(tiếp theo)
3- Lý luận sức nén và sức nổ của ông Đỗ Thái Nhiên:

Cần nhắc lại rằng, khi gặp người anh với hình thức là một Đại tá Cộng sản, người em tù cải tạo biểu lộ lòng căm thù tột đỉnh của mình với chế độ Cộng sản qua lời nói: nếu có súng sẽ bắn anh không tiếc tay.

Với tình ruột thịt và tình đồng lý tưởng cùng mơ ước xóa bỏ chế độ Cộng sản, người anh phân tích cho người em thấy đó là một ước muốn điên rồ bởi vì nó không giải quyết được gì ngoài việc tự hủy diệt mình và tạo thêm sức mạnh cho kẻ thù. Sau đó, ông phân tích thêm:

..."Phải nói rằng chính sách cải tạo không nhằm dạy dỗ các chú trở thành những con người Cộng sản mà mục đích của nó là nhằm tiêu diệt khả năng đề kháng của những người ở phe chú. Thành quả của nó thế nào,chú đã thấy. Phần đông sĩ quan cải tạo về đều ôm mơ ước là đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài. Đó có phải là một hình thức tháo chạy hay không? Còn nhân dân nổi dậy? Họ làm sao nổi dậy được khi chính những người có khả năng chiến đấu, lãnh đạo như các chú cũng chỉ có một ước mơ là ra đi, và mặt khác, làm sao họ nổi dậy được khi mà đời sống bây giờ đã thu gọn họ vào có một điều kiện duy nhất là lo chạy vạy để có miếng cơm hàng ngày. Chủ trương thắt bao tử để cai trị của chính quyền nó có tác dụng ghê gớm như thế nào, chú chưa nhìn ra hay sao?"

Ông Đỗ Thái Nhiên không chấp nhận thực trạng trên đây. Ông Đỗ nghĩ rằng những quan niệm như thế đã kết thành sợi dây xích khóa chốt bánh xe lịch sử. Từ đó, ông Đỗ nhận định tiếp:

"Không có sự chối cãi rằng "cải tạo" và "thắt bao tử" là hai chính sách đã gây sức nén đối với lịch sử. Nhưng cũng không có sự chối cãi rằng sau sức nén là sức nổ.... Nhật Tiến chỉ thấy sức nén chứ không thấy sức nổ. Vì vậy Nhật Tiến chỉ biết luận về lịch sử chung quanh sức nén như một thái độ khiếp sợ và an thân... "

Phát xuất từ lòng tự ái của một người tự nguyện gắn mình vào hàng ngũ của chế độ Nguyễn Vãn Thiệu, vừa không muốn nhìn nhận một thực trạng mà ông nghĩ rằng xấu, vừa mang tâm lý cho rằng nếu thực trạng đó có xảy ra thì xem như bó tay và lực lượng chống Cộng chỉ giới hạn trong những người đã từng phục vụ chế độ Thiệu. Trong khi đó, Nhật Tiến không đặt mình trong một phía nào, muốn hướng tầm nhìn của mình xa hơn trong thời gian để tìm nguyên nhân, rộng hơn trong không gian để bao gom nửa phần tổ quốc đã bị bỏ quên và một phần khá lớn lực lượng dân tộc bị chia cách, nghi kỵ.

