(tiếp theo)

Thời điểm 1970-80

BẢN TUYÊN NGÔN CỦA
NHÓM VĂN NGHỆ CHÂN ĐẤT

Ngày 23 tháng 4 năm 1980, tại Paris có một cuộc họp báo do Tòa soạn báo Quê Mẹ của ông Võ văn Ái tức nhà thơ Thi Vũ tổ chức. Đây là một cuộc họp báo mang tính cách thời sự về chính trị cũng như văn nghệ nóng hổi bởi nội dung sẽ có phần trình bầy của hai nhân vật đặc biệt vừa đào thoát từ Việt Nam và qua được tới Pháp. Người thứ nhất là một người tù cải tạo mang cấp bậc Trung Úy Quân lực VNCH và người thứ hai là một trong những người sáng lập phong trào văn nghệ trẻ ly khai ở Việt Nam lấy danh hiệu là “Nhóm Văn Nghệ Chân Đất”.

Để yểm trợ về mặt tinh thần cho cuộc họp báo hết sức đặc biệt này, trên chủ tọa đoàn đã có sự hiện diện của nhiều nhân vật quốc tế có tên tuổi như : như ông Pierre Emmanuel, một thi sĩ nổi danh người Pháp, Viện sĩ viện Hàn Lâm Pháp, Chủ tịch Hội Thân Hữu Quốc tế cho Tự Do, Ông Pliouchtch, nhà Toán học người Nga lưu vong, ông Paul Goma, nhà văn Lỗ Mã Ni lưu vong, ông Eduardo Manet, nhà văn Ly khai Lỗ mã Ni và bà Martha Frayde, cựu nữ Đại sứ Cuba tại cơ quan Unesco của Liên Hiệp Quốc.Về phía người Việt thì trên chủ tọa đoàn có nhà báo Phương Anh, nhà báo Võ văn Ái (chủ nhiệm tạp chí Quê Mẹ), anh Diệp Tô Minh và Trung Úy Thái Hà (xin coi hình).






Nội dung cuộc họp báo gồm hai phần :

1)Tố cáo chế độ Tù đầy ở miền Nam sau 30-4-1975 dưới danh nghĩa “học tập cải tạo” do Trung Úy Thái Hà, một người tù cải tạo vừa vượt thoát quê nhà đi tìm tự do trình bầy.

2) Tố cáo chính sách đàn áp văn nghệ sĩ của chế độ CS ở miền Bắc do anh Diệp Tô Minh trình bầy. Anh là một trong những người sáng lập phong trào văn nghệ trẻ ly khai ở Hà Nội, đã vượt thoát vào tháng 6-1979 mang theo Bản Tuyên ngôn của Nhóm Văn Nghệ Chân Đất do 14 văn nghệ sĩ hiện còn ở VN ký tên với địa chỉ cư ngụ cụ thể. Theo báo Quê Mẹ thì họ đồng ý cho công bố tên thật và địa chỉ của họ là vì “ Chúng tôi đã khổ quá rồi, không thể khổ hơn nữa. Trong và ngoài tù chẳng khác gì nhau.’”

Tuy nhiên với ý thức trách nhiệm về sinh mạng của 14 người cầm bút, báo Quê Mẹ đã buộc lòng không thể công bố tên tuổi của họ. Do đó, buổi họp báo chỉ có thể công bố “Tuyên Ngôn của Nhóm Văn Nghệ Chân Đất” và danh sách 32 văn nghệ sĩ ở miền Bắc hiện vẫn còn đang bị quản chế hay bị cầm tù.

***

DANH SÁCH NHỮNG VĂN NGHỆ SĨ,
TRÍ THỨC MIỀN BẮC BỊ ĐÀN ÁP, CẤM VIẾT,
VẼ, SÁNG TÁC, HÀNH NGHỀ và BỊ QUẢN CHẾ

1. ĐẶNG ĐÌNH HƯNG , Nhà Văn, Nhà Biên khảo.

2. PHAN ĐAN, Thi sĩ, Kiến Trúc sư.

3. TÔ HUY CƠ , Giáo sư, Nhà nghiên cứu, bị 6 năm tù vì đã viết một bức thư gửi ông Phạm văn Đồng để phê bình chính sách độc tài của Đảng.

4. NGUYỄN MINH NGỌC, Họa sĩ.

5. LÊ HUY QUANG, Họa sĩ, Thi sĩ.

6. CHU HOẠCH, Họa sĩ, Thi sĩ.

7. PHÙNG QUÁN, Thi sĩ, Nhà Văn.

8. TRÚC CƯỜNG, Thi sĩ.

9. LÊ ĐẠT, Nhà Văn, Thi sĩ.

10. HOÀNG CẦM, Thi sĩ.

11. TRẦN DẦN, Thi sĩ.

12. NGUYỄN DIÊN, Điêu Khắc gia, Thi sĩ.

13. LƯƠNG VINH , Thi sĩ.

14. ĐOÀN PHÚ TỨ, Thi sĩ, Kịch tác gia.

15. NGUYỄN KHẮC CẨN, Họa sĩ, Thi sĩ.

16. TRƯƠNG ĐÀ, Thi sĩ, viết báo cho tờ Nhân Dân.

17. VŨ THƯ HIÊN, Nhà Văn, bị tù 6 năm.

18. VŨ ĐÌNH HUỲNH (nguyên Bí thư của Hồ Chí Minh, thân phụ nhà văn Vũ Thư Hiên).

19. NGUYỄN HỮU ĐANG, Nhà Văn, bị tù 19 năm vì vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

20. NGUYỄN DUY QUANG, Sáng tác Nhạc.

21. ZOÃN TRANG, Thi sĩ.

22. TÙNG LINH, Thi sĩ.

23. NGUYỄN TƯ NGHIÊM, Họa sĩ.

24. BÙI XUÂN PHÁI, Họa sĩ.

25. DƯƠNG TƯỜNG, Nhà Văn.

26. VÕ MINH PHÚ, Thi sĩ.

27. TUÂN NGUYỄN, Thi sĩ.

28. PHƯƠNG THÚY, Thi sĩ.

29. NGUYỄN MẠNH TƯỜNG, Luật sư nổi tiếng quốc tế.

30. TRẦN ĐỨC THẢO, Triết gia.

31. LÊ VĂN THÂN , Thi sĩ.

32. TRƯƠNG TỬU, Nhà Văn.
NHẬT TIẾN
( Thuật theo Tạp chí Quê Mẹ, Paris- Số 40, năm 1980)

***

NGUYÊN VĂN BẢN TUYÊN NGÔN
CỦA NHÓM VĂN NGHỆ “CHÂN ĐẤT”

Gửi toàn thể những người đang công tác trên lãnh vực văn hóa ở miền Bắc Việt Nam.

Hỡi những văn nghệ sĩ, trí thức, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ, những người biên kịch, đạo diễn, quay phim, những diễn viên, các nhà phê bình nghiên cứu và tất cả những ai đang làm việc và sáng tác cho nền văn hóa Việt Nam.

Chúng tôi, những anh em trẻ đang làm những công việc của người cầm bút. Chủ trương một khuynh hướng sáng tác rộng rãi và tiến bộ, gồm những người làm thơ, viết truyện, viết kịch, họa sĩ…trong những ngày gần đây đã quyết định ra lời tuyên cáo trước anh em, bè bạn trong mọi ngành văn hóa nghệ thuật.

Chúng ta sắp chết ngạt trong ao tù của một cuộc sống bị đóng kín bởi những qui định của một nền văn hóa thời chiến và vì thế mọi sáng tác phẩm đều mang khuôn mặt của người lính trong chiến tranh : khắc khổ, đơn điệu, lạnh lùng và máy móc như mệnh lệnh.

