Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Không có đau khổ nào hoàn toàn là đau khổ, cũng như không có niềm vui nào hoàn toàn là niềm vui.
Leon Tolstoi
Results 1 to 5 of 5

Chủ Đề: Chuyến Tàu Ngày Cuối Năm - Nhật Tiến

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    CHUYẾN TÀU NGÀY CUỐI NĂM

    Truyện ngắn của NHẬT TIẾN





    Chuyến tầu Thống Nhất, vào dịp cuối năm, đếm tử đầu đến đuôi cả thẩy được mười bốn toa. Đó là chưa kể cái đầu máy.

    Toa đầu tiên gọi là toa hàng ăn, nói đúng ra chỉ là một chỗ tập trung nấu nướng rồi đem chia thành từng khẩu phần và chỉ bán cho người có vé lên tầu. Khách mua xong rồi thì đem phần ăn của mình về chỗ, chứ không có bàn ghế riêng để ngồi, theo như cái nghĩa của toa xe. So với giá cả bên ngoài, đồ ăn quả có rẻ. Mỗi khẩu phần gồm một khúc bánh mì, một đĩa cơm trắng có trứng chiên được xịt thêm ít tàu vị yểu. Thêm trái chuối tráng miệng. Nếu chịu khó lặn lội tử toa dưới lên toa đầu thì cũng tiết kiệm được vài đồng mà vẫn ăn no.

    Tuy nhiên ít ai quan tâm tới việc dè xẻn chỉ vài đồng trên một lộ trình dài hai ngày rưỡi này, mà lại phải nhai loại bánh mi cứng như gỗ, cơm thì hạt rời hạt nhão, cái ưu điểm duy nhất là không có độn mì. Trong khi đó, mỗi lần chuyến xe ngửng lại ở dọc đường, dân chúng ở mỗi đia phương vẫn ùa ra bán hàng đông vô số kể. Cơm nóng. Gà chiên. Xôi mỡ. Cháo hành. Và đủ thứ hoa quả. Có đắt hơn chút đỉnh, nhưng cũng là dịp được ăn gà thỏa thuê. Lâu lâu mới đi xa một lần, chi phí về ăn uống trên tầu chỉ là một khoản nhỏ. Tiền ăn uống bỏ ra đâu có tiếc xót bằng tiền phải mua cái vé chợ đen, giá chính thức có ba mươi tư đồng, nó chém sáu chục, tám chục vẫn phải nghiến răng mua lại. Tết nhất đến nơi rồi, ăn chực nằm chờ mãi ở nhà ga, tiền quà tiêu vặt trong hai ba ngày cũng quá tội. Đó là chưa kể ngày, đêm ngồi chờ, cứ phải ôm khư khư lấy hành lý, sểnh ra là mất cắp như chơi. Mưa, nắng, gió, sương, mặc kệ, trong cái rừng hành lý và người đông như kiến cỏ này, ngồi đâu là đông cứng ở đó, đâu còn nơi nào mà rời chỗ. Càng tới ngày cận Tết, khách trở ra miền Bắc càng đông. Cán bộ, công nhân viên, thường dân, bộ đội đi công tác, bộ đội nghỉ phép, bộ đội phục viên và cả những người thuộc thành phần "ngụy" ra Bắc thăm thân nhân học tập cải tạo nữa.

    Tất cả ngồi chật khứ trong những toa xe ngột ngạt hơi người. Trừ một toa cuối cùng có giường ngủ dành cho cán bộ cao cấp và các cụ già yếu đuối, còn thì đồng loạt ghế gỗ. Mỗi dẫy ghế là ba chỗ ngồi, thay thế loại ghế trước đây chỉ có hai chỗ. Trên đầu là hành lý, dưới chân cũng hành lý, đồ đạc nhồi nhét tối đa, con người có khổ một tí nhưng cũng chỉ kéo dài hai ngày, ba đêm là cùng. Nhưng nếu đem thêm một bịch cau khô, một túi nan hoa (căm) xe đạp, một lố khóa đồng, một hộp đá lửa, hay những thứ linh tinh khác như kim may, chỉ thêu, nút áo, kẹp tóc, đồ chơi bằng nhựa dẻo ..v.v... thì bất cứ cái gì cũng có thể bán ra tiền để cải thiện bữa ăn, cải thiện đời sống. Cho nên có phải bó giò cách mấy cũng chẳng ai kêu ca. Leo lên tầu và ngồi yên chỗ rồi là đã vượt qua được hẳn một chặng đường khó khăn ăn chực nằm chờ khốn khổ trước nhà ga, mà hiện giờ hãy còn cả rừng người nằm, ngồi đen nghẹt ở đó.

