Hai Thiêng Liêng

Tác giả :Nguyễn Vỹ




"TÌNH-YÊU VÀ TỔ-QUỐC: HAI THIÊNG-LIÊNG"

TỰA CỦA TÁC GIẢ


Bộ Truyện "hai THIÊNG-LIÊNG" này đã đăng trong Nhựt báo Dân-Ta từ tháng 5 đến tháng 11 năm 1953, tuy bị Kiểm duyệt thời ấy bỏ rất nhiều, nhưng vẫn được bạn đọc thân mến của Dân-Ta hoan nghênh nhiệt liệt, và yêu cầu in thành sách. Nhưng Chính phủ Quốc gia Việt-Nam hồi bấy giờ không cho phép bộ truyền này được xuất bản thành sách, với lý do: sợ mích lòng nước Pháp! Bởi cốt truyện này xảy ra dưới thời Pháp thuộc, các nhân vật trong truyện đều là những nam nữ thanh niên, chiến sĩ Quốc gia, hoạt động cách mạng chống đô hộ Pháp, và thu hồi Độc lập Nước nhà.

Nay Chính phủ Cộng hòa Việt-nam đã thực hiện Độc lập hoàn toàn rồi, bộ Truyện "hai THIÊNG-LIÊNG" mới được may mắn in thành sách để trình diện với bạn đọc thân yêu, và đúng theo nguyện vọng của tác giả, không bị kiểm duyệt như hồi đăng trong báo Dân-Ta.

Đây là một bộ tiểu thuyết và lại là một tiểu thuyết ái tình và trinh thám, xây dựng trên các cuộc hoạt động bí mật của một nhóm Nam nữ Sinh viên Trung học và Cao đẳng Hà-Nội đã sống cuộc đời đầy phiêu lưu mạo hiểm, rất éo le, sôi nổi, vô cùng rạo rực say mê, để phụng sự một Lý Tưởng Quốc gia duy nhất:

Tổ-Quốc Độc-lập và Dân-Tộc Tự-do!

Nhiều bạn sau khi đọc hết bộ truyện, thế nào cũng sẽ hỏi: "Truyện này rất ly kỳ hấp dẫn, nhưng có thật không nhỉ?"

Tôi xin trả lời trước rằng: có và không.

Có, vì một số nhân vật trong truyện này đã có sống thật với truyện này. Không, vì chính bộ truyện này là một tiểu thuyết: tác giả viết nó với tưởng tượng nhiều hơn là thực tế. Nhưng mà là một tiểu thuyết sống, cho nên các nhân vật trong truyện luôn luôn biến hóa từ tưởng tượng qua thực tế rồi từ thực tế trở vào trong tưởng tượng.

Bạn đọc tinh ý sẽ thấy đâu là thực và đâu là mộng vậy.

N. V.



CHƯƠNG I

- TẠI sao anh bĩu môi cười? Anh hèn lắm, anh Bá!

- Vâng, có lẽ anh hèn thật...

- Em không ngờ anh còn thốt ra câu ấy! Anh là thanh niên một nước Việt-Nam vong quốc. Bác anh là một vị Nho-học có danh tiếng trong tỉnh chỉ vì làm cách mệnh mà bị 15 năm đày ra Côn-Lôn. Thầy anh đang làm quan, chỉ vì tát tai một người Pháp kiêu căng vô lễ, mà bị tù bị tội. Cái hận của Tổ quốc và của gia đình anh, anh không làm sao rửa được trong lúc thiếu thời, nhưng ngày nay anh đã hai mươi mấy tuổi rồi, anh học giỏi, có tiếng trong đám bạn bè là một trang thanh niên tuấn tú, thế mà anh chỉ ngồi điềm nhiên cười trong lúc thành phố Hà-Nội đang sôi nổi phong trào khởi nghĩa!

- Sao hôm nay em nói những chuyện đó với anh nhỉ? Em chỉ nghe những lời đồn đãi vu vơ, và những giọng tuyên truyền nguy hiểm!

- Anh điếc rồi sao? Tiếng súng sáu nổ ở Chợ-Hôm đêm 30 Tết vừa rồi, anh cho là tiếng pháo mừng xuân đó hẳn?

- Chỉ là một vụ ám sát vì tình, có gì lạ đâu!

