CHƯƠNG 12: ƯỚC MƠ CỦA NHÀ THƠ, NGƯỜI ĐÀN BÀ HĂNG HÁI
Cái giá rét của ban đêm đã phải trốn biệt. Trời trở nên ấm áp đến mức những người ra đường sớm thấy nhức buốt cả chân. Bầy chim sẻ ríu rít cãi nhau. Ngay đến con gà mái từ trong bếp chạy ra sân khách sạn cũng cảm thấy dồi dào sức lực, thử gáy to hơn một chút. Vài đám mây mỏng manh trên trời. Thùng rác bốc lên mùi cây đông thảo và mùi súp peizan. Gió lùa qua khe cửa sổ, chú mèo nằm ườn trên mái nhà nheo nheo mắt nhìn xuống sân, e ngại cho anh chàng Alexsanđr trực lầu đang bưng giỏ quần áo và chạy dưới đó.
Các hành lang của ô-ten "Sorbonna" nhộn nhịp hẳn lên. Từ các huyện, nhiều phái đoàn về đây dự lễ khánh thành đường xe điện. Cả một tốp đông được đổ xuống trước cửa ô-ten "Sorbonna".
Mặt trời tỏa ánh nắng gay gắt. Cửa sắt các nhà hàng được kéo lên rầm rầm. Cán bộ nhân viên đi làm, nếu mặc những chiếc áo bông, thì giờ đây nực người lên vì gánh nặng của mùa xuân.
Ở phố Kooperativ, một chiếc xe vận tải chở quá nặng của công trường Melstroi bị gãy nhíp, và Viktor Mikhailovich Polesov kịp thời có mặt ở nơi xảy ra sự cố đang đưa ra những lời khuyên bảo.
Trong phòng khách sạn được bày biện xa xỉ nhưng thực tế (hai chiếc giường và một cái táp-đơ-nuy), có tiếng thở và tiếng phun phì phì như ngựa: Ippolit Matveevich đang vui vẻ rửa mặt và thông mũi. Vua mánh thì nằm trên giường đang xem các vết vẹt đế giày. Hắn nói:
- Này, yêu cầu ông thanh toán dứt điểm khoản nợ ngày hôm qua cho.
Ippolit Matveevich ló mặt ra khỏi khăn tay và nhìn Ostap bằng cặp mắt lồi không mang kính.
- Cái gì mà ông nhìn tôi như lính thấy rệp thế? Ông ngạc nhiên về cái gì? Về khoản nợ à? Phải rồi! Ông nợ tiền tôi. Hôm qua tôi quên nói ông biết rằng theo sự ủy nhiệm của ông, tôi đã trả bảy mươi rúp để mua năm tờ phiếu. Có giấy biên nhận kèm theo. Xin ông quẳng cho tôi ba mươi lăm rúp. Tôi hy vọng hai bên ký kết hợp đồng cùng tham gia trên cơ sở bình đẳng chứ?
Ippolit đeo kính kẹp mũi, đọc tờ giấy biên nhận và nhăn nhó giao tiền. Nhưng thậm chí điều đó cũng không làm ông mất hứng. Tài sản đã nắm trong tay đây rồi. Hạt bụi ba mươi lăm rúp biến mất ngay trong ánh hào quang của quả núi kim cương.
Ippolit mỉm cười rạng rỡ, bước ra đi dạo ngoài hành lang. Kế hoạch của một cuộc sống mới, được xây dựng trên nền đá quý, đã an ủi ông. "Còn lão cố đạo? - Ông chửi thầm - Thật ngu như chó. Nó sẽ không bao giờ nhìn thấy những cái ghế ấy".