Trong khi đó, trên thế giới, những trào lưu văn hóa mới đã có những thay đổi lớn với sự giải phóng hoàn toàn con người thoát khỏi những giáo điều chật hẹp. Người nghệ sĩ mới và tác phẩm không phải là nô lệ và công cụ theo kiểu những khuôn mẫu định sẵn của môn thống kê kế hoạch.

Những năm qua, gia sản văn hóa của chúng ta quá nghèo và không có ai viết được những tác phẩm lớn theo kịp với những chuyển động của thời đại. Bởi vì chúng ta đã đóng cửa nhìn ra thế giới và bởi vì tất cả những sáng tác phẩm tự do đều không được khuyến khích mà bị dập vùi.

Chúng tôi những người cầm bút trẻ nhưng chưa một ai có nổi một đầu sách, một tập thơ nhỏ được xuất bản để ra mắt nhân dân. Điều đó, chẳng phải chúng tôi không biết viết mà bởi chúng tôi không được viết, không được tự do nói lên những điều cần phải nói. Cũng bởi chúng tôi và những anh em văn nghệ sĩ trẻ ở miền Bắc, chúng tôi không hề có trong tay bất kỳ một phương tiện nào ngoài những đêm không ngủ với trái tim chất đầy những khát vọng muốn nói lên sự thật của đất nước.

Chúng tôi không NỔI LOẠN nhưng chúng tôi không IM LẶNG.

Chúng tôi kêu gọi những người cầm bút lâu năm, những văn nghệ sĩ trí thức, những nhà văn, nhà thơ, có tên tuổi, có nhân cách vốn đã từng là những bó đuốc dẫn đường cho chúng tôi. Hãy theo đúng tinh thần nghệ thuật, đứng lên trên những thành kiến và tín điều đang vây bọc và che phủ chúng ta. Hãy lên tiếng ủng hộ chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi để cùng nhau nối tiếp và phát huy truyền thống của nền văn hóa 4.000 năm. Hãy cùng chúng tôi vượt qua những hình thức nô lệ và bỉ ổi vốn đã từ lâu gò ép chúng ta trong mọi sáng tác phẩm. Làm chúng ta cùn mòn trong suy tư và nghèo nàn trong sáng tác.

Hãy cùng chúng tôi khai mở một trào lưu mới. Thổi luồng sinh khí đậm đà mầu sắc và tình người vào bộ mặt văn hóa của chúng ta như 40 năm trước nhóm thơ “Mới” Tự Lực Văn Đoàn đã làm.

Chúng tôi không chấp nhận việc coi những công việc sáng tác của người nghệ sĩ như những công việc của viên chức trong văn phòng các công sở và sự thai nghén tác phẩm chỉ là sự viết lại những chỉ thị từ xa. Cái thứ tác phẩm sản xuất theo kế hoạch và đơn đặt hàng chỉ có thể đầu độc mọi người và làm đần độn nhân dân. Chúng tôi cảnh cáo những mưu toan lố bịch nhằm biến nền văn hóa thành công cụ riêng của một tín ngưỡng. Hãy trở về với TỰ DO, hỡi những người cầm bút !”

Cách đây hơn 10 năm, hẳn mọi người còn nhớ những số báo “Nhân Văn”, “Giai Phẩm Mùa Thu” đã thét lên tiếng thét đòi quyền sống – quyền làm người. Chúng ta phải được sống chứ không phải “chuẩn bị sống” với “Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng” đã bị cả nước “lên án” do một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi. Mà họ không được quyền viết bài bảo vệ.

