Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Cái trở ngại to nhất của hạnh phúc là trông chờ một hạnh phúc khác to hơn.
Fontenelle
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Đón Xuân Trong Tình Yêu -

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Giấc Ngủ Chập Chờn - Nhật Tiến

    .

    Giấc Ngủ Chập Chờn
    Nhật Tiến






    CHƯƠNG 1

    Lão Đối chất thêm một nhánh củi khô nữa vào bếp. Ngọn lửa cháy hồng lên. Tiếng nổ lép bép làm bắn tung tóe những chấm sáng đỏ rực. Nồi thịt bắt đầu reo. Lão mở vung ra lấy đũa khuấy đều. Những miếng thịt kỳ nhông trắng nõn hiện ra thấp thoáng dưới ánh lửa. Mùi nước mắm chín bốc lên ngạt ngào. Lão hít thật mạnh cho cái hương vị mặn mặn ấy thấm vào thớ phổi rồi lão đậy vung lại và đưa đôi đũa lên mồm mút chùn chụt. Xong xuôi lão ngồi thu mình im lặng trong xó tối. Bầu trời bên ngoài đen như mực. Qua khung cửa bếp, thỉnh thoảng lại có một tia chớp lòe lên soi sáng trong nháy mắt dẫy núi mù mịt ở đằng xa.

    Trên mái lá, trận mưa hồi chiều còn làm sũng nước trong những ống nứa ẩm mục. Từng giọt nước nhỏ xuống mặt thềm tạo thành những tiếng tí tách đều đặn. Ngoài bãi cỏ, tiếng ếch gọi mưa ì-ộp suốt từ buổi chiều không dứt. Trên từng cao mù mịt, thỉnh thoảng lại có tiếng động cơ máy bay ở độ rất cao nặng nề đi qua. Rồi chỉ một lát sau, từng loạt bom trút xuống tạo thành những âm thanh ầm ì từ rất xa vẳng lại. Mặt trận Phú Sơn đã mở từ hai tuần nay. Ngoài quốc lộ số 1 chẳng ngày nào là không có những đoàn xe di chuyển qua cầu chợ Lùng. Đứng ở ấp Vĩnh Hựu nhìn ra, chỉ cách lộ có hơn ba trăm thước, lão Đối quan sát thấy chẳng xe nào là không đầy nhóc lính Biệt kích, Nhẩy dù, Thủy quân lục chiến. Kỳ này lão còn thấy chở đi cả trọng pháo 81 ly. Những khẩu súng nặng nề lăn theo những chiếc xe mười hai bánh chuyển động rầm rầm và nghiến cót két trên mặt cầu. Mùa mưa bắt đầu rồi. Đánh lớn ở mọi chỗ rồi. Nước mưa đổ xuống từ trên nguồn làm mực nước ở chân cầu chợ Lùng dềnh lên cao, chan hòa lên những bờ cỏ, những hầm hố, công sự. Lớp dây thép gai bao bọc chằng chịt thành một vị trí phòng thủ quanh chân cầu cũng bị nước phủ kín. Lão Đối nghĩ bụng chắc cấp này lính cơ hữu trong đồn Phi Mã rút cả lên mặt đường mà nằm gác cầu.