Sự kiện phần đông những người cải tạo trở về đều ôm mơ ước đoàn tụ với gia đình cũng như quần chúng Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản phải lo chạy vạy để có miếng cơm hàng ngày là một thực tế không thể phủ nhận. Phủ nhận thực tế này chẳng khác nào chê Cộng sản không biết tàn bạo, hoặc tàn bạo chưa đủ. Phải thừa nhận rằng, không riêng gì ở Việt Nam, mà tại hầu hết các nước Cộng Sản từ hơn 80 năm qua, sự tàn bạo kinh hoàng của Cộng sản trong chính sách tiêu diệt khả năng đề kháng của những người chống họ, đã có hiệu quả. Khi cần, như lịch sử đã được tiết lộ, Cộng sản đã giết hàng triệu người kể cả những người trước đây là đồng chí rường cột của họ. Nhưng nêu lên thực trạng như Nhật Tiến đã nêu, không phải để tạo thành sợi dây xích khóa chặt bánh xe lịch sử như ông Đỗ muốn kết án. Bởi lẽ bánh xe lịch sử không phải lăn theo những cánh tay yếu hay mạnh, cũng không phải lăn theo những bụng no hay đói, cũng không phải lăn theo những vũ khí thô sơ hay tối tân. Chế độ Nguyễn Văn Thiệu với số lượng quân nhân, công chức nhiều hơn số lượng nằm trong các trại cải tạo, lương thực đầy đủ, vũ khí tối tân, nhưng bánh xe lịch sử vẫn bị khóa chặt và chế độ của ông phải tan rã, tại sao ? Phải biết rằng bánh xe lịch sử, có lúc nhanh lúc chậm, nhưng chỉ lăn theo một con đường duy nhất: con đường của chính nghĩa. Khi nêu lên thực trạng đó, Nhật Tiến muốn đưa ra quan điểm của ông đối với công cuộc chống Cộng hiện nay, vũ lực hay bạo lực chưa đủ, chính nghĩa dân tộc mới là yếu tố tất thắng. Cũng như hầu hết các chế độ Cộng sản hiện nay, tuy họ thành công trong việc trấn áp những cuộc nổi dậy bên ngoài, nhưng họ đã không trấn áp được những đòi hỏi và ước mơ nhân bản cất lên từ trong lòng chế độ, từ trong lương tâm của chính họ.

Lý luận sức nén và sức nổ của ông Đỗ Thái Nhiên cũng chỉ đứng lại ở vũ lực và bạo lực. Và trên phương diện này thì Cộng sản là bực thầy. Câu nói đầu môi của những người Cộng sản mà Mác đã mớm cho họ là "Chỗ nào có đàn áp bất công. chỗ đó có cách mạng. "

Nhưng khi họ làm cách mạng xong, họ đàn áp và bất công hơn ai hết ! Do đó, vấn đề không phải ở chỗ nén và nổ cũng như không phải ở chỗ bất công và cách mạng. Vấn đề ở chỗ nổ như thế nào và cách mạng như thế nào. Nổ như một viên pháo để rồi tan xác pháo! Cách mạng như Cộng sản đã làm chỉ tạo thêm đàn áp và bất công! Đó là lý do những nhận thức của Nhật Tiến xoáy sâu vào ước mơ nhân bản của con người, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chính nghĩa dân tộc. Đó cũng là điểm mà ông Đỗ Thái Nhiên không hiểu được trong những nhận thức của Nhật Tiến và từ đó, ông cho rằng Nhật Tiến "chỉ biết luận về lịch sử chung quanh sức nén như một thái độ khiếp sợ và an thân."

Đặt những phân tách của Nhật Tiến về thực trạng trên đây trong một khung cảnh thảo luận và mổ xẻ tình hình để biết rõ ta và cũng biết rõ kẻ thù giữa những người cùng chung lý tưởng và đang mơ ước làm cuộc giải phóng xóa bỏ chủ nghĩa và chế độ Cộng sản, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa và giá trị của nó. Dĩ nhiên trong khung cảnh này, chúng ta đừng chờ đợi những lời tâng bốc, ca ngợi để vừa thoa dịu nỗi đau đớn, vừa vuốt ve lòng tự ái của mình. Suốt mấy chục năm trong cuộc chiến chống Cộng, chính vì chỉ thích nghe những lời tâng bốc, ca ngợi như thế trong khi thực tế trái ngược hẳn lại nên cuối cùng thua cuộc và mất nước. Những điều mà chúng ta phải chờ đợi nghe, tuy chối tai và làm buốt thịt da, nhưng là những sự thực. Và chúng ta phải biết rút ra những bài học từ những sự thực đó thay vì tự ái. Chẳng hạn, không có gì phải tránh né và biện minh trước một thực tế rằng phần đông tù cải tạo được về đều mơ ước đoàn tụ với thân nhân ở nước ngoài, dù đó có thể được hiểu là một hình thức tháo chạy. Biết bao nhiêu điều đau đớn hơn, xót xa hơn, tủi nhục hơn đã xảy ra dưới chế độ của Nguyễn văn Thiệu và chúng ta cứ phải chấp nhận.

