(tiếp theo)

GÓP Ý VÀ ĐỀ NGHỊ

Đến đây, tôi tự thấy nên đóng góp một số ý kiến vào cuộc đối thoại đang xảy ra hiện nay và sau đó, xin nêu một vài đề nghị. Tôi cảm thấy nếu không làm chuyện này, mình có vẻ tránh né và chỉ là kẻ nói cho nhiều, nhưng chỉ thích nhìn người khác làm. Kiểu như một câu nói châm biếm trong xã hội Cộng sản: 'Lao động là vinh quang. Nhưng anh lao động tôi vinh quang.

Như đã được nêu lên ở phần sau của bài này, nội dung và thái độ đối thoại trong những bài viết nhắm vào những nhận thức mới của Nhật Tiến, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ. Hai ông Đỗ Thái Nhiên và Diệu Tần đã cố gắng trình bày tất cả những cảm nghĩ của mình ngay cả những cảm nghĩ gay gắt nhất mà chính hai ông cũng ý thức được rằng, nếu một người nào khác viết về hai ông như vậy, hai ông cũng sẽ cảm thấy đau lòng không ít. Nói cách khác, cuộc đối thoại ngay từ bước đầu, đã được khởi đi trên một căn bản thật thẳng thắn, thật mạnh mẽ, thật chính xác như ông Đỗ Thái Nhiên đã xác định. Từ đó, xem như nội dung và thái độ đối thoại đã được định trước, tôi chỉ xin cố gắng hòa mình vào.

Hai truyện ngắn "Những sự thực cần được nói ra " và "Gặp gỡ ngày cuối năm " cũng như truyện dài "Mồ hôi của đá" mới đây (1989) của Nhật Tiến có cùng một chủ đề, đó là trả lời cho vấn đề căn bản và quan trọng nhất hiện nay: Làm thế nào để giải phóng đất nước và dân tộc ra khỏi tai họa Cộng sản? Câu trả lời, hay đúng hơn là một đề nghị gợi ý, của Nhật Tiến là: "một sự tập hợp lực lượng dân tộc ở cả hai miền Nam Bắc nước ta, không phân biệt xuất xứ màu cờ, sắc áo và lập trường chính trị trong quá khứ của họ, miễn là hiện nay tất cả có chung một nhận thức và mang chung một lý tưởng. Nhận thức đó là chủ nghĩa Cộng sản là một chủ nghĩa lỗi thời, phi nhân và phi dân tộc; Lý tưởng đó là quyết tâm xóa bỏ chủ nghĩa Cộng sản để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, nhân bản và thịnh vượng. "

Để chuyên chở một nội dung như thế, trong Gặp gỡ ngày cuối năm, Nhật Tiến đã tạo ra một cuộc trùng phùng sau hơn 30 năm trời xa cách giữa hai nhân vật vốn là hai anh em ruột. Không những chỉ xa cách trong thời gian, họ còn xa cách trên mọi lãnh vực, trong mọi quan niệm. Hơn nữa, họ đang ở trong hai vị trí thù nghịch nhau. Người anh hiện là một Đại tá trong bộ đội miền Bắc; Người em vốn là một sĩ quan trong quân đội miền Nam và đang là một tù cải tạo.

Nhưng người anh, thực ra, đã không đến thăm người em với tình cảm và tư tưởng của một bộ đội hoặc một đảng viên cao cấp của cộng sản dù ông đang mang trên người quân phục và quân hàm Đại tá Cộng sản. Phải hiểu rằng, người anh đã đến thăm người em với một tâm sự chất ngất trong lòng. Đó là kinh nghiệm chua xót về con đường bạo lực và căm hờn của Cộng sản mà ông đã theo đuổi suốt 30 năm qua để đổi lấy một hiện trạng quê hương rách nát, bần cùng, đen tối. Đó là thực tế đắng cay về chủ nghĩa và chế độ Cộng sản mà ông đã nhiệt thành tin tưởng và tận tụy phục vụ để bây giờ ông phải thốt ra rằng: chúng nó nêu chiêu bài chống phong kiến bóc lột nhng trong đời sống thực tế chúng nó phong kiến hơn ai hết. Chúng nó nêu khẩu hiệu "Không gì quý hơn Độc lập, Tự do" nhưng chúng nó tước đoạt độc lập, tự do của con người hơn ai hết. Nếu phải dùng danh từ "ngụy" thì chính chúng nó ngụy hơn ai hết... "