Chả nhẽ chúng ta cứ say đắm và ôm ấp mãi cái thứ văn nghệ một chiều chán ngấy đó sao ? Đã đến lúc phải thể nghiệm và hơn thế phải thể hiện tính đa dạng và sự phản ánh trung thành của nghệ thuật với cuộc đời.
Bằng vào sự đập phá những thần tượng rỗng tuếch, chúng tôi không nhằm chỉ phá hoại mà chính là để xây dựng. Chúng tôi kêu gọi tất cả anh em văn nghệ sĩ, những người làm văn hóa, những người cầm bút. Hãy mở tung mọi cánh cửa để vươn tới những phương trời tự do trong sáng tác.

Và bởi vì chúng ta đang sống trong một cánh rừng đen, ở đó có quá nhiều bóng rợp, có quá nhiều những “cây đa”, “cây đề” những “thiên sứ”, những ‘chủ soái” của văn chương, nghệ thuật. Cả một lớp những cây cổ thụ đó đã phủ bóng râm lên lớp trẻ ngày nay. Hãy mạnh dạn cùng chúng tôi gạt bỏ những lề thói, những tín điều khô cứng để cùng chúng tôi đi tới chân trời mông mênh của nghệ thuật đã từ lâu nay bị che kín trong sự bao vây.

Xin hãy cầm bút lên và hãy cùng chúng tôi soi sáng mọi nhà.

Hãy xứng đáng với nền văn hóa ông cha và phải tiến xa hơn. Chúng tôi, những người CHÂN ĐẤT sẽ đi tiên phong trong trận tiến công lớn này, như những bầy người hang động đi tìm về ngọn lửa thiêng rực rỡ.
Mặc cho người ta có thể hiểu lầm và chụp mũ. Chúng tôi biết việc chúng tôi làm nó sẽ đi đến đâu. Nếu như chỉ 14 người trong khi ở đầu kia là cả những đội ngũ khổng lồ của những “bậc thầy” văn hóa !

Nhưng trong nghệ thuật cũng như chân lý, không chấp nhận một số đông không vận động.

Chúng tôi không tôn thờ và sợ hãi những người SỐNG MÀ ĐÃ CHẾT.

Nếu như chúng tôi không làm nổi và hoàn tất những gì chúng tôi muốn thì những người đi tiếp chúng tôi-những người đồng quan điểm- sẽ tiếp tục hoàn thành con đường tất yếu mà mọi người cầm bút có nhân phẩm sẽ đi tới.

Mọi con người – nếu đã là con người – phải được nói lên tất cả những gì thuộc về con người.

Nghệ thuật dành cho những trái tim con người và nó sẽ sống cho sự tốt đẹp của con người. Những hình thức của một thứ văn hóa công cụ, cố chấp và biến thành thứ phương tiện hiện đại của chiến tranh tâm lý chỉ là những hiện tượng rời rạc và sau này con cháu chúng ta sẽ không khỏi xấu hổ khi đọc đến giai đoạn này.

Để khỏi cho thế hệ sau sẽ phỉ nhổ khi chúng đọc lại lịch sử văn hóa của ông cha, ngay ngày hôm nay chúng ta phải thay đổi để xứng đáng với tiền nhân và để có thể nhìn thẳng vào ngày mai với trái tim kiêu hãnh.

Chúng ta không được phép lùi lại.

Chúng tôi, nhóm văn nghệ “Chân Đất” với những bàn chân không giầy, những con mắt bị bịt kín, những cái mồm không được nói và những cái đầu đói khát tự do, không đành để mình và tất cả bị nhào nặn thành những tên hề của lịch sử.

Chúng tôi, những con người vốn sinh ra như con người dưới mặt trời muôn thuở, kêu gọi tất cả mọi sáng tác phẩm được viết phải dành cho mọi trái tim yêu thương chứ không dạy mọi người phải căm thù và chuyên chính !

Với bộ ngực trần, chúng tôi tuyên chiến với mọi thứ văn hóa bịp bợm, lố bịch đang ngày đêm làm bẩn bầu không khí xung quanh chúng ta.

Hãy chống mọi thứ ô nhiễm đang đầu độc nền văn hiến 4.000 năm.

Và bởi vì trong khi đang lùi lại và quẩn quanh trong độc đạo những người đang dẫn dắt chúng ta lại quá tin rằng mình đang tiến.

Nền văn hóa của chúng ta đang lâm bệnh. Đó là căn bệnh đơn điệu và nghèo nàn về hình thức và nội dung.
Các ngài, các ngài lại tưởng –hay tự lừa dối mình – rằng các ngài đang giầu có và đa dạng !!!

Và vì quá tôn thờ chủ nghĩa nên các ngài đã cưỡng ép nàng thơ phải vác súng hành quân và “xuống đường” hô khẩu hiệu đã bao năm rồi.

Chúng tôi khước từ thứ cháo loãng ăn trừ bữa của văn nghệ tuyên truyền hâm lại từ bao lâu nay.

Không phải đợi đến ngày phán xét. Mà ngày hôm nay 14 người chúng tôi- những người Chân Đất- xin thay mặt Nguyễn Du, Nguyễn Trãi…và nhân danh thế kỷ 21, chúng tôi xử bắn lối văn nghệ Một Chiều, Giáo điều và Phản nhân tính.

Ngày Mai sẽ là của chúng tôi.

Hãy cầm bút cho một nền Văn Hóa Việt Nam !

TỰ DO - ĐỘC LẬP VÀ NHÂN ĐẠO

NHỮNG NGƯỜI CHÂN ĐẤT

***

30 PHÚT VỚI NHẬT TIẾN
Phỏng vấn của Hoa Thịnh Đốn Việt Báo
sau buổi ra mắt tập truyện MỘT THỜI ĐANG QUA
(11 tháng 10-1985)





Hoa Thịnh Đốn Việt Báo : Anh Nhật Tiến, thưa anh, trong bài nói chuyện của anh nhân dịp ra mắt tác phẩm “ Một Thời Đang Qua”, có đoạn anh đề cập đến khía cạnh nhân bản của một số nhân sự hợp tác với chế độ bên kia vì hoàn cảnh, vì gông kềm của áp bức…Theo đó , anh cho là : “ Nếu đem tâm tình của một con người chống Cộng cực đoan trước 1975 áp dụng vào thời điểm này hẳn sẽ có những điểm trục trặc, bất ổn. Nó chẳng những giới hạn khả năng đấu tranh của những Quốc Gia tự do mà còn ngăn cản con đường trở về với đại gia đình dân tộc đối với một tập thể đông đảo nhân sự, trong đó bao gồm cả những con người đã từng có thời gian chiến đấu trong hàng ngũ CS, nay đã bừng tỉnh nhưng chưa có cơ hội nói lên tiếng nói đích thực của mình.” Nhân vật thủ trưởng trong truyện ngắn “Người Tù Cuối Năm” của anh có liên hệ gì với lối lập luận trên của anh không ?
(Xin coi truyện ngắn này ở trang 137)

Nhật Tiến : Có, thưa anh là có. Tôi muốn nhấn mạnh đến giá trị nhân bản còn tồn tại trong những con người vì lý do này hay lý do khác đang phục vụ cho chế độ bên kia. Người văn nghệ sĩ sáng tác chân chính nên có nhiệm vụ tạo điều kiện để đưa họ về với dân tộc. Họ giống như một thanh thép bị CS làm cho gỉ sét.Văn nghệ cần phải có sứ mạng làm bật ra những hoen gỉ đó.Tôi đã có dịp ra thăm và quan sát đời sống cũng như tâm tình của nhiều người dân miền Bắc sau bao năm sống dưới ách cai trị của CS. Tôi nhận thấy con người của họ có hai mặt. Một mặt giả dối, cứng ngắc do hệ thống CS nhào nặn. Một mặt khác, họ còn có rất nhiều chất người. Trong khi đa số bọn lợi dụng nằm trong giai cấp thống trị chạy theo chiến thắng ở miền Nam để vơ vét thì tôi thấy một số khác ở miền Bắc nhếch mép cười khinh bạc, buồn bã “phát biểu : “Bao năm hợp tác , đóng góp cho chế độ, đâu phải để thực hiện một xã hội như thế này.”. Phải là người có lòng nhân bản thì mới nêu ra nhận định này, nhất là đang ở phe chiến thắng.