Hãy đọc lại Cuộc rút quân Cao nguyên của Phạm Huấn, "Việt Nam: Một trời tâm sự" của Nguyễn Chánh Thi, "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" của Đỗ Mậu để thấy đau đớn, xót xa, tủi nhục như thế nào ? Nhưng chúng ta phải chấp nhận. Cũng như đã chấp nhận trong lịch sử Việt Nam có những Lê Long Đĩnh, Lê Chiêu Thống, Trần ích Tắc v..v... Cũng như chấp nhận có những trang sử đen tối 1000 năm nô lệ Tàu, ngót 100 năm nô lệ Tây... Chấp nhận để tránh đừng để xảy ra nữa trong tương lai.

Do đó, không có gì phải tránh né và tự ái trước một thực trạng như thế. Vả lại, xét về tình cảm, mơ ước đoàn tụ với thân nhân, bất kỳ ở đâu, là một thứ mơ ước đã tích lũy từ nhiều đời, trở thành một thứ thiếu hụt thường xuyên trong máu, trong hơi thở của con người Việt Nam phải chiu đựng phân ly, chia cách suốt gần bốn thế kỷ qua. (Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn với bản dịch của Đoàn Thị Điểm đã chứa đựng sự mơ ước và thiếu hụt đó). Xét về lý trí, chính nghĩa của những cuộc chiến kéo dài triền miên từ thời Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn đến nay trừ cuộc chiến chống thực dân Pháp - đã không đủ mạnh, đủ chính đáng để lý trí nương tựa, nên khuynh hướng tất nhiên là mơ ước đoàn tụ để tìm về ẩn náu với mái ấm gia đình. Và như trên đã phân tích, đó cũng là một phản ứng tiêu cực trong tình trạng vô thức của một thứ tâm lý chán ngán chiến tranh vô nghĩa. Tránh né, phủ nhận, tự ái, không cảm thông tâm trạng của những người cải tạo trở về mơ ước đoàn tụ với gia đình, dù ở trong nưước hay ở ngoại quốc, là một hình thức thống trách họ. Nhưng chúng ta có đủ tư cách để thống trách họ không ? Tại sao chúng ta tìm cách thoát thân, tìm cách đoàn tụ gia đình, tìm cách sống một cuộc đời êm ấm, trong khi đó cứ muốn những người khác tiếp tục noi gương "tiếng bom Sa Điện của Phạm Hồng Thái”, tiếp tục đứng đầu sóng ngọn gió để giữ tròn tiết tháo trước kẻ thù ?

Do đó, vấn đề không phải là tháo chạy, không phải là mơ ước đoàn tụ gia đình. Vấn đề chính yếu nằm ở chỗ nhận thức được chính nghĩa dân tộc, nhận thức được con đường tập hợp lực lượng dân tộc. Được như thế, lúc bấy giờ, mọi người như được trở lại giòng sinh mệnh bất khuất trong lịch sử oai hùng của giống nòi. Và lúc bấy giờ, không những không còn ai đặt ra vấn đề tháo chạy, không còn ai mơ ước đoàn tụ gia đình mà mỗi người sẽ tự nguyện làm đúng những gì như tiền nhân chúng ta đã làm trong công cuộc dựng nưước và giữ nước trong mấy nghìn năm qua. Một Phan Thanh Giản không giữ được thành trước sức tấn công vũ bão của Pháp, liền viết sớ, trả ấn, hướng về phía Bắc vọng lạy vĩnh biệt vua và uống thuốc độc tự tử ! Một Võ Tánh sai người lấy rơm chất dưới lầu Bát giác, đổ thuốc súng vào để tự thiêu, một Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử khi cả hai thất bại trong việc giữ thành... Đó chính là sức mạnh của niềm tin và chính nghĩa.

