Nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan được cho là do đội ngũ lãnh đạo thiếu kinh nghiệm quản lý và trình độ dân trí thấp.


Ngày càng có nhiều thường dân Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa do tình hình chiến sự xấu đi (Ảnh: Reuters)

Nam Sudan đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi đất nước này tuyên bố độc lập hồi giữa năm 2011. Các cuộc xung đột chính trị, sắc tộc đã đặt quốc gia non trẻ này trước nguy cơ nội chiến và một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.


Ngày 25/12, Liên Hợp Quốc lên tiếng kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho Nam Sudan, đất nước vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi tuyên bố độc lập hồi giữa năm 2011. Theo văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo Liên Hợp Quốc, các cơ quan nhân đạo cần 166 triệu USD để hỗ trợ người dân từ nay đến tháng 3/2014. Ưu tiên hàng đầu là đáp ứng các nhu cầu về vệ sinh dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phân phối lượng thực, cũng như quản lý các trung tâm tị nạn.
Bạo lực bùng phát tại thủ đô Juba của Nam Sudan vào ngày 15/12 vừa qua, sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc binh sĩ trung thành với cựu phó Tổng thống Riek Machar âm mưu tiến hành đảo chính. Kể từ đó, xung đột đã nhanh chóng lan rộng, chia rẽ bộ lạc Dinka ủng hộ Tổng thống Salva Kiir và bộ lạc Nuer ủng hộ ông Machar. Chỉ trong hơn 1 tuần giao tranh, có hàng nghìn người được cho là đã thiệt mạng, ít nhất 90 nghìn người bị mất nhà cửa. Giao tranh vẫn tiếp diễn và lan rộng tới 10 bang của Nam Sudan. Trong bối cảnh này, thế giới nói chung và khu vực châu Phi nói riêng đã nỗ lực hỗ trợ hòa giải giữa các bên tại Nam Sudan. Trong một thông điệp gửi tới người dân Nam Suda, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon ngày 25/12, một lần nữa kêu gọi các nhà lãnh đạo nước này giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình nhằm chấm dứt bạo lực. Ông Ban Ki Moon nói: “Liên Hợp Quốc sẽ luôn sát cánh bên nhân dân Nam Sudan vào thời điểm khó khăn hiện nay. Một lần nữa tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo đất nước giải quyết bất đồng một cách hòa bình, cũng như thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ người dân. Về phần mình, chúng tôi cũng đang tăng cường sự hiện diện của Liên Hợp Quốc và sẽ làm hết sức để chấm dứt bạo lực, cũng như hỗ trợ Nam Sudan xây dựng một tương lại tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”. Cùng ngày, Ủy ban châu Âu cho biết Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu EU, Catherine Ashton sẽ cử đặc phái viên đến Nam Sudan để giúp nước này tìm kiếm một giải pháp chính trị cho tình trạng bạo loạn sắc tộc đẫm máu. Theo các nhà phân tích, Nam Sudan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện, bởi nguyên nhân không chỉ từ những bất đồng trong nội bộ chính phủ nước này mà còn sâu xa hơn nữa. Đó là sự thiếu kinh nghiệm quản lý do một thời gian dài chịu ảnh hưởng của bên ngoài, trình độ dân trí thấp và xã hội đa cộng đồng. Bên cạnh đó, một yếu tố không kém phần quan trọng làm gia tăng những căng thẳng hiện nay đó là sự kiểm soát của chính phủ đối với lực lượng quân đội còn hạn chế. Do những bất đồng giữa các nhóm sắc tộc, nội bộ Quân đội đã bị chia rẽ nghiêm trọng và quay lưng lại với nhau. Chính vì thế, đối với một quốc gia chỉ mới ra đời chưa được 3 năm thì đây quả thực là một thách thức quá lớn, cần sự nỗ lực của tất cả các bên và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế. Song nếu vượt qua, Nam Sudan sẽ không chỉ đảm bảo được cho người dân một cuộc sống hòa bình, ổn định, mà còn khẳng định được vị thế của mình tại khu vực và trên thế giới


theo vovnews