Điều đó cho phép tôi khá vững tin vào việc người cầm bút ở hải ngoại cũng cần phải có nhiệm vụ soi thấu giá trị nhân bản này. Vì chỉ có ở góc nhìn nhân bản đó, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc mới có tập hợp được nhiều người, rút ngắn được thời gian tranh đấu và tránh được cuộc chiến nồi da xáo thịt lại có nguy cơ xẩy ra lần nữa.

HTĐVB.- Khi lập luận như thế anh có mường tượng ra rằng anh sẽ bị phản ứng bởi một số người có thể vì quá sức cực đoan mà cho đó là một nhận định thiếu tích cực không ?

Nhật Tiến: Thưa anh có. Nhưng mà nhà văn, người sáng tác là phải can đảm và trung thực. Hơn nữa vấn đề mà tôi đã trình bầy chỉ mới là điều gợi ý. Nó còn cần có sự đóng góp ý kiến để soi sáng của nhiều người. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác cũng hy vọng rằng những người cầm bút ở hải ngoại sẽ cùng nhau thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề.

HTĐVB.- Thưa anh, chúng tôi có một câu hỏi khác liên quan đến vấn đề tự do trong sáng tác. Anh có nói là anh “thấy rõ người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút”. Xin anh vui lòng nói thêm một chút nữa về điều này.

Nhật Tiến : Đúng như vậy, người cầm bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút! Chuyện chụp mũ, bè phái, ngộ nhận, thành kiến, bôi nhọ…. là những chuyện làm đắn đo và gây chán nản không ít cho nhiều người cầm bút. Nó đã làm cho bộ mặt văn hóa ở hải ngoại thiếu sinh động.

HTĐVB.- Điều anh vừa nói, một đàng cũng rất chia xẻ và đồng ý với anh, đàng khác, về phía người đọc chúng tôi muốn chuyển tới anh một suy nghĩ khác. Đó là trước kia, ở bên nhà, người cầm bút được khích lệ và đền bù bằng ít nhiều danh vọng và vật chất. Yếu tố này đã tác động mạnh mẽ đến một số người (chúng tôi chỉ nói một số người), nay sang đây, những đền bù đó coi như không có. Phải chăng vì đó mà một số người cầm bút trở nên lười biếng chăng ? Nếu quả tình như vậy thì ngoài cái điều anh đã nói ra còn có một điều khác, điều này nằm ở phía người sáng tác, cũng cần phải nói tới. Đó là tấm lòng. Phải chăng vì thiếu tấm lòng. Hay vì tấm lòng không đủ lớn, không đủ kích thước để bao trùm lên mọi chuyện khác, để đủ và thừa sức mạnh mà sáng tác.

Nhật Tiến : Có lẽ vấn đề phải được giới hạn. Nó chắc không đúng cho trường hợp những người cầm bút chân chính. Về phần tôi, tôi sáng tác vì bạn bè và vì đồng bào còn lại ở quê nhà. Nó là một thôi thúc không ngưng nghỉ. Khi tôi thức suốt đêm để viết, tôi không hề nghĩ tới những đền bù mà quý báo vừa đề cập. Dù sao thì cũng cám ơn anh đã đưa ra một góc nhìn khác.

HTĐVB- Xin thành thật cám ơn anh đã có nhã ý dành cho Hoa Thịnh Đốn Việt Báo buổi nói chuyện thân mật, tâm tình và hữu ích này.
***
(còn tiếp)