- Anh Bá! Anh đừng mê ngủ nữa chứ! Và anh đừng tưởng ở trên giải đất Việt-Nam này ai cũng mê ngủ như anh! Hãy nghe em đây, anh ạ. Nước nhà đang nguy khốn. Dân chúng bị lầm than, Việt-Nam Quốc-dân đảng đã mở đầu cuộc tranh đấu để phục hồi độc lập cho Tổ quốc! Tiếng súng sáu hạ sát tên thực dân Bazin hôm 30 Tết vừa rồi chính là tiếng báo hiệu cho toàn dân nổi dậy! Những hạng thanh niên như chúng ta phải có bổn phận góp một phần xương máu với đồng bào!

Trần-Bá lật đật đưa tay lên bịt miệng người yêu. Chàng khẽ bảo:

- Đừng nói tầm bậy mà bị tù tội đấy, em ạ!

Lệ-Chi đưa tay hất mạnh bàn tay chàng ra:

- Anh không có một chút can đảm nào hết sao, anh Bá? Anh quá sợ sệt mà không còn biết nhục nữa sao? Anh quên rằng bác anh đã bị đày, thầy anh đã bị xiềng xích trong lao?

- Thời kỳ rối loạn ấy đã qua lâu rồi, em ạ. Bác anh đã chết, thầy anh đã chết, nhưng hai cái chết ấy đã có ích gì cho xứ sở đâu nào?

- Anh là người con hai lần bất hiếu! Anh mải vui sống trong nô lệ. Và những trang sử vẻ vang của Việt-Nam, những trang sử còn đẫm máu của các bậc anh hùng, không thấm vào trong tâm hồn anh được tí nào hay sao?

Trần-Bá cười:

- Hôm nay anh không ngờ em Lệ-Chi kiều mộng của anh lại muốn vỗ ngực cho mình là bà Trưng, bà Triệu! Thật tình, anh thương hại em! Nhưng anh khuyên em hãy coi chừng, kẻo không làm được gì mà con bị tù oan uổng! Anh chỉ biết một điều: là anh yêu em. Hạnh phúc trong đời anh là ở trong tình yêu ấy. Hôm nay anh sợ em loạn óc mất rồi, Lệ-Chi ạ!

Nói xong, chàng cười sặc sụa. Lệ-Chi giận đỏ mặt:

- Anh không có lý tưởng gì cả?

- Lý tưởng? Sao em biết anh không có? Lý tưởng của anh là học đỗ trường Cao đẳng để sau ra làm quan. Lý tưởng của anh là xe hơi, nhà lầu. Lý tưởng của anh là giàu sang phú quý. Lý tưởng của anh là hưởng cho hoàn toàn hạnh phúc của tuổi trẻ, là chơi, là hát, là nhảy đầm, là ăn mặc bảnh bao, là say sưa hoan hỷ với ái tình, với mơ mộng, với tất cả những lạc thú của tài hoa son trẻ...! Đó, lý tưởng của anh! Và cũng là lý tưởng chung cho bọn trai trẻ chúng ta, thanh niên và thiếu nữ, của đời văn minh tân tiến.

- Anh vui chơi thỏa thích trong lúc nước mất nhà tan, dân chúng lầm thân nô lệ ư?

Trần-Bá cười ha hả:

- Nô lệ ở đâu nào? Anh vẫn tự do ăn chơi sung sướng cơ mà! Nước mất nhà tan ở đâu? Nước vẫn còn đây, nhà vẫn còn đây. Ai cướp đi đâu mà mất? Lệ-Chi à, chúng ta yêu nhau, chỉ nên biết yêu nhau. Em đừng có những ý nghĩ đen tối, điên cuồng, rối loạn. Đối với một bạn trẻ, chỉ có Tình yêu và cuộc đời vui sống là đáng phụng sự mà thôi.

Lệ-Chi đứng phăng ngay dậy, ngó chàng với cặp mắt đầy khinh bỉ:

- Tôi cho anh biết, anh Trần-Bá à, anh không xứng đáng được tôi yêu nữa đâu! Hơn sáu tháng nay yêu anh, tôi tưởng tôi yêu một bạn trẻ có chí hướng cao cả, có tâm hồn tranh đấu nhiệt thành, nhưng hôm nay, tôi mới thấy rằng tôi lầm! Tôi rất hối hận đã tin tưởng nơi một thanh niên rất tầm thường, tầm thường cho đến đỗi gần như đê tiện! Tôi cũng rất tiếc đã nói chuyện với anh từ nãy đến giờ, không ích gì hết! Thôi, tôi đi về! Chào anh và chào vĩnh biệt!

Lệ-Chi quắc mắt nhìn Trần-Bá một lần chót rồi ngoay ngoảy bỏ đi. Đi ba bước, nàng quay lai, đứng ngoài cửa nói vào:

- Từ nay anh đừng tìm gặp tôi, và cũng đừng viết thơ cho tôi nữa. Giữa anh và tôi, thế là hết. Hết cả! Hết cả!

Trần-Bá nhìn thẳng vào mặt người bạn gái:

- Lệ-Chi, anh không ngờ hôm nay, bỗng nhiên em thay đổi hẳn thái độ. Hôm nay em có cử chỉ và ngôn ngữ rất lạ lùng!

Thiếu nữ nhếch môi cười chua chát:

- Từ nãy giờ, tôi nói chuyện với anh đã quá 3 tiếng đồng hồ. Đến giờ phút này tôi mới hiểu rõ anh: anh chỉ là một kẻ thanh niên vô giá trị. Có lẽ anh đã tưởng lầm Lệ-Chi: đứa thiếu nữ hèn hạ này không phải hạng gái lãng mạn, phiêu lưu mơ mộng đâu anh ạ! Mấy lâu nay tôi yêu anh, vì tôi đã tưởng lầm rằng tôi có thể lấy ái tình chân chính để giác ngộ anh. Nhưng lần này gặp anh, tôi hoàn toàn thất vọng!

Trần-Bá đứng dậy. Chàng bước ra cửa, mỉm cười rất thản nhiên:

- Thôi, chào Lệ-Chi! Mong rằng chúng ta sẽ chưa hoàn toàn đoạn tuyệt.

Thiếu nữ bĩu môi:

- Đối với tôi, từ nay ái tình đã chết! Đã chết hẳn! Chào anh lần cuối cùng!

Lệ-Chi bước lẹ xuống cầu thang, không ngoảnh mặt lại nữa. Trần-Bá đứng trên cửa nhìn theo dáng điệu thướt tha của người bạn gái. Nàng thật là người yêu của Bá, người yêu đầu tiên từ khi chàng thành thật biết yêu. Nói về nhan sắc, thì trong đám nữ học sinh ở Huế và Trung kỳ ra học tại Hà-Nội dạo ấy, không có cô nào đẹp bằng Lệ-Chi. Nàng là Ngôi sao của kinh đô. Hai mươi tuổi là tuổi nẩy nở đầy đặn của xuân tình, Lệ-Chi mảnh khảnh, dịu dàng, uyển chuyển. Trần-Bá thật yêu nàng từ 6 tháng nay, tuy trước vẫn là bạn học thân nhau ở Huế. Ra Hà-Nội chàng thi đậu tú tài, vào trường Cao đẳng Sư phạm, gặp Lệ-Chi một chiều chủ nhật rồi trò chuyện vui vẻ, thân mật, và hẹn hò gặp gỡ nhiều lần. Dần dần tình bạn mến thương trở nên tình yêu tha thiết.

Nhưng Trần-Bá quả không ngờ hôm nay Lệ-Chi tỏ ra thái độ đột ngột như thế. Chàng biết Lệ-Chi là con gái của một ông Phó mật thám người Việt nhập tịch vào dân Tây, ở một tỉnh Trung kỳ. Thái độ của nàng khiến Trần-Bá ngạc nhiên vô cùng, là vì lần đầu tiên hôm nay, chàng nghe từ miệng nàng thốt ra những câu nói mạnh bạo, hùng hồn, cương quyết, đó là những ý tưởng mà trong thời kỳ đô hộ Pháp chỉ những thanh niên cách mệnh mới có mà thôi. Lệ-Chi, cô gái diễm kiều mơ mộng của ông Phó mật thám Q.N. có phải là một thiếu nữ cách mệnh không? Thật không bao giờ Trần-Bá tin như thế được!

Nhưng, nhớ lại tất cả những lời lẽ của nàng vừa nói, Trần-Bá mỉm cười. Hôm nay, có lẽ chàng tự cảm thấy vui sướng hơn tất cả hôm nào hết. Chàng vui sướng hơn những lúc Nàng đã đến, những ngày chủ nhật trước kia, ngả đầu vào ngực chàng ngửa mắt nhìn âu yếm lên mặt chàng, và mỉm cười say đắm khi chàng khẽ gọi: "Em yêu!".

° ° °

Lệ-Chi ra đi một lúc lâu thì Trần-Bá đóng kín các cửa sổ rồi trở lại đóng cửa lớn. Chàng đã khóa chặt hai vòng, còn xem lại một lần nữa cho chắc chắn là đã khóa kỹ rồi.

Chàng đến ngồi nơi bàn giấy, móc túi áo lấy ra một chìa khóa mở ngăn kéo, trong đó có một chồng sách vỡ của nhà trường. Chàng rút quyển sách thứ ba, dở ra lấy một mảnh giấy trắng bỏ vào túi áo.

Mảnh giấy trắng này lúc nãy, nửa giờ trước khi Lệ-Chi đến, đã có một người đến trao tận tay chàng, rồi ra đi, không nói gì hết. Lập tức chàng đóng kín cửa, lại mở ngăn kéo, bỏ mảnh giấy vào quyển sách thứ ba, rồi đóng ngăn kéo lại cẩn thận. Chàng đến nơi góc phòng có cái lò sưởi. Chàng ngồi xuống, hốt một nắm than trong cái mẹt để bên, bỏ vào lò. Chàng đánh diêm đốt lửa và quạt cho than hung đỏ. Nhưng chàng nghe tiếng gõ cửa, vội vàng đứng dậy hỏi:

- Ai?

- Em.

Chàng ra mở cửa, cười đón Lệ-Chi.

Bây giờ Lệ-Chi đã ra về. Lò than đã tắt hết. Chàng đánh diêm đun lại, một lúc than hừng đỏ. Trần-Bá rút trong túi lấy mảnh giấy trắng ra. Mảnh giấy trắng tinh, không có một chữ, không một dấu vết, nhưng chàng cầm hơ lại trên lò than vài lần, tự nhiên tờ giấy sém vàng, và hiện ra mấy hàng con số sau đây:

6 4 7 3 8 8 4 8 5 7: 12-2-8. 7 4 2 0 7 0 0 3 0 4 7 0 6 4 5 5 7 6 80 5 374636. 80 5 3 654. 25.

Trần-Bá trở lại ngồi bàn. Chàng cầm mảnh giấy coi đi coi lại hai ba lần, bỗng chàng cau mày, sầm nét mặt xuống. Chàng suy nghĩ một lúc, châm điếu thuốt hút, rồi đứng dậy thay áo quần cầm mũ ra đi.

Chàng đến một nhà lầu ở đường Bichot. Bước vào cửa, chàng cúi đầu chào một bà cụ già đang ngồi ung dung ăn trầu trên bục gỗ:

- Lạy cụ ạ.

- Tôi không dám. Rước cậu ngồi chơi. Em nó vừa mới đi chơi đâu đó. chắc cũng sắp về.

- Thưa cụ, chốc nữa anh Huy cháu về, nhờ cụ nói lại với anh ấy rằng đúng 4 giờ chiều mai sẽ làm lễ rước dâu đấy ạ.

Bà cụ cười:

- Thế à cậu? Cô dâu có đẹp không?

- Thưa Cụ, không được đẹp lắm ạ.

Chàng mỉm cười, cúi đầu chào bà cụ, ra về.

Giả sử lúc ấy có người lạ nào nghe câu chuyện, chắc họ cũng tưởng rằng 4 giờ chiều mai có một đám cưới nào đó.

Gần 4 giờ chiều mai, trên từng lầu khá rộng của nhà bà Cụ, 5 người đang ngồi im lặng hai bên một chiếc bàn dài. Đầu bàn, sát vào vách, có một bàn thờ Phật, kê hơi cao.

Ngay trước áng thờ, trên bàn, có đặt một đỉnh trầm đang nghi ngút khói hương bay. Hai cửa sổ ngó ra ngoài đường đều đóng kín. Năm người, tuổi từ 20 đến 24, đều vào hạng trí thức, âu phục rất sơ sài. Một người có bộ mặt hốc hác gầy, nhưng vòm trán cao, đôi mắt sáng, lo pha trà mời các bạn. Đó là anh Huy, con trai bà cụ. Mấy người kia, người thì xem báo, người thì xem sách, nhưng tất cả đều im lặng. Huy nói thầm với người ngồi cạnh, sau khi ngó lên đồng hồ:

- Anh ấy sắp đến.

Hai phút sau vừa đúng 4 giờ, một người hơi lùn và mập, từ dưới cầu thang nhẹ nhàng bước lên. Nét mặt chàng buồn rầu, nghiêm nghị. Người ấy chính là Trần-Bá.

Bá bắt tay thân mật mọi người, rồi ngồi xuống chiếc ghế trống đặt đối diện với bàn Phật. Huy ngồi trong cùng, đưa tay ấn mạnh nơi chân bàn thờ. Dưới ngón tay chàng một miếng gỗ vuông thụt vào, hình như phía trong có một lò xo, và bỗng nhiên, từ trên buông xuống, che kín hết tượng Phật, một lá cờ vàng bằng lụa, trên cờ nổi bật hai chữ: "TỔ-QUỐC", thêu bằng tơ đỏ.

Cả 6 người đều đứng dậy một loạt, mắt chăm chú nhìn lên lá Đảng kỳ mà gió nhẹ phất phơ sau làn khói của đỉnh trầm thơm bát ngát. Một phút chào cờ im lặng rồi Trần-Bá bảo:

- Mời anh em ngồi.

Chàng thong thả móc trong túi áo lấy ra mảnh giấy mà chàng đã hơ trên lò sưởi tại nhà chàng hôm qua, và trên đó đã hiện ra hai giòng chữ số:

- Thưa các đồng chí, tôi có tin buồn xin báo cáo: nữ đồng chí Liên B ở tỉnh bộ Q. N. vừa bị bắt 8 giờ chiều ngày 12 tháng 2. Nhiều tài liệu quan trọng của Đảng đã bị tịch thu.

Chàng đưa mảnh giấy cho mọi người chuyền nhau xem. Năm phút sau, chàng bảo:

- Yêu cầu anh bí thư thủ tiêu tờ giấy. Và chúng ta nên thảo luận gấp phương pháp đối phó.

Người thứ hai nói:

- Tôi nghe tin hình như nữ đồng chí Liên B đã cổ động rất đắc lực trong đồn lính khố xanh tại Q. N. Xin anh chủ tịch cho biết anh có nhận được phúc trình của tỉnh bộ Q. N. về công tác ấy không?

Trần-Bá gật đầu:

- Có. Nhưng bản phúc trình chỉ nói sơ sài thôi, vì công tác này đang còn giữ bí mật.

Người thứ hai:

- Vậy tôi xin đề nghị phái một đồng chí vào Q. N. để điều tra rõ ràng.

Người thứ ba:

- Tôi xin tán thành đề nghị của anh Lê Huy.

Người thứ tư:

- Có tin cho biết nữ đồng chí Liên B có trai gái với một viên đội trong đồn lính. Tin ấy có đúng không?

Trần-Bá:

- Đúng.

Người thứ tư:

- Vụ bắt bớ này có ảnh hưởng tối quan trong. Sự phái một ủy viên đặc biệt vào Q. N. để tra cứu rất là khẩn cấp.

Trần-Bá:

- Chiều mai, sẽ có một đồng chí đáp xe lửa tốc hành vào Q. N.

Im một lúc, Trần-Bá hỏi:

- Các đồng chí, còn ai có gì nói nữa không?

Mọi người đều làm thinh. Trần-Bá tiếp:

- Tôi xin cám ơn các đồng chí đã đến dự phiên nhóm đặc biệt hôm nay, và đã góp ý kiến về vụ nữ đồng chí Liên B bị nhà chức trách bắt. Tôi mong rằng kỳ nhóm hằng tháng sắp đến, chúng ta sẽ có tài liệu đầy đủ về vụ này để liệu phương đối phó. Bây giờ xin giải tán buổi nhóm đặc biệt hôm nay.

Mọi người đều đứng dậy, mắt nhìn lên Bàn Thờ Tổ Quốc. Lê Huy đưa tay ấn mạnh vào miếng gỗ vuông, lá đảng kỳ từ từ rút lên. Trần-Bá nghiêm nghị, khẽ hô lên ba tiếng:

- Q. D. Đ!

Năm người kia đồng thanh hô tiếp:

- Vạn tuế!

- Việt-Nam!

- Vạn tuế!

Lá đảng kỳ đã thu kín, còn lại tượng Phật từ bi trên bàn thờ.