    Đấy là chưa kể lát nữa, khi tầu chuyển bánh rồi còn có cái sàn lối đi trống trơn ở chính giữa đó, mọi người sẽ thu xếp với nhau. Giải báo cũ xuống, chia ca thay nhau nằm ngả đỡ cái lưng, dù chân anh này có khoèo qua đầu chị kia, dù cái gậm ghế có chật khứ chỉ đủ lách vô được nửa cái mình thì cũng là cung cách giải quyết được phần nào cho xương cốt đỡ ê ẩm, cho cái cơ thể bớt mệt mỏi rã rời, do nóng, do chật, do ngập hơi người và do cái lắc lư, dồn ép của con tầu đã đến tuổi hồi hưu mà vẫn cứ phải hổn hển bò lê trên con đường mịt mù thăm thẳm hơn một ngàn cây số tử Nam ra Bắc.

    Không còn đường nào khác! Vậy tốt hơn hết là chấp nhận như một sự bình thường. Và con tầu vào dịp cuối năm bữa đó đếm được mười bốn cái toa. Từ hơn một giờ qua, nhân viên hỏa xa kiểm soát xong các thủ tục an toàn, nhân viên soát vé kiểm tra xong các hành khách lên tầu, các toán công an đi kiểm soát xong giấy phép đi đường của mọi người, tất cả các hành khách đều đã ngồi yên chỗ. Tuy nhiên, tầu vẫn chưa khởi hành. Một nguồn tin loan đi dần dần từ toa nọ sang toa kia làm mọi người sầm xì: "Đầu máy hư, còn đang sửa!"

    Không có ai kêu ca phàn nàn gì. Một thời gian ngắn chờ đợi yên ổn tại chỗ trong toa xe so với những ngày gối đất nằm sương chờ đợi vất vưởng ngoài cửa ga, thật chẳng nhằm nhỏ gì.

    Trời sáng rõ dần. Bây giờ thì ai cũng nhìn thấy mặt nhau, những khuôn mặt bơ phờ, mệt mỏi nhưng không giấu được vẻ tươi cười, trừ một số kẻ đã lén lên tầu một cách bất hợp pháp.

    Như Hùng là một. Anh ta đã phải dành ra hơn một tiếng đồng hồ để đấu trí với đám Công an tử sáng sớm. Trước hết, lối vào sân ga đã bị một hàng rào kẽm gai giăng kín chỉ chừa có một lối đi. Hành khách hợp pháp phải qua lối đó để vào sân ga. Nhưng điều đó không ăn thua gì với Hùng cả. Anh ta đã vào sân ga ngay từ tối hôm trước bằng ngả leo rào.

    Con tầu Thống Nhất với mười bốn toa nằm dài yên vị ở đó để ngày mai sẵn sàng khởi hành. Chỉ việc leo lên, chui vào một xó kẹt nào đó đánh một giấc ngủ ngon lành cho tới khi hành khách khởi sự lên tầu. Trong bóng tối của một đêm tháng Chạp tẩm nhiều sương lạnh, Hùng nhận thấy không chỉ có một mình anh ta là dân đi lậu.

    Họ cũng lố nhố như những con mèo hoang lẻn qua các ngõ ngách tối thui của sân ga để leo lên tầu. Hầu như tất cả đều là bộ đội đào ngũ. Hầu như tất cả đều đã là sinh viên, học sinh hãy còn đang học hành thì bị gọi đi B, nghĩa là vào chiến trường miền Nam ở giai đoạn khốc liệt.

    Một số đông đã bỏ xác dưới những trận mưa bom, ở những chiến trường hiểm ác. Những kẻ may mắn còn sống sót thì đã được hưởng đủ cái vinh quang của những đoàn quân chiến thắng, được choàng vòng hoa, được đi diễn hành, được tham dự đủ loại hình thức liên hoan.

    Đối với họ, niềm vui như một cơn sốt cao độ. Nó xoáy con người vào một cảm giác ngây ngất, bàng hoàng, ngạc nhiên đến sửng sốt vì chiến tranh chấm dứt một cách quả đột ngột, chiến thắng nở ra như một bông hoa trong thần thoại làm choáng ngợp hồn người đến nỗi chỉ tối đêm khi đã nhắm mắt ngủ họ mới tạm quên nỗi niềm háo hức, vui mừng.

    Nhưng ngày mai mở mắt ra, cơn say lại kéo đến tức khắc với hình ảnh của những rừng cờ, rừng biểu ngữ và hàng vạn lời rổn rảng bên tai: 'Chiến thắng của mùa Xuân vĩ đại- mùa Xuân của thời đại Hồ Chí Minh- đỉnh cao văn minh trí tuệ của loài người."