Phần góp ý với ông Diệu Tần:

Những gì tôi đã cố gắng trình bày trên đây, theo thiển ý cũng đã đủ để góp ý với ông Diệu Tần. Bởi lẽ, cũng như ông Đỗ Thái Nhiên, ông Diệu Tần đã phê phán Nhật Tiến từ một chỗ đứng là chế độ Cộng Hòa của ông Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cần có một vài bổ túc để làm sáng tỏ thêm những điểm mà tôi cho rằng ông Diệu Tần đã đọc sai.

Trong Thư ngỏ gửi nhà văn Nhật Tiến, ông Diệu Tần đã nhân danh độc giả để phê phán rằng Nhật Tiến luôn luôn nêu lên cái phi nhân, cái thành kiến, cái ngu dốt của phía quốc gia. Rồi ông dẫn chứng nhân vật Truờng trong truyện ngắn Cánh Cửa, với lời phê phán rằng Nhật Tiến đã "dựng một cựu sĩ quan pháo binh...có một nhãn quan hẹp hòi, ấu trĩ, ngu dốt". Và tiếp theo đó, là một đoạn trích dẫn (chữ nghiêng) mà người đọc cứ tưởng rằng ông Diệu Tần đã trích nguyên văn của Nhật Tiến: "ông Truờng chỉ biết rằng nước Việt Nam có lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào thôi, và nếu có kháng chiến phục quốc, chỉ cần đòi lại phần đất cũ đó mà thôi(?)

Sự thực đã hoàn toàn khác hẳn. Bối cảnh của đoạn văn mà ông Diệu Tần đã trích dẫn một cách sai lạc trên đây xảy ra khi Sủng, tên công an cộng sản, gốc miền Bắc trao đổi với Truờng, đang là tù cải tạo:

''Nghĩ cũng buồn cười đấy nhỉ. Mình cùng là người Việt Lam mà lói với nhau nắm khi không hiểu."

Câu nhận xét bất ngờ của Sủng, người mà trước đây Truờng đánh giá là ngu đần, chỉ là công cụ vô tri của chế độ, đã làm Truờng thật xúc động và suy nghĩ "Bao nhiêu ngày bị giam hãm ở đây, chưa bao giờ Truờng nhớ lại được ra rằng quê hương Việt từ ngàn xa vẫn trải dài từ Nam Quan cho đến Cà Mâu. Sự sụp đổ phũ phàng của đất nước đóng khung sự suy nghĩ của chàng vẫn ở cái thời điểm mà đất nước bị chia cắt. Bên này và bên kia. Bên này sụp đổ. Bên kia xâm lược chiến thắng. Ước mơ của chàng về sự giải phóng đất nước, nếu có thì chỉ là sự giải phóng một miền Nam, khôi phục lại vùng đất cũ chứ chưa bao giờ chàng nghĩ đến một dải giang sơn trải dài từ Bắc xuống Nam cùng chung sống trong một vận hội mới. Làm sao Truờng có thể hình dung ra được một sự chung sống như thế với nhân dân hai miền đầy dẫy những mâu thuẫn, khác biệt ? Nhưng ít ra đó cũng là một ước mơ, một nguyện vọng chính đáng phải thể hiện chứ. "
(truyện ngắn Cánh Cửa).

Tâm tư và nhận thức của Truờng như thế mà ông Diệu Tần cho là hẹp hòi, ấu trĩ, ngu dốt. Và nguyên văn một đoạn văn của Nhật Tiến như thế mà ông Diệu Tần trích dẫn chỉ còn lại mấy câu với ý nghĩa hoàn toàn sai lạc.