Đến cuối hành lang, Ippolit quay lộn lại. Cái cửa trắng, nứt nẻ ở phòng No13 mở ra, và cha Fêđor mặc chiếc áo va-rơi xanh, có sợi dây màu đen rách tua tủa thắt ngang lưng, tiến thẳng về phía ông. Khuôn mặt đôn hậu của cha hân hoan sung sướng. Cha cũng ra hành lang để dạo mát. Hai đối thủ chạm mặt nhau mấy lần, đôi bên đắc thắng nhìn nhau rồi lại bước tiếp. Niềm hứng khởi dâng lên trong ngực Ippolit. Cha Fêđor cũng có cảm giác hệt như vậy. Cả hai đều thấy thương hại cho đối phương thất thế. Cuối cùng, ở lần chạm mặt thứ năm, Ippolit không dừng được nữa.
- Chào cha - ông nói giọng ngọt ơi là ngọt.
Cha Fêđor tập trung toàn bộ sự châm biếm cay độc mà chúng cho phép cha sử dụng, đáp lời:
- Chào ông Ippolit.
Hai đối thủ lại xa nhau. Lần gặp sau, Ippolit buông một câu:
- Bữa trước tôi có làm cho cha bị chấn thương không đấy?
- Không, có sao đâu, tôi rất vui lòng gặp mặt ông hôm ấy.
Rồi cả hai lại đi về hai bên đầu hành lang khác nhau. Bộ mặt của cha Fêđor bắt đầu làm cho Ippolit khó chịu.
- Cha không ở nhà làm lễ thánh nữa ư? - Ông hỏi khi đôi bên gặp lại.
- Làm lễ thánh sao được, khi mà con chiên bỏ đi lung tung sang các thành phố khác để tìm báu vật.
- Xin cha lưu ý: báu vật của họ! Của họ!
- Báu vật của ai không biết, chỉ biết là họ bỏ đi tìm.
Ippolit muốn nói một câu gớm ghiếc nào đó và đã há miệng ra, nhưng không nghĩ được câu gì, đành bực bội trở về phòng của mình. Một phút sau, từ đó bước ra gã con trai của vị công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, tức Ostap Benđer, mình mặc gi-lê xanh, dây giày lòng thòng dưới chân nên cứ bị chân giẫm phải. Ostap tiến về phía cha Fêđor. Những bông hồng trên má cha Fêđor héo hẳn đi và biến thành màu tro.
- Ông mua đồ cũ phải không? - Ostap hỏi, giọng dọa nạt - Ghế cũ? Súc vật chết? Hay xi đánh giày?
- Anh muốn gì? - cha Fêđor hỏi nhỏ.
- Tôi muốn bán chiếc quần thủng đít cho ông.
Vị cố đạo lạnh xương sống lùi dần.
- Sao ông cứ câm lặng như đức giáo chủ trong bữa tiệc chiêu đãi thế?
Cha Fêđor lui dần về phòng ở của mình.
- Mua lại đồ cũ, ăn cắp đồ mới đa-đa-ây! - Ostap dài giọng với theo.
Cha Fêđor rụt đầu rụt cổ dừng chân ở cửa phòng mình. Ostap tiếp tục công kích:
- Thưa đức chăn chiên chí kính, ngài mua chiếc quần thủng đít của tôi chứ ạ? Tôi còn có đôi tay áo gi-lê và đôi tai của con lừa chết nữa kia. Bán luôn cả bộ thì lấy giá rẻ hơn. Mà lại có ngay chứ không cất giấu ở trong vỏ ruột ghế, khỏi tốn công đi tìm! Xong chưa nào?!
Cha Fêđor tót vào phòng và đóng cửa lại.
Ostap hài lòng đi về phòng mình, chân này giẫm lên dây giày chân kia. Khi cái thân xác vạm vỡ của hắn đã ở khoảng cách khá xa, cha Fêđor thò đầu rất nhanh ra ngoài cửa và rít lên vì cơn giận bị kềm chế quá lâu:
- Mày là đồ khốn nạn thì có!
- Cái gì? - Ostap chạy bổ trở lại, nhưng cửa đã đóng sập và ổ khóa kêu tách một cái.
Ostap cúi xuống ổ khóa, cong bàn tay đưa lên miệng làm loa và nói rõ từng tiếng:
- Thuốc phiện đối với nhân dân. 1
Không thấy bên trong trả lời.