    Nhưng rồi như những bông hoa sau thời kỳ tỏa hương, phô sắc nhất thời của nó, mọi sự đều trở lại vị trí bình thường. Những anh hùng dù trong vinh quang cách mấy cũng quay về với nhu cầu giản dị hằng ngày. Đối với những cán binh trẻ, niềm ước ao duy nhất là được quay về quê cũ để tiếp tục học hành như lời hứa hẹn của Đảng và nhà nước đã ban ra khi vận động lứa tuổi của họ đi ra chiến trường.

    Cái nhu cầu ấy, trước mới chỉ nhen nhúm trong những câu chuyện gẫu với nhau ở đơn vi, lúc gác súng quay ra đào mương, đốt rừng, cuốc sỏi để trồng khoai, trồng mì, rồi dần dần biến thành những câu hỏi thắc mắc nêu ra trong các buổi sinh hoạt đơn vị, rồi sau cùng nó âm thầm nầy nở thành niềm khát vọng làm thao thức họ trong những đêm đài mất ngủ. Nhưng cán bộ chỉ đạo bao giờ cũng chỉ đáp: "Giành được chính quyền mới chỉ là thành quả bước đầu của sự nghiệp cách mạng. Chúng ta còn phải tiếp tục hy sinh nhiều hơn nữa để duy trì và phát huy cái thành quả đó. Nhiệm vụ trước mắt rất là to lớn. Thanh niên là cánh tay mặt của Đảng. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với câu: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

    Thế là tan theo mây khói giấc mộng hồi hương mà khởi đầu anh nào cũng ngây thơ tưởng rằng chiến tranh chấm dứt rồi thì tan hàng ai về nhà nấy. Hùng ở vào một trong số đông các anh chàng ngây thơ đó, nhưng anh cũng là một trong số đông có đủ cái sức liều lĩnh để tự giải quyết vấn đề cho chính mình.

    Từ ngày có lệnh lên đường đi Kampchia, đơn vị của Hùng đã có hơn mười trường hợp đào ngũ. Hùng đã nối gót họ, và bây giờ anh đang hiện diện ở đây, trong góc tối của một toa xe, dưới gậm của hai hàng ghế và giữa những cơn mộng mị quay về dĩ vãng như những khúc phim ám ảnh, rã rời.

    Có lúc anh thấy mình như đang mắc võng giữa hai gốc thông già ẩn dưới cơn mưa rừng rả rích Trường Sơn. Có lúc anh thấy hiện ra cặp giò trắng ngần của đồng chí nữ giao liên hôm nào cũng xắn quần rửa chân bì bõm bên bờ suối. Hình ảnh này đeo đẳng anh như một cơn ám ảnh không bao giờ nguôi. Người nữ giao liên không tên tuổi, chợt đến, chợt đi, như cuộc sống của tất cả mọi người hiện diện trong cuộc chiến tranh dai dẳng này. Có thể cô ta đã quay về quê cũ. Có thể cô ta bỏ xác đâu đó trên đường công tác. Hình ảnh khuôn mặt của cô ta thì đã phai mở trong ý nghĩ của Hưng, nhưng cặp giò trắng như sữa đó vẫn còn lẩn quất trong trí nhớ. Nó hay hiện về trong mộng mị. Nó nằm giữa những kỷ niệm vui buồn của đời quân ngũ, với những người bạn thân của Hùng đã nằm xuống, với những tờ giấy khen mà Hùng chắt chiu đến dầy cộm cả chiếc ví da, và cả những lá thư nhà mờ nhạt mầu mực tím thấm đẫm vết mồ hôi xen lẫn với bụi đường.

    Trong giấc mơ, Hùng hay bắt lại được những hình ảnh lộn xộn đó, và khi tỉnh dậy, anh có cảm giác như đang nằm ở một bên bờ vực. Anh nghiền ngẫm rất kỹ về cái cảm giác này và anh thấy rõ nó khơi nguồn tử ngày anh bắt đầu có ý tưởng trốn đi. Anh biết rõ hậu quả sẽ đến với mình khi ý tưởng đó trở thành sự thực, nhưng anh không cưỡng lại được hình ảnh còm cõi, già nua, gần đất xa trời của mẹ già và mấy đứa em nhỏ. Anh cũng không cưỡng lại được khung cảnh quen thuộc ở quê nhà, với những mái tranh xơ xác nghèo nàn giữa những con đường làng len lỏi qua những rặng tre xanh.

    Cuối cùng anh dứt khoát chọn lựa. Giã tử đơn vị. Giã từ chiến công. Giã tử những tấm giấy khen nhầu nát chất đầy trong ví. Anh chấp nhận hoàn cảnh tủi nhục của kẻ chối bỏ vị trí của một anh hùng để trở về với chính con người của mình. Con người cũng chẳng có khát vọng gì nhiều ngoài niềm mơ ước được nhìn thấy lần cuối hình ảnh của mẹ già và được đi trở lại con đường xào xạc đầy bóng tre trước gió.