    Đồn Phi Mã ở cách cây cầu chợ Lùng hơn hai cây số, nằm bên lề quốc lộ số 1. Đứng ở ấp Vĩnh Hựu nhìn qua, khu đồn trông như một trại nghỉ mát với những hàng phi lao cao vút. Tháp canh sừng sững vươn lên qua khỏi những dãy nhà mái ngói mầu rêu xám. Kế cận nơi đó là nhà máy phát điện. Về đêm tiếng máy chạy ầm ì vẳng lại, kéo dài từ chập tối đến đúng mười hai giờ khuya. Trong khoảng thời gian ấy, đồn Phi Mã tỏa ra một vùng ánh sáng mầu vàng úa hắt lên những chòm cây phủ sương đêm mờ mịt. Thỉnh thoảng cái ánh sáng yếu đuối ấy lại bị át đi bằng những quả hỏa châu bắn lên, soi sáng rực cả bầu trời. Một đôi lúc, vài binh sĩ nằm trong những pháo đài quanh đồn lại nổ những tràng đại liên, trung liên vào những mục tiêu vu vơ ở lên kia bờ suối, chỗ cỏ lau và sậy mọc rậm rì. Tiếng nổ xé tan bầu không khí tĩnh mịch rồi vọng đi thật xa, tạo thành những tiếng cùng cục nghe như những âm thanh tấm tức nghẹn ngào muốn vùng vẫy mà bị chẹn ngẵng lại. Tuy vậy, từ ngày thành lập đồn Phi Mã, ở đó chưa xảy ra trận đánh lớn nào. Lực lượng VC quanh quẩn trong mấy ấp gần đó chẳng lên quá một trung đội. Điều này lão Đối biết rõ nhất bởi vì thằng Đực, con trai độc nhất của lão, đã bỏ gia đình mà xung vào đội du kích xã. Hồi nó mới ra khu lão đã chửi nó:

    - Mầy theo ai thì mặc cha mầy. Mà điều đi theo bên đây thì còn có đôi giầy, cái áo mà bận. Chớ mầy qua bên đó, chết trần chết truồng ai thương?

    Đực nghe bố nói chỉ im lặng một cách lầm lì. Không phải nó không muốn cãi lại. Nhưng nó cãi không được. Những mớ lý thuyết hồi nó học ở ngoài khu, lúc nghe thì thấy vô lỗ tai dễ dàng mà khi nhắc lại thì thật là khó. Chẳng phải ai cũng có tài ăn nói như Huấn, như Niên, như Hồng, những máy phát thanh chỉ cần thở ra là đã có mùi vị lý thuyết chính trị cao xa rồi.
    * *
    *
    Cây củi mục cháy gần tới gốc thì nồi thịt kỳ nhông cũng bắt đầu sôi. Ánh lửa héo úa thu nhỏ lại dần dần, nhưng trong lòng bếp, những thỏi than hồng vẫn còn đỏ rực. Lão Đối uể oải bước ra đầu hè. Trời tối đen như mực. Ngọn đèn leo lét ở bên nhà mụ Vênh cũng đã tắt đi rồi. Tiếng đàn bà trẻ con lao xao ở quanh đó từ chập tối, bây giờ cũng yên hẳn. Ấp Vĩnh Hựu về đêm không khác một vùng đất chết. Không có tiếng võng đưa, không có tiếng trẻ khóc, cũng không có cả tiếng ru ời-ợi như ngày nào. Vào giờ này, đèn đóm trong mọi nhà đều tắt hết. Các cổng ngõ đều đóng kín với mấy lần then cài. Mọi người đều như muốn thu nhỏ lại trong cái thời khắc nặng nề, đen tối về đêm. Bởi vì chẳng đêm nào lại không có tiếng súng nổ chát chúa trong đêm khuya tĩnh mịch. Không ở đồn Phi Mã thì ở cầu chợ Lùng. Những ngọn hỏa châu bay vọt lên mãi từng không, chiếu từng chùm ánh sáng tỏa ra khắp các bờ cây, bụi cỏ, le lói xuyên qua những tấm cửa liếp xộc xệch, in một màu vàng chết chóc lên những tấm đình màn cũ kỹ.Trong đêm tối, những viên đạn lửa đan xéo vào nhau đỏ rừng rực như những ánh ma trơi chuyển vận qua bầu trời tối đen như mực. Nhưng giây phút náo nhiệt đó chỉ kéo dài năm mười phút rồi bỗng lại chìm lắng hẳn đi. Bóng tối lại trùm xuống cảnh vật một mầu đen lạnh lẽo, đầy đe dọa chết chóc. Những cụ già trong ấp lại một phen chép miệng thở dài:

    - Lại mấy thằng du xích xã loi nhoi. Chỉ xui cho đứa nào hứng phải đạn lạc.