Có lẽ, ông Diệu Tần không biết rằng sự hiểu biết qua thực tế và sách vở là một chuyện, nhưng sự nhận thức qua gạn lọc của tâm lý là một chuyện khác. Ai cũng biết rằng Việt Nam chạy dài từ Nam Quan cho đến Cà Mâu, nhưng tâm lý hận thù, cách biệt do hoàn cảnh lịch sử tạo nên trong suốt cuộc chiến 30 năm khiến cho người ta nhiều khi không nhớ ra thực tế đó. Cũng như ai cũng biết rằng xuyên tạc và làm hại người khác là một điều xấu, chẳng nên làm. Nhưng trong một tình trạng tâm lý như thế nào đó, chúng ta đã quên đi và vẫn thản nhiên làm hại và xuyên tạc người khác mà dường như không cảm thấy một gợn sóng nhỏ nào khuấy động lương tâm của mình.

Thực ra, Truờng là một trong những nhân vật đắc ý nhất không những của tác giả Nhật Tiến mà còn của nhiều độc giả khác nữa. Truờng không hẹp hòi, ấu trĩ, ngu dốt như ông Diệu Tần nhận xét mà ngược lại là một nhân vật thể hiện tròn đầy tính nhân bản, trí thông minh, lòng độ lượng và ý thức dân tộc. Chính với những đặc tính này, Trường đã cải tạo được một người công an cộng sản ngay trong vòng rào của một trại cải tạo. Nhật Tiến đã cho câu truyện kết thúc với khung cảnh khi Sủng đến báo cho Truờng biết là anh ta đang bị gặp khó khăn: "các đồng chí nãnh đạo kết tội "em" hữu khuynh và truy kích em kịch niệt. Các đồng chí ấy lói rằng tưởng em có nhiệm vụ cải tạo Mỹ Ngụy, lào ngờ chính em bị Mỹ ngụy nàm cho chao đảo. Biện pháp áp dụng nà gửi em hoàn trả cho đơn vị gốc tùy lơi lày xử ný."

Và do đó, Sủng không thể chờ đợi được cái lược Truờng đang làm cho Sủng để tặng cô vợ sắp cưới mà trên cái lược đó sẽ có khắc một đôi ngựa với ý nghĩa mà Truờng đã nói với Sủng trước đây:

" Nhìn ngắm đôi ngựa này để biết thù ghét kiếp ngựa bị che mắt và chỉ tuân theo chỉ thị của làn roi….".

Truờng đã phải lấy cái lược của chàng vốn dự định tặng cho vợ trong lần thăm nuôi tới, trao cho Sủng và nói:

"Tôi tiếc là không làm nhanh hơn để trên cái lược có lời đề tặng của chú dành cho cô Linh và nhất là chẳng có một đôi ngựa."

Sủng mỉm cười trả lời:

"Chẳng có đôi ngựa trên nược thì em cũng đã ghi gói hình ảnh đó ở trong đầu. Em sẽ lói với Ninh về đôi ngựa ấy khi có dịp."

Chính với nhân vật Truờng và nội dung như thế của truyện ngắn Cánh Cửa mà Thi Vũ Võ Văn Ái của tạp chí Quê Mẹ ở Paris đánh giá là "một ý thức vượt Cộng... hé một lối ra, làm bước ngoặt cho thế chủ bại chuyển sang thế công hãm. "
(Tạp chí Quê Mẹ, Paris, số Xuân Mậu Thìn) .

Ông Diệu Tần còn dẫn chứng "ông Vinh một nhân vật vắng mặt trong truyện ngắn Những sự thực cần được nói ra của Nhật Tiến, kèm theo lời nhận xét của ông ngụ ý cho người đọc hiểu rằng Nhật Tiến đã tạo nên hình ảnh của một cựu viên chức hay cựu quân nhân miền Nam đã có một hành động rất ác độc, dã man, cả về tinh thần lẫn vật chất với vợ con còn kẹt lại bên nhà.

