Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Ái tình và hạnh phúc là hình với bóng, nếu biết bảo vệ thì hạnh phúc sẽ thành sự thật, ngườc lại nếu không biết bảo vệ thì hạnh phúc chỉ là một hình ảnh ảo tưởng không bao giờ có.
Pascal
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Chuyến Xe Đò Cuối Năm

  1. #1
    Join Date
    Nov 2010
    Bài Viết
    9,246
    Thanks
    0
    Được Cám Ơn 8 Lần
    Trong 8 Bài Viết
    Chuyến Xe Đò Cuối Năm


    Sự di chuyển trở nên càng ngày càng khó khăn nguy hiểm. Nay đắp mô, mai gài mìn! Thôi năm nay con khỏi về ăn Tết với Ba và các em. Các em con sẽ thắp hương lên bàn thờ Má dùm con. Con cứ an tâm ở dưới đó mà học. Học thật giỏi là đã trả hiếu cho Ba rồi vậy! Tin chắc Má con cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối!

    Đó là nội dung bức thư của ba tôi, mà tôi đã nhận được tuần trước. Tôi còn nhớ như in, từ nét chữ run rẩy đến những dòng ô được kẻ một ngay cách ngay ngắn. Tôi chưa bao giờ ăn Tết xa gia đình. Nếu phải xa, thì đây là cái Tết đầu tiên!

    Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày cuối năm, lúc mẹ tôi còn sống. Bà thường dẫn anh em tôi đi chợ mua sắm quần áo mới, mua bánh mứt, kẹo, hạt dưa, và những vật liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá giong để làm bánh chưng. Gia đình tôi không giàu, vì ba tôi chỉ là một công chức khiêm nhường, nhưng mẹ tôi đã hết sức dành dụm trong suốt năm, để cố gắng mua cho đủ, bà không muốn anh em tôi chúng tôi thiếu thốn! Và riêng tôi, ngoài công việc lo dọn dẹp nhà cửa, tôi còn có bổn phận phải xoay cho kỳ được một cành mai để chưng ba ngày Tết. Kiếm một cành mai ở Đàlạt không phải là một điều khó khăn. Khó khăn họa chăng là trèo lên cây mai, chặt đem xuống rồi mang về. Cũng nên viết thêm là hồi ấy, tôi mười lăm tuổi, và không có tiền thuê xe lam chở về.

    Tôi phân vân, suy tính. Có thể ở lại. Buồn, cô độc, lẽ dĩ nhiên. Tôi không quan tâm điều này. Tôi bồn chồn, tôi lo lắng. Tôi biết chắc gia đình mà thiếu tôi, là thiếu tất cả, vì tôi là con trưởng, là cái đầu tầu xe lửa, mà các toa là một lũ em nhỏ dại. Ai sẽ dẫn các em tôi đi chợ Tết? Ai sẽ là "đầu nậu" sóc "Bầu cua cá cọp" cho các em tôi chơi?

    Sàigòn trong những ngày cuối năm thật ồn ào náo nhiệt! Người đâu sao mà đông thế! Họ đổ xô đi mua sắm, y như là từ xưa tới nay, họ chỉ được mua sắm trong những ngày cận Tết. Những gian hàng nhỏ bé, được mọc lên một cách vội vã chung quanh chợ Bến Thành. Những lời rao, tiếng mời qua các máy phóng thanh, làm điếc tai người mua. Thôi thì đủ mọi mánh khóe, được áp dụng để thu hút khách hàng. Nào là khô nai, khô cá thiều, rượu dâu, rượu cẩm, mua một biếu một. Cam, quít, nho, táo, không biết được tích trữ từ bao giờ, cũng đột nhiên xuất hiện. Nhìn không cũng thấy chảy nước miếng! Đi dọc theo đại lộ Lê Lợi, về phía Quốc Hội, rồi quẹo hướng bờ sông, ta sẽ từ từ thoát khỏi "mê hồn trận", để rồi lạc vào một thế giới khác, ít ồn ào hơn, thế giới của loài hoa. Nào là hoa Mai, hoa Anh Đào, hoa Cúc, hoa Hòe, hoa Lan, hoa Thược dược� và hầu như tất cả các loài hoa đều hiện diện, để cùng phô truơng màu sắc dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Thật đúng là "trăm hoa đua nở". Các thiếu nữ với những chiếc áo dài lộng lẫy, cũng đi mua hoa về đón Xuân.

    Tôi cũng có mặt trong chợ hoa này, nhưng không phải để mua mà để ngắm. Sau một phút suy nghĩa, tôi bóp bụng kêu một ông phó nhòm chụp cho một bô, loại lấy liền. Hai tay chống nạnh, một chân ghếch lên chậu bông, mặt hơi vênh lên, trông cũng có vẻ hách lắm! Tôi định bung vào Chợ Lớn mua một ít lặt vặt, rồi ghé thăm một anh bạn. Nhưng chợt nhớ lại, bình xăng của chiếc Vélo cũ đã vơi quá nửa, tôi bèn ra về.

    Cư xá Đắc Lộ giờ này vắng hoe. Các bạn tôi đều về với gia đình từ mấy hôm trước. Tôi buồn rầu ngồi xuống chiếc ghế đá, tôi nhớ nhà. Giờ này chắc Đàlạt lạnh lắm! Bờ hồ vắng tanh. Những cơn gió buốt thổi qua các rặng thông già, gây nên một điệu nhạc buồn, một điệu nhạc độc đáo của xứ anh đào! Chắc ít người chịu ra ngoài. Đã hai mươi chín Tết rồi còn gì! Họ đã sắm đủ Tết. Còn gia đình tôi? Ba tôi có mua đủ quần áo cho các em tôi không? Còn bánh mứt? Còn hoa quả để cúng Má tôi? Tôi quyết định vội vã: Mai tôi sẽ về!

    Năm giờ sáng ngày ba mươi Tết. Một hồi còi hú báo giờ giới nghiêm đã hết. Trong khi Sàigòn còn ngái ngủ sau một giấc ngủ nặng nhọc, thì bến xe đò đã náo nhiệt một cách lạ thường. Các em bán báo, các chị bán hàng rong, các anh lơ xe đò, cùng các bác tài xế đủ các loại xe, đã tạo nên một thế giới riêng biệt. Không biết họ thức giấc tự bao giờ, mà trông thật tỉnh táo, như để đón nhận một ngày mới, cực nhọc và vất vả. Có lẽ họ bận rộn hơn ngày thường, vì đó là ngày cuối năm, để rồi ngày mai họ sẽ nghỉ xả hơi, để ăn mấy ngày Tết. Chữ "ăn" ở đây có đúng với các nghĩa đen của nó. Aên thật no, ăn no chết bỏ, rồi năm sau "ta lại kéo cày". Bao nhiêu tiền dành dụm từ năm ngoái đều được tiêu xả giàn.

    Sau khi trả tiền xe taxi, tôi bước vội đến bến xe Minh Trung một loại xe nhỏ nhưng chạy nhanh, lẽ dĩ nhiên giá mắc hơn chút đỉnh. Tôi được trả lời là vé đã bán hết từ hai ba hôm trước. Tôi hoảng hốt xách chiếc sắc Pan Am bước vội lại quầy xe lớn. Một anh lơ nhanh nhẩu nắm chiếc sắc của tôi, lôi tôi về phía anh, rồi nói lớn:
    - Lẹ lên cậu hai! Xe sắp chạy rồi!
    Tôi không còn thì giờ để lựa chọn; có xe đi là quí lắm rồi. Nắm chặt cái vé xe trong tay, tôi mới thấy an tâm. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh, và chợt để ý thấy một thiếu nữ, khoảng mười bảy tuổi đứng gần đó, hai tay ôm chiếc cặp trước ngực. Một người đàn bà, khoảng ngoài bốn mươi, không ăn mặc chải chuốt nhưng có vẻ lanh lợi nói:
    - Con trông đồ dùm mẹ nghen. Mẹ chạy đi mua ít bánh mì. Con có ăn không?
    Tôi nghe cô gái đáp nhỏ:
    - Dạ không.
    Như vậy, người đàn bà đó hẳn là mẹ cô nữ sinh? Bà đi buôn? Cứ nhìn bề ngoài mà đoán thì biết! Chắc bà đi buôn chuyến chót, rồi đón con gái về ăn Tết luôn một thể. Tôi kín đáo nhìn cô ta, trông cô thật hiền lành, thùy mị trong chiếc áo dài trắng. Làn tóc thề ôm theo bờ vai tròn trĩnh. Đúng đây là một vẻ đẹp thanh nhã, không cao sang, hoặc kiêu kỳ kiểu cách như những cô gái khác cùng lứa tuổi. Cũng lúc ấy, người đàn bà tất tả trở lại với ổ bánh mì lớn trong tay.
    - Con không ăn, đói chết!
    - ...
    Anh lơ chuyển những hành lý cuối cùng lên mui xe. Mấy chiếc giỏ cần xé quá lớn của bà làm anh quạu quọ. Đứng trên mui, anh dùng hết sức bình sinh kéo lên. Tôi không ngần ngại bỏ phăng chiếc sắc Pan Am, mà tôi rất cưng, xuống đất, rồi nâng mấy chiếc giỏ dùm anh.
    - Cám ơn cậu! Cậu tử tế quá! Chắc cậu cũng về Đàlạt ăn Tết?
    - Dạ!
    Bà nhìn nhanh tôi như để dò xét, hay đánh giá cũng vậy, rồi bà nói:
    - Cậu không mặc áo len, không khéo chỉ đến Định Quán là cậu bị lạnh!
    - Cám ơn bà, cháu có mang theo.

    Anh lơ giục chúng tôi lên xe. Tôi không giấu được nỗi vui mừng, khi được xếp ngồi cùng một băng ghế với mẹ con bà. Đó là số hên cuối năm của tôi! Lộ trình Sàigòn Đàlạt hẳn sẽ ngắn lại. Và biết đâu chẳng là duyên tiền định!

    Băng chúng tôi ngồi gồm ba chỗ, bà ngồi giữa, con bà ngồi kế cửa sổ, và tôi ngồi ngoài cùng. Thôi cũng được! Tôi tự an ủi. Chẳng lẽ bà cho con gái bà ngồi kế mình! Ai lại như vậy?

    Chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Người tài xế mở cải lương. Giọng ca vọng cổ quen thuộc hòa cùng tiếng máy động cơ, tạo nên một âm thanh chói tai, làm khó chịu mọi người. Mấy năm gần đây, có phong trào gắn nhạc trên xe để thu hút khách. Tôi thầm nghĩ thật là thất sách, vì ảnh hưởng có khi ngược lại điều chủ xe mong ước.

    Khi xe bắt đầu ngon trớn trên xa lộ, thì bà mẹ cô gái cũng lấy bánh mì ra ăn. Bà hỏi cô:
    - Aên bánh mì không con?
    Tôi thấy cô khẽ mỉm cười lắc đầu. Bà quay sang tôi:
    - Cháu ăn một miếng với bác cho vui nhé?
    Tôi sung sướng đến đỏ mặt, và lễ phép từ chối:
    - Thưa bác, cháu đã ăn no ở nhà rồi ạ!

    Bà thản nhiên đưa bánh mì lên miệng ăn, không một chút ngượng nghịu. Hai mẹ con bà thật khác nhau một trời một vực, kể từ tính tình đến sắc diện. Đúng là "mẹ Cú con Tiên!" Con e lệ, thùy mị, mẹ phóng khoáng, sỗ sàng. Tôi tự biện dùm bà: "Đi buôn thì phải như vậy nếu không sẽ lỗ vốn. Vả lại, con gái bà đẹp là được rồi!"

    Xe tới Hố Nai, rồi chạy ngang qua vườn cao su. Những cây cao su được trồng thật ngay thẳng theo hàng, theo lối, làm tôi liên tưởng đến những người lính trong Quân đội. Nước tôi đang có chiến tranh. Một ngày nào đó tôi sẽ nhập ngũ. Rồi cũng có thể một viên đạn vô tình nào đó, sẽ kết liễu đời tôi. Đó là chuyện thường tình. Trai thời loạn mà. Nhưng cô gái ngồi kế bên sẽ trở thành góa phụ! Khuôn mặt thơ ngây kia sẽ phải chít một vành khăn tang! Đó là điều không thể chấp nhận được. Không! Không thể có chuyện vợ con trong lúc này! Tôi khẽ liếc nhìn cô gái. Gió xuân đang thổi ngược tóc cô về phía sau, để lộ một cái cổ cao và thật trắng. Cô sẽ phản ứng ra sao nếu đọc được ý nghĩ trong đầu tôi? Mẹ cô ngủ lúc nào mà tôi chẳng hay. Nét mệt nhọc hiện rõ trên khuôn mặt. Tôi thấy quý trọng người đàn bà này. Bà đã lặn lội vất vả để kiếm tiền nuôi con ăn học.

    Khi đến Định Quán, khác với thông lệ, xe chỉ ngừng mấy phút để hành khách xuống cho dãn gân cốt, và làm việc khác rồi lại chuyển bánh. Không ai nghĩ tới chuyện ăn cơm, vì mọi người đều mong chóng về đến nhà để đón Giao Thừa. Lúc lên xe, để tiện ngắm phong cảnh, bà đổi chỗ cùng con cái bà, (hay có mỹ ý nào đó!) Tôi thầm cám ơn hành động khá tế nhị của bà.

    Tôi vốn dĩ rất nhát gái. Xe đã chạy được một khoảng khá xa, mà tôi vẫn loay hoay chưa tìm ra câu mở đầu. Sau cùng, thu hết can đảm, tôi gợi chuyện bằng một câu rất ư là vô duyên:
    - Thưa cô, cô cũng về Đàlạt ăn Tết cùng bác?
    Cô nhìn tôi thoáng một vẻ ngạc nhiên:
    - Dạ?
    Tôi bối rối chưa biết tiếp tục ra sao, thì may quá, phù hiệu tên trường mà cô ta đang học, thêu trên nếp áo bên trái, đã cứu tôi khỏi cơn bí.
    - Thưa cô, cô học Gia Long?
    - Dạ.
    - Em bạn tôi cũng học trường đó.
    Những câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi thật nhạt nhẽo, không đâu vào đâu, quanh quẩn việc trời mưa, trời nắng, xuân, hạ, thu, đông. Gần một tiếng đồng hồ rồi, mà chiến lợi phẩm thu lượm chẳng có là bao. Má cô ngồi bên vẫn giữ im lặng một cách khó hiểu. Tôi nặn óc, cố tìm cơ hội kiếm điểm với bà. Tôi cầu trời cho gió thổi bay chiếc khăn phu la, mà bà đang hờ hững đeo ở cổ, hay mấy chiếc giỏ cần xé trên mui rớt xuống. Chắc chắn tôi sẽ nhanh nhẹn đứng dậy oai hùng như Trương Phi lúc măcc áo chiến bào, tay cầm xà mâu, đôi lông mày xếch ngược miệng tôi sẽ hô to: "Tốp! Tốp!" Rồi tôi sẽ nhảy xuống xe, trước cả anh lơ, lượm lên cho bà với một nụ cười thật tươi.

    Khốn nổi! Chiếc khăn phu la phải gió, vẫn chưa chịu bay đi! Còn mấy cái giỏ cần xé vẫn trơ như đá, vững như đồng, chẳng chịu nhúc nhích.

    Thỉnh thoảng, bác tài lại ngừng xe cho hành khách xuống. Lúc thì ở Blao, khi thì ở Djiring. Xe vơi hành khách càng chạy mau hơn. Những cây thông bắt đầu xuất hiện nhiều, báo hiệu cho biết sắp tới Đàlạt. Tôi hơi cảm thấy lạnh, nhưng trong lòng thì lại nóng như lửa đốt, vì tôi chưa biết gì về cô bạn đồng hành khả ái kia cả. Tên của cô, địa chỉ của cô ở Đàlạt cũng như Sàigòn, tôi đều mù tịt. Để trấn an tôi tự hứa: "Cứ bình tĩnh! Giục toc bất đạt. Lát nữa, khi tới bến xe, mình sẽ hỏi, lo gì."

    Khi xe đến Liên Khương, một sự kiện hết sức bất ngờ, ngoài sự dự trù của tôi, đã xảy ra làm tôi choáng váng mặt mày. Cô bạn gái của tôi, hãy tạm gọi như vậy, đứng lên nói với bác tài ngừng xe. Cô cúi đầu chào bà ngồi kế tôi, mà tôi cứ đinh ninh là mẹ cô, rồi cô nhếch mép cười nhẹ với tôi, trước khi bước xuống xe.

    Tôi ngẩn ngơ đứng dậy, nhìn theo bóng dáng cô, cho tới lúc xe đến một khúc quanh, mới giật mình, rồi bẽn lẽn ngồi xuống. Cả một sự tiếc rẻ vì hụt hẫng xâm chiếm cõi lòng tôi. Sự cảm giác dường như bị mất mát một cái gì đó, làm tâm hồn tôi bâng khuâng xao xuyến! Bỗng tất cả đều biến thành bực tức, trút đổ lên đầu "bà mẹ vợ hờ ợ" kia! Nó làm tôi thiếu bình tĩnh, quên cả lịch sự tối thiểu, nên sẵng giọng hỏi bà:
    - Thế bà không phải là má cổ? (Lúc đó hết còn bác với cháu)
    - Không! Bác cũng chỉ quen nó trước cháu mấy phút mà thôi!
    Từ đó đến Đàlạt, tôi không thèm nói với bà một câu, và cũng không thèm nhìn bà lấy một lần. Con người gì lại khéo vô duyên! Mới quen có sơ sơ, mà bày đặt xưng Me ngọt xớt, thật không biết ngượng mồm! mặt như Chung vô Diệm mà đòi làm mẹ tiên-nga, thật không biết "xấu-hổ!" (Tôi xin đóng ngoặc kép chữ xấu hổ này, vì có tôi nữa!) Khi xe vừa tới bến, tôi vội vã bước xuống xe. Tôi còn nghe bà nói vói theo:
    - Kìa cháu! Phụ bác đem dùm mấy cái giỏ xuống!
    Tôi bước nhanh qua đường, tay nắn cái sắc xem còn mấy phong pháo cho các em nhỏ không.
    Có lẽ tôi về kịp bữa cơm chiều.
    Hãy luôn đặt mình vào vị trí người khác . Nếu điều đó tổn thương bạn thì nó cũng sẽ làm buồn người khác



  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Người trung niên biến sắc, trầm lặng một lúc, rồi buông tiếng thở dài:
    - Nếu Kim Long Kiếm Pháp gia truyền của tại hạ đừng thất lạc hai chiêu cuối là Đằng Kiếm và Tường Kiếm, thì tại hạ có sợ gì lão ấy? Tiếc thaỵ..
    Y hằn hộc như tiếc hận sự đó lắm, đoạn tiếp nối:
    - Cao huynh có biết không? Hai chiêu đó là tuyệt chiêu của thuật Ngự Kiếm tối cao đấy?
    Y lại trầm ngâm một lúc nữa sau cũng cao giọng thốt:
    - Võ Lâm Kim Đảnh là vật chí báu gia truyền của giòng họ Vô Danh Kiếm Khách, tại hạ nguyện bảo vệ nó đến giọt máu cuối cùng, quyết không bao giờ để rơi vào tay kẻ vô lương vậy. À, Cao huynh có biết chừng nào Vạn Cực Thiên Tôn đến đây không?
    Thần Phủ Khai Sơn đáp:
    - Vợ chồng Vạn Cực Thiên Tôn có thể đến bất cứ lúc nào. Ngay từ bây giờ, Vô Danh huynh nên phòng bị hết sức chu đáo mới được.
    Thốt xong, Thần Phủ Khai Sơn đứng lên, y muốn cáo từ. Người trung niên muốn nói gì đó lại thôi, nhưng Thần Phủ Khai Sơn đã đoán được người trung niên muốn gì rồi. Lão thốt:
    - Đêm nay, hân hạnh được gặp Vô Danh huynh, chắc mình còn có dịp gặp nhau nữa vậy. Tại hạ cư ngụ tại Long Thuận khách điếm gần đây, nếu Vô Danh huynh có việc cần sai khiến, cứ treo trước cửa phòng nầy một vuông khăn trắng trong khoảnh khắc tại hạ sẻ đến ngay.
    Người trung niên không còn nghi ngờ Thần Phủ Khai Sơn nữa, bước tới nắm tay lão, tỏ ý cảm kích vô cùng, thốt:
    - Cao huynh có thạnh tình như thế, tại hạ xin ghi nhớ suốt đời.
    Y dừng lại, trầm ngâm một lúc, đôi mắt bật tia sáng kỳ dị, chăm chú nhìn Thần Phủ Khai Sơn, miệng lẩm nhẩm những gì nghe không rõ, đột nhiên y hạ thấp giọng thốt:
    - Nếu đêm mai, Cao huynh có thư thả, xin đến đây, cùng tại hạ quan sát một chỗ trong khu Tề phủ nầy, tại hạ nghi là nơi đó xưa kia Tề Vương chôn dấu chiếc Kim Đảnh Võ Lâm.
    Y tỏ vẻ thất vọng:
    - Ba tháng nay, cha con tại hạ đã ra công tìm khắp chốn quanh khu Tề phủ nầy, nhưng chẳng thấy gì đáng chú ý, chỉ có nơi ấy là tại hạ nhận ra có nhiều điểm khác la.....
    Thần Phủ Khai Sơn trang trọng đáp:
    - Vô Danh huynh đã đặt niềm tin nơi tại hạ, tự nhiên là tại hạ vui nhận cái hân hạnh đó, quyết không sai hẹn đâu.
    Thốt xong, Thần Phủ Khai Sơn cúi đầu chào biệt, thoát mình ra cửa, giở thuật khinh đằng vọt đi, thoáng mắt đã đến bên tường.
    Vượt qua đầu tường, đáp xuống bên ngoài, đi độ mười bước, Thần Phủ Khai Sơn bỗng nghe tiếng mõ vang lên cốc... cốc...
    Tiếng mõ phát ra trong vòng ba trượng trở lại.
    Thần Phủ Khai Sơn giật mình, lùi lại ba bước, tự nghĩ:
    " Nhân vật nào đây? Đã đến gần ta trong vòng ba trượng mà ta không hay biết gì cả, hắn không phải tay vừa đâu? " Lão quay đầu nhìn lại, thấy một lão hòa thượng có đôi mày bạc trắng, đang ngồi dựa vào chân tường. Hòa thượng nhắm nghiền đôi mắt, nhưng tay thì thỉnh thoảng lại cầm dùi nện vào chiếc mõ đặt trước mặt.
    Thần Phủ Khai Sơn biết ngay lão hòa thượng này hẳn phải có ý tứ gì nên giờ khắc nầy vẫn còn quanh quẩn nơi phủ trạch của Tề Vương.
    Không đắn đo gì cả. Thần Phủ Khai Sơn vội đẩy ra một chưởng kình, đồng thời lão quát to:
    - Lão sư phụ! Tuy nơi đây vắng vẻ, song không phải là chỗ không người! Ít ra, cũng còn có lão phu chứ?
    Đẩy ra chưởng kình đó. Thần Phủ Khai Sơn dùng ba thành công lực, chưởng phong vút đi cũng khá mạnh. Nhưng chưởng vừa đến gần lão hòa thượng liền vọt ra hai bên, bay tuốt về phía sau.
    Nhà sư già không nhút nhít, mắt vẫn nhắm nghiền, tay vẫn chóc chóc nện mõ.
    Thần Phủ Khai Sơn hết sức kinh hãi, biết gặp phải tay thượng đỉnh võ lâm, không còn dám vọng động nữa, vội bước tới hai bước, vòng tay cung kính hỏi:
    - Dám xin lão sư phụ cho biết đạo hiệu để Thần Phủ Khai Sơn tôi khỏi thất lễ tôn kính...
    Lão hòa thượng đưa chiếc dùi nện hai phát trên chiếc mõ, đôi mắt vẫn nhắm nghiền, cất tiếng đều đều như tiếng kinh niệm không cao không thấp, không mau không chậm:
    - Chiếc Võ Lâm Kim Đảnh là vật dành cho những bậc đạo cao đức trọng, há phải mỗi ai cũng có thể muốn dòm ngó lúc nào cũng được sao? Người dù là Thần Phủ Khai Sơn, dù là nhân vật trong Lục Kỳ, chút hư danh đó nào đã đủ đâu cho người manh tâm chiếm hữu một vật quý giá vô song? Người xét mình có đức, có tài gì?
    Thốt xong, lão hòa thượng tiếp tục niệm kinh, thỉnh thoảng lại nện mỏ vang lên cốc cốc xem như không có Thần Phủ Khai Sơn trước mặt.
    Thần Phủ Khai Sơn bất bình vì lão hòa thượng nghi cho mình có ý chiếm đoạt chiếc Kim Đảnh, song lão cố dằn lòng vì lão có lòng kính trọng hòa thượng mà lão cho là một nhân vật siêu phàm. Lão thốt:
    - Lão sư phụ dựa vào đâu lại cho Thần Phủ Khai Sơn Cao Mảnh nầy có ý muốn chiếm đoạt Võ Lâm Kim Đảnh? Dù sao đi nữa, Cao Mảnh tôi tự xét mình có đức độ gì lại dám mơ mộng đến một tín vật dành cho người lãnh tụ võ lâm?
    Lão hòa thượng hừ lên một tiếng, vẫn đều tay nện mõ.
    Đột nhiên, hòa thượng mở to đôi mắt, bắn ra hai tia thanh quang chớp lên như điện. Thần Phủ Khai Sơn Cao Mảnh hoảng kinh, nhảy lùi lại xa hơn trượng, cao giọng hỏi:
    - Lão sư phụ có phải là Bích Nhãn Thần Tăng trên Thiếu Lâm Tự chăng? Thảo nào mà lão sư lại không muốn chiếm chiếc Kim Đảnh.
    Bích Nhãn Thần Tăng nhắm nghiền đôi mắt lại như cũ, đoạn trầm giọng thốt:
    - Ngươi cho rằng lão tăng không đủ tài chiếm hữu?
    Thần Phủ Khai Sơn thừa hiểu Bích Nhãn Thần Tăng là một nhà sư cao niên còn sống sót lại trong số những vị thiền sư cao niên của Thiếu Lâm phái.
    Riêng Bích Nhãn Thần Tăng khác hẳn các vị tiền bối đồng phái, tâm tánh thì hẹp hòi, vui buồn bất thường, động chút gì bất bình thì không ngại khai sát giới.
    Võ công của Bích Nhãn Thần Tăng thì cao tuyệt, cao đến mức độ không lường, Thần Phủ Khai Sơn Cao Mảnh thừa hiểu Thần tăng lợi hại như thế nào, lão đâu dám trêu vào?
    Dĩ nhiên Thần Phủ Khai Sơn có ý nhường Bích Nhãn Thần tăng rõ rệt nên hấp tấp thốt:
    - Thần tăng có phép lực vô biên, nếu chịu đảm nhiệm vai trò lãnh tụ vũ lâm, thì còn gì hân hạnh cho giang hồ?
    Bích Nhãn Thần Tăng hừ lạnh một tiếng, gõ lên hai tiếng mõ, thốt:
    - Nếu ngươi đã nói như thế, thì đừng bao giờ hỏi đến Võ Lâm Kim Đảnh nữa.
    Hãy theo Trí Nhân và Trí Quả an dưỡng một nơi trong vài tháng, rồi hẳn hay.
    Thần Phủ Khai Sơn nghe Bích Nhãn Thần tăng muốn an trí mình tạm thời tại một nơi, không dằn được cơn giận nỗi trào, cao giọng thốt:
    - Bích Nhãn Thần Tăng! Ngươi nói thế là nghĩa gì? Tôi đã nể người là bậc cao đạo niên trọng, nên dùng lễ đối đãi, chứ Cao Mảnh nầy đâu phải là kẻ chịu sự sai xử của bất kỳ ai?
    Nào ngờ, Thần Phủ Khai Sơn vừa buông dứt tiếng cuối từ phía sau lưng, vang lên một tràng cười ngạo nghễ. Tiếp theo đó, hai đạo nhu phong quét tới, tuy nhẹ nhàng nhưng uy mãnh vô tưởng.
    Dù biết mình có kém Bích Nhãn Thần Tăng, song thân danh là một nhân vật trong Võ Lâm Lục Kỳ, võ công nào phải tầm thường, hai đạo nhu phong từ phía sau vừa quét tới, Thần Phủ Khai Sơn thoáng nghe tiếng gió lạ đã biết mình bị đánh lén rồi. Chỉ khẻ nhích động thân hình một tý tránh khí đạo chỉ phong dễ dàng, đồng thời hai tay lão phát ra một vòng, hai vầng hào quang bắn ra, đôi phủ sắc bén đã nằm gọn trong tay, sằn sàng ứng chiến.
    Hai hòa thượng đánh lén hụt đòn, vội nhoài người tới, công tiếp.
    Thần Phủ Khai Sơn rít lên một tiếng, múa rút đôi phủ tỏa hào quang ra lan rộng một vầng quanh người, hào quang đột nhiên bắn sang hai hòa thượng.
    Hai hòa thượng cười lạnh mấy tiếng, đang hiệp nhau liền phan tán nhanh chóng ra hai bên, tránh đạo hào quang của đôi phủ, đoạn từ hai bên xuất thế công vào.
    Thần Phủ Khai Sơn nghĩ rằng địch đông mà mình thì đơn độc, gia dĩ có Bích Nhãn Thần Tăng là tay tuyệt đỉnh vũ lâm, nếu dằn dai cuộc đấu thì bất lợi, trong trường hợp nầy đánh mạnh, đánh nhanh được chừng nào càng có lợi chừng ấy.
    Lão lập tức vận công vào đôi tay, vũ lộng đôi phủ vù vù như gió cuốn, khí lạnh bốc lên rợn người.
    Đột nhiên, Thần Phủ Khai Sơn hét to lên một tiếng một chiếc phủ ngời lên, bất thình lình chiếu nhanh đến hòa thượng bên tả.
    Hòa thượng lập tức trầm mình xuống, toan tránh làn phủ bay qua nhưng Thần Phủ Khai Sơn đã biến thế ảo diệu vô cùng, chiếc phủ đang bay vèo mãnh liệt như vậy, lão vội trầm xuống một tý, làn phủ bay qua, tuy hòa thượng đã hạ thấp thân khu xuống sâu nhưng cũng không tránh kịp.
    Chiếc phủ bay ngang tầm ngực của hòa thượng chỉ còn một phần ngàn giây đồng hồ nữa là hòa thượng sẻ bị chặt làm đôi nếu không thì cũng nát ngực ra chết lập tức.
    Nhưng, Thần Phủ Khai Sơn cảm thấy có một đạo lực vô hình từ đâu bay vút tới xô tạt lão dịch sang bên một bước.
    Chiếc phủ cũng theo đà, dịch theo, hụt đích, giáng mạnh xuống đất lún sâu hơn năm tấc.
    Hòa thượng đứng bên hữu cười lạnh một tiếng tung ra một chưởng.
    Bình!
    Chưởng kình phát xuất lúc bất thần, Thần Phủ Khai Sơn không thể nào tránh kịp, lãnh trọn chưởng kình nơi vai hữu, lão nghe đau nhói lên, cánh tay hữu như rơi đâu mất.
    Qua phút giây thãng thốt, Thần Phủ Khai Sơn đã nhận định tình hình rõ rệt, lập tức lão vung chiếc phủ ra với tất cả phẫn nộ quét từ bên này sang bên kia, lão không nhắm một hòa thượng mà lão nhắm cả hai, hụt người này còn người khác.
    Hai hòa thượng kinh hãi trước phản ứng chớp nhoáng của địch vội lùi lại, nhường cho lưỡi phủ đi qua.
    Nhưng bị cái hại một chưởng nơi vai vừa rồi, Thần Phủ Khai Sơn căm hờn, lão quyết liều mạng hạ cho kỳ được ít lắm cũng một hòa thượng, rửa cái nhục vừa qua.
    Một lưỡi phủ quét qua, rít gió vù vù, hụt đích, lập tức Thần Phủ Khai Sơn vừa đảo bộ bước tới, vừa hoanh tay đánh trả lưỡi phủ lại.
    Hai hòa thượng khiếp sợ trước khí thế hùng mãnh của địch, không dám đương trường đón chận, cứ lùi mãi.
    Họ lùi một bước, Thần Phủ Khai Sơn lại chồm tới một bước. Chiếc phủ vẫn quét qua quét lại vù vù.
    Bích Nhãn Thần Tăng ngồi tĩnh tọa bên ngoài cuộc chiến, vẫn đưa mắt theo dõi Trí Nhân và Trí Quả giao thủ với Thần Phủ Khai Sơn.
    Lão thấy hai đồ đệ chỉ lùi mà không tiến, cố thủ chứ chưa khởi thế công, toan can thiệp giúp đỡ đồ đệ một tay, hạ bớt khí thế hung hãng của địch.
    Quét lưỡi phủ ba lần qua lại, vẫn hụt Trí Nhân và Trí Quả, tuy nhiên Thần Phủ Khai Sơn được cái lợi thế là lấn sang đất địch.
    Bất thình lình, một vật sáng trắng bay vút đến ngực Bích Nhãn Thần Tăng.
    Thì ra, Thần Phủ Khai Sơn tuy giao thủ với hai hòa thượng, xong cái đích chánh của lão là Bích Nhãn Thần Tăng.
    Lão cố dồn ép hai hòa thượng lùi về là để thu hẹp khoảng cách giữa lão với Bích Nhân Thần Tăng thôi.
    Khi thấy đã vừa tầm rồi, Thần Phủ Khai Sơn nhanh như chớp phi vút lưỡi phủ sang Bích Nhãn Thần tăng liền.
    Trí Nhân trông thấy, kêu lên thất thanh:
    - Sư tổ đề phòng!
    Nhưng trái với sự tưởng tượng của Trí Nhân, lưỡi phủ vừa đi được nữa đường lại hoành ngược trở lại.
    Bốp!
    Lưỡi phủ như làn điện chớp xẹt trúng ngực của Trí Nhân, hòa thượng chỉ kịp rú lên một tiếng ngã xuống chết liền.
    Trong lúc đó, Thần Phủ Khai Sơn chỉ còn sử dụng được một cánh tay tả, còn cánh tay hữu thì bị tê dại ngay từ lúc bị một chưởng trên vai. Lão nghĩ, nếu trong tình thế này, Bích Nhãn Thần Tăng xuất thủ thì lão không mong gì đối địch nổi.
    Lão thấy cần phải chạy đi và chạy sớm chừng nào càng có lợi chừng nấy.
    Gót chân vừa nhún khẻ xuống đất, thân hình Thần Phủ Khai Sơn đã vọt xa ngoài bốn trượng.
    Bích Nhân Thần Tăng hừ lạnh một tiếng gằn giọng:
    - Đừng chạy, vô ích!
    Câu nói vừa buông gọn, không rõ thần tăng nhích động thân pháp cách nào, đã chận trước mặt Thần Phủ Khai Sơn, vẫn trong tư thế ngồi xếp bàng tròn. Thần Phủ Khai Sơn biến sắc rẻ chân sang một bên vọt đi hơn trượng.
    Nhưng Bích Nhãn Thần Tăng vẫn xê dịch thân hình theo đón chân trước mặt, vẫn với tư thế ngồi xếp bàng.
    Bây giờ Thần Phủ Khai Sơn mới thấy vũ công của mình sánh với Bích Nhãn Thần Tăng như trời với vực. Hai hòa thượng Trí Nhân và Trí Quả thuộc hàng sư huynh đệ của chưởng môn nhân Thiếu Lâm phái là Trí Tử Thiền Sư, họ còn tôn kính Bích Nhãn Thần Tăng là sư tổ thì đủ biết thân phận của Thần Tăng trong võ lâm cao đến bực nào.
    Như Thần Phủ Khai Sơn thì bất quá tài nghệ xuýt soát Trí Nhân và Trí Quả, thì sánh làm sao được với Thần tăng.
    Nhưng Thần Phủ Khai Sơn đã nhứt định liều chết, lão nhìn trừng trừng Thần Tăng, quát to:
    - Bích Nhân Thần Tăng! Hãy tránh ra một bên! Cao Mảnh nầy tự biết không phải là đối thủ của ngươi, xong một khi ta liều chết thì dù ngươi có lợi hại đến đâu ta vẫn khinh thường!
    Bích Nhãn Thần Tăng mở hí đôi mắt ra một chút rồi nhắm lại liền. Tuy vậy mà ánh mắt xanh dờn chớp ngời trong không gian gieo lạnh rợn cho bầu không khí. Ánh mắt đó lướt nhanh trên xác chết của Trí Nhân.
    Lâu lắm Thần tăng trầm lạnh giọng thốt:
    - Ngươi đã làm cho Trí Nhân ra nông nổi như thế, rồi ngươi lại còn vung thần phủ toan chém ta. Đúng là ngươi gậy sự để tìm cái chết. Tội ngươi đã đáng lắm rồi ta phải trừng trị ngươi. Nào hãy tiếp một chưởng của ta !
    Vừa dứt lời, Bích Nhãn Thần Tăng đã đẩy bàn tay tả tới.
    Thần Phủ Khai Sơn Cao Mảnh biết sự tình nguy hại vội phi thân tạt sang một bên né tránh.
    Chậm mất rồi.
    Chưởng lực của Thần tăng đã chạm trúng ngực Thần Phủ Khai Sơn, khí huyết trong người lão như ngưng động lại, chân lão chập choạng lùi lại mấy bước, cố gượng lắm mới khỏi ngã.
    Thần Phủ Khai Sơn hết sức kinh ngạc nhìn ra vẫn thấy Bích Nhãn Thần Tăng chuyển dịch thân pháp theo mình để giữ y khoảng cách.
    Lão chưa kịp phản ứng bằng một cử động nào thì một chưởng thứ hai của Thần Tăng đã tiếp nối bay tới.
    Không chậm trễ, Thần Phủ Khai Sơn khoa lưỡi phủ lên một vòng cốt chận khí thế của chưởng kình từ địch vút sang.
    Bùng!
    Lưỡi phủ chạm nhầm chưởng kình, bật thành tiếng kêu chấn động cục trường, Thần Phủ Khai Sơn bị bắn vọt ra xa ngoài ba trượng, rơi xuống chân tường rào của Tề Vương biệt phủ.
    Bích Nhãn Thần Tăng vừa xê dịch thân pháp theo Thần Phủ Khai Sơn và sắp sửa đưa tay tả tung tiếp một chưởng thứ ba, bỗng từ nơi bên trong tường bay ra hai đạo kim quang.
    Hai đạo kim quang vừa xuất hiện là lao vút tới người Bích Nhãn Thần Tăng.
    Thần Tăng kêu ạ lên một tiếng lớn khoác bàn tay lên. Một đạo kình từ lòng phong bàn tay Thần Tăng vút đi cuốn hai đạo kim quang quăng trả vào bên trong tường nhưng hai đạo kim quang trong thoáng mắt lại bay trở ra ngoài, xẹt tới người Thần Tăng như trước.
    Đồng thời có hai tiếng hú vọng lên lanh lãnh, vút tận lên không trung.
    Nghe hai tiếng hú đó Bích Nhãn Thần Tăng không chờ hai đạo kim quang đến mình cấp tốc đứng lên phi vút về khu rừng bên cạnh.
    Tiếng mõ kình văng vẳng vang lên trong khu rừng rậm rồi nghe nhỏ dần dần đến im bặt.
    Bên ngoài hai bóng người xuất hiện tại cục trường. Hai người đó là hai cha con thuộc giòng dõi của Kiếm Khách Vô Danh.
    Trí Quả cũng đã nhanh chân chạy theo Bích Nhân Thần Tăng.
    Hai cha con giòng dõi của Vô Danh Kiếm Khách trông thấy Thần Phủ Khai Sơn ngồi dựa chân tường vận công điều tức, cả hai không dám lên tiếng, chỉ thủ kiếm đứng lặng trong tư thế làm hộ pháp cho lão.
    Khi tiếng gà báo hiệu canh ba thì Thần Phủ Khai Sơn đã khôi phục trọn vẹn tinh thần. Lão mở mắt ra, trông thấy hai bóng người trước mặt, vội cất tiếng:
    - Đa tạ Vô Danh huynh cứu viện, nếu không thì đệ đã tán mạng dưới tay Bích Nhãn ác tăng rồi. Ơn này đệ quyết ghi nhớ suốt đời.
    Lão trầm giọng nối tiếp :
    - Cứ theo tình hình này thì chiếc Kim Đảnh Võ Lâm đã khởi sự lộ tung tích trong giang hồ, do đó chẳng những chỉ có bọn Huyết Ma Bang dòm ngó mà thôi, lại còn cả những ẩn sỉ dị nhân cũng mong lòng chiếm đoạt. Đệ rất mong Vô Danh huynh sớm tìm gặp chiếc Đảnh quý cho khỏi rơi vào tay bọn vô lại, mà kiếp vận võ lâm phải trải qua hồi đen tối hãi hùng.
    Thần Phủ Khai Sơn trầm buồn thấy rõ.
    Một lúc sau lão từ biệt hai cha con Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ trở về quán trọ.
    Sang đêm kế, Thần Phủ Khai Sơn y hẹn chờ đến canh ba trở lại ngôi nhà cũ của Tề Vương. Thần thái của lão hết sức sảng nhiên chứng tỏ nội thương đã tiếp nhận đêm trước hoàn toàn tiêu tan hết.
    Gặp Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ, Thần Phủ Khai Sơn trông thấy đối tượng lộ vẻ ưu tư rõ rệt, lão chưa kịp hỏi gì thì Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ trầm giọng thốt:
    - Đúng như lời Cao huynh nói, có rất nhiều nhân vật đến đây với mục đích tìm chiếc Kim Đảnh, chứ không phải một Huyết Ma Bang.
    Thần Phủ Khai Sơn hấp tấp hỏi:
    - Vô Danh huynh đã phát giác ra được điều gì mới lạ?
    Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ đáp:
    - Phần đệ thì không thấy gì, nhưng Ngươn Nhi thì sớm mai nầy như thường lệ nó đi tuần phía sau, đột nhiên nó đã thấy một tà áo đen thoáng qua rồi biến mất. Lúc trưa nầy nó lại còn nghe tiếng người, nhưng cả hai lần nó đều chẳng tìm thấy ai cả. Cao huynh nghĩ xem mình phải làm sao đây?
    Thần Phủ Khai Sơn trầm ngâm một lúc, rồi thốt:
    - Đệ thấy không còn cách nào hơn là cấp tốc tìm cho được chiếc Kim Đảnh rồi cấp tốc rời bỏ nơi nầy.
    Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ gật đầu:
    - Đệ cũng thấy chỉ có cách ấy mà thôi. Vạn nhứt chiếc Kim Đảnh rơi vào tay người khác thì đệ thà chết hơn là nhường nó lại cho ai nhứt là kẻ chiếm nó thuộc hàng vô lại.
    Y đứng lên nắm tay Thần Phủ Khai Sơn:
    - Mình đi thôi, đến chỗ mà đệ đã nói với Cao huynh trong đêm rồi.
    Thần Phủ Khai Sơn theo họ, rời khỏi phòng đi thẳng về phía sau.
    Ngôi nhà rộng lớn chia ra nhiều dãy dọc ngang lâu đời không có người ở, lúc đêm khuya nghe hoang vắng lạnh lùng vô cùng, lưới nhện giăng khắp nẻo, mùi mốc meo bốc mọi nơi, phải là người có can trường lắm mới dám lưu trú tại đây.
    Tề Vương Phủ gồm có chín sân lộ tỉnh, mỗi lộ tỉnh nối liền hai dãy nhà, tiền sảnh và hậu sảnh hai bên dãy nhà lại còn nhiều gian phòng.
    Cứ mỗi một sân lộ tỉnh kể như một vòng dinh thự.
    Cả ba đi từ vòng dinh thự thứ ba đến vòng dinh thự thứ năm, bỗng gặp một tử thi.
    Họ kinh ngạc dừng chân lại đứng nhìn xác chết.
    Thần Phủ Khai Sơn và Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ là người từng trãi nên trông thấy xác chết cả hai không biểu lộ ý kiến gì, chỉ có Ngươn Nhi vì niên thiếu nên gặp việc gì là có phản ứng ngay. Hắn kêu lên:
    - Thì ra chúng đã đánh giết nhau tại đây? Tại sao thế? Chúng đã tìm được chỗ chôn dấu Kim Đảnh rồi chăng?
    Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ suy gẫm lời nói của con trai cho là hữu lý:
    - Rất có thể như vậy lắm! Chúng có phát hiện ra chiếc Kim Đảnh quý mới có ý chụp tranh, chứ nếu không thì chúng có ra mặt chống nhau làm gì cho bại lộ hành tung?
    Thần Phủ Khai Sơn chưa có ý kiến gì? Lão bước quanh xác chết, quan sát.
    Đột nhiên, lão reo lên:
    - Xác chết này đúng là Trí Quả, tên hòa thượng còn lại trong hai tên đã theo Bích Nhãn Thần Tăng.
    Cúi xuống nhìn vào chỗ thương tích của Trí Quả, Thần Phủ Khai Sơn trầm ngâm một lúc nữa, đoạn từ từ cất tiếng:
    - Hắn bị kiếm điểm trúng ba huyệt nơi ngực. Theo chỗ để nhận xét, thì vết thương thế nầy do Tam Huyền Kiếm Pháp gây rạ..mà Tam Huyền Kiếm Pháp là tuyệt học của phái Võ Đương.
    Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ kinh ngạc:
    - Cao huynh nhận xét rất đúng. Chính đệ cũng đang nghi ngờ những cao thủ của hai phái đó hiện có mặt nơi ngôi nhà nầy...
    Thần Phủ Khai Sơn xô vạt xác chết qua một bên, nhìn bên đối diện, không thấy gì thêm. Cả ba từ từ đi tới.
    Vô Danh hậu duệ kiếm khách thấp giọng rĩ bên tai Thần Phủ Khai Sơn:
    - Trong mấy tháng nay, cha con đệ đã đào xới tất cả các góc nhà trong khu biệt thự này, nhưng chung qui vẫn không tìm thấy gì khả nghi cả. Cách nay mấy hôm, cha con đệ đào trúng một bững đá, bên dưới bững đá đó là một huyệt đạo, khi xuống bên dưới thì phát giác ra không phải là một con đường hầm duy nhất, mà là muôn ngàn con đường hầm chằng chịt tung hoành, nếu không lưu ý, mình dám bị lạc không tìm được lối lên. Kế đó, bọn Huyết Ma Bang tới quấy nhiễu luôn luôn, thành ra phải đối phó với chúng mỗi đêm, không còn thì giờ đâu tiếp tục công trình khám phá.
    Thần Phủ Khai Sơn chớp ngời ánh mắt:
    - Chỗ Vô Danh huynh tìm gặp đó, rất có nhiều hy vọng là nơi chôn dấu Kim Đảnh.
    Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ gật đầu:
    - Đệ chỉ mong như thế và xin thần linh che mắt bọn tham tàn đừng cho chúng thấy nơi ấy.
    Họ đã đi đến vòng dinh thứ sáu.
    Vô Danh hậu duệ kiếm khách nhìn trước nhìn sau, trông tả, trông hữu, đoạn thốt khẻ:
    - Cao huynh! Nơi đây là chỗ cuối cùng của phòng ở, còn mấy dãy phía trong cùng không phải là chỗ trú cư, nên mình khỏi cần đi xa hơn nữa.
    Bỗng y thấy một cánh cửa phòng khép hờ, y giật mình tự nghĩ:
    - Đã có ai vào chiếm ngụ trong ấy rồi sao chứ?
    Thần Phủ Khai Sơn vội bước tới, xô cánh cửa vẹt ra, bước vào.
    Lão vừa vào liền thụt lùi ra ngoài liền, mặt lão biến sắc.
    Vô Danh Kiếm Khách hậu duệ lấy làm lạ, hỏi:
    - Cao huynh thấy gì mà có vẻ sợ hãi như vậy?
    Thần Phủ Khai Sơn vẫn còn xanh mặt:
    - Tử thi! Không biết bao nhiêu tử thi mà nói.
    Vô Danh hậu duệ kiếm khách sấn tới trước, toan lách mình chui qua cửa vào trong.
    Thần Phủ Khai Sơn gọi thét:
    - Vô Danh huynh! Đề phòng ám toáng! Đừng vào vội!
    Vô Danh hậu duệ kiếm khách với tay ra sau lưng, rút thanh Kim Kiếm thủ sẵn.
    Đoạn cả ba vận cương đề khí phòng hộ toàn thân, bước vào.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Người Tù Cuối Năm - Nhật Tiến
    By khieman in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 3
    Bài Viết Cuối: 04-10-2015, 12:51 AM
  2. Chuyến Tàu Ngày Cuối Năm - Nhật Tiến
    By khieman in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 4
    Bài Viết Cuối: 02-27-2014, 03:10 AM
  3. Mẹ Việt Nam Ơi , Dân Ta Có Tội Tình Gì
    By giavui in forum Truyện Dài Audio
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-24-2013, 04:00 AM
  4. Phi Nhung - Chuyến Đò Hậu Giang
    By giavui in forum Nhạc Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-06-2011, 02:40 AM
  5. Nhật ký đổ thọ
    By giavui in forum Truyện Audio Giải Trí
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-27-2010, 09:04 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •