Trích Trung Phong pháp ngữ

Dịch giả: Nguyên Chánh


KHAI THỊ THỦ TỌA LINH TẨU CỒ

Tham thiền phải giải quyết xong cái nghi tình sanh tử. Cái nghi nầy đã giải quyết, thì tất cả thị phi sai biệt đồng thời đều giải quyết. Đã giải quyết xong như thế mới biết xưa nay không một vật. Ở chỗ không một vật cũng không có người nghi, cũng không có người sanh tử, cũng không có người giải quyết, cũng không có người nhận lời nói như thế, tất cả đều thâu về tự kỷ, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, pháp tánh xưa nay bình đẳng.

Đến chỗ này còn nói có một tí ti như vi trần là Phật, là pháp, là thiền, là đạo đều rơi vào vọng duyên. Thiền đạo, Phật pháp còn là vọng thì há nghi cùng chẳng nghi chẳng phải là vọng ư?

Ông nếu thật chưa từng hướng về tự kỷ triệt ngộ một phen thấu suốt nguồn đáy, bèn hướng vào trong tâm trần lao hư vọng phóng túng sanh ra vọng kiến, lấy câu: "Bổn lai vô nhất vật" của người khác, dùng tình ý thức hòa hội suy tính rồi nói không có tam giới để ra, không có Niết Bàn để chứng. Nói được cũng tương tợ, song chỉ là lời nói thôi, nên đều trở thành vọng kiến; tính đem vọng kiến để thoát sanh tử thì có khác nào ôm củi chữa lửa, lửa càng cháy mạnh, thật là vô lý.

Ông nếu chân thật muốn hạ thủ công phu, trước tiên đem cái việc lớn sanh tử vô thường đặt ở trong lòng không cho có chút gián đoạn chỉ đề một câu thoại đầu, hết một báo thân nầy hướng thẳng tới trước đi.

Điều thiết yếu là chẳng được nghĩ trước tính sau, hạ thủ công phu được, cũng như thế ấy hạ thủ, hạ thủ công phu chẳng được, cũng như thế ấy hạ thủ. Lâu ngày chẳng thay chẳng đổi, công phu thuần thục, việc hay giỏi đều quên, các vọng đều tiêu, bất giác bất tri ngộ nhập.

Công phu có thuần thục hay không thuần thục, nghi tình có khởi hay không khởi, người xưa nói: "Tham thiền không bí quyết, chỉ cần sanh tử thiết".

Một cái tâm vì việc lớn sanh tử nầy của ông chí thiết chí chân, chỉ từ trên cái tâm chân thiết đều là nghi tình, tự nhiên chẳng cần buông bỏ hay bày đặt.

Làm lâu ngày, cái tâm thiết tha vì sanh tử chẳng gián đoạn thì đầu đuôi xâu suốt, thì còn có pháp nào có thể làm chướng ngại!

Cái chánh niệm vì sanh tử của ông chẳng chân chẳng thiết, chỉ lo cố đề thoại đầu khởi mạnh nghi tình, quyết định chẳng thể khai ngộ. Hễ cố được một lúc thì nghi được một lúc, cái tâm cố làm đó thối một chút thì nghi tình cũng theo đó mất luôn.

Chỉ cần ở chỗ công phu chẳng thuần thục, chẳng nên cố khởi nghi tình, chỉ cần đem sanh tử vô thường suy nghĩ một bận xem, thấy đến không biết phải làm sao, không có phương tiện có thể phá trừ, duy có một câu thoại đầu.

Lại mạnh mẽ đề khởi cùng nó hạ thủ đi, hạ thủ được, cũng như thế ấy hạ thủ, hạ thủ chẳng được, cũng như thế ấy hạ thủ. Hạ thủ đến chỗ chẳng biết làm thế nào, bèn là lúc công phu thuần thục, cũng chẳng nên nghĩ là thuần thục, chỉ đầu đuôi nối nhau hạ thủ đi!

Hạ thủ như thế mà chẳng triệt chứng thì thật vô lý!

Nói khó nói dễ đều do người đó dùng sự suy lường của mình mà phân biệt, chứ thật ra tuyệt không có khó dễ. Như Đức Sơn thấy thổi tắt cây đuốc, liền lãnh hội, Linh Vân thấy hoa đào, ngay khi ấy lãnh hội. Cơ duyên như thế là dễ hay khó?

Phải biết ở trên phần của Đức Sơn, Linh Vân là dễ, ở trên phần người khác thì chẳng phải dễ. Ông nếu chẳng lấy việc lớn sanh tử làm nhiệm vụ nặng nề của mình, quyết ý tham vấn nguyện cầu chánh ngộ, dẫu cho đem 1700 công án, mỗi mỗi chú giải để cho ông hiểu, có thể nói là dễ đấy. Song chẳng biết hiểu lời nói là dễ, thấu được sanh tử tình vọng kia thì khó đó lại khó. Chỉ cần tin được một câu thoại đầu liên tục tham cứu, cũng chẳng cần hỏi là dễ hay khó. Lâu ngày tâm tánh sáng suốt thì khó cùng với dễ chẳng cần phải nói.


http://daitangkinhvietnam.org/tong-p...g-phap-ng.html