    Ngoài những lý do thầm kín, riêng tư, còn có một lý do quan trọng khác nữa đã khiến anh thay đổi vị trí của mình. Đó là anh cùng các bạn đồng ngũ bị đẩy tới một con đường ra đi khó thấy ngày về. Chiến trường Kampuchia. Hùng không thấy mảy may liên hệ gì đến phần đất này. Không hiểu biết. Không gắn bó. Không ràng buộc. Không thấy cả cái lý do mà mình phải đổ mồ hôi và xương máu xuống đó. Chỉ có một điều duy nhất là anh và bạn bè đã bị đẩy xô tới bằng những chỉ thị tuy lạnh lùng nhưng lại đốt cháy cả tương lai, cả cuộc đời của anh. Đó là điều thậm vô lý. Hùng đã phản kháng sự vô lý đó bằng hành động bỏ đi, hết sức tiêu cực. Anh tặc lỡi, chết ở đâu thì cũng là chết. Ai có thể nói mình đã khôn ngoan để chọn ra được con đường đúng nhất.

    Tuy nhiên, khi quyết định xong rồi thì Hùng bắt đầu rơi vào tâm trạng của một con thú bị săn đuổi. Quá khứ, chiến công, và những tấm giấy khen nhầu nát không còn giúp gì cho anh trong hoàn cảnh này. Không gian của thế giới này bây giở chỉ dành cho anh một khoảng nhỏ, trong cái gậm giữa hai hàng ghế trên một con tầu nằm im lìm trên sân ga chờ giở khởi hành. Hùng chua chát nghĩ đến cuộc hồi hương đen tối của mình, thật trái ngược với lòng hăng hái của anh lúc ra đi với lời phát biểu trong buổi liên hoan tiễn đưa các chiến sĩ lên đường: Hứa sẽ lập nhiều chiến công để trở về trong vinh quang!

    Hùng thấy rõ hồi đó anh chỉ như một người sống khép kín trong thế giới bao quanh bởi những ngôn từ: Chủ nghĩa anh hùng. Thi đua lập chiến công. Tiến lên gánh nhiệm vụ hàng đầu xây dựng tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa vinh quang. Và đủ loại thuốc đốp khác.

    Nhưng càng đi sâu vào cuộc sống, những ngôn từ đó càng trở nên những mảnh hoa giấy cài trên chiếc mũ phường chèo đã bị rã nát sau cơn mưa. Hùng không còn gì ngoài bản năng sinh tồn của chính anh. Anh đã qua khỏi cái giai đoạn bị huyễn hoặc bởi các loại ngôn ngữ tuyên truyền. Người chiến sĩ đã nhìn thấy bề mặt trái của tấm huy chương. Và đó cũng chính là sổ phận không may của anh đã an bài như thế. Bởi trong cái xã hội đầy cơ cực này, càng biết nhiều, biết rõ thì chỉ đầy dọa thêm cho chính bản thân của mình. Biết mà có thay đổi được gì đâu. Sau hơn ba mươi năm bị mài nhẵn, bào mòn, con người chỉ rút ra được một triết lý duy nhất để tồn tại, đó là câu "Không còn đường nào khác!", hiểu như một sự an phận, cúi đầu, như một con ngựa chấp nhận số phận khi đã được đeo lên mình tất cả yên cương.

    Nhưng tử ngày dặt chân lên Sài Gòn và lui tới nơi đó vài lần khi được nghỉ phép, Hùng khám phá thấy một điều mới lạ, hơn tất cả kiến thức về kinh nghiệm sống của dân chúng miền Bắc cộng lại từ ba mươi năm. Đó là sức đề kháng của dân Sài Gòn. Thái độ của họ. Cách sống của họ. Cảm nghĩ của họ, sau ba năm chung đụng với chế độ mới, họ chỉ hòa nhưng không đồng.

    Rõ ràng ở họ có một thế giới riêng, có cách nhìn riêng, có lề lối thích ứng riêng. Họ như một con suối len lỏi qua những rừng cây, những hốc đá, những khe rạch. Nhưng dù ở đâu nước vẫn là nước, nó vẫn tồn tại trong chia cắt, trong rã rời từng mảnh vụn, nhưng vẫn có điều kiện đổ về nguồn khi có dịp.