Chính đó là lý do ông nói với người em : " chú có một mơ ước về đời sống ấm no, hạnh phúc thì tôi cũng vậy. Và tôi tin rằng nhiều người trên giải đất này cũng đều như vậy. Tại sao không thể nhìn nhận nhau để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương.... Trong hàng ngũ của những kẻ mà chú coi là thù nghịch, thật ra vẫn còn ẩn chứa những nhân tố có thể đem áp dụng toán cộng chứ không phải toán trừ. Nếu cứ ôm mãi quan niệm chỉ làm tính trừ, chú sẽ chẳng bao giờ thay đồi được cái xã hội này đâu... "

Rõ ràng tình cảm và tư tưởng của người anh đã chuyển biến để sẵn sàng đứng vào hàng ngũ dân tộc và quay mũi súng vào kẻ thù chung. Đây cũng là trường hợp ông Năm Tỏa trong Mồ hôi của đá, của Định trong Nhóm Lửa. Nói chung là những trường hợp phản tỉnh của những người đã từng đứng trong hàng ngũ Cộng sản. Nhưng với một bức tường thành hận thù, nghi kỵ mà lịch sử đã dựng lên gần nửa thế kỷ qua giữa hai chiến tuyến Quốc gia Cộng sản, người em thoạt đầu đã lạnh nhạt và vẫn tiếp tục giữ một thái độ thù nghịch với người anh. Thái độ thù nghịch dẫn đến cùng độ là ý muốn của người em, nếu có súng, sẽ bắn người anh không tiếc tay. Không ngần ngại, người anh rút khẩu súng ở sau lưng trao cho người em. Nhưng người em đã không bắn. Kết thúc câu chuyện là lời giải thích của viên Đại tá vì sao ông đã có được tự tin rằng người em sẽ không thể nào cầm súng bắn ông:

"Tôi hiểu rõ những con người đã được đào luyện và giáo dục trong xã hội tự do, nhân bản. Chú là em của tôi. Điều đó có nghĩa là dù ở hoàn cảnh nào, trong lòng chú vẫn có những tình cảm máu mủ ruột thịt. Nếu chú được sinh ra và lớn lên xã hội cộng sản, có lẽ tôi đã xử sự theo cách khác."

Câu chuyện được chấm dứt với tình máu mủ anh em đã được nối lại, với tinh thần nhân bản được đề cao và còn hàm ý một cuộc tập hợp lực lượng dân tộc từ những chỗ đứng thù nghịch nhau trong quá khứ là một yếu tố tất yếu để chiến thắng chủ nghĩa Cộng sản.

1. Từ bài toán cộng giữa tả và hữu đến cuộc "hồi tà" của ông Đỗ Thái Nhiên: Nội dung truyện ngắn Gặp gỡ ngày cuối năm của Nhật Tiến rõ ràng như thế, ý thức chống Cộng dựa trên căn bản dân tộc chống ngoại xâm do Nhật Tiến gợi ra minh bạch như thế. Tôi không hiểu bằng cách nào mà nhận thức của ông Đỗ Thái Nhiên đối với một nội dung như thế có thể ngược hẳn lại. Ông Đỗ Thái Nhiên đã viết:

" Đọc "Gặp gỡ ngày cuối năm mọi người đều nhận biết. Đại tá Việt Cộng, đại diện cho nhà cầm quyền cho phe tả. Người tù đại diện cho những người thuộc chế độ VNCH, đại diện cho phe hữu. Bài toán mà Nhật Tên muốn cộng chính là bài toán cộng giữa tả và hữu tại Việt Nam... '!