- Đức cha ơi, người là quân đốn mạt! - Ostap gào to.
Ngay lúc ấy từ trong ổ khóa, một cây bút chì phóng ra nhưng bị mắc kẹt ở đó; cha Fêđor định dùng đầu nhọn của cây bút để hạ thủ đối phương. Ostap tránh kịp và túm lấy một đầu cây bút. Hai kẻ thù bị cánh cửa ngăn cách, cố kéo cây bút chì về phía mình. Thắng lợi thuộc về tuổi trẻ, và cây bút từ từ chui ra bên ngoài như một cái dằm miễn cưỡng bứt khỏi da thịt. Ostap trở về phòng với món chiến lợi phẩm đó. Hai thành viên hợp đồng được mẻ cười thích thú.
- Kẻ thù đã phải rút lui, rút lui, rút lui!... Ostap nói như hát.
Hắn dùng dao nhíp, khắc một chữ tục lên thân cây bút, chạy ra hành lang nhét cây bút vào phòng qua lỗ khóa, rồi quay luôn về phòng mình.
Hai ông bạn mang năm tờ phiếu ra chỗ sáng và bắt đầu nghiên cứu thật kỹ, Ippolit nói.
- Tôi mua tấm thảm treo "Nàng chăn cừu" này tại một hiệu đồ cổ ở Mátxcơva đây.
- Vứt mẹ nó đi! - Ostap xé vụn tờ phiếu.
- Còn cái bàn tròn thì hình như...
- Đưa tờ phiếu cái bàn tròn cho tôi. Vứt cha nó đi cho khỏi bận mắt!
Còn hai tờ phiếu phân phối, một tờ ghi 10 chiếc ghế chuyển lên bảo tàng nghệ thuật đồ gỗ ở Mátxcơva, tờ kia ghi cấp một chiếc ghế cho đồng chí Gritsasuev ở Stargorot, phố Plekhanov, số nhà 15.
- Chuẩn bị tiền đi - Ostap nói - có lẽ phải đi Mátxcơva.
- Nhưng ở thành phố này cũng có một chiếc cơ mà.
- Xác xuất một trên mười. Toán học thuần túy. Biết đâu công dân Gritsasuev lại chẳng đem cái ghế đi nhóm bếp rồi.
- Anh đừng đùa kiểu ấy.
- Không sao, không sao, đồng chí thủ lĩnh công đoàn tự do Konđrat Karlovich Mikhelson ạ, chúng ta sẽ tìm thấy thôi! Sự nghiệp này thiêng liêng lắm! Chúng ta sẽ có tất len để đi và kem Margo để chén.
- Không hiểu sao tôi có cảm giác rằng kho báu phải để trong chính chiếc ghế ấy, - Ippolit nhận định.
- Ái chà chà! Ông có cảm giác à? Ông còn có cảm giác gì nữa nào? Không ư? Thôi được. Ta sẽ làm việc theo kiểu mác-xít, thực tế hơn. Hãy trả bầu trời cho loài chim, còn ta thì quay về với những chiếc ghế. Tôi đang nóng lòng muốn gặp đồng chí thương binh của cuộc chiến tranh đế quốc, công dân Gritsasuev, phố Plekhanov, nhà số 15. Ta đi ngay thôi, ông Mikhelson! Kế hoạch cụ thể sẽ vừa đi vừa bàn.
Ngang qua cửa phòng cha Fêđor, đứa con trai để bụng thù vặt của vị công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ còn đá vào cửa một cái thật mạnh. Từ bên trong vọng ra tiếng lẩm bẩm yếu ớt của đối thủ bị đầu độc.
- Chỉ ngại nó theo gót chúng mình! - Ippolit nói.
- Sau cuộc gặp gỡ giữa các ngài bộ trưởng trên thuyền buồm vừa rồi thì khó có sự tiếp xúc nào nữa. Nó sợ vãi đái ra rồi.