    Ở đây đạn lạc vào nhà gần như cơm bữa. Những viên đạo ghim vào gốc cây, xé rách hàng rào và chém lỗ chỗ vào những mảng tường vôi như những vết thương lở loét. Tuy vậây, dân trong ấp cũng chỉ mới thiệt có bốn mạng: một ông già, một cô gái, một thằng bé chăn trâu và một con trâu đực. Nhưng chỉ ngần ấy thôi, cũng đủ làm cho già nửa dân số trong vùng bỏ nhà hoang, rút lên tỉnh. Số còn lại chỉ là những người quanh năm sống bám vào mảnh đất, làm ruộng, làm vườn, bắt ếch, cá hay kỳ nhông. Ban ngày họ đổ ra sinh hoạt uể oải trên phố chợ. Về đêm, tất cả rút vào những căn nhà gạch chắc chắn. Những người đàn bà sống như những cái bóng cô đơn. Năm thì mười họa, chồng con họ mới lén lút trở về. Bởi vì cả lính quốc gia cũng như du kích cộng sản, cả hai bên đều sợ hãi những ngõ ngách, những lùm cây trong ấp Vĩnh Hựu. Một kẻ đi tới. Một kẻ đặt súng vào một chỗ khuất nẻo. Một tiếng súng nổ. Và chung cuộc chỉ còn tiếng khóc than, kể lể của đám đàn bà, con trẻ. Còn những cụ già thì ngồi lặng đi, khuôn mặt dúm dó bỗng trở nên đanh lại, cằn cỗi như những gốc cổ thụ xù xì, bền bỉ.

    Lão Đối vừa nằm chợp đi dược một lát thì nghe có tiếng chuột rúc ở đầu hè. Lão choàng dậy, ra ghé tai vào vách gỗ. Thằng Đực rúc lên một lần nữa. Lần này lão Đối quơ cái then cửa và nhấc lên. Đực lẻn vào nhà nhanh như một con cáo. Hai cha con đụng người vào nhau. Lão Đối hỏi:

    - Bữa nay về đông không?

    Đực đáp:

    - Có nửa “tiểu” thôi .

    - Mầy ăn gì chưa?

    - Tôi đói lắm. Nhà còn gì không?

    - Có thịt kỳ nhông. Nhưng hết cơm rồi. Để tao nấu cháo nhé.

    Đực không đáp, lần lại giường nằm ngả lưng xuống. Trong lúc ấy, lão Đối lui cui đi lấy gạo. Bỗng Đực vùng dậy nói:

    - Thôi đi tía. Nhóm bếp giờ này không tiện. Để tôi đi kiếm tô cơm nguội.

    Nói rồi nó xách súng lẻn ra ngoài. Lão Đối ra đứng cửa nhìn theo. Bóng dáng cao lớn của nó biến nhanh vào bóng tối. Lão lầm lũi trở lại giường ngồi bó gối châm một điếu thuốc. Đồng hồ trên tay lão chỉ hơn một giờ. Độ mười lăm phút sau thằng Đực trở lại. Lần này nó đem theo thằng Há. Tiếng Há nói:

    - Sao không cho ngọn đèn lên?

    Lão Đối sực tỉnh:

    - Ý quên! Để tao đi thắp.

    Que diêm được xòe lên và ngọn đèn hoa kỳ được thắp sáng. Lão vặn cho cái bấc thấp xuống rồi đặt lên đầu giường. Ánh sáng hắt hiu soi bóng hai gã đàn ông mới vào. Thằng Đực vẫn phanh trần trùng trục với cái quần xà lỏn cố hữu. Há thì bận quần đùi với chiếc áo cánh mầu đen. Tay Há mang một độn giẻ cuốn vòng từ bàn tay lên gần tới khuỷu. Lão Đối hỏi:

    - Mầy làm sao vậy Há?

    Há ngắm nghía cánh tay rồi mỉm cười:

    - Tôi sơ ý bị thuốc súng nó phụt. Thử cái này đây.