Ở một đoạn khác, ông Đỗ Thái Nhiên kết luận:

"Gặp gỡ ngày cuối năm " là một truyện đầu voi đuôi chuột! Truyện này đã mở đầu bằng bài toán cộng tả và hữu để toan tính một cái gì mới mẻ cho quê hương nhưng lại kết thúc bằng một cuộc làm hòa giữa hai anh em để ngay sau đó người anh dẫn người em đi "hồi tà"!... " Gặp gỡ ngày cuối năm" hiển nhiên chỉ là truyện cổ võ cho một cuộc "Hồi tà" !

Ngày trước, có người đã nói: Phê bình là sáng tác. Không hiểu khi nói câu đó, tác giả của câu nói đó có phải đã tiên tri được trường hợp phê bình của ông Đỗ Thái Nhiên ?

Không những chỉ là sáng tác, nghĩa là chỉ nhận thức và phê phán khác với nội dung mà Nhật Tiến muốn truyền đạt, ở đây những nhận thức và suy luận của ông Đỗ Thái Nhiên đã ngược hẳn lại và còn hàm ý chỉ trích lập trường và thái độ chính trị của Nhật Tiến mà điều này, trong thời buổi phức tạp hiện nay, nó rất nguy hiểm và do đó, nó mang tính chất ác độc.

Chẳng hạn vì không nhận ra được con người dân tộc của nhân vật Đại tá Cộng sản, cũng như không hiểu được ý nghĩa của sự nhìn nhận nhau giữa người anh Đại tá cộng sản và người tù cải tạo quốc gia là hình ảnh của sự tập hợp lực lượng dân tộc gồm những người đến từ những chỗ đứng khác nhau trong quá khứ nhưng hiện nay cùng chung một lý tưởng xóa bỏ chế độ Cộng sản để xây dựng một quê hương mới, ông Đỗ đã cho rằng Nhật Tiến thiên vị khi "đặt hai nhân vật trong truyện ở vào hai vị trí cao và thấp sai biệt rõ rệt, bên này là đại tá, bên kia là tù, bên này là anh, bên kia là em. Ông Đỗ cũng ngụ ý cho rằng nhận thức của Nhật Tiến chỉ là một lời kêu gọi xóa bó hận thù giữa quốc gia và cộng sản, chỉ là một bài toán cộng giữa tả và hữu...., một cuộc hồi tà !"

Từ đó, ông chê trách một cách sai lầm rằng Tại sao lời kêu gọi xóa bỏ hận thù không nhắm vào CSVN mà lại nhắm vào những người tù trên răng vỡ dưới khố rách... Ông Đỗ quên rằng người nói ra lời kêu gọi hãy nhìn nhận nhau chính là viên Đại tá Cộng sản, người đang thực hiện lời kêu gọi ấy bằng cách từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để trở về với hàng ngũ dân tộc mà trong đó phần lớn hiện nay là những người thù nghịch cũ của ông ngày trước.

Đặc biệt, ông Đỗ Thái Nhiên đánh giá những nhận thức kiểu trong Gặp gỡ ngày cuối năm của Nhật Tiến chỉ là nhằm đổi lấy an thân hoặc nhắm được tiếng là bao dung, là độ lượng, hoặc chỉ là tâm lý của những kẻ ngại chống Cộng.

Không hiểu ông Đỗ Thái Nhiên nghĩ thế nào chứ theo tôi, cứ như hiện nay, tôi sợ không còn ai ngại chống cộng nữa. Bởi lẽ:

- Cuộc chống Cộng tuy vẫn xảy ra và tiếp diễn, nhưng người khác chịu gian khổ, tù đày, chết chóc còn chúng ta, cùng lắm, chỉ đóng góp một ít nước bọt vì nói khá nhiều và một ít giấy mực để viết bài hô hào kẻ khác chống Cộng. Do đó, không có gì đáng ngại lắm;

- Tuy cũng mất thì giờ, nhưng thường thì dàn xếp vào cuối tuần gọi là chống Cộng cuối tuần, đã không gian khổ mà còn vui nữa nên cũng chẳng có gì mà đáng ngại;

- Chống Cộng như bơi xuôi theo giòng nước, chỉ nói những gì người khác thích nghe, còn Cộng sản thì ở tận bên kia trái đất không cách nào có thể làm hại mình được. Như vậy có gì nguy hiểm mà phải ngại.