- Gần tối chúng mới quay về. Ippolit đăm chiêu. Ostap thì mặt mày rạng rỡ. Hắn diện đôi giày mới lắp đế cao su, đi đôi tất kẻ sọc kiểu bàn cờ, ô xanh cạnh ô đen, đầu đội chiếc mũ cát-két màu kem sữa, cổ quàng một chiếc khăn Rumani.
Ippolit phân vân khi nhớ lại lúc đến nhà góa phụ Gritsasueva:
- Ghế thì đúng nó rồi đấy. Nhưng làm cách nào bây giờ? Phải mua à?
- Chứ sao, đấy là chưa nói đến khoản chi phí hoàn toàn phi sản xuất đó, - Ostap trả lời - làm không khéo, dễ gây lời ong tiếng ve lắm.
- Vậy anh bảo phải làm thế nào?
Ostap sung sướng ngắm cái đế giày mới.
- Siêu mô-đéc đấy, - hắn nói - làm thế nào à? Khỏi lo, ông chủ tịch ơi, tôi nhận làm vụ này cho. Không một chiếc ghế nào có thể đứng vững trước đôi giày siêu mô-đéc này.
- Anh biết không, - Ippolit sôi nổi hẳn lên, - lúc anh nói chuyện với bà Gritsasueva về nạn lụt lội, tôi ngồi thử xuống cái ghế của chúng ta và, thú thật, tôi cảm thấy có cái gì cưng cứng ở dưới. Lạy chúa, đúng nó rồi... lạy chúa, tôi cảm thấy rõ ràng mà...
- Chớ có xúc động quá, ông Mikhelson.
- Đêm nay ta phải đánh cắp nó! Phải đánh cắp nó!
- Một vị đô thống quý tộc mà hành động nhỏ mọn quá. Vả lại ông nắm được kỹ thuật đánh cắp chưa nào? Trong va li của ông có chùm móc sắt mở các loại ổ khóa chứ? Xin ông vứt bỏ cái ý nghĩ ấy đi cho tôi nhờ! Lấy cắp đồ của một góa phụ nghèo! Sang trọng chưa?!
Ippolit Matveevich sực tỉnh.
- Thì tôi chỉ muốn công việc mau hoàn tất, - ông nói như van vỉ.
- Chỉ có lũ mèo mới đẻ nhanh thôi! - Ostap lên giọng dạy đời. - Tôi sẽ cưới mụ ta.
- Mụ nào?
- Mađam Gritsasueva.
- Để làm gì?
- Để khai phá chiếc ghế mà không gây chuyện om sòm.
- Nhưng như thế là anh gắn bó suốt đời với mụ ta hay sao?
- Vì lợi ích của bản hợp đồng này, phỏng còn tiếc nuối cái gì!
- Trời ơi, gắn bó suốt đời! - Ippolit rên rỉ.
Ippolit vung tay cực kỳ kinh ngạc. Cái miệng trên bộ mặt không râu ria của ông há ra, để lộ những chiếc răng màu xanh không được chải kể từ hôm rời thị trấn N.
- Gắn bó suốt đời! - Ippolit thì thầm! - Đây là một sự hy sinh lớn.
- Cuộc đời! Hy sinh! - Ostap nói. - Ông thì biết gì về cuộc đời và sự hy sinh? Ông tưởng rằng, nếu ông bị đuổi ra khỏi biệt thự, thì ông biết rõ cuộc đời ư? Và nếu người ta đưa về bảo tàng những cái lọ Tàu giả, thì đó là sự hy sinh chăng? Cuộc đời, thưa các vị bồi thẩm đáng kính, là một mớ phức tạp, nhưng thưa các vị bồi thẩm đáng kính, cái món phức tạp ấy lại dễ mở toang ra như ta mở tủ. Chỉ cần biết cách mở thôi. Kẻ nào không mở được, thì kẻ đó chết. Ông đã nghe chuyện ngài kỵ sĩ quý tộc đi làm thầy tu khổ hạnh chưa?
Ippolit chưa nghe chuyện ấy bao giờ.
- Ông chưa nghe tên Bulasov bao giờ sao? Người anh hùng của Pê-ter-burg quý tộc ấy mà? Vậy để tôi kể cho mà nghe.
Đoạn Ostap Benđer kể cho Ippolit Matveevich nghe câu chuyện mà đoạn mở đầu kỳ lạ của nó làm cả thành phố Pê-ter-burg xúc động, còn đoạn kết còn kỳ thú hơn của nó thì bị lẫn đi, không được ai để ý trong thời gian mấy năm vừa qua.
CHUYỆN KỴ SĨ QUÝ TỘC
ĐI LÀM THẦY TU KHỔ HẠNH
Đúng như lời kể của Ostap Benđer, ngài kỵ sĩ quý tộc tuấn kiệt, bá tước Aleksei Bularov, quả là người anh hùng của Pê-ter-burg quý tộc. Tên tuổi của anh chàng kỵ sĩ và tay ăn chơi khét tiếng ấy không ngớt được kể đi kể lại từ miệng những người sống trong các lâu đài tuyệt mỹ ở phố bờ sông Anglish và trên các cột báo thời ấy. Trên các tạp chí minh họa thường xuất hiện ảnh chụp chàng kỵ sĩ điển trai mặc chiếc áo blu-dông bằng lông cừu, có hai món tóc mai vắt vẻo và cái mũi ngắn đắc thắng.
Bá tước Bularov nổi tiếng là kẻ tham gia nhiều vụ đấu súng bí mật dẫn đến kết cục bi thảm, vô số khối tình công khai với những mađam kiều diễm nhất, khó tính nhất của giới thượng lưu, hàng loạt trò nghịch ngợm điên rồ quấy phá những nhân vật đáng kính trong xã hội, và là tác giả của những cuộc truy hoan thâu đêm suốt sáng, bao giờ cũng chấm dứt bằng trò đập phá chai ly.
Bá tước đẹp trai, trẻ trung, giàu sang, may mắn trong tình yêu, may mắn trong cờ bạc và trong việc thừa kế tài sản. Những người ruột thịt của bá tước bay lên thiên đàng đến nỗi tư sản của bá tước tăng lên vùn vụt tuy đã chất cao như núi.
Bá tước là người hết sức táo tợn, quả cảm. Chàng đã giúp hoàng đế Abisini trong cuộc chiến tranh của ông ta với Italia. Chàng ngồi dưới những ngôi sao sáng chói của sứ Abisini, mình khoác chiếc áo Ả-rập, mắt nhìn chiếc bản đồ địa hình trải rộng. Ánh đuốc bập bùng tạo thành những vệt đen di động chập chờn bên hai món tóc mai cong vút của chàng. Ngồi bên chân chàng là một người bạn mới - chú bé Vaska người Abisini.
Sau khi tiêu diệt quân đội của vua Italia, bá tước trở về Pê-ter-burg cùng với chú bé Vaska. Pê-ter-burg chào đón người anh hùng bằng hoa thơm và rượu sâm banh. Bá tước lại chìm đắm vào biển lạc thú vô tư, theo cách nói của giới quý phái thời ấy. Người ta lại tiếp tục bàn tán về chàng với thái độ thán phục gấp đôi, các thiếu phụ thi nhau giành giật chàng, cánh đàn ông ghen tị với chàng. Chiếc xe ngựa của bá tước thường phóng như bay trên đường phố Million, và đứng trên bậc xe bao giờ cũng là chú bé Abisini mà nước da đen nhánh và thân hình mảnh mai của chú luôn luôn làm sửng sốt khách bộ hành.
Rồi đột nhiên tất cả chấm dứt. Bá tước Bularov biến mất tăm. Nữ công tước Belorussko-Baltiskaia, tình nhân cuối cùng của chàng, trở nên rầu rĩ, không gì an ủi được. Sự kiện bá tước biến mất gây ra bao lời bàn tán. Báo chí đầy ắp những lời phỏng đoán. Các quan chức cảnh sát lúng túng, chạy nháo cả lên. Nhưng vô ích, không sao lần ra dấu vết ngài bá tước.
Khi chuyện om sòm đã lắng hẳn, thì có một bức thư từ hoang mạc Averkiev gửi về giải thích mọi sự. Chàng bá tước tuấn kiệt, người anh hùng của Pê-ter-burg quý tộc, Valtasar của thế kỷ XIX, đã nhập dòng tu khổ hạnh. Người ta truyền cho nhau những chi tiết rùng rợn. Người ta bảo ngài bá tước-thầy tu lê chiếc xiềng nặng bốn, năm chục ký, rằng một trang công tử quen dùng các món ăn Pháp tinh tế như chàng, nay chỉ sống bằng vỏ khoai tây. Lại hàng loạt phỏng đoán được tung ra. Người ta bảo bá tước nằm mê thấy bà mẹ quá cố hiện về.
Các thiếu phụ khóc than. Hàng dãy xe ngựa sang trọng đậu trước nhà nữ công tước Belorussko-Baltiskaia. Nữ công tước cùng với chồng tiếp khách khứa đến chia buồn. Lại có những tin đồn mới. Người ta chờ bá tước quay trở về. Người ta bảo đấy chỉ là tình trạng mất trí tạm thời do tôn giáo gây ra. Người thì bảo bá tước bỏ chạy để trốn nợ. Người thì bảo tất cả chỉ xuất phát từ một mối tình bất hạnh.
Thực ra, bá tước kỵ sĩ đi tu là để nhận thức cuộc sống. Chàng không quay trở lại. Dần dần người ta cũng quên chàng. Nữ công tước Belorussko-Baltiskaia đã kết bạn với một ca sĩ Italia, còn chú bé Vaska thì trở về tổ quốc Abisini của chú.
Tại tu viện, bá tước Aleksei Bularov đổi tên thành Evpl, đang dốc lòng dốc sức lập những công tích vĩ đại. Quả là chàng có đeo xiềng, nhưng chàng thấy như vậy vẫn chưa đủ để hiểu cuộc sống. Chàng liền phát minh cho mình một cái mũ tu sĩ đặc biệt, có lưỡi trai hẳn hoi, che gần kín mặt và một cái áo cà sa cứ quấn vào chân mỗi lúc bước đi. Chàng được tu viện trưởng cho phép ăn vận như vậy. Sau đó, vốn dòng kiêu hãnh, chàng lánh vào một khu rừng và bắt đầu sống trong một chiếc quan tài gỗ sồi.
Công tích của tu sĩ Evpl làm cho cả tu viện bái phục. Chàng chỉ ăn những miếng bánh khô mà cứ ba tháng người ta mới tiếp tế thêm một lần.
Hai mươi năm cứ thế trôi qua. Evpl cho rằng cuộc sống của mình rất chi sáng suốt, đúng đắn, và duy nhất đúng đắn. Cuộc sống của ông trở nên thanh thản lạ thường, và các ý nghĩ của ông cứ trong vắt như pha lê. Ông đã nhận thức rõ cuộc sống và hiểu rằng không thể sống khác được.
Một hôm, ông ngạc nhiên nhận ra rằng ở cái chỗ mà suốt hai chục năm nay ông vẫn quen lấy những cái bánh khô, bây giờ chẳng có gì hết. Bốn ngày liền ông bấm bụng nhịn đói. Sang ngày thứ năm có một cụ già ăn mặc rách rưới mà ông không hề quen mặt, đến gặp ông và báo tin rằng những người bôn-sê-vích đã đuổi các tu sĩ ra khỏi viện và lấy đó làm trụ sở nông trường quốc doanh. Sau khi để lại cho ông một ít bánh khô, lão già ra về, nước mắt nước mũi ròng ròng. Tu sĩ Evpl chưa hiểu lão già. Với những ý tưởng trong sáng và bình lặng, ông cứ nằm trong chiếc quan tài mà vui sướng nhận thức cuộc sống. Lão già nông dân thỉnh thoảng lại tiếp tế bánh khô cho ông.
Lại mấy năm nữa cứ thế trôi qua không làm bất cứ ai bận tâm.
Một hôm cửa lều mở toang ra, và mấy người khom lưng bước vào. Họ đến bên chiếc quan tài và lặng lẽ nhìn ông tu sĩ già. Đấy là những người vạm vỡ, đi ủng có đóng cá, mặc áo galifê và đeo những khẩu mô-de dắt trong bao gỗ được đánh vec-ni láng bóng. Tu sĩ nằm trong quan tài, đặt tay lên ngực, nhìn tốp người mới đến bằng cặp mắt sáng quắc. Bộ râu trắng dài phủ kín cả nửa chiếc quan tài. Tốp người lạ mặt nhún vai, lặng lẽ bỏ đi và còn cẩn thận khép lại cửa lều.
Thời gian trôi qua. Cuộc sống đã mở ra trước ông tu sĩ toàn bộ sự ngọt ngào của nó. Vào một đêm nọ nối tiếp cái ngày mà ông tu sĩ hiểu đến tột cùng rằng mọi thứ trong ý thức của mình đều sáng sủa, ông bỗng giật mình tỉnh giấc. Ông ngạc nhiên lắm. Có bao giờ ông thức giấc vào ban đêm đâu. Trong lúc đang nghĩ xem vì sao mình tỉnh giấc, ông lại thiếp đi, rồi lại tỉnh ra ngay vì cảm thấy cực kỳ ngứa ngáy ở sau lưng. Nhận thức rõ nguyên nhân sự ngứa ngáy ấy, ông cố thiếp đi, nhưng không được. Có cái gì đó cản trở ông. Ông thức luôn đến sáng. Đêm hôm sau lại bị con gì đó làm ông tỉnh giấc. Ông trằn trọc đến sáng, miệng khẽ rên và không để ý rằng hai tay ông phải gãi gãi nhè nhẹ. Ban ngày ông tình cờ nhòm kỹ chiếc quan tài. Bấy giờ ông đã hiểu tất cả: bốn góc chiếc giường cáu bẩn của ông lúc nhúc toàn rệp là rệp. Ông tu sĩ rùng mình ghê tởm.
Ngày hôm đó, lão già nông dân đem bánh khô đến tiếp tế. Và vị tu sĩ im lặng đã hai mươi lăm năm, nay phải lên tiếng. Ông xin người trần đem lại cho ông một ít dầu hôi. Nghe thấy tiếng nói của vị đạo sĩ câm lặng vĩ đại, lão già nông dân giật bắn cả người. Tuy nhiên lão vẫn mang chai dầu tới, tuy phải giấu giếm ngượng nghịu. Lão già vừa ra về, vị đạo sĩ run run tay rót dầu vào mọi kẽ ván của chiếc quan tài. Lần đầu tiên sau ba ngày qua, Evpl ngủ thiếp đi yên lành, không bị cái gì quấy phá. Những ngày sau ông cũng rót dầu vào quan tài. Nhưng hai tháng sau thì ông hiểu rằng không thể dùng dầu hôi để tống cổ lũ rệp đi. Đêm đêm, ông cứ phải trở mình luôn xoành xoạch và cầu kinh rất to, nhưng các bài kinh cầu nguyện còn kém tác dụng hơn cả dầu hôi.
Nửa năm trôi qua trong những sự hành hạ khó nói nên lời, trước khi vị đạo sĩ lại phải xin xỏ lão già một lần nữa. Yêu cầu thứ hai làm cho lão già sửng sốt hơn nữa: vị đạo sĩ nhờ ông ra thành phố mua loại thuốc bột "Aragat" chống rệp. Nhưng cả thuốc "Aragat" cũng vô hiệu. Rệp sinh sản nhanh lạ thường. Tấm thân cường tráng của đạo sĩ mà hai mươi lăm năm nhịn đói không thể quật ngã, nay sút cân trông thấy. Một cuộc sống tối tăm, tuyệt vọng bắt đầu. Đạo sĩ Evpl thấy chiếc quan tài trở nên gớm ghiếc và bất tiện. Ban đêm, theo lời khuyên của lão nông dân, ông đốt rệp bằng đóm. Rệp chết la liệt, nhưng vẫn không chịu đầu hàng.
Sau đó phải dùng đến loại thuốc cuối cùng là các sản phẩm hóa chất đặc biệt. Đó là một chất lỏng màu da cam có mùi đào thối nhãn hiệu "Klopin". Nhưng cũng chẳng kết quả gì. Tình hình càng xấu đi. Hai năm sau kề từ lúc bắt đầu cuộc vật lộn vĩ đại, đạo sĩ tình cờ nhận ra rằng ông đã hoàn toàn ngừng suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống, bởi vì suốt ngày đêm chỉ chuyên lo giết rệp.
Bấy giờ ông mới hiểu rằng mình đã lầm. Cuộc sống vẫn tăm tối và bí ẩn như hai mươi lăm năm về trước. Né tránh những nỗi lo toan trần tục đâu có được. Không thể nào xác thịt ở dưới đất, linh hồn lại bay bổng trên trời.
Thế là ông già đứng dậy, lanh lẹn chui ra khỏi lều, ông đứng giữa một cánh rừng xanh âm u. Đang là đầu mùa thu khô hanh. Ngay cạnh lều, từ lòng đất chồi lên cơ man nào là những cây nấm to tròn. Một con chim lạ đậu trên cành cây đang hót líu lo. Văng vẳng tiếng một đoàn tàu chạy qua. Đất rung rung. Cuộc sống đẹp quá. Ông già bước thẳng về phía trước, đầu không ngoảnh lại.
Hiện nay ông làm xà ích ở đoàn xe ngựa của sở công trình công cộng Mátxcơva.
Sau khi kể cho Ippolit Matveevich nghe câu chuyện có ý nghĩa giáo huấn cao cả đó, Ostap dùng tay áo vét lau chùi hai cái đế giày màu huyết dụ của mình, huýt sáo một điệu nhạc từ biệt và ra đi.
Gần sáng hắn mò về phòng, cởi giày, đặt nó lên mặt chiếc táp-dơ-nuy, xoa xoa vuốt vuốt mãi lớp da giày bóng bẩy và dịu dàng nói:
- Ôi, hai anh bạn bé bỏng của tôi.
- Anh đi đâu về thế? - Ippolit hỏi, giọng ngái ngủ.
- Đi thăm góa phụ, - Ostap đáp khẽ.
- Sao? - Ippolit nhỏm dậy - Và anh sẽ lấy chị ta chứ?
Cặp mắt Ostap ánh lên tinh quái.
- Bây giờ thì tôi phải cưới thật, cưới như một người có danh dự.
Ippolit thấy ngượng ngùng.
- Người phụ nữ ấm nóng là mơ ước của nhà thơ, - Ostap nói.
- Tính thẳng thắn của tỉnh lẻ. Trên trung ương, cái món cá nhiệt đới này đã không có từ lâu, nhưng ở vùng ngoại vi và các địa phương thì vẫn còn.
- Bao giờ làm lễ cưới?
- Ngày mốt. Mai không được! Mồng một tháng năm - tất cả đều nghỉ.
- Thế còn công việc của chúng mình? Anh lấy vợ, trong khi có lẽ chúng mình sẽ phải đi Mátxcơva.
- Thì có gì mà ông phải lo? Phiên họp vẫn tiếp tục như thường.
- Còn vợ?
- Vợ ư? Góa phụ kim cương ư? Vấn đề cuối cùng! Một chuyến công tác gấp theo giấy triệu tập của trung ương. Phải lên báo cáo ở Bộ Tiểu Dân Ủy. Cảnh chia tay và món gà luộc đem đi ăn đường. Ta sẽ khởi hành với đầy đủ tiện nghi. Thôi, ông cứ ngủ đi. Mai là ngày nghỉ của chúng ta.
Chú thích
1.Dựa theo danh ngôn: "Tôn giáo là thuốc phiện đối với nhân dân".