    Hùng muốn bàn luận thêm với bạn bè về ý nghĩ đó, nhưng bây giờ thì họ đã ở quá xa, cả ngoài không gian lẫn trong ý nghĩ. Với họ, Hùng không còn là kẻ đồng hành. Chỗ của anh bây giờ là ở đây, trong hốc kẹt giữa hai gậm ghế của một toa tầu. Như một con thú bị săn đuổi, Hùng sợ ánh sáng, sợ tiếng người, sợ tiếng xe cộ lao xao, sợ ngay đến cả tiếng chân người coi ga lê dép lẹp xẹp qua lại trên sân xi măng in bóng ngọn đèn héo úa lúc về đêm.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Nhưng rồi do tình cờ, Hùng bỗng phát hiện được một người bạn đồng hành. Sự kiện bắt đầu tử một tiếng rên nhỏ xuất phát ở phía đầu toa xe, nơi đặt phòng tiêu tiểu công cộng. Tiếng rên cứ mỗi lúc một to dần đến nỗi làm cho Hùng phải tỉnh đậy. Anh ngơ ngác nhìn ra khung cửa sổ cắt vuông vức một khoảng trời mờ đục sương đêm. Gió lùa qua đó đem vào toa xe một cảm giác gây gây lạnh. Đồng hồ trên tay Hùng mới chỉ có hơn hai giờ. Sân ga hoàn toàn yên lặng, nhưng phía bên kia hàng rào, ở khu vực bà con nằm chờ mua vé vẫn còn vọng lại những tiếng lao xao.

    Hùng ngồi thẳng lên và tập trung vào tiếng động phát ra ở phía đầu toa. Rõ ràng là tiếng người đang rên rỉ. Anh khoác túi vải lên vai và đi chậm chạp về phía đó. Bây giờ, mắt anh đã nhìn quen với bóng tối. Anh thấy một người đang ngồi áp lưng trên cánh cửa của phòng vệ sinh công cộng, đầu gục xuống hai đầu gối. Tiếng rên từ người đó phát ra. Hùng khẽ tiến lại gần, nghe ngóng một lát rồi cất tiếng:

    - Ai làm sao đấy?

    Người bệnh ngước đầu lên. Một cái đầu rối bù, không nhìn được rõ mặt. Anh ta cũng thều thào cái gì nghe không rõ, rồi lại cúi xuống. Hùng hỏi:

    - Tiêu chảy hả?

    Cái đầu bù xù lại lắc khẽ, và bây giở giọng đáp đã rõ hơn:

    - Không! Loét dạ dầy? Đói quá nó hành.

    Hùng bật lên cười. Anh yên tâm hoàn toàn về con người đối diện. Anh cất giọng thoải mái:

    - Cũng dân chui hả?

    Người lạ mặt lại ngẩng đầu lên nhìn. Hắn ta định nói thêm điều gì nhưng cơn đau kéo đến làm mặt hắn rúm lại. Hùng mau lẹ mở cái túi vải của mình để lấy ra một gói bánh khô. Anh nói:

    - Ăn đi. Có cái dằn bụng, dạ dầy nó hết hành.

    Người lạ mặt vồ lấy gói bánh và mở nó ra bằng hai bàn tay run rẩy. Rồi có tiếng nhai rào rạo. Hùng nhắc:

    - Nhai cho kỹ kẻo lủng bố nó ruột.

    Anh ta không trả lởi. Cả khuôn mặt của anh ta chìm trong bóng khuất của mái tóc bù sù. Một lát sau, Hùng lại cất tiếng:

    - Cậu "tếch" bao lâu rồi mà đói rách đến thế ?

    - Mới hơn tuần nay thôi. Nhưng có tí vốn lưng bị "ngụy Sài Gòn" nó mõi hết.

    - Định về đâu?

    - Thái Bình!

    - Không sợ địa phương nó tóm hả?

    - Tóm cũng kệ. Nằm tù ngoài Bắc còn hơn bỏ xác ngoài chiến trường Kampuchia.

    Hùng bật lên cười. Hắn ta đã lý luận như Hùng đã từng lý luận. Hùng thấy lòng ấm áp hẳn lên. Bây giờ, anh đã có bạn đồng hành. Ít ra trên quãng đường lần trốn, chui rúc này, có hai kẻ để nương nhau thì cũng đỡ. Hai người trở thành thân mật như một đôi bạn cũ lâu ngày mới gặp nhau. Họ rì rầm kể cho nhau nghe về chuyện chiến trường, chuyện đơn vị, chuyện thủ trưởng. Hùng nhận ra đơn vị nào thì cũng giống đơn vị nào. Cơn băng hoại tinh thần như một vết rò rỉ trên một con thuyền, đang âm thầm lan ra khắp mọi chỗ. Chỉ có điều thật khó mà đánh giá được mức độ trầm trọng của nó, vì ai cũng giữ kín tâm sự của mình và mọi người chỉ biết rõ ý nghĩ thầm kín của nhau khi nó đã biến ra hành động.