Từ một thực tế chống Cộng như thế, tôi nghĩ rằng không có gì mà người ta phải ngại chống Cộng như ông Đỗ chê trách ! Do đó, vấn đề không nằm ở chỗ nhằm đổi lấy an thân hoặc nhằm được tiếng là bao dung, là độ lượng. Điểm căn bản mấu chốt nhất trong công cuộc chống Cộng hiện nay là làm sáng tỏ được chính nghĩa và tập hợp được lực lượng dân tộc ở cả hai miền. Đó sẽ là một cuộc cách mạng lật đổ vĩnh viễn chế độ Cộng sản vì không phải chỉ xuất phát từ bên ngoài mà còn bùng nổ từ trong lòng của chế độ đó bởi những người đã từng nhiệt thành tin tưởng và tận tụy phục vụ.

Tôi nghĩ, đó là tất cả ước muốn của Nhật Tiến được thể hiện qua ý thức chống Cộng trên căn bản dân tộc chống ngoại xâm của ông. Và không phải nhằm đổi lấy an thân như ông Đỗ Thái Nhiên trách, mà ngược lại, Nhật Tiến đã biết trước và sẵn sàng gánh chịu như hiện đang gánh chịu những gì đang xảy ra.

2. Ông Đỗ Thái Nhiên và cái nhìn về cuộc chiến Việt Nam:

Theo tôi, có lẽ nguyên nhân dẫn đến những nhận định sai lầm và phê phán "thật mạnh mẽ" của ông Đỗ Thái Nhiên đối với những nhận thức của Nhật Tiến bắt nguồn từ cách nhìn của ông về cuộc chiến Việt Nam. Trong bài "Trận chiến xót xa ", ông Đỗ viết:

"Hiện sử Việt Nam là một cuộc đấu tranh lẫn nhau giữa tả và hữu, giữa chính đề và phản đề. Vì thế xã hội Việt Nam trong tương lai chắc chắn không thể là xã hội của tả hay hữu mà là xã hội của tổng hợp đề ".

Đây là một cách nhìn lịch sử không những có tính cách mơ hồ mà còn nguy hiểm. Trước hết, người đọc không hiểu ông Đỗ đứng từ vị trí nào mà phân định tả và hữu. Trong phe Cộng sản cũng có tả và hữu.

Điển hình là, Cộng sản Trung Hoa thời Mao Trạch Đông chỉ trích cộng sản Liên Xô là bọn xét lại và hữu khuynh. Hoặc trong cuộc cách mạng Pháp 1789, thoạt đầu nhóm Girondins được xem là tả phái, nhưng về sau nhóm Montagne chủ trương quá khích hơn nên nhóm Girondins trở thành hữu phái. Nói cách khác, tả và hữu chỉ nhằm biểu lộ khuynh hướng quá khích hoặc bảo thủ trong cùng một quốc gia, một hàng ngũ hay một tổ chức và nhiều khi chỉ có tính cách giới hạn trong nhất thời.

