.

Võ sư Koichi Tohei
Bậc thày về Khí





Võ sư Koichi Tohei - Bậc Thày về Khí

VÕ TOKYO – TẠI BUỔI LỄ KAGAMI BIRAKI HÀNG NĂM, TỔ CHỨC VÀO NGÀY 15 THÁNG GIÊNG NĂM 1969, HUẤN LUYỆN VIÊN TRƯỞNG KOICHI TOHEI ĐƯỢC TỔ SƯ HIỆP KHÍ ĐẠO UYESHIBA THĂNG LÊN 10 ĐẲNG. ĐÂY LÀ LẦN ĐẦU TIÊN ĐẲNG CAO NHẤT NÀY ĐƯỢC CẤP PHÁT, VÀ LÀ MỘT VINH DỰ LỚN ĐỐI VỚI VÕ SƯ TOHEI. ĐỆ THẬP ĐẲNG LÀ ĐẲNG TỘT CÙNG TRONG MÔN "HIỆP KHÍ ĐẠO”.

Đây là bản tin được đánh đi từ Tokyo, thủ đô Nhật Bản và được báo chí toàn thế giới đăng tải.

Ba tháng sau, ngày 26.4.1969, tổ sư Morihei Uyeshiba đi vào cõi vô cùng, để lại một sự nghiệp võ học vĩ đại và niềm thương tiếc vô hạn trong lòng nhân loại.

Từ đó, võ sư Tohei nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo môn phái.

Võ sư Tohei sinh năm 1921 tại Tokyo.

Hồi nhỏ sức khỏe của cậu bé Tohei rất kém, liên miên đau ốm bệnh tật. Năm lên 9 tuổi, cậu bắt đầu học Judo. Sau một lần bị bạn đồng môn quật ngã, cậu thấy đau nhói bên hông trái. Nằm nhà thương được hai tháng, các bác sĩ chẩn đoán rằng cậu bị sưng màng phổi! Tohei bị cấm chỉ mọi hoạt động thể xác, thậm chí còn cấm cậu nói lớn tiếng! Bác sĩ Matano quả quyết:

“Thân thể cậu như một ấm trà bị nứt, một chấn động nữa là tiêu đời!”.

Trong suốt năm sau, Tohei nằm ở nhà đọc sách Thiền. Một ngày nọ, có người mang đến cho cậu cuốn tiểu sử của kiếm sư nổi tiếng Yamaoka Tesshu. Cuốn sách ghi chú rằng ở Tokyo có một võ đường do các môn sinh của Tesshu giảng dạy.

Ngay hôm sau, Tohei lén cha mẹ đến đó. Vì Tohei bị sưng màng phổi, thày Hino bảo Tohei tọa Thiền (Zazen). Sau sáu tháng ngồi Thiền, Tohei thấy đỡ hơn nhiều. Lúc đó cậu được 16 tuổi, và được phép tập misogi. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi trên 2 gót chân (seiza), các môn sinh ngâm nga 8 vần này: “TO-HO-KA-MI-E-MI-TA-ME”. Các môn sinh cũ đánh vào lưng người mới nhập môn để kích thích họ. Nghi thức này lâp lại 8 ngày mỗi ngày. Dù thấy trong người như muốn chết đi được, Tohei vẫn cố theo đuổi cách tập này trong 3 ngày liền.

Dần dần cơn đau nơi sườn trái biến mất. Một năm sau, chụp hình phổi lại, Tohei đã hoàn toàn lành bệnh.

Biết Tohei không muốn tập Judo nữa, một huấn luyện viên Judo, thầy Mori, viết thư giới thiệu Tohei với Tổ sư Hiệp Khí Đạo Morihei Uyeshiba.

Sau đây là lời Tohei kể lại cuộc diện kiến đầu tiên với Tổ sư:

“Một võ sinh tên là Matsumoto tiếp tôi, nói rằng Tổ sư đi vắng. Tôi hỏi anh ta Aikido là môn võ như thế nào. Anh ta bảo tôi đưa một tay ra. Anh ta dùng một đòn bẻ bàn tay trái tôi đau điếng, nhưng tôi cứ tiếp tục nhìn thẳng vào mặt anh ta. Tôi bắt chước câu chuyện của một samurai một hôm đánh nhau với cọp, ông ta để cho cọp ngoạm một tay mình, một tay rút đoản kiếm ra giết cọp. Tôi đưa cho Matsumoto bàn tay trái của tôi để giữ cho bàn tay phải được tự do, sẵn sàng tung đòn. Thấy vậy anh ta ngừng ngay. Tôi thất vọng quá: nhìn trò thì biết thầy! Tôi sắp bỏ đi thì Tổ sư Uyeshiba bước vào. Tôi trình Tổ sư bức thư giới thiệu. Tổ sư làm một cuộc biểu diễn với một người học trò của ông. Rồi ông bảo tôi tấn công. Tôi cố tình chụp bắt ông, nhưng tôi thấy mình nằm sòng soài ra đất mà không hiểu mình bị quật ngã bằng cách nào. Tôi không thấy một chút sức lực nào tác động đến cơ thể mình. Tôi biết ngay rằng đây là môn mình thích. Tôi may mắn được ông nhận làm học trò. Sáng hôm sau, tôi nhập môn ngay, và từ đó tôi không bỏ sót một buổi tập nào”.

Năm 1942, chiến tranh Hoa-Nhật bùng nổ. Tohei lúc ấy 21 tuổi, ông bị tổng động viên tham gia quân ngũ. Kinh nghiệm chiến trường giúp Tohei khám phá ra 1 trong 4 nguyên lí căn bản sau này phát triển ra để dạy học trò.

THẦY CỦA CÁC VÕ SĨ ĐÔ VẬT

Sau khi tham gia chiến tranh trở về, Tohei được Tổ sư Uyeshiba phong 6 đẳng Hiệp Khí Đạo. Sau đó ít lâu, Tohei theo học với thầy Tempu Nakamura – ông dạy về phương pháp Hợp Nhất Tinh Thần và Thể Xác. Thật là một sự khai ngộ vĩ đại. Koichi Tohei liền nhận ra rằng sự hợp nhất tinh thần và thể xác cũng chính là nền tảng của môn Hiệp Khí Đạo.

Tháng hai năm.1953, võ sư Tohei đi Hawai lần đầu tiên để giới thiệu môn Hiệp Khí Đạo. Năm ấy ông 32 tuổi. Thấy ông nhỏ con (1m65) dân Hawai không lấy gì làm kính nể.

Để chứng tỏ bản lĩnh của mình, ông cho 5 võ sĩ Judo (tất cả đều bốn hoặc năm đẳng) tấn công ông một lượt. Một hôm người giới thiệu chương trình treo giải 500 đô la cho người nào bẻ gập được cánh tay của Tohei. Không ai giật giải. Đó là phương pháp và võ sư Tohei gọi là “phóng khí”.

Trong số môn sinh người Hawai của ông có một võ sĩ Sumo tên là Larry Mehau vài năm sau danh tiếng võ sĩ này nổi như cồn. Khi đi đấu ở Nhật, trước sự kinh ngạc của quần chúng, Larry đã hạ đương kim vô địch Kashiwado. Sửng sốt, Kashiwado hỏi Larry học ai mà giỏi vậy. Larry trả lời:

“Học ông Tohei, võ sư Hiệp Khí Đạo”.

Dân chúng Hawai cũng biết chuyện võ sư Tohei dạy võ cho Larry. Ở Hawai còn một võ sĩ đô vật Sumo danh tiếng khác, đó là Jessi Kuhaulua, một khuôn mặt quen thuộc trong giới Sumo Nhật Bản, thường lên đài với cái tên Takamiyama. Danh tiếng Takamiyama vang dội đến quê nhà (Hawai): mỗi lần anh xuất hiện trên truyền hình là mọi người bỏ ngang công việc để dán mắt vào màn ảnh. Ban đầu, giới chủ nhân than phiền là công việc bị đình trệ, nhưng sau đó họ đành phải cho phép: khi có Takamiyama trên màn ảnh, công nhân được nghỉ việc để xem! Nhưng tiếc thay, chàng khổng lồ Takamiyama vẫn chưa đạt được danh hiệu cao nhất: Đại Vô Địch. Dân Hawai đã gửi hàng đống thư từ gửi đến võ sư Tohei năn nỉ ông dạy Takamiyama Hiệp Khí Đạo, dạy gấp lên!

Thế rồi,tại một võ đường Hiệp Khí Đạo ở Tokyo, Takamiyama bước vào, cùi chào trước bàn thờ Tổ. Chàng khổng lồ Takamiyama cao 1m93 nặng 158kg lấy hết sức bình sinh đẩy vị võ sư 10 đẳng bé tí xíu. Mặt anh đỏ bừng, anh đẩy một cách tuyệt vọng, nhưng võ sư Tohei vẫn đứng vững như núi Thái Sơn.

Võ sư Tohei mỉm cười, bắt đầu truyền dạy…

KHÍ LÀ GÌ?

Trong vòng 22 năm sau đó, võ sư Tohei sang Mỹ 17 lần, truyền bá Hiệp Khí Đạo tại hơn 20 tiểu bang.

Cứ mỗi giờ tập, ông dạy 10 phút phóng khí (kị) và 50 phút Hiệp Khí Đạo.

Ông đề nghị liên đoàn Aikikai ở Tokyo mở những lớp luyện khí. Đề nghị của ông bị bác bỏ, nhưng người ta cho phép ông dạy luyện khí ở ngoài hệ thống Aikikai. Tháng 9 năm 1971, ông lập Hội Luyện Khí (Ki Society). Ngay lập tức, Aikikai lo ngại về sự thành công của ông. Tháng 3 năm 1974, người ta cấm ông truyền bá tại tất cả các võ đường ở Mỹ, và yêu cầu các huấn luyện viên gỡ hình của ông xuống, không được treo tại bất kì võ đường nào.

Ngày 30 tháng 4, sau cuộc hội kiến cuối cùng với võ sư Kisshomaru Uyeshiba (con trai của Tổ sư Morihei Uyeshiba), võ sư Morihei rời khỏi liên đoàn sau 30 năm tận tâm phục vụ. Ngày 1 tháng 5, ông sáng lập hệ phái “ Sin Sin Toitsu Aikido”, môn Hiệp Khí Đạo dựa trên các nguyên lí Hợp Nhất Tinh Thần và Thể Xác. Ngày nay, hệ phái của ông có hơn 50 võ đường ở Nhật và 80 võ đường khác trên thế giới.

Ông viết:

“Con người, cũng như mọi sinh vật hay đồ vật khác,sinh ra từ cái gần như hư không, từ một chất không thể phân chia, vũ trụ từ chất ấy mà được tạo thành. Đó là khí. Cái khí cho ta sự sống là một phần nhỏ của cái khí của vũ trụ, cũng như nước biển mà ta vốc nơi tay thuộc về đại dương vậy. Vũ trụ tuyệt đối từ nguyên thủy là một. Hai lực xuất hiện, và thế giới tương đối sinh ra.

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng thế giới tương đối mà chúng ta thấy được, nghe được là thế giới duy nhất, ta quên đi cái thế giới tuyệt đối ở đằng sau. Lượng khí tuyệt đối trong vũ trụ vẫn thường hằng và luôn dịch chuyển. Nếu ta muốn tăng cường sức mạnh của dòng khí của ta, và sức mạnh chống trả thể chất của ta, ta phải cố gắng trở nên một với dòng khí của vũ trụ. Để đạt đến điều đó, ta phải cố gắng hợp nhất tinh thần và thể xác. Tôi đã lập ra 4 nguyên lí cơ bản để giúp cho mỗi người hợp nhất tinh thần và thể xác trong cuộc sống hằng ngày”.

Các nguyên lí đó là:

_ Tập trung vào một điểm duy nhất.
_ Thư giãn hoàn toàn.
_ Dồn sức nặng xuống dưới.
_ Phóng khí.

1.Tập trung vào một điểm duy nhất:

Vũ trụ là một trái cầu vô tận. Nơi nào ta có mặt, nơi đó là trung tâm trái cầu. Nếu trái cầu đó thu nhỏ lại, nó trở thành một điểm nơi bụng dưới. Điểm đó phải được chia hai, chia hai… thu nhỏ mãi đến vô cùng. Khi nó nhỏ đến nỗi khó mà tưởng tượng được, thì giữ điểm đó trong tâm trí của bạn.

Bằng cách ấy, bất cứ người nào ngồi trên hai gót chân (seiza), tập trung tinh thần vào điểm đó, sẽ không bao giờ bị ai xô ngã được. Võ sư Tohei đã nhiều lần mời những người trong số khán giả lên xô thử: người ấy đã xô phải núi Thái Sơn!

2.Thư giãn hoàn toàn:

Nguyên thủy tinh thần và thể xác là hợp nhất. Người ta không thể ngừng suy nghĩ, nhưng phải tập trung vào điểm dưới rốn và thư giãn hoàn toàn.

3.Dồn sức nặng xuống dưới:

Khi ta bình thản,sức nặng thân thể được “dồn xuống dưới”. Thí dụ, nếu ta nghĩ sức nặng của một cánh tay được dồn xuống dưới thì không ai có thể giở cánh tay ấy lên được. Dẫu có 2 người lực lưỡng cũng không thể giở nỗi cánh tay của ta.

4.Phóng khí:

Phải dùng tinh thần của mình một cách tích cực. Đó là thí nghiệm ai cũng biết: cánh tay không thể bị bẻ gập. Ta tưởng tượng rằng khí của ta tuôn chảy qua các đầu ngón tay, giống như nước phun ra từ đầu vòi rồng cứu hỏa. Nhờ cách đấy, không ai có thể bẻ gập cánh tay ta được.

Võ sư Tohei giảng giải rằng bốn nguyên lí này giống như bốn con đường dẫn ta lên đỉnh núi, nếu bạn không áp dụng được một trong bốn nguyên lí đó, thì thử qua nguyên lí khác. Nếu bạn hiểu được một trong bốn nguyên lí, thì bạn cũng hiểu được cả bốn. Nếu bạn mất một thì có nghĩa là bạn cũng mất cả bốn. Võ sư kết luận:

“Phải tập luyện hằng ngày. Khí sẵn có trong người mỗi chúng ta. Biết làm chủ nó và dùng nó trong đời sống hàng ngày hay không là do ta. Tôi mong mỏi truyền bá bốn nguyên lí này khắp thế giới, để làm cho trái đất này trở nên tốt đẹp hơn. Đó là con đường mà tôi đã chọn. Như một ngọn đuốc có thể thắp sáng hàng nghìn ngọn nến, tôi hi vọng thắp được một ngọn nến trong mỗi tâm hồn”.
BẢO QUANG
đăng 21:26 15-09-2011 bởi ThuDuc Aikido

https://sites.google.com/site/aikido...eibacthayvekhi