    Vừa nói nó vừa đặt một cái lon có hình dáng kỳ quái lên mặt bàn. Cái lon to bằng rưỡi ống sữa bò và buộc chằng chịt dây kẽm. Há tiếp:

    - Chẳng kém bộc pha đâu. Rồi đêm nay bác biết.

    Lão Đối mở to mắt lên nhìn nó:

    - Mày liệng ngoài dốc cầu hả?

    Há không đáp chỉ mỉm cười. Cặp mắt nó sáng lên một tia long lanh, dữ tợn. Lão Đối bỗng nhớ đến tia mắt ngổ ngáo của thằng Há ngày xưa, hồi tất cả bọn chúng nó còn nhỏ tuổi và thường chạy nhẩy huỳnh huỵch ngoài sân đất trong những đêm trăng sáng. Bây giờ, đứa theo bên này, đứa theo bên kia, có đứa đã ngã xuống và lão đã cằn cỗi thêm như đã sống tăng thêm gấp đôi tuổi. Lão cố nén một tiếng thở dài dâng lên tấm tức ở cổ.

    Thằng Đực lần xuống bếp từ lúc nào, bây giờ đã bưng lên nồi thịt kỳ nhông còn nóng hổi. Lúc nó mở cái nắp ra, mùi thịt tỏa lên thơm ngào ngạt. Nó tháo ở đầu súng xuống một gói lá chuối tươi. Gói cơm nguội. Nó nói:

    - Cơm bên nhà Lầu đó. Thằng Lầu hẹn chiều ở đồn Phi Mã ra ăn cơm mà nó không về nên ế. Thôi! Cơm nào chả là cơm. Chẳng “Cuốc ra Cuốc vào” thì “Cộng sản Cộng sung” ăn cũng vậy.

    Lão Đối lắc đầu chép miệng:

    - Mầy hung hăng vô ẩu nhà nó, có phen đụng, nó bắn mất xác.

    - Ý cha! Tía nói dễ nghe hôn! Tui đang thèm gặp thằng Lầu đây. Nó có khẩu Carbine M2 bắn tự động ngon quá cỡ!

    Lão Đối thở dài, cố nén một cảm giác nặng nề đang đè trĩu cõi lòng. Lão nhớ đến ngày xưa xa lắc và tuổi ấu thơ của bọn trai tráng. Hồi đó sinh hoạt trong ấp trù phú và êm ả. Ngoài sân vận động lúc nào cũng có bóng dáng trẻ con chạy nhẩy ồn ào. Các trận cầu giao hữu thiếu niên ở ba ấp gần đấy, kỳ nào bọn thằng Đực cũng đem chiến thắng về cho Vĩnh Hựu. Đực ngồi trên vai thằng Há, Lầu phất cờ chạy dẫn đầu. Theo sau là cả một đám đông đảo trẻ con hò hét nhẩy múa. Lần nào sự trở về trong vinh quang như thế, lão Đối cũng thết chúng nó một nồi cháo kỳ nhông thật lớn dưới vầng trăng sáng in rõ từng cọng cỏ ngoài sân đất. Bọn trẻ vừa húp cháo sì sụp vừa thi nhau kể lại những chiến công của từng đứa.

    Những ngày êm ả như thế qua đi thật mau chóng. Tới tuổi trưởng thành, thằng Lầu thích bay nhẩy nên đăng vào lính. Nó đã dự nhiều trận đánh lớn ở dưới đồng bằng và được mấy cái anh dũng bội tinh. Nhờ thế, nó cậy cục xin đổi được về đồn Phi Mã để có dịp gặp người yêu cũ. Nàng vẫn chờ hắn để đi đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Hai vợ chồng lấy nhau gần hai năm, bây giờ mới sắp có một mụn con.

    Còn thằng Đực ở nhà được móc nối theo người ra khu rồi trở về gia nhập du kích xã. Được tin ấy, Lầu đã nói với lão Đối:

    - Thằng Đực đã theo C.S thì cháu không còn tình nghĩa gì với nó. Cháu quí bác, mà điều bó buộc cháu phải nói với bác như vậy. Gặp nó, cháu không tha đâu. Cháu xin lỗi bác trước rồi đó.

    Lão Đối đem lời ấy về học lại với con trai thì thằng Đực chỉ phá lên cười:

    - Chèn đét ơi! Bộ tía tưởng nó cứ nói rồi là nó ăn thịt được tui ngay đó sao? Tía biểu cho nó hay, thằng Đực sẽ ăn gan của nó trước.

    Còn thằng Há thì đi theo du kích xã trong một trường hợp khá hi hữu. Hồi trước, nó với anh nó,thằng Hoanh, cùng vô dân vệ xã. Bà mẹ mừng vì không phải chứng kiến cái cảnh anh em ruột mà bắn giết nhau ngay trên phần đất của tổ tiên đề lại. Nhưng một hôm thằng Há ngồi nhậu lai rai với bốn năm đồng đội. Rượu vào, lời ra, lúc bàn tiệc vào phút sôi nổi nhất thì gã trung đội trưởng của Há bắt đầu giở chứng. Gã nói:

    - Đ M. Tao thề trên có trời, dưới có đất là tao sắp vô biệt kích Mỹ rồi. Tao đi thiệt đó. Chỉ hiềm có một điều là vợ ở nhà, thế nào nó cũng đi theo tụi nhẩy dù, uổng lắm. Thiệt tình vậy đó. Vợ tao, tao biết quá mà.

    Ngừng một lát như để nỗi chua xót của mình thấm sâu vào men rượu, gã lại tiếp:

    - Còn mầy nghe Há. Mầy trẻ tuổi lại hào hoa, lại yêu nước. Mầy không yêu nước thì mầy vô đây làm chi.

    Phải không Há?

    - Chính vậy đó!

    - Chớ sao! Tao đã nói thì bao giờ có điều nào sai được đâu. Vì nếu đã sai thì tao không có nói. Phải không Há?

    - Phải đó!

    - Bây giờ tao đề nghị đem gả vợ tao cho mầy, trước khi tao vô biệt kích Mỹ, mầy chịu hôn?

    Há phá lên cười:

    - Thôi đi cha! Cha say dữ rồi, bắt đầu nói càn rồi đó.

    - Say cái con c. .Đứa nào biểu ông say ông bắn cả làng nhà nó.

    - Ờ! Nếu không say thì nói qua chuyện khác đi.

    - Qua sao được! Tao sắp đi rồi mà.Tao sắp vô biệt kích Mỹ thiệt tình mà. Bởi vậy tao phảùi thu xếp công chuyện nhà tao cho nó xong đã chớ. Để vợ tao theo mấy thằng dù uổng lắm. Vậy mày ưng nó hay không, Há?

    Há cáu kỉnh:

    - Tôi không ưng!

    Gã đàn ông chồm lên:

    - Đ.M. Sao mầy không ưng? Mầy khi vợ tao hả Há? Nói cho mầy hay, nó tốt người, tốt nết, đâu có đui què mẻ sứt gì mà mầy nói không ưng. Tao hỏi mầy một câu nữa, mầy có ưng không?

    - Không!

    Gã đàn ông vớ ngay lấy chai rượu đập thằng Há một cái vào đầu tét máu. Há sùng quá gầm lên, đạp đổ cái bàn khập khiễng và vớ ngay khẩu súng bên cạnh mình, giơ lên bắn chỉ thiên lia lịa. Rủi cho nó, khẩu súng bị lạc nòng ghim ngay hai phát vào một anh dân vệ ngồi ở cuối bàn khiến kẻ xấu số ngã lăn ra, chết ngay trên vũng máu. Thằng Há hoảng hốt sách súng chạy tuốt luôn vô trong đồng. Nó gia nhập du kích xã với một bản án tập nã:

    “ Bắn chết đồng đội để đào ngũ, có mang theo võ khí!”.

    Mãi chín tháng sau ở nhà mới lại có tin tức của nó. Đó là vào dịp thằng Hoanh, anh ruột của nó cưới vợ. Há gửi một lá thư nhờ người cầm tay mang về. Trong thư nó chỉ viết vỏn vẹn:

    “ Nghe tin anh lấy con Thư . Nó là người tình lý tưởng của tôi. Tôi thề không đội trời chung với anh đó”.

    Hoanh nhận được thư, tức tốc chạy sang nhà Thư hỏi. Thư cười đỏng đảnh:

    - Thằng Há con nít mà yêu đương cái gì. Bộ nó cứ tuyên bố như vậy là tôi phải thủ tiết tới già chờ nó hay sao?

    Hoanh sung sướng thủ tiêu cái thư vào bếp lửa và mấy hôm sau, đám cưới cử hành trong êm ả. Hoanh để vợ ở lại ấp Vĩnh Hựu trông mẹ già. Còn gã ban ngày thỉnh thoảng đáo về thăm nom, ban đêm lại rút lên phố chợ vì lý do an ninh.

    Cách đó ít lâu , một đêm tối trời, thằng Há xách súng trở về. Nó tìm vô mùng chị dâu chun vào. Đến lúc Thư nhận ra nó thì đã trễ. Hôm sau Hoanh biết chuyện, gã lồng lên đòi xách súng vô đồng tìm thằng em bất nhân vô luân thường đạo lý. Nhưng cánh đồng với những khóm cây duối dại mọc rải rác khắp triền thung lũng, trông tuy êm ả nhưng lại đầy đe dọa, chết chóc. Hoanh không dám mạo hiểm xông vào. Gã chỉ đứng ở đầu mương xả vu vơ một tràng đạn một cách điên cuồng rồi trở về bắt vợ dọn đồ lên chợ ở. Riêng bà mẹ của gã thì nhất định không đi. Bà quyết tâm bám vào mảnh vườn quạnh hiu như cuộc đời hiu quạnh của bà...
    * *
    *
    Ăn cơm xong, lúc hai đứa sửa soạn đồ lề đi ra, lão Đối nói:

    - Tụi bay đừng đi mé cây gòn. Hồi chiều tao thấy họ soát ở đó.

    Đực chép miệng:

    - Úi! Tía đừng có lo. Soát đâu thì soát, trời mưa ngập nước này rồi tụi nó cũng rút cả lên mặt cầu.

    Lão Đối giận dữ:

    - Mầy đừng có ỷ y. Mấy ỷ y mầy chết cha mầy.

    Đực không đáp lầm lũi đi ra. Thằng Há theo sau. Lão Đối bước từng bước nặng nề đi sau cùng. Lão đứng ở cánh cửa nhìn ra ngoài đêm. Trong bóng tối lão thấy lố nhố năm sáu thằng. Hôm nay chúng nó đi đông. Chắc đụng lớn. Lão bỗng thấy hồi hộp như chính mình là kẻ đang tham dự vào cuộc đi của lũ trẻ. Từ hồi nổ súng, lão đã là kẻ tiễn đưa biết bao nhiêu lần. Mà lần nào lão cũng thấy tất cả bọn chúng đều như hình hài cốt nhục của chính lão, và chúng đang đem ra thách đố với định mệnh. Cái chết chờ chúng nó ở khắp mọi chỗ, khắp mọi nơi, mọi lúc. Cả những thằng ở bên này lẫn những thằng ở bên kia. Cũng có lần bọn chúng trở về nguyên vẹn. Nhưng cũng có lần năm ba đứa khiêng một hai cái xác trở về trong lầm lì, câm lặng, không nghe ồn ào bằng chuyện chúng nó bắt được một con kỳ nhông trong lỗ cát, hay như một con cá lớn mắc vào lưỡi câu hồi còn thanh bình của mấy năm trước. Như thế lâu dần, người trong ấp càng thưa, dân càng ít, trai tráng mòn mỏi chết lần, điều đó càng khiến lão ghê sợï phải chứng kiến tuổi trẻ rồ dại thản nhiên lên đường đùa giỡn với súng đạn.

    Bọn trẻ rì rầm một lát rồi thấy im hẳn. Tiếng chân xéo lên mặt bùn lép nhép cũng xa dần. Tim lão Đối bỗng thót lại. Lão thấy cô đơn lạ lùng. Lão muốn có sự hiện diện của bất cứ ai vào giây phút đó. Nhưng bốn bề mù mịt một mầu đen nặng nề. Không tiếng võng đưa, không tiếng trẻ khóc, sự im lặng như nén lấy tim gan của lão Đối làm lão đau thắt lại. Lão uể oải quay vào cài then cửa và bó gối ngồi trên mặt phản. Điếu thuốc cháy đỏ lừ không ngớt trên vành môi xám. Mỗi lần lão rít vào khuôn mặt khắc khổ của lão lại sáng lên trong ánh lửa đỏ hồng. Lão im lặng tính từng bước đi của lũ trẻ. Chắc chúng nó đang đi qua cổng rào rồi rẽ xuống mương cá. Ở đó, chúng nó phải băng qua khu lò rèn để tới cột cây số. Đó là địa đầu của vòng đai nằm trong tầm quan sát của toán lính cơ hữu phục kích ở trên cầu. Tới đây, bọn chúng nó chắc chắn phải bò đi như những con rắn để vượt qua một khoảng đất trống trải. Hai đứa chắc sẽ nằm phục ở vệ đường quan sát. Một đứa sẽ leo qua mé tường ở chẩn y viện. Một đứa sẽ vượt qua vườn mít nhà mụ Đào. Còn hai đứa nữa sẽ phải tình nguyện bò lên dốc cầu liệng bộc phá.

    Thằng Đực giữ nhiệm vụ nào trong số đó, lão không thể biết được. Nhưng lão hồi hộp, lo lắng chung cho tất cả. Bên này lẫn bên kia. Thằng Đực, thằng Há, thằng Hoanh, thằng Lầu, đứa nào lão cũng coi như máu mủ ruột thịt. Lão sống ở đây đã nhiều năm. Từ ngày mẹ của lão chửa hoang giở dạ đẻ lão ở ngay bụi duối trong Đầm Tròn gần đó. Từ đó tới nay đã gần bẩy mươi năm tròn. Bẩy mươi năm không rời khu chợ Lùng lấy vài chục cây số, lão trở nên một hình ảnh gắn liền với những mái nhà tranh, những bụi duối dại, những bờ lau rậm rạp, hay con suối uốn quanh chảy qua cánh đồng gồ ghề nom như một cái thung lũng nhỏ.

    Cũng vì thế lão yêu mến mảnh đất quê hương của lão đến độ thuộc lầu cả từng biến chuyển dù nhỏ nhặt nhất của cảnh vật chung quanh. Lão luôn luôn cầu mong đừng có gì thay đổi trong cái thế giới nhỏ hẹp của lão. Lão cũng luôn luôn cầu mong trong hoàn cảnh bom đạn tứ bề, mọi người trong thôn ấp đừng có ai ngã xuống. Đừng ai cả, vì quê hương mòn mỏi quá rồi. Đối với lão, một khi có tin dữ bay về, lão lại có cảm giác như mình là cây cổ thụ chịu đựng thêm một vết chém mới của tiều phu. Mắt lão sâu quầng, khuôn mặt dúm dó, làn da thớ thịt nguội lạnh, run rẩy. Và lão ngồi trầm lặng cả đêm để nuốt sự chua xót đang vun trồng, xới bón cho tuổi già của lão.
    (còn tiếp)
    Last edited by khieman; 01-05-2014 at 02:28 AM.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Album Chuyến Đò Vĩ Tuyến 4
    By giavui in forum Nhạc Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-15-2016, 06:09 PM
  2. Đón xuân
    By giavui in forum Nhạc Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-30-2010, 04:56 AM
  3. Đón nhận lại tình yêu sau thất bại
    By duyanh in forum Xóm Nhỏ Thương Yêu
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-09-2010, 03:06 PM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-09-2010, 03:19 AM
  5. Tình yêu trong tinh thẦn cỘng ĐỒng
    By tieulacphong in forum Trang Công Giáo
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 10-22-2010, 12:15 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •