốc thật! Gã cứ ngẩn mặt ra mất đến mấy giây rồi mới sực tỉnh và nói vội vã:

- Trình thủ trưởng, vụ này không xẩy ra trong phạm vi trách nhiệm của mình. Việc phát giác chiếc tầu trốn ra nước ngoài là ở khu vực của bên các đồng chí Vĩnh Hậu. Lúc bị phát giác, bọn phản động chạy phân tán khắp mọi chỗ. Đồng Văn có, Minh Thuận có, Thuận Hiệp cũng có. Riêng khu vực của mình thì chúng em chỉ bắt được một tên mà chúng em đánh giá là chủ chốt. Bản báo cáo đầy đủ nội vụ em đã thảo và đệ trình trong hồ sơ trên bàn của thủ trưởng.

- Chú thông báo vụ này đi những đâu rồi?

- Chưa! Em chờ lệnh thủ trưởng !

Mặt lão thoáng một vẻ hài lòng. Dĩ nhiên trước sau gì thì hồ sơ cũng được chuyển đi, nhưng lão không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ một yếu tố sơ xuất nào có thể tránh trước để có thể được rộng rãi hơn trong cung cách giải quyết vấn đề. Yếu tố chủ động bao giờ cũng là điều kiện tuyệt hảo trong mọi công tác.

Lão vẫy tay cho Hào lui ra rồi tiến lại bàn mở tập hồ sơ ra coi. Hào đã báo cáo khá đầy đủ, từ bản tự khai của người tù cho đến lý lịch của đương sự, bản phúc trình nội vụ của Hào cùng biên bản về những tang vật tịch thu được. Mải nghiền ngẫm đến hơn nửa giờ sau lão mới đặt tập hồ sơ xuống bàn.

Những chi tiết ghi trong tập hồ sơ quả thực đã lôi cuốn lão một cách mãnh liệt đến nỗi lão quên bẵng cả mọi cảnh vật chung quanh. Lúc này thì nắng bên ngoài đã xuống thấp ở lùm cây phía bên ngoài cửa sổ và xa xa thỉnh thoảng vẫn có tiếng pháo đì đẹt vọng lại mang hương vị phảng phất cái rộn ràng của một ngày giáp tết.

Trong khoảnh khắc, lão đã quên đi tất cả hiện tại để đắm hồn mình vào dĩ vãng xa xăm với những nhân danh, địa danh ghi trong hồ sơ mà hàng mấy chục năm qua, lão không có dịp được nghe nhắc lại. Những tên người, tên đất năm xưa xen lẫn với mớ kỷ niệm hỗn độn, mơ hồ tưởng như đã xóa nhòa trong dĩ vãng nhưng nay đã vụt trỗi dậy như hiện lên qua những hàng chữ trong tập hồ sơ để lôi kéo lão trở về những ngày xa xưa của thời kỳ đầu cách mạng.

Lão vội vã đứng bật dậy và toan tìm xuống phòng tạm giam tù nhân. Nhưng bản tính trầm tĩnh đã khiến lão tự kiềm chế được ngay hành động vội vã của mình. Cả một đời lăn lộn trong đấu tranh nhiều khi vào sinh ra tử, nếu lão có leo lên được tới chức vụ bây giờ thì phần lớn cũng là nhờ ở cái sự biết tự kiềm chế đó.

Vì thế, lão chỉ tiến ra phía cửa sổ và móc túi lấy bao thuốc lá châm một điếu để cho cái đầu tự do lan man suy nghĩ. Bên ngoài, trời đang bảng lảng nắng chiều soi trên những ngôi gò thấp có những bụi cây um tùm xào xạc tiếng lá xen lẫn tiếng chim. Cho đến cái giây phút đó lão mới chợt ngạc nhiên nhận ra rằng ở đây sao giống với khung cảnh thôn cũ ngày xưa của lão đến thế, mà suốt thời gian qua do bận rộn nên lão không hề nhận ra.