Nếu nhìn cuộc chiến "Quốc-Cộng" trong mấy chục năm qua và hiện nay là một cuộc chiến tranh giành quyền lực của dân tộc Việt Nam giữa hai khuynh hướng tả và hữu, ông Đỗ vừa đánh mất ý thức dân tộc vừa không thấy được bản chất của Cộng sản. Bởi lẽ, ông Đỗ đã không đứng từ một vị trí gắn bó với truyền thống và quyền lợi của dân tộc để nhìn thấy hoặc đánh giá bản chất của Cộng sản cũng như bản chất của các chế độ Cộng Hòa. Cách nhìn và đánh giá của ông Đỗ chứng tỏ rằng theo ông, Cộng sản miền Bắc và Cộng Hòa miền Nam đều là hai thực thể chính trị và chế độ biểu lộ hai khuynh hướng tả và hữu, nghĩa là cấp tiến và bảo thủ, của dân tộc Việt Nam. Cũng chứng tỏ một điểm nữa là ông Đỗ đã không ý thức được rằng trong cuộc chiến "Quốc-cộng" vừa qua, lực lượng dân tộc đã không phải là người tố chức và chủ động mà chỉ là người bị khống chế và lợi dụng bởi hai tập đoàn phi dân tộc bị điều động và đại diện cho quyền lợi của ngoại bang. Trong ý nghĩa này, các chính quyền cũ tại miền Nam trước đây dù nằm trong "Liên Hiệp Pháp", hoặc là "tiền đồn chống Cộng" của Mỹ, đã vừa lợi dụng máu xương của dân tộc để phục vụ mưu đồ và quyền lợi của ngoại bang, vừa giúp phong trào Cộng sản bành trướng mạnh mẽ để cuối cùng khi Mỹ thay đổi chính sách và ngưng viện trợ là tan rã. Đặc biệt đối với Cộng sản, dù núp dưới chiêu bài nào -kháng chiến chống Pháp hay giải phóng dân tộc - các cuộc chiến tranh do Cộng sản tổ chức và lãnh đạo cũng phải được xem là những cuộc chiến tranh xâm lăng dựa trên hậu quả thực tế không thể phủ nhận là quyền lợi tinh thần cũng như quyền lợi vật chất của tổ quốc và dân tộc bị hủy diệt nhằm đồng hoá với hệ thống tư tưởng, vãn hóa và xã hội Liên Xô của Mác-lê-nin.

Từ những sai lầm căn bản trên đây dẫn đến những sai lầm quan trọng khác của ông Đỗ trong lý luận cho rằng cuộc chiến "Quốc-Cộng" vừa qua và hiện nay "là một cuộc đấu tranh lẫn nhau ... giữa chánh đề và phản đề" để có một "tổng hợp đề ... là xã hội Tam Dân" như ông Đỗ đã viết. Nếu phải lý luận theo kiểu luật mâu thuẫn như ông Đỗ đã lý luận thì người đọc cũng khó chấp nhận được rằng với chính đề và phản đề là hai thế lực phi dân tộc như đã thấy mà lại có được một tổng hợp đề là dân tộc như xã hội Tam Dân ! Với một bên là Pháp hoặc Mỹ và một bên là Cộng sản Liên Xô hoặc Cộng sản Trung Hoa, vì những mâu thuẫn và đối kháng lẫn nhau trong quan hệ bành trướng thế lực và quyền lợi quốc tế của họ, thì tổng hợp đề - nếu muốn nói như thế - chỉ là sự tang tóc, nghèo đói và chiến tranh tại các nưước nhược tiểu, chậm tiến mà điển hình là Việt Nam như đã xảy ra !

Có lẽ ông Đỗ Thái Nhiên chưa thấy được rằng cách lý luận và giải thích sự phát triển của con người cũng như xã hội theo kiểu chính đề, phản đề và tổng hợp đề như Mác và chủ nghĩa Cộng sản đã áp dụng, đã thất bại và thiếu sót nghiêm trọng. Mác và chủ nghĩa Cộng sản lý luận và giải thích rằng với chính đề là thực trạng quan hệ sản xuất của xã hội tư bản sẽ mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt với phản đề là lực lượng sản xuất của xã hội tư bản để dẫn đến tổng hợp đề là sự thành hình của xã hội xã hội chủ nghĩa và tiến đến xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Cho đến ngày nay, điều đã được chứng minh là không có truờng hợp nào vì những mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong xã hội mà các nước tư bản đã trở thành các nước Cộng sản. Ngược lại, ai cũng biết rằng chế độ Cộng sản đã được áp đặt bằng bạo lực, sắt máu và căm thù một cách phản tự nhiên. Cũng đã được chứng minh là hiện nay khuynh hướng sửa đổi và từ bỏ những giáo điều phản tự nhiên, ngược lại với những mơ ước tự do, nhân bản của con người đã thấy xuất hiện ngay trong lòng của những chế độ Cộng sản. Sở dĩ như thế vì Mác và chủ nghĩa Cộng sản đã chối bỏ vai trò của ý thức và tinh thần trong sự phát triển của xã hội và con người. Mác đã khẳng định: "tồn tại của xã hội (hay hình thái kinh tế của xã hội) đã phát sinh ý thức xã hội" Nói cách khác, Mác muốn nói chính vật chất được thể hiện qua các hình thái kinh tế của xã hội đã đẻ ra tinh thần và ý thức. Mác và chủ nghĩa của ông đã cố tình quên rằng, bên cạnh những mâu thuẫn luôn luôn có và thường là những động cơ để xảy ra những biến chuyển trong xã hội, chính ý thức về chân-thiện-mỹ vốn được thể hiện trên bình diện xã hội qua những mơ ước nhân bản của con người về tự do, công bằng, dân chủ đã như ngọn hải đăng để âm thầm và liên tục hướng dẫn bước tiến của xã hội con người. Ai cũng có thể kiểm chứng và biết rằng dù bán khai hay văn minh, dù ở thời kỳ ăn lông ở lỗ hay ở thời đại kỹ thuật điện tử ngày nay, con người vẫn biểu lộ sung sướng khi được thương yêu, quý trọng và không bị giam giữ, ngược lại với thái độ buồn chán, căm phẫn khi bị ghét bỏ, khinh bỉ và tù đày. Đó là những hình thức căn bản biểu lộ ý thức và tinh thần tự do, công bằng, dân chủ của con người dù tiềm ẩn bên trong mỗi cá nhân hay được hợp pháp hóa ngoài xã hội mà trên căn bản, nó đã không hề thay đổi hoặc phát sinh theo sự thay đổi các hình thái kinh tế của xã hội loài người.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, suốt một ngàn năm bị Tàu đô hộ với âm mưu đồng hóa từ hình thái kinh tế đến cấu trúc xã hội, từ văn tự đến văn hóa, nhưng chỉ với ý thức dân tộc, tiền nhân chúng ta đã giành lại quyền độc lập tự chủ để có một nước Việt Nam riêng biệt cho đến sau này.

Cách nhìn về lịch sử và cuộc chiến Việt Nam của ông Đỗ Thái Nhiên qua lý luận biện chứng tả hữu, chính đề, phản đề và tổng hợp đề như trên không những chỉ mơ hồ, sai lạc mà còn nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, không thấy được lực lượng dân tộc, không có ý thức dân tộc, chỉ thấy có tả và hữu nên cách nhìn và đánh giá của ông Đỗ dễ bị lầm lẫn và bị cuốn hút vào một trong hai phía mà ông ta có ảo tưởng là một thứ tổng hợp đề và phía nào cũng là tai họa của dân tộc. Suốt gần một thế kỷ nay, chính vì chúng ta đánh mất ý thức dân tộc nên bóng dáng của những người ngoại quốc ở cả hai miền đất nước - Pháp, Mỹ, Trung Hoa, Liên Xô - có người được gọi là mẫu quốc, có người được gọi là đồng minh, có người được gọi là đàn anh kính mến hay bậc thầy vĩ đại - đã thay phiên hay cùng lúc khống chế vận mệnh của đất nước. Và dân tộc Việt Nam, trong hoàn cảnh đó, chẳng khác nào thân phận Thúy Kiều của Nguyễn Du, "đưa người cửa trước rước người cửa sau', chìm đắm trong chu kỳ ngoại thuộc mà Gia Long Nguyễn Ánh đã khởi đầu khi rước Pháp vào đánh Tây Sơn. Chu kỳ ngoại thuộc này có những mốc thời gian quan trọng mà 30 tháng 4 năm 1975 là một. Chính đây là thời điểm dễ dàng nhất để nhận diện hai thế lực phi dân tộc. Điểm đặc biệt trong sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa không ở chỗ nó bị xóa tên trên bản đồ thế giới mà ở chỗ hàng triệu người bao gồm hầu hết quân đội và công chức sắp hàng trong trật tự để được đưa đi "học tập cải tạo". Giải thích như thế nào về hiện tượng này ? Thực là sai lầm và nông cạn nếu chúng ta đánh giá tập thể hàng triệu người như thế khiếp sợ và đầu hàng Cộng sản hoặc bị Cộng sản lừa với chính sách học tập 10 ngày hoặc ba tháng. Thực tế lịch sử và truyền thống dân tộc với những gương tuẫn tiết sẽ nghiêm khắc phủ nhận những đánh giá như vậy. Hiện tượng trên đây chỉ có thế được giải thích rằng, từ tận cùng của ý thức trong mỗi người - dù quân nhân hay công chức - đã thấy có sự bất ổn, thiếu chính nghĩa đối với cuộc chiến mà họ đang tham dự cũng như đối với chế độ mà họ đang phục vụ. Thái độ phục tòng của họ trước kẻ thù khi trình diện trong trật tự chỉ là phản ứng tiêu cực và trong tình trạng vô thức của một thứ tâm lý muốn thoát ra ngoài cuộc chiến triền miên và vô nghĩa cũng như muốn phản kháng lại cái chế độ mà chính họ cũng không ý thức rằng từ lâu họ đã không còn tin tưởng. Trước đó, cuộc tháo chạy hỗn loạn từ miền Trung vào cũng như từ Cao nguyên xuống cũng phát xuất từ một thứ tâm lý như thế. Thượng bất chánh hạ tắc loạn. Một chế độ phi dân tộc làm sao có được sự hậu thuẫn, lòng trung thành và niềm tin tưởng của dân tộc?