    Có mấy cái bánh bích qui vào bụng, cơn đau của anh chàng lạ mặt thấy dịu hẳn đi. Hắn ta bắt đầu cọ quậy rồi một lát đứng lên vươn vai. Hắn chép miệng:

    - Mẹ kiếp, bị đạn ở đùi, giải phẫu xong đi khập khiễng, tưởng là được giải ngũ về quê, thế mà rồi xin mãi không được. Thủ trưởng nó nói là mức độ tàn phế chưa đủ đạt tiêu chuẩn, vẫn còn đánh đấm được ở Kampuchia. Thế có chó má không...

    Nói rồi hắn ta tiến lại phía cửa toa tầu nhìn ra khoảng trời mờ đục vì sương đêm. Hùng thấy rõ hắn ta hơi khập khiễng. Bóng dáng nhỏ thó của hắn in như cắt trên khung cửa sáng lờ mờ. Mái tóc sù lên. Đôi vai như so lại trong chiếc áo sơ mi rộng thùng thình.

    Bỗng có tiếng lao xao ở lối vào sân ga. Hùng lại cúi xuống xem đồng hồ. Hai cây kim dạ quang mới đó mà đã chỉ gần bốn giờ. Hành khách đang lục tục kéo vào, tiếng guốc, dép khua lộc cộc trên mặt sân tráng xi măng. Hắn ta quay vào nói:

    - Thôi ta chuồn. Mình sẽ gặp nhau để trao đổi địa chỉ. Ai về trót lọt thì thông báo giùm cho gia đình...

    Rồi hắn ta mở cửa, tụt vào phòng vệ sinh. Hùng hỏi theo:

    - Cậu định đóng kín cửa không cho ai ra, vào đó chắc?

    Có tiếng hắn cười, vọng ra:

    - Không đâu. Tớ leo lên cái hốc kẹt này. Chân tớ khập khiễng không lần từ toa này sang toa khác được.

    Hùng đi lại phía cửa toa xe. Anh nhìn thấy một toán người lũ lượt kéo lại gần. Tiếng cười nói đã vọng tới nghe thấy rõ. Anh vội vã xốc lại cái túi vải rồi lủi nhanh về phía cuối toa xe. Ở đó, anh đứng bám vào cái tay vịn ở bậc thềm lên xuống và quan sát được tất cả mọi người lui tới từ hai phía. Chỉ cần tinh mắt và lẹ chân, anh có thể qua mặt được các tốp kiểm soát với những khẩu súng ôm ngờ ngờ. Người càng đông, càng dễ lẩn. Với đám hành khách thì khỏi lo, không có ai quan tâm làm gì đến những kẻ đi chui. Việc ai nấy lo, hơi đâu mà rắc rối, sinh sự.

    Rồi thời gian qua mau lẹ. Những nhân viên hỏa xa đã xét xong vé lên tầu của hành khách. Những toán công an đã kiểm tra xong giấy đi đường của mọi người. Tất cả hành khách đã ngồi đâu đó yên vị. Lác đác trên sân ga chỉ còn vài ba người vào tận chỗ tầu đậu để tử giã thân nhân. Chính họ cũng phải mua vé vào sân. Chỉ còn thiếu có mỗi một cái đầu máy duy nhất là con tầu mười bốn toa có thể khởi hành.

    ***
    Trời bắt đầu sáng rõ rồi, lại có tin loan đi từ toa này qua toa khác: Cái đầu máy không sửa được, phải chờ di chuyển một cái khác từ ga Biên Hòa lên thay thế. Thế là thời gian mất ít nhất cũng là hai tiếng nữa. Trời lúc này đã sáng rõ. Những tia nắng đầu tiên đã in thành từng giải rực rỡ trên nóc những ngôi nhà cao ở phía xa. Thành phổ Sài Gòn đã phục hồi lại tất cả vẻ ồn ào, náo nhiệt của nó sau một đêm dài im lìm.

    Bây giờ thì hành khách không còn kiên tâm để ngồi giữ chỗ của mình trên toa xe nữa. Họ bắt đầu lục tục kéo nhau xuống hết sân ga và ngồi trải dài dọc theo suốt con tầu đầy đủ mười bốn toa. Hùng không còn cách nào khác hơn là cũng phải xuống ngồi lẩn mặt trong đám đông ồn ào đó. Bên trái của anh là một cặp vợ chồng cán bộ cỡ trung niên, hai vợ chồng đang cằn nhằn với nhau về vấn đề gì đó, chỉ thấy hai người ngoảnh đi, mặt buồn so. Bên phải của anh là một thiếu phụ tay bồng một đứa nhỏ cỡ ba, bốn tuổi và thêm một đứa nữa đang ngồi ăn một miếng bánh mì ở ngay cạnh bà ta.