Bên cạnh thiện chí tự chế của ông Diệu Tần mà tôi đã trích dẫn ở phần sau, riêng ở điểm này, tôi nghĩ rằng phê phán như thế thì quá đáng ! Nó đã vượt qua giới hạn của sự đối thoại và tiến gần đến chủ tâm kích động tâm lý phẫn nộ của quần chúng. Dĩ nhiên, kích động được hay không và quần chúng có bị mắc mưu hay không là một chuyện khác. Nhưng điều tôi muốn làm sáng tỏ là sự thực đã không có gì đáng để gọi là " rất ác độc, dã man"!

Chuyện ông Vinh không liên lạc thư từ và gởi quà tiếp tế cho gia đình trong sáu tháng, thực ra không ai hiểu vì nguyên do nào. Tác giả cũng không cho biết. Có thể bị bệnh tật. Có thể bị tai nạn. Có thể ông bị mất job. Nhưng cứ giả sử theo như sự suy luận của vợ con ông bên nhà rằng: bởi vì ông biết vợ ông đang làm trong một hợp tác xã, đứa con trai ông vào đội thiếu niên tiền phong cổ quàng khăn đỏ, cô con gái lớn của ông sinh hoạt trong một ban văn nghệ nghiệp dư.. v..v... nên ông đã cắt đứt liên lạc thư từ và tiếp tế khiến gia đình túng quẫn. Ông thuộc loại người chống Cộng cực đoan. Với chi tiết chỉ bao nhiêu đó mà ông Diệu Tần có thể phê phán Nhật Tiến đã tạo nên hình ảnh của: "một cựu viên chức hay cựu quân nhân miền Nam đã có một hành động rất ác độc dã man, cả về tinh thần lẫn vật chất với vợ con còn kẹt lại bên nhà" !

Ông Diệu Tần cho rằng chuyện đó không thực tế. Ông Diệu Tần nghĩ như thế nào những lời kêu gọi, những cuộc xuống đường công khai trước đây của những ủy ban chống Cộng hô hào đừng gởi quà và tiền về cho thân nhân ở Việt Nam ? Ông Diệu Tần nghĩ rằng việc làm của họ không chính đáng và cũng ác độc, dã man ? Ông Diệu Tần thực sự không hiểu vì sao họ phải hô hào như thế chăng ? Nhưng mục đích chính của Nhật Tiến trong câu chuyện là trình bày những mâu thuẫn giữa tình và lý, giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa bổn phận với gia đình và trách nhiệm với đất nước. Và chủ ý muốn đạt được của tác giả là xóa bỏ những thành kiến để không những ông Vinh và gia đình nối lại được sợi dây đã đứt mà tất cả mọi người đồng tâm nhất trí trong công cuộc xây dựng một quê hương mới không Cộng sản, không hận thù, không chia cách. Tôi nghĩ rằng có gì khác nhau chăng ?
***
Để kết luận, tôi nghĩ rằng, cùng với tất cả những gì đã được tạo dựng lên trong suốt một thế kỷ qua, đặc biệt trong cuộc chiến vừa qua, do hận thù, chia cách, chủ nghĩa, cực đoan, những lời phê phán của ông Đỗ, của ông Diệu Tần, của người viết bài này và có thể của nhiều người khác nữa cũng đều chảy trôi ra biển.

Chỉ còn lại duy nhất quyết tâm và nỗ lực xóa bỏ chủ nghĩa Cộng sản của tất cả mọi người. Với ý nghĩa đó, tôi mong đợi được tiếp tục đọc những bài viết khác trong tinh thần đối thoại để làm sáng tỏ quyết tâm và nỗ lực nói trên.

BÙI NGỌC ĐƯỜNG
(Tạp chí Văn Học xuất bản ở Nam Cali, số 39, tháng 4-1989)
(còn tiếp)