Trong khi đó, điểm đặc biệt trong sự chiến thắng của chế độ Cộng sản mà từ lâu họ núp sau những chiêu bài giải phóng dân tộc, là hình ảnh của những bích chương và biểu ngữ treo la liệt khắp phố phường, làng xóm với nội dung "Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm "Đảng Cộng sản Việt Nam, người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam", "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" !

Nội dung của các bích chương và biểu ngữ đó đã khẳng định một cuộc đổi đời thực sự và triệt để, mở đầu cho việc hủy diệt truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc để đồng hóa vào khuôn mẫu xã hội Liên Xô từ cấu trúc xã hội đến hình thái kinh tế, từ giáo dục, văn hóa đến tình cảm và tư tưởng. Bề trái của huy chương chiến thắng mà Cộng sản Việt Nam đã chiếm được là hình ảnh của các trại tù, của những xác người Việt Nam nằm trên những bờ biển và những góc rừng xa lạ, của một xã hội Việt Nam nghèo đói xác xơ kiệt quệ của một kẻ đã tự hào trong chiến tranh và nay trở thành kẻ van xin quỵ lụy trong "hòa bình", và đặc biệt, đó là hình ảnh của hai ông Mác và Lênin đang dẫm nát bức dư đồ Việt Nam.

Phải chăng đó là hai khuynh hướng tả và hữu của dân tộc Việt Nam, đó là chính đề và phản đề trong cuộc chiến Việt Nam như ông Đỗ đã viết ? Liệu với hai chính đề và phản đề như thế có sẽ dẫn đến tổng hợp đề "Tam Dân" như ông Đỗ đã khẳng định chắc chắn phải xảy ra ?

Tóm lại, khi những chiếc mặt nạ và những chiêu bài giả trá của các thế lực phi dân tộc đã rơi xuống, cuộc chiến trước mắt sẽ đích thực là cuộc chiến của lực lượng dân tộc chống lại cuộc chiến xâm lăng của chủ nghĩa Cộng sản để giành lại độc lập tổ quốc và tự do dân tộc. Không còn nữa cái thế đương đầu bình đẳng giữa một bạo lực này với một bạo lực khác, giữa một thế lực phi dân tộc này với một thế lực phi dân lộc khác. Cuộc chiến chống Cộng trước mắt chính là cuộc chiến giữa nhân bản và phi nhân, giữa dân tộc và phi dân tộc, giữa chính nghĩa và gian tà. Thế tất thắng của dân tộc phát xuất từ đó. Khả năng tập hợp lực lượng dân tộc cũng dựa trên căn bản đó.

Tôi nghĩ rằng ông Đỗ Thái Nhiên sẽ có dịp suy xét lại những nhận thức dựa trên lối lý luận biện chứng của ông cũng như chiêm nghiệm lại bản chất và thực tế của cuộc chiến vừa qua để từ đó ông sẽ thấy rằng những nhận thức và mơ ước của nhà văn Nhật Tiến cũng sẽ là những nhận thức và mơ ước của ông cũng như của phần lớn đồng bào chúng ta ở cả hai miền Nam Bắc sau khi mỗi người trong chúng ta dẹp bỏ tự ái riêng tư của mỗi cá nhân, dẹp bỏ tự ái phe nhóm do vị trí đứng từ bên này hay bên kia trong quá khứ để chỉ còn duy nhất tự ái dân tộc.

Có gì khác biệt nhau khi Nhật Tiến viết về xã hội cũ ở miền Nam với "những kẻ đầu cơ, tích trữ, những đứa sống nhởn nhơ phè phỡn trên cơn thiếu thuốc men, bệnh tật của dân nghèo khó, những đứa buôn súng đạn, bán đứng sinh mạng của chính anh em đồng ngũ của mình...những kẻ bất tài nhưng có quyền thế thao túng chính trị, thao túng thị trường, thao túng trên cả sinh mạng của binh sĩ..."

Có gì khác biệt nhau khi Nhật Tiến kết luận về xã hội miền Nam đó:

" Một xã hội như thế , nghĩ cho cùng tuy vẫn còn hơn là xã hội Cộng sản nhưng nhất định không phải vì thế mà trở thành một niềm mơ ước cho tất cả mọi người…"

Có gì khác biệt nhau khi Nhật Tiến viết về xã hội miền Bắc: "cái xã hội lam lũ, nghèo nàn mà trong đó, con người đang được vắt cho đến sức cùng lực kiệt. ".

Có gì khác biệt nhau khi Nhật Tiến nhận định về khẩu hiệu "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội" của Cộng sản: " chỉ là một sự áp đặt tư tưởng con người, cưỡng ép con người từ bỏ bản chất dân tộc để đi vào con đường ngoại lai vong bản".

Có gì khác biệt nhau khi Nhật Tiến nhận định về chế độ Cộng sản:

"Chúng nó nêu chiêu bài chống phong kiến bóc lột, nhưng trong đời sống thực tế chúng nó phong kiến hơn ai hết. Chúng nó nêu khẩu hiệu "không gì quý hơn độc lập tự do nhưng chúng nó tước đoạt độc lập, tự do của con người hơn ai hết ... "

Có gì khác biệt nhau khi Nhật Tiến kêu gọi mọi người sống trong chế độ Cộng sản phải biết: "Nhìn ra thân phận bị trị của mìh,, biết biết phẫn nộ trước sự phi lý về nông nỗi con người bị khai thác triền miên trong bao nhiêu năm ròng bởi một thiểu số đầy tham vọng và quyền lực mà không biết đứng dậy làm một cuộc cách mạng mới giải phóng chính mình."

Và có gì khác biệt nhau khi Nhật Tiến nhận thức: …"mọi người Việt Nam đều khao khát một ước vọng chung đó là xóa bó chế độ Cộng sản để xây dựng một quê hương mới...Hãy mở rộng tấm lòng với trái tim biết cảm thông, biết thổn thức, biết thương yêu, biết xót xa trên những đổ vỡ đau thương của dân tộc, bởi chỉ có như thế, ta mới có thể tạo điều kiện cho một sự kết hợp rộng lớn của toàn thể dân tộc, một điều kiện tất yếu để chiến thắng chủ nghĩa Cộng sản."

Đã giống nhau về nhận thức, đã không khác nhau về những ước mơ chung, theo tôi nghĩ sẽ có lúc, ông Đỗ Thái Nhiên nhận được ra rằng ông đã hơi vội vàng trong khi phê phán những nhận thức của nhà văn Nhật Tiến là "ấu trĩ ", là "toan tính dùng lòng khoan dung của đạo đức giả để che lấp nghĩa vụ phục hoạt dân sinh" là "khiếp sợ và an thân", là "nên ân cần xin lỗi độc giả của ông ta" !
(còn tiếp)