    Hùng gợi chuyện với thiếu phụ này để tạo cho sự hiện diện của mình tại đây một vẻ tự nhiên. Anh được biết thiếu phụ đem con ra Bắc thăm chồng đang đi cải tạo. Điều này đã hằn sâu trên khuôn mặt của bà ta một vẻ mệt mỏi với những nếp nhăn không phải vì tuổi già mà vì cơn tàn phá của cuộc đời ùa đến quá nhanh, quá tàn khốc.

    Thiếu phụ ít nói, và Hùng chưa thấy bà ta nhếch lên được một nụ cười. Tuy nhiên, Hùng lại cảm thấy mình được yên ổn khi ngồi tạm ở chỗ này, trong thời gian chờ đợi cái đầu máy từ Biên Hòa chuyển tới. Vừa bắt chuyện với bà ta, mắt Hùng vừa không rời con đường xi măng trải dài đến tận lối vào sân ga. Ở đây, Hùng có thể theo dõi được toán lính đi kiểm soát mọi người đang ngồi la liệt ở bên lề cỏ. Họ là một đám đông lố nhố với những mũi súng đưa cao lên trời rất dễ nhận biết. Họ đang đi về phía Hùng và anh đã nhận ra được người thủ trưởng đi dẫn đầu với khẩu súng lục khệ nệ ở bên hông.

    Bước chân của ông ta rất chậm rãi. Khuôn mặt của ông ta chăm chăm hướng xuống đám người ngồi xổm ngổn ngang trên mặt cỏ. Hùng bắt đầu có cảm giác mất an toàn của một con thú bị bầy chó đánh hơi tìm thấy. Tình thế hoàn toàn bất lợi cho một sự lủi ra xa đám người đang ngồi ở lề đường. Chung quanh Hùng, sân ga hoàn toàn trống trơn và đám hành khách thì đã dàn mỏng thành một dẫy dài. Không còn cách nào khác, Hùng cúi xuống nói thật nhanh với thiếu phụ đi ra Bắc thăm chồng:

    - Tôi là bộ đội đào ngũ. Xin bà giúp tôi...

    Thiếu phụ ngẩng lên nhìn. Ánh mắt của bà ta sâu thẳm và đầy vẻ u buồn. Tuy nhiên Hùng bắt được một vẻ ngạc nhiên vụt sáng lên trong tia mắt của bà. Anh nhìn bà với một sự cầu khẩn. Anh đã nghe rõ tiếng dép của người thủ trưởng bước đến từ phía sau lưng. Anh có cảm giác nóng hổi ở phía sau gáy khi nghĩ đến cái nhìn soi mói của ông ta lúc ông ta tiến lại gần.

    Đột nhiên thiếu phụ đổi hẳn nét mặt của mình. Bà ta nhếch miệng lên cười. Nụ cười đầu tiên nở ra kể từ lúc Hùng có mặt ở đây. Bà ta nhấc bổng thằng bé lên cao, trao nó về phía Hùng và nói rất tự nhiên:

    - Chú bế cháu giùm chị đi. Để chị chạy lên tầu lấy cho nó bình sữa.

    Thằng nhỏ được đưa tới sát khuôn mặt của Hùng. Thân hình của nó che khuất một nửa mái tóc của anh. Anh vội vã đón lấy nó một cách tự nhiên rồi ghì nó lên vai vỗ về. Anh không nghĩ rằng mình đang ôm một thằng bé, con của "Ngụy". Bây giờ, đối với anh nó đẹp như một thiên thần với làn da mịn màng êm như nhung. Hơi nóng từ nó truyền sang làm lòng anh ấm áp, yên ổn. Nhất là sự yên ổn.

    Nhưng anh cũng vẫn còn để ý được tiếng dép đi sát tới sau lưng của mình, rồi có bóng dáng của người thủ trưởng đi lướt qua. Theo sau là một toán lố nhố với những họng súng chĩa lên trời. Toán người lũ lượt đi qua. Hùng ôm sát thằng bé vào vòng tay và bây giở anh ngửi thấy cả mùi sữa thơm tho toát ra tử da thịt của nó. Bên cạnh anh, người thiếu phụ đã trở lại, vẻ mặt thản nhiên như bình thường. Cặp mắt lại mang vẻ u buồn. Những nếp nhăn tàn phá. Mái tóc xác xơ.Và dáng người thì lúc nào cũng như hơi cúi xuống, hiện thân của sự chịu đựng, nhẫn nại không muốn hé răng ra bằng lời.

    Bỗng ở phía toa xe gần trước mặt có liếng la lối:

    - Ối giời ơi! Làm cái gì khốn nạn, leo lên đây mà dòm người ta. Ối các đồng chí ơi. Ối các đồng chí ơi.

    Giọng người nữ cán bộ trẻ tuổi the thé rít lên làm nhốn nháo tất cả mọi người và toán lính đi tuần chợt quay trở lại, cất bước chạy rầm rập về phía đó. Mấy phút sau, người ta dẫn xuống từ toa xe một kẻ đầu bù tóc rối. Đám đông xúm xít lại. Cô cán bộ trẻ đứng ở trên thềm lên xuống của toa xe nói xuống om sòm:

    - Tôi vô cầu tiêu... tôi thấy nó ở trên dòm xuống...

    Mọi người ồ lên cười. Có tiếng phát biểu:

    - Tưởng chuyện gì!... Đồng chí ấy làm như phát hiện có kẻ gài mìn trên toa xe.

    Đám đông tản ra mau lẹ và Hùng thấy bóng dáng khập khiễng của người bạn mới quen đi giữa vòng vây của những họng súng. Mọi người dạt ra hai mé bên đường để nhường chỗ cho toán lính đi qua. Hùng chợt nhớ đến hình ảnh quần chúng đứng ở hai trên đường giơ tay vẫy chào, tiễn đưa chiến sĩ lên đường đi vào chiến trường miền Nam. Bây giờ thì anh bạn đào ngũ có đôi chân khập khiễng cũng bước qua giữa một đám đông đứng thành hai hàng dài như thế. Nhưng anh ta không còn là một chiến sĩ. Anh ta cũng không còn là một thứ gì nữa trong cuộc đời này. Người ta sẽ nhấc anh ra khỏi đời sống như nhấc một con tốt ra khỏi bàn cờ. Chỗ của anh ta từ đây sẽ là một hầm tối, một trại tập trung, một nhà tù hay một trung tâm cải tạo nằm giữa rừng sâu, biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài. Cuộc đời của anh ta coi như đã chấm dứt ở đó.

    Hùng chợt thấy ân hận rằng mình đã không kịp hỏi han thêm được điều gì về lý lịch của anh ta. Chính anh ta đã dặn dò:

    - Sẽ gặp nhau sau để trao đổi địa chỉ. Ai về trót lọt thì thông báo giùm cho gia đình.

    Anh ta ở đâu? Tên anh ta là gì? Ngay cả mặt mũi anh ta ra sao, Hùng cũng không biết rõ. Tất cả con người ấy chỉ để lại trong đầu óc Hùng hình ảnh của một mái tóc rối bù và hai ống chân đi khập khiễng, như ngày xưa, người nữ giao liên trẻ đã để lại trong tiềm thức của Hùng cặp giò trắng như sữa khi nàng lội xuống bờ suối bì bõm rửa chân. Hình ảnh tuy chỉ thoáng qua trong khoảnh khắc nhưng ăn sâu vào trí nhớ suốt cả đời người.

    Bỗng có tiếng còi tầu từ xa đưa lại và có tiếng reo to:

    - Đầu tầu đã tới! Đầu tầu đã tới!

    Đám đông đang ngồi bỗng đứng bật dậy, lố nhổ. Tất cả mọi người đều hướng mặt về phía cuối sân ga. Chỉ có Hùng là cố nghển cổ lên nhìn về hướng ngược lại.

    Anh muốn ghi gói thêm một lần cuối hình ảnh của người mới quen xấu số. Nhưng toán lính với những họng súng chĩa lên trời trong khoảnh khắc đã bị đám đông tràn ngập. Người bạn có mái tóc rối sù cũng bị che khuất bởi cả một rừng người.

    Không còn ai nhớ đến số phận của một người tù có đôi chân đi khập khiễng nữa. Anh ta như một hòn sỏi nhỏ rơi tõm vào lòng nước sâu và đã bị những cơn sóng ùa lên, khỏa lấp.

    NHẬT TIẾN
    Tháng 12-1981

Chủ Đề Tương Tự

  1. Người Tù Cuối Năm - Nhật Tiến
    By khieman in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 3
    Bài Viết Cuối: 04-10-2015, 12:51 AM
  2. Trả Lời: 2
    Bài Viết Cuối: 10-25-2014, 08:03 PM
  3. Chuyến Xe Đò Cuối Năm
    By giavui in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-19-2013, 11:40 PM
  4. TP.HCM: Liên tục xảy ra cháy lớn vào ngày cuối năm
    By duyanh in forum Tin Tức Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-03-2011, 02:00 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-30-2010, 01:58 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •