(tiếp theo)

Hạnh và Liên đứng yên nhìn và nghe cho đến khi mọi việc ổn thỏa và hai đứa trẻ khám hết các túi cha để tìm quà. Hạnh là một cậu bé đã mười bốn tuổi nhưng khi cậu lôi ra một cây đàn bị đè nát từng mảnh trong áo bành tô của cha, cậu cũng khóc nức nở. Còn Liên khi biết cha vì săn sóc thằng bé đã để mất cái roi ngựa, cô nhăn mặt tỏ ý khó chịu và nhổ về phía đứa bé đứng, khiến ông cụ tát cho một cái để dậy cho cô có những cử chỉ lịch sự hơn. Cả hai cô cậu đều quyết liệt không chịu ngủ chung giường với đứa bé, ngay cả chung buồng cũng vậy. Tôi cũng chẳng khôn gì hơn bọn chúng, đem đặt đứa bé ở cầu thang, mong sáng hôm sau dậy nó cút thẳng. Không may ông cụ ở buồng đi ra trông thấy nó nằm đấy liền điều tra: tôi đành phải thú nhận, và vì tội hèn nhát và vô nhân đạo ấy, tôi bị đuổi.

Đấy, Hy nhập gia đình cụ Yên như thế đấy. Mấy ngày sau khi tôi trở về (vì tôi biết chỉ là sự đuổi tạm thời) thì tôi thấy nhà đã đặt tên đứa bé là Hy (tên một đứa con của cụ Yên chết). Hy vừa là tên vừa là tên họ. Lúc đó Liên và Hy đã ăn ý với nhau lắm. Hạnh thì ghét Hy và thú thực tôi cũng ghét Hy. Chúng tôi trêu chọc Hy và đối đãi với nó một cách bất công; bà chủ Yên giá có thấy nó bị oan ức cũng không bao giờ bênh vực nó.

Hy có vẻ một đức bé rầu rĩ và nhẫn nhục, đã quen chịu đựng những cách đối đãi cục cằn. Hạnh đấm đá nó, nó không hề cau mày, không hề giỏ nước mắt; tôi có véo nó thì nó chỉ thở dài và giương to hai mắt ra, hình như bị đau chỉ vì rủi ro và không có ai đáng trách cả. Cụ Yên thấy nó có tính gan dạ thế nên mỗi khi thấy con mình hành hạ nó, cụ cáu vô cùng; cụ gọi nó là thằng bé mồ côi khù khờ. Cụ yêu nó một cách lạ lùng; nó nói gì, cụ cũng nghe (nó nói rất ít nhưng thường nói sự thực); và nuông nó còn hơn cả bé Liên nhiều vì bé Liên có tính cứng đầu cứng cổ không tuân lời.

Vì vậy, ngay từ lúc đầu, Hy đã gây nên bao nhiêu sự bất hòa ở trong nhà. Hai năm sau... cụ Yên bà qua đời, Hạnh coi cha như một người áp chế chứ không phải một người bạn, và coi Hy như một người đã cướp tình yêu và quyền thế của cha mình. Mới đầu tôi cũng về hùa với Hạnh, nhưng về sau, khi các trẻ bị lên sởi, tôi phải săn sóc chúng thì ý nghĩ của tôi đổi khác. Hy bị bệnh nguy hiểm nhất; lúc cơn bệnh lên tột độ, nó muốn tôi luôn luôn ngồi ở đầu giường: tôi đoán nó thấy tôi đã hết lòng với nó, nhưng nó chưa đủ trí để hiểu rằng tôi phải làm thế chỉ vì bổn phận mà thôi. Dầu sao tôi cần phải nói rõ nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn nhất. Sự khác biệt giữa Hy với Liên và Hạnh khiến cho tôi bớt tư vị. Liên, Hạnh làm tôi mệt nhoãi mệt nhoài, còn Hy thì yên lặng như con cừu non; nó làm tôi bớt lo nghĩ không phải vì tính nó hiền lành, nhưng chỉ vì nó chịu đựng được đau đớn.

Về sau Hy khỏi; bác sĩ nói quyết rằng một phần lớn nhờ tôi, rồi khen tôi chịu khó săn sóc nó. Tôi hài lòng về những lời khen đó và trở nên rộng lượng đối với Hy, người đã làm cho mình được tiếng khen. Thế là Hạnh không còn ai là bạn nữa. Tuy vậy tôi cũng không ưa gì Hy cho lắm; tôi vẫn tự hỏi không biết đứa trẻ lầm lỳ ấy có thứ gì khiến cụ Yên thích nó đến thế. Theo chỗ tôi biết, không có một lần nào nó tỏ ý biết ơn ông cụ. Nó không hỗn sược với người làm ơn cho mình, nó cứ thản nhiên vô tình, mặc dầu nó biết đã chiếm được tình yêu của người ấy. Nó chỉ khẽ tỏ ý ra là tất cả nhà ai cũng phải chiều ý nó. Chẳng hạn, tôi nhớ lại một ngày cụ Yên mua một đôi ngựa cho Hy và Hạnh mỗi cậu một con. Hy lấy con đẹp nhất, không bao lâu con này què chân. Thấy vậy nó bảo Hạnh:

“Anh cần phải đổi ngựa cho tôi. Tôi không thích con ngựa của tôi nữa. Nếu anh không bằng lòng tôi sẽ mách ba rằng trong tuần lễ này anh đã đánh tôi ba lần rồi. Tôi sẽ giơ cánh tay bầm tím đến tận vai để ba xem.”

Hạnh thè lưỡi ra chế nhạo, và bợp tai nó một cái. Nó lùi ra cửa chuồng ngựa và dằn giọng nói:

“Anh biết điều thì đổi ngay đi, nếu không tôi giơ những chỗ bị đánh này thì anh bị ốm đòn.”

Hạnh giơ quả tạ dùng để cân khoai và kêu lên:

“Cút đi, đồ chó!”

Hy không động đậy:

“Anh cứ ném đi. Rồi tôi sẽ mách ba rằng anh đã dọa tống cổ tôi ra khỏi nhà này khi ba mất. Chắc chắn anh sẽ bị đuổi ngay lập tức bây giờ.”

Hạnh ném quả tạ trúng giữa ngực Hy; Hy ngã nhưng lại đứng dậy ngay, mặt tái mét, người lảo đảo và thở hổn hển. Nếu tôi không ngăn cản thì nó đi thẳng tìm cụ Yên và không cần nói gì, chỉ để cụ Yên thấy tình trạng nó là tự cụ đã đoán ngay ai là thủ phạm.

Hạnh nói:

“Ừ thì mày lấy con ngựa của tao đi, thằng chết đường. Tao cầu trời cho nó quật gẫy cổ mày, thử xem nó lại không đá cho một cái vỡ sọ ra à.”

Trong lúc Hy tiến lên để tháo yên ngựa đổi chuồng, Hạnh đẩy nó ngã dưới chân ngựa rồi cắm cổ chạy thẳng không kịp nhìn xem ngựa có đá không.

Tôi lấy làm ngạc nhiên thấy thằng bé Hy đứng dậy thản nhiên như không, tiếp tục tháo yên cương. Rồi nó ngồi xuống bó cỏ cho đỡ mệt, trước khi vào nhà. Tôi bảo nó để tôi nói rằng nó bị bầm tím mình mẩy là tại con ngựa, nó chịu ngay: muốn nói gì thì nói nó cũng không cần, vì nó đổi được con ngựa là đủ rồi. Vả lại, sau những cuộc đánh nhau như vậy, ít khi nó than phiền, nên tôi tưởng nó không để bụng thù. Nhưng tôi hoàn toàn lầm. Để rồi tôi kể ông nghe.

Chương 5

Cụ Yên ngày một kém sức. Khi cụ yếu quá, chỉ ngồi cạnh lò sưởi, cụ đâm ra dễ cáu. Một tí gì cũng làm ông cụ giận dữ nhất là có ai bắt nạt Hy hoặc sai bảo Hy một cách sỗ sàng. Chỉ mới nghĩ rằng người ta có thể nói một câu bất nhã khó chịu với Hy, cụ cũng lo lắng tức bực. Hình như ông cụ tự nhồi vào óc cái ý nghĩ rằng chỉ vì cụ yêu Hy, nên mọi người đều ghét và muốn trêu chọc cụ. Nhưng việc này hại cho Hy vì những người tốt bụng trong bọn chúng tôi đều không muốn làm trái ý cụ, thành thử chúng tôi phải phờ phỉnh tính tư vị của cụ, và sự phờ phỉnh đó như nuôi cái tính kiêu ngạo và hung hãn của Hy. Một vài lần, Hạnh để lộ vẻ khinh bỉ, cụ nhận thấy, cáu lắm, vác gậy định đánh, nhưng tức run cả người lên khi thấy mình không còn đủ sức để đánh nữa.

Sau vị mục sư của chúng tôi khuyên cụ Yên nên cho Hạnh đi học xa, cụ đồng ý tuy chẳng vui gì, vì cụ bảo:

“Thằng Hạnh muốn đi đâu thì đi, nó chẳng được tích sự gì mà cũng chẳng bao giờ làm nên công chuyện gì.”

Tôi thực tình mong mỏi là từ nay trong nhà sẽ yên ổn... Nhưng lại có hai người: cô Liên và bác Dọi. Ông đã gặp bác ta, trên Đỉnh. Bác ta khéo thuyết đạo, khéo nói những lời sùng tín, nên có ảnh hưởng đến cụ Yên, và cụ Yên càng yếu, ảnh hưởng bác ta càng tăng. Bác ta ray rứt tàn nhẫn cụ Yên để nhắc đến việc cứu vớt linh hồn cụ, và lưu tâm dậy con cái một cách nghiêm nghị; bác khuyên cụ Yên nên coi Hạnh như một đứa trời đánh và chẳng chiều nào là bác không tuôn ra một chuỗi dài các chuyện xẩy ra không hay cho Hy và Liên; bác ta bao giờ cũng khéo đánh vào chỗ yếu của ông cụ là đổ tội lên đầu Liên nhiều hơn.

Còn Liên, cô ấy có những thói riêng tôi chưa từng thấy ở đứa trẻ nào... Cô quấy rầy chúng tôi mỗi ngày có hàng năm chục lần: từ lúc xuống đến lúc đi ngủ, không có một phút nào mà chúng tôi không lo sợ xẩy ra một chuyện ma quái. Liên bao giờ cũng háo ha háo hức, láu táu luôn miệng...nào hát, nào cười, châm chọc bất kỳ ai không làm theo như cô. Thật là một con ranh con bất trị, nhưng khắp vùng này lại không có ai có con mắt vui hơn, nụ cười vuốt ve hơn, dáng đi nhẹ nhàng hơn cô bé ấy. Nghĩ cho kỹ, tôi chắc cô ấy không phải là người có tâm địa xấu, vì mỗi lần làm cho chúng tôi bực mình, cô ấy thường ở bên chúng tôi, van xin chúng tôi nín khóc để cho cô ấy khỏi buồn lòng. Cô ấy cứ quấn quýt lấy cậu Hy.
Chúng tôi đã nghĩ ra được một cách phạt Liên nặng nhất là bắt Liên phải xa Hy. Thế mà trong bọn chúng tôi không ai bị mắng vì Hy như Liên.

Còn cụ Yên thì không chịu nổi những lời bông đùa của trẻ con; đối với con bao giờ cụ cũng khắc nghiệt, nghiêm nghị; về phần Liên, cô không hiểu sao cha mình trong khi đau yếu thường hay nóng tính, gắt gỏng không như thời còn tráng kiện. Chính vì cụ hay gắt gỏng càu nhàu mắng mỏ nên Liên mói thấy việc trêu cha là một cái thú. Mỗi khi thấy tất cả mọi người đều mắng cự cô, cô lấy làm khoái trí lắm, cô như thách tất cả mọi người bằng hai con mắt nhìn ngạo nghễ, hỗn sược và những câu đối đáp sẵn sàng. Cô ta nhạo những câu nguyền rủa độc địa của bác Dọi, cô ta trêu tôi, làm chính những việc mà ông bố ghét nhất, và tỏ cho ông bố biết tại sao sự khinh miệt giả tạo vờ vĩnh của cô - mà ông bố tưởng là thật - lại có ảnh hưởng đến Hy hơn là lòng tốt của ông bố đối với Hy; cô ấy lại còn tỏ ra tại sao bất cứ việc gì cô bảo, Hy cũng nghe cô, còn đối với ông bố thì Hy chỉ nghe theo khi nào chính Hy thấy việc ấy hợp với ý thích của Hy thôi. Suốt ngày hỗn sược với bố như thế, chiều đến thỉnh thoảng Liên lại đến vuốt ve bố làm lành. Cụ Yên nói:

“Thôi Liên ơi, ba không yêu con đâu. Con còn tệ hơn cả thằng Hạnh. Đi cầu kinh đi, con ơi, rồi thú tội với Chúa. Mẹ mày và tao nữa thẩy đều lấy làm xấu hổ đã sinh ra mày.”

Mới đầu những lời đó làm cho Liên khóc, nhưng bị ông bố ruồng rẫy mãi, Liên quen đi và mỗi khi tôi khuyên cô nên xin lỗi và tỏ ý hối tiếc những lầm lỗi đã qua thì cô lại bật cười.

Rồi một hôm cụ Yên chết, chết yên lặng trong khi đương ngồi trước lò sưởi, một buổi chiều tháng mười, gió mạnh thổi quanh nhà, rít lên trong lò sưởi; hình như có bão nhưng trời lại không rét lắm. Chúng tôi đều quây quần quanh lò sưởi; tôi ngồi ở một chỗ hơi xa đương bận đan còn bác Dọi thì ngồi đọc Thánh Kinh ở gần bàn. Cô Liên hơi mệt, vì thế cô ngồi yên, dựa đầu vào chân cha, còn Hy thì nằm dài ở dưới đất, đầu đặt lên đùi Liên. Tôi nhớ cụ Yên trước khi thiu thiu ngủ còn vuốt ve làn tóc xinh đẹp của con gái. Ông cụ ít khi có được cái thú thấy con gái mình ngoan. Cụ nói:

“Liên ơi, tại sao con không bất cứ lúc nào, cũng là một đứa bé ngoan?”
Liên ngửng đầu về phía bố rồi đáp:

“Ba ơi, tại sao ba không bất cứ lúc nào, cũng là một người bố ngoan?”

Nhưng khi Liên thấy cha giận, cô hôn bàn tay cha và nói sẽ hát một bài để ru cha ngủ. Tôi bảo Liên đừng hát nữa và đừng động đậy người sợ đánh thức cụ Yên dậy. Chúng tôi ngồi yên không nói như thế trong nửa giờ; sau cùng bác Dọi đứng lên nói sẽ đánh thức ông chủ để ông chủ đọc kinh và đi nghỉ. Bác Dọi đến gần gọi tên ông chủ và sờ vào vai. Thấy cụ Yên không nhúc nhích bác Dọi cầm cây nến soi vào mặt. Tôi đoán có sự gì không hay xẩy ra khi tôi thấy bác Dọi đặt cây đèn rồi mỗi tay dắt một đứa trẻ bảo chúng rất khẽ:

“Lên gác đừng có làm rầm cầu kinh lấy với nhau cũng được, còn tôi, tôi có việc.”

Liên nói:

“Tôi muốn hôn ba một cái” và giơ tay lên quàng lấy cổ bố trước khi chúng tôi có thể ngăn cản. Cô bé khốn nạn hiểu ngay và kêu lên:

“Ba chết rồi. Hy, Hy, ba chết rồi!”

Và cả hai đứa trẻ cùng kêu khóc thảm thiết. Tôi cũng khóc ầm ỹ theo chúng. Nhưng bác Dọi bảo có một người đã hiển thánh sống trên thiên đường, việc gì mà chúng tôi phải kêu rống lên như thế. Bác ta bảo tôi đi ra Diên-mễ-Tôn [9] tìm bác sĩ và mục sư. Tôi không hiểu hai người đó giúp được gì, tuy nhiên tôi vẫn lặn lội nửa giờ đi đem ông đốc tờ về, còn ông mục sư thì nội sáng ngày hôm sau sẽ đến... Để mặc bác Dọi giảng giải, tôi chạy lên buồng hai đứa bé. Cửa buồng chúng hé mở, tôi thấy chúng chưa đi ngủ, mặc dù lúc đó đã quá nửa đêm; nhưng chúng đã bình tĩnh, tôi không cần an ủi. Hai đứa nhỏ tự an ủi lẫn nhau bằng những câu mà tôi không thể nào nghĩ ra. Không có một mục sư nào có thể tả cảnh thiên đường đẹp hơn là chúng tả trong khi chúng ngây thơ thỏ thẻ cùng nhau.

Trong lúc tôi vừa thổn thức vừa nghe chúng nói chuyện, lòng tôi không thể nào không ao ước rằng chúng tôi... tất cả chúng tôi... sẽ được xum họp yên lành ở trên đó.
Chương 6

Hạnh trở về để đưa đám và trở về với một người vợ khiến chúng tôi kinh ngạc, và người chung quanh vùng bàn tán. Bà vợ là ai, quê quán ở đâu, không bao giờ Hạnh cho chúng tôi hay. Chắc bà ta không có của hồi môn, không phải là con nhà gia thế vì vậy Hạnh phải giấu cuộc hôn nhân ấy, không cho cha biết...

Sau ba năm vắng nhà, Hạnh thay đổi rất nhiều, người gầy đi, kém hồng hào, lời nói và cách ăn mặc khác hẳn trước. Ngay hôm mới về, cậu ấy ra lệnh bắt bác Dọi và tôi từ nay phải ở luôn trong bếp và căn phòng lớn cho cậu dùng. Còn mợ Hạnh tỏ ý thích muốn làm chị làm em với người trong họ chồng; lúc đầu mợ ta chuyện trò thân mật với Liên, hôn hít Liên, đi chơi khắp nơi với em chồng và mua cho rất nhiều quà bánh. Nhưng về sau, sự thân yêu ấy nhạt dần và khi mợ ta trở nên cau có thì Hạnh trở thành độc đoán. Chỉ một vài câu mợ nói tỏ ý không ưa Hy cũng đủ làm nổi dậy trong lòng Hạnh tất cả mối thù hận xưa. Hạnh bắt Hy sống với bọn tôi tớ, không cho đi học nữa, bắt làm lụng ở ngoài đồng và cũng làm vất vả như một tên thợ cầy.

Lúc đầu Hy cũng chịu đựng được sự khổ nhục ấy, vì Liên học được đến đâu thì dậy lại Hy, cùng Hy làm việc và chơi đùa ở ngoài đồng. Cả hai đứa thực tình hứa hẹn với nhau sẽ cố trở thành thô bạo như lũ mán mọi; Hạnh không ngó ngàng gì đến cách ăn ở của hai đứa trẻ và mọi việc chúng làm, miễn là chàng không gặp mặt chúng. Hạnh cũng chẳng cần biết tới việc chúng có đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật không, nếu không có lời bác Dọi và ông mục sư trách móc về sự vắng mặt của Hy và Liên; thế là Hạnh bảo đem Hy đi đánh đòn và phạt Liên nhịn cơm trưa hay chiều.

Nhưng hai đứa không lấy gì làm thích hơn là cùng nhau chạy trốn vào rừng cỏ, từ sáng sớm và ở đấy suốt ngay; sự trừng phạt chắc sẽ có nhưng chúng chỉ coi đó là một thứ để đùa giễu. Ông mục sư muốn bắt Liên học thuộc lòng bao nhiên chương sách đó là tùy ý ông, bác Dọi muốn cầm roi vụt Hy cho đến khi tê dại cả cánh tay, đó là tùy ý bác ta; hễ Hy và Liên gặp nhau là chúng quên hết mọi sự, nhất là khi chúng mưu mô được một cách trả thù ranh quái. Nhiều lần tôi đã phải khóc thầm thấy hai đứa trẻ ngày một trâng tráo quá, nhưng tôi không dám ngỏ một lời nào hết sợ mất hết một chút oai quyền còn lại đối với hai đứa trẻ thiếu thốn thương yêu ấy.

Một buổi chiều chủ nhật, chúng bị đuổi ra khỏi buồng vì làm rầm rĩ hay vì một lỗi nhỏ gì đấy. Khi tôi đi gọi chúng về ăn cơm thì tìm hết nơi cũng không thấy chúng đâu cả. Sau cùng Hạnh cáu tiết ra lệnh đóng hết các cửa và cấm bất kỳ ai cho chúng vào nhà đêm nay. Mọi người đã đi ngủ. Riêng tôi, vì lo lắng không sao ngủ được, tôi mở cửa sổ, thò đầu ra ngoài nghe ngóng, mặc dầu lúc đó trời mưa: nếu chúng về, tôi nhất quyết sẽ mở cửa cho chúng bất chấp lệnh cấm. Sau một lúc lâu có tiếng chân đi trên đường và có ánh sáng một ngọn đèn lấp loáng sau hàng rào ngăn. Tôi choàng khăn, chạy vội ra sợ chúng gõ cửa làm Hạnh tỉnh giấc. Chỉ có Hy về, tôi giựt mình:

“Còn Liên đâu? Không xẩy ra tai nạn gì chứ?”

“Ở Họa Mi Trang; còn tôi, tôi cũng ngủ lại đấy, nếu họ có đôi chút lễ độ mời tôi ở lại.

“Thế cậu làm gì ở Họa Mi Trang?”

“Để tôi thay quần áo ướt rồi tôi sẽ kể hết vú nghe.”

Tôi bảo Hy cẩn thận đừng làm Hạnh thức giấc và trong lúc thay quần áo Hy nói tiếp:

“Chúng tôi trốn khỏi nhà giặt để chạy rông cho thỏa thích. Thấy có ánh sáng ở Họa Mi Trang, chúng tôi nẩy ra ý kiến đến xem hai đứa bé nhà họ Tôn chiều chủ nhật có ngồi rét run ở một só không, trong khi bố mẹ ăn no, uống say cười hát cạnh lò sưởi; hoặc xem chúng có bị bắt đọc sách thuyết giáo, bị một tên đầy tớ già giảng đạo hoặc bị phạt học thuộc lòng cả một cột tên trong Thánh Kinh nếu chúng trả lời sai.

Chắc là không rồi. Vì đó là những đứa trẻ ngoan; người ta không bao giờ đối đãi chúng như đối đãi hai cô cậu xấu tính xấu nết nhà này.

Thôi đi vú. Đừng giảng đạo đức nữa. Láo, láo tuốt. Chúng tôi chạy một mạch từ Đỉnh Gió Hú đến Họa Mi Trang… Liên bị tôi bỏ xa vì nó chạy chân không. Chúng tôi chui qua một lỗ hổng ở hàng rào, lần mò theo con đường nhỏ, rồi leo lên một cái bồn hoa nhìn qua cửa sổ vào trong... thật là tuyệt: một gian phòng sang trọng có thảm đỏ, bàn ghế đều phủ nhung đỏ, trần nhà trắng toát viền kim nhũ và ở ngay giữa, các ngọn nến chiếu sáng long lanh một chùm mảnh thủy tinh treo bằng những sợi giây bạc. Ông bà Tôn không có đấy, chắc là hai đứa trẻ sung sướng như tiên. Chúng tôi thì tưởng mình đã lên tiên rồi! Thế mà, vú có biết hai đứa bé ngoan của vú làm gì không? Con Sa [10] nó độ mười một tuổi nghĩa là kém Liên một tuổi - con Sa nằm lăn xuống nền nhà, kêu la như đương bị lũ quỷ sứ tùng sẻo, thằng Kha [11] thì ngồi ở cạnh lò sưởi khóc ri rỉ. Ở giữa bàn có một con chó con chân run rẩy, kêu ăng ẳng.

Thấy đứa nọ đổ lỗi cho đứa kia, chúng tôi hiểu ngay là hai đứa đã suýt kéo đứt đôi con chó! Đấy vú xem chúng nó nghịch như thế đấy. Đánh nhau chí chết, tranh nhau một con chó, rồi sau lại hờn khóc vì cả hai đều không ai muốn lấy con chó nữa. Thấy hai đứa trẻ hư thân mất nết ấy, chúng tôi cười vỡ bụng; thực là lũ đáng khinh. Vú xem, có bao giờ vú thấy tôi đòi một thứ gì mà Liên thích không, có bao giờ vú thấy hai chúng tôi một mình với nhau mà người thì khóc nức nở, người thì nằm lăn ra đất, mỗi người ở một phía buồng không? Ở đời không có thứ gì có thể khiến tôi đổi địa vị tôi lấy địa vị thằng Kha ở Họa-Mi Trang. Tôi không bao giờ làm thế cho dẫu người ta cho tôi cái quyền ném lão già Dọi từ đỉnh nóc nhà cao nhất hoặc sơn cái cửa nhà này bằng máu của thằng Hạnh.”

Tôi ngắt lời:

‘Im miệng ngay! Cậu Hy, cậu vẫn chưa kể cho tôi nghe vì sao cậu về để cô ấy ở lại.’

Tôi đã bảo vú là chúng tôi cười nôn ruột. Hai đứa nhà họ Tôn nghe thấy, cùng một loạt chạy vụt ra cửa nhanh như tên bắn. Im lặng một lúc rồi chúng cùng kêu:

“Mợ ơi mợ! Cậu ơi! Mợ ơi mợ vào mau. Cậu ơi!”

Chúng tôi lại đập cửa thình thình để làm chúng sợ hơn; sau nghe có tiếng người kéo then cổng chúng tôi thấy là nên chuồn ngay. Tôi cầm tay Liên, kéo đi, bỗng nhiên Liên ngã xuống đất. Liên thầm thì bảo tôi:

‘Anh Hy, anh trốn đi, trốn đi ngay! Em đã bị con chó chúng nó thả ra...’

Con chó quỷ đã ngoạm vào mắt cá chân Liên, vú ạ. Liên không kêu một tiếng nào, nó cho kêu là xấu hổ; cho dẫu là bị một con bò điên húc thủng bụng, nó cũng chẳng kêu. Nhưng tôi, tôi kêu rầm lên, tôi nguyền rủa độc địa để diệt trừ mọi yêu quái ở trên đời. Vớ lấy một hòn đá, tôi tọng vào giữa hàm răng con chó rồi ráng lấy hết sức ấn hòn đá vào trong cổ họng nó. Sau cùng một thằng đầy tớ chạy ra tay cầm một cái đèn lồng bảo con chó cứ “ngoạm chắc lấy”, nhưng khi thấy chó mình cắn một cô bé gái, hắn đổi giọng và bảo chó nhả ra. Hắn đỡ Liên dậy, Liên tỏ vẻ khó chịu, không phải vì sợ - tôi chắc thế - mà vì đau. Hắn mang Liên vào trong nhà. Ông Tôn đứng ở cửa, hỏi:

‘Con chó bắt được cái gì?’

‘Thưa cậu nó bắt được một con bé.’

Người đầy tớ trả lời như vậy rồi giơ quả đấm vào mặt tôi, nói tiếp:

‘Còn thằng này có vẻ là một tên dẫn đường. Chắc là bọn cướp định cho hai đứa này trèo qua cửa sổ rồi mở cửa cho bọn cướp vào giết sạch cả nhà. Ông Tôn, xin ông đừng rời cây súng ra.’

Ông Tôn nói:

‘Bọn bợm này biết hôm nay là ngày thu tiền nhà, chúng định làm một mẻ.’

Rồi quay lại phía bà Tôn:

‘Này mình xem. Đừng sợ, nó chỉ là một đứa bé nhưng trông gian ra mặt.’

Ông Tôn đẩy tôi ra đứng dưới ánh sáng đèn sáng treo trên trần. Bà Tôn lấy kính đeo rồi giơ hai tay lên tỏ vẻ ghê tởm. Hai đứa trẻ rút rát cũng mon men lại gần. Con Sa nói:

“Người gì mà ghê thế này. Nhốt nó xuống hầm rượu, cậu ạ. Nó giống hệt đứa con trai mụ thầy bói nó ăn cắp con chim da-da nuôi của con.”

Trong lúc họ ngắm xét tôi thì Liên vào; nghe thấy mấy câu nói sau cùng nó bật lên cười. Thằng Kha sau khi nhìn Liên soi mói, nhận ra ngay, và nói tiếng rất nhỏ với bà Tôn:

‘Liên đấy, mợ ạ. Yên Liên ấy mà. Mợ xem con vện nó cắn... chân ra bao nhiêu là máu.’

Bà Tôn cất tiếng nói to:

‘Yên Liên à? Con Liên đi cầu bơ cầu bất với một thằng vô loại. Sao lạ lùng thế? Ừ mà thật, nó ăn mặc tang phục, đích Liên rồi... khổ con bé có thể què suốt đời.’

Ông Tôn quay về phía Liên, kêu lên:

‘Cậu Hạnh không săn sóc gì đến em gái cả. Tôi thấy ông mục sư nói cậu Hạnh để em gái sao lãng cả việc đi nhà thờ. Thế còn thằng bé kia, ở đâu ra? à, à, thôi đích thị là thằng con nuôi mà ông Yên đã nhặt được hồi ông đi Li-vơ-pun...một thằng nhãi Ấn Độ, một đứa ở Y-pha-nho hay ở Mỹ lạc loài đến.’

Bà Tôn điểm thêm:

‘Dầu sao cũng là một đứa bé hung tợn, không đáng được ở trong một gia đình lương thiện. Ông có để ý đến cách nó ăn nói không? Thế mà mình để các con mình nghe nó nói, có chết người không?’

Tôi lại bắt đầu văng tục, vú ạ. Vú đừng giận nhé! Lũ đầy tớ được lệnh tống cổ tôi ra ngoài. Tôi kháng cự, không chịu đi một mình để Liên ở lại đó. Lão kéo tôi ra vườn, bảo tôi cầm cây đèn lồng, ra lệnh bảo tôi đi, rồi đóng cửa lại. Nhưng màn treo vẫn còn hé mở, tôi đứng nhìn vào; nếu Liên muốn về mà bọn họ không cho về thì tôi sẽ đập tan cửa kính ra làm trăm nghìn mảnh. Liên ngồi im ở ghế nệm dài. Bà Tôn lắc đầu vừa nói những câu mà tôi đoán chắc là những câu nửa khuyên nửa cự gì đó. Liên là con gái nhà gia thế cho nên bọn họ đối đãi với Liên khác hẳn với tôi. Người hầu gái đem vào một thau nước nóng và rửa chân cho Liên. Ông Tôn đi pha một cốc rượu chát, trộn nước chanh đường. Con Sa trút cả một đĩa bánh vào lòng Liên, trong khi đó, thằng Kha tự xa nhìn Liên miệng há hốc, rồi họ hong và trải mớ tóc đẹp của Liên, xỏ vào chân Liên một đôi giầy “păng-túp” và đẩy ghế lại gần lò sưởi.

Lúc tôi bỏ đi thì Liên vui vẻ hết sức, nó chia bánh cho chó ăn và véo cả mũi con vện đã cắn nó. Liên đã làm cho những con mắt xanh mờ xạm của người nhà họ Tôn long lanh sáng lên một tia sống, và ánh vẻ đẹp thần tiên của Liên đã phản chiếu sang nét mặt họ một phần nào. Tôi thấy bọn họ ngắm Liên ngây dại vì cảm phục. Liên ở một bực trên họ cao lắm... cao xa hơn bất kỳ ai trên trái đất này... có đúng thế không, vú?”

Tôi vừa dọn giường cho Hy ngủ vừa trả lời:

“Việc này còn lôi thôi chán, không như cậu tưởng đâu, cậu thật là bất trị. Rồi cậu Hạnh bắt buộc phải dùng những phương pháp cực đoan để trừng tri cậu.”

Quả nhiên việc này làm cho Hạnh cáu dữ. Hôm sau ông Tôn thân hành đến thăm chúng tôi; ông lên lớp cho cậu chủ chúng tôi một bài về việc quản trị gia đình, khiến Hạnh quyết định sẽ săn sóc cẩn thận mọi việc trong nhà.

Hy không bị đòn nữa, nhưng bị cảnh cáo hễ nói với Liên một tiếng là bị đuổi liền. Một mặt thì Lan (nhũ danh của vợ Hạnh) phải kềm chế cô em chồng khi cô này về nhà. Cô vợ Hạnh sẽ dùng khéo léo chứ không dùng sức mạnh, dùng sức mạnh thì không bao giờ có kết quả gì.

Chú thích:

[1]Catherine Earnshaw (ỏ Anh nếu lấy chồng thì tên con gái vẫn giữ nhưng tên họ mình đổi ra họ nhà chồng. Liên là tên người con gái này, Tôn Liên là tên khi đã lấy chồng nhà họ Tôn. Còn Hy Liên chỉ là tên hai người ghép lại)
[2]Hindley Earnshaw
[3]Frances
[4]Hồi đó người ta đã phát minh ra điện
[5]Dean
[6]Tức là con gái của Yên Liên, Tôn Liên, người đã hiện ra trong giấc mơ của ông Lộc. Ở bên Anh mẹ con trùng tên họ nhau là chuyện thường.
[7]Xem “bản truyền hệ” ở đầu quyển truyện này.
[8]Liverpool, một bến đò lớn ở Anh.
[9]Gimmerton
[10]Isabelle Linton
[11]Edgar Linton
(còn tiếp)