(tiếp theo)
CHƯƠNG 11

Sinh hoạt văn hoạt Văn Học Nghệ Thuật ở hải ngoại
Thời điểm: năm 2006

Trần Vũ viết về Tạp Chí Hợp Lưu

(trích)

... ' ...Năm 1991 là năm khởi đầu của nhiều bài viết cảnh giác thái độ nhẩn nha cầm chừng trong sáng tác, tranh cãi hay kết án những vòng tường ghetto bao vây. Điều đó chứng minh sau một thập niên khởi sắc, sáng tác hải ngoại gặp khủng hoảng. Trong tình trạng thụt lùi như vậy, làm báo chỉ từ chết đến bị thương giống họa sĩ Khánh Trường than. Nhưng đó chỉ mới là khó khăn riêng của một bộ môn sáng tác, những sáng tác mà Khánh Trường luôn luôn rất cần cho những số Hợp Lưu nối tiếp. Còn nhiều khó khăn khác.

Buổi tối ra mắt Hợp Lưu trong hiệu phở Thụ là một buổi tối thành công kỳ lạ. Đông đến mức quán hết chỗ, mọi người phải đứng và lần đầu tiên tôi thấy Mai Thảo bị dịch giả Kim Lefèvre quay. Đông, vui, như cơn say quên trời đất của Kiệt Tấn, như ánh mắt hấp háy lạc quan sau lớp kính ve chai của nhà nhạc học Nguyễn Thiện Đạo; nhưng nụ cười tươi của chị Thụy Khuê không khỏa lấp những lo lắng cho ngày mai. Hơn ai hết chị Khuê biết rõ khả năng tài chánh của Hợp Lưu. Hơn ai hết chị hiểu rõ áp lực của hội đoàn đảng phái. Họa sĩ Khánh Trường hùng dũng trấn an: "Chị cứ yên tâm, tôi không thua đâu."

Tôi không thua đâu. Có lẽ đây là câu trả lời chính xác nhất vì sao và tại sao chuyển động Hợp Lưu thành công và tạp chí đứng vững suốt 12 năm. Câu trả lời này xác định cá tánh đặc biệt của người chủ biên tạp chí.

Để hiểu quyết tâm của Khánh Trường, phải sống trở lại bối cảnh của cộng đồng VN đầu thập niên 90. Chưa khi nào áp lực của hàng trăm hội đoàn mạnh đến như vậy. Việc cướp máy bay, rải truyền đơn rồi nhảy dù xuống Việt Nam của Lý Tống (xẩy ra sau vài số Hợp Lưu) biểu trưng tất cả tinh thần quang phục đất nước lúc đó. Phải đọc tất cả các báo Việt ngữ xem affaire Lý Tống là một thiên anh hùng ca, phải đi giữa đường phố Bolsa rợp lá cờ vàng để hiểu hành động làm tạp chí Hợp Lưu của Khánh Trường là một hành động can đảm. Phải trông thấy cảnh cuốn sách Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương bị lôi trên đất và đốt cháy để hiểu bầu không khí quá khích bao trùm nặng nề lúc đó. Điện thoại chửi bới nửa đêm, fax văng tục, mail hăm dọa, thư nặc danh, đập kính xe là thực đơn hằng ngày.

Cùng với Hợp Lưu, tạp chí Trăm Con của Trân Sa và Tư Đồ Tuệ cũng trong chiều hướng giao lưu đã không chịu nổi áp lực phải đình bản. Áp lực đến nỗi, khi cho xuất bản Cánh Cửa, nhà văn Nhật Tiến trả lời phỏng vấn đã thẳng thừng chua chát: "Nhà văn VN ngoài nước không có tự do sáng tác!"

Trước đó, chỉ với Mùa Biển Động với một chương tả người lính VNCH say rượu đeo xâu tai xác chết cắt quanh người, Nguyễn Mộng Giác đã bị chê trách «Bôi nhọ quân lực» và áp lực đến mức chủ bút Văn Học Nghệ Thuật Võ Phiến phải mời trị sự của mình là Nguyễn Mộng Giác từ chức. Nguyễn Mộng Giác không từ chức, tạo nên sự cố Văn Học không dễ tuỳ nghi lúc đó.

Chưa một tạp chí nào ra đời khó khăn như vậy. Không chỉ một mình chủ biên Khánh Trường chịu búa rìu dư luận, tất cả những nhà văn, nhà thơ chấp nhận đăng bài trên Hợp Lưu đều mặc nhiên bị xem là Việt Cộng, hoặc lịch sự hơn: nối giáo cho giặc.

Nhà văn Nhật Tiến, người cha tinh thần đỡ đầu cho Hợp Lưu, người chủ trương giao lưu sớm nhất từ Mồ Hôi Của Đá, đã gánh chịu không biết bao nhiêu phỉ báng, một trong những lý do khiến ông buộc lòng rời khỏi ban chủ biên.

Không ai có thể trách tác giả Thềm Hoang, giải thưởng văn chương phủ tổng thống VNCH là một nhà văn thiên tả, không ai có thể trách Nhật Tiến là một nhà giáo không gương mẫu, hay một người thiếu đạo đức.

Nhưng cũng không ai chịu hiểu tinh thần quang phục đất nước chỉ là một tinh thần hoang tưởng đầy ảo vọng. Nên khi Hợp Lưu, tạp chí thuần văn học đầu tiên đưa ra cái nhìn khác -- Đã đến lúc người Việt phải đối xử với nhau như những con người cho dù khác chính kiến và Việt Nam hôm nay phải không còn hận thù, một văn bản nếu mang giá trị văn học là một văn bản có giá trị, dù tác giả của nó sống trong hay ngoài nước -- Cái nhìn mới này đã tạo ra một cơn sốt ý thức rất lớn trong tâm hồn của rất nhiều những kỹ sư tâm hồn.

Thời gian đó, với các văn, thi sĩ được chủ biên Hợp Lưu gởi thư mời, chọn lựa không dễ. Với mỗi người đã là một bước qua lời nguyền vô cùng khó khăn, với tất cả rủi ro trấn áp kết án từ bạn bè, các báo quốc gia đang cộng tác và cả với lương tâm của chính mình, lương tâm nào đã quyết định rời bỏ quê cha đất tổ ra đi vì không chấp nhận chính quyền Cộng Sản đương nhiệm và lương tâm nào ý thức không thể phân ly chia đôi đất nước mãi mãi?

Nhưng thật kỳ lạ, nếu mở lại những số Hợp Lưu đầu tiên, thành phần ban chủ biên tăng dần rất nhanh sau mỗi số báo cho đến khi hầu hết các tác giả thường xuyên viết trên các báo Cộng Hoà đều lần lượt xuất hiện trên Hợp Lưu. Đó là dấu hiệu mà Khánh Trường nhận ra anh đã đi đúng hướng, và đó cũng là dấu hiệu cho thấy những nhà văn Việt đã tự chất vấn mình từ rất lâu.

Chắc chắn trong thâm tâm, Khánh Trường cảm tạ rất nhiều tấm lòng của những người bạn Phan Tấn Hải, Ngu Yên, Phạm Việt Cường, Cao Đông Khánh, Nguyễn Mạnh Trinh, Trần Mộng Tú, Du Tử Lê, Thường Quán, Khế Iêm, Lê Bi, Lê Thứ, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Trần Long Hồ, Trầm Phục Khắc, Vũ Huy Quang, Võ Đình, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phạm Chi Lan, Chân Phương, Đỗ Kh., Hoàng Mai Đạt, Trương Vũ, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Hương, Lê Thị Thấm Vân, Trân Sa, Vũ Quỳnh Nh., Thụy Khuê, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Thị Khoa Phương, Phan Thị Trọng Tuyến.. đã tham dự hết mình ngay từ những ngày đầu, và hơn nữa cảm tạ dân tộc Việt hãy còn biết đến tha thứ, nhân hoà.

Khó khăn vẫn chưa hết. Ai đã làm báo hiểu rõ khó khăn kinh khủng nhất vẫn là khó khăn tài chánh. Bao nhiêu tờ báo Việt ngữ đã sập tiệm. Hồn Việt chết theo với Thanh Nam, Nhân Văn của nhóm Nguyễn Thượng Văn và Tưởng Năng Tiến, Tân Văn của Hà Thúc Sinh, Văn Lang của Nguyễn Mộng Giác, Văn Xã của Nguyễn Hữu Nghĩa, Ý Thức của Viên Linh, Chân Nguyên của Phạm Công Thiện, Tập Họp của nhóm trẻ Úc, Đối Thoại của Lê Bi, Việt của Nguyễn Hưng Quốc đều phải đình bản.

Võ Phiến cũng chết đi sống lại hai lần với Văn Học Nghệ Thuật, và tạp chí Thơ của Khế Iêm trong tình trạng khắc khoải thường trực của một cái chết được dự báo. Đó là chỉ kể những tạp chí tên tuổi. Khác với Thế Kỷ 21 được công ty Người Việt hỗ trợ, Hợp Lưu chỉ sống bằng công quả của bằng hữu, bằng công sức và lợi tức thu nhập cá nhân của chính chủ biên Khánh Trường. Sự sống sót của Hợp Lưu liên tục suốt 12 năm qua, đều đặn gởi đến tay bạn đọc bao nhiêu số chủ đề, bao nhiêu biên khảo, phỏng vấn và sáng tác thơ, văn, kịch chính là sự thành công riêng của Khánh Trường và sự sống sót tinh thần của chính cá nhân anh.

Để hiểu khó khăn tiền bạc của chủ biên Hợp Lưu túng thiếu nhường nào, tôi có một kỷ niệm đẹp về tình bạn giữa Mai Thảo và Khánh Trường. Mùa đông năm 96, tôi hay thích đến căn lầu xép trai phòng của Mai Thảo. Không có gì thú bằng ngồi dưới chân giường Mai Thảo nhìn ra hàng hiên trồng những đọt chuối xanh, nghe im lặng của buổi trưa phả hơi nóng nhẹ nhàng xâm chiếm chậm rãi căn phòng. Nhất là căn phòng đầy những chai lọ cognac tôi ưa thích, chỉ cần với chân cũng khều được dăm chai. Buổi trưa sâu thẳm yên tĩnh trong con hẻm Song Long, tôi vừa bị Mai Thảo lừa cho uống cognac có ngâm cu con hải cẩu thối hoắc, thứ rượu thuốc Nguyễn Xuân Quang tác giả Người Căm Thù Ruồi tặng ông uống chống lạnh, thì Khánh Trường ập vào, giọng anh hối hả:

- Anh có tiền cho em mượn, Hợp Lưu in xong rồi mà em chưa có tiền lấy.

- Bao nhiêu? Nhiều thì không có, ít thì có thể.

Mai Thảo điềm nhiên lắc lắc ly rượu vàng lóng lánh. Màu vàng của buổi trưa loang đến cườm tay ông đọng lại thành vệt lỏng. Giá Khánh Trường có thể ngồi xuống uống rượu thưởng thức sự im lặng của trưa không có những phiền hà nợ nần của đời sống. Đâu ai biết gồng Hợp Lưu thường đắng như con hải cẩu chết tiệt.

- Một ngàn đô, anh.

- Hà hà.. tưởng bao nhiêu, một ngàn thì nhà băng lớn nhất nước Mỹ này cho vay.

Mai Thảo, người thầy tinh thần của Hợp Lưu, bạn nhậu của tôi với anh, lặng lẽ lục tìm ví đưa tiền cho Khánh Trường mang ra nhà in ông Đào Văn Ngoạn lấy báo.

- Vẽ được mấy cái bìa sách em sẽ gởi trả anh.

- Không hứa, không hẹn gì cả, có tiền thì trả thế thôi!

Mai Thảo gắt, ông ghét nói chuyện tiền bạc. Ông đưa tay quơ tìm bật lửa, đốt điếu thuốc Winston. Hành động của ông vừa nãy thật đẹp. Cho vay vô điều kiện, không thắc mắc dù ông cũng rất nghèo. Bác Thảo lúc đó còn mạnh, cười móm mém:

- Tiền thì không có, nhưng rượu thì không khi nào thiếu. Và không bao giờ thiếu, không thể thiếu được! C’est inadmissible, insolent!

Mai Thảo đập mạnh tay xuống mặt đệm. Tôi biết ông không bao giờ thiếu rượu. Tôi đã từng chở một cốp xe 30 chai cognac quà tặng cho ông đêm sinh nhật 63 tuổi. Mai Thảo là người giàu cognac và giàu tình bằng hữu nhất trần gian.

Mấy ngày sau, rời quán Song Long sau điểm tâm với Hoàng Khởi Phong, Cao Xuân Huy, Du Tử Lê, tôi và người bạn làm báo văn học liên mạng trên internet Phạm Chi Lan đến chơi với Khánh Trường. Tôi với Phạm Chi Lan không giúp gì được anh trong công tác tòa soạn, nhưng vẫn thích ngồi quanh quẩn xem anh làm việc. Chúng tôi ngỡ ngàng nhìn 1200 cuốn Hợp Lưu chất đầy mặt đất.

- Sao anh chưa gởi bưu điện, trễ hạn rồi mà? Lan hỏi.

- Ờ hớ, để anh vẽ xong mấy cái bìa băng, bìa sách có tiền rồi gởi.

Khánh Trường thản nhiên, không có vẻ gì cấp bách, nhưng tôi biết, đã 6 tây là trễ một tuần. Và từ hôm vay tiền bác Thảo cũng gần cả tuần, có nghĩa anh chưa có tiền. Phạm Chi Lan với tôi đi lạc quyên các anh chị Lê Thứ, Lê Bi, Nguyễn Hương, nhà xuất bản Hồng Lĩnh, và Trương Vũ từ miền Đông qua chơi, cuối cùng được vài trăm phụ với anh tiền cước phí bưu điện. Những ai còn thắc mắc nguồn tài trợ Hợp Lưu thì thực tế là như vậy. Và thực tế tài chánh này triền miên dằng dặc từ số đầu cho đến nay. Hai tháng một số báo qua thoăn thoắt, 66 số Hợp Lưu của 12 năm là 66 lần họa sĩ Khánh Trường xoay tiền chóng mặt.

Một lần Hợp Lưu được Viện Vận Động Dân Chủ của quốc hội Hoa Kỳ đề nghị trợ cấp $10.000 một năm, vì tạp chí được xem có đóng góp cho chuyển động dân chủ. Những ai đã sống ở Âu Úc Mỹ biết rõ, những tài trợ của chính phủ, trường đại học, hay hiệp hội tư nhân cho những hoạt động văn hóa, nhân văn vô cùng bình thường. Ban chủ biên điều hành tạp chí lúc đó, Nguyễn Hương, Lê Bi, Phan Tấn Hải, Khánh Trường, Đỗ Hữu Tài, và nhà văn Nhật Tiến đã thảo luận cân nhắc việc nhận số tiền này. Giảm mối âu lo tài chánh để rồi tai tiếng như tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo đã nhận trợ cấp của phòng thông tin Hoa Kỳ? Nhận tài trợ nhưng nhất quyết giữ vững độc lập của tạp chí? Cho thì lấy nhưng không dính gì đến Hoa Kỳ? Nhưng ai cho tiền dễ dàng vô điều kiện như vậy?

Trong cuộc đời có vay, có trả. Nhật Tiến cương quyết và dứt khoát nhất. Nhưng làm sao gồng triền miên trong tình trạng thị trường chữ nghĩa khánh kiệt như vầy? Ban chủ biên quyết định biểu quyết qua cách bỏ phiếu kín. Mọi lá phiếu đều đã ghi một chữ duy nhất: NO!

Tôi ở xa không rõ vụ việc, chỉ biết như vậy. Cá nhân tôi tiếc mãi số tiền này, thêm tiền thêm nhiều khả năng mới, tăng trang, phụ bản tranh màu, đẩy mạnh nhà xuất bản Hợp Lưu, có thể trả nhuận bút cho các tác giả nghèo trong nước, đỡ chật vật cho Khánh Trường.

Nhưng tôi hiểu nhân cách và lòng tự trọng không cho phép Nhật Tiến chấp nhận điều này. Và tôi cũng hiểu ông muốn tạp chí Hợp Lưu giữ linh hồn trong sạch. Nhật Tiến là một người thầy, một nhà văn đúng nghĩa, quyết định của ông được toàn ban chủ biên theo tuyệt đối. Quyết định đó, về sau, ngay cả những lúc khánh tận nhất, ban biên tập không ai hối tiếc. Trừ tôi - vẫn nghĩ, tất cả sinh sống ở Âu Mỹ, nhưng suy nghĩ giống quân tử Tàu. Nước Mỹ là một nước Dân Chủ và có quy chế Dân Chủ. Chúng ta có quyền hưởng quy chế xây dựng trên lá phiếu của từng công dân và trích từ tiền thuế tất cả cùng đóng. Nếu áp lực đến từ cơ quan nào đó của quốc hội Hoa Kỳ, chỉ cần viết một bài báo đăng trên New York Times, áp lực đó sẽ biến mất tức khắc.

Các quân tử đã không chịu hành xử quyền công dân Hoa Kỳ của chính mình, thứ quyền công dân mà tất cả đã bỏ nước đi tìm. Quân tử, nên những ngày Khánh Trường bệnh nặng, không bảo hiểm y tế, không tiền túi, bạn bè phải chạy lo thuốc thang, các tác giả bác sĩ chạy giấy nhập viện, rồi anh xuất viện, tôi đến thăm, quần vẫn còn ướt đẫm máu, lại nhập viện. Hay những khi túng thiếu, ban biên tập khất thực từng tác giả, nhưng không phải ai cũng có tấm lòng của anh chị Trương Vũ, anh chị Lê Tất Luyện, anh chị Hoàng Chính Nghĩa. Khất thực một lần, lần thứ nhì, ni cô chê. Quân tử Tàu, nên Khánh Trường phải viết dâm thư kiếm tiền nuôi Hợp Lưu. Không một quân tử nào khác chịu viết Kim Bình Mai chung với anh. Thê thảm là vậy, cho Khánh Trường, kẻ ôm hoài bão văn chương. Nhưng kỳ diệu, Khánh Trường không xuống bùn, bạn đọc, văn hữu vẫn dành cho anh những tình cảm quý mến vì tất cả hiểu, anh bán mạng cho Hợp Lưu.

Trong thư từ biệt của chủ biên, Khánh Trường nhìn nhận sự bảo bọc của độc giả và nhiệt tâm đóng góp của văn hữu. Nhưng anh quên mất: Chính anh xứng đáng được nhận sự bảo bọc và nhiệt tâm đó. Không phải ngẫu nhiên nhà phê bình Thụy Khuê thường xuyên giúp đỡ anh, lo bài vở cho các số chủ đề, phỏng vấn định kỳ, hỗ trợ anh trong những quyết định khó khăn. Cũng không ngẫu nhiên mà mỗi lần anh kêu cứu, nhà tiểu luận Trương Vũ bay từ Washington DC sang cứu nguy, cũng không ngẫu nhiên mà chị Thụy Khuê, rồi Trân Sa, rồi Mai Ninh, rồi Miêng, rồi Phan Huy Đường và nhiều bằng hữu nữa đứng ra lạc quyên cứu trợ bão lụt miền Trung cho Hợp Lưu mỗi lần… thiên tai hạn hán.

Chuyển động Hợp Lưu là một chuyển động dài, không ai có thể đơn thương độc mã gánh vác, và như Khánh Trường khẳng định: Tạp chí Hợp Lưu không thuộc cá nhân ai, là một diễn đàn cấp tiến chung cho tất cả - thì việc mọi người góp công, góp của là bình thường và chính đáng.

***

Phát biểu trong Lễ Tưởng Niệm nhà báo Đỗ Ngọc Yến
Tại hội trường Nhật báo NGƯỜI VIỆT
(23-8-2006)


Kính thưa Ban tổ chức Buổi Lễ Tưởng Niệm nhà báo Đỗ Ngọc Yến,
Kính thưa toàn thể quí vị,

Anh Đỗ Ngọc Yến là một nhân vật của cộng đồng, nhất là của lãnh vực truyền thông báo chí. Có thể nói, bất cứ một anh chị em văn nghệ sĩ, ký giả nào, đều cũng có thể nhắc lại được ít hay nhiều kỷ niệm tốt đẹp về anh Đỗ Ngọc Yến.

Vì vậy, trong buổi lễ tưởng niệm anh được tổ chức ngày hôm nay, để có thời gian cho nhiều anh chị em khác phát biểu, tôi chỉ xin vắn tắt một vài kỷ niệm của riêng tôi đối với anh Đỗ Ngọc Yến.

Phải thành thực mà nói, từ trước năm 1975, tôi chưa có hân hạnh được quen biết anh Yến. Đó là vì anh là người thuộc lãnh vực hoạt động Thanh niên và Báo chí, còn tôi thì chỉ thu hẹp trong cương vị một nhà giáo, lại không giảng dạy trong lãnh vực văn chương, chỉ vào dịp hè khi rảnh rỗi, thì tìm một nơi xa Sài Gòn để kiêm thêm việc viết văn.

Mặc dù vậy, sau này khi đã ra nước ngoài, mỗi khi chúng tôi cần đến anh, bao giờ anh cũng có mặt.

Vào những ngày tháng bi thảm khi còn ở trại tỵ nạn, khoảng cuối 1979 đến cuối 1980, trong vòng rào kẽm gai của trại tỵ nạn và giữa áp lực nặng nề của dân chúng địa phương cũng như của cả chính quyền Thái, cái phao bấu víu duy nhất của chúng tôi khi đó là các tờ báo Việt ngữ đang ấn hành ở hải ngoại. Riêng tờ Người Việt Cali của anh Đỗ Ngọc Yến với hình thức còn sơ sài với 4 trang in đen trắng, đã luôn luôn cho in những bản tường trình hay cáo trạng của các thuyền nhân viết từ P.O Box 3 Songkhla Thái Lan để đánh động lương tâm của thế giới.

Sự quan tâm và sốt sắng của tờ Người Việt Cali qua anh Đỗ Ngọc Yến cũng như của nhiều cơ quan báo chí khác ở hải ngoại vào thời điểm đó, đã đem lại cho chúng tôi rất nhiều an ủi, thêm nhiều khích lệ và làm gia tăng niềm tin cũng như lòng can đảm của chúng tôi trong công cuộc nói lên trước thế giới những thảm nạn của thuyền nhân mà chúng tôi đang theo đuổi.

Sự ân cần thư từ thăm hỏi và thường xuyên gửi báo Người Việt Cali đều đặn vào trại tỵ nạn Songkhla hẻo lánh xa xôi của anh Yến, đã ghi lại trong lòng tôi rất nhiều thâm cảm.

Lại nữa, trong thời gian tòa soạn báo Việt Tide chuẩn bị cho số ra mắt vào tháng 7 năm 2001, chính anh Đỗ Ngọc Yến cũng đã là người đã lui tới với chúng tôi trong nhiều kỳ họp để góp ý, để bàn thảo về nội dung tờ báo với tất cả lòng nhiệt thành của một bậc đàn anh trong làng báo. Chính sự quan tâm và sốt sắng chia sẻ kinh nghiệm của anh Yến đã đem lại cho chúng tôi nhiều khích lệ tinh thần khi khởi sự một tờ tuần báo mà cho đến nay nó vẫn còn tồn tại.

Sự việc tưởng vừa mới xẩy ra gần đây thôi, thế mà nay anh đã vĩnh viễn ra đi. Tôi chỉ xin quý vị cho phép tôi được nói với Anh Đỗ Ngọc Yến một lời chân thực:

"Xin vĩnh biệt anh, anh Đỗ Ngọc Yến, con người suốt một đời quan tâm đến bạn bè, suốt một đời gắn bó với nghiệp báo và suốt một đời nổí trôi cùng với những nỗi thăng trầm của vận nước. Tuy đã ra đi, nhưng thực sự anh đã để lại trong lòng tất cả chúng tôi một niềm tiếc nuối không bao giờ nguôi."

NHẬT TIẾN
(còn tiếp)