Bây giờ thì lão phó mặc cho dòng tâm tưởng của mình trôi về dĩ vãng với hình ảnh của con sông hiền từ chẩy qua xóm làng, có những cánh đồng xanh bát ngát với những mái tranh lô nhô sau những bụi tre già, những thân cau thẳng tắp nhô lên bầu trời mầu xanh lơ và những đụn rơm cao ngất ngưởng mọc lên sau những vụ mùa. Chính ở đó đã xẩy ra cái bi kịch đầu đời của lão và cũng chính từ nơi đó, lão đã bỏ ra đi mang theo trong lòng tất cả mối hận thù của một con người bị đàn áp dưới bạo lực. Rồi hơn ba mươi năm trôi qua, trong khoảnh khắc, cái khởi sự và cái hiện thời bỗng nhiên trùng hợp nhau, ở đây, tại cái đồn công an hẻo lánh này qua tập hồ sơ báo cáo về một tên tù, một nhân vật mà lão không bao giờ quên, từ dáng dấp của hắn cho đến ánh mắt cuối cùng mà hắn đã nhìn lão trước khi mỗi người nổi trôi theo một ngả khác nhau trên đường đời.

Cái lý tưởng mà lão đã mang đi từ ngày đầu đã mờ nhạt chẳng còn gì sau những năm dài chứng kiến những cuộc đấu tố ở miền Bắc. Lão biết rõ sự thay đổi ấy trong tâm tư của mình từ lâu, nhưng cuộc sống vẫn lôi lão đi như một khúc gỗ trôi theo dòng. Nhưng cũng lại chưa bao giờ lão thấm thía với chính lòng mình ở giây phút này, cái giây phút khởi đi từ lúc lão miệt mài nghiền ngẫm bản báo cáo do Hào đã để trên bàn. Những nhân danh, địa danh ghi gói trong đó chợt lôi lão trở về dĩ vãng ngày xưa và đặt lão trong khoảnh khắc vào vị thế của một con người sống cùng một lúc tới hai hoàn cảnh : Một kẻ bắt đầu ra đi và một kẻ đã đi gần như tận cùng của con đường cách mạng. Nhìn lại thành quả, lão thấy xã hội chung quanh hầu như chẳng thay đổi gì. Con người chung quanh lão vẫn lầm than cơ cực. Công cuộc đấu tranh giai cấp làm nẩy sinh một giai cấp mới có đầy đủ bản tính bóc lột của chính cái giai cấp mà nó vừa đạp đổ !

Nói cho ngay, cái nhận thức kinh khủng này chỉ gậm nhấm lão một cách âm ỉ và chẳng thường xuyên. Bởi vì một phần là lão quá bận rộn trong công tác, phần khác là do chính lão muốn giập tắt nó ngay vì lão tự nghiêm khắc cho mình là đã lệch lạc mất cảnh giác, mất lập trường.

Nhưng vào buổi chiều hôm nay, một buổi chiều cuối năm có những tiếng pháo đì đẹt từ xa vọng lại hầu như mang lại cho lão một sự hối thúc muốn quay trở lại những hình ảnh ngày xưa. Lão quăng điếu thuốc đang hút giở qua khung cửa sổ rồi mở cửa phòng tiến ra hành lang, đi về phía phòng tạm giam. Viên cảnh vệ đang ngồi trên ghế, trông thấy lão vội vàng đứng day. Lão cất tiếng hỏi:

- Yên ổn cả chứ ?

- Trình Thủ trưởng, mọi sự bình thường.

Lão kéo tấm vải bạt che kín bên ngoài để nhìn qua những chiếc song gỗ. Lão trông thấy người tù cuối năm đang nằm co quắp tại góc của căn phòng giam chật hẹp và nhờ nhờ ánh sáng. Chiếc áo sơ mi hắn mặc trên người đã rách bươm để phô ra một mảng lưng bầm giập và đọng nhiều vết máu. Chợt lão thủ trưởng hơi nhăn mặt lại. Hình như lão bắt gặp lại cái hình ảnh bầm máu của chính mình hồi gần bốn mươi năm về trước.

Tay lão bấu chặt lấy một tấm song gỗ. Lão gần như thò cả nửa mặt của mình qua khe song để cố nhìn người tù cho thật rõ. Nhưng hắn ta vẫn im lặng nằm ở đấy, không ngước lên, cũng chẳng quay ra nhìn. Trầm ngâm giây lát, lão thủ trưởng quay lại nói với viên cảnh vệ:

- Thằng này nguy hiểm đây. Phải coi chừng !

Nói rồi lão tất tả đi lên phòng. Lão sai một đàn em mang tất cả mọi thứ vặt vãnh quà bánh, thực phẩm Tết mà lão mua được ở trên thành phố đem ra bầy la liệt lên mặt bàn. Ngoài mấy món đồ dùng lặt vặt như bàn chải răng, xà phòng, dao cạo râu, khăn mặt, vài cuốn sách mới xuất bản, còn kỳ dư toàn là đồ ăn Tết. Có mứt. Có rượu. Có bánh chưng, lạp xưởng và nhiều đồ hộp linh tinh khác đủ để khao cả cái đồn nhỏ bé này một bữa thịnh soạn. Lão gọi Hào vô để ban chỉ thị :

- Thông cảm với các chú vất vả quanh năm,1ại tình nguyện không xin phép về quê ăn Tết, tôi khao các chú một bữa tất niên.

Cái tin ấy loan ra làm bầu không khí trong đơn vị rộn ràng hẳn lên. Hào nhanh nhẩu lãnh nhiệm vụ điều động tất cả mọi công việc cần làm: nấu nướng, kê dọn, trang hoàng như chuẩn bị một bữa đại tiệc.

Tối hôm ấy, hàng rào ngăn cách giữa mọi người hầu như mặc nhiên được hủy bỏ (Tết nhất có khác, đồng chí Thủ trưởng dễ dãi hẳn ra). Nhất là khi có rượu vào. Hai chai của Thủ trưởng đem ra, cả đơn vị có hơn chục người chỉ rót vài vòng là cạn queo. Hào gãi tai xin phép Thủ trưởng cho "vượt chỉ tiêu” một bữa. Thủ trưởng ngần ngại giây lâu rồi miễn cưỡng gật đầu. Thế là có ít nhất hơn một nửa số người hiện diện đã cùng ùa lên, chạy vội vã về phòng riêng. Họ đem bầy ra đủ loại rượu mà nếu chẳng có dịp này thì không bao giờ lão thủ trưởng lại biết được rằng nhân viên của mình lại đổ đốn ra như thế. Nhưng tết nhất mà ! Mọi sự xuề xòa hết. Bởi chính lão cũng uống, lão cũng say ngà ngà. Lão cũng đùa giỡn vui vẻ như chưa bao giờ ở đây có ai thấy lão đùa giỡn vui vẻ đến thế. Đến giữa buổi tiệc, lão đem vấn đề người tù ra nói với đám nhân viên:

- Tóm được thằng này tôi phải ghi công các chú. Nó đối với tôi có nhiều nợ máu đấy !

Vừa nói lão vừa cởi phăng chiếc áo đang mặc trên người và xoay lưng về phía đèn sáng. Chờ cho mọi người đã đủ kinh ngạc và thắc mắc về những vết sẹo sần sùi, nhăn nhúm rải rác trên khắp lưng của mình, lão mới nói tiếp:

- Đòn thù của cường hào ác bá làng tôi đấy ! Cũng một ngày cuối năm như thế này vào thời tiền cách mạng, tôi bị chúng nó trói vào thân cau, vừa đánh đòn vừa dội nước sôi. Sẹo đấy. Sẹo nước sôi đấy.

Rồi lão lại tụt chiếc dép ở chân trái ra và giơ cái cẳng của mình lên cao cho mọi người nhìn thấy:

- Chưa hết đâu. Các chú có thấy vết sẹo cắt ngang gót chân đấy không ? Tôi còn bị chúng nó cắt gân, mà kẻ cầm dao chính là thằng này !

Vừa nói lão vừa chỉ về phía phòng tạm giam. Ngay lúc đó có tiếng ly đập bể và có tiếng hét to:

- Cắt tiết nó đi!

Tiếp theo là những tiếng ồn ào, tiếng rủa xả, tiếng văng tục làm bầu không khí tự nhiên sôi sục hẳn lên. Lão Thủ trưởng giơ ly rượu lên và cất giọng bình thản:

-Thôi ! Rồi đâu sẽ có đó. Ta chẳng nên để cái loại người đó làm mất vui buổi tiệc tất niên hôm nay. Nào, mời các chú nâng ly. Hôm nay đặc biệt cho các chú thả dàn. Nhưng chỉ một hôm nay thôi đấy nhé !

Mọi người quên ngay câu chuyện bi thảm vừa qua và trở về với những ly rượu tràn đầy trước mặt. Ly này cạn, ly khác đã rót tiếp. Rượu vào lời ra, bầu không khí ồn ào, vui vẻ đúng như một ngày Tết.

Khi tàn tiệc, đồng hồ đã chỉ gần mười hai giờ khuya. Trong phòng chỉ còn lác đác một vài người là còn ngồi vững. Những kẻ khác thì đã gục ngay tại chỗ hay lê lết nằm đâu đó trong các góc phòng, ngoài hành lang hay trên những chiếc võng mắc rải rác ở phía sau khu vực kê bàn làm việc. Lão Thủ trưởng cũng say khướt. Lão được hai tên đàn em xốc lên và dìu về phòng. Mà hai cái anh này cũng chẳng tỉnh táo gì hơn. Bộ ba dính chùm lấy nhau như một chùm sung, chập choạng đi mãi mới hết chiếc hành lang có ánh đèn héo úa vàng vọt. Khi tới phòng, lão Thủ trưởng cố cất lên tiếng cám ơn bằng một giọng say líu lưỡi rồi lão nhào vào phòng. Hình như lão ngã dúi xuống tại một góc nào đó trong căn phòng, kéo theo một cái ghế ngã đổ. Nhưng điều này chẳng khiến cho hai tên đàn em quan tâm. Họ cũng chuệnh choạng đi về phiá dẫy phòng ngủ dành cho các nhân viên. Một anh lên tiếng hát. Giọng hát ồ ề cất lên chỉ được vài ba câu rồi tắt ngóm. Hình như anh ta cũng đã ngã gục đâu đó trên đường mò về giường ngủ của mình. Cả căn trại trước đây đầy tiếng la lối, cười nói om sòm nay chìm hoàn toàn trong sự yên tĩnh lạ kỳ. Rải rác đâu đó lâu lâu có tiếng nói mê, có tiếng cựa mình, đạp rẫy lung tung. Cũng có chỗ lại vang lên tiếng ngáy đứt đoạn.

***
Rồi tiếng pháo giao thừa ở nhiều nơi bắt đầu vọng về. Trước còn thưa thớt, sau trở nên râm ran, rộn rã. Năm cũ đã qua. Một năm mới bắt đầu. Đời sống cơ cực của mọi người không chắc có thay đổi gì nhưng con người vào cái giờ phút thiêng liêng giữa đêm trừ tịch vẫn nhen nhúm một niềm hy vọng mới, dù là đang ở ngoài đời sống hay đã nằm sau những trấn song của nhà tù.

Người tù ở đây cũng vậy. Tiếng pháo giao thừa đã làm cho ông ta tỉnh dậy sau một cơn ác mộng dài. Hơi ẩm từ sàn đất đưa lên khiến ông ta thấy đầu óc của mình dịu lại. Ông nhấc thử chân tay của mình. Nó vẫn cựa quậy theo sự điều khiển của ông, điều đó khiếân ông yên tâm phân nào. Nó đã không bị hề hấn sau những trận đòn mà ông chịu đựng từ hôm trước.

Hơn một ngày trôi qua kể từ khi ông bị bắt giữ mà ông thấy nó dài như một thế kỷ. Ông nghĩ đến gia đình, đến bạn bè, đến những người đồng hành trong một chuyến đi hoàn toàn đổ vỡ. Ông cố không muốn nghĩ tới họ nhiều hơn vì ông biết trong hoàn cảnh này ông cần dành những tàn lực còn lại cho những chuyện khác quan hệ hơn. Chẳng hạn sự tỉnh táo trong những lời khai báo. Điều gì nói ra được. Điều gì nói ra không được. Lời khai nào có lợi. Lời khai nào dẫn tới hậu quả làm sụp đổ cả một hệ thống những dữ kiện mà ông đã dựng lên qua lời khai báo để tạo cho mình cái vị thế không có gì nguy hiểm trước những cặp mắt soi mói của kẻ lấy cung.

Tiếng pháo giao thừa làm ông tỉnh táo hơn lên. Ông lết lại phiá cửa phòng. Cũng là những tấm song gỗ chắc nịch được che kín mít bởi lớp vải bạt căng từ phía bên ngoài. Ông không nhìn thấy gì nhưng cố vểnh tai lên nghe ngóng. Bốn phiá chung quanh hoàn toàn yên tĩnh gây cho ông cái cảm giác biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài. Ông mường tượng qua song gỗ là dẫy hành lang, con đường ông đã quen thuộc khi bị dẫn giải một đôi lần lúc lên phòng thẩm vấn. Bên kia đầu hành lang là dẫy nhà làm trụ sở nơi làm việc của cơ quan. Rồi qua một cái sân đất. Rồi đến hàng rào kẽm gai. Và sau cùng là con đường lộ nhỏ, biên giới giữa đời sống bên ngoài và nhà tù.

Bỗng trong cái tĩnh mịch đến ghê rợn của căn phòng giam nhỏ hẹp chợt vọng lại tiếng chân người. Ông ghé sát tai vào song gỗ để nghe ngóng cho rõ hơn. Ông nghe thấy tiếng chân đi về phía phòng giam của mình. Rồi tiếng chân dừng lại ngang trước cửa phòng. Có tiếng sột soạt của lớp vải bạt che bị kéo lên. Và ánh sáng héo úa của ngọn đèn trước cửa hắt qua song gỗ làm ông hơi nheo mắt lại . Nhưng rồi ông thấy ngay một người đứng ở đó, mặt quay vào. Có tiếng cất lên nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng, rành mạch, tiếng của lão Thủ trưởng:

- Ông Nguyễn Phú Định!

Người tù, ông Nguyễn Phú Định, hơi giật mình mở to mắt lên nhìn kỹ kẻ mới đến. Nhưng trong đầu óc bồng bềnh tan loãng của mình, ông không nhận ra được ai ngoài khuôn mặt xa lạ của một kẻ đã bước qua tuổi già với những nếp nhăn ở trán ẩn dưới mái tóc đã ngả mầu đốm bạc. Lão Thủ trưởng nói tiếp:

- Ông không nhận ra tôi đâu, kẻ ba mươi sáu năm trước đã bị chính ông cầm dao cắt gân chân. Ông còn nhớ chứ?

Đầu óc của ông Định bỗng lóe lên một kỷ niệm như một tia chớp sáng lòa. Ông nhìn sững kẻ đối diện. Thời gian đã xóa nhòa hình ảnh quen thuộc đã chìm sâu trong quá khứ. Ông không còn tìm thấy ở nhân vật này hình bóng chàng thanh niên năm xưa, tóc tai rũ rượi, mặt mũi bầm tím, quần áo rách nát bị trói giật hai tay ra phía đằng sau lưng vòng qua thân của một cây cau. Anh ta đã lẻn vào trong vườn nhà ông Lý trưởng trong làng. Anh ta đã leo lên cây cau để bẻ trộm một buồng cau to nhất, đẹp nhất mà ông Lý dự định sẽ dùng tới trong lễ ăn hỏi của con trai ông. Đang bẻ trộm thì anh ta bị phát giác. Ông Lý vác tù và ra thổi inh ỏi và tráng đinh trong làng đổ xô lại. Cuộc hành hạ một kẻ nghèo đói, khốn cùng kéo dài suốt từ sáng cho đến chiều. Đánh đập. Chửi rủa. Dội nước sôi vào lưng và sau cùng như vẫn còn giận vì mất buồng cau đẹp nhất dành cho ngày lễ trọng, ông Lý lạnh lùng phán :

- Cắt gân chân của nó cho nó chừa đi ăn trộm !

Công việc hãi hùng này ông Lý truyền cho Định cũng là một tráng đinh, phải thi hành.

Định cầm con dao sắc như nước của ông Lý giao cho mà người cứ như lên cơn sốt. Trong đời anh, anh đã từng cắt tiết gà, thậm chí có nhiều lần thọc cả huyết heo nhưng điều đó không làm cho anh có can đảm gì hơn khi phải cắt gân một con người. Chỉ cần nghĩ tới thôi anh đã bủn rủn tay chân rồi. Nhưng lệnh là lệnh, anh không có quyền chối từ. Anh cầm con dao với tất cả sự run rẩy mà chỉ có anh tự nhận biết.

Trời xẩm tối, ông Lý ra lệnh cho đốt đuốc lên để soi sáng cho cuộc bạo hình. Ánh lửa bập bùng soi lên từng khuôn mặt dữ tợn của đám tráng đinh đang in những cái bóng chập chờn trong tiếng kêu than rền rĩ của tội nhân tạo thành một bầu không khí ma quái, ghê rợn như một khung cảnh địa ngục có bầy quỷ sứ.
Định vô cùng ngại ngần nhưng cuối cùng cũng phải sấn tới. Anh ta đứng trấn ngay trước mặt tội nhân để che lấp mọi người. Rồi anh ta nhìn thẳng vào đôi mắt cầu cứu, van lơn của gã ăn trộm.

Suốt nhiều năm sau đó, mỗi khi nhớ lại, ông Định cũng chẳng bao giờ quên được cái ánh mắt khẩn cầu, tuyệt vọng của một kẻ đang bị dẫn tới đường cùng. Còn chính nạn nhân, tức lão Thủ trưởng bây giờ, mỗi khi nhớ lại cái giây phút hãi hùng đó, lão cũng không thể quên được ánh mắt của kẻ cầm dao trước mặt. Trong ánh lửa bập bùng, tia nhìn của gã tráng đinh tên Định không mang vẻ gì gọi là hung ác, bạo tàn mà ngược lại nó có vẻ bao hàm một nỗi cảm thông, thương xót. Rồi một ý nghĩ chợt nẩy ra trong đầu óc Định. Gã nháy mắt với tên trộm, hươi con dao lên, và lợi dụng đang còn sấp bóng, gã bấu lên vai tên trộm một cái như có ý ra hiệu.

Thế rồi cuộc hành hình xẩy ra theo đúng ý muốn của viên Lý trưởng. Định đã nhấc cẳng chân trái của tội nhân lên, nhắm đường gân ở gót mà cứa mấy đường dao. Máu phụt ra chan hòa và tội nhân hét lên kinh hoàng đau đớn. Nó đã bị cắt đứt gân chân. Nó không còn lết được. Người ta đã khiêng nó đem vứt ở ngoài cổng làng. Ai cũng nghĩ rằng sẽ không còn bao giờ gã còn cơ hội bén mảng tới đây để leo trèo những cây cau, vì chân của gã bị tàn phế. Trừ người trong cuộc. Quả thật Định đã áp dụng kỹ thuật chọc tiết heo của mình vào cuộc bạo hình. Đường dao của anh trông dữ dằn như thế nhưng chỉ làm đổ máu ở bên ngoài. Gã ăn trộm đêm hôm ấy, chờ không còn ai, đã nhỏm dậy bỏ làng đi mất biệt.

Hơn ba mươi năm trời trôi qua, bây giờ hai nhân vật ấy lại đối diện nhau nhưng vị thế đã đảo lại, tên tội nhân đã trở thành người quyền thế và kẻ kia thì đứng sau những song gỗ của phòng giam tù. Có tiếng của lão Thủ trưởng cất lên:

- Ông Định. Hơn ba mươi năm rồi, bây giờ tôi mới có dịp nói lên lời cám ơn ông.

Bàn tay của lão chìa ra và ông Định cũng thò tay ra nắm lấy. Lòng ông rưng rưng cảm động. Ông thấm thía về hai chữ tình người, dù là giữa những con người đến từ hai phía. Cuốì cùng, bao giờ tình người cũng vượt lên trên được tất cả, trên áp bức, trên cường quyền, trên căm thù bạo lực.

Trong hơn một phần tư thế kỷ vừa qua, con người đã vận dụng bạo lực, căm thù để mong giải quyết những vấn đề của xã hội. Thời gian đã đủ dài để ai cũng thấy rằng bạo lực hay căm thù chỉ làm đổ vỡ thêm những gì vốn đã hoang tàn, rách nát.

Đã lâu lắm, lão Thủ trưởng vẫn từng gậm nhấm những ý nghĩ dằn vặt này. Nhưng chưa bao giờ lão có cơ hội để bứt phá cái định kiến vốn đã in hằn trong tâm khảm của lão. Như một giọt nước nhỏ vào một cái ly đã tràn đầy, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa lão và người tù đã khiến lão thừa đủ năng lực để giải phóng chính mình.

Đêm hôm ấy, ông Định thong thả ra đường cái để đón xe trở về Sài Gòn.

Và sáng hôm sau, đúng mồng Một Tết, tại cái đồn công an nhỏ bé ấy, viên Thủ trưởng đã gieo một cơn phẫn nộ sấm sét lên đầu đám nhân viên thuộc cấp của mình về tội nhậu nhẹt say sưa đã làm sổng mất người tù cuối năm. Một kẻ có nợ máu. Một tên tù tối nguy hiểm.

Santa Ana tháng 1-1983
NHẬT TIẾN