LS của Trịnh Xuân Thanh nói việc giam giữ ông Thanh là vi phạm luật





Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Isabel Schlagenhauf, vào ngày 28/1 đã ra thông cáo với báo giới, khẳng định việc Việt Nam tiếp tục giam giữ ông Trịnh Xuân Thanh, thân chủ của bà là trái luật quốc tế.

Thông cáo này được đưa ra ngay sau khi luật sư này nhận được quyết định của Tòa án Công l‎ý liên bang Đức (Bundesgerichtshof - tòa án tối cao ở Đức về các vụ án hình sự) bác đơn kháng án của ông Nguyễn Hữu , người trước đó đã bị Tòa Thượng thẩm Berlin kết án 3 năm 10 tháng tù giam vì "hoạt động gián điệp chống Nhà nước Đức khi tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7/2017.

Trước đó, theo báo chí Đức, bị cáo Nguyễn Hữu Long trong vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức đã bất ngờ kháng án vào giờ chót, vài ngày sau bị Tòa Thượng thẩm Berlin tuyên án tù.

Trả lời BBC News Tiếng Việt trong thư điện tử gửi từ Berlin, bà Petra Isabel Schlagenhauf khẳng định rằng, bằng quyết định bác bỏ đơn kháng cáo của ông Nguyễn Hữu Long, Tòa án Tối cao liên bang Đức đã xác nhận rằng, việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh - thân chủ của bà - là trái luật pháp quốc tế.

Thư điện tử viết: "Một trong những người tham gia vào vụ bắt cóc khách hàng của tôi [tức Trịnh Xuân Thanh] đã bị bắt ở Prague, bị dẫn độ về Đức. Sau một phiên tòa kéo dài vài tháng, ông ta đã bị Tòa Thượng thẩm ở Berlin (Kammergericht - tòa án cao nhất ở Berlin với trường hợp này) kết án là đã tham gia vào việc bắt cóc và làm việc cho một tổ chức bí mật ở nước ngoài ở Đức và lãnh án 3 năm 10 tháng tù.''

"Luật sư bào chữa cho ông ta đã kháng cáo vụ này lên Tòa án Tối cao Liên bang (Bundesgerichtshof - tòa án tối cao ở Đức về các vụ án hình sự) và hôm 28/1, tòa án này đã bác đơn kháng cáo của ông ta. Quyết định này đã được thông báo đến các cá nhân, tổ chức liên quan và tôi là đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh - nạn nhân trong vụ án này.''



N.H.Long tại phiên tòa xét xử về tội gián điệp và bắt cóc tại Tòa Thượng thẩm Berlin tháng 4/2018.

"Với quyết định này, Tòa án Tối cao liên bang Đức đã xác nhận rằng, việc bắt cóc khách hàng của tôi là trái luật pháp quốc tế và việc giam giữ khách hàng của tôi tại Việt Nam, từ quan điểm pháp lý của Đức, là bất hợp pháp.''

"Với quyết định này, việc Việt Nam phải trả tự do cho khách hàng của tôi là điều không còn có gì cần bàn cãi nữa", thư điện tử của bà Petra Isabel Schlagenhau gửi BBC News Tiếng Việt nhấn mạnh.

Bà Petra Isabel Schlagenhau cũng nói là bà mong đợi Chính phủ Đức sẽ tiếp tục gây sức ép với phía Việt Nam để giải quyết trường hợp khách hàng của bà.

"Đây phải được coi là cơ hội để yêu cầu chính phủ liên bang [Đức] không chùn bước trong nỗ lực đòi tự do cho khách hàng của tôi khỏi nhà tù Việt Nam", bản thông cáo báo chí của bà Petra Isabel Schlagenhau hôm 28/1 viết.

"Hy vọng là những sức ép này sẽ có kết quả", bà nói.

Bộ Ngoại giao Đức từng cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trong lúc đang xin quy chế tị nạn tại Berlin.

Trong khi đó, Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn Bộ Công an Việt Nam là không hề có chuyện bắt cóc ông Thanh từ Đức mà ông Thanh tự ý về đầu thú để mong được hưởng sự khoan hồng.

Thông cáo chính thức, được truyền thông Việt Nam đưa lại viết:

"Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú."

Sau đó, ông Thanh liên tiếp bị đưa ra tòa xét xử với các tội danh khác nhau. Trong đó, có 2 án tù chung thân với cáo buộc "cố ý làm trái và tham ô tài sản" khi ông Trịnh Xuân Thành còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí VIệt Nam.''



BBC